Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

20160125. SUY ĐOÁN CHỜ KIỂM CHỨNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
VIỆT NAM CÓ THỂ TIẾN HÀNH CẢI CÁCH THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ HAY KHỒNG?
Bài của Nguyễn Thị Từ Huy/ Viet-Studies 23/1/2016
 
(Cho đến hôm nay (23/1), loạt bài “Việt Nam có thể cải cách thể chế chính trị hay không?”  trên RFA Blog vẫn chưa hết. Viet-studies tạm trích những đoạn về Nguyễn Phú Trọng trong những phần đã xuất bản. Bôi đậm là do viet-studies)
II.
Quan sát chính trị Việt Nam đôi khi có cảm giác chẳng khác gì đọc một cuốn tiểu thuyết trinh thám dang dở, chưa đến hồi cuối, nghĩa là mọi bí mật còn ở phía trước, và mọi khả năng đều có thể xảy ra, dù rằng xảy ra trong một phạm vi có thể tiên liệu được.
Vì thế mà phân tích chính trị Việt Nam, trong rất nhiều trường hợp, chỉ là những suy đoán mang tính giả định, dựa trên những thông tin mà phần lớn không thể đảm bảo về mức độ chính xác.
Vậy, nếu định thử làm công việc phân tích chính trị Việt Nam thì có lẽ cần chọn theo một số nguyên tắc nhất định, trong đó có nguyên tắc này: phân tích các sự kiện và nhân vật chính trị theo phương pháp phân tích tiểu thuyết trinh thám. Nghĩa là bên cạnh nghiệp vụ chuyên môn, cần có thêm một ít tưởng tượng,và luôn ý thức về tính chất phức tạp, khó nắm bắt của tình hình và ý thức về sự bấp bênh của các kết luận. Đồng thời không nên bỏ qua các chi tiết tưởng chừng như là nhỏ nhặt. Tương tự như khi tác giả tiểu thuyết trinh thám để cho một ly nước xuất hiện trên bàn, đừng bỏ qua nó, bởi trong đó có thể có độc và nó sẽ được dùng đến vào thời điểm cần thiết. Và luôn cần ý thức rằng mình đang bị tác giả lừa, đang bị đặt vào bẫy của tác giả. Trong trường hợp ta phân tích chính trị Việt Nam, tác giả chính là các nhân vật chính trị. Cuốn tiểu thuyết chính trị do họ viết ra đồng thời họ đóng vai các nhân vật trong đó. Các thông tin nổi trôi trên mạng, được đưa ra bởi bút danh đủ các loại có thể là chủ ý của họ để làm rối loạn thông tin và để hạ bệ các đối thủ chính trị của họ. Chỉ cần nhớ lại vụ tin đồn nhảm về cái chết của Phùng Quang Thanh, ta sẽ thấy rõ điều này. Đến cả báo chí quốc tế còn dính đòn lừa của họ. Tuy nhiên, những người thận trọng sẽ thấy rằng, không một báo nào ở Pháp lên tiếng về sự kiện này, dù rằng câu chuyện liên quan đến khoảng thời gian Phùng Quang Thanh ở Pháp. Như vậy, việc của họ là lũng đoạn thông tin để điều khiển dư luận. Còn chúng ta có ngây thơ để cho họ điều khiển hay không, đó là việc của chúng ta. Muốn không bị điều khiển, chúng ta chỉ còn một cách duy nhất: phát triển khả năng phân tích và khả năng tư duy độc lập của mình. Việc tư duy độc lập của mỗi người trở nên đủ mạnh là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của một thể chế dân chủ. Giả định rằng nếu có khoảng 50% dân số có khả năng tư duy độc lập và có khả năng vạch ra sự ngụy biện hay lừa dối của chính phủ, và không chấp các biện pháp lừa dối và ngụy biện ấy nữa, thì chính phủ sẽ không còn dễ dàng điều khiển và nô dịch hóa các công dân của mình nữa.
Còn hồi kết của màn kịch hay tiểu thuyết trinh thám chính trị này ? Hồi kết chỉ diễn ra lúc nào thể chế chính trị hiện tại kết thúc để cho phép mở ra một hình thái chính trị khác, hình thái dân chủ, trong đó sự minh bạch được đưa lên làm tiêu chí hàng đầu trong các hoạt động chính trị cũng như trong vận hành xã hội.
Vậy, chúng ta xác định với nhau rằng cuốn tiểu thuyết trinh thám-chính trị mà chúng ta đang đọc hàng ngày hiện đang được các tác giả của nó viết nên và chưa biết lúc nào mới kết thúc.
Việt Nam có thể tiến hành cải cách chính trị hay không ?
Để trả lời câu hỏi này, cần trả lời nhiều câu hỏi khác, dĩ nhiên.
Trở lại với câu hỏi ở cuối bài trước: « trong bộ máy lãnh đạo của chúng ta hiện nay có những người có hoài bão lớn, không vụ lợi cá nhân mà nghĩ tới các giá trị chung và các mục đích chung, như Gorbatchev hay không ? Liệu có ai trong số đó còn nghĩ đến các giá trị đạo đức và tinh thần ? »
Hoài bão về một Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu từng thể hiện ở một số lãnh đạo cộng sản Việt Nam thời kỳ đầu (với tất cả những sai lầm mà họ đã không tránh khỏi thì họ vẫn là những người có hoài bão lớn), như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, hay thậm chí Lê Duẩn (cho dù Lê Duẩn không đưa được Việt Nam thoát nghèo do không có kiến thức và kinh nghiệm xây dựng kinh tế, và do bị cột chặt vào mô hình kinh tế kế hoạch hóa và tập thể hóa thời Liên Xô, nhưng ông ta có cái khát vọng về một Việt Nam hùng mạnh, và ông ta đã không ngại tiến hành chiến tranh với Trung Quốc, trong vị thế là lãnh đạo của một quốc gia bình đẳng với Trung Quốc. Chúng ta cũng đừng quên rằng đến năm 1988 Việt Nam vẫn còn đánh nhau với Trung Quốc).
Cái hoài bão lớn ấy giờ đây không còn xuất hiện trong các diễn văn của các lãnh đạo đương nhiệm. Vì thế, dĩ nhiên, cũng không còn xuất hiện trong các hành động của các lãnh đạo đương nhiệm. Đến một hành động tối thiểu là kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế mà cả bộ máy lãnh đạo còn không dám, trong khi một nước nhỏ như Philippines đã làm việc đó từ lâu, và người dân Việt đã thúc ép từ lâu.
Trong hành ngũ lãnh đạo Việt Nam hiện hành, không có người nào bộc lộ một hoài bão chính trị lớn về tương lai của dân tộc và về vị thế của dân tộc. Điều này có thể kiểm chứng trên các phát ngôn, các chính sách và cách hành động của họ. Câu trả lời mà tôi tìm thấy hiện nay là như vậy. Điều này không ngăn cản việc, trong số họ tiềm ẩn những người chưa tiện bộc lộ tư tưởng của mình, những người chờ đến khi được đứng vào vị thế quyền lực cao nhất mới hành động. Nhưng giả định này cũng có thể là rất viển vông.
Tuy nhiên trong đội ngũ lãnh đạo Việt Nam đương nhiệm, có một người có thể xem là muốn giữ đạo đức, và có quan tâm tới vấn đề đạo đức. Đó là ông Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng.
Vì sao tôi nói như vậy ?
Quý độc giả hãy đọc những phân tích dưới đây của tôi một cách hết sức thận trọng và tỉnh táo.
Bởi những phân tích của tôi dựa trên những thông tin ít ỏi mà chúng ta có thể có được, từ các nguồn mà chúng ta cho rằng có thể tin cậy, trong khi đó, sự thật rất có thể nằm ở những thông tin vẫn còn bị giấu kín trong bóng tối. Vì thế tôi ý thức được rằng toàn bộ phân tích của tôi ở đây có thể bị sụp đổ, nếu một ngày nào đó các thông tin xác thực được công bố. Đồng thời xin quý độc giả kiên nhẫn chờ đọc hết loạt bài này trước khi đánh giá về động cơ cá nhân của tôi khi quyết định viết ra chúng.
Câu hỏi về việc ông TBT có quan tâm đến đạo đức không liên quan đến một câu hỏi khác , có lẽ quan trọng hơn rất nhiều: TBT đương nhiệm có để cho Trung Quốc chi phối (dường như xu hướng chung đang thiên về giả định này) không ? Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam sẽ bị Trung Quốc chi phối nhiều hơn hay ít hơn nếu Việt Nam bị đặt dưới sự lãnh đạo của những người khác ?
Cũng xin hiểu rằng, những phân tích dưới đây của tôi là một nỗ lực diễn giải các sự kiện và các nhân vật chính trị, một nỗ lực diễn giải khách quan, chỉ dựa vào những thông tin hoặc có thể kiểm chứng được, hoặc trực tiếp chứng kiến, trong một mục đích duy nhất: đi tới nhận thức về những sự thật khả dĩ của những gì đang diễn ra sau tấm màn sắt của sân khấu chính trị. Và tôi cũng biết rằng những phân tích này hoàn toàn chẳng có tác động gì tới vở kịch hay tới cuốn tiểu thuyết chính trị mà họ (các lãnh đạo đương nhiệm hay các lãnh đạo tương lai) đang viết ra trên xứ sở này, họ tự giành độc quyền đó cho mình, trong khi tuyệt đối gạt bỏ vai trò của toàn bộ dân tộc. Đây chỉ là một nỗ lực cá nhân, với tư cách là một người làm nghiên cứu, trong hành trình tìm hiểu lịch sử đang diễn ra của đất nước.
Trước tiên, phân tích đầu tiên của tôi dựa vào một sự kiện mà thông tin về sự kiện đó đã phần nào được minh bạch: Hội nghị Trung Ương (HNTW) 6, tháng 10/2012. Và tôi sẽ đặc biệt tập trung vào một văn bản mà tất cả chúng ta đều có thể kiểm chứng được: Diễn văn bế mạc của Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng, ngày 15/10/2015.
Bắt đầu nhiệm kỳ TBT của mình từ năm 2011, ông Trọng xác định sứ mạng của mình là phải làm trong sạch Đảng, điều này xuất hiện thường xuyên trong các diễn văn của ông, và dường như ông cho rằng để làm trong sạch đảng phải chống tham nhũng, và chống tham nhũng thực sự. Kết quả của mục tiêu này là chiến dịch chống tham nhũng bắt đầu từ trên xuống, để lại dấu ấn khó phai là HNTW 6 .
Thời điểm đó, 2012, không ai nhìn cuộc chiến của TBT là một cuộc chiến tranh giành quyền lực (như xu hướng chung hiện nay đang nhìn nhận). Trái lại, thời điểm đó, cuộc đấu tranh của ông được nhìn nhận như là cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Và ông Trọng nhận được sự ủng hộ của những người còn có lương tri và hiểu biết trong Đảng (ví dụ đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã đề nghị thủ tướng từ chức, và đấy là lần đầu tiên ở Quốc hội Việt Nam có một đề nghị thẳng thắn và có thể xem là can đảm như vậy. Sự thẳng thắn và can đảm đó có thể bắt nguồn từ không khí chống tham nhũng thật sự do TBT phát động ?)
Ông TBT có thực sự muốn làm trong sạch Đảng, có thực sự muốn chống tham nhũng?
III.
Ta hãy trở lại với câu hỏi cuối bài trước: « Ông TBT có thực sự muốn làm trong sạch Đảng, có thực sự muốn chống tham nhũng ? »
Chúng ta không ở trong đầu TBT Nguyễn Phú Trọng, cũng không thể đi guốc trong bụng ông ấy, để mà đoán được ông ấy có thực sự muốn hay không. Điều chúng ta có thể làm là phân tích hành động và lối sống của ông ấy.
Theo những gì mà ta có thể kiểm tra qua hệ thống truyền thông, chính thống cũng như phi chính thống, ông Trọng không mắc phải các tai tiếng mà hầu hết các đồng chí của ông đều không tránh khỏi.
Ông không có tai tiếng về phụ nữ như người tiền nhiệm của ông là cựu TBT Nông Đức Mạnh. Ông không có tai tiếng về việc đặt con cái vào các vị trí quyền lực. Xin tham khảo một bài viết trên blog của nhà văn Mai Tú Ân, tổng hợp thông tin về các thái tử đỏ qua một danh sách con ông cháu cha thuộc loại « khủng » ở Việt Nam. Trong danh sách này, không có con cái của ông Nguyễn Phú Trọng. Trên báo chính thống cũng không tìm thấy thông tin nào về việc con cái của ông Trọng được bổ nhiệm vào các chức vụ quyền lực. Hoàn toàn đối lập với các động thái và toan tính của người đang được xem là đối thủ chính trị của ông. Ông TBT đương nhiệm cũng không có tai tiếng về tham nhũng. Tình cờ gần đây một người từng là quan chức trong ngành báo chí, bà Hồ Thu Hồng, cũng khẳng định điều này trên blog cá nhân trong một entry thiên về chỉ trích ông Trọng, tôi trích nguyên văn: « Ưu điểm lớn nhất của ông, đó là sự trong sạch về kinh tế, khộng tham gia vào các "nhóm lợi ích" » (Xem bài « Ba mươi chưa phải là tết »).
Về việc ông TBT không tham nhũng, tôi từng được trực tiếp nghe bình luận của một lãnh đạo cấp tỉnh, ở thời điểm khi tôi vẫn còn có thể có được một vị trí công việc trong xã hội Việt Nam (thời tươi đẹp ấy giờ đã quá xa xôi !!!), sau HNTW 6 ít lâu. Bên lề một hội nghị khoa học, một lãnh đạo cấp tỉnh có nói, tôi trích lại theo trí nhớ: « ông Trọng thực tâm muốn chống tham nhũng, nhưng điều ấy là không thể, bởi vì toàn bộ hệ thống dường như chỉ có mình ông là không tham nhũng mà thôi. Cho nên ông không thể chống nổi. » Nhận xét ấy được đưa ra một cách thành thực, không nhằm ca ngợi cũng không nhằm chỉ trích ông Trọng. Nhận xét ấy chỉ nhằm đưa ra một thực tế, và không phải là không có lý.
Quả thực như vậy, ông Trọng, dù chân thành muốn chống tham nhũng, ông đã không thể chống được, ông đã phải chấp nhận thua một cách công khai ở hội nghị Trung Ương 6, năm 2012. Từ đó, tham nhũng càng ngày càng trỗi dậy mạnh hơn lúc nào hết, bởi cơ chế xã hội hiện nay chính là điều kiện tốt nhất cho tham nhũng, và những người đi đầu trong tệ nạn tham nhũng sẽ củng cố quyền lực của họ bằng cách liên kết lại với nhau, để bảo vệ lẫn nhau, tức là để bảo vệ quyền lợi của chính họ. Đó là điều mà bất kỳ một đầu óc nào có khả năng suy luận bình thường và khách quan cũng có thể nhận ra một cách dễ dàng. Vì thế mà dù Bộ chính trị (16 người) đã thống nhất 100% đề nghị một hình thức kỷ luật cả tập thể BCT lẫn « một đồng chí » trong BCT nhưng Ban Chấp hành Trung Ương (175 người) đã phủ quyết đề nghị này. Chúng ta sẽ trở lại với chi tiết này dưới đây.
Giờ đây, tôi cho rằng sai lầm của giới đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam là đã chế giễu những giây phút cảm xúc mà ông Trọng bộc lộ ở phiên bế mạc hội nghị Trung Ương 6. Còn ai khác trong bộ máy lãnh đạo có những biểu hiện cảm xúc thành thực như ông Trọng ? Lẽ ra chúng ta phải nhận ra điều ấy, nhận ra rằng ông Trọng là người duy nhất còn có những biểu hiện cảm xúc thành thực (tức là một biểu hiện thuộc về nhân tính) trong một thế giới mà hầu như tất cả đều đeo mặt nạ, đeo mặt nạ bằng chính gương mặt thật của mình. Nếu thử làm một bước phân tích ngoại hình và diện mạo, thì có thể thấy nhận xét trên đây không phải là vô căn cứ.
Cần phải nói thêm rằng, những năm gần đây, nở rộ hiện tượng các website nặc danh (dù là « Chân dung quyền lực » hay « Ý kiến đảng viên »…. thì đó đều là các website nặc danh, bởi không thể kiểm chứng tổ chức nào hay cá nhân nào chịu trách nhiệm về chúng) với mục đích là phục vụ cho cuộc đấu tranh vì quyền lực. Nếu ta quan sát kỹ sẽ thấy rằng các website đó không che giấu khuynh hướng của mình trong việc ủng hộ nhân vật nào hay hạ bệ nhân vật nào, việc này rất thống nhất trong các bài viết. Điều này nằm trong mục đích cốt lõi: thao túng và định hướng dư luận. Điều đáng nói là chưa thấy một blog hay một website « nặc danh » nào được lập ra để vừa đánh bóng tên tuổi cho Nguyễn Phú Trọng vừa triệt hạ đối thủ của ông Trọng (tuy nhiên xin lưu ý rằng, nhận xét này có thể không đứng vững vì có thể tôi không bao quát hết thông tin). Có thể là do ông Trọng không tham nhũng nên không có tiền để tổ chức những website như vậy, đòi hỏi những khoản chi trả không nhỏ cho đội ngũ kỹ thuật viên và quan trọng là đội ngũ bồi bút. Nhưng cũng có thể là ông đã không lựa chọn cách thức mang tính chất bá đạo (nếu dùng ngôn ngữ cung đình) hay bẩn thỉu (nếu dùng ngôn ngữ dân gian) đó, do ông vẫn còn liêm sỉ của một người được học hành.
Đến đây ta có thể phản bác bằng cách nói rằng ông Trọng thành thực hay không, có đạo đức hay không, không quan trọng. Quan trọng là ông ấy đã làm được gì, ông ấy có năng lực gì không. Phản bác này không phải là không có lý. Dường như các phát ngôn của ông Trọng đã để lại ấn tượng rằng ông là một người không có năng lực, và dân gian đã ghi lại ấn tượng này bằng cách đặt cho ông một biệt danh, cái biệt danh giờ đây đã trở nên quá nổi tiếng mà tôi không cần phải nhắc lại.
Tuy nhiên, nếu nhìn từ một góc độ khác, thì ta cũng có thể thấy rằng ông Trọng phải nhận cái biệt danh có tính miệt thị ấy là do ông thành thực, ông không mị dân, ông nói những gì ông nghĩ. Ông không cố tình tạo ra một hình ảnh tích cực nhờ phát ngôn, nhằm che đậy những hành vi tàn bạo được thực hiện trong bóng tối, như những kẻ mị dân vẫn chọn làm. Hệ thống của ông Trọng vận hành theo đúng cái mô hình mà ông tôn lên làm lý tưởng, mô hình toàn trị, ông Trọng không che giấu điều đó.
Một ví dụ cho thấy ông Trọng không phải mù quáng như là chúng ta vẫn nghĩ, đó là phát biểu của ông về việc « Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa». Câu này là một phát biểu trên báo chính thống, ví dụ trên báo Tuổi trẻ, có thể kiểm chứng, hoàn toàn không giống như những thông tin được tung ra một cách hỏa mù trong thời kỳ tiền đại hội XII này.  Một lần nữa giới đấu tranh dân chủ, trong đó có tôi, đã phạm sai lầm là chỉ trích và chế giễu Tổng bí thư về phát ngôn này. Nhưng nếu chúng ta bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn, chúng ta sẽ thấy rằng, chưa một Tổng bí thư nào ở Việt Nam phát biểu một ý tương tự, chưa một TBT nào dám thừa nhận điều mà ông Trọng đã thừa nhận. Phát biểu này cho thấy ông Trọng ý thức được phần nào tính chất không tưởng của chủ nghĩa xã hội.
Đồng thời cũng chưa một tổng bí thư nào dám thẳng thắn nhận định rằng trong cái bình quý được gọi là đảng cộng sản thực tế chỉ có chuột. Câu nói này khiến ông bị dư luận chỉ trích thậm tệ: « Đánh chuột đừng để vỡ bình ». Nhưng chúng ta cũng có thể nhìn nhận nó theo cách này: dù ông Trọng muốn nhìn nhận rằng đảng của ông là một cái bình quý, thì ông cũng đã đủ tỉnh táo để thấy rằng cái bình đó chứa đầy chuột: những kẻ tham nhũng. Ông Trọng, với tư cách là người đứng đầu đảng, nếu ông nhìn đảng của ông như một cái bình quý thì cũng là điều dễ hiểu. Nhưng để nhìn thấy và nói ra rằng cái bình ấy dùng để chứa chuột, thì cần phải có sự thành thực và thẳng thắn. Đã có TBT nào có được một thái độ dám đối diện với thực tế như vậy, như thái độ của ông Trọng ?
Tôi tạm mượn biện pháp "tự phê bình" để nói rằng: rất có thể là sự chế giễu của chúng ta đã góp phần khiến Tổng bí thư trở nên cương quyết hơn, bảo thủ hơn trong sự lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa, và có thể vì thế ông đã sắt đá hơn trong các chính sách đàn áp, bởi lẽ ông ấy nhầm tưởng rằng chúng ta là những kẻ phản động, và ông ấy không hiểu rằng những người đấu tranh cho dân chủ chỉ có một mục đích là hướng tới một xã hội công bằng hơn, tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.
Dĩ nhiên, phân tích mang tính tâm lý học trên đây của tôi cũng chỉ là một phân tích cá nhân, quý vị có thể đồng tình hoặc phản đối. Và quý vị có thể lập luận rằng lãnh đạo Việt Nam cần tập quen với sự chế giễu của dân chúng. Tôi hoàn toàn đồng ý với lập luận này. Không chỉ riêng lãnh đạo, tất cả chúng ta cần tập quen với sự chỉ trích và chế giễu của người khác. Dân chủ cần khởi đi từ thái độ này, thái độ chấp nhận bị chỉ trích, bị phê phán và bị chế giễu. Nếu ta còn cảm thấy tổn thương khi bị người khác chỉ trích, và không chấp nhận để cho người khác chỉ trích, thì có nghĩa ta vẫn còn rất xa lạ với tinh thần dân chủ.
Trở lại với HNTW 6. Thất bại mà TBT thừa nhận công khai trong diễn văn bế mạc phần nào cho thấy Nguyễn Phú Trọng không phải là người nắm quyền quyết định, dù chỉ là trong lĩnh vực chống tham nhũng.
Tổng bí thư đương nhiệm có lẽ không có nhiều quyền như chúng ta tưởng. Rất có thể ông ấy bị vô hiệu hóa trên nhiều phương diện, và bị gán cho phải chịu trách nhiệm về những việc mà ông ấy không làm. Lưu ý rằng đây chỉ là một giả thiết, một giả thiết được nêu ra trên một số quan sát thực tế.
Chúng ta cũng đừng quên các sử gia quốc tế đã chỉ ra rằng Hồ Chí Minh – người hiện đang được đảng tôn lên thành thánh - cũng đã bị vô hiệu hóa ngay khi còn sống, từ những năm 60 trở đi quyền lực thực sự đã không còn nằm trong tay Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Trường hợp Hồ Chí Minh còn cần phải được soi sáng bằng các sử liệu, nhưng trường hợp Võ Nguyên Giáp thì tất cả chúng ta đều đã thấy rõ: từ vị trí đại nguyên soái lừng lẫy của các chiến dịch Điện Biên Phủ, sau hòa bình, Võ Nguyên Giáp bị đẩy xuống phụ trách sinh đẻ có kế hoạch. Tuy nhiên, dù vô hiệu hóa quyền lực của vị đại tướng này, chính quyền cộng sản vẫn buộc phải sử dụng uy tín và hình ảnh của ông mỗi khi cần đến, như là bằng chứng cho sự dối trá đã thuộc về bản chất của các chính thể cộng sản.
Đồng thời, những ai đã làm việc trong hệ thống, dù chỉ một ngày, đều hiểu điều này: quyền lực thực sự nằm trong tay những người mà chữ ký hoặc sẽ « ra tiền » hoặc sẽ « ra quyền », tức là quyền lực thực tế nằm trong tay bộ máy chính phủ, chứ không phải bộ máy đảng. Tuy nhiên, những người đứng ở vị trí chủ chốt trong bộ máy chính phủ đều phải là đảng viên, nó khiến cho những người thuộc bộ máy chính phủ buộc phải lệ thuộc vào đảng và phải bảo vệ đảng, đây là cách mà đảng dùng để duy trì và kiểm soát quyền lực. Nói điều này để thấy rằng hiện nay nếu ông Trọng không có thực quyền thì cũng là điều dễ hiểu.
Trong diễn văn bế mạc HNTW 6, TBT đã rất thành thực tường trình diễn biến của sự thất bại trong chương trình chống tham nhũng do chính ông đề xuất, nghĩa là gián tiếp thừa nhận rằng quyền lực của mình đã bị vô hiệu hóa. Ông viết: « Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị. » Tuy nhiên, đề nghị của Bộ Chính trị đã bị Ban Chấp hành Trung Ương bác bỏ. Ông viết: « Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị »
Nhưng ông Trọng đã không dám nêu tên người mà ông muốn kỷ luật, chỉ dám gọi là « một đồng chí », trong khi tất cả những người nghe diễn văn bế mạc đều biết «một đồng chí » ấy là ai. Việc này khiến ta liên tưởng đến một chi tiết mang ý nghĩa tương tự trong tiểu thuyết « Harry Porter »: nhân vật « You-know-who » (Kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai), nhưng không ai dám gọi tên, vì ai cũng sợ quyền lực tăm tối của hắn.
Thất bại của Tổng bí thư trong việc chống lại  « một đồng chí » trong Bộ Chính trị, được dư luận xem là trùm tham nhũng, và thất bại cuả ông trong công cuộc chống tham nhũng nói chung chính là hậu quả của tình trạng vô trách nhiệm nói chung, tình trạng cá nhân không phải chịu trách nhiệm, hậu quả của cơ chế lãnh đạo tập thể. Tình trạng này không thể cải thiện chừng nào cơ chế chính trị hiện nay vẫn tồn tại. Đáng tiếc thay, cho đến giờ phút này, ông Trọng dường như vẫn không muốn nhìn ra sự thật này.
Tuy nhiên, còn có thể nhìn thất bại của HNTW 6 dưới một góc độ khác: nếu ông Trọng không tham nhũng, nếu ông Trọng là một người quyết giữ đạo đức, thì thất bại của ông trong việc chống tham nhũng đồng nghĩa với thất bại của đạo đức trước quyền lực hắc ám của đồng tiền, trong một xã hội mà lợi ích kinh tế có thể giết hết mọi giá trị tinh thần, trong thời buổi mà vì lợi ích kinh tế người ta có thể bán hết mọi thứ, người ta có thể lấy máu của đồng bào mình làm thảm trải đường đón kẻ đã ra lệnh giết chết các ngư dân, tức là nhân dân của mình.
Sau HNTW 6, ông Trọng thành lập Ban Nội chính với sự ủng hộ của Nguyễn Bá Thanh. Như chúng ta biết, Nguyễn Bá Thanh sau đó không lâu đã chết, một cái chết đặt ra nhiều nghi vấn. Như vậy cũng có thể nói Ban Nội chính đã thất bại trong việc chống tham nhũng.
Nhưng thất bại là hiển nhiên. Không ai, không cá nhân nào, không ban bệ nào, không nỗ lực chống tham nhũng nào có thể thành công trong thể chế toàn trị hiện tại ở Việt Nam. Chính cơ chế chính trị là nguồn gốc, nguyên nhân của tệ nạn tham nhũng. Cơ chế chính trị này nuôi dưỡng và phát triển bệnh tham nhũng. Điều mà người dân Việt Nam cần là TBT có đủ sáng suốt để nhận ra điều này. Nếu ông còn duy trì cơ chế này thì ông còn tiếp tục thua những kẻ tham nhũng, và đất nước còn tiếp tục nghèo, nhân dân còn tiếp tục phải khổ, Tổ quốc còn tiếp tục phải chịu nhục.
Đến đây ta thử tìm cách trả lời một câu hỏi khác: ông Nguyễn Phú Trọng có lệ thuộc vào Trung Quốc không ? Ông Trọng lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn hay ít hơn những lãnh đạo khác?
IV
Ông Nguyễn Phú Trọng có lệ thuộc vào Trung Quốc không ? Ông Trọng lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn hay ít hơn những lãnh đạo khác?
Để trả lời câu hỏi này, và để tránh một định kiến đang lưu truyền mặc định rằng các lãnh đạo cộng sản đều là những người bán nước, cần nhìn ngược lại quá khứ tương đối gần của Việt Nam để thấy thái độ của các lãnh đạo cộng sản Việt Nam trước 1990. Năm này được dùng làm mốc bởi Hội nghị Thành Đô vào hai ngày 3-4, tháng 9 năm 1990 có thể đã tạo ra một bước ngoặt trong quan hệ Việt-Trung, điều này cần chờ đợi các sử gia làm sáng rõ. Từ mốc thời gian này, Việt Nam đi dần vào quỹ đạo Trung Quốc.
 Sự khách quan buộc chúng ta phải thấy rằng, trước thời điểm 1990, lãnh đạo Việt Nam đã luôn cố gắng giữ lập trường độc lập với các nước trong hệ thống, cả Liên Xô lẫn Trung Quốc, dù rằng để tiến hành chiến tranh họ cần sự viện trợ của những nước này. Sử gia Céline Marrangé đã phân tích rất kỹ lập trường này trong cuốn “Le communisme vietnamien (1919-1991)”. Chỉ xin nêu một chi tiết: khi Mao Trạch Đông mất, Trung Quốc lúc đó còn xung đột căng thẳng với Liên Xô nên cử người sang Việt Nam để học kỹ thuật ướp xác, nhưng Việt Nam đã thẳng thừng từ chối. Lãnh đạo Việt Nam hồi đó hẳn không thể hình dung được những người kế nhiệm họ sau này sẽ để lọt tất cả các vị trí chiến lược xung yếu nhất của đất nước vào tay Trung Quốc bằng hình thức cho thuê dài hạn.  Các cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 và hải chiến Trường Sa năm 1988 cho thấy rằng lãnh đạo Việt Nam thời điểm đó “không sợ” Trung Quốc, và không chịu lệ thuộc vào Trung Quốc.
Thời điểm 1990, một bộ trưởng như Nguyễn Cơ Thạch còn dám chấp nhận hy sinh sự nghiệp chính trị của mình vì tinh thần độc lập dân tộc, vì “không sợ” Trung Quốc. Một thái độ như vậy, ở thời điểm này dường như không còn tìm thấy ở một quan chức đương nhiệm nào.
Câu hỏi là vì sao những năm 79, 88 Việt Nam nghèo hơn bây giờ rất nhiều, khó khăn hơn rất nhiều mà lãnh đạo không sợ Trung Quốc? Một phần của câu trả lời là: bởi vì lúc đó lãnh đạo Việt Nam có tinh thần độc lập và Việt Nam chưa nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc.
Ngày nay, điều mà ta có thể nói là lãnh đạo Việt Nam từ 1990 trở lại đây đã dần dần đẩy đất nước vào trong quỹ đạo của Trung Quốc trên nhiều phương diện: chính trị (thể hiện ở phương châm bốn tốt mười sáu chữ vàng, và sự rập khuôn của các hình thức tổ chức chính trị nhập khẩu từ Trung Quốc), kinh tế (chỉ cần gõ cụm từ “kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào Trung quốc” lên google sẽ thấy mức độ lệ thuộc như thế nào), văn hóa (các sản phẩm sách, phim truyện, nhạc… tràn ngập từ truyền hình trung ương đến tận hang cùng ngõ hẻm). Trong đó sự phụ thuộc về kinh tế là quan trọng nhất. Việc chủ động giao các vị trí chiến lược của lãnh thổ vào tay Trung Quốc xuất phát từ động cơ nào nếu không phải là từ các món lợi khổng lồ mà những người ký kết các hợp đồng cho thuê thu được từ Trung Quốc? Khi ký các hợp đồng cho thuê đó, đất nước, lãnh thổ, quốc gia, dân tộc có lẽ đã hoàn toàn biến mất trong đầu những người ký, trong đầu họ chỉ còn tồn tại khoản tiền thu được từ chữ ký của họ.
Vậy, ông TBT, cũng như toàn bộ guồng máy lãnh đạo làm sao thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc? Điều đáng nói là từ những gì diễn ra trên biển Đông, và từ sự so sánh với những gì mà chính phủ Philippines tiến hành để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của họ, dân chúng được chứng kiến bộ máy lãnh đạo Việt Nam hiện hành “sợ” Trung Quốc đến như thế nào.
Ông TBT, với tư cách là người đứng đầu đảng cầm quyền, ông phải kế tục những gì mà các vị tiền nhiệm để lại cho ông, kể cả những thỏa thuận Thành Đô mà cho đến nay ông vẫn không thể công bố cho dân chúng, lẫn cái sứ mạng là phải xây dựng và bảo tồn đảng. Ngoài ra, sự thâm thủng ngân sách do những “quả đấm thép” như Vinashin, Vinalines… đấm thẳng vào mặt quốc gia khiến tiền ngân sách chui sạch vào túi của các quan tham đủ các cấp từ trên xuống dưới; quân đội yếu kém, không có vũ khí, không có thực lực, không có sức mạnh vật chất để đương đầu bằng vũ lực với Trung Quốc. Và nhất là sự lệ thuộc về kinh tế. Các quỹ đất cho Trung Quốc thuê dài hạn nằm ở các vị trí chiến lược cũng có thể trở thành những nguy cơ nếu Trung Quốc sử dụng như một phương tiện để đe dọa Việt Nam. Đây là lý do khiến cho ông Nguyễn Phú Trọng tất yếu phải sợ Trung Quốc, nếu xét theo lo-gic hình thức. Nhưng không chỉ có mình ông. Ông, và toàn bộ các quan chức chính phủ, từ Thủ tướng trở xuống, đều phải tụng  niệm “bốn tốt và mười sáu chữ vàng”, phải ra sức giữ hòa hiếu, khi gặp Tập Cận Bình tùy mức độ mà phải bắt tay nồng nhiệt hoặc ôm hôn thắm thiết, điều này hoàn toàn có thể hiểu được.
Ông Tổng bí thư có một lý do căn bản để lệ thuộc vào Trung Quốc.
Và ông Nguyễn Phú Trọng có một lý do để Trung Quốc không điều khiển được ông.
Ở đây ta sẽ đề cập đến vấn đề thứ hai trước: ông Trọng có lý do để thoát khỏi sự thao túng của Trung Quốc không?
Trả lời câu hỏi này không đơn giản như những người đang muốn chúng ta tin rằng ông Trọng đóng vai trò Trần Ích Tắc.
Đến đây mở ngoặc đi ra ngoài lề một chút để nêu một câu hỏi: nếu ở thời điểm này dân chúng tin rằng ông Trọng là một Trần Ích Tắc hiện đại thì điều này sẽ có lợi cho ai? Ngoài ra, thật đáng ngạc nhiên khi dàn đồng ca trên những website đã biến mất như “Ý kiến đảng viên” và nhiều bút danh xuất hiện trên nhiều website khác nhau đồng thanh chỉ trích ông Nguyễn Phú Trọng là giáo điều, đồng thời lại tụng ca Thủ tướng đương nhiệm như là một người có tinh thần cải cách vào bậc nhất ở Việt Nam, chỉ dựa vào một vài phát ngôn. Cũng dựa vào phát ngôn, nếu chúng ta thử đọc một bài diễn văn rất gần đây của Thủ tướng, ngày 7/12/2015, ta sẽ tự đánh giá được ai giáo điều hơn ai. Bài này đăng trên website của chính phủ, hy vọng sẽ không bị biến mất như là trang Ý kiến đảng viên (http://baochinhphu.vn/Cac-bai-phat-bieu-cua-Thu-tuong/Thu-tuong-phat-bieu-khai-mac-Dai-hoi-Thi-dua-yeu-nuoc-toan-quoc-lan-thu-IX/243154.vgp)
Ông TBT có để cho Trung Quốc điều khiển không?
Có thể, ông Trọng là người mà Trung Quốc khó điều khiển nhất trong bộ máy lãnh đạo hiện hành. Giả định này dựa trên một lý do: ông Trọng không tham nhũng.
Vì ông Trọng không tham nhũng, nghĩa là ông không bán mình vì tiền, nên ta có thể suy diễn rằng Trung Quốc khó nắm được ông Trọng bằng con đường lợi ích vật chất. Và một người không bán mình vì tiền, người đó còn tự trọng cá nhân, còn biết thế nào là nhục, và một người còn tự trọng cá nhân có thể sẽ còn nghĩ đến danh dự quốc gia. Một người nghĩ đến danh dự quốc gia sẽ không để cho lãnh đạo nước khác điều khiển vô điều kiện.
Một lần nữa, xin nhắc lại rằng quý vị có thể phản đối hoặc đồng tình với những phân tích từ góc độ tâm lý học này. Phân tích này chỉ mang tính suy diễn, và chẳng ai trong chúng ta có độc quyền về chân lý.
Tuy nhiên phân tích tâm lý học này được bổ sung bởi một lập luận dựa trên sơ sở thực tiễn: Trung Quốc khó có thể điều khiển ông Trọng khi mà họ không dùng tiền để mua chuộc được ông, khi ông không có những « điểm yếu » để có thể bị Trung Quốc nắm đằng chuôi.
Những kẻ tham nhũng có làm ăn với Trung Quốc rất dễ tự đặt mình vào vị thế này: những lợi ích kinh tế họ nhận được từ Trung Quốc càng lớn thì lưỡi kiếm của Trung Quốc càng sắc, và họ không chỉ bị nắm đằng chuôi mà lưỡi kiếm có thể còn đang kề cận cổ. Xét về logic, những người này sẽ bị lệ thuộc vào Trung Quốc sâu sắc hơn, họ sẽ bị trói chặt hơn, nếu so với một người không tham nhũng và không nắm kinh tế, như ông Trọng.
Và trong trường hợp toàn bộ quyền lực tập trung vào tay một người duy nhất trong số những người tham nhũng có quan hệ kinh tế đặc biệt với Trung Quốc, thì kịch bản chẳng mấy khó hình dung: Trung Quốc chỉ cần nắm yết hầu của người này thì sẽ nắm được toàn bộ Việt Nam.  Nếu ngày nay Trung Quốc chưa nắm được toàn bộ Việt Nam, thì có thể đấy là do cơ chế lãnh đạo tập thể, do BCT còn có 16 người, và BCHTW có 175 người. Nắm 175 người dĩ nhiên là khó hơn khi chỉ cần nắm một người duy nhất. Không chỉ vì số tiền phải bỏ ra sẽ quá lớn, mà còn vì trong số đó hẳn vẫn còn có những người có tinh thần dân tộc.
Nếu ông Trọng không đi đêm với Trung Quốc thông qua các dự án kinh tế và các hợp đồng kinh tế (ở điểm này tôi chỉ giả định vì hoàn toàn không có thông tin), thì ông vẫn còn có thể giữ được một sự độc lập nhất định đối với sự chi phối đến từ Trung Quốc. Ông có thể độc lập với Trung Quốc hơn, so với những người hưởng những khoản lợi ích kếch xù nhờ các khoản hoa hồng (nếu dùng mỹ từ) hay các khoản hối lộ (nếu gọi thẳng tên sự việc) có được do làm ăn với Trung Quốc. Giả sử hội nghị Thành Đô có những thỏa ước bí mật bất lợi cho Việt Nam, thì ông Trọng không phải chịu trách nhiệm về việc đó, mà người tiền nhiệm của ông phải chịu trách nhiệm. Nếu ông Trọng hiểu nguyên tắc này, ông sẽ có cách thoát khỏi sự chi phối của Trung Quốc.
Đến đây có thể đưa ra một phản bác: đảng của ông Trọng lệ thuộc vào đảng cộng sản Trung Quốc.
Dĩ nhiên, các phát ngôn của ông Trọng cho thấy ông đặt đảng lên trên hết, ông không chối bỏ điều này, trái lại dường như ông còn tự hào nữa, tự hào một cách thành thực. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào phát ngôn thì không chỉ mình ông mà hầu như mọi lãnh đạo đều đặt đảng lên trên đất nước. Xin đọc lại bài diễn văn của Thủ tướng mà tôi dẫn ở đoạn trên để thấy Thủ tướng đặt đảng lên trên nhân dân như thế nào. Và không chỉ Thủ tướng.  Đây là sự thống nhất mang tính sống còn của bộ máy lãnh đạo, sẽ chỉ viển vông nếu hy vọng rằng sự tranh giành quyền lực trong đảng, mà ta đang chứng kiến, có thể làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của đảng.
Điều đáng nói ở đây là ông Trọng khác những lãnh đạo khác ở chỗ: ông bảo vệ đảng không phải cho lợi ích vật chất của cá nhân ông (vì ông không tham nhũng), không phải cho tương lai chính trị của con cái ông. Vậy, có thể nghĩ rằng ông Trọng bảo vệ đảng vì sự tồn tại của đảng, vì ý thức hệ đã ăn sâu vào não trạng của ông. Có thể ông thành thực cho rằng đó là sứ mệnh của ông, một TBT.
Những kẻ tham nhũng sẽ bảo vệ đảng và bảo vệ cơ chế chính trị này còn quyết liệt hơn ông Trọng. Họ có động cơ cá nhân để làm việc đó, cái động cơ mà ông Trọng không có. Bởi vì đảng và cơ chế hiện hành cho phép họ tham nhũng (mà đồng thời lại vẫn có thể giấu nhẹm toàn bộ sự thật về sự tham nhũng của họ), cho phép họ toàn quyền biến tài sản quốc gia thành tài sản riêng của gia đình họ, cho phép họ quy hoạch con cái vào các chức vụ lãnh đạo then chốt, hoặc đặt con cái vào các vị trí nghề nghiệp có thể thao túng nền kinh tế quốc gia. Nếu tiến hành cải cách để dân chủ hóa thì cũng đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho các tham vọng về một quyền lực trường tồn cho dòng dõi của họ.
Giả định rằng ông Trọng xem việc làm trong sạch đảng và việc duy trì sự tồn tại của đảng là sứ mệnh của ông, như ông không ngừng viết trong các bài diễn văn, thì, hơn ai hết, là một tiến sĩ ngành Xây dựng đảng, ông Trọng sẽ phải hiểu rằng, sở dĩ đảng cộng sản Việt Nam nắm được vị trí lãnh đạo hiện nay, là vì đảng đã cùng dân tộc thành công trong cuộc đấu tranh giành độc lập (chúng  ta không thể phủ nhận được thực tế này, cho dù vấn đề này vẫn luôn được nhìn nhận khác nhau, và luôn là tâm điểm của mọi cuộc tranh cãi và mọi bất đồng của chúng ta).
Hơn ai hết, ông Trọng phải hiểu rằng nếu để mất độc lập thì đảng của ông không còn lý do để tồn tại. Ông Trọng có lẽ hiểu điều này hơn những người đang đứng trong guồng máy lãnh đạo cùng với ông, dù là cùng phe hay khác phe với ông, những người mà tiền bạc đối với họ là quá quan trọng. Nếu ta bỏ thời gian đọc những gì ông Trọng viết, ta sẽ thấy ông rất hiểu điều này. Dù sao ông cũng là một người được đào tạo một cách bài bản. Vì thế, một cách logic, ông Trọng phải hiểu rằng: để bảo vệ đảng phải bảo vệ được độc lập dân tộc.
Lo-gic này chưa hẳn đã vận hành trong đầu những người khác, những người bằng mọi giá cơ cấu con cái vào thành phần lãnh đạo, những người trở nên giàu có bằng con đường quan chức, nghĩa là thông qua các hình thức tham nhũng khác nhau, những người thông qua việc hưởng lợi nhuận từ các hợp đồng kinh tế với Trung Quốc mà vô tình hay cố tình biến đất nước này thành sân sau của Trung Quốc, tóm lại, những người mà đảng đối với họ chỉ là công cụ cho cái mưu cầu lợi ích của họ.
Nếu ông Trọng hiểu rằng để bảo vệ đảng phải bảo vệ được độc lập dân tộc thì ông buộc phải giữ độc lập với Trung Quốc, như là các vị tiền nhiệm của ông thời kỳ trước 1990, và ông có điều kiện để giữ độc lập với Trung Quốc, nói cách khác, ông có điều kiện để thoát khỏi sự thao túng của Trung Quốc, điều kiện đó là sự liêm khiết về tiền bạc của ông, là ông không tham nhũng, là ông không chịu bán mình.
Dù ông Trọng có tư tưởng thân Trung hay không, dù ông có cầm đầu phái thân Trung như người ta đang đồn đại hay không, thì một số sự kiện gần đây cho thấy ông Trọng không phải là lá bài của Trung Quốc, và ông Trọng giữ được một sự độc lập nhất định đối với Trung Quốc.
Tôi chỉ đủ thời gian để nói về hai sự kiện mà tôi cho rằng có thể có liên quan đến nhau: phản ứng trước vụ giàn khoan 981 và chuyến công du Hoa Kỳ của Tổng bí thư.
Trong thời kỳ dàn khoan 981 ngự trị trên vùng biển Việt Nam, năm 2014, người dân Việt bất bình vì không thấy TBT lên tiếng. Và có tin đồn là ông đề nghị gặp Chủ tịch Trung Quốc nhưng Tập Cận Bình từ chối. Theo thông tin của GS Nguyễn Minh Thuyết trên BBC Việt ngữ: « khi hạ đặt giàn khoan 981, nhiều thông tin quốc tế cho thấy phía Việt Nam và đặc biệt là tổng bí thư cũng đã nhiều lần đề nghị tiếp xúc nhưng cũng khoảng 20 lần từ chối. » Động thái này của ông Trọng đã bị nhìn nhận theo một hướng rất tiêu cực, người ta cho rằng ông cùng hội cùng thuyền với Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, giờ đây chúng ta đã có một độ lùi thời gian cần thiết để nhìn nhận lại sự việc, đặt nó trong một chuỗi các sự kiện khác để cố gắng hiểu những gì ẩn đằng sau. Ông TBT không nói gì, có lẽ vì ông ấy không quen mị dân, và quả thực ông không biết phải nói như thế nào trong hoàn cảnh đó, vì bị kẹt trong tình thế không đủ thực lực để chống lại Trung Quốc bằng vũ lực, và chỉ có cách giải quyết bằng con đường thương lượng, khi bị buộc phải giữ hòa hiếu. Có thể vì thế ông hy vọng rằng việc ông trực tiếp gặp Tập Cận Bình có khả năng dẫn đến một giải pháp nào đó. TBT muốn tìm một giải pháp thực tế và có hiệu quả, thay vì một vài phát ngôn mị dân, phải thế chăng ?
Việc Tập Cận Bình từ chối, và từ chối đến 20 lần như ông Nguyễn Minh Thuyết cho biết, cho chúng ta thấy điều gì ? Sau đây là một số giả thiết: thứ nhất, không có quan hệ gần gũi giữa Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng ; thứ hai, Tập Cận Bình không coi Nguyễn Phú Trọng là một lá bài của Trung Quốc ; thứ ba, Tập Cận Bình coi thường Nguyễn Phú Trọng (từ chối đến 20 lần thì ta không thể nói gì khác hơn là coi thường), có thể do ông ta nghĩ rằng TBT đảng cộng sản Việt Nam không có thực quyền, cũng có thể do ông ta không nắm được Nguyễn Phú Trọng, và cho rằng để giải quyết với Việt Nam thì phải làm việc với những người khác, những người ông ta điều khiển được.
Sau sự việc này, TBT đã thực hiện một bước đi mang tầm chiến lược: công du Hoa Kỳ. Ông Trọng là TBT đầu tiên thăm chính thức Hoa Kỳ và hội đàm với Tổng thống Mỹ. Chuyến thăm của ông Trọng là một bước ngoặt trong lịch sử ngoại giao Việt-Mỹ.  Chúng ta không thể nói khác.
 Điều cần phải phân tích ở đây là: vì sao ông Trọng quyết định thực hiện chuyến công du này ở thời điểm vừa rồi ? Theo thông tin của báo chính thống, phía Mỹ đưa lời mời từ năm 2012. Như vậy, dù đã được mời từ lâu, ông Trọng chỉ quyết định thăm Mỹ vào thời điểm sau khi bị Tập Cận Bình từ chối gặp để trao đổi về vụ giàn khoan. Khi thông tin về chuyến công du của TBT được đưa lên truyền thông, kết quả có lẽ đúng như ông dự tính: Tập Cận Bình vội vàng mời ông Trọng thăm Trung Quốc. Một lần nữa dư luận chung bị kéo về hướng cho rằng ông Trọng thần phục thiên triều. Nhưng nếu chúng ta bình tĩnh hơn để nhớ lại trước đó Tập Cận Bình đã kiêu ngạo từ chối ông như thế nào thì có thể chúng ta sẽ nghĩ rằng đấy là một bước lùi của Tập Cận Bình, và là một thắng lợi của Nguyễn Phú Trọng: Chủ tịch Trung Quốc đã buộc phải mời ông thăm chính thức.
TBT trong chuyến đi Mỹ đã mời Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay ông Obama đã nhận lời. Ngay lập tức Tập Cận Bình qua thăm Việt Nam. Gần mười năm qua, kể từ 2006, không một chủ tịch Trung Quốc nào thăm chính thức Việt Nam. Và cách đó một năm ông ta còn không thèm tiếp TBT Việt Nam. Vậy mà lúc này đích thân sang thăm Việt Nam. Phải chăng giờ đây Tập Cận Bình cảm thấy rằng bộ máy lãnh đạo Việt Nam đang tuột ra khỏi vòng kiểm soát của Trung Quốc, rằng ông ta phải gây áp lực bằng sự hiện diện trực tiếp của mình, và củng cố phe cánh của những người mà ông ta đã nắm được ?
Cần lưu ý một chi tiết tưởng như nhỏ mà Ông Bùi Thế Giang, Vụ trưởng Vụ Tây Âu – Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại TƯ Đảng, người chuẩn bị cho chuyến công du của ông Trọng, cho biết một cách công khai: « Có những người phản đối chuyến đi này rất kịch liệt nhưng cũng có những người thúc đẩy nó một cách tinh tế. » Phát biểu của ông Giang hé lộ rằng những người phản đối thuộc hạng « đầu tàu » (chữ dùng của ông). Điều này thật thú vị vì nó khiến ta phải đặt câu hỏi về những người phản đối chuyến đi của ông Trọng. Và nếu coi ông Trọng cầm đầu phái thân Tàu, thì sẽ phải giải thích như thế nào về chuyến thăm Mỹ của ông ? Phạm Chí Dũng trong một bài viết gần đây cũng nhắc lại rằng trong thời điểm TBT đang thăm Mỹ thì ở Việt Nam giới hoạt động nhân quyền bị an ninh đàn áp dữ dội, thô bạo. Quyết định đàn áp nhân quyền vào lúc đó không thể là một quyết định do ông Trọng hay phái của ông Trọng đưa ra, mà là nó phải được đưa ra bởi những người muốn hạ bệ uy tín của ông.
Ngoài ra, ở bài diễn văn bế mạc NHTW 14, trong hai điểm mà ông Trọng nhấn mạnh có việc khẳng định về sự ký kết hiệp định TPP. Thông điệp ngầm chắc hẳn muốn gửi đi là ông ủng hộ và xúc tiến cho hiệp định này.
Từ những phân tích trên đây, có thể hình dung rằng nếu ông Trọng được lựa chọn lần này thì đó chưa hẳn đã là sự lựa chọn xấu nhất. Và cuộc đấu mà dường như ông Trọng đang tiến hành chưa hẳn đã là một cuộc đấu vì quyền lực cho bản thân ông. Nếu năm 2012 ông chống tham nhũng, thì có thể lần này ông đấu tranh để chống việc Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc.
Những gì tôi đưa ra ở đây đều chỉ là giả định, xin lưu ý như vậy. Những giả định này sẽ được kiểm chứng khi các điều kiện về thông tin cho phép.
BCHTW vào năm 2012 đã chọn đứng về phía tham nhũng, đã bảo vệ tham nhũng, đã bị khuất phục trước sức mạnh của đồng tiền, như kết quả của HNTW 6 cho thấy.
Điều này hoàn toàn có thể lặp lại tại thời điểm này, tại đại hội XII. Bởi chưa bao giờ các hình thức mua chuộc, bằng tiền hay bằng những hình thức khác, được sử dụng nhiều như trong những năm qua.
Tuy nhiên, sự leo thang của Trung Quốc trên biển Đông có thể sẽ khiến cục diện thay đổi, có thể sẽ khiến cho số người trong BCHTW lựa chọn đứng về phía độc lập dân tộc lớn hơn là số người lựa chọn đứng về phía tham nhũng, nguyên nhân dẫn đến sự lệ thuộc toàn diện của Việt Nam vào Trung Quốc.
Chỉ sau ít ngày nữa chúng ta sẽ biết họ chọn cái gì.
V
Bây giờ ta sẽ nói đến cái lý do khiến cho TBT Nguyễn Phú Trọng lệ thuộc vào Trung Quốc.
Lý do đó là sự kiên định trong việc lựa chọn mô hình chủ nghĩa xã hội và thể chế chính trị độc đảng.
Mô hình này khiến cho Trung Quốc và Bắc Triều tiên trở thành hai đồng minh ít ỏi của Việt Nam, khiến cho Việt Nam tự đẩy mình vào thế bị cô lập không những trên phạm vi thế giới mà còn cả trong khu vực.
Nhân hôm qua, khi đọc để phân tích bài diễn văn khai mạc của TBT, tôi tìm lại tất cả những diễn văn khai mạc của những kỳ đại hội đảng trước đây còn được lưu giữ. Tôi sẽ trở lại với việc phân tích các diễn văn khi có dịp, ở đây chỉ nêu lên một điểm. Nếu so với đại hội lần thứ V, năm 1982, thì Việt Nam ngày nay thật đơn độc. Hồi đó, trongdiễn văn khai mạc, ông Trường Chinh liệt kê đến 45 đoàn đại biểu đến từ các nước liên minh chính trị với Việt Nam trên toàn thế giới, trong đó cả Gorbatchev, TBT ĐCS Liên Xô, nhưng hồi đó không có đoàn đại biểu của Trung Quốc. 45 nước ấy giờ đây đã dân chủ hóa hết rồi, họ không còn đến với đại hội của ĐCS Việt Nam với tư cách là những người cùng chiến tuyến nữa.
 Thay vì lựa chọn xu hướng phát triển chung cùng với các nước trong hệ thống cũ, lãnh đạo Việt Nam chọn Trung Quốc, nhưng chọn Trung Quốc là chọn một gọng kìm, chọn một sự sỉ nhục. Chỉ cần nhìn vào sự việc: đảng cộng sản Trung Quốc không cử đoàn đại biểu sang tham dự đại hội của đảng cộng sản Việt Nam lần này. Trái lại, trước đại hội, Tập Cận Bình sang để phát biểu trước Quốc hội Việt Nam và sỉ nhục Quốc hội Việt Nam bằng cách dùng ngạn ngữ để ví von: « ngàn vàng mua láng giềng gần », ví von này nếu không phải là một sự sỉ nhục thì là gì ? Chẳng phải đằng sau đó ám chỉ mối quan hệ thiết lập trên sự mua chuộc? Và chỉ một ngày sau, sang Singapore, ông ta tuyên bố rằng các vùng đảo đang tranh chấp thuộc về Trung Quốc trong lịch sử. Và trong khi Việt Nam đại hội đảng thì giàn khoan Trung Quốc vào hoạt động trong vùng lãnh hải của Việt Nam. Nếu Quốc hội Việt Nam, nếu lãnh đạo Việt Nam, và nếu Việt Nam nói chung chấp nhận để cho Tập Cận Bình dùng ngàn vàng để mua, thì đấy có phải là bán mình không, đấy có phải tự sỉ nhục mình không ?
Ông Nguyễn Phú Trọng, nếu quả thực cho đến giờ phút này ông vẫn giữ được một sự độc lập nhất định trước sự chi phối của Trung Quốc do không bị nắm đằng chuôi trong các phi vụ làm ăn kinh tế, đã phân tích, nếu quả thực ông hiểu rằng chỉ có thể cứu đảng khi giữ được độc lập dân tộc, thì dường như ông vẫn còn chưa hiểu điều này: Việt Nam không thể lấy đại cục (mô hình xã hội chủ nghĩa ) cùng Trung Quốc làm trọng. Việt Nam cần phải xem sự phát triển nội lực là mục tiêu hàng đầu. Bởi chỉ có phát triển nội lực, trở thành một nước giàu về kinh tế, mạnh về khoa học và quân sự, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… thì Việt Nam mới giữ được độc lập. Và muốn phát triển về nội lực, Việt Nam phải thoát Trung. Không có con đường nào khác. Và khi Việt Nam phát triển mạnh thì Trung Quốc buộc phải tôn trọng và coi Việt Nam là một láng giềng thực sự, chứ không phải là một chư hầu như hiện nay.
Điều cấp bách nhất của Việt Nam hiện nay để thoát Trung là thoát khỏi sự lệ thuộc về kinh tế. Các nhà kinh tế học có lương tâm cần phải cho dân chúng biết các nguyên nhân thực sự khiến kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc, và nhất là phải chỉ ra những ai là người phải chịu trách nhiệm cụ thể về việc đã để cho kinh tế Việt Nam lún sâu đến mức như hiện nay trong vòng kiềm tỏa của Trung Quốc.
Chúng ta đang hy vọng rằng TPP sẽ giúp Việt Nam tránh được sự chi phối của Trung Quốc bằng con đường kinh tế. Nhưng có thể Trung Quốc đã có những kế hoạch để tiếp tục chi phối kinh tế Việt Nam, lách qua các quy định của TPP, và thông qua các nhân sự Việt Nam mà họ mua chuộc được bằng các loại « hoa hồng ».
Điều này có lẽ những người trực tiếp làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất và những người  nghiên cứu về kinh tế ở Việt Nam đã nhìn thấy. Nhưng làm sao để họ có thể nói ra và để có biện pháp phòng ngừa ? Một viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế như ông Trần Đình Thiên lẽ ra cần phải cho người dân biết tình trạng thực sự và nguyên nhân thực sự của nền kinh tế Việt Nam, kèm theo các con số thực sự, chứ không chỉ là những phát biểu quá chung chung như ông vẫn nóiTuy nhiên, để ông Trần Đình Thiên có thể làm điều mà ta đòi hỏi, trước tiên ông ấy phải có được những nghiên cứu trung thực với các số liệu trung thực, tiếp đó ông ấy phải được đảm bảo an toàn khi công bố các kết quả nghiên cứu ấy. Nếu không thì ông chỉ nói chung chung như vậy thôi. Và ông cứ tiếp tục làm nghiên cứu mặc cho sự vận hành của nền kinh tế trong thực tế có thể rất khác với các nghiên cứu của ông.
Điều này dẫn đến luận điểm sau đây:
Việt Nam không thể thoát Trung về kinh tế, không thể phát triển nội lực, nếu không cải cách chính trị. Chỉ khi có tam quyền phân lập, chỉ khi ngành tư pháp hoàn toàn độc lập với quyền lực chính trị, thì ông Trần Đình Thiên mới có thể làm công việc nghiên cứu một cách đúng nghĩa và có thể công bố các con số thật về nền kinh tế quốc dân mà không phải sợ hãi và không phải trả giá.
Việt Nam chỉ có thể thoát Trung về phương diện kinh tế KHI VÀ CHỈ KHI thoát Trung về phương diện chính trị.
Thoát Trung về phương diện chính trị có nghĩa là phải thoát khỏi ý thức hệ của chính mình, thoát khỏi cái thòng lọng ý thức hệ mà các lãnh đạo dùng để tự buộc vào cổ mình. Hiện tại, cho đến thời điểm này, ông TBT là người nắm cái nút của sợi dây thừng đó.
Vì thế, ông TBT là người có điều kiện để tháo cái nút ấy ra một cách nhẹ nhàng nhất, không làm sây sát, không làm chảy máu của cả dân tộc.
Trong bài diễn văn khai mạc đại hội XII, TBT vẫn kiên định con đường xã hội chủ nghĩa. Nghĩa là ông Trọng vẫn kiên định quàng cái dây thòng lọng lên cổ mình và lên toàn bộ dân tộc. Một điều mà ông chưa thấy là: nếu vì không tham nhũng mà ông giữ được phần nào độc lập, không để cho Trung Quốc điều khiển, thì khi ông làm TBT, cái dây thòng lọng này là do ông nắm giữ. Nhưng nếu chức TBT rơi vào thay một người bị Trung Quốc điều khiển, thì cái dây thòng lọng sẽ bị nắm hai đầu: bởi TBT và Trung Quốc. Dường như ông Nguyễn Phú Trọng chưa nhìn thấy nguy cơ này, hoặc chưa nhìn thấy rõ.
Cần hiểu rằng diễn văn khai mạc là văn bản thể hiện tư tưởng chung của toàn bộ BCHTW, nó phải được thông qua trước BCHTW. Vì vậy, sau đại hội, dù ông Trọng rời khỏi chức vụ hay tiếp tục chức vụ TBT, ta có thể thấy, sẽ không có sự thay đổi về cơ chế chính trị.
Tuy nhiên, câu hỏi mà tôi đặt ra trong loạt bài này không phải là về sự thay đổi cơ chế chính trị.
Bất kỳ người nào có biết chút ít về chính trị và về tình hình Việt Nam đều hiểu rằng ở thời điểm này không thể có sự thay đổi về cơ chế chính trị, và đều hiểu rằng quyền lực chính trị hiện tại ở Việt Nam đang rất vững chắc. Hy vọng vào một sự thay đổi căn bản của chính trị Việt Nam vào lúc này là một hy vọng không có cơ sở.
Câu hỏi của tôi là: Việt Nam có thể tiến hành cải cách chính trị hay không ?
ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG CÓ THỂ THỰC HIỆN CÓ THỂ THỰC HIỆN CẢI CÁCH VỀ THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ ?
Bài của QUỐC VIỆT/ABS 23/1/2016
Qua một thời gian theo dõi các diễn biến về chính trị tại Việt Nam và nhân sự kiện đại hội đảng đang diễn ra tại Việt Nam để bầu các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Tôi muốn gửi một bài viết cá nhân về xu hướng chính trị Việt Nam trong thời gian tới.
Tôi thường hay có những dự đoán ngược với số đông và thông thường những dự đoán đó lại khá chính xác. Tất nhiên những dự đoán đều phải dựa vào những logic nhất đinh. Lần này tôi có cảm nhận người có thể thực hiện cải cách về thể chế chính trị lại chính là ông Nguyễn Phú Trọng. Tôi muốn viết trước dự đoán này để xem lần này có tiếp tục chính xác hay không.
Trước đây khi phần lớn mọi người nói rằng thủ tướng đang rất mạnh và có khả năng trở thành Tổng thống đầu tiên. Tôi đã nói với một số bạn bè rằng chắc ông ấy sẽ thất bại và hầu hết mọi người đều không tin điều này. Logic của tôi lúc đó đơn giản là thủ tướng đã đi sai nước cờ chính trị sau khi trang web “Chân dung quyền lực” xuất hiện. Với sự hiện diện của trang web này đã ngầm định ông tuyên chiến với hầu hết các thành viên bộ chính trị còn lại. Trong khi đó phía bộ công an thì ông cũng không nắm được bộ trưởng công an vì ông Trần Đại Quang trước khi lên bộ trưởng cũng đã có thời kỳ không được thủ tướng tin dùng và ông Quang cũng khá hiểu con người thủ tướng. Các “đệ tử” khác của thủ tướng phần lớn đều chỉ có thể chi phối về lợi ích chứ không có ai tuyệt đối trung thành với ông. Trong khi đó ông thủ tướng lại có quá nhiều nhược điểm để các đối thủ khác dễ bề tấn công, từ quản lý điều hành kinh tế, xã hội, đến các vấn đề gia đình. Nên khi thủ tướng chọn phương án đối đầu với hầu hết các đối thủ chính trị còn lại thì khả năng thất bại rất cao.
Về ông Nguyễn Phú Trọng, thời gian đầu ông lên nắm quyền tổng bí thư, tôi cảm thấy hơi khó hiểu về ông ta. Vì thông thường một con người sẽ hành động theo hai xu hướng. Một là cho bản thân mình, hai là công hiến cho xã hội để mang lại tiếng thơm sau này. Nhưng ông ta đã không thực hiện cả hai điều này. Nếu ông ta chỉ mong muốn vun vén cho mình thì tốt nhất khi lên chức tổng bí thư không nên tìm cách đấu đá làm gì cả, để cho thủ tướng tự tung tự tác và chắc chắn ông Tổng sẽ được chia xẻ những bổng lộc không nhỏ cho cá nhân và gia đình để hưởng cuộc sống an nhàn sau này và nếu kinh tế xã hội không tốt thì người đời chỉ có trách thủ tướng là người điều hành đất nước. Nhưng đằng này ông Tổng lại ra sức tìm mọi cách để chống tham nhũng, loại bỏ những thành phần “lợi ích” gây tổn hại cho đất nước. Nếu ông ta muốn hành động để lại tiếng thơm sau này thì ông ta phải tích cực ủng hộ dân chủ, ủng hộ cải cách. Nếu chỉ nhìn các hành động của ông Trọng trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua thì chúng ta khó nhìn thấy tư tưởng cải cách của ông.
Tuy nhiên, sau một thời gian quan sát tôi nhận thấy có lẽ ông Trọng sẽ là người đầu tiên thực hiện việc cải cách thể chế chính trị ở Việt Nam. Nhận định của tôi dựa trên các dữ kiện sau đây.
– Ông Trọng là người cẩn trọng và có tính toán bước đi khá chặt chẽ. Ông ta là người quyết tâm thực hiện ý tưởng tới cùng. Bước đi của ông ta theo tôi đầu tiên là loại bỏ những nguy cơ mà ông cho rằng sẽ cản đường cho sự phát triển đất nước đó là tham nhũng và “nhóm lợi ích”. Sau khi hoàn thành bước một này thì sẽ chuyển sang thực hiện việc cải cách đổi mới toàn diện. Tôi cảm nhận điều này qua nhiều diễn biến nhưng có lẽ rõ ràng nhất vẫn là bài báo trên Tạp Chí Cộng Sản đăng về cảnh báo nguy cơ về “lợi ích nhóm”. Trong đó có phân tích khá rõ ràng và lo sợ Việt Nam sẽ rơi vào tay của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Trong khi đó bài bài lại khen chủ nghĩa tư bản hiện đại là có nhiều mặt tiến bộ mà Việt Nam cần học tập.
– Ông Trọng là người khôn ngoan chứ không hề “Lú”. Nếu nhìn những phát biểu của ông thì có nhiều người sẽ nói ông ta vẫn chưa thoát khỏi lý thuyết cộng sản. Tuy nhiên, phân tích một cách kỹ càng thì có thể nhận thấy. Một người không phải là hoàng tử đỏ, cũng không phải là công thần của chế độ từ thời chiến tranh mà leo lên tới chức chủ tịch quốc hội rồi tổng bí thư thì cũng phải là người có nhận thức khá tốt. Với bất cứ đảng viên cộng sản bình thường nào cũng đều có thể biết là chủ nghĩa cộng sản “vứt vào sọt rác” thì đương nhiên ông Trọng không thể nào không biết điều này. Chẳng qua ông giữ chức vụ Tổng bí thư nên chưa thể nói khác được, khi mà chế độ cộng sản vẫn đang là bình phong cho nhiều người để giữ quyền lợi và bổng lộc. Ông có một số phát biểu mà qua đó chúng ta có thể thấy ngụ ý của ông trong đó ví như “chủ nghĩa xã hội không biết xây đến bao giờ mới được”. Trong chính trị ông Trong là người khôn ngoan, ông đã từng bước lôi kéo các thành viên khác của Bộ Chính Trị theo phe của mình, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các đảng viên kỳ cựu lão thành và đưa ra các nghị quyết, nghị định từng bước trói chân đối thủ chính trị của mình. Tôi có cảm tưởng như các thế trận mà ông giăng ra khá chặt chẽ mà đối thủ của ông khó thể nào chống lại được.
– Tôi không cho rằng ông Trọng là người thân Trung Quốc. Bởi nếu thân Trung Quốc ông phải được lợi lộc gì đó. Ông ta lại không phải loại người hám lợi nên việc thân Trung Quốc đâu có lợi gì cho ông mà chỉ để lại tiếng xấu. Tuy nhiên ông không phải là người muốn dùng ngoại giao cứng rắn với Trung Quốc nên hay bị chỉ trích là thân Trung Quốc. Ngoại giao Việt Nam luôn là ngoại giao theo hướng cân bằng. Ông cũng là tổng bí thư Việt Nam đầu tiên tới thăm Mỹ và có những trao đổi khá cới mở, thẳng thắn với tổng thống Mỹ.
– Điểm cải cách và đột phá của ông Trọng trong nhiệm kỳ vừa rồi là đang cố gắng trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo. Chúng ta dễ nhận thấy nhiều lãnh đạo tỉnh thành, các bộ và sở có những cán bộ khá trẻ. Những người trẻ thường được đào tạo bài bản và có kiến thức hơn thế hệ lãnh đạo trước, dễ tiếp thu cái mới và dám thử thách. Đây là điểm khởi đầu cho một bước chuyển tiếp cho cải cách đổi mới toàn diện đất nước.
– Điểm cuối cùng là tại sao ông Trọng vẫn mong muốn tiếp tục nắm chức Tổng bí thư thêm một vài năm. Rõ ràng ông ta không phải là người muốn duy trì tiếp quyền lực để hám lợi, vì nếu muốn như vậy thì nhiệm kỳ 5 năm vừa rồi ông ấy đã phải vun vén cho mình rồi. Nếu ông Trọng về hưu tại thời điểm này thì rõ ràng tiếng xấu thuộc về ông khá nhiều và ông chưa thực hiện được tâm nguyện của mình. Do vậy, ông chỉ có thể về hưu khi ông đã thực hiện xong ý nguyện của ông và chí ít cũng phải để lại một điều gì đó ấn tượng đối với nhân dân Việt Nam.
Dựa trên những cơ sở nêu trên thì tôi nhận định ông Trọng có thể là người tổng bí thư Việt Nam đầu tiên thực hiện cải cách về thể chế chính trị. Lãnh đạo Miến Điện từng được cho là quân phiệt và bảo thủ nhưng họ đã bất ngờ có những cải cách mà không ai có thể ngờ tới. Lãnh đạo Việt Nam dẫu sao cũng vẫn ôn hòa và Việt Nam thực hiện hội nhập sớm hơn Miến Điện rất lâu nên việc một lãnh đạo tưởng chừng như bảo thủ có thể thực hiện cải cách chính trị là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
LÀM GÌ CÓ... MÀ ĐỢI VỚI CHỜ ?
Bài của TRẦN HỒNG TÂM / BVB 23/1/2016
 Khi tôi viết những dòng này thì Đại hội XII đã bắt đầu. Tôi lướt qua những trang báo quốc doanh và cả quốc lậu. Đâu đâu cũng thấy người đang trông đợi một đấng minh quân, một cuộc cải cách.
Tôi thở dài xót thương cho những người nhẹ dạ cả tin. Làm gì có minh quân trong cái Đảng này mà đợi. Làm gì có đổi mới hay cải cách mà chờ.
Nhìn vào chiến dịch huy động hơn 5.000 quân nhân đặc biệt tinh nhuệ, trang bi hiện đại, tập luyện trong mọi tình huống, để bảo vệ Đại hội XII, bạn có suy nghĩ gì không?
Bao nhiêu người thắc mắc. Có ai phá phách gì đâu mà Đảng phải làm ghê rợn thế. Còn tôi nhìn thấy ở Đảng vẫn giữ nguyên não trạng của một kẻ gian. Bởi vì, mình luôn gian lận, nên cho rằng người khác cũng như mình, phải ra đòn phủ đầu. Một người bạn làm ngành Y bảo: Đảng mang đầy đủ mọi dấu hiệu của chứng tâm thần phân liệt thể hoang tưởng bị hại, luôn luôn cho rằng có người ta đang rình mò phá hoại mình.
Tuần báo Time của Mỹ, phát hành khoảng 3.3 triệu bản mỗi tuần, số ra đầu tuần này nhận định về Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam rằng chính trị của Đảng này là không có đất sống cho những người có cá tính, chớ đừng nói gì đến chuyện đột phá hay cải cách.
Người nước ngoài không hiểu Đảng Cộng sản Việt Nam bằng dân Việt, nhưng nhận xét của họ khá tinh vi. Có hằng hà những bằng chứng để chứng minh, nhưng sợ mất thì giờ của bạn, cho tôi nêu lên chỉ vài thí dụ.
Lê Duẩn chết tháng Bảy năm 1986. Cả nước reo vui. Có người sung sướng phải thốt lên “đất nước này giờ sống được rồi đây”. Cả Hà thành đổ ra đường, không phải vì thương xót anh Ba, mà vừa muốn thấy mặt bà Tư, bà Năm của anh Ba trẻ đẹp cỡ nào, vừa để  mừng một con khủng long đã chết, một chướng ngại vật của lịch sử đã được tạo hóa gỡ bỏ.
Công cuộc “Đổi Mới” bắt đầu từ đó. Đại hội VI bầu ra Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ông Linh ném ra vài khẩu hiệu: “Cởi trói”, “Nói và làm”, “Những việc cần làm ngay”, “Chống im lặng đáng sợ”. Giới trí thức Bắc Hà tung hô ông chẳng tiếc lời, ví ông như Đấng Cứu Thế. Ông  Nguyễn Văn Linh được ông Trường Chinh giao cho ‘bảo bối’ về một cuộc đổi mới toàn diện, căn bản Đại hội 6.  Nhưng rồi cũng chính ông Linh đã tự phản chính mình ngay Hội nghị Thành Đô, rồi ‘bế quan tỏa cảng’, co lại, coi phương Tây là “thế lực thù địch”, là“Diễn biến hòa bình”…tránh xa (chúng nó) ra, chỉ biết làm theo ‘thầy Tàu’, như bị bỏ bùa… “16+4”. Chính vì thế, suốt 5 kỳ đại hội (25 năm) Việt Nam "tiến" theo hướng 'củ lỗ ăn xuôi', ngày càng teo nhỏ dần, lụn bại, tụt hậu.
Lê Duẩn phá tan xiềng xích Trung Hoa, chết chửa xong tang. Ông Linh lén lút qua Tầu làm đĩ đực. (Ấy chết, xin bạn đừng bảo tôi là tục tĩu. Cụm từ “những thằng đĩ đực” là của ông Linh gọi Lê Giản và Trần Văn Trà – Đèn Cù, Chương 21). Ông Linh đập đầu khấn vái với Giang Trạch Dân rằng Lê Duẩn chống Trung Quốc là sai. Ông hứa sửa sai. Rồi ông tâm sự: Ngay từ nhỏ ông đã thần tượng và học tập Mao, nay thề trung thành với Mao.
Tàu nắm được huyệt hiểm, mang quân chiếm đảo Gạc Ma vào tháng Ba 1988. Tàu bắn chết 64 lính hải quân Việt Nam trong khi phía Việt Nam không được phép nổ súng. Tàu chiếm không đảo Gạc Ma, không sứt cái móng tay.
Đấy cũng là một dạng của đổi mới. Nhưng đổi mới theo kiểu của ông Linh. Đánh đổi chủ quyền một hòn đảo và 64 nhân mạng để có đồng minh chống lại phe Lê Duẩn – Lê Đức Thọ đang đe dọa đến sự an toàn cho chiếc ghế của ông. Đó là chưa kể tới cuộc mật đàm ở Thành Đồ vào tháng 9/1990.
Ông Linh là Tổng bí thư của đổi mới nhưng tại sao lại loại bỏ tất cả những nhân vật có tư tưởng đổi mới: Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Kiệt ra khỏi ban lãnh đạo. Rồi ông chọn Đỗ Mười, một người vừa bảo thủ vừa có tiền sử tâm thần, văn hóa thấp, để làm Thủ tướng và Tổng Bí thư kế nhiệm.
Hôm nay, nhiều người lại đặt hy vọng vào 200 Ủy viên Trung ương, hay 1510 Đại biểu dự Đại hội có thể xoay chuyển được tình hình. Thưa bạn! Đó chỉ là bầy cừu không hơn không kém. Họ gặm cỏ tuyên huấn, uống nước tuyên giáo, và được chăn dắt bởi tuyên truyền, được nhốt trong cái chuồng Mác – Lê – Mao. Cộng thêm là cái ghế quyền lực và xấp đô-la đã làm cho họ hôn mê sâu, không còn tri giác, mất khả năng tư duy.
Xin bạn đừng bảo tôi là ngoa ngôn. Nếu họ biết tư duy sao họ lại bầu ra những nhân vật Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, và Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư trong suốt năm kỳ đại hội, trải dài trong ba thập kỷ. Bạn hãy chỉ ra những con người trên ai là người đổi mới. Hẳn bạn có câu trả lời.
Bữa qua, tờ New York Time có trích đăng ý kiến của Luật sư Nhân quyền nổi tiếng Lê Công Định, đang bị quản thúc tại gia, về Đại hội XII. Anh Định bảo: “hoàn toàn thờ ơ” (totally indifferent) với sự kiện này. Anh coi đó chỉ là trò thay nhau giữ ghế và giữ vững nồi cơm.
Một blogger đưa ra một nhận xét thú vị. Đại hội nào Đảng cũng bảo là một “bước ngoặt quan trọng”, “bước ngoặt lịch sử” … Cứ ngoặt mãi, ngoặt mãi thì Đảng đưa dân tộc đi đâu?
Trần Đĩnh, tác giả của cuốn Đèn Cù viết “Hy vọng không trọng lượng nhưng đã đè sập bao đời người”.
Bạn còn trông mong gì ở cái Đảng này mà đợi mà chờ, mà hy vọng. Hơn năm thế hệ người Việt Nam đã bị Đảng đè sập. Thế hệ của con bạn cũng bị đè sập nốt sao?
Thôi về đi. Không có đổi mới đâu mà đợi. Chẳng có minh chủ nào mà chờ. Đã 72 tuổi, tài năng lơ mơ, ăn nói ất ơ, tác phong vật vờ, làm việc phất phơ, muốn ở lại thêm khóa nữa, nhưng miệng lại rao giảng không “tham vọng quyền lực”... Bạn có dám gởi gắm niềm tin vào con người đó không? 
January 22, 2016
Tr.H.T (Tác giả gửi BVB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét