Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2024

20240218. BÀN VỀ 'CAO TỐC HÀNH CHÍNH'

  ĐIỂM BÁO MẠNG


'CAO TỐC HÀNH CHÍNH' BAO GIỜ MỚI ĐƯỢC XÂY DỰNG?

ĐINH ĐỨC SINH/TVN 14-2-2024

Đến Tết năm 2024, đất nước đã có khoảng 2.000 km đường cao tốc và sẽ có nhiều hơn nữa để các phương tiện cơ giới được chạy thong dong hai, ba hàng xe trên mỗi chiều xuôi, ngược với tốc độ không dưới 80km/h.

Với khoảng cách giữa các tỉnh/thành phố liền kề trong cả nước chỉ bình quân là 80km, đi từ đơn vị này sang đơn vị khác chỉ mất một giờ. Còn đi bằng đường hàng không, khoảng cách 1000km cũng chỉ mất 1h từ hơn 20 cảng hàng không trong cả nước.

Lên đường bằng trực tuyến internet coi như không còn khoảng cách nào nữa kể từ Ba Đình tới mọi trung tâm của 63 tỉnh/thành phố.

Vậy mà, để chạy một thủ tục hành chính từ địa phương lên trung ương và ngược lại, không chỉ người dân, mà ngay cả các cơ quan nhà nước với nhau cũng mất những quãng thời gian tính bằng cả tháng, cả năm, thậm chí nhiều năm.


Việc phân công, phân cấp, tăng quyền, giao quyền đang trở thành trào lưu, đòi hỏi không những của TP. HCM mà rất nhiều địa phương khác. Ảnh: Nguyễn Huế

Qua gần 4 thập kỷ Đổi mới, tăng trưởng GDP lại theo đường lùi dần, “thập kỷ sau thấp hơn thập kỳ trước” từ trên/dưới 8% xuống 7%, rồi 6%, rồi 5%.

Vì thế, người dân thực sự mong muốn có đột phá để đổi mới nền hành chính quốc gia để tạo ra một loại đường cao tốc hành chính đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh lên thịnh vượng.

Sau 4 thập kỷ Đổi mới, nền hành chính đã có nhiều thành tựu nhưng cũng có không ít tồn tại, nhất là về phân công, phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền lực hành pháp Nhà nước.

Lấy thành phố Hồ Chí Minh làm dẫn chứng.

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) dù ở xa trung ương nhưng đã có một Ủy viên Bộ chính trị đã được cử đến làm Người đứng đầu cấp ủy thành phố.

Dù qui mô dân số và GRDP TP.HCM lớn nhất cả nước nhưng ngân sách nhà nước thu được trên địa bàn đã được để lại làm ngân sách thành phố với số qui mô vào loại lớn nhất cả nước.

Thành phố phải thực hiện vai trò đầu tầu đối với vùng Đông Nam Bộ thì các dự án đầu tư vào loại lớn nhất của trung ương đã được bố trí ưu tiên cho địa bàn thành phố này.

Thành phố phải giảm thiểu các vụ việc báo cáo, xin cho với các Bộ/Ngành để tạo thông thoáng thì hàng loạt cơ quan trung ương đã đặt Văn phòng II tại thành phố.

Đầu tầu Thành phố thiếu cơ chế căn cơ riêng nhưng đã có Nghị quyết riêng của Quốc hội cho thành phố, cũ là Nghị quyết 54/2017/QH14, mới là Nghị quyết 98/2023/QH15.

Vậy mà sao Thành phố vẫn bị trói buộc bởi rất nhiều rào cản, mà câu chuyện về phân cấp, phân quyền giữa Thành phố và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồi giữa năm 2023 là minh chứng sinh động.

Và nay, ngay đầu năm 2024 đã có đề xuất mới tại kỳ họp thứ 2 của Ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98. Thành phố đã kiến nghị được chủ động quyết định về qui trình, thủ tục để việc triển khai được đồng bộ, đồng thời cho thành phố có thêm một Phó Chủ tịch phụ trách Nghị quyết 98.

