Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2024

20240217. 45 NĂM CUỘC CHIẾN BIÊN GIỚI PHÍA BẮC

  ĐIỂM BÁO MẠNG

45 NĂM CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC: ĐỂ LỊCH SỬ 
KHÔNG LẶP LẠI ĐAU THƯƠNG
TRẦN TRUNG HIẾU/VNN 16-2-2024

Mờ sáng 17/2/1979,  60 vạn quân Trung Quốc bất ngờ tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Quân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ biên cương, bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước. Ngày 5/3/1979, Trung Quốc tuyên bố rút quân, nhưng trên thực tế “cuộc chiến đấu mới” này phải kéo dài tới 10 năm (1979-1989) đầy ác liệt, mất mát, đau thương.


 Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN

Tổn thất lớn lao

Cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ biên giới phía Bắc trong giai đoạn đầu chỉ diễn ra khoảng một tháng, thực chất là 17 ngày (từ 17/2/1979 đến khi Trung Quốc tuyên bố rút quân 5/3/1979) nhưng sự tổn thất về người và của lại không thua kém một cuộc chiến tranh dài ngày.

Trung Quốc là bên chịu tổn thất không hề nhỏ. Theo tác giả Trường Sơn, “Chiến tranh biên giới 1979: Cuộc chuyển quân thần tốc” đăng trên Infonet ngày 18/2/2015 thì trong tuần đầu tiên của chiến tranh, lực lượng vũ trang 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã loại khỏi vòng chiến đấu 16.000 quân Trung Quốc. Con số này tiếp tục tăng lên 27.000 quân vào ngày 28/2 và 45.000 quân vào ngày 5/3/1979. 

Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ, chính xác về tổn thất, mới chỉ có con số ước tính là: Có 320 xã, 735/904 trường học, 428/430 bệnh viện, trạm xá, 38/42 lâm trường, 41/41 nông trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ ở khu vực chiến sự bị tàn phá.

Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân ở biên giới phía Bắc Việt Nam bị mất nhà cửa, tài sản, phương tiện sinh sống.

Các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, Cam Đường gần như bị hủy diệt hoàn toàn. Nhiều di tích lịch sử văn hóa bị quân Trung Quốc cố ý phá hoại như hang Pắc Bó (Cao Bằng), động Tam Thanh, Nhị Thanh (Lạng Sơn)...

Mặt trận Hà Giang từ 1979-1989 có 4.760 liệt sĩ, trong đó khu vực chiến trận Vị Xuyên từ 1984-1989 có hơn 4.000 chiến sĩ thuộc 9 sư đoàn chủ lực hy sinh, riêng Sư đoàn 356 có khoảng 1.200 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.

Đi đến đâu, quân đội Trung Quốc cũng phá phách, phá hủy tất cả các cơ sở hạ tầng, tàn sát người dân vô tội. Vụ thảm sát tàn bạo nhất mà quân đội Trung Quốc gây ra ở Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An (Cao Bằng). Ngày 9/3/1979, 4 ngày sau khi tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam, lính Trung Quốc đã tấn công vào một trại nuôi lợn ở bản Tổng Chúp, giết chết 43 người gồm phụ nữ, trẻ em.

Sau chiến trận toàn tuyến biên giới đầu năm 1979, trong giai đoạn 1984 - 1989, Trung Quốc vẫn duy trì chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang) với cường độ cao, mật độ dày tạo ra tình trạng căng thẳng, bất ổn ở khu vực biên giới Việt - Trung, gây ra nhiều tổn thất cho quân và dân Việt Nam.


Thắp hương tưởng nhớ những nạn nhân vụ thảm sát ở Tổng Chúp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Vào những ngày Tết của xuân Giáp Thìn 2024, Cao Bằng đã khánh thành công trình Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp gian thờ tưởng niệm tại nơi xảy ra vụ thảm sát tàn bạo đó 45 năm về trước.

Bình thường hóa quan hệ theo 5 nguyên tắc

Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đã lùi xa, sau thời gian băng giá, với sự nỗ lực và thiện chí của mỗi bên, tháng 11/1991, Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức bình thường hóa quan hệ theo 5 nguyên tắc : Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; Không xâm phạm lẫn nhau; Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; Bình đẳng cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình.

Chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc là gác lại quá khứ đau thương, xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Cuối năm 2023, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam và Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai. 

Việt Nam và Trung Quốc đã vượt qua nhiều ngáng trở, thách thức để trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, cùng hợp tác và phát triển trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa.

Nhắc lại cuộc chiến này để tôn trọng những sự thật lịch sử, để tưởng nhớ, tri ân những người đã ngã xuống vì cuộc chiến và điều quan trọng nhất là rút ra những bài học lịch sử quý giá từ quá khứ cho hiện tại và tương lai.

Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc 1979-1989 mà chúng ta đã giành thắng lợi, trước hết là vì chính nghĩa, vì hành động xâm lược của đối phương đã “kích hoạt” lòng yêu nước mãnh liệt của quân và dân ta. 

Bài học vô giá cho sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay là giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia.

Thế giới đang trong xu thế hội nhập mạnh mẽ, quan hệ quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra nhiều vận hội và thách thức cho các quốc gia. Hòa đồng với lợi ích chung của thế giới trong lợi ích của từng quốc gia dân tộc là điều cốt lõi của đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam. 

NGUỒN:45 năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Để lịch sử không lặp lại đau thương (VNN 16/2/2024)-[https://vietnamnet.vn/45-nam-chien-dau-bao-ve-bien-gioi-phia-bac-de-lich-su-khong-lap-lai-dau-thuong-2249603.html]

TIN LIÊN QUAN:

ÔN CỐ TRI TÂN KHÔNG PHẢI ĐỂ NUÔI DƯỠNG LÒNG HẬN THÙ
DƯƠNG QUỐC CHÍNH/FB/TD 17-2-2024


Ảnh chụp ở nghĩa trang Vị Xuyên, chỉ là một phần nhỏ thôi, còn nhiều chiến sĩ hiện còn chưa hoặc không thể tìm thấy mộ. Việt Nam chưa công bố con số thương vong cụ thể.

Hôm nay kỷ niệm 45 năm Trung Quốc tấn công Việt Nam, gây nên cuộc chiến 10 năm, mà nhiều người lầm tưởng chỉ trong vòng một tháng (17/2-18/3). Thời gian một tháng đó chỉ là tấn công tổng lực, nhưng cuộc chiến tiêu hao kéo dài kia mới thực sự khiến Việt Nam phải quay xe, khi đàn anh Liên Xô suy sụp, cùng với việc bị phương Tây cô lập.
Việc chúng ta ghi nhớ ngày này không phải để duy trì, nung nấu lòng căm thù quân xâm lược, mà cái chính là để ôn lại bài học lịch sử. Việt Nam đã đúng và sai ở đâu, nguyên nhân và hệ quả của cuộc chiến là gì? Chúng ta, những kẻ sinh sau, học được gì ở cuộc chiến này?
Với tinh thần dân tộc cao độ, cả phe vàng lẫn đỏ sẽ rất cay cú khi thấy Đặng Tiểu Bình nói là "dạy cho Việt Nam một bài học". Anh em đỏ thì hoan hỉ chỉ ra rằng địch phải rút chạy sau một tháng, thì dạy Việt Nam được gì đâu.
Nếu nhìn bề ngoài thì có thể đúng. Nhưng nhìn cho kỹ thì phải thấy đó là chiến lược từ đầu của Đặng, quân Tàu có thua trận để rút quân đâu, dù họ chết rất nhiều. Nhìn rộng ra, đến khi cuộc chiến thực sự kết thúc, ngay trước thời điểm Việt Nam rút khỏi Campuchia, thì đúng là Việt Nam đã nhận được một bài học. Việt Nam cần lụy Tàu, để bình thường hóa quan hệ với họ, cửa dưới mà.
Tuy không bao giờ công khai thừa nhận là nhận được một bài học. Nhưng đường lối ngoại giao của Việt Nam hiện tại đã thể hiện điều đó. Đó là nguyên tắc 4 không.
"Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế".
Đó là bài học từ việc liên minh quân sự với Liên Xô, cho Liên Xô thuê cảng Cam Ranh làm căn cứ quân sự, tấn công và đóng quân 10 năm ở Campuchia. Chính là một trong những nguyên nhân chính của cuộc chiến 10 năm 2 trong 1 (biên giới Tây Nam và phía Bắc).
Về cuộc chiến này, mình vẫn đang làm một tập video tiếp theo, mà dính kỳ nghỉ tết nên chắc tối mới xong.
Nguyên tắc khi làm nội dung lịch sử hay chính trị của mình là không làm về các chủ đề, nội dung mà đã có đầy trên báo đảng, sách giáo khoa. Mình chỉ viết hay làm video về những thứ mà có lẽ nhiều người chưa biết hoặc biết không có hệ thống. Mình sẽ không bao giờ viết về lịch sử theo kiểu tường thuật các trận đánh, nhất là các trận thắng, để thủ dâm tinh thần đám đông. Mình thiên về phân tích chiến lược, nguyên nhân, hệ quả. Đó mới là cái mà sách giáo khoa không dạy học sinh, sinh viên.

Dương Quốc Chính

https://www.facebook.com/chinh.duong.quoc.kts?__cft__[0]=

Tiếng Dân News

https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=

NGÀY NÀY, 45 NĂM TRƯỚC
NGUYỄN THÔNG/ FB/TD 17-2-2024


Ngày này, tức là ngày 17 tháng 2. Còn 45 năm trước, tức vào buổi chiều 17.2.1979, khi ấy tôi dạy tại Trường dự bị đại học TP.HCM. Mới gần hai tuổi nghề, hăng lắm, trường giao việc gì cũng nhận, thậm chí chưa giao cũng xung phong. Hồi ấy không biết, hoặc chưa có bài vè “Tiến lên ta quyết tiến lên/ Tiến lên ta lại xông lên hàng đầu/ Hàng đầu không biết đi đâu/ Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi”, hăng bởi đang là đoàn viên.
Sáng 17.2.1979, cả trường vẫn hoạt động bình thường, thầy trò lên lớp, học hành theo lịch, chả có gì thay đổi. Chị Nguyễn Thị Huệ, giáo viên hóa, bí thư Đoàn trường còn dặn tôi sáng mai nhớ theo xe ông Thi già tài xế xuống cơ sở 2 dưới Tiền Giang để bồi dưỡng lớp đối tượng đoàn. Thầy Nghiệp, thầy Chi, anh Dương dưới ấy đã chuẩn bị xong cả rồi, lên lớp hai buổi trong ngày, tới chiều tối sẽ quá giang xe đưa rước giáo viên về lại Sài Gòn.
Suốt buổi sáng 17.2, không có thông tin gì. Trưa, nghe thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Năm thông báo họp đột xuất các trưởng bộ môn, trưởng phòng ban, bí thư đoàn, chủ tịch công đoàn. Hình như có chuyện chi ghê gớm lắm.
Tan họp, ai cũng căng thẳng. Chú Dương Cao Thăng, chủ tịch Công đoàn trường thông báo Trung Quốc nó đánh ta rồi. Có khi nó thốc xuống tận Hà Nội. Đánh từ sáng sớm nhưng hồi đó thông tin liên lạc kém nên tới trưa nghe đài Tiếng nói Việt Nam mới biết. Đài phát liên tục những thông tin mới nhất, nào là bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh trở mặt, nào là quân ta đang chiến đấu anh dũng cản bước tiến của quân thù, nào là sắp có lệnh tổng động viên trên cả nước, v.v...
Buổi chiều thầy hiệu trưởng cho cả trường nghỉ học. Ngày mai sẽ tổ chức mít tinh phản đối bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh. Chị Huệ bảo tôi, thôi không phải xuống Tiền Giang nữa, hoãn lớp đối tượng đoàn, để lo việc trên này đã. Mấy anh em Bắc kỳ chúng tôi, các thầy Nguyễn Văn Vy, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Tài Hoạt, Lưu Văn Trường, Nguyễn Đức Tuấn, tôi, và các thầy người Nam mới được kết nạp đoàn như Nguyễn Cương, Lê Thành Thượng, Nguyễn Hữu Nghiệp… sốt sắng lo công việc ngày mai. Ai cũng căng thẳng.
Lại chiến tranh. Tuần trước, tôi đi với thầy Thượng và nhiều sinh viên tới Quân y viện 175 ở Gò Vấp thăm hỏi thương binh từ mặt trận Campuchia về, thấy nằm la liệt cả ngoài sân ngoài vườn, mỗi ngày đưa về cả trăm người cụt chân cụt tay, mù mắt…, thương lắm.
Nghe ông Lê Duẩn năm 1975 bảo, từ nay đất nước ta sạch bóng quân thù, cứ mừng, hóa ra không phải vậy. Thầy Vy và tôi nhờ đám học sinh khệ nệ khiêng một tấm bảng gỗ rộng mấy mét vuông dựng ngay lối đi chính, kẻ phấn rõ to lên bảng hàng chữ “Tổ quốc lâm nguy, tuổi trẻ trường dự bị đại học sẵn sàng lên đường nhập ngũ”. Thầy Năm đi ngang qua, nhìn vậy có vẻ hài lòng lắm. Thầy Hùng vốn tếu táo, hiền lành ngó tấm bảng xong, chửi "Đ*t mẹ thằng Trung Cộng".
Chiều tối, thầy Trần Mộng Lang trong đảng ủy trường và chú Thăng thông báo tiếp, rằng từ tối nay tăng cường trực ban, canh gác cẩn mật. Chú Thăng nói nhỏ, trường ta nằm ngay địa bàn chính của người Hoa, phường 9 quận 5 là thủ phủ của người Hoa, mặc dù họ đã bỏ đi nhiều trong vụ nạn kiều năm ngoái (1978) nhưng vẫn phải cảnh giác.
Tôi được phát một khẩu súng trường CKC, hai hộp tiếp đạn, mỗi hộp 9 viên, cứ hết ca trực khoác luôn về nhà. Khẩu súng này mãi tới năm 1985 tôi mới trả lại cho thầy Trần Minh Chưởng, từng có vài năm cứ đêm giao thừa lại đứng trên hành lang lầu 4, lôi súng ra chĩa lên giời làm hai viên trong tiếng pháo nổ đì đùng. Không bắn được bọn bành trướng bá quyền thì làm pháo nổ giao thừa vậy.
Sáng 18.2, nhà trường mít tinh, đăng ký tình nguyện sẵn sàng lên đường bảo vệ tổ quốc. Thanh niên trai tráng đều ghi tên, chả biết bộ phận lưu trữ của trường có còn giữ lại được những hồ sơ quý báu ấy. Từ bấy giờ, cứ nhắc tới Trung Quốc là bao giờ cũng liền với cụm từ “bọn bành trướng bá quyền”, “bọn phản động Bắc Kinh”.
Tivi chiếu đi chiếu lại bộ phim tài liệu "Mây đen bao phủ bầu trời Bắc Kinh". Người ta truyền cho nhau cuốn tài liệu sách trắng "Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc", bóc trần bản chất đểu giả của bạn cộng sản "môi răng", hóa ra lâu nay nó chỉ lừa mình.
Tôi nhớ một hôm đang gác đêm, thầy Hùng thắc mắc, Trung Quốc lâu nay đối với mình tốt thế, nó cho mình không thiếu thứ gì, ngay cái áo Tô Châu tao đang mặc đây (thầy Hùng xoa lên áo giơ ra), của thằng em đi bộ đội cho, cũng do Tàu viện trợ, thế mà tự dưng nó giở mặt ngay được. “Mối tình hữu nghị Việt Hoa/ Vừa là đồng chí vừa là anh em”, anh em đồng chí thế chó nào mà lại ra nông nỗi này?
Câu hỏi ấy của thầy Hùng tới giờ vẫn chưa có sự giả nhời chính thức, mà thầy Hùng, thầy Vy, thầy Tuấn, thầy Nghiệp, chú Thăng, thầy Chưởng, cô Từng, thầy Năm… đều đã lần lượt về cõi tiên cả rồi.

Nguyễn Thông

https://www.facebook.com/profile.php?id=100024722048900&__cft__[0]=

Tiếng Dân News

https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=

HOÀNG VĂN HOAN VÀ NHỮNG "NƯỚC ĐI" CỦA BẮC KINH
HUY ĐỨC/FB/TD 17-2-2024


Ngày 3-7-1979, Phó Chủ tịch Quốc hội Hoàng Văn Hoan trên đường sang Đức chữa bệnh, khi máy bay của hãng Interflug quá cảnh ở Karachi, Pakistan, ông đã cáo bệnh ở lại, rồi hôm sau đánh lừa người bác sĩ đi cùng, đi taxi đến lãnh sự quán Trung Quốc. Ngày 5-7-1979, ông được đưa tới Bắc Kinh.
Đôi bên lặng ngắt. Hơn một tháng sau, ngày 5-8-1979, TTXVN mới phát đi bài phỏng vấn Tổng thư ký UBTV Quốc hội Xuân Thủy về “Vụ Hoàng Văn Hoan bỏ trốn”.
Ngày 9-8-1979, từ Bắc Kinh, Hoàng Văn Hoan có “Thư gửi toàn thể đồng bào Việt Nam”, buộc tội Lê Duẩn đã “khống chế đất nước”. Theo ông, trong lúc “nhân dân ta đang khao khát sống yên ổn [sau 30 năm chiến đấu gian khổ], xây dựng tổ quốc để mở ra con đường tiến tới tương lai tốt đẹp” thì, “triển vọng đó đã bị Lê Duẩn phá hoại hoàn toàn”.
Bức thư được đài Bắc Kinh và BBC phát đi như một quả bom, chấm dứt những đồn đoán trước đó. Không khí chính trị trong nước đã ngột ngạt, càng thêm ngột ngạt.
Hoàng Văn Hoan “nối gót” một người cùng quê, ông Hồ Tùng Mậu, xuất dương, trở thành “học trò lớp thứ Hai” của Hồ Chí Minh ở Quảng Châu, rồi trở về quê thành lập Chi bộ Thanh niên Cách mạng Đồng Chí Hội đầu tiên ở Quỳnh Đôi. Ông sát cánh cùng Hồ Chí Minh ở “Đảng Cộng sản Xiêm”. Cùng một số người Việt giúp cụ Hồ Học Lãm đồng sáng lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội [Việt Minh].
Đầu năm 1942, ông về Cao Bằng, cùng Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp “cố vấn cho tỉnh ủy Cao Bằng” xây dựng căn cứ địa Việt Bắc. Ông là một trong 7 người “theo chỉ dẫn của Bác Hồ trực tiếp xây dựng lực lượng vũ trang Cách mạng”[Phùng Chí Kiên, Lương Văn Tri, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Hoan, Võ Nguyên Giáp và Phan Anh, Tạ Quang Bửu (từ Trường Thanh niên Tiền tuyến)].
Trong những ngày ngay sau 2-9-1945, ông là thứ trưởng Quốc phòng và được giao phụ trách công tác chính trị [Chính ủy toàn quân].
Năm 1956, ông được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Trước Đại hội IV, 12-1976, Lê Duẩn cử ông đi “dự phiên họp đầu khóa của Quốc hội Cuba” và khi trở về thì Đại hội đã xong phần trù bị [làm nhân sự], Hoàng Văn Hoan bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị.
Trên bàn làm việc của Hoàng Văn Hoan được nói là luôn có một cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư bằng chữ Hán[của một học giả người Nhật tặng] và một cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Ông vốn sinh ra trong một gia đình nhà Nho, hẳn biết rõ Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, vậy điều gì khiến ông quyết định đến Bắc Kinh khi Bắc Kinh vừa gây ra một cuộc chiến tranh và cả bộ máy tuyên truyền đang khiến nhân dân sục sôi chống “quân bành trướng”?
Ngày 18-5-1991, Hoàng Văn Hoan qua đời ở Bắc Kinh, hưởng thọ 86 tuổi. Theo đề nghị của ông, tro cốt được chia làm 3 phần: “Một phần rắc nơi đầu nguồn sông Hồng để tôi được về với Tổ Quốc Việt Nam thân yêu; Một phần lưu lại Trung Quốc để tỏ tấm lòng lưu luyến, biết ơn của tôi với ĐCS, nhân dân Trung Quốc và bà con Việt Kiều…”
Phần lưu lại được Bắc Kinh đặt trang trọng ở Bát Bảo Sơn, phần đưa về Việt Nam an táng tại quê nhà. Bia mộ ghi ba chữ, “Trung Chính Công” [bậc trung chính]. Hai bên có đôi câu đối: “Công danh kí sơn hà, thiên thu định luận/ Nhân cách tồn chính sử, lưỡng quốc lưu hương”. Trên đầu bia có dòng chữ "Cao chiêm viễn chúc"[đứng trên cao để nhìn xa]. Dưới ghi ”Kính tùng ngạo băng tuyết"[Cây tùng (cứng cỏi) coi thường băng tuyết. Câu này trích từ một bài thơ chữ Hán của Hoàng Văn Hoan với hai câu đầu, "Kính tùng ngạo băng tuyết/ Hàn đống độc thư nghiên"[Cây tùng cứng cỏi ngạo băng tuyết/ Trong sương giá vẫn một mình tươi xanh].


Sau khi Hoàng Văn Hoan “trốn sang hàng ngũ kẻ xâm lược nước ta”[lời của Tòa án], một người đồng chí của ông là Chu Văn Tấn cũng bị giam giữ. Chu Văn Tấn qua đời trong điều kiện bị giam lỏng vào năm 1985.
Ngày 26-6-1980, TAND TC đã tuyên xử tử hình Hoàng Văn Hoan về tội phản quốc. Báo chí thì đã “xử” ông không biết bao nhiêu giấy mực.
Cứ cho là có “thiên thu định luận”.
Nhắc lại câu chuyện Hoàng Văn Hoan hôm nay chỉ để nói câu chuyện “chơi bài” của Bắc Kinh.
Ông Hoàng Văn Hoan làm Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh từ 1950-1957. Ngay khi có mặt ở TLSQ Trung Quốc ở Karachi, “ông mượn mấy đồng Rupi trả tiền taxi, rồi đi thẳng vào trong nhà tự nhiên như người quen biết cũ”. Khi cầm bức điện Hoàng Văn Hoan thảo gửi Lý Tiên Niệm [CTN], các cán bộ lãnh sự hiểu ngay vấn đề, họ “khẩn trương thu xếp chỗ ở kín đáo” cho ông.
Ngay chiều hôm đó, Bắc Kinh trả lời và chỉ thị đưa ông tới Bắc Kinh “càng sớm càng tốt”.
Việc đầu tiên, Hoàng Văn Hoan được Trung Quốc đưa vào viện 103, nơi các bác sĩ phát hiện ông bị ung thư phổi. Bắc Kinh đã mời Viện trưởng Viện Ung thư Nhật và một đoàn chuyên gia Nhật sang, hội chẩn và cùng các bác sĩ Trung Quốc mổ cho ông.
Ông không chỉ được chăm sóc chu đáo ở bệnh viện. Gần 12 năm ở Trung Quốc, Hoàng Văn Hoan được bố trí ở trong một biệt thự lớn gọi là “Lầu 10” nằm trên một đồi cao, phía trước là một vườn đào rộng mấy hecta, phía sau là núi, phía xa là hồ nước “rộng như hồ Ba Mẫu”.
Lầu 10 nằm ở Ngọc Tuyền Sơn, một khu an dưỡng đặc biệt dành cho lãnh đạo cao cấp. Trong khoảng 1965-1968, Hồ Chí Minh cũng đã mấy lần ở Lầu 1 của Ngọc Tuyền Sơn[cách Lầu 10 hơn 1 km].
Ngoài phòng khách, phòng làm việc, phòng giải trí, phòng ngủ, phòng làm thuốc… Lầu 10 còn có nhiều phòng khác cho thư ký, cận vệ, cần vụ, cấp dưỡng, y tá, lái xe… Bắc Kinh cũng dành cho Hoàng Văn Hoan một xe Hồng Kỳ, loại xe chỉ “lãnh đạo tối cao” của Bắc Kinh mới được sử dụng.
Bắc Kinh là thế.
Năm 1970, Norodom Sihanouk bị Lonnon lật đổ khi ông đang ở thăm Mascova. Chủ tịch HĐBT Liên Xô, Aleksei Kosygin, chỉ cho ông Hoàng biết tin trên đường tống tiễn ra sân bay. Nhưng Bắc Kinh không chơi như vậy. Bắc Kinh vẫn đón Sihanouk theo lịch trình và Chu Ân Lai đã yêu cầu các đại sứ nước ngoài đang ở Bắc Kinh cùng ra bay đón ông Hoàng dù Vua không còn ngai nữa.
Sihanouk cũng ở Ngọc Tuyền Sơn trong nhiều năm với rất nhiều cung nữ và các đầu bếp thượng hạng, có đủ Tây, Tàu.
Bắc Kinh không đặt cược hết vào Khmer Đỏ. Người Trung Quốc biết Pol Pot, Yeng Sary được những người CS Việt Nam đưa vào Đảng ở Paris. Cũng những người CS Việt Nam đảm bảo cho Pol Pot, Yeng Sary tiếp tục sinh hoạt trong tổ chức đảng khi quay về CPC.
Bắc Kinh thường chỉ hậu thuẫn cho các tổ chức Maoist ở Đông Nam Á như những nhóm phiến quân. Khi đó, Bắc Kinh vẫn tưởng, Khmer Đỏ lên nắm quyền thì sẽ thân Hà Nội hơn. Việc để Khmer Đỏ đứng chung với Sihanouk, sử dụng uy tín quốc gia của ông là do nỗ lực nhiều hơn từ Hà Nội.
Từ năm 1973, theo Thượng tướng Trần Văn Trà, “Ta giúp bạn giải phóng các tỉnh phía Đông CPC”. Năm 1975, đặc công Việt Nam đã giúp Khmer Đỏ đánh sập cầu Chhroy Chhangva và pháo binh Việt Nam đã khống chế sân bay cũng như hỏa lực của Lonnon, giúp Khmer Đỏ nắm quyền ở Phnom Penh trước khi “giải phóng Sài Gòn” hai tuần.
Tôi vừa đọc xong hồi ký của một người Khmer sống sót qua chế độ Pol Pot. Ông là một trong 3 người còn lại trong số khoảng 800 người “Khmer tập kết” mà Hà Nội giao cho Pol Pot, Ieng Sary đầu thập niên 1970s. Rất nhiều người trong số họ đã cố gắng đào thoát sang Việt Nam trước khi Khmer Đỏ lên cầm quyền nhưng đã bị trả lại cho Khmer Đỏ.
Chúng ta đổ xương máu để “rèn” Khmer Đỏ thành một con dao găm. Để rồi Bắc Kinh là người đã nắm đằng cán để thúc lưỡi dao ấy vào sườn phía Tây Nam của Tổ Quốc.
Năm 1990, khi Lê Đức Anh muốn “giải pháp đỏ” thì Bắc Kinh đã chuẩn bị chơi quân cờ khác. Cộng sản Bắc Kinh sử dụng các quân cờ vì nó sử dụng được chứ không vì nó xanh hay đỏ.
Ngày 14-11-1991, khi chiếc Boeing đưa Sihanouk từ Bắc Kinh về lại Phnom Penh, xuất hiện cùng ông ở cầu thang máy bay là Hun Sen. Năm 1998, khi đã thiết lập được những mối quan hệ vững chắc với Phnom Penh, Bắc Kinh cắt hầu bao, Khmer Đỏ mới thực sự tan rã.
Cho dù, trong các cuộc can thiệp quân sự ra nước ngoài trên thế giới từ nửa cuối thế kỷ 20 đến nay, CPC là một điển hình thành công. Chính quyền do Việt Nam dựng lên vẫn tồn tại sau 35 năm rút quân. Nhưng, ai thực sự đắc lợi từ chính quyền ấy mới là điều rất cần suy nghĩ.
Trở lại với câu chuyện Hoàng Văn Hoan trong đoạn kết của cuộc chiến tranh Biên giới Việt - Trung.
Ngày 29-3-1990, trong một hội nghị quốc tế kỷ niệm “100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với con trai Hoàng Văn Hoan, ông Hoàng Nhật Tân, “Mình nghe nói Trung ương đã quyết định để Tân sang Trung Quốc thăm cụ Hoan”. Và khi ông Tân đến chào Thứ trưởng Ngoại giao Đinh Nho Liêm thì ông Liêm rất niềm nở và nói là “sẽ cử cán bộ đến nhà bàn việc gia đình sang Bắc Kinh thăm ông cụ”.
Ngày 31-3-1990, hai cán bộ ngoại giao đến nhà chính thức thông báo “việc sang Bắc Kinh thăm ông cụ đã được Trung ương chuẩn y”. Cả Bộ Ngoại giao Việt Nam và Sứ quán Trung Quốc nhanh chóng làm thủ tục để phu nhân, con trai và cháu nội Hoàng Văn Hoan đi Trung Quốc hai tuần sau đó. Họ được đón tiếp nồng hậu tại Cửa khẩu. Ngày 17-4-1990, đích thân Bí thư Khu Tự trị Quảng Tây tiễn 3 mẹ con lên một khoang tàu sang trọng chạy đến Bắc Kinh.
Sau một thời gian bố trí cho gia đình thăm thú Trung Quốc và trị bệnh cho bà Hoàng Văn Hoan, chiều 4-7-1990, Giang Trạch Dân tới Ngọc Tuyền Sơn thăm Hoàng Văn Hoan và gia đình. Ngày 7-7-1990, “Hoàng Lão” được mời vào Trung Nam Hải hội kiến với “đồng chí Giang Trạch Dân”, ông Hoàng Nhật Tân và “đích tôn”, Hoàng Thái, cũng được đưa vào để tối ấy Giang Trạch Dân đãi tiệc.
Ngày 12-8-1990, hai ngày sau khi về tới Hà Nội, ông Hoàng Nhật Tân viết thư cho TBT Nguyễn Văn Linh, hôm sau, TBT Nguyễn Văn Linh cho xe Lada tới tận nhà đón ông lên Văn phòng gặp. Tinh thần “cuộc hội đàm” giữa Giang Trạch Dân và Hoàng Văn Hoan đã được Hoàng Nhật Tân chuyển về Hà Nội. Ông Tân sau đó còn tiếp xúc với Nguyễn Cơ Thạch, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng…
Ngày 3-9-1990, TBT Nguyễn Văn Linh đi Trung Quốc, một cuộc gặp cấp cao diễn ra bí mật, về sau được biết với tên gọi, “Hội nghị Thành Đô”.
Chúng ta không biết hết những con đường dẫn đến bình thường hóa quan hệ Việt - Trung, nhưng, con đường Hoàng Văn Hoan là rất trực tiếp.
Rồi ai “định luận”.

Truong Huy San

https://www.facebook.com/Osinhuyduc?__cft__[0]=

Tiếng Dân News

https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét