Nhân dịp nghỉ Tết, tôi đi vãn cảnh chùa Linh Quang, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Điều gây ấn tượng với tôi không chỉ bởi không gian ấm áp, linh thiêng ở nội tự ngôi chùa, mà điều đặc biệt nằm ở không gian bên ngoài, nơi có khu vực được trang trí bởi những lều tranh nho nhỏ để viết sớ, trưng bày những vật gợi nhớ đến tết xưa hay đặc sản địa phương như bánh chưng, bánh dày, củ sắn,… 

Điều này tôi tiếp tục được thấy ở một số ngôi chùa khác ở Hưng Yên, Hà Nội trong những ngày Tết vừa qua.

Những ngôi chùa là thiết chế tâm linh và tương đối bảo thủ với những thay đổi trong xã hội. Khi vào chùa, chúng ta thường nghĩ đến việc thực hành nghi lễ tôn giáo để những giá trị đạo đức truyền thống được lưu truyền, trở thành điểm tựa tinh thần cho con người trong thế giới có nhiều thay đổi. 

Trò chuyện với sư thầy Thích Nguyên Thuận, trụ trì chùa Linh Quang, chúng tôi đồng ý với nhau rằng, tốc độ xã hội càng nhanh, con người càng bị cuốn nhanh hơn guồng quay của xã hội, đạo đức càng phải trở thành hệ điều tiết cho xã hội để tạo sự cân bằng. 

Những thiết chế tâm linh nói chung, các ngôi chùa thờ Phật nói riêng, chính là điểm tựa tâm linh để giúp con người cân bằng lại cuộc sống của chính mình. 

Như thế, việc một ngôi chùa thay đổi chính mình, dù đó là những biểu hiện bên ngoài, qua những trang trí sáng tạo, vừa thể hiện sức ép phải chuyển mình của một thiết chế tâm linh để phù hợp với xu thế thời đại, vừa là những tín hiệu tích cực cho thấy, sáng tạo là xu hướng tất yếu, và tinh thần sáng tạo đã thực sự len lỏi vào mọi tế bào của xã hội, cả ở một trong những nơi được xem là bảo thủ nhất.


Khu du lịch chùa Tam Chúc trong những ngày tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: Phạm Hải

Để một thiết chế tâm linh như ngôi chùa thay đổi phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân, theo hướng là một “không gian sáng tạo” không phải là một điều dễ dàng. 

Điều này không chỉ đến từ khả năng không gian hay tài chính của mỗi chùa, mà trước hết phải đến từ nhận thức của mỗi chùa, cũng như của cả giáo hội Phật giáo của địa phương. 

Ở đó, chùa giờ đây không chỉ là một thiết chế tâm linh, nơi con người không chỉ nương tựa về tinh thần, rèn luyện, thực hành về đạo đức, mà còn là nơi khai sáng trí tuệ và giải trí sáng tạo cho mọi lứa tuổi. 

Điều này cũng cần phải đến cả từ môi trường xã hội khuyến khích cho những sáng tạo nhằm tạo thêm những giá trị cho các thiết chế văn hóa nói chung cũng như cho các thiết chế tâm linh như chùa nói riêng. 

Bên cạnh đó, chúng ta đã ở vào một thời đoạn chín muồi để các ngôi chùa quan tâm nhiều hơn đến thiết kế cảnh quan, mỹ thuật, tạo thêm những điểm nhấn, tô điểm cho vẻ đẹp của chùa. 

Những ngôi chùa lớn được xây dựng gần đây như Tam Chúc, Bái Đính,… cũng có những vẻ đẹp truyền thống như nhiều ngôi chùa khác trước đó. 

Như vậy, dường như việc trang hoàng không gian bên ngoài của các cơ sở thờ tự đã trở thành một xu hướng, chứ không phải là sáng kiến mang tính đơn lẻ nữa. 

Điều này khiến chúng ta có thể liên hệ với không khí sáng tạo đang đầy ắp trong xã hội với các không gian sáng tạo, sự kiện sáng tạo cũng như những sáng tạo dựa trên chất liệu truyền thống văn hóa dân tộc đang dần định hình trong âm nhạc, điện ảnh, thời trang, mỹ thuật, di sản.

Thực sự đây là một tín hiệu đáng mừng khi những gì chúng ta ấp ủ về một quốc gia sáng tạo, với những cộng đồng sáng tạo, người dân sáng tạo, được thực hành bởi giáo dục sáng tạo ở những không gian sáng tạo đã dần được hiện thực hóa. 

Khi những yếu tố sáng tạo ấy có thể đến được với những không gian linh thiêng, thiết chế tâm linh, hẳn rằng sáng tạo sẽ trở thành một xu hướng bền vững. 

Đó cũng là lúc ước mơ của chúng ta về việc xây dựng một quốc gia giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc bằng chính sức mạnh mềm của văn hóa cũng như sức sáng tạo của con người Việt Nam đã đạt được những thành tựu ban đầu, nhưng vững chắc.

Bùi Hoài Sơn

NGUỒN: Vãn cảnh chùa nghĩ về giá trị Việt (TVN 16/2/2024)-Bùi Hoài Sơn-[https://vietnamnet.vn/van-canh-chua-nghi-ve-gia-tri-viet-2249386.html]

TIN LIÊN QUAN:

START UP CHÙA
DƯƠNG QUỐC CHÍNH/FB 14-2-2024
Đầu tư xây chùa giờ dễ ợt. Toàn thấy anh em sư tự tìm vốn xây chùa rồi xin được làm trụ trì, đại khái cũng như start up vậy. Phải làm thế vì các chùa có sẵn thì kín chỗ rồi, phấn đấu lên trụ trì là hơi bị khó, vì tuổi hưu của sư lại quá cao, chờ đến khi sư huynh nghỉ hưu để mình lên chức thì ốm. Hơn nữa, cạnh tranh bây giờ quá khốc liệt, vì còn phải đấu với anh em sư định hướng XHCN, có bảo kê, quan hệ. Không biết trong ngành có phải chạy chức không? E là có.
Chính thế nên giờ chùa mới mọc ra như nấm, giống mở công ty thôi. Vốn ít thì mở chùa mới, nhỏ, chỗ khỉ ho cò gáy, rồi thu tiền lẻ từ bần nông. Vốn dày thì mở chùa to luôn, thường là nâng cấp từ 1 chùa cũ, cổ, bé bằng lỗ mũi. Kiểu đó cơ bản cũng như anh em đầu tư bỏ vốn vào mấy công ty nhỏ, có tiềm năng, rồi PR, làm thương hiệu, rồi thu tiền. Kiểu này thường chỉ hiệu quả khi đầu tư vào mấy chùa nhỏ, chưa có thương hiệu, như chùa Bái Đính. Ngày xưa đếch ai biết chùa ấy ở đâu, thực tế bây giờ cái chùa cũ cũng chỉ bằng lỗ mũi, mình đi Bái Đính mấy lần còn chưa vào đó, chỉ vào cái showroom mới thôi.
Các chùa cổ, to, có tiếng từ xưa thì anh em đại gia lao vào dây máu ăn phần hơi khó. Như vụ Xuân Trường định đầu tư vào chùa Hương không ăn thua. Vì chùa ấy tiền vào như nước sẵn, ngu gì chia bánh cho thằng khác. Thế mà chùa Yên Tử vẫn có đại gia vào được mới tài, nhưng chắc tỷ lệ ăn chia giọt dầu không được mấy, chỉ là ăn theo ở những hạng mục mới thôi. Kiểu ấy chắc giống liên doanh, chứ không như Bái Đính.
PR, làm thương hiệu cho chùa, thì có nhiều bài. Như đi rước xá lợi Phật rình ràng từ Ấn Độ, Nepal gì đó về đặt, rồi xây tượng Phật to nhất ĐNA... hay mời sư nổi tiếng, có danh phận trong Giáo hội Phật giáo về làm trụ trì. Cũng như các công ty mời CEO có tiếng về làm thôi. Nếu xây được chùa to, quan hệ ngon, thì đứng ra tổ chức mấy cái hội nghị Phật giáo quốc tế, cũng như mấy khu du lịch đứng ra đăng cai thi hoa hậu thôi.
Chung quy cũng là bơm thổi, để câu view khách thập phương. Khách đến nhiều thì sẽ hốt được nhiều tiền.
Các công ty bình thường thì phải minh bạch tiền thu chi, rồi tính toán lợi nhuận, để đóng thuế. Còn đầu tư vào chùa thì chỉ có Phật mới kiểm toán nổi. Ai mà biết được tiền cúng dường thật là bao nhiêu? Mà chùa thì tất nhiên không phải đóng thuế.
Chùa thì có rất nhiều khoản thu. Dễ thấy nhất là tiền cúng dường, rồi đến tiền cúng giải hạn. Ngoài ra các sư cũng chạy show, đánh quả lẻ, như xem phong thủy, làm lễ cúng đám ma, động thổ, cất nóc, cúng bái các loại cho người dân. AE sư giờ tài lắm, rành tất cả kỳ môn độn giáp, phong thủy, cúng bái, tử vi, kinh dịch đến cho/bán chữ.
Mấy năm trước có vụ tranh chấp, 1 sư cô viên tịch mới lòi ra mấy cái sổ tiết kiệm mấy tỷ đồng. Thế là cháu của sư nhảy ra nhận thừa kế, chùa cũng đòi, với lý do là sư đã xuất gia thì không còn tiền riêng nữa, tiền ấy là của chùa. Vụ ấy sau chìm xuồng, chắc cưa đôi quá?!
Chùa còn có cửa kiếm nữa, là vì dân làm ăn VN ai mà chả là tù nhân dự khuyết, quan lại thì càng thế. Nên thành phần có tâm bất an càng ngày càng đông nên họ có nhu cầu cúng dường để an tâm. Anh em làm càng nhiều điều thất đức thì càng cúng dường nhiều.
Đầu tư vào chùa kiếm như thế, mà tiền ra vào lại tù mù, miễn thuế, khỏi thanh tra, kiểm toán, thì chùa đúng là thiên đường thuế không kém gì British Virgin Islands.
CHÙA BA VÀNG VẮNG KHÁCH?
THÁI HẠO/FB/TD 20-2-2024
Mấy ngày nay trên báo và mạng xã hội đang có nhiều thông tin trái ngược nhau về lượng người đến chùa Ba Vàng dịp Tết này. Báo Tuổi Trẻ đăng hình và chạy dòng tít “Biển người quây kín sân chùa Ba Vàng ngày mùng 8 Tết”, sau đó dân tình phát hiện ra rằng ảnh này là của năm 2023! (Riêng việc này, báo Tuổi Trẻ cần giải trình với dư luận và các cơ quan quản lý nhà nước).
Hôm nay, trên nhiều trang mạng lại đăng hình để chứng minh rằng, “chùa Ba Vàng vắng khách” trong dịp Tết này. Từ đó, tỏ ý hoan hỉ vì “dân đã bớt u mê”, đồng thời lên án báo Tuổi Trẻ làm việc cẩu thả, thậm chí có động cơ chạy quảng cáo cho Ba Vàng.
Tôi lội vào trang “Thầy Thích Trúc Thái Minh”, vẫn thấy tràn ngập người trong các video và ảnh chụp suốt từ Tết đến hôm nay. Đặc biệt, về sự “vắng khách” sáng mùng 10 mà một số trang FB chia sẻ thì tôi xem trên trang Thích Trúc Thái Minh thấy cách đây 18 giờ đăng thông tin “Về quê Bắc Ninh mừng thọ 2 cụ thân sinh của Sư Phụ”.
Bài viết cho biết: “Với tấm lòng tri ân và báo ân đến hai đấng sinh thành của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh, nhân dịp đầu xuân năm mới, các Phật tử chùa Ba Vàng cung thỉnh Sư Phụ cùng về quê Bắc Ninh, để các Phật tử được vấn an sức khỏe, chúc thọ 2 cụ và chúc thọ chung anh em của cụ ông”.
Như vậy, rất có thể trong một ngày gần đây nhất, tăng ni và phật tử chùa Ba Vàng đã rời chùa, và tổ chức các hoạt động ở nơi khác, do đó mới có sự vắng vẻ mà mọi người đã nhắc tới.
Cách đây một ngày, tức ngày 8 Tết, cũng trên trang Thích Trúc Thái Minh đăng tin về lễ Khai đàn Dược Sư, trong đó đính kèm nhiều ảnh, có những ảnh tràn ngập người (tôi để ảnh dưới phần bình luận để tránh bị báo cáo). Báo Tiền Phong ngày 17 tháng 2 còn cho biết “Gần 100 nghìn du khách, Phật tử đến chùa Ba Vàng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn”.
Bằng quan sát, kiểm chứng thông tin và suy luận, tôi cho rằng không có chuyện chùa Ba Vàng vắng khách như nhiều trang đã nhận định. Tôi cũng không cho rằng sự kiện “xá lợi tóc ngọ ngậy” đầy tai tiếng ở chùa này đã giúp bà con tỉnh ngộ - nhất là khi những xử lý của Giáo hội và pháp luật nhà nước chỉ mang tính xoa dịu dư luận một cách chiếu lệ, hời hợt, còn “thầy Thích Trúc Thái Minh” thì vẫn ngày ngày lên tòa cao ngụy biện, cho hành vi “cúng dường xá lợi” của mình khiến đệ tử gật gù và vỗ tay vang khắp núi rừng Quảng Ninh và trên khắp các không gian mạng.
Trong hoàn cảnh này, việc giải mê và phê phán các trò thao túng tâm lý, trục lợi niềm tin của người dân từ các chùa và sư giả là vô cùng khó khăn, gian nan; không nên tưởng lầm mà vui mừng khi chưa thật sự thấy được kết quả nào đáng kể.