Việc phân công, phân cấp, tăng quyền, giao quyền đang trở thành trào lưu, đòi hỏi không những của TP. HCM mà rất nhiều địa phương khác. Đòi hỏi này của các địa phương cháy bỏng như những cơn khát, vừa “uống” xong đã lại thấy khát, phải xin được “uống” tiếp.

Điều gì tạo nên những cơn khát như thế?

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt gần 4 thập kỷ qua về phân công phân cấp, đó là  phân công ở Trung ương theo ngành, lĩnh vực, còn phân cấp giữa trung ương với địa phương lại theo vùng lãnh thổ.

Trong Hiến pháp hiện hành, hơn 20 Bộ/Ngành ở trung ương đã được giao thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với một hoặc nhiều ngành, lĩnh vực; còn 63 tỉnh, thành phố được qui định về quản lý nhà nước đối với vùng lãnh thổ thuộc địa giới hành chính của mình.

Kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ đã được xác lập từ thời Kế hoạch hóa tập trung bao cấp, tới nay chưa được đổi mới.

Trong khi các bộ, ngành đều triển khai thực hiện qui hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách theo ngành xuyên dọc từ trung ương xuống các cấp địa phương, đến tận cấp cơ sở (xã/phường/thị trấn); còn cấp tỉnh, thành phố lại triển khai thực hiện qui hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách xuyên ngang tổng thể vùng lãnh thổ hành chính.

Hai chiều dọc/ngang đó nếu tương thích với nhau thì quá trình triển khai không bị xung đột.

Nhưng sự tương thích đó thường là kỳ vọng, hiếm có trên thực tế bởi tuyến dọc là những qui chế dành cho cả nước, trong khi tuyến ngang là những qui chế chỉ dành cho một vùng lãnh thổ tỉnh/huyện/xã hoặc thành phố/quận/phường.

Bắt ngang/dọc phải tương thích với nhau chẳng khác gì phải gọt chân cho vừa giày. Khó khăn trong cắt gọt này đòi hỏi phải nhiều thời gian thương thảo, thậm chí phải dùng tới mệnh lệnh của cấp trên, nhưng dễ hơn là dùng “cơ chế xin cho”.

Đây là một điểm nghẽn của quan hệ giữa quản lý theo ngành dọc của trung ương với quản lý theo tổng thể trên địa bàn vùng lãnh thổ của các cấp địa phương.

Vì thế, cần có một kịch bản đúng để giải tỏa thảm kịch này dù đã quá trễ muộn.

Lịch sử đã có một kịch bản đúng dành cho thể chế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp.

Đó là việc quản lý nhà nước đối với toàn bộ hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội đều được tiến hành theo một kế hoạch pháp lệnh, tập trung, thống nhất trong cả nước. Kế hoạch đó được phân bổ theo ngành và theo các đơn vị hành chính lãnh thổ. Việc kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ đã được kết hợp ngay từ đầu và trong kế hoạch.

Bước vào công cuộc Đổi mới, thể chế kế hoạch hóa này đã không còn thích hợp, được thay thế.

Đến nay vẫn còn thiếu một thứ, đó là đổi mới phân cấp, tăng quyền, giao quyền giữa trung ương với các cấp địa phương, trong đó phân công, phân cấp theo thể chế cũ đã không còn thích hợp, nhưng phân công phân cấp theo Đổi mới vẫn chưa ra đời.

Trong bối cảnh nhá nhem cũ, mới này, quan hệ giữa trung ương và địa phương đã và đang nảy sinh biết bao ách tắc, phiền hà, hiệu lực thấp, hiệu quả kém. Hiện trạng trên nóng dướí lạnh, trên bảo dưới không nghe, dọc ngang không thông suốt đã vang lên đầy cảm thán.

TS. Đinh Đức Sinh

CẦN LÀM GÌ ĐỂ XÂY DỰNG 'CAO TỐC HÀNH CHÍNH'?

ĐINH ĐỨC SINH/TVN 15-2-2024

Thực tiễn đang đặt vấn đề cần đột phá về phân công, phân cấp để tạo thêm một loại “cao tốc hành chính” để quan hệ dọc, ngang giữa trung ương và địa phương được thông suốt, cả hệ thống chính trị cùng toàn dân thênh thang đi lên cường thịnh.

Để đột phá về phân công phân cấp, trước hết, cần xác định trung ương là cấp chiến lược. Trong đó các bộ, ngành không phải là những tổ chức quản lý một ngành hay nhiều ngành từ A đến Z dọc theo toàn quốc.

Theo lối cũ này, các cấp địa phương không còn việc gì để làm, và ở tỉnh/huyện/xã chỉ cần một tỉnh trưởng/huyện trưởng/xã trưởng là đủ. Đây là điều không thể chấp nhận bởi các cấp tỉnh/huyện/xã đều là các cấp trong hệ thống chính trị gồm Đảng/Chính quyền/Mặt trận như đã và đang có.

Các bộ, ngành ở trung ương chỉ nên quản lý ngành, lĩnh vực về những vấn đề chiến lược, còn các cấp tỉnh, huyện, xã đảm nhận về chiến thuật. Kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ là kết hợp giữa cấp trung ương làm chiến lược với cấp địa phương làm chiến thuật để hợp lực trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước và trong từng vùng lãnh thổ, không bỏ lại phía sau bất cứ địa bàn nào dù là thành phố hay đồng bằng, miền núi, trung du, hải đảo.

Tiêu chí để kết hợp này tự nó đã xóa bỏ cơ chế xin - cho, thủ tục hành chính lằng nhằng, phức tạp và những kẽ hở gây lãng phí, tham nhũng cho cả cán bộ cấp trung ương và các cấp địa phương. Theo đó, cả nước là một vùng chiến lược, mỗi đơn vị trong 63 tỉnh, thành đều là những vùng chiến thuật của chiến lược đó.


Cần đột phá về phân cấp tạo thêm một loại “cao tốc hành chính” để quan hệ giữa trung ương và địa phương được thông suốt, tránh bị ách tắc, chồng chéo. Ảnh: Tuấn Kiệt

Tất cả đều có đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm để thực hiện chiến lược hoặc chiến thuật của mình. Các cấp tỉnh/thành không phải hết năm này sang năm khác đi xin hết cơ chế đặc biệt này sang cơ chế đặc thù khác mà vẫn không được, hoặc được mà vẫn không đủ.

Kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ theo tiêu chí kết hợp giữa chiến lược với chiến thuật trong thực hiện chức năng của hệ thống hành pháp nhà nước là một sự kết hợp, trong đó người đứng đầu bộ, ngành và cấp tỉnh/thành đều là những cán bộ trong thành phần Ban chấp hành trung ương Đảng.

Họ đã cùng nhau quyết định những vấn đề chung về đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách chung của cả nước để rồi người đứng đầu bộ, ngành chăm lo về chiến lược, còn người đứng đầu tỉnh/thành chăm lo về chiến thuật phát triển.

Sự kết hợp này không phải là kết hợp giữa cấp trên với cấp dưới mà kết hợp giữa chiến lược với chiến thuật trong xây dựng, phát triển đất nước. Chiến lược chỉ có một, còn chiến thuật đa dạng, có thể khác nhau giữa các tỉnh, thành.

Việc phải “mặc đồng phục” của tất cả các địa phương như nhiều thập niên qua sẽ được bãi bỏ.

Từ mô hình kết hợp này, Thủ tướng chính phủ ngoài việc lãnh đạo một Hội đồng gồm toàn Bộ trưởng như lâu nay, còn cần lãnh đạo một số Hội đồng vùng lãnh thổ mà nhiều năm qua đã có đề xuất nhưng chưa được chấp thuận như Hội đồng vùng Đồng bằng sông Hồng, Hội đồng vùng Đông Nam bộ... Còn người đứng đầu các đơn vị cấp tỉnh/thành phố sẽ có những cuộc họp “hội đồng” riêng của mình.

Dù chiến lược hay chiến thuật thì các công cụ về ngân sách, tổ chức bộ máy, cán bộ đều cần được chủ động, không bị động, lúng túng, đợi chờ xin - cho. Ở cấp trung ương, ba loại công cụ này đã luôn luôn được chủ động, vấn đề cần tạo sự chủ động này cho các cấp địa phương.

Riêng đối với ngân sách, việc phân cấp từ trước đến nay vẫn giữ nguyên một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là tập trung cao độ các nguồn thu về ngân sách trung ương, trong đó: Loại thứ nhất, các nguồn chỉ được thu vào ngân sách trung ương; Loại thứ hai, các nguồn được phân chia để vừa thu vào ngân sách trung ương, vừa thu vào ngân sách địa phương với tỷ lệ khác nhau; Loại thứ ba, có các nguồn chỉ thu vào ngân sách địa phương.

Trong ba loại thu đó, loại thứ nhất và thứ ba được giữ ổn định lâu dài; loại thứ hai được coi là chiếc van để điều chỉnh sao cho số tuyệt đối của tổng thu ngân sách địa phương dù tăng đến bao nhiêu thì tổng thu ngân sách địa phương cũng phải dừng lại ở một tỷ lệ phần trăm đã được qui định so với tổng số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn địa phương (ví dụ 21%).

Việc phân định ba loại nguồn thu như vậy đã tự phá vỡ tổng thể kinh tế trên địa bàn các địa phương, trong đó chính quyền địa phương sẽ đặt ưu tiên cao nhất cho chăm lo phát triển có hiệu quả đối với các khu vực thuộc loại thứ ba chứ không phải với loại thứ hai, càng không phải với loại thứ nhất.

Hoạt động của Bộ Tài chính ở trung ương càng phong phú, đa dạng theo ngành dọc từ A đến Z bao nhiêu, thì hoạt động của Sở Tài chính cấp tỉnh/thành càng đơn điệu bấy nhiêu.

Thực trạng này tuy có được cải thiện phần nào qua các thời kỳ, nhưng xuyên suốt vẫn là trung ương chăm lo tập trung cao độ cho ngân sách trung ương trong khi ngân sách địa phương cũng cần được chăm lo cao độ như vậy từ phía trung ương nhưng chưa được hoặc không được.

Để giải quyết tận gốc thực trạng này, cần xóa bỏ việc phân định về kinh tế trung ương - kinh tế địa phương trên phạm vi cả nước và trong từng địa bàn cấp tỉnh/thành  phố; Xóa bỏ việc Bộ làm cấp trên trực tiếp của các doanh nghiệp nhà nước trung ương; chính quyền cấp tỉnh/thành phố làm cấp trên trực tiếp của doanh nghiệp nhà nước địa phương để mọi doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp nhà nước được hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước không phân theo theo ba loại thu đã nói ở trên như lâu nay, mà thu theo địa bàn cấp tỉnh/thành phố. Tổng số thu được trên địa bàn 63 tỉnh/thành phố đương nhiên tạo thành ngân sách cả nước.

Hằng năm và 5 năm, Quốc hội tiến hành phân bổ tổng số thu đó của cả nước cho cả ngân sách trung ương và ngân sách 63 tỉnh/thành theo những mức độ ổn định và khuyến khích cần thiết. Việc gì thuộc chiến lược thì ngân sách trung ương chi, việc gì thuộc chiến thuật thì ngân sách cấp tỉnh/thành phố chi, không có bất cứ tranh chấp, chồng chéo, xin xỏ giữa ngân sách trung ương với ngân sách địa phương. 

Nói về ngân sách cũng cần nói về bộ máy và cán bộ. Hai công cụ này cũng đã và đang cần được xem xét để có những đột phá đồng bộ với đột phá về ngân sách trong phân công phân cấp giữa trung ương, địa phương thời gian tới.

Tạo ra chiến lược thống nhất, xuyên suốt từ trung ương và chiến thuật uyển chuyển, linh hoạt trong mối quan hệ giữa trung ương và các địa phương hẳn sẽ sớm khai sinh ra loại cao tốc hành chính mà người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế thị trường phức tạp và đa dạng đã và đang kỳ vọng.

TS. Đinh Đức Sinh

NGUỒN:

‘Cao tốc hành chính’ bao giờ mới được xây dựng? [https://vietnamnet.vn/cao-toc-hanh-chinh-bao-gio-moi-duoc-xay-dung-2249029.html]

Cần làm gì để xây dựng ‘cao tốc hành chính’? [https://vietnamnet.vn/can-lam-gi-de-xay-dung-cao-toc-hanh-chinh-2249151.html]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét