Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2023

20231112. NGHĨ VỀ NGÀY HIẾN PHÁP VIỆT NAM (9-11)

  ĐIỂM BÁO MẠNG


BÓNG MA CHUYÊN CHÍNH

NGUYỄN ANH TUẤN/ FB / TD 2-11-2023



[Vụ bắt giữ bà Nguyễn Phương Hằng và người mẫu Ngọc Trinh, sau đó là việc điều tra nhà xe Thành Bưởi, báo hiệu một bóng ma đang quay trở lại đời sống xã hội Việt Nam].
Những vụ án kỳ lạ
Bản án ba năm tù giam đã khép lại vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng, song vẫn chưa khiến dư luận lẫn những người trong cuộc hết băn khoăn về nguyên nhân thực sự của việc bắt giữ bà.
Chẳng ai được thuyết phục rằng chỉ vì những chuyện bóc phốt ồn ào mà bà Phương Hằng bị bắt, bởi lẽ giới showbiz bất kỳ quốc gia nào cũng đầy bê bối bị phanh phui và Việt Nam đâu phải là ngoại lệ.
Có người lại cho rằng, bà Phương Hằng đụng phải những nghệ sĩ quyền lực, nhưng ở Việt Nam những nghệ sĩ này có thể quyền lực trong giới của họ mà thôi, đâu đủ sức chi phối các cơ quan tố tụng. Đó là chưa kể có những người đấu khẩu với bà Phương Hằng như nhà báo Hàn Ni, cũng bị bắt sau đó. Nếu các nghệ sĩ đứng sau tất cả chuyện này thì chẳng lý do gì họ muốn bắt cả Hàn Ni.
Trong khi một dấu hỏi lớn vẫn nằm im trong vụ Phương Hằng thì lại xuất hiện một vụ án kỳ quặc khác. Người mẫu Ngọc Trinh bị bắt vì tội gây rối trật tự công cộng sau khi đăng tải các video clips quay cảnh biểu diễn chạy xe phân khối lớn trên đường. Trước đó thì cô đã bị xử phạt hành chính vì các lỗi liên quan tới việc lái xe này.
Người ta một lần nữa lại bàn tán xôn xao về lý do bắt giữ Ngọc Trinh nhưng có vẻ cũng chưa ai đưa ra được một nguyên cớ thuyết phục. Người theo thuyết âm mưu thì cho rằng, Ngọc Trinh chỉ là đầu mối để dẫn tới những vụ án lớn hơn, song cũng không hề có bằng chứng gì.
Ngay cả các luật sư thân chính quyền thường lên báo minh họa cho mọi quyết định bắt giữ của công an thì lần này cũng tỏ vẻ ngần ngại là hình như công an hơi mạnh tay khi bắt giam Ngọc Trinh.
Dư luận chưa kịp lắng xuống vụ Ngọc Trinh thì lại bị thu hút bởi việc điều tra bất ngờ của cơ quan công an đối với nhà xe Thành Bưởi - một nhà xe có tiếng lâu năm ở miền Nam. Những lý do mà công an đưa ra, dù được phụ họa bởi báo chí quốc doanh, vẫn không đủ sức thuyết phục dư luận lẫn chính nhà xe Thành Bưởi, đến nỗi nhà xe này, bỏ qua cả những thận trọng chính trị thông thường của dân làm ăn ở Việt Nam, đã ngay lập tức ra một thông cáo báo chí, tỏ ý nghi ngờ việc điều tra có thể được thúc đẩy bởi một “âm mưu” mờ ám nào đó.
Những vụ án như thế này đang xuất hiện thường xuyên hơn [trong] những năm gần đây, không khỏi khiến cho dư luận thắc mắc, điều gì đang xảy ra với cơ quan thực thi pháp luật vậy?
Pháp trị hay chuyên chính vô sản?
Mấy chục năm Đổi Mới với việc thử nghiệm kinh tế thị trường trong lòng chế độ cộng sản, đã khiến cung cách quản trị xã hội ở Việt Nam thay đổi ít nhiều.
Từ chỗ là một thứ thừa thãi của một xã hội Xô-viết, vận hành bằng chỉ thị và nghị quyết, pháp luật bỗng dưng được quan tâm. “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trở thành khẩu hiệu giăng mắc nhan nhản từ thành thị đến nông thôn. Cũng dễ hiểu, kinh tế thị trường, dù ở mức chưa hoàn thiện đi chăng nữa, cũng chỉ có thể vận hành được trong một khuôn khổ pháp luật. Tương tự vậy, tiền đầu tư ngoại quốc cũng sẽ chỉ đổ vào một quốc gia vận hành theo pháp luật chứ không phải là chỉ thị và nghị quyết của đảng cầm quyền.
Bởi lẽ, đặc trưng của một xã hội vận hành bằng pháp luật và trọng pháp luật - tức một nền pháp trị - là minh bạch và dễ đoán định vốn là những điều kiện cần thiết cho tự do kinh doanh và giao kết hợp đồng của một nền kinh tế thị trường. Trái lại, một nền chuyên chính vô sản, tức là lề lối quản trị xã hội bằng chỉ thị và nghị quyết của một đảng Leninist thì kém minh bạch và không thể đoán định, vốn là những điểm thù nghịch với kinh tế thị trường vì sẽ bóp chết mọi ý định kinh doanh và gây rủi ro cho mọi giao kết hợp đồng.
Quen với một xã hội vận hành [tương đối] bằng pháp luật, nhiều người nhìn những vụ án kỳ quặc kể trên qua lăng kính pháp trị, không thấy gì khác ngoài sự băn khoăn của mình. Chính ở đây, một lăng kính khác có thể giúp họ bớt băn khoăn: Chuyên chính vô sản.
Án của Đảng
Ngay sau khi bà Phương Hằng bị bắt giữ, các ngành nội chính Việt Nam, bao gồm Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, đã có phiên họp dưới sự chủ trì của ngôi sao chính trị đang lên Võ Văn Thưởng, khi đó là Thường trực Ban Bí thư.
Tại đây ông Thưởng đã cho biết, bà Phương Hằng, cùng với nhóm Báo Sạch bị bắt, vì “thách thức đường lối, chủ trương của đảng” - một lý do không thể mơ hồ hơn. Ông Thưởng cũng đã tiết lộ, “những vụ án, vụ việc có liên quan đến chính trị, đối ngoại, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thì xử lý theo đúng Chỉ thị số 26-CT/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 04-HD/TW của Ban Bí thư”.
Vậy là đã rõ, đối với vụ việc dư luận quan tâm, đường hướng xử lý sẽ tuân theo các chỉ thị của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Bí thư, chứ không phải dựa trên các cân nhắc pháp lý. Nghĩa là, một người có thể bị bắt vì các cơ quan nội chính xét thấy cần phải làm như vậy, nhằm đạt được những mục tiêu chính trị nhất định do Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra, chứ không phải vì đã vi phạm hình sự tới mức phải bị khởi tố và bắt giữ, như trong một nền pháp trị. Lẽ dĩ nhiên là sau khi các cơ quan nội chính đã chốt, công an sẽ làm phần việc còn lại bằng cách diễn giải pháp luật, đôi khi một cách rất khiên cưỡng, để hợp thức hóa việc bắt giữ.
Trớ trêu thay, cả Chỉ thị 26 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn 04 của Ban Bí thư đều là những văn bản nội bộ của đảng, đều không công khai và người dân không thể tiếp cận.
Vậy làm sao biết, khi nào một ai đó bị bắt và nếu bị bắt thì lý do thực sự là gì? Khi bạn nhận ra rằng, có những vụ án của đảng trong đó người ta bị bắt đôi khi chỉ vì đảng muốn như vậy, bạn sẽ thấy sự trở lại của một bóng ma, rồi sẽ còn phủ bóng lên đời sống xã hội Việt Nam nhiều năm tới đây.
Bóng ma chuyên chính vô sản.




VIẾT PHẢN BIỆN NHÂN NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/FB/TD 12-11-2023


Ngày 9 tháng 11 năm 1946 là ngày ban hành Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được lấy làm Ngày Pháp luật Việt Nam. Đã từng có khá nhiều bài viết về ý nghĩa của ngày này. Pháp luật không những có một ngày để tôn vinh mà việc cải cách tư pháp còn được đặc biệt chú trọng về mặt hình thức. Nhưng theo dõi thực tế thấy rằng, pháp luật của Việt Nam đã bị lỏng lẻo, bị vi phạm nguyên tắc ngay từ đầu ở Quốc hội, là cơ quan cao nhất đến tòa án và trại tù là nơi xét xử và thi hành án theo pháp luật.
Ngay từ tháng 5 năm 1950, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành sắc lệnh số 85 về cải cách tư pháp. Nhưng rồi từ tháng 7 năm 1960, Bộ Tư pháp bị giải tán; tháng 11 năm 1981 được thành lập lại. Năm 2005 Trung ương Đảng ra NQ số 48 vào tháng 5 (về hoàn thiện hệ thống tư pháp) và NQ số 49 vào tháng 6 (về chiến lược cải cách tư pháp). Tiếp đến, từ năm 2011, Đảng lập ra Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp, do chủ tịch nước (hoặc quyền chủ tịch) làm trưởng ban.
Xem qua về hình thức thì thấy chiến lược, các nội dung của cải cách tư pháp, đặc biệt là quyền tư pháp được viết rất đúng, rất hay. Nhưng viết ra chủ yếu để tuyên truyền, còn trên thực tế thì “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”; việc làm ngược lại với văn bản được viết ra.
Tôi xin không viết về những tác dụng tốt đẹp của luật pháp, đặc biệt việc xử các vụ tham nhũng (vì đã có nhiều người viết hay hơn). Tôi chi xin phản biện, nghĩa là chỉ ra một số bất cập và phân tích nguyên nhân.
1. Về việc làm luật
Làm luật là một trong các nhiệm vụ chính của Quốc Hội (QH). Để làm một luật nào đó thường phải qua các bước: 1- Phát hiện sự cần thiết phải làm luật đó; 2- Tổ chức soạn thảo luật; 3- Lấy ý kiến đóng góp của những người quan tâm; 4- Thảo luận và thông qua tại QH; 5-Chủ tịch nước ký lệnh ban bố.
Thực tế ở Việt Nam trong nhiều năm qua, việc soạn thảo luật chủ yếu do chính phủ, bộ nào làm việc gì thì soạn luật về việc đó, QH chỉ làm bước 4. Trong khi đó, đúng ra QH có trách nhiệm cả trong việc soạn thảo.
Riêng bước 1, lẽ ra QH phải nhận trách nhiệm chính, nhưng hình như chưa có ai quan tâm, vì vậy có những luật mà dân rất cần, như luật lập hội, luật biểu tình… dù Hiến pháp ghi rõ ràng, nhưng dân không thể thực hiện, do QH không chịu ra luật.
Hơn nữa, không biết QH thảo luận và thông qua như thế nào, trước khi ký chủ tịch nước có xem không, mà rất nhiều luật vừa ban hành được ít lâu đã phải sửa đổi.
2. Về thi hành luật
Thi hành luật quan trọng hơn nhiều so với việc soạn ra luật, nhưng hình như lãnh đạo nhà nước không nhận ra điều này. Vì vậy, đã từng có câu nói khôi hài, phản ảnh một phần sự thật: “Ở Việt Nam có một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng”.
Thực tế thường gặp những công việc, dù đã có luật rõ ràng nhưng người thi hành không chịu vận dụng luật vì: Một là họ không cần biết luật mà chỉ làm theo chỉ dẫn của cấp trên; hai là họ có thói quen không làm theo luật mà theo sự hường đẫn của thông tư, mà thông tư lại phải theo nghị định. Nghị định và thông tư đều là sản phẩm của cơ quan hành pháp mà phần lớn nội dung của thông tư là nhắc lại nguyên văn của nghị định, phần lớn nội dung nghị định nhắc lại nguyên văn của luật, chỉ có khác nhau về đề mục.
Thói quen phải có thông tư và nghị định giải thích thì luật mới được thi hành đã có từ rất sớm, nó gắn liền với sự lãnh đạo và quản lý xã hội của Đảng Cộng sản Việt nam. Nhiều nước không có thói quen ấy mà luật pháp của họ vẫn được thi hành rất tốt.
Thói quen trong Đảng “cấp dưới hoặc đảng viên làm việc gì phải được sự hướng dẫn của cấp trên” đã hình thành rất sớm, rất phổ biến trong thời kỳ hoạt động bí mật. Có việc đó là do các cơ sở Đảng, thường gồm các đảng viên công nông có giác ngộ cao, có tinh thần đấu tranh cách mạng, nhưng lại thiếu tri thức và thông tin, họ gặp khó khăn và thậm chí không biết làm gì khi chưa nhận được những chỉ dẫn cụ thể. Các đảng viên như thế rất sợ làm sai ý của thượng cấp, cho rằng như vậy là vi phạm kỷ luật Đảng.
Việc cần có hướng dẫn, không dám tự mình suy nghĩ và quyết định đã trở thành thói quen trong các tổ chức đảng sau này. Hơn nữa, đây là yêu cầu “Thống nhất tư tưởng và hành động trong Đảng”. Gần đây, Tổng bí thư phải ra hướng dẫn 19 điều đảng viên không được làm, cũng phần nào thể hiện thói quen nói trên.
Thói quen trông chờ hướng dẫn của thượng cấp đã trở thành căn bệnh từ trong gen, trong máu của tổ chức Đảng, nó phát tán và lây lan trong xã hội, trở thành phong tục, tập quán của các cơ quan, của những người thi hành luật pháp. Cũng như nhiều thói quen khác, thói quen này rất khó thay đổi.
Thói quen phải trông chờ thông tư, nghị định mới thi hành luật, phát triển đến mức người ta xem thông tư quan trọng hơn luật. Đó là một thói quen xấu, gây ra nhiều lãng phí và trở ngại, cần phải được bãi bỏ. Để làm điều đó cần nâng cao trình độ và trách nhiệm của người soạn thảo, cũng như của người thông qua luật, để cho mỗi điều luật đều chính xác, rõ ràng và trong điều khoản thi hành cần ghi rõ “không cần nghị định và thông tư giải thích”.
3. Về cải cách tư pháp
Không biết cải cách là cải tiến hay cải lùi, mà bắt đầu từ năm 2011 đến nay đã hơn chục năm nhưng chẳng thấy việc xử án tiến lên được chút nào. Một số việc sau đây không những là vết nhơ, mà còn là nỗi nhục không cách gì rửa sạch của ngành tư pháp:
i. Vụ kết án tử hình oan sai Hồ Duy Hải và Hội đồng thẩm phán 17 thành viên do chánh án Nguyễn Hòa Bình điều khiển bác bỏ kháng nghị của Viện Kiểm sát.
ii. Vụ kết án tử hình các con cháu cụ Lê Đình Kình, là những người vô tội.
iii. Các vụ án bỏ tù rất nặng những người bị quy tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” để hoạt động tôn giáo, truyền bá tư tưởng hoặc đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp, đó là những “tù nhân lương tâm”, họ bị tuyên theo các “bản án bỏ túi”, do sự chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, bất chấp công lý.
iv. Sự phát hiện các vụ án oan sai, kết tội tử hình người vô tội, nhà nước phải đền bù nhiều tỷ đồng cho người bị hại (nhưng không sao bù được những tổn thất về tinh thần và sức khỏe cho họ).
Hình như những thẩm phán kết tội oan cho người ta, đến khi nhà nước phải bỏ tiền ra đền bù thì họ vẫn bình chân như vại. Tôi có nhớ một câu được khắc trước cửa tòa án La Mã cổ đại, có ý như sau: “Hỡi những người xét xử, nếu xét xử sai cho người ta thì sẽ đến lúc các ngươi bị xét xử”. Không biết ở ta đã có luật nào quy định hình phạt đối với thẩm phán, lợi dụng quyền hạn để xét xử sai, hay là chỉ “quýt làm cam chịu”.
5. Về tạm giam, điều tra, nhà tù
Những việc này ở ta nhà nước giao cho công an mà sự lộng quyền của họ hình như không có ai ngăn cản. Thỉnh thoảng lại có tin người này người nọ chết trong đồn công an khi bị tạm giữ để điều tra. Phần lớn những cái chết oan khuất như vậy đều bị rơi vào im lặng.
Về xét hỏi, một điều quá nhức nhối mà các bị can kêu oan là bị nhục hình không thể chịu nổi, để ép cung khi bị thẩm vấn. Bị can được dụ dỗ rằng người thẩm vấn biết bị can mắc oan, nhưng người thẩm vấn không chịu được nếu không có ai nhận tội khi không thể kéo dài việc xét hỏi. Nếu không nhận tội sẽ bị nhục hình nặng hơn. Cứ tạm nhận để rồi khi ra tòa sẽ kêu oan, tòa sẽ xem xét.
Đáng lẽ trước tòa, khi bị cáo kêu oan có chứng cứ thì phải tạm hoãn xét xử để điều tra lại, và khi phát hiện ra điều tra viên dùng nhục hình để ép cung thì phải xét xử cả điều tra viên. Nhưng chưa bao giờ tòa án làm như thế mà còn nối dài sự oan sai. Phải chăng “Oan này chỉ có kêu trời nhưng xa”.
Về nhà tù: Thường người ta phân biệt hai loại tù nhân. A- Tù thường phạm, mắc tội trộm cướp, đốt phá, giết người v.v… và B- Tù chính trị, mắc tội có tư tưởng chống đối chính quyền, đấu tranh bất bạo động để đòi tự do dân chủ. Cả A và B đều mất dân quyền, nhưng không mất nhân quyền. Họ là những người yếu thế nhất, phải được đối xử theo tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp quốc. Hơn nữa, trong khi A còn mất nhiều nhân phẩm thì B thường không những có nhân phẩm cao mà nhiều người trong họ còn là những người yêu nước thương dân mà theo Hồ Chí Mình thì: “Người ra khỏi tù liền dựng nước”. (Ông Mandela ở Nam Phi là một dẫn chứng).
Ở các nước dân chủ, với tù chính trị người ta chỉ hạn chế tự do. Còn ở ta, các quản giáo được dạy rằng, tù chính trị là bọn “kẻ thù giai cấp”, cần đàn áp tàn bạo để khi ra khỏi tù chúng nó không thể họat động gì được. Tàn nhẫn thay, độc ác thay chủ trương đối xử vô nhân đạo đối với tù chính trị, mà nhiều người trong số họ được nhân dân gọi là “tù nhân lương tâm”. Ngoài việc tự mình đối xử tàn tệ với tù nhân chính trị, quản giáo còn sử dụng tu thường phạm để hành hạ họ. Thật là độc ác, mất hết tính người.
Không trừng phạt người dùng nhục hình ép cung, không xét xử thẩm phán kết tội oan nạn nhân, không xóa bỏ sự đối xử vô nhân đạo với tù nhân lương tâm thì nền tư pháp sẽ nhanh chóng kéo lùi xã hội về chế độ độc tài tàn bạo thời trung cổ. Phải chăng nền tư pháp hành động như thế là theo một sự chỉ đạo thống nhất từ đâu đó.
Viết đến đây, bỗng nhớ tới câu thơ của Nguyễn Du: “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”.
Gần đây, ngày 27 tháng 10 năm 2023, Bộ Chính trị Đảng CSVN ra Quyết định số 132 về kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp. Theo văn bản thì thấy được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, nhưng chưa biết quyết định này sẽ được vận dụng vào thực tế như thế nào. Đành chờ xem.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét