Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

20161104. BÀN VỀ 'SUY THOÁI'-'TỰ DIỄN BIẾN'-'TỰ CHUYỂN HÓA'

ĐIỂM BÁO MẠNG
NGHĨ VỀ 27 BIỂU HIỆN SUY THOÁI-TỰ DIỄN BIẾN , TỰ CHUYỂN HÓA
TRƯƠNG KHẮC TRÀ/ GD 3-11-2016
Biểu hiện suy thoái chất lượng cán bộ (Ảnh: vietnamnet.vn).
Nghị quyết 04/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30/10 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.   
Theo đó, Trung ương chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống, và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Theo như nhận diện những biểu hiện thì thực trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang ở mức nguy hiểm; bởi vì nó xuất hiện ở nhiều trạng thái, diễn ra ở mọi cấp độ, trong mọi hoạt động, mọi đối tượng, bất kể đó là “cấp thấp” hay “cấp cao”, không loại trừ chủ chốt hay không chủ chốt.
Có thể nói, đây là “bộ quy tắc” làm gương soi cho tất cả cán bộ, đảng viên, công chức; nhìn vào 27 biểu hiện thuộc 03 nhóm trên ít ai có thể “miễn dịch” 100%.
Nhưng đó cũng là lúc mà tất cả những người đang hưởng lương từ ngân sách, mang danh phận “công bộc”  làm việc trong những trụ sở nguy nga, lộng lẫy, ngồi trên những chiếc xe tiền tỷ, tiêu xài những đồng tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân, cần đối chiếu lại mình với những gì Nghị quyết đã nói.
Chỉ đơn cử như chuyện kê khai tài sản, có 1 triệu người kê khai nhưng không một ai thiếu trung thực [1], trong khi đó tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều cấp nhiều ngành, chưa có thuốc đặc trị.
Vậy, 55.000 tỷ đồng và 200 ha đất còn lại đi đâu về đâu? Có được thể hiện trong danh mục những tài sản kê khai?Trong 10 năm qua tham nhũng đã “thụt két” 60.000 tỷ nhưng chỉ thu hồi được 5.000 tỷ, “hô biến” 400 ha đất nhưng chỉ thu hồi được 1/2 trong số đó. [2]
Sự trung thực đến khó tin là vậy nhưng thỉnh thoảng báo chí lại phanh phui ở đâu đó “ông này”, “bà nọ” có dinh cơ nguy nga, đất đai bát ngát… trong khi đồng lương èo uột!
Nghị quyết chỉ rõ:
Vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”. [3]
Trong lịch sử hơn 70 năm thành lập nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, chưa bao giờ chứng kiến cảnh nở rộ nhân sự “cây nhà lá vườn” như những năm gần đây, nguy hiểm hơn rất nhiều trong số đó là những chức vụ lãnh đạo thông qua tấm khiên “đúng quy trình” nhưng khi vỡ lẽ thì sai phạm nối tiếp sai phạm.
Cố nhiên, nhân sự “cây nhà lá vườn” sẽ luôn luôn nói không với tinh thần phê và tự phê.Bên cạnh việc “tìm người nhà” thì sự bùng nổ biên chế làm cho ngân sách trả lương ngày càng khó khăn, mặc dù công tác nghiên cứu đánh giá và cảnh báo tình trạng thừa biên chế đã được đưa ra từ lâu nhưng tất cả vẫn “nhắm mắt đưa chân” tuyển dụng ào ạt để bây giờ công tác tinh giản gặp muôn vàn khó khăn.
Có phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.
Nhiệm kỳ trước, Quốc hội và dư luận từng bấm bụng cười buồn trước phát biểu của nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anhkhi được hỏi “đến bao giờ du lịch Việt Nam được như nước bạn (Lào và Campuchia)?”, ông đáp: “với câu hỏi này, tôi xin phép không dám trả lời, xin để Bộ trưởng nhiệm kỳ sau”. [4]
Hiển nhiên, công việc ở cấp quản lý vĩ mô luôn phải có tầm nhìn dài hạn, đôi lúc vắt qua một vài nhiệm kỳ, nhưng câu trả lời của vị nguyên Bộ trưởng làm nhiều người liên tưởng đến “tư duy nhiệm kỳ”.
Còn rất nhiều những điều trong Nghị quyết có thể minh họa bằng ví dụ thực tế là những bất cập, tiêu cực còn đầy rẫy trong hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhưng tất cả chỉ là bề nổi, có thể khắc phục với quyết tâm của Đảng và Chính phủ với sự giúp sức từ nhân dân.
Nhưng thiết nghĩ, nguy hiểm nhất vẫn là nhạt phai lý tưởng, ngày càng “bỏ quyên” chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bởi vậy, vấn đề “chủ nghĩa”, “tư tưởng” được thể hiện ngay đầu Nghị quyết.
Không gì nguy hiểm hơn khi Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng nhưng một bộ phận không nhỏ đảng viên dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng, nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Sẽ xây dựng xã hội chủ nghĩa như thế nào khi chúng ta nhận thức hạn chế về Triết học Mác với tư cách là nơi trang bị thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng, thiếu hiểu biết về Kinh tế chính trị Mác-Lênin với vai trò nghiên cứu các quy luật kinh tế và Chủ nghĩa xã hội khoa học, nơi cung cấp cho giai cấp công nhân phương pháp đấu tranh.
Việc đọc, hiểu, đi sâu nghiên cứu đã khó, thì làm sao áp dụng phương pháp luận biện chứng và tư duy lôgic theo tinh thần của Chủ nghĩa Mác hay là chúng ta đang nhân danh Mác để phá hoại lý luận?
Bác Hồ từng nói “học tập chủ nghĩa Mác là sống với nhau có lý có tình” toàn bộ ý tứ biện chứng pháp cho nhân sinh đều thể hiện trong câu nói này.
Vì thiếu tư duy biện chứng nên “siêu hình”, “duy tâm” thống trị dẫn đến những sai lầm trong công tác quản lý, đó là những biểu hiện như “thấy cây không thấy rừng”, nóng vội, chủ quan, không nắm vững quy luật vận động khách quan của tự nhiên và xã hội nên có những tác động mù quáng, mò mẫm và thô bạo dẫn đến thất bại.       
Ví dụ, sự phát triển của bất kỳ sự vật hiện tượng nào cũng phải chịu tác động của 3 quy luật, 6 cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật; có sự tích lũy về lượng dẫn đến thay đổi về chất, có đấu tranh giữa các mặt đối lập, đó là các vòng khâu phủ định biện chứng, trải qua từng nấc thang như “độ”, “điểm nút”, “bước nhảy”…
Nhận thức được lý luận này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong hoạt động thực tiễn.
Vì thiếu tư duy biện chứng, thiếu thực tiễn nên mới “đẻ” ra “lý luận suông” và “thực tiễn mù quáng”, xuất hiện những cá nhân coi quyền lợi của mình cao hơn lợi ích quốc gia dân tộc.
Quá trình đi lên xã hội chủ nghĩa cũng như đi trên một con đường chưa ai đi qua, điều đó đòi hỏi “người lữ hành” phải thông thạo về con đường mình sẽ đi, hiểu rõ về đoạn đường mình sẽ tới bằng cách nắm vững lý luận.
Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận Chủ nghĩa Mác là sản phẩm của văn minh Phương Tây, vậy nên công tác nghiên cứu học tập vô cùng cần thiết, nghiên cứu để rút ra những gì phù hợp với xã hội, con người Việt Nam, gạn lọc những gì không phù hợp để bổ sung hoàn thiện, việc học tập nâng cao trình độ lý luận có ý nghĩa như vậy.
Cách đây hàng thế kỷ, triết gia người Pháp, Renes Decartes đã từng nói: “con người hãy nhận thức chính mình”, sự nhận thức ở đây bao gồm cả phân định cái gì thuộc về mình và cái gì không thuộc về mình, về vị trí, vai trò của mình trong xã hội để mỗi hành động của từng cá nhân không phương hại đến ích lợi quốc gia, dân tộc.Mỗi quốc gia trên trái đất này muốn tồn tại, đều phải có triết lý riêng, có lý luận riêng cho con đường mình đang đi, lý luận dẫn đường giống như chiếc phao cứu sinh, sẽ chẳng đến đâu, thậm chí chết chìm nếu không duy trì được chiếc phao đó.
Nếu thấm nhuần chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lúc đó con người sẽ nhận thức chính mình, đạt đến trí huệ “buông bỏ”, tiết chế dục vọng tham lam, đó chính là con người xã hội chủ nghĩa.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://dantri.com.vn/chinh-tri/1-trieu-nguoi-ke-khai-tai-san-khong-truong-hop-nao-thieu-trung-thuc--20161028120504723.htm
[2] http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tham-nhung-60000-ty-thu-hoi-5000-ty-quy-trinh-rac-roi-3313910/
[4] http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/xem-lai-clip-tra-loi-chat-van-gay-cuoi-nghieng-nga-cua-bo-truong-hoang-tuan-anh-451484.vov
Trương Khắc Trà

THẾ NÀO LÀ  18 'SUY THOÁI' VÀ 9 'TỰ DIỄN BIẾN' ?

BBC/ BVN 4-11-2016

clip_image002
Bí thư Hà Giang, ông Triệu Tài Vinh (hàng hai, giữa TBT Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc), là người bị phê là có 'cả nhà làm quan'.
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vừa đưa con số cụ thể các dạng tư duy và hành vi mà ban lãnh đạo hiện nay cho là 'suy thoái' về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và biểu hiện của 'tự suy thoái' và 'tự diễn biến' trong nội bộ.
Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30/10, sau Hội nghị Trung ương 4 mô tả ba nhóm định nghĩa, mỗi nhóm gồm đúng chín điều.
Báo chí Việt Nam hôm 02/11/2016 trích văn bản này nói tổng cộng có 27 "biểu hiện suy thoái" nhưng không giải thích vì sao mỗi nhóm lại gồm đúng 9 định nghĩa mà không phải là ít hơn hoặc nhiều hơn.
Nhóm đầu tiên ghi rõ là "Chín biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị", nhấn mạnh đến tư duy ý thức hệ.
Điều đầu tiên là "Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh".
Tiếp sau là "Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ hoạ theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái".
Sau đó là 7 điều khác, gồm cả "lười học tập chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh", và "làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân"...
Các thói xấu trong dân gian như "nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng" cũng được đưa vào nhóm này.
Điều đáng chú ý là "nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu" cũng trở thành một mục cần né tránh, cảnh giác.
Trong dư luận Việt Nam nhiều năm qua có ý kiến một số lãnh đạo Đảng Cộng sản, Chính quyền sau khi về hưu thì phát biểu "gần dân" hơn và phê phán bộ máy mạnh hơn.
Nay hành vi này bị cho là một dạng "suy thoái".
clip_image003
Và có vẻ như Trung ương Đảng CSVN nhắc nhở cả các quan chức đương quyền khi đưa vào mục suy thoái số 8 nói về "tham vọng chức quyền", và số 9 nói về "tư duy nhiệm kỳ". HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES
"Tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo..." cũng được đặt vào mục này.
Nhiều báo Việt Nam đã đăng tải về các trường hợp "cả họ làm quan" như ở Hà Giang hoặc đưa con cái, thân quyến vào các chức vụ của chính quyền và bộ máy kinh tế.
Trong 9 điều về "suy thoái về đạo đức, lối sống" thì "tham ô, tham nhũng" chỉ đứng số 7, gần cuối, thấp hơn nhiều so với các mục nói về đạo đức thuần tuý như "cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi" (số 1), hoặc "gây mất đoàn kết nội bộ" (số 2).
Một số vấn đề dân sinh và tệ nạn xã hội như "đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan" được cho vào điểm số 9, nằm cuối cùng trong hạng mục suy thoái lối sống.
Sau 18 điều đã nêu thì đến 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ của chính Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khác với thời chiến tranh, có vẻ như hiện nay lo ngại 'tự vỡ' trong Đảng này lớn hơn các mối lo về đối lập chính trị hoặc kẻ thù bên ngoài.
Chẳng hạn "Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động... truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước", mà theo các điều luật khác thì thuộc tội phản quốc, lại chỉ đứng số 6.
Mục này thấp hơn hẳn so với các điều trừu tượng như "phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh" (số 1) và "phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa" (số 2).
Vận động và tổ chức chống Đảng cũng không quan trọng về hạng mục bằng việc "sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng" (số 4).
'Giành lại lòng tin'
Ngay từ giữa tháng 10/2016, báo chí chính thống ở Việt Nam đã nhất loạt đăng tải nhiều ý kiến trong giới quan chức nói về nhu cầu phải chống lại các biểu hiện "tự suy thoái" và "tự diễn biến" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra.
Mục tiêu chung là để "giành lại lòng tin của người dân" đối với Đảng Cộng sản và hệ thống chính trị.
clip_image004
Việc "hoài nghi, thiếu tin tưởng vào tư tưởng Hồ Chí Minh" được coi là thuộc biểu hiện suy thoái đầu tiên. HOANG DINH NAM/AFP/GETTY IMAGES
Chẳng hạn, trước Hội nghị Trung ương 4, ông Phạm Xuân Hằng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực để tạo lòng tin trong nhân dân, để dân thấy Đảng nói và đang làm".
Ông hối thúc "Phải quyết liệt, quyết liệt hơn nữa", theo trang VOV hôm 15/10.
Còn tạp chí Tuyên giáo của Đảng CSVN thì kêu gọi chủ động phòng và chống 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong bộ máy chính trị hiện hành.
Hiện chưa có nhiều đánh giá quốc tế về phong trào này tại Việt Nam nhưng một số điểm nêu ra ở trên trùng hợp với mục tiêu của công cuộc 'Đả hổ diệt ruồi' mà lãnh đạo Tập Cận Bình tung ra mấy năm qua ở Trung Quốc.
Theo học giả Cheng Li từ Viện Brookings thì chiến dịch chống tham nhũng và trừng phạt các quan chức có mục tiêu phục hồi niềm tin trong dân về tính chính danh cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (to restore public confidence in the Communist Party's mandate to rule).
Còn học giả phương Tây, ông Jonathan Fenby viết trên trang BBC lại cho rằng ông Tập Cận Bình chống tham nhũng còn vì mục tiêu kinh tế: phá tính độc quyền kiên cố của các nhóm lợi ích (entrenched vested interests) để thu hồi tiền bạc bị thất thoát và tái định hướng nguồn lực và tài chính quốc gia.
NGHỊ QUYẾT 'TỰ DIỄN BIẾN' CỦA ĐẢNG CSVN BẾ TẮC VỀ LÝ LUẬN ?
BBC/BVB 4-11-2016
Quy định về sở hữu đất là nguyên nhân của nhiều vụ va chạm ở Việt Nam.
Ngày 30/10/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành một nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đề cập tới việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện được mô tả là "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
BBC Tiếng Việt phỏng vấn Giáo sư Tương Lai từ TPHCM và Tiến sỹ Lê Đăng Doanh từ Hà Nội.
'Cơ thể chết'
Trước hết Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng, Viện Xã hội học Việt Nam nói việc đưa ra các khái niệm "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là điều mà ông gọi là sự "bế tắc về lý luận".
"Là một người nghiên cứu thì tôi nói ngay là khái niệm "tự diễn biến" là cực kỳ mơ hồ. Tôi cho rằng đây là sự hoang tưởng về ngôn từ.
"Vì sao? Chúng ta cũng biết là họ có cả một hội đồng l‎‎ý luận trung ương thì việc cho là "tự diễn biến" hay "tự chuyển hóa" mà sẽ đẩy tới suy sụp sự tồn vong của chế độ và của Đảng Cộng sản thì càng chứng tỏ đây là sự lú lẫn về l‎ý luận.
"Làm sao con người ta là không có tự diễn biến được," Giáo sư Tương Lai, thành viên nhóm tư vấn các thủ tướng Việt Nam là Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải từ 1990 đến 2006 nói.
"Nếu một cơ thể mà không tự chuyển biến, tự diễn biến, thì đó là một cơ thể chết. Xã hội cũng vậy, một xã hội muốn phát triển phải tự vận động và trong quá trình vận động đương nhiên phải có chuyển biến.
"Cái cũ bị cái mới thay thế, cái mới ra đời từ cái cũ, vân vân. Thì đấy là tự chuyển hóa, chuyển biến. Do đó đứng về mặt ngôn từ thì đó thể hiện là sự không chuẩn xác, bế tắc về lý luận.
'Đang kìm hãm'
Theo Giáo sư Tương Lai, điểm mà ông gọi là "tệ hại nhất trong đường lối lý luận" là ở phần nói các biểu hiện "tự diễn biến" và tự chuyển hóa bao gồm việc "Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", phát triển "xã hội dân sự". Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai."
"Trong thư ngỏ tôi đã gửi cho ông Nguyễn Phú Trọng tôi đã nói rõ rằng khi ông lên án "tam quyền phân lập" là ông đã đi ngược lại lịch sử.
"Tam quyền phân lập đâu phải là của tư sản, đó là thành tựu của nền văn minh. Có tam quyền phân lập đó thì mới có thể kiểm soát quyền lực được. Chứ không phải là cái khái niệm mà ông đưa ra là "nhốt quyền lực vào trong cái lồng", cái lồng của pháp luật ….
"Ai cũng hiểu rằng ba chân của cái kiềng cho sự phát triển văn minh, phụ trợ cho nhau để đẩy xã hội đi lên là kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Ở Việt Namcả ba thứ đó đều bị phủ định.
"Đó là các điểm cơ bản nhất đang kìm hãm xã hội này trong vòng trì trệ và đấy mới chính là ngọn nguồn đẩy tới sự sụp đổ của chế độ này," Giáo sư Tương Lai nói.
'Sở hữu toàn dân'
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh bày tỏ quan ngại về qui mô vận dụng nghị quyết này.
"Xã hội dân sự là tổ chức hiện nay rất phổ biến trên thế giới và cả ở Việt Nam nữa. Nhất nhiều tổ chức có sáng kiến chuyển hàng cứu trợ trong đó có MC Phan Anh quyên góp được rất nhiều tiền và tự mình mang tiền tới giúp vùng bị lũ lụt. Thế thì theo định nghĩa này thì không rõ ông Phan Anh có bị liệt vào diện "suy thoái" và "tự diễn biến" hay không.
"Tôi không rõ là 27 điều này [biểu hiện suy thoái và tự diễn biến] vận dụng chỉ cho Đảng viên hay cho toàn xã hội. Nếu vận dụng cho toàn xã hội thì phải có luật. Vì nếu không có luật thì không thể lấy nghị quyết này áp dụng cho những người không phải là Đảng viên.
Tiến sỹ Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương tại Hà Nội bày tỏ quan ngại về việc phủ nhận "chế độ sở hữu toàn dân về đất đai" là một biểu hiện của "suy thoái".
"Trong thư ngỏ mà 72 người k‎ý do ông nguyên Bộ trưởng Bộ tư pháp Nguyễn Đình Lộc chuyển giao thì chúng tôi có nêu lên việc xem xét lại mệnh đề đất đai là sở hữu toàn dân.
"Toàn dân không phải là một pháp nhân mà muốn quản lý thì cần phải có một pháp nhân cụ thể, chịu trách nhiệm cụ thể.
"Chúng ta thấy hiện nay có biết bao nhiêu vụ việc từ ông Đoàn Văn Vươn, cho tới gần đây là Đắk Nông, nếu chúng ta không giải quyết cái này với tinh thần cầu thị và sáng tạo thì chúng ta phải đối mặt với rất nhiều vụ khiếu kiện và không loại trừ khả năng sẽ có đổ máu trong thời gian tới.
"Chúng ta phải chấp nhận rằng đất đai có chủ sở hữu và muốn đi lấy đất của người ta vào mục đích gì đó thì phải tôn trọng chủ nhân đó chứ không thể thu hồi hay cưỡng chế với danh nghĩa đất đai là sở hữu toàn dân," Tiến sỹ Doanh nói.
Giáo sư Tương Lai cũng chia sẻ quan ngại về việc duy trì "chế độ sở hữu đất đai toàn dân".
Ông cho rằng đây là tâm điểm của mâu thuẫn giữa nhà cầm quyền với dân chúng và là điều mà ông gọi là "sự bế tắc không có lối thoát".
'Mẫu số chung'
Trả lời câu hỏi của BBC rằng đây là nghị quyết do Tổng Bí thư ký nhưng là nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tức là tiếng nói của đa số ủy viên ban này, Giáo sư Tương Lai giải thích về lý do cân nhắc biểu quyết.
"Tất nhiên biểu quyết thông qua là phải có đa số rồi. Tuy nhiên, người ta giơ tay biểu quyết, nhưng trong đầu người ta nghĩ thế nào lại là việc khác. Ngay cả một nhân vật như Võ Văn Kiệt vẫn còn bị khống chế, bị uy hiếp thì phải nói là thế lực bảo thủ, giáo điều nó ghê gớm như thế nào.
"Vì vậy nhiều ủy viên trung ương, thậm chí cả ủy viên Bộ Chính trị nữa không phải là họ đều đồng tình với cái nghị quyết này đâu. Nhưng tôi tin rằng đây chưa phải lúc họ bộc lộ đầy đủ ‎ ý kiến của họ ra.
"Đó là vì người ta có quá nhiều kinh nghiệm là lúc nào thì nói điều đó ra. Đó là chưa nói là ngoài ra thì họ cũng có một mẫu số chung là vấn đề lợi ích.
"Khi họ đã leo được vào Ban Chấp hành Trung ương rồi thì họ cũng có lợi ích duy trì bản thân chế độ hiện tồn. Có như vậy thì họ mới duy trì được việc sở hữu tài sản và cái mà họ đang có. Thì đó là sự ràng buộc khiến họ quá cân nhắc khi phải biểu quyết thế nào," Giáo sư Tương Lai nói.
Tiến sỹ Doanh cũng đặt câu hỏi về bình luận của Tổng Bí thư về nhu cầu phải "nhốt quyền lực vào trong một cái lồng giám sát".
"Cái lồng giám sát đó nó như thế nào, có công khai minh bạch, có sự tham gia của các tổ chức quần chúng hay không.
"Tôi nghĩ rằng có một khoảng cách rất xa từ những điều lý luận tới thực tế đang diễn ra. Điều đó có thể thấy trong thí dụ về chống tham nhũng. Chính ông Tổng Bí thư cũng nói rằng đây là vấn đề rất khó khăn, thậm chí ông còn nói đây là "ta đánh ta".
"Tham nhũng đã được coi là một nguyên nhân dẫn đến sự tồn vong của chế độ, tồn vong của Đảng thế mà vẫn nói rằng chống tham nhũng là ta đánh ta, tức là ta với nhau cả.
"Đấy là điều làm cho rất nhiều người hỏi và chúng tôi cũng không rõ diễn biến và kết quả chống tham nhũng sẽ đi tới đâu," Tiến sỹ Doanh nói.
Giáo sư Tương Lai phản đối việc phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là biểu hiện "tự chuyển hóa" hay "tự diễn biến".
"Trong nghị quyết cũng có cái gọi là nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Cựu Bộ trưởng Bộ KH & ĐT là ông Bùi Quang Vinh cũng từng nói là bảo là định hướng XHCN nhưng làm gì có cái đó mà định hướng.
"Ở trong nước nếu nói là kinh tế thị trường thì bảo là "tự diễn biến" và tự chuyển hóa", là "chống Đảng, chống chế độ" trong khi các ông to nhất đi gặp nguyên thủ quốc gia, hay tại các cuộc hội thảo quốc tế thì lại van xin người ta là hãy công nhận chúng tôi có nền kinh tế thị trường toàn vẹn. Thì đó là chuyện đáng xấu hổ.
"Trên thực tế thì cái định hướng đó đã đẩy đất nước Việt Nam tụt hậu xa so với các nước cùng xuất phát điểm so với Việt Nam vào năm 1975," Giáo sư Tương Lai nói.
(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét