Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

20160123. BÀN VỀ ĐỔI MỚI LẦN HAI

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐỔI MỚI LẦN HAI: YÊU CẦU CỦA CUỘC SỐNG
Tổng hợp THƯỢNG TÙNG /NĐT 19-21/1/2016
LTS: Bước vào năm 2016 là vừa tròn 30 năm kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách Đổi mới trong bối cảnh nền kinh tế chênh vênh bên bờ vực. Ba thập niên là quãng thời gian đủ dài để nhìn lại một cách sòng phẳng những thành công và thất bại của Đổi mới trên nhiều bình diện, rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời mạnh dạn đề xuất những ý kiến đóng góp thẳng thắn vì mục tiêu phát triển đất nước. Với tâm thế đó, Người Đô Thị tổ chức Tọa đàm Mùa xuân với sự góp mặt của các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu văn hóa - xã hội và doanh nhân ở cả khu vực tư lẫn khu vực công.
Mất đà
 Nhận xét những thành tựu Đổi mới đã được Đảng đề cập đầy đủ, không thể nói thêm, TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP), tập trung vào “những góc khuất chưa được bàn nhiều”. Nhấn mạnh nên đặt vấn đề một cách đầy đủ, ông cho rằng mất mát lớn nhất là tinh thần và ý chí Đổi mới ra đi rất sớm sau năm 1986, còn đến nửa cuối thập niên 2000 thì về cơ bản không còn nữa. Nếu như trước năm 1986 và cho đến thập niên 1990, những quyết sách của các nhà lãnh đạo đất nước có thể đúng hoặc sai nhưng thường không bị chi phối bởi lợi ích cá nhân hay phe cánh, trái lại đều xuất phát từ thái độ chân thành. Bằng sự chính trực ấy, những sai lầm của nền kinh tế tích tụ trong một thập niên kể từ 1975 được thế hệ lãnh đạo sửa sai với tinh thần cầu thị.
 Đấy cũng chính là khác biệt cơ bản so với những năm gần đây.
Không có được ý chí sửa sai ấy, nền kinh tế bắt đầu bộc lộ hàng loạt trục trặc từ 2008. Hô hào tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, khu vực ngân hàng, đầu tư công... thực ra chỉ có tính hình thức, là cách “mua thời gian”, đẩy những trục trặc về tương lai. Phần vì tư duy nhiệm kỳ, phần khác là cải cách đòi hỏi nỗ lực rất lớn, thậm chí phải trả giá bằng sinh mệnh chính trị. “Cải cách đúng chưa chắc được hưởng, nhưng nếu sai thì người thực hiện phải chịu trách nhiệm”, ông Tự Anh nhận định lực cản đáng kể với mọi nỗ lực cải cách đích thực.
Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân 6,7%/năm trong suốt ba thập niên, nhờ cải cách nội địa và hội nhập kinh tế quốc tế mà ông Tự Anh ví như hai cánh chim của nền kinh tế. Ở khía cạnh thứ nhất, cải cách trong nước khởi đầu có phần rụt rè (1986) trước khi được thực hiện quyết đoán hơn từ năm 1989 và nâng lên một bước quan trọng vào năm 1991 với sự thừa nhận “nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Ở khía cạnh hội nhập, Việt Nam tỏ ra rất tích cực với những hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Thế nhưng từ BTA qua WTO và cho đến TPP, những đoàn đàm phán đều thiếu hậu phương, tức là thiếu sự hậu thuẫn của các bộ ban ngành cũng như các địa phương. Nói cách khác là chúng ta hội nhập nhưng không thực hiện đồng bộ cải cách trong nước. Đây cũng chính là sự khác biệt giữa BTA và WTO (2007). Cùng với sự hứng khởi ở cả trong và ngoài nước từ việc Việt Nam gia nhập WTO là 9 tỉ USD đầu tư nước ngoài chảy vào. Không trung hòa được dòng vốn nóng này khiến lạm phát tăng, đạt đỉnh 28% vào tháng 8.2008. “Tôi ngờ rằng kịch bản tương tự cũng sẽ lặp lại với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, rồi TPP. Thiếu hỗ trợ của một Nhà nước kiến tạo phát triển không chỉ làm những cơ hội mà hội nhập, toàn cầu hóa mang lại trôi qua, mà còn gia tăng áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp Việt Nam ngay tại sân nhà” - ông Tự Anh nói.Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Luật Doanh nghiệp ra đời (1999), lần đầu tiên công nhận quyền tự do kinh doanh của người dân, nhờ đó đánh thức tinh thần doanh nhân khiến chúng ta tận dụng được nhiều cơ hội tạo ra từ Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) ký kết năm 2001. Nền kinh tế trải qua chu kỳ thăng hoa. Khi Thủ tướng Phan Văn Khải rời nhiệm sở năm 2006, các biến số vĩ mô của Việt Nam đều khá lý tưởng. Tăng trưởng cao nhất (8,2%), nợ công rất thấp, lạm phát chỉ khoảng 7%, thâm hụt ngân sách chưa đến 3%... Dù khu vực doanh nghiệp Nhà nước còn kém hiệu quả và tham nhũng nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng nhờ lực đẩy của khu vực dân doanh.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nguồn lực kinh tế hữu hạn phân bổ không hiệu quả là sự thao túng của các nhóm lợi ích bất chính. Cũng chính nó là tiền thân của bẫy thu nhập trung bình, theo chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng. “Lợi ích nhóm hình thành đến một mức độ nào đó thì tất cả chính sách đưa ra không nhằm vào lợi ích quốc gia, mà phục vụ cho nó, tước đoạt cơ hội phát triển của kinh tế đất nước”, ông Dưỡng nhận xét.
Chia sẻ suy tư với người đồng nghiệp ở FETP, PGS-TS. Phạm Duy Nghĩa, bình luận “trước và sau bẫy thu nhập trung bình có thể gọi là bẫy thể chế” của một giai tầng thống soái tất cả nguồn lực đất nước, dùng thể chế Nhà nước củng cố quyền lực và bóc lột số còn lại. “Tiếp cận từ góc độ khoảng cách giàu nghèo ngày càng doãng rộng thì Đổi mới chưa thành công lắm”, ông Nghĩa nói.
Văn hóa - giáo dục: những tiếng kêu thảng thốt
Nếu như tăng trưởng kinh tế trong ba thập niên có lúc thăng lúc giáng thì bao trùm lên bức tranh văn hóa - giáo dục nước nhà là một gam màu ảm đạm. Đây cũng là hai khía cạnh gần gũi với TS. Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.
Thiếu thốn vật chất là di sản của hàng chục năm chiến tranh và một thập niên kinh tế bao cấp. Thành quả mang lại sau khoảng 15-20 năm Đổi mới tạo ra tâm lý bằng lòng với vật chất. “Dường như thể chế cũng cổ súy công dân theo đuổi vật chất, vốn được xếp ở tầng dưới cùng trong tháp nhu cầu Maslow (một nhà tâm lý học người Mỹ - NV)”, bà Hậu nói. Nhu cầu giá trị tinh thần, cao hơn là tư tưởng chưa được quan tâm. Giáo dục mới dừng lại ở việc chuyển giao kiến thức, không khuyến khích nhào nặn nó trở thành tri thức tự giác. Ý thức tự giác, theo một nghĩa nào đấy, chính là tinh thần dân chủ.Từ góc độ văn hóa lịch sử, bà Hậu thắc mắc việc “nước nông nghiệp định hướng công nghiệp hóa mà không phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp”. Thu hồi ruộng đất tràn lan để phát triển ồ ạt các khu công nghiệp biến nông dân thành những người làm thuê. Trình độ học vấn hạn chế, thiếu hiểu biết và ý thức luật pháp khiến họ dễ phản ứng bột phát, thậm chí trái luật khi quyền lợi bị xâm hại.
ó phần bi quan hơn cả TS. Nguyễn Thị Hậu, PGS-TS. Nguyễn Minh Hòa - Trưởng khoa Đô thị học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM - cho biết nhiều đồng nghiệp của ông còn không có cảm hứng nghiên cứu. Học trò của ông cũng vậy, nhiều người không còn ham học, ham nghiên cứu và ham đọc sách nữa. Theo ông, cần đề cao vai trò tạo cảm hứng của người đứng đầu. Người đứng đầu phải có khả năng tạo cảm hứng để từ đó có niềm tin cho cả đội ngũ, “Không có niềm tin, chúng ta không thể cầm tay nhau để đi đến đâu hết”, ông Hòa nói.Thang đo vật chất còn được áp dụng trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Người ta thường bằng lòng với những cái trước mắt, có thể cầm nắm sờ mó được. Còn khoa học xã hội nhân văn bị xếp vào nhóm viển vông. Bà Hậu dẫn chứng: “Thời kỳ còn làm việc ở viện, chúng tôi đề xuất nghiên cứu về người già, thành phố bác bỏ vì đang ở trong thời kỳ dân số vàng. Đề tài về bảo hiểm xã hội cũng vậy, bị xem là nói chuyện đâu đâu”.
Ông Hòa cho rằng công cuộc Đổi mới không đi đến được đích trọn vẹn vì gặp quá nhiều lực cản, mà điều nguy hiểm nhất là những lực cản này sinh ra từ ngay trong hệ thống. Những lực cản gồm: tham nhũng tràn lan và phổ biến ở mọi nơi mọi cấp; nhóm lợi ích cực đoan (cùng hội cùng thuyền, cùng cánh, gia đình dòng họ, cùng ngành, cùng địa phương...) kết hợp lũng đoạn quyền lực giữa quan chức và giới chủ. Hệ thống này có khả năng cảnh báo nhưng lại không có khả năng phát hiện và tiêu diệt. Hệ thống XHCN và Liên bang Xô viết tan rã không phải vì có ai đâm sau lưng mà nó tự tan rã do lỗi của hệ thống. Đổi mới lần hai (nếu có) thì phải thực hiện sứ mệnh của dân tộc là quyết liệt tẩy bỏ những lực cản này. 
"Đổi mới bắt đầu từ phong trào xé rào năm 1980, 1981 được ông Võ Văn Kiệt khuyến khích thực ra là lượm lặt những thứ chưa hư nát ra xài. Thế rồi mới có thời gian nghiền ngẫm, nhận ra cơ chế bao cấp không phát triển được, nên phải ra nghị quyết đổi mới tư duy kinh tế (1986), từng bước chấp nhận kinh tế thị trường. Tôi đồng ý kinh tế thị trường tạo ra sức mạnh trong 10 năm tiếp theo kể từ năm 1985. Mười năm kế tiếp thừa hưởng động lực đó bởi cải cách từ bên trên không lớn lắm đâu. Tôi cũng không biết động lực cải cách “tắt máy” từ lúc nào mà trì kéo nền kinh tế đến tận bây giờ!” - chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng chia sẻ nỗi niềm.

Nỗi buồn chiến tranh
Đây là tựa cuốn tiểu thuyết của nhà văn Bảo Ninh được trao giải A năm 1991 sau khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố “cởi trói” cho giới văn nghệ. “Thế nhưng chính những người bỏ phiếu cho Bảo Ninh sau đó lại tự phê phán mình, tự cho rằng mình sai lầm” - nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn xác nhận. Được tiếng là đi đầu “đổi mới” nhưng cũng chính giới văn nghệ sớm quay đầu. Đổi mới nhưng không được phủ định quá khứ cũng giống như vừa uống vừa để dành ly sữa, làm sao có nổi? Bày tỏ sự đồng tình với “hội chứng mất hứng” của ông Hòa, ông Nhàn thừa nhận nhiều đồng nghiệp của ông sau khi trở về từ chiến trường đánh mất lý tưởng cũng như không còn khao khát sáng tác. Nhiều người viết theo đơn đặt hàng của nhà nước, vừa an toàn, vừa dễ có giải thưởng, mang lại danh tiếng và tiền bạc. Hoặc viết để chiều chuộng thị hiếu công chúng. Lớp trẻ bơ vơ không có thực lực cũng đành đi theo lối mòn của các bậc đàn anh. Theo ông Nhàn, khi chỉ lo kiếm sống, khách quan mà nhìn, hóa ra giới văn nghệ hiện nay quan liêu, xa lạ với hiện thực cuộc sống. Và trong khi vẫn tuyên bố tích cực đổi mới, họ không đi vào tìm hiểu Đổi mới ở tận bề sâu của nó, không dùng ngòi bút tham gia vào quá trình đổi mới đang vận động đầy khó khăn và bất trắc.
 
Từ góc độ lịch sử, ông Nhàn đặt vấn đề phải đặt quá trình đổi mới như một giai đoạn hậu chiến từng diễn ra trong lịch sử dân tộc sau khi chống quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh. Và hãy xem giai đoạn lịch sử hiện nay như những bước đi bập bõm trên con đường hiện đại hóa. Có thể bảo đây chính là giai đoạn hiện đại hóa lần thứ hai, tiếp bước giai đoạn dân tộc hiện đại hóa lần một vào đầu thế kỷ XX dưới sự hướng dẫn của người Pháp. Cho rằng chúng ta không có sự tự nhận thức đầy đủ vấn đề này, nên theo ông, nhiều người không biết dân tộc ta đang ở trong giai đoạn nào trong lịch sử. Ông dẫn chứng: “Ghé thăm Bảo tàng Nam Định, tôi chỉ thấy họ trưng bày những hiện vật Nam Định thời kỳ phong kiến và giai đoạn sau 1945, trắng trơn giai đoạn người Pháp đô hộ, tức là quản lý đất nước theo những quy luật của thế giới hiện đại. Đây không phải là kiểu tư duy riêng của Nam Định, đây có lẽ là kiểu tư duy của cả nước! Chủ quan và kiêu căng như vậy thì làm sao hiểu được hướng đi cho xã hội hiện nay”.
Trải qua mấy thập niên chiến tranh, đến nay ta vẫn chưa làm được một cuộc tổng kết sòng phẳng. Không biết rõ và biết hết chiến tranh để lại cho chúng ta những gì. Sau chiến tranh, người ta không nghĩ rằng mình phải làm khác chiến tranh. Nhờ Đổi mới mà xã hội được cởi trói. Nhưng sau một thời gian dài bị giam hãm trong thể chế quân sự hóa, người ta không biết mình đang trong trạng thái như thế nào, không biết đi đâu, chỉ hành động theo thói quen và chỉ có những hình dung rất chung chung và rất cổ lỗ về tương lai.
Tuổi trẻ Cuối tuần hôm 27.12.2015 dẫn lời một ông thứ trưởng rằng nếu chúng ta đi mà không biết đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến thì không bền vững. Chúng ta không chịu chấp nhận rằng mình khủng hoảng về quan niệm.
Thời bao cấp trước Ðổi mới: xếp hàng, chợ trời, tem phiếu...  Ảnh T.L
Góc nhìn hậu chiến của ông Nhàn như vô tình đụng đến nỗi đau âm ỉ trong tâm can ông Dưỡng. Quay lại với tọa đàm, ông nói một mạch như giãi bày những chất chứa chua xót trong lòng: “Tôi rất nhất trí với anh Nhàn rằng hậu quả chiến tranh không chỉ là làng mạc điêu tàn, thành phố đổ nát, chết người, què giò cụt tay... Tác động của chiến tranh vào tâm hồn của con người rất ghê gớm, không biết bao giờ mới giải quyết được. Tôi cứ nghĩ hoài tại sao thời thịnh trị của Việt Nam quá ngắn. Cứ tự chủ được một thời gian rồi lại tự mình làm mất nước. Có lẽ vì mình chia lịch sử theo mốc không đúng. Chiến thắng xong là mặc định hòa bình mà không biết rằng hậu quả chiến tranh có thể kéo dài một, hai thế hệ. Kẻ thù vật lý bị đánh đuổi nhưng vẫn còn lưu lại trong tâm tưởng. Cho nên mình có những thái độ khác, chọn con đường sai, tự làm yếu mình.
Bật lên một que diêm
Chúng ta không dám thừa nhận thời đoạn 10 năm sau 1975 bộ máy kinh tế đất nước bị đập nát. Cỗ máy kinh tế miền Bắc không lớn lắm, chủ yếu dựa vào viện trợ, nên khó thấy. Còn ở miền Nam đã hình thành một hệ thống kinh tế thị trường. Mình chỉ thấy bộ máy ấy do kẻ thù sử dụng nên mình căm thù, mình nghiền nát bằng cách thực hiện chính sách cải tạo. Tôi không phê phán chuyên chính vô sản vì nó là một công cụ giành chính quyền, dùng dao cũng được, dùng súng cũng được. Nhưng khi giành được chính quyền mà anh vẫn dùng cái công cụ đó vào xã hội ta mới làm chủ thì đấy là tai họa. Mười năm vác đá ghè chân mình nhưng may mà không chết hẳn, người vác đá cũng mỏi, đói nữa nên tỉnh ra, thay đổi thái độ. Đi bươi, đi móc trong đống đổ nát (hệ thống kinh tế thị trường) xem cái gì còn xài được thì sử dụng để có ăn. Đổi mới bắt đầu từ phong trào xé rào năm 1980, 1981 được ông Võ Văn Kiệt khuyến khích thực ra là lượm lặt những thứ chưa hư nát ra xài. Thế rồi mới có thời gian nghiền ngẫm, nhận ra cơ chế bao cấp không phát triển được, nên phải ra nghị quyết đổi mới tư duy kinh tế (1986), từng bước chấp nhận kinh tế thị trường. Tôi đồng ý kinh tế thị trường tạo ra sức mạnh trong 10 năm tiếp theo kể từ năm 1985. Mười năm kế tiếp thừa hưởng động lực đó bởi cải cách từ bên trên không lớn lắm đâu. Tôi cũng không biết động lực cải cách “tắt máy” từ lúc nào mà trì kéo nền kinh tế đến tận bây giờ!”.
Chị Đỗ Thị Thúy Hằng là người trẻ nhất trong số khách mời. Sau 9 năm học tập và làm việc tại Hoa Kỳ, chị quay về Việt Nam điều hành một công ty cung cấp dịch vụ đặt phòng khách sạn trực tuyến trước khi gia nhập Seedcom, một tập đoàn mới thành lập đầu tư và vận hành các công ty trong mảng công nghệ, bán lẻ và nông nghiệp - một ngành mà chị Hằng thừa nhận “từ bé chưa bao giờ nghĩ tới”.
Đô thị mang những "khuôn mặt" mới, khang trang và diễm lệ. Ảnh: IPC
Năm qua, nông nghiệp là một trong những ngành thu hút nhiều nhất sự quan tâm của giới đầu tư, từ các đại gia cho đến những bạn trẻ ấp ủ khát vọng khởi nghiệp. Nông nghiệp hấp dẫn bởi nó có lẽ là ngành duy nhất ít nhiều còn lợi thế cạnh tranh so với phần còn lại của thế giới. “Không ai chọn được cha mẹ, chọn được quê hương. Câu hỏi thường trực là làm thế nào có động lực để làm việc. Khoanh tay chờ đợi sự thay đổi là một cách tiếp cận sai. Chúng tôi vẫn nói với nhau rằng mọi sự là tại mình, do mình trước. Hãy thường xuyên trau dồi tri thức, đạo đức làm việc để làm tốt công việc của mình” - chị Hằng xác định.
Tâm thế của cô gái trẻ khiến không khí nhẹ bớt. Tỏ rõ sự tán thưởng, ông Lê Bá Thông - Tổng giám đốc TTT Corporation - thừa nhận “lâu nay thường né những cuộc gặp gỡ thế này vì dễ gây mất hứng” trong khi công việc đòi hỏi ông phải tạo cảm hứng cho đồng nghiệp. Gõ tay xuống bàn hội thảo do TTT sản xuất, ông Thông hãnh diện không thua kém các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Dẫn trường hợp Công ty Hòa Bình trúng thầu dự án 86 tầng, TTT được chỉ định thi công nội thất nhà Quốc hội mà không phải chung chi... ông Thông khẳng định ngành thiết kế - xây dựng - trang trí nội thất có những thành tựu sau 30 năm Đổi mới. Tuy nhiên, những tên tuổi trong ngành chưa có sự kết nối. Tương trợ hội đoàn là con số không, chưa kể hội đoàn dính vào làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. 
Nhà nước ôm đồm, hội thiếu dưỡng khí và động lực cải cách
Nhắc đến hội, có lẽ TS. Nguyễn Thị Hồng Minh là người giàu kinh nghiệm nhất. Bà là người sáng lập và chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Hiệp hội mờ nhạt là bởi nhà nước xem thành phần này là “thứ trang trí”.
Cung cấp dịch vụ truy xuất nguồn gốc điện tử là lý do bà Minh được các nhà vườn thanh long ở Bình Thuận mời tham vấn. Sau nhiều năm phải nhập khẩu phần lớn trái cây này từ Việt Nam, Trung Quốc đã tự chủ sản xuất và ngừng nhập khẩu. Thị trường xuất khẩu truyền thống khá dễ dãi về tiêu chuẩn gẫy ngang buộc những nhà vườn phải ngồi lại với nhau, tìm đường vào thị trường Mỹ, EU với những quy định ngặt nghèo về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... “Ngoài quy trình sản xuất, các nhà vườn còn phải đầu tư cho tiếp thị. Chi phí này rất lớn. Một người không kham nổi. Buộc phải liên kết lại”, bà Minh nói.
Mong muốn tha thiết của bà Minh xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn, phục vụ phát triển đất nước, giúp nông dân, doanh nghiệp nhỏ đứng vững trước sự tràn vào của các “ông lớn” khi các hiệp định thương mại tự do song và đa phương có hiệu lực. Giọng điềm tĩnh, ông Nghĩa dẫn nhập bằng vụ Vedan xả thải gây thiệt hại cho nông dân nuôi cá trên lưu vực sông Đồng Nai. Thể chế có Hội Nông dân và mặc định tổ chức chính trị xã hội này bảo vệ quyền lợi của hội viên. Tuy nhiên, những tổ chức hưởng ngân sách thường thụ động. Bằng chứng là những lực lượng đòi lại quyền lợi cho nông dân bị thiệt hại do Vedan không phải là Hội Nông dân ở Đồng Nai, nơi Vedan đặt nhà máy. Gần đây là những cuộc tuần hành phản đối chặt 6.700 cây ở Hà Nội buộc chính quyền phải đối thoại. Ở TP.HCM, hơn 7 vạn lao động Công ty Pou Yuen xuống đường phản đối điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội bị cho rằng xâm hại trực tiếp đến lợi ích của họ.Nhìn ra thế giới. Sự thông minh của những quốc gia phát triển là biết lùi lại, nhường không gian rộng rãi cho hiệp hội phát triển. Một trường hợp điển hình là cá hồi nuôi của Na Uy xuất khẩu sang Nhật Bản - thị trường có thói quen tiêu dùng cá hồi tự nhiên. Thành công của Na Uy là nhờ liên kết chặt chẽ. Ràng buộc với tất cả nhà xuất khẩu là phải thông qua hiệp hội, thực hiện nghĩa vụ đóng phí thường niên làm quỹ phát triển thị trường chung. Ở ta, nhà nước ôm hết. Bộ máy hành chính lại quá cồng kềnh, kém hiệu quả. “Không biết anh Nghĩa lạc quan cỡ nào nhưng tôi lo luật hội không ra đời sớm được. Tôi đề nghị bổ sung vào Luật Thương mại, bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải là thành viên của hiệp hội làng nghề. Thế giới làm hết cả rồi”, bà Minh nói.
Rất may là chính quyền thành phố phản ứng kịp thời, tham mưu cho Quốc hội điều chỉnh ngay. Rõ ràng, quyền lực đường phố đã trở thành một thách thức! Chính những cuộc tập dượt này mà năng lực tổ chức của người dân ngày càng tốt hơn. Nếu dân chúng sử dụng quyền lực thì phải có luật biểu tình như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hứa. Quyền biểu tình cũng đã được thừa nhận trong Hiến pháp, bên cạnh quyền tự do lập hội. Đây là những điều kiện để người dân lập hội, biểu tình theo khuôn khổ luật pháp giống như đã thừa nhận quyền lực thị trường.
Có một áp lực nữa đang đặt ra cho bộ phận lãnh đạo chính trị cao nhất của đất nước là Đảng. Đó chính là phải xử lý mối quan hệ ngày càng phức tạp với Trung Quốc - người láng giềng ngạo mạn, hung dữ, luôn muốn lập luật chơi. Đảng đã chính danh đại diện cho lực lượng yêu nước giành và giữ chính quyền hơn nửa thế kỷ qua. Thách thức lớn cho Đảng hiện nay là giữ vững ngọn cờ yêu nước và bảo vệ chủ quyền quốc gia. 
Đường nào đi tới
Thông qua Facebook, cộng đồng LGBT Sài Gòn tập trung tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) cùng nhau chia sẻ niềm vui khi được Quốc hội công nhận quyền chuyển đổi giới tính (tháng 11.2015). ẢnhThanh Niên 
Công nghệ thông tin không chỉ giúp người dân tiếp cận với thế giới văn minh, mà còn tạo ra động lực thay đổi đối với nhiều doanh nghiệp trong nước. Sự xuất hiện của Uber khiến miếng bánh kinh doanh taxi bị chia nhỏ, buộc các hãng taxi phải cải thiện chất lượng dịch vụ. Trường hợp mới nhất là Netflix cung cấp dịch vụ xem phim bản quyền với phương thức thanh toán qua thẻ tín dụng. Chị Hằng nhận xét mảng dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin sẽ bị chi phối của các công ty đa quốc gia.
Chăm chú lắng nghe từ đầu buổi, ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung - bây giờ mới lên tiếng. Ông nhận định những ứng dụng từ “Internet of things”trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội mở ra cơ hội lớn để đẩy nhanh xã hội phát triển. Một số chỉ báo tích cực về công nghệ thông tin của Việt Nam khiến doanh nhân trung niên này tỏ ra khá lạc quan, chẳng hạn như lọt vào tốp 10 quốc gia gia công phần mềm, thuộc nhóm dẫn đầu những quốc gia về số lượng cử nhân công nghệ thông tin... Ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp rần rần năm 2015 thực ra là do nước ngoài “lăng xê” chứ không phải từ chuyên gia trong nước. “Không cổ súy chủ nghĩa dân tộc cực đoan nhưng tôi nghĩ nên giương ngọn cờ dân tộc để chớp lấy cơ hội có một không hai này”, ông Long nhấn mạnh.
Ở khía cạnh cải cách thể chế, ông Nghĩa ủng hộ bảo đảm chắc chắn quyền tài sản nhằm tạo ra động lực phát triển. Ông lưu ý tư hữu không đồng nghĩa với tư nhân. Chẳng hạn, chính quyền địa phương cũng có những tài sản mà chính quyền trung ương không thể đụng tới. Mặt khác, luật chơi cần phải thay đổi theo nghĩa quyền lực phải được kiểm soát. Dân không chỉ được biết, được bàn, được kiểm tra như cam kết của Đảng, ông Nghĩa đề xuất thêm quyền được hành động bởi “chính quyền đâu phải thánh thần”. 
Thượng Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét