Thứ Năm, 15 tháng 2, 2024

20240216. TRAO ĐỔI Ý KIẾN VỀ XUẤT SIÊU

   ĐIỂM BÁO MẠNG

CÓ NÊN HÃNH DIỆN VỚI XUẤT SIÊU?

NGUYỄN XUÂN NGHĨA/ KTSG 15-2-202


(KTSG) – Cuối năm 2023, tin xuất siêu kỷ lục râm ran với 28 tỉ đô la Mỹ, gấp 2,5 lần năm trước, nối dài mạch suất siêu tám năm. Xuất siêu góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số vĩ mô… Đáng lưu ý là xuất siêu vẫn kỷ lục dù kết quả xuất nhập khẩu của cả năm 2023 giảm 6,6% so với năm ngoái.
Trị giá xuất siêu nói trên là kết quả các phép tính giản đơn từ xuất khẩu và nhập khẩu của hai khối doanh nghiệp hợp thành xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Năm 2023, khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu 21,74 tỉ đô la Mỹ, trong khi đó, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) thặng dư xuất khẩu 49,74 tỉ đô la Mỹ. Hiệu số của phép trừ xuất nhập khẩu này là 28 tỉ đô la Mỹ – con số xuất siêu của cả nước.
Xuất siêu lớn do khối FDI tạo ra chỉ bù cho con số nhập siêu của khối doanh nghiệp trong nước về mặt số liệu, còn nội hàm thì không.
Đây không phải là hiện tượng của năm nay mà lâu nay đã thế và còn thế. Tuy nhiên, bảy năm qua (2016-2022), cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng. Tới năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ, do đó, thông tin xuất siêu “nhảy vọt” bỗng có gì đó khác lạ. Nhập khẩu giảm sâu (8,9%) so với mức giảm của xuất khẩu (4,4%). Có thể gọi đây là hiện tượng xuất siêu “cưỡng bức” do nhập khẩu “tự lui quân”.
Bản chất của xuất siêu là vậy nên không thể kết nối giữa xuất và nhập khẩu trên cùng một thị trường. Ở thị trường số 1 về xuất khẩu là Mỹ, Việt Nam không thể dùng thặng dư đó để nhập khẩu thiết bị, vật tư, phụ tùng, nguyên liệu cao cấp. Ngược lại, Việt Nam cũng có thể cân bằng xuất khẩu với thị trường mà chúng ta đang nhập khẩu số 1 đó là Trung Quốc.
Cũng từ bản chất đó đã giải mã “hiện tượng” Bắc Ninh – một tỉnh nhỏ nhưng xuất khẩu và xuất siêu luôn hàng đầu cả nước, kim ngạch xuất khẩu do khối FDI đóng góp.
Di chứng của các năm dịch Covid-19 cùng các biến động bất thường, nhiều nền kinh tế trên thế giới trầm lắng, nhu cầu nhập khẩu suy giảm, xuất nhập khẩu của Việt Nam không ngoài vòng xoáy đó. Hàn thử biểu “đơn hàng nước ngoài” của Việt Nam nhấp nháy liên hồi. Các doanh nghiệp chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn, bập bõm, nhận không đủ… khiến không ít đơn vị phải làm ăn cầm chừng, thu hẹp hoặc ngừng hẳn. Kéo theo đó, người lao động bị giảm bớt việc, nghỉ luân phiên hoặc nghỉ hẳn…
Như vậy, thành tích Việt Nam xuất siêu, liên tục xuất siêu được tác thành từ hai mảnh ghép chưa bao giờ kết dính với nhau, đó là khối doanh nghiệp FDI xuất siêu liên tục và khối doanh nghiệp Việt Nam nhập siêu liên tục. Kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào xuất nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài. Việt Nam phải xuất khẩu toàn diện không chỉ cho sản xuất công nghiệp mà cả cho sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản và hàng tiêu dùng. Vẫn dựa trên lao động giản đơn, tài nguyên thô và gia công, lắp ráp thì xuất khẩu có một phần không nhỏ xuất khẩu hộ… nước ngoài.
Xuất siêu trong mông lung đó không thể hãnh diện.
BÌNH LUẬN:
+Hiếu Nguyễn Thứ Năm, 15/02/2024 At 13:31
Xuất siêu chưa phải do khối nội dẫn dắt thì chưa đạt được lợi ích lớn nhất. Đây cũng là hiện tượng bình thường của các nước đang phát triển như Malaysia, Thái Lan … Ở các nước này vẫn phải tốn nhiều thời gian hoàn thiện sản xuất thông qua nhập khẩu thiết bị, công nghệ, con người và tri thức. Thế tiền đâu nhập khẩu ? Tất nhiên từ một phần của khối FDI chuyển qua thông qua thuế, lương nhân công, đầu tư … và để FDI chuyển cho một phần đó thì khối FDI phải kinh doanh có lãi trên lãnh thổ nước đó. Xuất siêu của họ nhiều cũng có nghĩa là họ làm ăn được, sẽ ở lại lâu dài hơn một chút. Về lâu dài một nền kinh tế muốn mạnh phải do khối nội làm chủ, nhưng trong quá trình đó ta cần khối ngoại xuất siêu để tích lũy tư bản, do đó quá trình xuất siêu do FDI dẫn dắt chẳng có gì mông lung, nó là hiện tượng kinh tế cần thiết vậy thôi.
+Võ Kiến Quốc Thứ Năm, 15/02/2024 At 17:17
Trong môi trường hội nhập kinh tế, xuất siêu/ nhập siêu, cũng chỉ là một trong những phương tiện để làm kinh tế. Quan trọng nhất là mục tiêu về giá trị gia tăng có đạt được hay không. Đây mới là cội nguồn để kiến tạo ra thặng dư dự trữ ngoại tệ, ngân sách cho quốc gia/ thặng dư ngân quỹ cho doanh nghiệp… ngày càng lớn và bền vững.
Giá trị gia tăng, ngày càng lớn, cho thấy sự hấp thụ và sử dụng các nguồn lực kinh tế, cả trong và ngoài nước, theo định hướng năng suất/ chất lượng/ hiệu quả. Để làm được điều này, nền kinh tế phải tạo ra nội lực bền vững cho chính mình. Trước hết phải hội đủ năng lực sáng tạo đổi mới, có nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng doanh nhân thực sự năng động, và quan trọng nhất là phải xây dựng được thể chế kinh tế thị trường hoàn hảo, đủ điều kiện phát huy và duy trì lợi thế cạnh tranh trên mọi đấu trường quốc tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét