Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

20160114. BÀN VỀ ĐIỆN HẠT NHÂN NINH THUẬN

ĐIỂM BÁO MANG
ĐIỆN HẠT NHÂN NINH THUẬN: MỘT GIẢI PHÁP KHÔN NGOAN CHO DỰ ÁN
Bài của TK TRAN/ BVN 13/1/2016
BÀI 1
clip_image002
Hình1: Nhà máy điện hạt nhân Kalkar 1991
Ở nước Đức, khi đi dọc sông Rhein từ miền Nam lên phía Bắc, trước khi tới Hà Lan, bạn sẽ gặp Kalkar. Kalkar là một thành phố cổ kính nhỏ nằm cạnh sông, chỉ có hơn chục ngàn dân cư, song có thời nổi danh khắp nước Đức và được sự chú ý của cả thế giới. Nơi đây có một khu vui chơi giải trí rất đặc biệt, gọi là "Đất thần tiên Kalkar" (Wunderland Kalkar). Nổi tiếng không phải vì thần tiên thật sự. Đó chỉ là một tên gọi. Mặc dù nơi này là có thể thần tiên đối với trẻ em vì trẻ em ở đây được ăn khoai chiên giòn (pommes frites) thả giàn không tính tiền. Nếu tính về số lượng trò chơi thì nơi đây không bằng phần lớn những khu vui chơi giải trí khác ở toàn nước Đức. Lại càng không thể so sánh với những khu giải trí có tầm vóc quốc tế như Disneyland, Universal Filmstudio Hollywood...
Nhưng "Đất thần tiên Kalkar" đặc biệt, có một không hai trên thế giới, vì tiền thân của khu này là một nhà máy điện hạt nhân đã được xây dựng hoàn chỉnh, sẵn sàng đi vào hoạt động, song chưa hề được vận hành, chưa hề sản xuất ra 1 kw điện nào.
Từ nhà máy điện hạt nhân Kalkar trị giá 7 tỷ….
Nhà máy điện hạt nhân Kalkar còn được gọi là lò "ấp nhanh" (Schnellbrüter/ fast breeder) Kalkar. Cái tên có vẻ lạ kỳ này bắt nguồn từ nguyên tắc hoạt động của nó. Lò "ấp nhanh", trong quá trình sản sinh năng lượng, có khả năng "ấp ủ" Uranium235 và Uranium238 để "nở" ra Plutonium, là một chất phóng xạ hữu ích có thể được tái sử dụng. Các lò điện hạt nhân nước nhẹ (H2O ) hay nước nặng (D2O) thông thường khác chỉ thải ra cặn bã phóng xạ mà sau này việc thanh toán rác phóng xạ là cả một bế tắc mà hàng chục năm nay không giải quyết thỏa đáng được. Lò "ấp nhanh" được xây dựng có nguyên nhân chính là chính sách năng lượng thời đó phải lưu tâm tới việc độc lập về nguồn nhiện liệu phóng xạ. bởi vì nước Đức (Tây Đức lúc ấy) không có mỏ Uranium. Dùng lò "ấp nhanh", họ sẽ dùng được Plutonium tái tạo. Lượng Uranium phải nhập cảng sẽ không nhiều. Bản chất của các lò điện hạt nhân đã là nguy hiểm vì rủi ro phóng xạ, song lò hạt nhân loại này còn phức tạp, còn nguy hiểm hơn các lò khác đặc biệt là vì phải dùng một chất dễ phát nổ là Natrium lỏng (thay vì dùng nước nhẹ hay nước nặng) để làm nguội lò và trung chuyển (transfer) năng lượng. Trong quá trình thiết kế và xây dựng đã phải có nhiều thay đổi để lò an toàn. Từ đó việc xây dựng lò bị đội vốn gấp nhiều lần.
Lúc lò được bắt đầu thiết kế trên giấy tờ (1969), chi phí ước đoán quãng 500 Triệu DM (250 triệu Euro), tới khi bắt đầu xây dựng (1973) thì chi phí dự tính là 1,7 tỷ DM. Khi nhà máy xây dựng xong (1985) thì chi phí lên tới 7 tỷ DM, gần 4 lần nhiều hơn so với lúc khởi công.
Trong suốt 12 năm xây dựng nhà máy, nhà nước Đức đã phải đối phó liên tục với phong trào chống đối điện hạt nhân bởi tính cách mạo hiểm, dễ gây thảm họa của loại năng lượng này. Phong trào phản kháng này bắt dầu chỉ có một nhóm người, bao gồm các "dân oan" là những nông dân bị cưỡng chế ruộng để lấy đất làm nơi xây nhà máy và một số người am hiểu chuyên môn, chống lại dự án này của nhà nước. Dần dần phong trào này lớn mạnh. Đã có lúc họ huy động được hàng chục ngàn người tham gia biểu tình chống chính phủ. Cuối cùng, các phản kháng của phong trào thành công. Chính phủ Đức phải bãi bỏ việc sử dụng lò "ấp nhanh" Kalkar, sau 12 năm xây dựng, mặc dù lò đã hoàn chỉnh, đã sẵn sàng cho việc điều hành. Chỉ cần đưa vào lò các thanh phóng xạ là đã có thể sản xuất điện.
Cần mở một dấu ngoặc nơi đây, phong trào chống điện hạt nhân đã là cái nôi phát sinh ra đảng "Xanh", một đảng chính trị có chương trình nổi bật là bảo vệ môi trường. Nhiều người trong đảng lúc trước biểu tình cầm biểu ngữ hay ném đá vào công an dẹp biểu tình, sau này đã giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ Đức, kể cả chức phó thủ tướng, bộ trưởng hay Thủ hiến các bang.
….tới khu giải trí "Đất Thần Tiên" trị giá 3 triệu
Sau quyết định hủy bỏ việc vận hành nhà máy năm 1991, các bộ phận, máy móc quan trọng được tháo gỡ, đưa ra địa điểm khác để bảo tồn. Còn lại các cơ sở nhà cửa, bất động sản được rao bán giá bèo trên báo chí. Kết quả là một nhà máy điện hạt nhân hiện đại bậc nhất thế giới vào thời điểm đó , giá trị hơn 7 tỷ DM đã được bán lại với giá.... quãng 3 triệu DM, gần như biếu không, cho một nhà đầu tư Hà Lan. Cuộc chuyển hóa một nhà máy điện hạt nhân thành khu vui chơi giải trí bắt đầu từ đó. Việc biến chuyển thực hiện được bởi vì toàn khu vực chưa bị nhiễm phóng xạ, chưa có nguyên liệu phóng xạ nào đã được đưa tới đây.
Khuôn viên nhà máy, trước là nơi đất cấm nay là nơi hàng ngàn gia đình tới vui chơi nô đùa, tham dự khoảng 40 trò giải trí . Cơ sở nhà máy cũ, với những bức tường bê tông kiên cố dầy tới 2m, biến thành một khách sạn có 1000 gường với các tiệm ăn, phòng hội nghị. Phòng điều hành trung tâm của nhà máy trở thành phòng họp chứa được 300 người. Tháp làm mát (Kühlturm) cao 50 m, biểu tượng của mọi nhà máy hạt nhân bên ngoài biến thành nơi tập leo núi, bên trong được lắp đặt 1 đu quay khổng lồ.
Một nơi từng tiềm ẩn hiểm họa phóng xạ không lường trở thành chỗ vui chơi cho nửa triệu người mỗi năm. Nhờ quyết định cản đảm dứt khoát, Kalkar đã trở thành một biểu tượng cho chính sách năng lượng an toàn có viễn kiến, đầy tinh thần nhân văn của nước Đức.

clip_image004
Hình 2: Nhà máy điện hạt nhân, nay là một khách sạn 1000 giường
clip_image006
Hinh 3: Nhà máy hiện nay là một khu vui chơi: phía trước là những trò giải trí, phía sau là tháp làm mát, bên ngoài tháp nay là nơi chơi trò leo núi.
clip_image008
Hình 4: Bên trong tháp làm mát là trò đu quay khổng lồ
Việt Nam cần can đảm như Đức nên từ bỏ dự án điện hạt nhân. Hay bắt chước Bulgaria năm 2011, hủy bỏ hợp đồng mua nhà máy đã ký với Rosatom, dù bị áp lực mọi bề. Hay quyết định như nước láng giềng Phi Luật Tân cũng đã bỏ, không khai thác nhà máy điện hạt nhân ở Bataan, thà đổ sông đổ biển hàng tỷ USD tốn phí xây dựng còn hơn gây thảm họa cho dân. Hay ít ra cũng dùng kế hoãn binh như Thổ nhĩ kỳ, trì hoãn trường kỳ việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân đã ký hợp đồng. Ngày nay, sau những biến cố quân sự việc xây dựng này càng thêm xa vời.
Tương lai dài lâu của đất nước cần những quyết định ngôn ngoan và dứt khoát. Hãy như Kalkar, Đức Quốc, biến chuyển dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thành nơi giải trí vui chơi cho mọi gia đình.
T.K.T.
Tác giả gửi BVN
BÀI 2
Năm 2009 Quốc hội Việt Nam ra nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư điện hạt nhân Ninh Thuận. Ngày 30.10.2010, Việt Nam và Nga ký hiệp định xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Tập đoàn điện lực Việt Nam được giao làm chủ đầu tư hai dự án ở Ninh Thuận.
Sau sự cố nhà máy điện hạt nhận Fukushima số 1 ở Nhật Bản vào tháng 3.2011, nhiều nước đã thay đổi chiến lược về phát triển điện hạt nhân. Một số nước như Đức , Bỉ, Thụy Sĩ ,Thụy Điển, Ý đã tính toán ngưng phát triển điện hạt nhân, song ở Việt Nam chính phủ không thay đổi chính sách.
Cuối năm 2011 hiệp định Nga -Việt về việc cho VN vay tiền xây dựng nhà máy1 được ký kết. Nga cho vay 10 tỉ USD - không có thông tin về tiền lãi và các chi tiết về phương thức và kỳ hạn trả nợ-. Có rất ít thông tin liên quan tới việc Nhật Bản xây nhà máy 2. Dự kiến ban đầu là nhà máy 1 sẽ được khởi công năm 2014.
Lưu tâm tới vấn đề an toàn và kinh tế của điện hạt nhân, nhiều nhà chuyên môn ở trong và ngoài nước đã có nhiều ý kiến phản biện, không đồng thuận với dự án này. Dưới áp lực đó, cộng thêm nhiều yếu tố khác, nhà nước Việt Nam phải lùi ngày khởi công xây nhà máy chậm lại 6 năm (2020), cũng có thông tin là lùi lại 3 năm (2017).
Có những vấn đề gì trong việc xây dựng nhà máy?
Địa điểm xây dựng Ninh Thuận
Khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân người ta thường chọn nơi ven biển, ven sông lớn để có nguồn nước làm nguội máy. Đồng thời cũng là nơi tương đối ít dân sinh sống, để giảm thiểu thiệt hại nhân mạng trong trường hợp có tai nạn phóng xạ. Địa diểm cũng không quá xa nơi tiêu thụ điện để giảm thiểu chi phí tải điện.
Nhìn phiến diện thì Ninh Thuận có thể đáp ứng đòi hỏi trên, song Ninh Thuận còn có những vấn đề khác: Theo thiết kế đầu tiên, nhà máy nằm ở vị trí cao hơn mực nước biển 7 m. Ở vị trí này, nếu xẩy ra động đất ở biển gây sóng thần mạnh nhà máy sẽ bị tàn phá. Vì thế đồ án xây dựng được sửa đổi năm 2015. Vị trí mới của nhà máy được dời sâu quãng 400m về phía đất liền, cao hơn mực nước biển 13-15 m, chịu đựng được sóng thần cỡ Fukushima. Việc sửa đổi là cần thiết mặc dù chi phí tăng thêm do việc đền bù giải phóng mặt bằng và tăng thêm thiết bị nối với phần nhà máy trên mặt biển.
Một vấn đề khác không được giải quyết là động đất trong đất liền. Việt Nam nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của vành đai núi lửa Thái Bình Dương. Các khảo sát của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tìm thấy có những đới đứt gẫy dịa chất gây động đất chung quanh vùng nhà máy Ninh Thuận, cụ thể là đới đứt gẫy Đèo Dinh Bà, Cam Ranh. Các trận động đất đã xẩy ra vào năm 1877,1882, 1923 ở khu lân cận tương đối nhẹ, có magnitude không quá 5,5 độ Richter. Ngoài ra còn đới đứt gãy kinh tuyến 109 -110 trên biển Đông cách vị trí dự kiến xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận khoảng 80 km và 100 km; bên cạnh đó, ở vùng xung quanh như Manila (Philippines) có 6 đới hút chìm, Năm 2011 đã có cảnh báo là tại Ninh Thuận có thể có chấn động lên tới 8 độ (kết quả nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu, Viện Địa chất và Viện Địa chất - Địa vật lý biển). Cường độ này nếu xẩy ra ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm ít nhất là 50% nhà cửa đổ nát, chưa tính tới thiệt hại nhân sự. Tuy thế, nhà nước vẫn kết luận là … không sao, động đất như vậy thì nhà máy chịu đựng được(!?).
Đây là một kết luận quá chủ quan. Ở Fukushima các nhà địa chất học Nhật Bản cũng đã kết luận tương tự, cho là ở đó không có động đất quá lớn. Cuối cùng thực tế đã dạy cho họ một bài học lớn là con người không thể dự kiến toàn vẹn những biến động ở thiên nhiên . Mầm mống động đất chắc chắn là có trong vùng Ninh Thuận. Những đánh giá hiện nay về sức tàn phá không đáng tin cậy, không có gì bảo đảm.
Một vấn đề khác có tính cách nhân bản là Ninh Thuận là địa bàn sinh sống của dân tộc Chăm. Nếu chẳng may có tai nạn phóng xạ xẩy ra từ nhà máy này thì những tổn hại sinh mạng phần lớn sẽ là người Chăm. Nguy cơ dân tộc Chăm bị xóa sổ là có thật. Một thiệt hại khác cũng nên nhắc tới là Vườn Quốc gia Núi Chùa bên cạnh cùng với cảnh quan thiên nhiên phong phú cũng sẽ bị tiêu hủy.
Vấn đề thi công xây dựng nhà máy Ninh Thuận
Sau vấn đề chọn đia điểm là vấn đề xây dựng. Ai sẽ đảm nhiệm việc xây dựng các cơ sở của nhà máy? Nga hay Việt ?
Ngày 27.11.2013, trong một buổi họp với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Nga luôn bày tỏ mong muốn thực hiện trọn gói việc xây nhà máy điện hạt nhân cho Việt Nam. Cụ thể, phía Nga khẳng định, “nếu các bạn Việt Nam tin tưởng, Nga sẽ đảm nhận cả việc thiết kế, thi công nhà máy điện hạt nhân và Việt Nam chỉ việc nhậnchìa khóa trao tay”. Tuy nhiên Thủ tướng đã khước từ. Điều đó có nghĩa là, ông muốn Việt Nam tự đảm nhiệm phần này. Cũng trong chiều hướng đó, ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng cục Năng Lượng nguyên tử, trong một phỏng vấn báo chí cuối năm 2013 cho biết: “Bộ Xây dựng đã cử hàng trăm kỹ sư và công nhân sang trực tiếp học tập và làm việc tại các nhà máy điện hạt nhân của Liên bang Nga và chuẩn bị nguồn lực để kêu gọi sự tham gia vào quá trình xây lắp của Việt Nam trong dự án điện hạt nhân sắp tới. Có thể khẳng định về kinh nghiệm xây lắp của Việt Nam và đảm bảo chất lượng với những công trình lớn của Lilama, Tổng Công ty xây dựng Sông Đà... ". Sau này, đối tác Nga Rosatom, cho biết thêm rằng công trình Ninh Thuận sẽ thu hút các công ty địa phương với tỉ lệ nội địa hóa tới 40% ở lĩnh vực sản xuất thiết bị và xây dựng công trình.
Nhà nước khẳng định Việt Nam có kinh nghiệm xây lắp, đảm bảo chất lượng cho công trình xây cất. Song thực tế trước mắt rành rành mà mỗi người trong chúng ta đều biết, là hầu hết các công trinh xây dựng do Việt Nam đảm nhiệm đều rất kém về chất lượng. Có những ngôi nhà nhiều tầng được đúc bằng cốt tre, thay vì bê tông cốt sắt. Có những chiếc cầu vừa khánh thành xong chưa kịp đưa vào sử dụng đã bị sụp một bên, người chịu trách nhiệm tuyên bố không biết ngượng: "phần còn lại vẫn đảm bảo chất lượng". Có những chiếc cầu treo bị đứt gẫy trong lúc sử dụng, hất cả chục người xuống sông. Có những con đường cao tốc đắt tiền nhất thế giới, song chỉ vài tháng sau khi sử dụng đã bị lún bị nứt. Có đập thủy điện (Sông Tranh 2) xây dựng trong vùng động đất đã bị nứt, bị rò rỉ nước ngay sau khi tích tụ nước. Có công trình trọng điểm như nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ một tháng sau khi khánh thành phải ngừng vận hành lâu ngày để sửa chữa. Gần đây nhất, các nhà thầu Trung Quốc xây nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 ở miền Trung xin đưa hàng ngàn công nhân Trung Quốc sang Việt Nam làm việc. Lý do họ đưa ra là không tìm được thợ bản xứ có tay nghề vững vàng.
Cầu gẫy, cầu sụp... chỉ gây cái chết cho vài người hay vài chục người. Đường lún đường nứt gây tai nạn xe, thiệt hại vật chất vài chục triệu đồng VN hay chết vài mạng người. Không nhiều. Nhà máy lọc dầu ngưng hoạt động, tốn kém hàng triệu USD mỗi ngày. Không sao. Miễn là không ai thiệt mạng. Song ở một lò nguyên tử mà công trình sụp đổ thì sẽ chết hàng chục ngàn, gây tổn thương cho hàng trăm ngàn người, gây di hại sức khỏe cho hàng triệu người ở những thế hệ sau, kéo theo suy sụp kinh tế cho cả nước.
Một công trình trọng đại chưa từng được thi công trong nước hàm chứa những nguy hiểm không lường trước được, mà việc xây dựng chỉ trông chờ ở kiến thức ở vài trăm kỹ sư công nhân đang học việc ở nước ngoài thì phải xem là một cuộc phiêu lưu nhắm mắt bên bờ vực thẳm.
Rosatom, một đối tác đáng tin cậy của Việt Nam?
Rosatom (Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga) là một tổ hợp quốc doanh. Ngoài việc chuyên thiết kế sản xuất và xuất cảng các nhà máy hạt nhân, Rosatom còn quản lý vũ khí nguyên tử của quân đội Nga.
Ông Sergey Boyarkin, Phó Tổng giám đốc Rosatom, đã tuyên bố ở Việt Nam vào tháng 6.2011 là, lò hạt nhân của Rosatom thuộc thế hệ thứ 3+ hết sức tân tiến, có 2 hệ thống an toàn có điện (chủ động) và không có điện (thụ động), có thiết bị đảm bảo khi nhiên liệu quá nhiệt bị cháy sẽ được hút ra ngoài, bức xạ được hút vào trong, không thoát ra ngoài môi trường (sic) (Dân Trí 6.2011). Rosatom quảng cáo trong các tờ rơi tiếp thị là hệ thống này có một không hai trên thế giới.
Về thiết bị an toàn thụ động của lò thế hệ 3+ mà Rosatom đề cao, hãy đọc lại nhận xét ngày 28.9.2012 của chính Cựu Thứ trưởng Năng Lượng Hạt Nhân của Nga, ông Bulat Nigmatulin: "Hệ thống an toàn thụ động (passiv) không hoàn toàn thụ động... Hiệu quả của hệ thống còn là điều đáng lo và còn cần được cải thiện. Điều này làm tăng chi phí sản xuất và vận hành". Cần nói thêm là hệ thống an toàn thụ động chưa bao giờ được kiểm chứng trong điều kiện thực tế. Cho tới nay chưa thấy những công bố xác nhận của những nhà chuyên môn khách quan.
Không kể tới lò nguyên tử ở Tschernobyl do tiền thân của Rosatom xây dựng. Ngay ở Nga đã có nhiều sự cố xẩy ra ở các nhà máy mới. Không lâu sau khi ông Sergey Boyarkin ở Việt Nam khoe khoang về sự an toàn của sản phẩm Rosatom, thì tại lò điện hạt nhân mới nhất của Nga ở Kalinin đã xẩy ra 11 sự cố kỹ thuật ở tổ máy số 4 trong vài tháng (từ 20.11.11 tới 15.01.12), trong đó có những vụ trầm trọng liên quan tới hỏng máy bơm, khiến lò phải tạm ngưng hoạt động. Ở nhà máy Leningrad 2, ngày 29.12.2010 tòa án đã từng cấm làm việc ở đây vì những thiếu sót liên quan tới chữa lửa và hệ thống nước thải. Theo cơ quan giám sát năng lượng nguyên tử của Nga Rostekhnadzor thì trong năm 2013 đã xẩy ra 39 sự cố phóng xạ ở các lò điện hạt nhân ở Nga, phần lớn do thiếu sót trong quản lý, hỏng hóc thiết bị hay lỗi lầm thiết kế.
Sản phẩm của Rosatom không toàn hảo. Lò hạt nhân VVER 1000 mà Rosatom dạm bán ở Việt Nam, cũng chính là một phiên bản loại lò đã có sự cố nghiêm trọng ở nhà máy Kalinin 4 năm 2011-12. Thế nhưng tại sao nhà nước lại chọn mua? Chúng ta hãy nghe ông Nguyễn Cường Lâm, phó tổng giám đốc EVN, tháng giêng 2014 giải thích về lý do tại sao chọn đối tác Nga và Nhật: "Nga và Nhật là hai quốc gia từng xẩy ra tai nạn nghiêm trọng về nhà máy điện hạt nhân nên họ rút ra nhiều kinh nghiệm về đảm bảo an toàn, do vậy sẽ hỗ trợ cho ta tốt hơn". Nếu áp dụng trong đời sống hàng ngày, thì ông Lâm nên mua một xe hơi đã có nhiều hư hỏng rồi được sửa chữa chứ không nên mua xe quá bền, không hư hỏng bao giờ(!?
Không những Việt Nam mà một số quốc gia tương đối "nghèo" như Thổ nhĩ kỳ, Hungary, Bulgaria, Belarus, Trung Quốc... cũng mua nhà máy của Rosatom. Tại sao? Lãnh đạo những quốc gia này sẽ nêu lên nhiều lý do dựa vào tờ rơi tiếp thị quảng cáo sản phẩm của Rosatom, song cũng có thể - ít ra là ở vài nước- có lý do "khó nói" khác, nằm ở cấu trúc đặc biệt của tổ hợp Rosatom.
Là tổ hợp quốc doanh cực lớn, có tới quãng 250000 nhân viên, có số doanh thu hàng năm lên tới nhiều tỷ USD, song Rosatom hoạt động độc lập, không có bổn phận giải trình chi thu, không nằm dưới sự chi phối hàng ngang của các cơ quan chính phủ khác. Lãnh đạo Rosatom chỉ chịu trách nhiệm trực tiếp với tổng thống Nga Putin. Cấu trúc chỉ huy hàng dọc (vertical) như vậy tạo điều kiện dễ dàng cho việc chi tiêu những món tiền "ma", không phải giải trình, chủ yếu có thể là để hối lộ lãnh đạo nước đối tác nhằm gom được hợp đồng. Mặt khác, cấu trúc hoạt động "hàng dọc" này có vẻ đã mở cửa cho nạn tham nhũng, tiêu cực , rút ruột công trình ở Rosatom ảnh hưởng tới phẩm chất sản phẩm. Đã có nhiều nhân viên cao cấp của Rosatom vì vậy đã bị bắt, kể cả những người đang ở nước ngoài. Hậu quả cho nước đối tác là giá thành sẽ lên cao và phẩm chất sẽ xuống thấp.
Đừng quên là nhiều thiết bị trong nhà máy không do Nga chế tạo, mà nhập từ các nước phương Tây, cụ thể như là của hãng Rolls Royce (Anh) và Alstom/Areva (Pháp).Trong tình trạng căng thẳng giữa Nga và phương Tây hiện nay, lệnh cấm vận có cho phép Nga nhập những thiết bị này không? Chất lượng thiết bị thay thế của Nga sẽ như thế nào? Ảnh hưởng lệnh cấm vận đối với nhà máy Ninh Thuận cũng là một vấn đề phải đặt ra.
Vấn đề nhân sự điều hành nhà máy: yếu kém không những về số lượng mà cả về chất lượng
Tình hình nhân sự hiện nay như thế nào? Có thể trả lời ngay là con số không. Thực tế này không mới lạ gì, đã được nhiều quan chức chính phủ nhìn nhận. Nhân lực không chỉ là chuyên viên ngồi bấm các nút trong nhà máy mà còn có nhân viên quản lý chất lượng, quản lý môi trường, thanh tra an toàn hạt nhân và nhiều ngành nghề khác liên hệ. Bộ luật về an toàn phóng xạ, là cái khung cho các luật lệ, các thông tư hướng dẫn, cho tới nay vẫn không có. GSTS Trần Hữu Phát, Chủ tịch Hội đồng KH-CN và đào tạo của Viện Năng lượng nguyên Tử Việt Nam phát biểu: “Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đang phải chịu trách nhiệm về việc soạn thảo và ban hành các văn bản pháp lý. Thế nhưng cơ quan này lại yếu cả về kiến thức còn kinh nghiệm là con số không. Do vậy làm sao có thể đảm đương...? (Đất Việt 9.2014).“Phải thừa nhận một thực tế nếu nói về nhân lực cho điện hạt nhân ở Việt Nam giống như một cơ thể ốm yếu, chạm vào đâu cũng thấy đau, mệt mỏi (Dân Trí 7.2014). Đó là một cách nói ví von châm biếm. Song chúng ta không thể cười được khi biết là cơ thể ốm yếu bất tài đó sẽ phải điều khiển một cỗ máy to lớn phức tạp có thể nổ tung bất cứ lúc nào.
Để khắc phục tình trạng này, tháng 10.2015 vừa qua chính phủ Việt Nam vừa phê duyệt kế hoạch đào tạo nhân sự, tầm nhìn tới 2020. Theo đó, về quản lý, nghiên cứu-triển khai, hỗ trợ kỹ thuật sẽ đào tạo 900 người ngắn hạn và dài hạn ở trong nước, 200 người bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn ở nước ngoài., 40 người thực tập chuyên sâu dài hạn ở nước ngoài. Về kỹ thuật hạt nhân sẽ có 1700 người  được bồi dưỡng trình độ thấp  ngắn hạn ở trong nước, 450  người bồi dưỡng dài hạn trong nước, 370 người trình độ trung cấp bồi dưỡng  ngắn hạn ở nước ngoài, 60 người chuyên sâu dài hạn ở nước ngoài.
Vấn đề là chương trình này được đưa ra quá muộn, nếu một năm nữa (2017) đã khởi công xây dựng nhà máy. Các chương trình huấn luyện trong nước có hạn chế lớn là các giảng viên hiện có trong nước cũng không có đủ kiến thức về kỹ thuật mới mẻ này. Thày dở thì làm sao trò giỏi được. Các chương trình ngắn hạn ở nước ngoài là vô ích vì hàng rào ngôn ngữ. Học viên chỉ có thể thâu nhận kiến thức nếu họ được học tiếng nước ngoài hàng năm trời trước khi đi vào huấn luyện chuyên ngành. Những ai đã từng học tập và làm việc chuyên môn ở nước ngoài đều thấu hiểu điều đó. Còn lại, có thể có hiệu năng thực tế là quãng 100 người được đi học hay bồi dưỡng lâu dài ở nước ngoài (40 người về quản lý, 60 người về kỹ thuật). Một vấn đề nan giải nữa là đa số sinh viên du học sẽ ở lại nước ngoài, không về nước làm việc. Sẽ có bao nhiêu người về nước để điều hành nhà máy? 10 người, 20 người? Cuối cùng, chỉ nói tới số lượng, có đủ nhân viên làm việc hay không, cũng là một câu hỏi lớn.
Một vấn đề còn lớn hơn nữa là phẩm chất nhân viên. Ngoài chất lượng kiến thức, điều đương nhiên phải có, mà không thể đạt được trong thời gian ngắn, còn phải đề cập tới phẩm chất con người.
Ngay ở Âu châu, tìm được nhân sự thích hợp cho công việc liên quan tới phóng xạ cũng không đơn giản vì môi trường làm việc độc hại, không được ưa thích. Người làm việc với phóng xạ cần tự giác, có ý thức kỷ luật lao động cao, để tránh gây lỗi lầm khi làm việc, giữ an toàn phóng xạ cho chính bản thân và môi trường xung quanh, đồng thời cũng phải có kiến thức chuyên môn cao để xử lý đúng đắn những tình huống bất ngờ. Ở Việt Nam, một nhà máy điện hạt nhân phải có nhân viên chuyên nghiệp, có văn hóa làm việc nghiêm túc với tác phong công nghiệp từ cấp lãnh đạo cấp cao nhất tới nhân viên cấp thấp nhất. Một đội ngũ  nhân viên thích hợp bảo đảm được an ninh phóng xạ thì không thể ngày một ngày hai mà có được. Đội ngũ này phải được tuyển chọn kỹ lưỡng, được huấn luyện bài bản, đã tích lũy kinh nghiệm trong thực tế lâu dài. Lối làm việc tùy tiện, dối trá, ăn xổi ở thì, chỉ cốt có thành tích hão như thường thấy ở phần lớn công trình ở Việt Nam là mầm mống ắt có cho một tai nạn hạt nhân kinh khủng ở Ninh Thuận.
oOo
Giải quyết vấn đề thiếu thốn năng lượng là một bài toán khó cho mọi quốc gia, không cứ gì Việt Nam. Song có phải năng lượng hạt nhân là đáp số đúng đắn cho bài toán này? Nếu kiểm tra lại những điều kiện tối thiểu cần có, thì Việt Nam không đáp ứng đòi hỏi cần thiết cho việc vận hành một nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Không có vốn để mua nhà máy, tiền lời phải trả sẽ làm tăng áp lực nợ công, nguy cơ phá sản càng thêm gần. Vị trí lập nhà máy khá nguy hiểm vì tiềm tàng nguy cơ động đất. Có tới 40% công trình sẽ do Việt Nam đảm nhiệm, không bảo đảm chất lượng xây dựng. Thiết bị nhà máy do Rosatom cung cấp không đáng tin cậy. Nguy hiểm hơn hết là chúng ta không có nhân sự thích hợp để điều hành nhà máy này. Ngoài ra, trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông, nếu chiến sự xẩy ra, thì chỉ với vài trận oanh tạc bằng hỏa tiễn hay phi cơ, nhà máy này sẽ là tử huyệt của Việt Nam.
Dựa vào những huy hoàng quân sự của quá khứ xa xưa, giới lãnh đạo VN thường tự ví mình như một tư lệnh quân đội, các công nhân viên là bộ đội và các công trình đất nước là những trận đánh. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Câu kinh điển này trong binh pháp vẫn thích hợp trong trường hợp Ninh Thuận. Ví von công trình điện hạt nhân Ninh Thuận như một trận đánh, nếu các "tư lệnh" vẫn nhắm mắt tiến hành chiến dịch, thì do những yếu tố bất lợi đã nêu, công trình này sẽ là một trận đánh thí quân, mà khả năng thua vẫn lớn muôn phần hơn khả năng thắng.
Hãy dừng lại dự án diện hạt nhân Ninh Thuận.
TKT
Tham khảo:
T.K.T.
Tác giả gửi BVN
ĐIỆN HẠT NHÂN: GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC ĐẢM BẢO AN NINH NĂNG LƯỢNG
Pv TS VÕ VĂN THUẬN/ Vn+13/1/2016
Ngày 25/11/2009, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 41 khởi động tiến trình xây dựng điện hạt nhân ở Việt Nam.

Trong sáu năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, khẩn trương và quyết tâm thực hiện dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận.

Để làm rõ thêm việc đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả của dự án, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Võ Văn Thuận, chuyên gia về năng lượng hạt nhân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật hạt nhân (1998-2006), nguyên thành viên Tổ công tác Chính phủ chỉ đạo xây dựng Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì hòa bình và lập Dự án tiền khả thi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên (2002-2009). Ông đã hoạt động liên tục hơn 40 năm trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

- Phát triển điện hạt nhân của Việt Nam liệu đã phải là “bước đi” thận trọng, an toàn, xin ông đánh giá về điều này?

Tiến sỹ Võ Văn Thuận: Để hiểu các “bước đi” phát triển điện hạt nhân của Việt Nam có thận trọng hay không thì phải nhớ lại rằng cách đây hơn 40 năm, khi đó Việt Nam được phía Liên Xô gợi ý lựa chọn xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, hay xây một công trình thủy điện có công suất tương đương bằng sự tài trợ toàn diện của nước bạn. Nhưng chúng ta đã chọn xây dựng thủy điện Hòa Bình và sau đó cũng đề nghị Liên Xô giúp khôi phục lò Đà Lạt để nghiên cứu và chuẩn bị lâu dài về năng lượng nguyên tử. Như vậy, Việt Nam đã quyết định khởi đầu việc này từ việc tiếp thu kiến thức hạt nhân, từ đào tạo nhân lực, trước khi đưa ra quyết định có hay không có điện hạt nhân.

Giai đoạn chuẩn bị bước đầu kéo dài khoảng 10 năm từ năm 1976 khi thành lập Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia đến 1985 sau khi khôi phục lò Đà Lạt. Tiếp theo từ năm 1986-1996, cố giáo sư Nguyễn Đinh Tứ, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, đã kiên trì, thận trọng, nhưng cũng rất quyết tâm chỉ đạo các nghiên cứu chuẩn bị chương trình điện hạt nhân, trong đó dựa vào sự ủng hộ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), vào sự hợp tác song phương với Liên Xô, Ấn Độ để đào tạo nhân lực, nghiên cứu dự báo nhu cầu năng lượng quốc gia trong trung hạn và dài hạn, nghiên cứu tính toán về kỹ thuật, công nghệ nhà máy điện hạt nhân, thăm dò khai thác nội địa các khoáng sản uran và các kim loại hiếm phục vụ cho chương trình điện hạt nhân.

Có thể nói, giáo sư Nguyễn Đinh Tứ là người sáng lập và lãnh đạo toàn diện chương trình đưa điện hạt nhân vào Việt Nam. Trước khi qua đời năm 1996, ông đã chủ trì nghiệm thu Đề tài cấp nhà nước KC-09-17 do giáo sư Cao Chi làm chủ nhiệm với kết luận: Sau năm 2015, Việt Nam sẽ đến thời điểm khai thác hết tiềm năng thủy điện lớn, trong khi nguồn khai thác dầu mỏ, khí đốt cũng chạm đến giới hạn, than nội địa vẫn còn nhưng không đủ đáp ứng tăng trưởng. Như vậy, muốn phát triển tiếp thì cùng với việc nhập khẩu than, Việt Nam phải xây nhà máy điện hạt nhân như một thành tố năng lượng mới trong một hệ thống cân đối hài hòa với các nguồn năng lượng truyền thống là nhiệt điện than, điện khí, thủy điện.

Đến nay tròn 20 năm sau ngày ông mất, thực tế diễn ra về tình hình phát triển điện năng quốc gia rất đúng với dự báo năm đó đã chứng minh tính nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học và cho thấy sự thận trọng nhưng đầy quyết tâm trong chiến lược phát triển điện hạt nhân của Việt Nam.

Chỉ sau khi có những kết quả kiểm chứng độc lập cho dự báo trên, đến năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức cho khởi động lập Chiến lược phát triển năng lượng nguyên tử Việt Nam và nghiên cứu dự án tiền khả thi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Trong những năm này, các nhà khoa học, công nghệ, kinh tế đã hợp tác trong một chương trình nghiên cứu “làm rõ bảy điểm” đánh giá về khả năng công nghệ, an toàn, tính kinh tế của điện hạt nhân đối với Việt Nam, hoạch định lộ trình phát triển năng lượng hạt nhân đến năm 2020 và có tầm nhìn đến năm 2030.

Căn cứ vào báo cáo đầu tư và dự án tiền khả thi của Chính phủ, ngày 25/11/2009 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 41 khởi động tiến trình xây dựng điện hạt nhân ở Việt Nam. Trong sáu năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, khẩn trương và quyết tâm thực hiện dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận.

Đặc biệt, sau vụ tai nạn hạt nhân Fukushima, Chính phủ đã rất cẩn trọng trong các bước khảo sát địa điểm, thẩm định dự án khả thi, trong đó nhấn mạnh điều kiện tiên quyết đảm bảo an toàn hạt nhân. Mỗi loại công nghệ lớn đều có mặt phải và mặt trái của nó, tuy nhiên chúng ta đã từng đưa ra quyết sách xây dựng nhiệt điện than, điện khí, thủy điện, khai thác dầu khí... sau một thời gian cân nhắc tương đối cẩn thận, nhưng không quá lâu.

Ai chưa rõ lịch sử, có thể nghĩ là chúng ta đã quá vội vã, quá nông nổi khi bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Phải thừa nhận, chưa có công nghệ nào phức tạp và nhiều thách thức như điện hạt nhân, nhưng tôi cũng khẳng định cuộc cân nhắc lần này đã phải kéo dài nhất, tới hơn 30 năm tính đến khi có Nghị quyết 41 của Quốc hội.

Chưa có quyết định phát triển công nghệ nào lại phải thận trọng cân đong như vậy. Tôi nghĩ rằng cũng cần phải cân nhắc thận trọng trước khi quyết định việc lớn, việc hệ trọng. Nhưng khi đã quyết rồi, thì lại phải đồng lòng để biến dự định thành hiện thực. Tất nhiên, quá trình thực hiện phải nghiêm chỉnh, phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Nhưng do dự, bàn lùi cũng rất tai hại, nhất là đối với những quyết sách lớn quan trọng của Đất nước.

- Ông đánh giá như thế nào về mức độ an toàn của nhà máy điện hạt nhân cũng như khi xảy ra sự cố?

Tiến sỹ Võ Văn Thuận: Tôi có nhiều năm làm trực tiếp với hạt neutron trong lò phản ứng hạt nhân, biết khá rõ vấn đề an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, về tác động cả tốt và xấu của phóng xạ lên cơ thể sống. Vì vậy tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm và hiểu biết của tôi về vấn đề liên quan đến an toàn điện hạt nhân.

Trước hết tôi khẳng định nhà máy điện hạt nhân không thể tạo ra một vụ nổ hạt nhân như bom nguyên tử, vì nhiên liệu trong lò hạt nhân chỉ có độ giàu dưới 5% đủ sử dụng neutron chậm được điều tiết tự động rất thông minh để phát năng lượng. Trong khi đó, thiết kế cơ cấu bom nguyên tử cần có tỷ lệ nhiên liệu làm giàu trên 90% để có thể kích nổ tức thời bằng neutron nhanh.

Các vụ tai nạn hạt nhân nghiêm trọng trên thế giới như Chernobyl (Liên Xô), Fukushima (Nhật Bản) là do nóng chảy nhiên liệu, dẫn tới phản ứng hóa học gây nổ áp lực hơi nước và khí hydro, không phải là vụ nổ hạt nhân. Tuy nhiên, vẫn rất đáng ngại là sự cháy nổ hóa học có thể gây rò rỉ phát tán phóng xạ ra môi trường.

Lò Chernobyl không có thùng thép chịu áp lực nên các chất phóng xạ bị vụ nổ phát tán rộng vào khí quyển gây những hậu quả về sức khỏe không thể phủ nhận và vẫn phải tiếp tục giải quyết, khắc phục.

Đối với sự cố ở Fukushima thì do nổ hydro nhưng nhờ có thùng lò chịu áp lực nên nhiên liệu vẫn giữ được trong lò, chỉ có một lượng khí và ion phóng xạ rò rỉ theo khí và nước ra bên ngoài, nhưng lượng này nhỏ hơn hẳn so với ở Chernobyl.

Hiện nay trừ vài điểm ô nhiễm đặc biệt, mức phóng xạ không khí quanh Fukushima ở bán kính vòng ngoài nhà máy cũng chỉ nằm trong mức phóng xạ tự nhiên mà con người vẫn hấp thụ hàng ngày (lưu ý rằng chúng ta luôn “được” nhận một liều phóng xạ hợp lý có trong tự nhiên với ý nghĩa tốt cho sức khỏe, nếu thiếu nó thì cũng có hậu quả xấu, tương tự như các bé sơ sinh bị “cớm nắng” sẽ thiếu vitamin D).

Đối với vụ nóng chảy tâm lò ở Three-Mile-Island (Mỹ) thì vỏ thép thùng lò đủ khả năng giữ phóng xạ bên trong, nên hầu như không phát tán ô nhiễm ra môi trường. Các lò hiện đại như công nghệ AES-2006 của Nga mà Việt Nam đã lựa chọn cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được coi là công nghệ hiện đại và an toàn nhất hiện nay, có thể đảm bảo giữ nhiên liệu trong thùng lò hoặc thu gom trong bình chứa chuyên dụng dưới đáy lò, không cho rò rỉ ra môi trường.

Hậu quả tai nạn hạt nhân Chernobyl là rất nghiêm trọng xét về nhiều mặt. Trong đó tổn thất về người liên quan đến phóng xạ không thể coi nhẹ dù có thể nói số người thật sự bị chết trực tiếp do phóng xạ không lớn, nếu so sánh với các tai nạn trong công nghiệp điện than và khai thác hầm lò, người chết và tàn phế do hút thuốc lá, chết vì tai nạn giao thông. Con số hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn người đã và có thể sẽ chết do phóng xạ ở Chernobyl gây tăng tỷ lệ ung thư đột biến trong 10-20 năm tới theo một số dư luận chỉ là những suy luận không có căn cứ khoa học.

Thực tế ở Chernobyl theo dõi thống kê y tế cho thấy số trẻ sinh ra sau này bị bệnh tuyến giáp tăng khoảng 2 lần so với mức trung bình trước khi có vụ tai nạn, còn tăng tỷ lệ quái thai thì chưa thấy có con số thống kê nào khác biệt.

Có khoảng 600.000 nhân viên và binh sỹ đã lần lượt tham gia xử lý hậu quả Chernobyl và vì vậy họ bị liều chiếu cao đến sát mức ngưỡng cho phép, nhưng theo dõi chặt chẽ suốt 20 năm cho đến nay vẫn không thấy có sự tăng trội tỷ lệ mắc ung thư. Còn ở Fukushima không có ai bị chết trực tiếp do tai nạn phóng xạ, chỉ sau bốn năm có một nhân viên chết ung thư, nhưng khó có thể coi đó là tỷ lệ khác biệt so với mức thông thường. Người dân trong vùng quanh nhà máy chỉ bị liều chiếu xạ thấp hơn nhiều so với các nhân viên làm việc trong nhà máy.

Tóm lại, tai nạn hạt nhân có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, nhưng với công nghệ hiện đại, có độ tự động cao, chúng ta có khả năng giảm thiểu các lỗi sai phạm của con người. Ngoài ra, việc chấp hành các nguyên tắc an toàn về lựa chọn địa điểm, về khả năng bảo đảm an ninh, về quy tắc quản lý vận hành nghiêm ngặt sẽ giúp cho ngành điện hạt nhân có độ an toàn rất cao, nếu so với các công nghệ khác.

Chất thải phóng xạ nhà máy điện hạt nhân sau một giai đoạn làm nguội được cô đặc và đưa vào quản lý nghiêm ngặt trong chế độ kho bảo quản dài hạn không thể coi là bom nổ chậm. Hơn nữa, nếu nhiên liệu hạt nhân sau khi đã sử dụng được xử lý, chiết tách thì còn có nhiều chất quý hơn vàng được thu hồi, lượng chất thải độc hại còn lại chỉ không bằng 10% lúc trước.

Hiện nay Pháp là nước đi tiên phong thương mại hóa tái chế nhiên liệu đã qua sử dụng. Nga cũng có nhiều năng lực công nghệ và Nhật Bản dự tính sẽ đưa một hệ thống nhà máy tái chế hiện đại vào hoạt động sau khi họ khôi phục vận hành lại các lò điện hạt nhân.

Các nước cũng đang nghiên cứu thử khả năng bắn chùm laser hạt nhân (tức là chùm bức xạ mạnh đơn sắc từ máy gia tốc) để phá vỡ các chất thải phóng xạ độc hại vốn tồn tại hàng vạn năm để chỉ còn vòng đời sống ngắn, như vậy thì có thể quản lý và tiêu hủy, không để lại hậu họa cho thế hệ sau.

- Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của nhà máy điện hạt nhân trong an ninh năng lượng?

Tiến sỹ Võ Văn Thuận:
 Việc đầu tư nhà máy điện hạt nhân với công nghệ hiện đại, độ an toàn cao sẽ làm tăng vốn đầu tư. Trên thực tế, những con số dự báo gia tăng giá thành trong các dự án mới như dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đều đã bao gồm chi phí ước tính sau này như phí tháo dỡ nhà máy, phí quản lý hoặc chôn chất thải phóng xạ...


Mặt khác các nhà máy hiện đại sẽ có tuổi đời tăng lên đến 60 năm so với 30-40 năm trước đây. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, điện hạt nhân quốc tế thì cộng tất cả các chi phí trực tiếp và gián tiếp, công nghệ điện hạt nhân hiện đại vẫn đạt hiệu quả kinh tế.

Nếu xét về vấn đề biến đổi khí hậu thì điện hạt nhân gần như là nguồn lớn nhất và vận hành ổn định nhất mà không phát thải khí nhà kính.

Trung Quốc và Ấn Độ có tham vọng trong 15-20 năm nữa sẽ vượt lên hàng đầu thế giới về tổng số nhà máy điện hạt nhân họ định xây dựng. Trong khi Đức tuyên bố sẽ dừng điện hạt nhân, thực ra họ vẫn đang vận hành phần lớn các nhà máy cho đến khi hết tuổi thọ sau năm 2020 và trớ trêu thay là họ vẫn mua điện hạt nhân của Pháp và các nước láng giềng mới đủ điện dùng.

Giá điện của Pháp hiện rẻ nhất châu Âu, chỉ bằng nửa giá điện của Đan Mạch là nước triệt để dùng điện tái tạo, đó là vì ở Pháp chủ yếu là điện hạt nhân (gần 80%), mà các nhà máy của họ thì cũng đã cơ bản khấu hao xong.

Ở Nhật Bản, sau tai nạn Fukushima, các quy định an toàn hạt nhân nâng lên rất ngặt nghèo, nhiều nhà máy cũ sẽ khó đạt đủ các tiêu chí đó, nhưng năm 2015 đã có một lò điện hạt nhân được vận hành và hai lò khác đã đủ tiêu chuẩn sắp tái khởi động. Tổng số lò có khả năng nâng cấp và vận hành trở lại trong tương lai có thể lên đến khoảng 20 tổ máy, nguyên nhân cũng là vì ở Nhật Bản điện hạt nhân vẫn có hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn điện khí, điện than hoặc năng lượng tái tạo.

Các nước như Mỹ, Nga, Anh đang tiếp tục xây các nhà máy điện hạt nhân mới, vì ngoài vấn đề chống biến đổi khí hậu, họ hoàn toàn tự tin điện hạt nhân mang lại hiệu quả kinh tế.

Đối với Việt Nam, điện hạt nhân được tính đến như một thành phần quan trọng nhưng không phải là duy nhất, chưa phải chiếm tỷ phần lớn như ở Pháp. Điện than sạch, điện khí, thủy điện và điện hạt nhân sẽ phối hợp chạy nền ổn định và chạy đỉnh.

Bên cạnh đó chắc chắn phải coi tiết kiệm điện là quốc sách, đồng thời quan tâm và coi trọng năng lượng tái tạo. Thật ra những việc này đã được tính đến từ nhiều năm nay.

Nhằm mục tiêu tiết kiệm, trong Quy hoạch phát triển điện năng quốc gia (Quy hoạch 7) có cả một kế hoạch nâng cấp lưới điện quốc gia để giảm hao tổn đường dây truyền tải.

Việc “công nghiệp hóa” với định hướng “hiện đại hóa” là để thay thế những công nghệ cũ lạc hậu tiêu tốn năng lượng và tiến tới một nền công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng.

Tuy nhiên, quá trình “tiết kiệm điện” đòi hỏi những gói đầu tư “khủng” để mua công nghệ và cũng cần nhiều thời gian để tái đào tạo nhân lực, không thể chỉ nhờ giáo dục ý thức con người.

Bên cạnh tiết kiệm còn có yếu tố sống còn là phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng phải có công nghệ sạch, an toàn cho môi trường và con người.

Xét khía cạnh này thì Việt Nam phải cố gắng phát huy tiềm năng của một nước được kỳ vọng nhiều gió, nhiều nắng cũng như các năng lượng tái tạo khác. Vì vậy, trong dự thảo Quy hoạch bảy điều chỉnh sắp công bố đã đặt mục tiêu phát triển tối đa tiềm năng của năng lượng gió, thủy điện nhỏ và một phần năng lượng mặt trời, nhưng dù sao chúng cũng phải dựa vào chính sách đặc thù trợ giá trong giai đoạn đầu.

Tuy vậy, điểm yếu của năng lượng tái tạo là công suất phát điện manh mún, không ổn định vì phụ thuộc vào thiên nhiên, cho nên việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân và hướng tới làm chủ công nghệ vẫn là một giải pháp chiến lược để đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam.

Tôi chắc không thể đáp ứng đầy đủ thông tin những vấn đề liên quan, nhưng tôi hy vọng sắp tới các nhà quản lý ở Bộ Công Thương, Tổng cục Năng lượng, Chủ đầu tư dự án là EVN cũng như các chuyên gia ở Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ còn cho chúng ta biết thêm những tiến bộ mới trong quá trình thực hiện dự án điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn tiến sỹ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét