Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

20160120. BÀN VỀ LÒNG YÊU NƯỚC CỦA GS NGÔ BẢO CHÂU

ĐIỂM BÁO MẠNG
BÀN VỀ YÊU NƯỚC
Bài của GS NGÔ BẢO CHÂU/ BVB 19/1/2016
GS Ngô Bảo Châu và nhóm Đối thoại Giáo dục
 trong một cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 7/2014
K. là giáo sư toán ở đại học Yale, có quốc tich Mỹ nhưng gốc là người Nga, nói tiếng Mỹ vẫn đặc sệt giọng Nga. Có lần tôi hỏi anh ấy lần cuối anh về Nga là khi nào?
Anh ấy nói từ khi tôi đi Mỹ tôi chưa quay lại Nga bao giờ. Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, K. nói rằng đối với anh ấy nước Nga cũng giống như bất kỳ một nước nào khác trên thế giới, anh không cảm thấy liên quan đến những gì hiện giờ đang xảy ra ở Nga.
Trường hợp của K. không phải là một trường hợp phổ biến, nhưng cũng không phải là một trường hợp cá biệt.
Tuy hơi bị bất ngờ nhưng tôi cảm thấy cái lý trong những chia sẻ rất thẳng thắn của K. Nói cho cùng thì tại sao mỗi người phải gắn bó với mảnh đất nơi mình sinh ra.
Một vài lần quá cảnh ở sân bay Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, tôi bắt gặp vài tốp thanh niên Việt Nam, có vẻ như đến từ nông thôn, có vẻ như nói giọng Nghệ An, họ túm năm tụm ba, ngồi bệt uống bia, đánh bài, có vẻ như không quan tâm đến xung quanh, nhưng kỳ thực mắt vẫn nhìn quanh với một vẻ nửa hoang mang, nửa thách thức. Những lúc đó bỗng dưng tôi thấy quặn lòng thương đồng bào của mình.
Ai trong số họ đã nợ ngập cổ để mua cho bằng được một suất đi xuất khẩu lao động, ai trong số họ sẽ phải làm lụng vất vả mấy năm trời để trả hết số tiền đã vay, ai trong lúc bần cùng, nghe bạn bè rủ rê, sẽ đi ăn trộm ăn cắp?
Tại sao lại đồng cảm với họ?
Ngoài tiếng Việt là ngôn ngữ có thể dùng để hiểu nhau, ngoài nơi sinh Hà Nội và Nghệ An cách nhau vài trăm cây số, tôi có gì chung với họ? Tại sao tôi vẫn cảm thấy “liên quan” đến số phận của họ? Tôi thấy chỉ có một câu trả lời hợp lý duy nhất: sự “liên quan” đó chính là lòng yêu nước. Nếu đó là tình yêu thì có lẽ không cần tìm cách lý giải nữa.
Chắc chắn mỗi người yêu nước, hoặc không, theo một cách khác nhau. Nhưng tôi cho rằng, yêu nước, về cơ bản, là cảm thấy “liên quan” đến số phận của đồng bào mình.
                                                                 *****
Tôi rất thích xem bản đồ. Nhìn cái quả cầu xanh xanh nhớ lại chỗ này chỗ kia mình đã đi qua. Nhớ cánh đồng lúa xanh mướt, nhớ con đường nho nhỏ chạy thẳng ra biển mà ở ven ven thấp thoáng những tháp chuông nhà thờ. Nhớ những đỉnh núi hùng vĩ quanh năm tuyết trắng, nhớ những cánh rừng thông xào xạc chạy dọc bờ biển Đại tây dương. Chỗ nào cũng cảm thấy như nhà mình, trái đất là nhà mình, dù rằng có một vài điểm hình như thân thương hơn các điểm khác.
Nếu hay xem bản đồ thế giới, đến một lúc nào đó, bạn sẽ có một phát hiện rất lạ lùng. Hoá ra cái điểm Việt Nam thân thương không hề là trái tim của nhân loại. Nó nằm ở nơi cùng trời cuối đất. Đi tiếp sang phía đông, hay xuống phía nam là biển rộng, là đại dương.
Văn minh nhân loại được mở rộng và phát triển nhờ vào những cuộc viễn chinh, những làn sóng di dân. Chiến tranh và những cuộc di dân, vừa là tai hoạ cho cuộc sống con người, lại vừa là phương tiện chuyên chở tôn giáo, những tư tưởng nhân văn, những kiến thức về tổ chức xã hội, những phát kiến khoa học và kỹ thuật. Những cuộc chiến tranh, những cuộc di dân, những thảm hoạ đã từng cầy xới châu Âu cũng đã là một nguyên nhân làm cho nó trở nên phồn thịnh, văn minh.
Có lẽ vì đất nước của chúng ta nằm ở nơi cùng trời cuối đất mà trong gần hai ngàn năm, nó hầu như nằm bên rìa sự phát triển của văn minh của nhân loại. Chiến tranh, thực ra không nhiều, hầu như đều đến từ phương Bắc, người di dân hầu hết cũng đến từ Trung hoa. Trước khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, văn minh Trung Hoa là hệ quy chiếu duy nhất của người dân đồng bằng Bắc Bộ.
Cuộc sống bây giờ đã khác nhiều. Ngay cả những thanh niên nông thôn mà tôi gặp ở sân bay Narita, dù có lẽ họ không có một hệ quy chiếu nào khác ngoài một bộ ứng xử của người nhà quê, mà nền tảng lý luận dường như là một dạng tối giản của văn minh Trung Hoa, họ cũng hiểu rõ họ cần thoát ra ngoài cái khung đó để mưu cầu hạnh phúc, và họ muốn thoát ra bằng mọi giá.
                                               *****
Mấy tuần gần đây, dù muốn hay không, mà thực ra là không muốn, tôi cảm thấy rất quan tâm đến diễn biến chính trị ở Việt nam.
Tôi nhận thấy rất nhiều người cũng quan tâm như tôi, có lẽ quan tâm đến Đại hôi lần này hơn hẳn so với những Đại hội lần trước, dù rằng về cơ bản, chúng ta không “liên quan” gì đến Đại hội của “họ”.
Cảm giác quan tâm đó đến từ đâu, nếu không phải là khát vọng có ở trong mỗi chúng ta, khát vọng thoát ra khỏi thân phận của một nơi cùng trời cuối đất, gắn vào thế giới bằng một sợi dây lơ lửng buộc vào Trung hoa, thoát ra khỏi cái khung chật chội của Khổng giáo.
Tôi không định nói chúng ta phải quay lưng lại với cốt cách của con người Việt Namtruyền thống. Đối với tôi, cậu thanh niên Nghệ An quần áo xộc xệch dáng vẻ lấm lét ở sân bay Narita, dường như thân thương hơn nhiều so với các nam thanh nữ tú Hong Kong dán mắt vào cửa kính các quầy hàng duty free.
Nhưng tôi mong muốn một khế ước xã hội như những khế ước xã hội đã là nền tảng cho những nước phát triển. Tôi muốn một xã hội công bằng được đảm bảo bởi một nhà nước pháp quyền. Tôi muốn một nền kinh tế lành mạnh, phồn thịnh hoạt động trên nguyên tắc thị trường. Tôi muốn một xã hội mà ở đó người dân có thể tự tổ chức cuộc sống cộng đồng của mình mà không bị cản trở, đó là xã hội dân sự.
Vì cái chúng ta cần là một xã hội công bằng, phồn thịnh và một cuộc sống cộng đồng gắn bó, nên người lãnh đạo mà chúng ta muốn là một người cổ suý cho nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự.
Ngay cả khi không có lá phiếu, người dân cũng cần nói rõ về xã hội mà mình muốn. Nói được cái mình muốn không hề dễ, nó khó hơn nhiều so với nói cái mình không muốn. Nếu không nói được cái mình muốn, nó sẽ không bao giờ xảy ra.
Gs. Ngô Bảo Châu (ĐH Michigan, Hoa Kỳ)/BBC
NÓI THẲNG THÌ SỢ GIÁO SƯ CHÂU BUỒN
Bài của TRƯƠNG NHÂN TUẤN/ BVB 20/1/2016
  GS Ngô Bảo Châu nói như vầy trên BBC:"Vì cái chúng ta cần là một xã hội công bằng, phồn thịnh và một cuộc sống cộng đồng gắn bó, nên người lãnh đạo mà chúng ta muốn là một người cổ suý cho nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự".
Tôi nghĩ là có một số "khái niệm" trong phát biểu này cần phải làm sáng tỏ. Nếu không sẽ dễ lâm vào trường hợp nhặp nhằng về khái niệm, dễ gây ngộ nhận.
1/ Về khái niệm "xã hội công bằng".
Xã hội công bằng đã là khẩu hiệu tranh đấu của "giai cấp người vô sản", những người trang bị tư tưởng Mác, từ thế kỷ 19, ở các nước Châu Âu. Ngọn cờ của phong trào cộng sản thế giới được dựng trên nền tảng "công bằng xã hội". Theo những người vô sản, xây dựng một xã hội "công bằng" là xây dựng một xã hội trong đó không có cảnh người bóc lột người. Việc xây dựng một "xã hội công bằng" của phong trào cộng sản đã thất bại. Điều này đưa tới sự sụp đổ của LX và khối XHCN. Từ kinh nghiệm của sự thất bại này người ta nói rằng việc xây dựng "xã hội công bằng" là một "ảo tưởng" (utopique).
Nếu "xã hội công bằng" của GS Châu muốn xây dựng là xã hội này thì sự "phồn thịnh" cũng trở thành ảo tưởng.
Ở các xứ có nền "kinh tế" vận hành theo nhu cầu của "thị trường", người ta không xây dựng một "xã hội công bằng" (trở thành xã hội cào bằng như VN), mà người ta xây dựng một xã hội sao cho mọi thành viên trong xã hội đều được bình đẳng về quyền.
Chắc GS Châu phải nhớ, điều đầu tiên trong bản Tuyên ngôn Phổ cập về Nhân quyền (1948) là nói về sự tự do và bình đẳng về quyền và về nhân vị của mỗi con người : "Tous les êtres humains naissent libres et égaux en dignité et en droits".
VN đã nhìn nhận và ký bản Tuyên ngôn này. Việc cần làm, những người (có uy tín) như GS Châu, là khích lệ lãnh đạo CSVN tôn trọng những điều mình đã cam kết trước quốc tế. Tức là xây dựng một xã hội mà mọi thành tố trong đó trước hết được tự do, sau đó được bình đẳng về "quyền" (hay công bằng về cơ hội) và về "nhân vị".
GS Châu suy nghĩa lại, mình đâu cần (phải nhọc sức) xây dựng một "xã hội công bằng" chi nữa ? Vì nó là "ảo tưởng". Vì nó mà xã hội VN đã bị cào bằng mấy lượt.
2/Về "nhà nước pháp quyền". 
Tôi không biết cái gọi là "nhà nước pháp quyền" mà GS Châu nói ở đây là nhà nước gì ? Nó tương đương với nhà nước gọi là "état de droit" (hay "rule of law") ở các xứ khác hay không ?
Nếu đúng là như vậy, "état de droit", thì ta không thể gọi nó là "nhà nước pháp quyền" được. GS Châu thử nhìn qua các nước khác (có cùng gốc ngữ học như VN) như TQ, Đài Loan Nhật, Đại Hàn... họ sử dụng "nhà nước pháp trị".
Nếu không, GS Châu thử nói rõ, chữ "quyền" trong "nhà nước pháp quyền" lấy từ đâu ? "Pouvoir" ? "doit" ? "juridiction" ? Tôi viết tiếng Pháp cho khỏi "lạc tông" vì GS Châu được đào tạo từ trường Pháp. Tất cả các "thuật ngữ" mà tôi liệt kê đều dịch sang tiếng Việt là "quyền", mà ý nghĩa (lãnh vực luật học hay chính trị) của các thuật từ này hoàn toàn khác nhau.
Một thuật ngữ chuyên môn, chính xác, chỉ cho một mô hình tổ chức nhà nước "état de droit" không thể chuyển ngữ (sang tiếng Việt) bằng một từ "bất định" là "nhà nước pháp quyền". Bất định vì ở VN người ta giải thích rất tự tiện, lúc là chữ "quyền" của "quyền - droit của dân", lúc lại là "quyền lực - pouvoir của nhà nước", lúc thì là "nhà nước của quyền - droit".
Nếu ý kiến của GS Châu, "nhà nước pháp quyền", là tương đương với "état de droit", thì tôi nghĩ GS Châu cần có đôi lời giải thích về ngữ học trước.
Còn nếu "nhà nước pháp quyền" theo ý nghĩa của VN hiện nay, thì đến từ ý kiến của ông Đỗ Mười. Mà nguyên thủy là do ông Hồ (trong bài vè Việt Nam yêu cầu ca, 1919) "Bảy xin hiến pháp ban hành; Trăm điều phải có thần linh pháp quyền".
"Pháp quyền" ở đây có ý nghĩa của "juridiction". Nguyên ý từ bản "Revendications du peuple Annamite" : "Remplacement du régime des décrets par les régimes des lois." Có nghĩa là "thay thế chế độ pháp lệnh bằng chế độ luật lệ".
Vì vậy "nhà nước pháp quyền" ở đây không mang ý nghĩa phổ cập của "état de droit".
"Etat de droit", như GS Châu cũng biết, được định nghĩa là "un système institutionnel dans lequel la puissance publique est soumise au droit", tạm dịch: "nhà nước pháp trị là một hệ thống định chế mà trong đó quyền lực nhà nước phải tuân theo luật lệ. 
Thì trong "nhà nước pháp quyền" của VN, đảng CSVN nắm mọi quyền lực nhà nước nhưng lại đứng trên (hay đứng ngoài) pháp luật. Tức là trong hệ thống nhà nước này, người nắm quyền lực thì không chịu trách nhiệm (trước pháp luật) về hành vi mình đã gây ra. Biết bao nhiêu công trình kinh tê, xã hội, công trường xây dựng... bị thất bại, đem lại nợ nần cho dân hàng chục tỉ đô la. Nhưng rốt cục lại thì không ai chịu trách nhiệm các vụ thất bại này hết. Mọi việc cứ đổ thừa cho "cơ chế" là ổn thỏa hết.
Một hệ thống quyền lực như thế thì làm sao tránh khỏi (quốc nạn) tham nhũng?
3/ Về "kinh tế thị trường"
 GS Châu cũng biết, những vận hành của kinh tế quyết định thể chế chính trị. Qui ước và thực tế xưa nay là như vậy.
Một nền kinh tế lấy "quốc doanh chủ đạo" thì chỉ có thể là "kinh tế XHCN". Một nền "kinh tế" có sự can thiệp của nhà nước tự nó đã mang tính XHCN rồi.
Muốn giữ vững quyền lực đảng CSVN mọi cách phải giữ cái đuôi "định hướng XHCN".
Vì vậy, ý kiến về nền "kinh tế thị trường" của GS Châu chỉ có thể trở thành hiện thực khi cái đuôi XHCN được cắt đi. Mà điều này chỉ có thể khi VN dân chủ hóa chế độ.
4/ Nói thẳng thì sợ GS Châu buồn. Nhưng không nói thì e rằng nhiều người lại lấy lời "vàng ngọc" của GS làm châm ngôn. Điều này xảy ra thì đất nước càng trầm luân trong vòng độc tài đảng trị. Nên phái nói ra. Hy vọng không làm phiền lòng.
(Trương Nhân Tuấn’s FB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét