Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

20160130.NGHĨ VỀ NHỮNG CON SỐ TỪ ĐẠI HỘI ĐẢNG 12

ĐIỂM BÁO MẠNG
BÀN VỀ CHỈ TIÊU
Bài của  GS NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 29/1/2016
Đại hội ĐCS VN12 thông qua các chỉ tiêu để thực hiện trong 5 năm tới. Có các chỉ tiêu định tính như xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, chống tham nhũng, mở rộng dân chủ, v.v. Có rất nhiều chỉ tiêu định lượng như tốc độ phát triển kinh tế 6,5 đến 7% mỗi năm, GDP năm 2000 là 3200 đến 3500 USD, bội chi ngân sách dưới 4%, giàm nghèo từ 1 đến 1,5% /năm, v.v…
Tôi chưa có dịp tìm hiểu xem chính phủ và đảng cầm quyền các nước thuộc nhóm G7 và nhiều nước dân chủ khác, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới có lập các chỉ tiêu định lượng không, nếu lập thì lập như thế nào, đại hội các đảng cầm quyền có thông qua hay không. Tôi biết được việc lập các chỉ tiêu định lượng cho mỗi kế hoạch 5 năm là sản phẩm của nền kinh tế kế hoạch hóa từ thời Liên Xô. Không biết nước Nga bây giờ có tiếp tục hay không. Tôi biết việc lập và thông qua các chỉ tiêu định lượng cho mỗi kế hoạch 5 năm của Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua, một việc làm mang lại lợi ít hại nhiều. Trước đây vài chục năm, khi theo dõi việc lập và thực hiện các kế hoạch kinh tế tôi đã từng nhận xét “Thà làm không có kế hoạch dài hạn, chỉ theo yêu cầu trước mắt, còn hơn là theo kế hoạch dài hạn sai lầm do những người duy ý chí vạch ra, do những người thiếu trách nhiệm thông qua, do người kém hiểu biết quyết định”.
Tôi cứ suy nghĩ, những chỉ tiêu định lượng nhất thiết phải gắn với nền kinh tế kế hoạch hóa còn với nền kinh tế thị trường thì có cần đặt ra chỉ tiêu cụ thể nữa hay không. Hay là việc phải đặt chỉ tiêu là do cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” bắt buộc phải thế.
Nói rằng phải đặt chỉ tiêu để có phương hướng phấn đấu, đó là mặt tích cực, nhưng muốn như vậy thì cái con số đưa ra phải là kết quả của những phép tính dựa vào toán tập hợp mờ chứ không phải những con số áng chừng theo ý chí. Không rõ những người đưa ra các chỉ tiêu như vậy, ngoài các con số thống kê với độ tin cậy thấp có còn dựa vào kết quả nghiên cứu nào khác hay không, chứ hơn 1.500 người đã biểu quyết thông qua thì chắc là mù tịt. Tôi dám cam đoan là nhiều người (kể cả tôi) không biết con số 38% đô thị hóa, 4% thất nghiệp, 90 và 95% dân được dùng nước sạch và nhiều con số khác đã được tính toán hay áng chừng như thế nào, mức độ chính xác, đáng tin cậy được bao nhiêu. Tôi nghĩ các đại biểu “quá dũng cảm” khi biểu quyết thông qua những chỉ tiêu mà mình không biết đầu cua tai nheo ở đâu cả.
Tôi thấy mặt trái, bất lợi của chỉ tiêu định lượng như sau:
1- Trong nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần thì Đảng đặt chỉ tiêu cho ai, phân bổ như thế nào, trong lúc đầu tư và phát triển đến đâu là quyền tự quyết của mỗi công ty.
2- Khi gặp khó khăn, chỉ tiêu có thể gây tâm lý lo lắng, tiêu cực, tạo ra việc làm dối, làm ẩu, thành tich dỏm, thống kê và báo cáo sai sự thật.
3- Khi gặp thuận lợi, chỉ tiêu có thể gây tâm lý thỏa mãn, hạn chế tích cực và sáng tạo vì đã đạt và vượt chỉ tiêu.
Trong các nước, các tập đoàn, các công ty, khi không lập chỉ tiêu thì họ làm việc như thế nào. Đơn giản là mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày… họ đều cố gắng làm việc và suy nghĩ để có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất có thể đạt đến. Thế rồi sau mỗi thời gian, làm thống kê một cách trung thực sẽ biết là tăng hay giảm bao nhiêu. Họ có so sánh nhưng là so sánh với cùng thời gian khác chứ không thấy so sánh với chỉ tiêu đề ra.
Mấy điều suy nghĩ, chắc chưa tránh khỏi sự nông cạn, nêu ra để bàn luận. Nếu các vị cao minh thấy chỗ nào nhầm lẫn xin được chỉ giáo.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
BỘ CHÍNH TRỊ KHÓA 12 CÓ GÌ MỚI ?
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ BT 27/12/2016
Tôi lại sắp làm phiền một số bạn khi trả lời câu hỏi trên, vì sẽ có một câu trả lời ... nhạy cảm. Thật tình, dù không muốn bị tẩy não, nhưng vẫn khó mà tránh được những bàn luận chung quanh những kết cục của đại hội XII của đảng CSVN. Một trong những kết cục đó là thành phần trong Bộ chính trị. Khi so sánh với BCT XI, tôi thấy BCT XII có hai cái mới liên quan đến phân bố vùng miền và trình độ học vấn.

BCT Khoá XII có 19 người, tăng 3 người so với BCT Khoá XI. Nhưng điểm đáng chú ý là nhìn vào danh sách thấy rất nhiều người miền Bắc. Thật vậy, trong số 19 người thì có đến 14 người (tức gần 3/4) là từ miền ngoài. Trong khi đó, BCT XI, có 9/16 (hay 56%) là người miền Bắc. Nói cách khác, tỉ lệ uỷ viên BCT XII từ miền Bắc tăng 31% so với BCT XI. Thật ra, sự phân bố trên cũng khá phù hợp với thực tế là 70% đảng viên là người miền Bắc (1).

Một dữ liệu khác cũng thú vị không kém là trình độ học vấn. Năm nay, BCT XII có đến 10 người (tức hơn phân nửa) có bằng tiến sĩ. Nhưng BCT XI chỉ có 7/16 là tiến sĩ. Như vậy, tỉ lệ uỷ viên tiến sĩ tăng 20%. Sẽ rất thú vị nếu có được con số uỷ viên TƯ đảng có bằng tiến sĩ, nhưng chưa biết con số này sẽ lấy từ đâu.

Càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng ngay cả BCT bên Tàu, nơi mà VN bắt chước, cũng có ít tiến sĩ hơn VN. Trong số 25 người trong BCT Tàu, chỉ có 5 người có bằng tiến sĩ (2).

Chẳng những số tiến sĩ áp đảo, mà con số giáo sư và phó giáo sư trong BCT XII cũng rất đáng nể. Có đến 6 người mang hàm GS/PGS: Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thiện Nhân, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ, và Tô Lâm. Chưa thấy nơi nào mà giới cầm quyền tối cao lại có nhiều người mang hàm giáo sư như ở VN.

Nếu người nước ngoài nhìn vào danh sách uỷ viên BCT và biết được trình độ học vấn của họ thì sẽ rất nể phục VN. Nếu nghĩ rằng trình độ học vấn có tương quan với phát triển kinh tế, thì có thể họ sẽ suy luận rằng VN là nước rất phát triển. Nhưng trong thực tế, VN là một nước nghèo và hay "ăn xin". Ăn xin nhiều đến nỗi giới ngoại giao nước ngoài hỏi chừng nào VN hết ăn xin (3). Thật ra, (nói vui một chút), ở VN có một sự tương quan cao giữa số quan chức có bằng tiến sĩ và vay/xin ODA: theo thời gian, con số tiến sĩ càng nhiều thì số tiền vay/xin ODA càng cao!

Nói tóm lại, BCT XII năm nay có đến 3/4 là người miền Bắc; và hơn phân nửa có bằng tiến sĩ, và trong số đó có 6 người mang hàm giáo sư.

===



(3) Theo ông Lê Đăng Doanh thuật lại trong một buổi báo cáo cho trung ương đảng với cách nói thẳng và không màu mè: "[…] Tôi xin báo cáo rất chân thành với các anh là ra đấy chỉ khổ tâm thôi. Nhiều thằng nó nói với tôi là chúng mày định ngửa tay đi ăn xin đến bao giờ nữa? Chúng mày là người thông minh, có học, về mặt nào đấy chúng mày không kém gì chúng tao cả... Tại sao chúng mày cứ ăn xin miết thế. Chúng mày giỏi thế mà chúng mày nghèo lâu đến như thế là thế nào? Chúng mày cứ đề ra cái mục tiêu là đến bao giờ chúng mày đừng có đi ăn xin nữa được không? Nó nói với tôi trắng trợn và thẳng lắm chứ, y nguyên như tôi nói với các anh chị." (http://www.wright.edu/~tdung/LeDangDoanh_02_11_2004.htm)

CỨ 3 ỦY VIÊN TƯ ĐẢNG CÓ 1 TIẾN SĨ!

Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ BT 28/1/2016

Hôm qua, tôi có đếm số thành viên trong Bộ chính trị (BCT) và chỉ ra rằng 3/4 là đến từ miền Bắc, và hơn phân nửa có bằng tiến sĩ. Hôm nay, một bạn đọc gửi một dữ liệu trong excel cho tôi gồm danh sách 180 uỷ viên trung ương đảng, và hỏi tôi "Chú thử phân tích xem có cho ra câu chuyện gì hay không?" Để đáp lại thịnh tình và sự tin tưởng của bạn đọc, tôi lại đếm và tìm ra câu chuyện để chia sẻ cùng các bạn.

Ban chấp hành (BCH) đảng có 180 uỷ viên chính thức. Thông tin mà bạn đọc thu thập cho từng uỷ viên là tên, năm sinh, vùng, và học vị. Vùng bao gồm Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Trung bộ, và Nam bộ. Học vị có 3 bậc chính: cử nhân (BS), thạc sĩ (MS), và tiến sĩ (PhD). Với dữ liệu như thế này thì thú thật cũng khó làm cho ra câu chuyện, nhưng tôi cũng cố gắng đặt vài câu hỏi hết sức căn bản: 

  • Có sự khác biệt về sự phân bố uỷ viên BCH theo vùng;
    • Tuổi tác của các uỷ viên BCH
    • Trình độ học vấn của BCH ra sao;
    • Uỷ viên vùng nào có tỉ lệ với bằng tiến sĩ cao nhất.
Cũng như phân bố trong Bộ chính trị, phần đông uỷ viên BCH Khoá XII cũng là người miền Bắc (Biểu đồ 1). Trong số 180 người, 81 (45%) là từ miền Bắc. Con số uỷ viên miền Bắc cao gần gấp 2 lần con số ủy viên miền Nam (42 người, hay 23%). Miền Nam Trung Bộ có 29 người, tương đương với số uỷ viên Bắc Trung Bộ (28 người).
Biểu đồ phân bố số uỷ viên trung ương đảng (n=180) theo vùng miền. Số uỷ viên miền Bắc chiếm 45% tổng số. Chú thích: South = Nam; North = Bắc; Central = Nam Trung Bộ; N Central = Bắc Trung Bộ.
Về độ tuổi, Biểu đồ 2 cho thấy khá lệch về phía trái. Nhưng điều này dễ hiểu vì qui định của đảng về độ tuổi để tham gia BCH. Nhưng có một giá trị "ngoại vi" (trên tuổi 70), và người đó chẳng ai khác hơn là ông Nguyễn Phú Trọng. Tính chung, tuổi trung bình là 54, với tuổi trẻ nhất là 39 (Nguyễn Xuân Anh và Nguyễn Thanh Nghị). 75% thành viên có tuổi dưới 57.
Biểu đồ về phân bố độ tuổi. Người cao tuổi nhất là 72 tuổi, và chẳng ai khác hơn đó là Nguyễn Phú Trọng.
Biểu đổ 3 cho thấy ngoại trừ vài giá trị có vẻ như "ngoại vi", không có sự khác biệt về tuổi tác giữa các vùng. Tuổi trung bình (median) của 3 vùng Bắc, Trung, và Nam đều là 55; chỉ có vùng Bắc Trung bộ có tuổi trung bình là 56. Tuy nhiên, sự khác biệt này có lẽ chỉ là "ngẫu nhiên", (vì không có ý nghĩa thống kê).
Biểu đồ mô tả phân bố độ tuổi của uỷ viên TƯ đảng theo vùng. Mỗi violin có một cái hộp, và đường giữa cái hộp là thể hiện số trung vị, còn đường dưới và trên số trung vị là bách phân vị 25% và 75%.
Về trình độ học vấn, một điều kinh ngạc là khá nhiều uỷ viên có học vị tiến sĩ! Thật vậy, 61 người (34%) có bằng tiến sĩ, và con số này cao hơn con số uỷ viên có bằng thạc sĩ (49 người, 27%) hay số có bằng cử nhân (50, 28%). Có 20 người không rõ bằng cấp là gì, và phần lớn những người này là trong quân đội.
Biểu đồ về phân bố trình độ học vấn của 180 uỷ viên TƯ đảng khoá 12. Chú thích: NA = không rõ bằng cấp; BS = cử nhân; MS = cao học / thạc sĩ; PhD = tiến sĩ. Có 61 người (34%) có bằng tiến sĩ.
Tuy nhiên, trình độ học vấn có vẻ khác biệt giữa các vùng. Nếu lấy tỉ lệ uỷ viên có bằng tiến sĩ, thì miền Trung là vùng có học cao nhất. Thật vậy, 46% (hay 13/28) uỷ viên miền Bắc Trung Bộ, và 41% (12/29) uỷ viên miền Nam Trung bộ có bằng tiến sĩ. Tỉ lệ uỷ viên BCH miền Bắc là 33% (27/81). Miền Nam có học vấn thấp nhất, với 21% (9/42) người có bằng tiến sĩ (Biểu đồ 4).
Biểu đồ mô tả tỉ lệ uỷ viên TƯ đảng có bằng tiến sĩ theo vùng. Chú thích: South = Nam; North = Bắc; Central = Nam Trung Bộ; N Central = Bắc Trung Bộ.
Thấy gì qua những con số trên? Phải nói rằng phân bố về trình độ học vấn ở BCH rất quái đản. Thông thường, chúng ta biết rằng phân bố trình độ học vấn theo hình tháp: số tiến sĩ là ít nhất, số thạc sĩ cao hơn tiến sĩ, và số cử nhân cao hơn thạc sĩ. Nhưng trong 180 người uỷ viên BCH thì nó ngược lại: số người có bằng tiến sĩ cao hơn số người có bằng cử nhân và thạc sĩ! Đó là một hiện tượng kì quái, rất hiếm thấy ở các xã hội tiên tiến và có nền giáo dục đàng hoàng.
Con số hơn 1/3 uỷ viên TƯ đảng có bằng tiến sĩ có thể, tuỳ theo cá nhân, hiểu nhiều cách khác nhau, nhưng tôi nghĩ nó phản ảnh một sự thành công bước đầu trong chủ trương “tiến sĩ hoá” guồng máy đảng và chính quyền. Chúng ta còn nhớ một vị quan chức Hà Nội tuyên bố rằng đến năm 2012 sẽ có 50% công chức khối chính quyền Hà Nội có bằng tiến sĩ, và đến năm 2020, 100% những người quản lí sẽ có bằng tiến sĩ. Ông này còn tuyên bố rằng phải có bằng tiến sĩ mới “đột phá tư duy”. Do đó, tôi nghĩ con số 1/3 uỷ viên TƯ đảng có bằng tiến sĩ chính là một “thành tựu” của chủ trương này.
Con số trên cũng có thể nói lên rằng văn bằng tiến sĩ chỉ là tấm giấy thông hành đế thăng quan tiến chức. Thật vậy, có thời (và cho đến nay), VN có qui định làm quan chức cỡ nào thì cần phải có bằng tiến sĩ. Tôi đoán là trong đảng cũng thế, cái bằng tiến sĩ là một “leverage” để đương sự có một thế cạnh tranh tốt hơn đồng môn. Giữa hai người có cùng các phẩm chất khác, thì người có bằng tiến sĩ thường được đánh giá cao hơn người không có bằng tiến sĩ. Có lẽ chính vì thế mà sự hiện diện của các tiến sĩ trong uỷ viên trung ương đảng cao đến bất thường như thế.
Tóm lại, các uỷ viên miền Bắc chiếm ưu thế trong BCH đảng CSVN Khoá XII, với tỉ trọng cao gần gấp 2 lần so với con số uỷ viên miền Nam. Một điều đáng kinh ngạc là một phần ba uỷ viên BCH có bằng tiến sĩ, nhưng tỉ lệ này cao nhất ở các uỷ viên miền Trung. Con số tiến sĩ trong TƯ đảng cũng nói lên một sự khủng hoảng và mất định hướng về học vị tiến sĩ ở Việt Nam.
====
PS: Xin chân thành cám ơn VHB đã gửi dữ liệu cho tôi. Tôi hiểu để có dữ liệu này, em ấy phải bỏ ra hàng giờ để sưu tầm. Tôi phải “clean” vài chỗ để có thể phân tích thành một câu chuyện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét