Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2024

20240205. BÀN VỀ 'GIẤY CHỨNG NHẬN NGHỀ NGHIỆP NHÀ GIÁO'

  ĐIỂM BÁO MẠNG

GIẤY CHỨNG NHẬN NGHỀ NGHIỆP NHÀ GIÁO LIỆU CÓ CẦN THIẾT?
HƯƠNG MAI/GD 2-2-2024

GDVN- Có khoảng 1,6 triệu giáo viên, cho dù Bộ chủ trương “giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo được cấp miễn phí” thì thực hiện cũng rất tốn kém.

Vừa qua, Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng luật Nhà giáo. Một nội dung đáng chú ý là bàn về tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo. Chính sách này quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, chức danh nhà giáo, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo. Trong đó, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là điểm mới dự kiến được đưa vào Luật Nhà giáo. Điều này đang thu hút sự quan tâm của giáo viên cả nước.

Hiện nay, trước khi được tuyển dụng và trở thành giáo viên đứng lớp, những sinh viên sư phạm đã hoàn thành chương trình đào tạo ở các trường sư phạm theo đúng quy định pháp luật hiện hành và được đơn vị đào tạo cấp bằng tốt nghiệp. Khi được tuyển dụng thành viên chức ngành giáo dục thì hàng năm giáo viên được đánh giá, xếp loại với rất nhiều loại công cụ khác nhau.

Ngoài ra, giáo viên còn phải bồi dưỡng thường xuyên, phải tập huấn chuyên môn theo yêu cầu công việc ở mỗi giai đoạn khác nhau. Chẳng hạn, khi triển khai chương trình 2018, giáo viên phải tập huấn 9 module về chương trình, phương pháp, xây dựng kế hoạch giáo dục…

Nguồn ảnh minh họa: Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội)

Nguồn ảnh minh họa: Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội)

Bằng chuyên môn do trường đại học cấp, tuyển dụng theo chuẩn trình độ thì giấy chứng nhận nghề nghiệp để làm gì?

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo; thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay...

...Khi có giấy chứng nhận nghề nghiệp, nhà giáo có thể dạy liên trường, dạy theo chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở khác. Việc điều động nhà giáo giữa công lập và ngoài công lập, việc thuyên chuyển nhà giáo giữa các địa phương được triển khai thuận tiện hơn, đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục…”. [1]

Đọc những những chia sẻ của ông Vũ Minh Đức, người viết nhận thấy giấy chứng nhận nghề nghiệp thực sự không cần thiết và có thể trở nên tốn kém cho ngành giáo dục.

Bởi lẽ, trước khi trở thành giáo viên đứng lớp, những sinh viên sư phạm đã hoàn thành chương trình đào tạo ở các trường sư phạm. Khi tuyển dụng ở thời điểm hiện nay, các cơ quan chức năng phải căn cứ vào Luật giáo dục 2019 để xác định chuẩn trình độ đối với giáo viên mỗi cấp học.

Bước vào ngành, các giáo sinh phải tập sự 12 tháng, nếu đáp ứng được yêu cầu mới được đơn vị trường học ký hợp đồng làm việc lâu dài. Hàng năm, giáo viên sẽ được đánh giá, xếp loại viên chức theo Nghị định của Chính phủ (hiện nay đang thực hiện theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP).

Bên cạnh việc xếp loại viên chức, giáo viên có Chuẩn giáo viên; chất lượng giảng dạy; phiếu dự giờ của Ban Giám hiệu, tổ chuyên môn. Nếu giáo viên là đảng viên thì còn có phiếu đánh giá, nhận xét của chi bộ Đảng nữa. Vì thế, các công cụ đánh giá, xét thi đua, kỷ luật giáo viên đều có những văn bản cụ thể quy định.

Việc "thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay" càng không cần thiết. Bởi vì những giáo viên bỏ việc từ địa phương (tỉnh, thành) sang địa phương khác ; hoặc từ trường công sang trường tư và làm lại từ đầu chỉ chiếm một tỉ lệ cực nhỏ.

Phần nhiều, khi chuyển sang địa phương khác, giáo viên sẽ thực hiện bằng hình thức thuyên chuyển nên không liên quan đến việc tập sự và việc đóng bảo hiểm xã hội.

Chỉ có một ít giáo viên ở một số đô thị lớn mới dám bỏ hoặc chuyển từ trường công sang trường tư, còn lại, các trường ở các tỉnh lẻ, vùng nông thôn trường tư không có hoặc có rất ít.

Còn nói, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo thay thế cho chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì lại càng không cần thiết vì cơ bản những giáo viên hiện nay đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Các trường sư phạm còn chiêu sinh cả sinh viên sư phạm học chứng chỉ này thì việc "thay thế" liệu có thực sự cần thiết khi giáo viên, sinh viên sư phạm đã bỏ một khoản tiền học để có chứng chỉ từ những năm vừa qua, nhất là khi Bộ ban hành chùm Thông tư 01-04/2021.

Có cần thiết phải giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo?

Cũng theo ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo): “Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có giá trị sử dụng trong suốt thời gian nhà giáo hoạt động giảng dạy, giáo dục, trừ trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ.

Bên cạnh đó còn quy định việc xác định tương đương đối với giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo hoặc các văn bản có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp khi đáp ứng đủ các điều kiện”. [1]

Nếu rơi vào trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo cũng đồng thời đã bị kỉ luật, buộc thôi việc theo hợp đồng lao động, Luật Viên chức. Lúc này, việc “thu hồi hoặc tạm đình chỉ giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo” cũng còn có ý nghĩa gì đâu.

Đặc biệt là khâu tuyển dụng giáo viên mấy năm gần đây được làm rất nhiều bước. Các thí sinh phải thi về lý thuyết, thực hành, phỏng vấn, nộp văn bằng, bảng điểm, chứng chỉ...theo đúng hướng dẫn của cơ quan tuyển dụng.

Thực tế cho thấy, những năm học vừa qua, giáo viên ở các nhà trường đã có quá nhiều chứng chỉ, giấy chứng nhận. Ngoài bằng đại học, cao đẳng sư phạm theo chuẩn, giáo viên còn có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, quốc phòng, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp…

Giấy chứng nhận thì sau khi bồi dưỡng chương trình 2018 giáo viên đều có giấy chứng nhận. Hàng năm, có thêm chứng nhận bồi dưỡng thường xuyên; chứng nhận giáo viên giỏi các cấp; chứng nhận đạt giải các phong trào của ngành…

Thêm một giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo liệu có thay đổi được chất lượng của đội ngũ nhà giáo hay không đó là câu hỏi cần làm rõ để tránh chồng chéo, phát sinh thêm giấy tờ không cần thiết.

Cả nước, có khoảng 1,6 triệu giáo viên, cho dù Bộ chủ trương “giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo được cấp miễn phí” thì việc hoàn tất công việc này cũng tốn kém vô cùng. Các trường học, các địa phương chuẩn bị hồ sơ, bộ kiểm tra hồ sơ và cấp giấy chứng nhận cho chừng ấy con người sẽ mất rất nhiều thời gian.

Ngoài ra, còn tốn kém về giấy tờ, in ấn, phát hành cho giáo viên cả nước. Bởi thế, mỗi giáo viên thêm 1 cái giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo chỉ làm tăng thêm áp lực cho ngành mà thực tế cũng khó có thể đem lại lợi ích đáng kể cho giáo viên.

Chúng tôi cho rằng không nên so sánh giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo cũng như bác sĩ, luật sư và một số ngành nghề cũng có chứng chỉ này nọ bởi so sánh như vậy là khập khiễng. Số lượng giáo viên hiện nay rất lớn so với các ngành nghề khác. Nếu ngành nào cũng cần phải có chứng nhận thì rất vô lý và trở thành gánh nặng cho thủ tục hành chính.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/nha-giao-se-duoc-cap-giay-chung-nhan-nghe-nghiep-185240119090208755.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI
TIN LIÊN QUAN:
+Dự kiến nhà giáo sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp [https://giaoduc.net.vn/du-kien-nha-giao-se-duoc-cap-giay-chung-nhan-nghe-nghiep-post240572.gd]
+Điều kiện cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp [https://giaoduc.net.vn/dieu-kien-cap-giay-chung-nhan-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-nghe-nghiep-post185248.gd]
+Văn bằng, chứng chỉ là một kiểu giấy phép con “làm tội” nhà giáo [https://giaoduc.net.vn/van-bang-chung-chi-la-mot-kieu-giay-phep-con-lam-toi-nha-giao-post204071.gd]
MẤY Ý KIẾN VỀ “GIẤY CHỨNG NHẬN NGHỀ NGHIỆP” GIÁO VIÊN
MẠC VĂN TRANG /FB 23-1-2024


Vừa có người hỏi ý kiến tôi về việc Bộ GD&ĐT dự kiến quy định giáo viên phải có “Giấy chứng nhận nghề nghiệp” (GCNNN) mới được hành nghề. Nhân đó, tôi đã xem qua lời giải thích của ông Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nói về chuyện này. (https://tuoitre.vn/bo-gd-dt-ly-giai-viec-nha-giao-phai-co...)
Xin có mấy ý kiến:
1. Trong tình hình giáo dục hiện nay, đừng bày đặt thêm cái gì gây khó khăn, vất vả cho giáo viên nữa, mà cần mạnh dạn bỏ bớt tối đa những gì gây vất vả, phiền phức, căng thẳng thêm cho người giáo viên. Làm sao để họ an tâm, tập trung tâm sức vào giáo dục, dạy học và tự học để nâng cao trình độ, hoàn thiện bản thân, xứng đáng nhân cách nhà giáo. Đó mới là việc của Quý Cục.
2. Hãy kiểm điểm lại xem, mấy năm trước Cục nhà giáo bắt giáo viên học mấy cái Chứng chỉ: Tin học, Ngoại ngữ, Nghề nghiệp… Mỗi cái mất 2-3 triệu đồng, làm giáo viên khốn khổ, bức xúc, mà có đem lại lợi ích gì cho người giáo viên, có nâng cao chất lượng giáo dục không? Tất cả những cái cần bồi dưỡng đó và nhiều cái khác, chỉ cần hướng dẫn TỰ BỒI DƯỠNG TẠI CƠ SỞ, TỰ HỌC là hiệu quả nhất. Có phải Cục đã đề ra các chủ trương vô tích sự đó, làm khổ giáo viên và làm giàu cho nhóm lợi ích không?
Vậy cái GCNNN sẽ có tác dụng tích cực gì?
3. Ông Cục trưởng nói ngon lắm: “Cấp miễn phí”, “Thủ tục rất đơn giản”; sau khi có GCNNN sẽ luân chuyển trong cả nước dễ dàng ... Xin lỗi. Còn lạ gì cái thứ thủ tục, giấy tờ ở cái xứ này. Muốn có GCNNN phải kê khai bao nhiêu hồ sơ, rồi nhận xét, đánh giá lẫn nhau; Hiệu trưởng lại được dịp ra oai quyền, giáo viên lại khúm núm xin xỏ… Rồi trình lên cấp Phòng, cấp Sở, cấp Cục… Rồi người được, người không lại phải chạy chọt khốn khổ.... Cái cơ chế xin - cho đã ngấm vào máu thịt của cái thể chế này rồi; cứ có một tí quyền là ra oai làm khổ người khác. Từ anh bảo vệ, dân phòng đến ông/ bà Hiệu phó, Hiệu trưởng, rồi trưởng phó Phòng mới kinh!
Chừng 1,5 triệu giáo viên đang yên lành, lại nháo nhác như gà phải cáo! Lại bị đe dọa không có GCNNN thì “mất dạy!... Sao cái ông Cục trưởng này ngây thơ, nghĩ đơn giản hế hử?
4. Ông tưởng có cái GCNNN này rồi giáo viên có thể tự do muốn dạy ở cơ sở nào thì chỉ việc nộp cái giấy đó xin việc là xong, không phải giấy tờ gì nữa? Đừng mơ! Còn phải qua Sở, qua Phòng, rồi ông/bà Hiệu trưởng ngắm nghía, xét duyệt, kén chọn, thử việc chán ra mới được chứ. Nhất là các trường tư, ai tin vào cái GCNNN? Bây giờ đến bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ … cũng chả ai tin nữa là cái GCNNN do Cục cấp!
5. Thực ra ở một số nước, giáo viên có GCNNN, nhưng ta đừng có bắt chước máy móc, vì họ có Nghiệp đoàn độc lập, có Hiệp hội nghề nghiệp lâu năm, có uy tín nghề nghiệp đối với xã hội và với Nhà nước, nên họ có đủ uy tín, tư cách cấp GCNNN.
Còn ở ta, thì Nhà nước đào tạo giáo viên các cấp theo mục tiêu, tiêu chuẩn được quy định chặt chẽ và cấp Bằng tốt nghiệp “chính chủ”. Có cái Bằng ấy, được tuyển dụng, qua thời gian Tập sự, được công nhận là giáo viên “đứng lớp”; rồi còn giáo viên Chính, giáo viên Tiên tiến, Giáo viên Giỏi … Sao bây giờ chính cái hệ thống Nhà nước ấy lại đẻ ra chuyện cấp GCNNN là sao?
Vậy hãy thư thả, đợi bao giờ ta có xã hội Dân sự, các Nghiệp đoàn độc lập, đủ uy tín xã hội, uy tín nghề nghiệp, lúc đó hãy để cho các tổ chức Nghề nghiệp độc lập này, cấp GCNNN cho nhau. Còn các Cơ sở tuyển dụng có tin dùng hay không lại là chuyện của họ.
Mấy ý kiến nói thật hay mất lòng, mong thông cảm.
22/1/2024
MVT

Mạc Van Trang 

https://www.facebook.com/profile.php?id=100013518285955&__cft__[0]=

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét