Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2023

20231125. ỨNG XỬ VỚI THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI CHÍNH SÁCH THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU THEO THỦ TỤC RÚT GỌN
THU HẰNG/VNN 26-7-2023

Việc sớm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam là cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Ngày 26/7, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung triển khai 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có đột phá về hạ tầng và thể chế, đạt được những kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được.

Sớm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam là cần thiết

Đi vào nội dung cụ thể liên quan đến báo cáo, đề xuất việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và báo cáo, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan tiếp thu tối đa ý kiến của Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng 2 nghị quyết, gửi Bộ Tư pháp để thẩm định. 

Căn cứ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, các bộ chủ trì tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ.


Thủ tướng Phạm Minh Chính 

Sau khi Chính phủ quyết nghị thông qua đề nghị xây dựng 2 nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký tờ trình của Chính phủ trong tháng 7 để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nội dung này vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023.

Chính phủ đề nghị cho phép xây dựng dự thảo nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp (tháng 10/2023).

Liên quan đến nội dung này, về cơ sở pháp lý quốc tế, tháng 10/2021, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế. 

Về cơ sở thực tiễn, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ tác động sâu rộng đến tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh nước ta, cần kịp thời có giải pháp phù hợp. 

Đến nay, 142/142 nước thành viên của Diễn đàn hợp tác toàn cầu về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) đã đồng thuận. Tại ASEAN, một số nước đã có kế hoạch áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.

Do đó, việc sớm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam là cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Đồng thời, việc nghiên cứu, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Xử lý cân bằng các vấn đề liên quan BHXH

Liên quan đến dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Thủ tướng lưu ý, đây là một luật khó, có tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến quyền và lợi ích của người lao động và nhiều chính sách an sinh xã hội, được cử tri và xã hội quan tâm.

Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho cơ quan quản lý cần xử lý một cách cân bằng để giải quyết những vấn đề vừa trước mắt, vừa lâu dài. Nội dung dự thảo Luật cần bám sát, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về BHXH.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tổng kết Luật BHXH; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các vấn đề mới, sửa đổi các quy định hiện hành để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn. 

Đồng thời tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan: Luật Bảo hiểm y tế, Luật Công đoàn, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra...

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý BHXH; tiếp tục đẩy mạnh tham vấn; tích cực truyền thông chính sách để tạo sự nhận thức và đồng thuận trong xã hội.

Ngoài các nội dung trên, tại phiên họp này, Thủ tướng cũng lưu ý một số nội dung liên quan đến đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư các công trình giao thông đường bộ và đề nghị xây dựng một số luật: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Phòng, chống mua bán người.

Nhấn mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế là vấn đề quan trọng, cấp bách nhưng cũng rất khó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, trưởng ngành hết sức quan tâm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác này.

Từ đó dành thời gian, công sức, bố trí nguồn lực, nhất là nhân lực có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, cơ sở vật chất, tài chính, chế độ, chính sách cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế để nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ theo quy định.

NGUỒN:Chính phủ trình Quốc hội chính sách thuế tối thiểu toàn cầu theo thủ tục rút gọn (VNN 26/7/2023)

THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU VÀ NỖ LỰC NỖ LỰC THU HÚT VỐN FDI

HOÀNG LAN/ VNN 12/11/2023

Việt Nam đang tìm cách thức để duy trì sự cạnh tranh, hấp dẫn trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng.

Một mặt, Quốc hội đang xem xét dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu mà theo các quan chức, Việt Nam đương nhiên ủng hộ và chủ động áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp nộp bổ sung thuế tại Việt Nam.

Trong khi đó, Bộ KH-ĐT đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đó, nội dung dự thảo Nghị quyết áp dụng chính sách hỗ trợ đầu tư với 4 nhóm doanh nghiệp (DN).

Cụ thể, DN có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ, DN công nghệ cao, DN có dự án ứng dụng công nghệ cao đều phải có dự án quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm.

Riêng với DN đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển, cần có quy mô vốn trên 3.000 tỷ đồng.


Quốc hội đang xem xét dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà

Hiện có hai chính sách hỗ trợ đầu tư đang xem xét khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là dùng phương thức cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền từ ngân sách nhà nước.

Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư tại các quốc gia đang phát triển vốn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế để thu hút FDI, thể hiện rõ nhất trong 2 lĩnh vực.

Đầu tiên là về thuế, trong trường hợp Việt Nam không có những hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế. Vì khi đó, các quốc gia đầu tư thuộc khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác sẽ thực hiện thu Thuế bổ sung theo các nguyên tắc Trụ cột 2, nhiều khả năng bắt đầu từ năm 2024.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể không thu được phần thuế bổ sung, nếu phát sinh của các tập đoàn Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài.

Tiếp theo, thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài của các chính sách ưu đãi thuế hiện tại của Việt Nam cho các tập đoàn đa quốc gia thuộc phạm vi áp dụng.

Nếu không có những cải cách hợp lý và kịp thời về chính sách ưu đãi thuế, trong trường hợp các đối thủ cạnh tranh là các quốc gia đang thu hút và nhận đầu tư nước ngoài cân nhắc các biện pháp và chính sách ưu đãi đầu tư thuận lợi để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam có thể bị bỏ lại phía sau trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong nhiều năm nay, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) luôn đạt kết quả tốt vào Việt Nam. Gần đây, Quảng Ninh ghi nhận cấp 02 dự án đầu tư mới có vốn đầu tư lớn: Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko solar Hải Hà Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD và dự án Nhà máy Lite-on Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư 690 triệu USD.

Vốn đầu tư của Hải Phòng tăng mạnh trong 10 tháng năm 2023 do có dự án LG Innotek Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn thêm 1 tỷ USD; dự án nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance có vốn đầu tư 500 triệu USD.

Trong 10 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính tới 10/2023, cả nước có 38.622 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 460,07 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 292 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 278,6 tỷ USD (chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với hơn 67,4 tỷ USD (chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 38,4 tỷ USD (chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư).

Vốn FDI đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút ĐTNN với gần 57,15 tỷ USD (chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với hơn 40,2 tỷ USD (chiếm gần 8,7% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với hơn 39,5 tỷ USD (chiếm gần 8,7% tổng vốn đầu tư).

 Hoàng Lan

TRONG NGUY CÓ CƠ KHI ÁP DỤNG THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU

NGUYỄN MINH ĐỨC/TVN 23-11-2023

Thuế tối thiểu toàn cầu là luật chơi mới của kinh tế thế giới mà Việt Nam đã tham gia và không có nhiều sự lựa chọn.

Thuế tối thiểu toàn cầu hiểu nôm na là việc các công ty đa quốc gia lớn sẽ phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 15%. Nếu quốc gia sở tại thu thuế công ty con dưới 15% thì khi chuyển lợi nhuận về công ty mẹ sẽ bị thu thêm cho đủ 15% thì thôi.

Tất nhiên, còn nhiều chi tiết và nội dung khác nữa, nhưng có thể tóm tắt như vậy.

Thuế tối thiểu toàn cầu ra đời từ áp lực dư luận về việc các tập đoàn đa quốc gia lợi dụng các thiên đường thuế để trục lợi. Nhưng xa hơn mục tiêu đó, thuế tối thiểu toàn cầu còn có tác dụng kéo các khoản đầu tư quay trở lại các nước giàu, thay vì chảy về các nước đang phát triển đang đói vốn.

Lựa chọn của Việt Nam

Việt Nam tiếp nhận vốn FDI khá lớn với nhiều tập đoàn đa quốc gia đến mở công ty con. Một trong những biện pháp thu hút đầu tư truyền thống của Việt Nam là ưu đãi thuế. Mặc dù thuế suất danh nghĩa của Việt Nam là 20%, nhưng trên thực tế mức thuế trung bình các FDI phải nộp chỉ khoảng trên 12%. Đối với nhiều công ty lớn thì mức thuế thực chất chỉ vài phần trăm.

Do đó, khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực, Việt Nam có hai sự lựa chọn. Một là, cứ thu thuế với mức thấp đã cam kết với nhà đầu tư; để khoản thuế còn thiếu cho đến 15% thì sẽ để cho nước ngoài thu. Hai là, nâng thuế của các tập đoàn lớn lên mức 15%.


Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tưởng là có nguy, mà lại có cơ cho doanh nghiệp phát triển. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà

Việt Nam đương nhiên là thích giải pháp thứ hai và Bộ Tài chính đang trình Quốc hội Nghị quyết để làm việc này, có hiệu lực vào đầu năm 2024.

Vấn đề là nếu chúng ta tăng thuế lên 15% thì vi phạm biện pháp bảo hộ đầu tư đã cam kết và có nguy cơ bị kiện. Tuy nhiên, tôi cho rằng khả năng này không cao.

Về mặt pháp lý, muốn được bồi thường thì bên đòi bồi thường phải chứng minh được 3 yếu tố: (1) bên kia vi phạm cam kết; (2) có thiệt hại thực tế; (3) có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại.

Trong trường hợp này, nhà đầu tư rất khó chứng minh yếu tố 3 vì nếu Việt Nam không thu thì nước mẹ cũng sẽ thu. Như vậy, Việt Nam có thu hay không thu thì cũng không phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

Mặc dù vậy, rủi ro bị kiện vẫn có thể xảy ra.

Về phần các nhà đầu tư, có vẻ như nhiều người cũng muốn nộp khoản thuế còn thiếu đó ở Việt Nam thay vì mang về nộp cho nước mẹ. Lý do chính là vì nếu Việt Nam thu thêm thuế, thì khả năng cao là Việt Nam sẽ có các biện pháp hỗ trợ khác cho nhà đầu tư.

Cần lưu ý rằng, dù Việt Nam có lựa chọn thu thêm thuế hay không thu thì biện pháp thu hút đầu tư bằng ưu đãi thuế của Việt Nam cũng đã dần mất tác dụng như nó đã phát huy trước đây. Nếu muốn tiếp tục thu hút FDI, Việt Nam buộc phải có biện pháp khác, không gian khác.

Cơn khát FDI cần tiếp tục giải tỏa

Sẽ xuất hiện đặt câu hỏi: “Có cần thu hút FDI nữa hay không?” Câu trả lời là có vì mấy lý do.

Thứ nhất, Việt Nam đang giai đoạn dân số vàng lần 2. Tháp dân số của chúng ta hiện đang phình to ở độ tuổi 15-20. Đội quân này sẽ gia nhập thị trường lao động trong vài năm tới. Nếu không có đủ vốn để tạo việc làm cho hàng chục triệu người trong 2 thập kỷ tới, tỷ lệ thất nghiệp sẽ cao và thu nhập của người lao động cũng sẽ thấp.

Lưu ý, việc làm không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề an sinh, an ninh xã hội. Nhiều quốc gia đã trải qua giai đoạn dân số vàng mà tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên quá cao vì không có đủ vốn để tạo việc làm. Đây là gốc rễ của nhiều bất ổn ở các quốc gia đó. Đây là kinh nghiệm thực chứng.

Thứ hai, Việt Nam vẫn đang hạn chế tiếp nhận các dòng vốn đầu tư ngắn hạn, mà mở rộng cửa với vốn dài hạn xuất phát từ kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng Châu Á 1997, khi các dòng vốn ngắn hạn, trước đó đã đổ vào Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc quá nhiều, được rút ra quá nhanh.

Hơn nữa, 15 FTAs thế hệ mới Việt Nam cho thấy Việt Nam vẫn thu hút mạnh mẽ vốn FDI.


Điều thú vị là chính sách hỗ trợ đầu tư mới buộc phải công bằng giữa FDI và doanh nghiệp trong nước. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà

Thứ ba, thị trường tài chính trong nước không đủ khả năng tạo vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam tăng rất chậm, lại bị bồi thêm các vụ FLC, Vạn Thịnh Phát,… nên rủi ro tới đây sẽ tăng lên. Lãi suất tiền đồng vẫn luôn cao hơn vài điểm phần trăm so với ngoại tệ. Tất cả các dấu hiệu trên cho thấy thị trường tài chính trong nước không thể đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Nhập khẩu vốn là điều bắt buộc phải làm.

Khi biện pháp ưu đãi thuế không còn tác dụng, Việt Nam buộc phải chuyển sang các biện pháp khác.

Trước nay, Luật Đầu tư có hai biện pháp để thu hút FDI. Thứ nhất, ưu đãi đầu tư chủ yếu là việc miễn giảm thuế và các loại tiền nộp ngân sách. Thứ hai, hỗ trợ đầu tư là việc chi tiền từ ngân sách cho nhà đầu tư. Trên thực tế mấy chục năm qua, chúng ta chỉ dùng biện pháp thứ nhất.

Hỗ trợ đầu tư là dùng tiền từ ngân sách chi ra, nên sẽ linh hoạt hơn nhiều. Chúng ta có thể toàn quyền lựa chọn hỗ trợ chi phí đào tạo nhân công, chi phí xây nhà ở cho người lao động, chi phí xây dựng hạ tầng điện đường nước nhà xưởng hay bất kỳ chi phí nào khác. Ngược lại, rút tiền ra khỏi ngân sách cho nhà đầu tư chắc chắn sẽ khiến dư luận cảm thấy khó chịu hơn. Thêm vào đó, việc quản lý chống thất thoát trong việc này cũng khó hơn nhiều.

Bây giờ, chúng ta buộc phải sử dụng biện pháp thứ hai. Đây là lý do Quốc hội sẽ quyết nghị về việc hỗ trợ đầu tư các dự án lớn.

Vậy chúng ta sẽ dùng tiền thu thêm được rồi hoàn lại cho nhà đầu tư sao?

Vấn đề này vừa đúng và không đúng.

Cái khó là OECD đã lường trước điều này. Quy tắc của OECD là các nước không được phép đánh tráo việc tăng thuế với các biện pháp thu hút đầu tư khác. Nếu chính sách hỗ trợ đầu tư mới của chúng ta rơi đúng vào những doanh nghiệp đã bị tăng thuế với số tiền đúng bằng số tiền thuế tăng lên, thì chắc chắn OECD sẽ không chấp nhận. Khi đó, các nước mẹ vẫn sẽ thu phần thuế còn thiếu, nhà đầu tư phải nộp phần này hai lần thì chắc chắn họ sẽ không vui vẻ gì.

Do đó, chính sách hỗ trợ đầu tư mới của chúng ta phải “khác” so với chính sách miễn giảm thuế trước đây.

Khác thế nào thì được chấp nhận? Cái này hiện không rõ. Việc xác định biện pháp hỗ trợ đầu tư nào được và biện pháp nào không được sẽ được thực hiện theo nguyên tắc tham vấn và đồng thuận. Các nước sẽ phải gửi đề xuất các biện pháp hỗ trợ đầu tư của mình cho các nước khác để tham vấn. Nếu họ đồng thuận thì không sao. Nếu họ không đồng thuận thì sẽ trao đổi để điều chỉnh.

Việc soạn chính sách hỗ trợ đầu tư mới rất khó và cần sự phối hợp của nhiều bên.

Cơ hội của Việt Nam

Như vậy, chúng ta có cơ hội gì không?

Điều thú vị là chính sách hỗ trợ đầu tư mới buộc phải công bằng giữa FDI và doanh nghiệp trong nước. Như vậy, nếu các doanh nghiệp trong nước rơi vào diện được hỗ trợ thì cũng được hưởng như FDI.

Nhưng, các doanh nghiệp trong nước, nếu không thuộc diện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, thì lại không thuộc đối tượng bị thu thêm thuế. Tức là, doanh nghiệp trong nước, dù thuộc diện đang chịu thuế dưới 15% hay trên 15%, đều có cơ hội được khoản hỗ trợ này để tránh phân biệt đối xử.

Như đã nói, biện pháp hỗ trợ đầu tư “cao cấp” hơn biện pháp ưu đãi thuế. Nó đòi hỏi khả năng quản trị của Nhà nước tốt hơn, nhưng đổi lại sẽ được chọn mục tiêu, chọn đúng mắt xích quan trọng hay nút cổ chai.

Đây là cơ hội để chúng ta có thể thu hút đầu tư tốt hơn, có chọn lọc hơn, có tác động lan toả tốt hơn. Vì vậy, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tưởng là có nguy, mà lại có cơ trong thu hút vốn FDI.

LS Nguyễn Minh Đức

NGUỒN:Trong nguy có cơ khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (TVN 23/11/2023)


THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU – NGUY VÀ CƠ CỦA VIỆT NAM
Nguyễn Đức Minh/FB/ BVN 22-11-2023
Thuế tối thiểu toàn cầu là luật chơi mới của kinh tế thế giới và Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn trong cuộc chơi này.
Thuế tối thiểu toàn cầu nôm na là việc các công ty đa quốc gia lớn sẽ phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 15%. Nếu quốc gia sở tại thu thuế công ty con dưới 15% thì khi chuyển lợi nhuận về công ty mẹ sẽ bị thu thêm cho đủ 15% thì thôi.
Chi tiết thì còn nhiều nội dung và các trường hợp khác, nhưng đại ý có thể tóm tắt như vậy.
Thuế tối thiểu toàn cầu ra đời từ áp lực dư luận về việc các tập đoàn đa quốc gia lợi dụng các thiên đường thuế để trục lợi. Nhưng hơn cả thế, thuế tối thiểu toàn cầu còn có tác dụng kéo các khoản tiền đầu tư quay trở lại các nước giàu, thay vì chảy về các nước đang phát triển đang đói vốn.
Việt Nam là một nước tiếp nhận đầu tư FDI khá lớn với nhiều tập đoàn đa quốc gia đến đây mở công ty con. Một trong những biện pháp thu hút đầu tư truyền thống của Việt Nam là ưu đãi thuế. Mặc dù thuế suất danh nghĩa của Việt Nam là 20%, nhưng trên thực tế mức trung bình các FDI phải nộp chỉ khoảng trên 12%. Đối với nhiều công ty lớn thì mức thuế thực chất chỉ vài phần trăm.
Do đó, khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực, Việt Nam có hai sự lựa chọn. Một là cứ thu thuế với mức thấp đã cam kết với nhà đầu tư. Khoản thuế còn thiếu cho đến 15% thì sẽ để cho nước ngoài thu. Hai là nâng thuế của các tập đoàn lớn lên mức 15%. Việt Nam đương nhiên là thích giải pháp thứ hai và Bộ Tài chính đang trình Quốc hội Nghị quyết để làm việc này, có hiệu lực vào đầu năm 2024.
Nhưng nếu Việt Nam tăng thuế lên 15% thì là vi phạm biện pháp bảo hộ đầu tư đã cam kết và có nguy cơ bị kiện. Tuy nhiên, tôi cho rằng khả năng này không cao.
Về mặt pháp lý, muốn được bồi thường thì bên đòi bồi thường phải chứng minh được 3 yếu tố: (1) bên kia vi phạm cam kết; (2) có thiệt hại thực tế; (3) có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại. Trong trường hợp này, nhà đầu tư rất khó chứng minh yếu tố (3). Đơn giản vì nếu Việt Nam không thu thì về nước mẹ cũng sẽ bị thu. Như vậy, Việt Nam có thu hay không thu thì cũng không phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Mặc dù vậy, rủi ro bị kiện vẫn có thể xảy ra.
Về phần các nhà đầu tư, có vẻ như nhiều người cũng muốn nộp khoản thuế còn thiếu đó ở Việt Nam thay vì mang về nộp cho nước mẹ.
Vì sao? Chẳng nhẽ họ không yêu nước? Họ không muốn được nộp thuế cho quê hương của mình?
Lý do chính là vì nếu Việt Nam thu thêm thuế, thì khả năng cao là Việt Nam sẽ có các biện pháp hỗ trợ khác để trả lại cho nhà đầu tư.
Cần lưu ý rằng, dù Việt Nam có lựa chọn thu thêm thuế hay không thu thì biện pháp thu hút đầu tư bằng ưu đãi thuế của Việt Nam cũng đã mất tác dụng. Nếu muốn tiếp tục thu hút FDI, Việt Nam buộc phải có biện pháp khác.
Đến đây, tôi biết nhiều người sẽ có đặt câu hỏi: “Có cần thu hút FDI nữa hay không?”.
Tôi nghĩ là vẫn có, vì mấy lý do:
Thứ nhất, Việt Nam đang giai đoạn dân số vàng lần 2. Tháp dân số của chúng ta hiện đang phình to ở độ tuổi 15-20. Đội quân này sẽ gia nhập thị trường lao động trong vài năm tới. Nếu không có đủ vốn để tạo việc làm cho hàng chục triệu người trong 2 thập kỷ tới, tỷ lệ thất nghiệp sẽ cao và thu nhập của người lao động cũng sẽ thấp.
Lưu ý, việc làm không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề an ninh chính trị. Nhiều nhà nghiên cứu lập luận rằng phong trào Mùa xuân Ả rập, ngoài các nguyên nhân chính trị tôn giáo thì còn có nguyên nhân kinh tế. Đó là các nước này trải qua giai đoạn dân số vàng mà tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên quá cao. Không có đủ vốn để tạo việc làm là gốc rễ của nhiều bất ổn.
Thứ hai, Việt Nam vẫn đang hạn chế tiếp nhận các dòng vốn đầu tư ngắn hạn, mà mở rộng cửa với vốn dài hạn.
Trong cuộc khủng hoảng Châu Á 1997, khi các dòng vốn ngắn hạn, trước đó đã đổ vào Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc… quá nhiều, được rút ra quá nhanh khi có thông tin xấu, đã tạo ra khủng hoảng. Việt Nam chắc chắn vẫn kiên định với việc kiểm soát chặt chẽ dòng vốn ngắn hạn. Như vậy, cánh cửa duy nhất đủ lớn để Việt Nam nhập khẩu vốn là FDI.
Thứ ba, thị trường tài chính trong nước không đủ khả năng tạo vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Những vụ việc thao túng chứng khoán của FLC, giao dịch nội gián hay rút ruột ngân hàng của Vạn Thịnh Phát, nhận hối lộ của Ngân hàng Nhà nước… cho thấy thị trường tài chính của Việt Nam như quả bóng cao su đặt trên đầu kim.
Xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam tăng rất chậm, và sắp tới khả năng cao là rớt hạng. Rủi ro quốc gia của Việt Nam vẫn cao. Lãi suất tiền đồng vẫn luôn cao hơn vài điểm phần trăm so với ngoại tệ. Tất cả các dấu hiệu trên cho thấy thị trường tài chính trong nước không thể đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Nhập khẩu vốn là điều bắt buộc phải làm.
Khi biện pháp ưu đãi thuế không còn tác dụng, Việt Nam buộc phải chuyển sang các biện pháp khác.
Trước nay, Luật Đầu tư có hai biện pháp. Thứ nhất, ưu đãi đầu tư chủ yếu là việc miễn giảm thuế và các loại tiền nộp ngân sách. Thứ hai, hỗ trợ đầu tư là việc chi tiền từ ngân sách cho nhà đầu tư. Trên thực tế mấy chục năm qua, chúng ta chỉ dùng biện pháp thứ nhất.
Hỗ trợ đầu tư là dùng tiền từ ngân sách chi ra, nên sẽ linh hoạt hơn nhiều. Chúng ta có thể toàn quyền lựa chọn hỗ trợ chi phí đào tạo nhân công, chi phí xây nhà ở cho người lao động, chi phí xây dựng hạ tầng điện đường nước nhà xưởng hay bất kỳ chi phí nào khác. Ngược lại, rút tiền ra khỏi ngân sách cho nhà đầu tư chắc chắn sẽ khiến dư luận cảm thấy khó chịu hơn. Thêm vào đó, quản lý chống tham nhũng, thất thoát trong việc này cũng khó hơn nhiều.
Bây giờ, chúng ta buộc phải sử dụng biện pháp thứ hai. Đây là lý do Quốc hội sẽ quyết nghị về việc hỗ trợ đầu tư các dự án lớn.
Vậy chúng ta sẽ dùng tiền thu thêm được rồi lại trả lại cho nhà đầu tư sao? Thế cũng bằng hoà?
Đúng và không đúng.
Cái khó là OECD đã lường trước điều này. Quy tắc của OECD là các nước không được phép đánh tráo việc tăng thuế với các biện pháp thu hút đầu tư khác. Nếu chính sách hỗ trợ đầu tư mới của chúng ta rơi đúng vào những ông đã bị tăng thuế với số tiền đúng bằng số tiền thuế tăng lên, thì chắc chắn OECD sẽ không chấp nhận. Khi đó, các nước mẹ vẫn sẽ thu phần thuế còn thiếu, nhà đầu tư phải nộp phần này hai lần thì chắc chắn họ sẽ kiện Việt Nam.
Do đó, chính sách hỗ trợ đầu tư mới của chúng ta phải “khác” so với chính sách miễn giảm thuế trước đây.
Khác thế nào thì được chấp nhận?
Cái này hiện không rõ. Việc xác định biện pháp hỗ trợ đầu tư nào được và biện pháp nào không được sẽ được thực hiện theo nguyên tắc tham vấn và đồng thuận. Các nước sẽ phải gửi đề xuất các biện pháp hỗ trợ đầu tư của mình cho các nước khác để tham vấn. Nếu họ đồng thuận thì không sao. Nếu họ không đồng thuận thì sẽ trao đổi để điều chỉnh.
Việc soạn chính sách hỗ trợ đầu tư mới rất khó và cần sự phối hợp của nhiều bên.
Có cơ hội gì không?
Điều thú vị là chính sách hỗ trợ đầu tư mới buộc phải công bằng giữa FDI và doanh nghiệp trong nước. Như vậy, nếu các doanh nghiệp trong nước rơi vào diện được hỗ trợ thì cũng được hưởng như FDI.
Nhưng, các doanh nghiệp trong nước này, nếu không thuộc diện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, thì lại không thuộc đối tượng bị thu thêm thuế. Tức là, doanh nghiệp trong nước, dù thuộc diện đang chịu thuế dưới 15% hay trên 15%, đều có cơ hội được khoản hỗ trợ này.
Như đã nói, biện pháp hỗ trợ đầu tư “cao cấp” hơn biện pháp ưu đãi thuế. Nó đòi hỏi khả năng quản trị của Nhà nước tốt hơn, nhưng đổi lại sẽ được chọn mục tiêu, chọn đúng mắt xích quan trọng hay nút cổ chai. Đây là cơ hội để chúng ta có thể thu hút đầu tư tốt hơn, có chọn lọc hơn, có tác động lan toả tốt hơn.
Trong nguy có cơ.
N.Đ.M.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét