Thứ Ba, 14 tháng 11, 2023

20231115. KỶ NIỆM 41 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

  ĐIỂM BÁO MẠNG



GIÁO DỤC VỊ NHÂN SINH HAY VỊ HỌC THUẬT ?
HƯƠNG SÁNG/GD 14-11-2023

Những ngày đầu tháng 11 năm 2023, nhà giáo, nhà trường trong cả nước rộn ràng chuẩn bị kỉ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, cũng là lúc trên các diễn đàn râm ran bàn tán câu chuyện nhà giáo “bán” bài báo khoa học, “để kiếm tiền”.

Câu chuyện thu hút sự quan tâm của rất nhiều người và có rất nhiều cảm nhận khác nhau - có người cảm thông chia sẻ, có người gay gắt trách móc. Đó là câu chuyện buồn, rất buồn cho cả 2 ngành được cho là “quốc sách hàng đầu” của nước nhà.

Có lẽ để hoá giải được, gốc rễ phải nhìn từ bản chất của vấn đề, đừng nên tập trung vào hiện tượng.

Ảnh minh hoạ: Baothainguyen.vn

Ảnh minh hoạ: Baothainguyen.vn

…vị học thuật

Thời Trung cổ, nền giáo dục bị áp đặt, gò bó tư duy. Sau đó, phong trào Phục Hưng văn hoá vào thế kỉ 16 ở châu Âu đã nổi lên, phá tan được những “bức tường” kiên cố của “đêm trường trung cổ” và đã giải phóng tinh thần cho loài người.

Nền giáo dục “mới” lúc bấy giờ đã mở toang “cánh cửa”, để con người phát huy hết trí năng thiên phú; khoa học được đề cao, giáo dục vị học thuật ra đời.

Một nền giáo dục hướng đến tự do học thuật dựa trên nền tảng nhân bản được ca ngợi. Lúc đó, nhà trường quan tâm đến cả 3: Trí dục, Đức dục và Thể dục. Thế nhưng dần dần, Trí dục vượt lên hàng đầu, đề cao “trau dồi kiến thức”, để thi cử, đo lường bằng định lượng với những con điểm.

Mặc dù, giáo dục vẫn quan tâm phát triển đạo đức, tâm hồn, thể mĩ, thể chất,… thế nhưng đo lường vẫn dựa trên những gì có thể lượng hoá được, do đó chủ yếu vẫn là kiến thức khoa học.

Khi khoa học được đề cao thì kết quả cũng dần thu nhận được bằng những thành tựu nổi bật. Để theo đuổi những thành tựu khoa học, giới thượng lưu sẽ có ưu thế vượt trội.


Bài báo khoa học bị nghi ngờ tính liêm chính, nhà khoa học có thể là 'nạn nhân'

Họ chiếm lĩnh tri thức tinh hoa mà không phải bon chen việc kiếm tiền; từ đó mới có những ý tưởng vượt không gian và thời gian, và xuất hiện những nhà bác học vĩ đại. Có thể nói, hoạt động khoa học lúc bấy giờ không vì mưu sinh, không vì vụ lợi…

Người hoạt động khoa học tự do sáng tạo, không bị giới hạn tư duy bởi những “rào cản” định kiến; chỉ cống hiến vì đam mê, chinh phục ham muốn hiểu biết về thế giới, vũ trụ…

Mỗi khi khoa học vị học thuật, giáo dục cũng vị học thuật, tất cả đều đề cao lí trí, dần dần xem nhẹ các giá trị về tâm hồn, đạo đức, sức khoẻ… Điều đó được cho là làm sai lệch giá trị của con người, từng được nhắc đến và đề xướng cải cách.

Đến nay, loài người đã đi qua gần 1/4 của thế kỉ XXI, nền giáo dục của chúng ta đâu đó vẫn sa đà đề cao “truyền thụ kiến thức” phục vụ thi cử vì mục tiêu đỗ đạt, thành tích; nền khoa học cũng vừa mới hội nhập với “sân chơi” công bố quốc tế đã phải đối mặt với thị trường “mua bán” bài báo. Nhiều công bố chỉ vì thành tích, vì lợi ích và vì mưu sinh…

Có lẽ giờ đây nền giáo dục và khoa học của chúng ta cùng thời điểm với "người ta" nhưng không cùng thời đại, rất cần sự quan tâm của những người có chức trách, thay cho những trách móc, phê phán không khoan nhượng!

…vị nhân sinh

Khi phê phán nền giáo dục chỉ quan tâm “trau dồi kiến thức” để “ứng thí”; thiếu rèn luyện kĩ năng, yếu thể chất, khô khan ở tâm hồn; tạo nên những con người “lí thuyết suông”, xa rời thực tế kiểu “gà công nghiệp” thì cũng là lúc người ta bắt đầu chuyển hướng, đề cao giáo dục “vị nhân sinh” thay “vị học thuật”.

Ở khía cạnh nào đó, những nhà “cải cách” đề xướng giáo dục “vị nhân sinh” theo kiểu đề cao giáo dục “làm người” và “làm việc” thay cho “trau dồi kiến thức”.

Và tất nhiên là mỗi khi đề cao cái này thì cũng hạ thấp cái kia. Khi quan tâm đến “làm người” theo nghĩa là phải tuân thủ lễ nghĩa, phép tắc, phê phán tự do, sự “khác người”; đề cao “làm việc” để sống khoẻ, để làm giàu… sẽ có xu hướng tạo ra những cá nhân sống vì bản thân hơn vì tập thể…

Người học chủ tâm học bí quyết, học kĩ năng sống, kĩ năng kiếm tiền thay cho rèn luyện tư duy, tích luỹ tri thức như trước.

Người học ngày càng quan tâm nhiều hơn đến những ngành nghề dễ có việc làm, dễ giàu có hơn chọn ngành nghề để phát huy năng lực bản thân, phù hợp với sở thích, sở trường và sự đam mê…

Từ một nền giáo dục có chủ đích đề cao khuôn mẫu, thực dụng sẽ phản chiếu nên một xã hội có “phông nền” tương tự!


Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Đếm số lượng bài báo quốc tế thưởng tiền là một sai lầm

Khoa học ở châu Âu của những thế kỉ trước cho dù giáo dục được cho là “vị học thuật” nhưng “không vụ lợi”; người làm khoa học cũng không vì mưu sinh. Do đó tính khách quan của khoa học được xem trọng. Sức tưởng tượng vô hạn cùng với sự đam mê vô bờ bến đã tạo nên những con người vĩ đại có đóng góp to lớn cho nhân loại, rất đáng trân trọng.

Thế giới của chúng ta hôm nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức trên phạm vi toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy thoái đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh lây lan, chiến tranh leo thang,…

Càng nhiều thách thức thì theo lẽ tự nhiên, khoa học sẽ phát huy vai trò. Thế nhưng, trớ trêu thay, mặc dù những thách thức kể trên là rất lớn, có nguy cơ đe doạ đến sự tồn vong của loài người nhưng số đông vẫn ít quan tâm. Mối quan tâm lớn của số đông vẫn là kinh tế và công nghệ!

Công nghệ số, cách mạng 4.0 và dự báo sẽ là 5.0 cũng khó có thể cứu nổi loài người trước những “phản công” của thiên nhiên. Đó là quy luật, là bản chất… được tri thức của nhân loại đúc rút từ lâu.

Khoa học hiện đại đã chứng minh rất nhiều điều giá trị, nhưng tri thức của nhân loại không chỉ là những phát minh, những công trình được công bố… mà còn là cả một kho báu tri thức trong dân gian tích luỹ qua thời gian và đã trở thành văn hoá.

Mỗi khi xã hội quan tâm, tôn trọng nền tảng văn hoá, chú trọng tri thức khoa học và xem trọng vai trò của giáo dục thì ở đó sẽ có nền “giáo dục vị nhân sinh”.

Giáo dục vị nhân sinh sẽ khai tâm, khai trí và giải phóng con người, để con người biết sống, thực sống và phụng sự “đạo sống” vì cộng đồng, vì nhân loại, vì muôn loài và vì cả vụ trụ quanh ta.

Thời đại nào, xã hội nào mà văn hoá – khoa học – giáo dục được kết nối, được chú trọng, được xác lập làm nền tảng đúng nghĩa thì thời đại đó mới chính là thời đại văn minh.

Ngày nay, chúng ta có Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) - những ngày kỉ niệm có ý nghĩa, với mục đích lớn lao là để tôn vinh khoa học và giáo dục, tôn vinh nhà giáo và nhà khoa học, thế nhưng việc ứng xử với khoa học và với giáo dục như cách hiện nay thì khó có thể chấp nhận 2 ngành này là “quốc sách hàng đầu”.

Chấn hưng văn hóa, khoa học và giáo dục Việt Nam hiện nay là vấn đề cấp bách và trọng trách này không chỉ của riêng ai!

Hướng Sáng
CẦN CÓ QUY ĐỊNH RÕ RÀNG VÀ XỬ LÝ NGHIÊM KHẮC CÁC VI PHẠM 
VỀ LIÊM CHÍNH KHOA HỌC
TUỆ NHI/ GD 14-11-2023

Trung thực trong công bố là tiêu chuẩn đầu tiên của người làm khoa học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, liêm chính khoa học, trung thực trong công bố khoa học là tiêu chuẩn đầu tiên của người làm khoa học.

Ông Bình lý giải: "Khoa học có nhiệm vụ khám phá, đi tìm chân lý, tiệm cận đến cái chân lý nhằm giúp cho cuộc sống con người ngày một tốt đẹp, hạnh phúc hơn và cũng hiểu được con người và xã hội một cách đúng đắn hơn. Nếu không trung thực thì chỉ làm cho nghiên cứu đi xa cái chân lý muốn tìm đến và gây ra hệ quả nặng nề về phẩm chất, đạo lý của người làm khoa học.

Tuy nhiên trong xã hội, con người làm khoa học không phải tất cả đều nhận thức giống nhau, do nhiều lý do thì việc không trung thực, vi phạm liêm chính trong khoa học luôn tồn tại trong cộng đồng nhà khoa học, ngay ở các nước phát triển. Vấn đề là theo những công bố thống kê (chắc chắn chưa đầy đủ) thì Việt Nam đang là một trong những nước có hiện tượng vi phạm liêm chính khoa học, đạo văn khá cao.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Để làm trong sáng hoạt động khoa học, công bố khoa học là một vấn đề phức tạp, thuộc về phạm trù đạo đức nhưng cần phải có những quy định, thể chế cụ thể rõ ràng. Theo tôi, quá trình này cần sự vận động của nhiều thành phần liên quan, trong thời gian không ngắn".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình cũng chỉ ra một số vấn đề cần quan tâm sau đây.

Thứ nhất, nhận thức về liêm chính khoa học là nhận thức, đạo đức của từng cá nhân người làm khoa học, đơn vị giáo dục, khoa học và cả của đơn vị quản lý là Bộ giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Từ đó tạo nên một văn hóa và tâm lý luôn tôn trọng liêm chính khoa học khi hoạt động khoa học.

Thứ hai, xây dựng, ban hành quy chuẩn, quy định, định nghĩa về liêm chính khoa học một cách rõ ràng, chi tiết, cụ thể ở tất cả các đơn vị đào tạo, khoa học và các tổ chức liên quan đến khoa học. Nhiều đại học trên thế giới quy định nghiên cứu sinh trong báo cáo chỉ cần trích một đoạn tài liệu mà không ghi nguồn gốc tham khảo là đã bị ghép vào đạo văn và bị xử lý rất nghiêm khắc.

Chúng ta cũng cần làm rõ trong hợp đồng làm việc giữa một nhà khoa học với đơn vị quản lý (công cũng như tư) về nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của mỗi bên, bao gồm kết quả nghiên cứu, công bố khoa học...

Thứ ba, cần có quy định một cách rõ ràng và xử lý nghiêm khắc các vi phạm về liêm chính khoa học. Ở một số nước, khi vi phạm không chỉ bị sa thải khỏi đơn vị làm việc, dư luận xã hội phê phán, mà còn có thể bị truy tố hình sự, bồi hoàn kinh phí nghiên cứu.

Đồng thời, việc xử lý, phê phán một cá nhân vi phạm đạo đức khoa học cần theo quy định của hệ thống pháp luật và tôn trọng danh dự cá nhân.

"Trong một ý kiến riêng, tôi ủng hộ quy trình: Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm ban hành quy chuẩn, quy định và giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm, khiếu kiện trong quá trình xét duyệt, công nhận giáo sư, phó giáo sư của các cơ sở.

Chuyển giao việc xét duyệt, công nhận, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư về cho cơ sở thực hiện theo những quy chuẩn chung. Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của cơ sở giáo dục, đào tạo.

Quy trình này phù hợp với quy định của Luật Giáo dục Đại học (ban hành năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2018), đồng thời đảm bảo các vị trí gắn với chiến lược, định hướng phát triển khoa học, yêu cầu thực tế của nhà trường", ông Bình bày tỏ.

Cũng theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình, việc tổ chức xét duyệt đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư 3 cấp (Hội đồng cơ sở - Hội đồng ngành, liên ngành - Hội đồng Giáo sư Nhà nước), tuy có chặt chẽ về mặt hình thức, nhưng tạo nên tâm lý đặt nặng trách nhiệm cho các Hội đồng ngành với số ứng viên tập hợp cả nước rất đa dạng.

"Điều này phải chăng đã góp phần tạo nên nhận thức “đạt” chức danh giáo sư, phó giáo sư hơn bản chất quy trình là gắn việc bổ nhiệm chức danh với uy tín khoa học, phát triển lĩnh vực chuyên môn, khẳng định trường phái khoa học của một cơ sở giáo dục?", ông Bình nêu quan điểm.

Khoa học cần phải được công khai với một diễn đàn càng mở càng tốt

Những năm gần đây, dư luận quan tâm là làm thế nào để nâng cao chất lượng, không để bài báo quốc tế trở thành "điểm nổ" trong mỗi lần xét công nhận giáo sư, phó giáo sư.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học cho rằng, tiêu chuẩn về công bố bài báo quốc tế là một nội dung trong đánh giá học thuật. Nội dung này khá mới và theo xu thế chung của thế giới nên được chú ý nhiều hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Liêm chính học thuật ở Việt Nam theo tôi đánh giá là “có lộn xộn” nhưng không đến nỗi hỗn loạn. Tuy nhiên vẫn còn lọt một số trường hợp khiến không khí học thuật bị ảnh hưởng, không kích thích sự phát triển của khoa học theo đúng nghĩa của nó.

Có hai vấn đề cần nói ở đây là: 1) đạo văn - tức là lấy của người khác làm của mình và 2) bài báo không đạt, chất lượng “hàng chợ”, không có giá trị mà vẫn được công bố.

Theo tôi, các bài báo quốc tế là cần thiết, đáng trân trọng và rất hữu ích, nhưng cần được công khai một cách minh bạch, rõ ràng. Một số công trình in xong, công bố xong rồi để đấy, rất ít người tiếp xúc đến. Bởi thế mới có câu chuyện nhiều bài báo quốc tế không mang lại giá trị, chất lượng không đảm bảo, thậm chí chưa thể chấp nhận đăng ở các tạp chí trong nước. Không phải cứ đăng trên tạp chí quốc tế đều đương nhiên được coi là chất lượng quốc tế", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình nhận định.

Theo ông Tình, bên cạnh việc xem xét chất lượng của các tạp chí cũng cần nghiêm túc nhìn nhận chất lượng nội dung của những bài báo, công trình của ứng viên. Ông Tình đánh giá, tạp chí quốc tế là diễn đàn để nhà khoa học quảng bá tri thức cũng như kết quả nghiên cứu, nhưng không nên xem đó là “ngoại hạng”, cao hơn tất cả.

Ngoài ra, tiêu chuẩn “cứng” về số bài báo quốc tế trong xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư cũng tạo ra một hệ lụy là ứng viên tìm mọi cách, kể cả gian dối để được đăng đủ số lượng trên các tạp chí quốc tế, thậm chí là tạp chí “dỏm”. Việc này cũng đã được nhiều nhà khoa học lên tiếng phản ánh.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học cho rằng, cần phải xem xét lại quy chế, tiêu chuẩn định lượng các bài báo, trong đó có bài báo quốc tế. Nhiều người bị “ngáng đường” vì không phải lĩnh vực nào cũng có thể đăng được. Muốn đăng được một bài báo quốc tế, nhà khoa học phải tìm được nguồn, đề tài phù hợp và nhiều khi thời gian chờ công bố cũng rất lâu.

Ông Tình cho rằng, hiện nay có rất nhiều người bị cản trở vì tiêu chuẩn bài báo quốc tế mà không qua “cửa” hồ sơ, không thể được phong học hàm. Đó là điều rất đáng suy nghĩ.

“Chúng ta nên xem xét lại tiêu chí này. Bài báo quốc tế nên là tiêu chí khuyến khích “nâng cao” (chấm điểm cao hơn) chứ không nên là tiêu chí quyết định. Nếu không có sự điều chỉnh phù hợp thì không những không khuyến khích mà còn trở thành vật cản và tạo ra tiêu cực, mẹo gian dối nhằm đáp ứng những tiêu chí”, ông Tình nêu kiến nghị.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình nhấn mạnh thêm, khoa học cần phải được công khai với một diễn đàn càng mở càng tốt, nhất là chúng ta đang hội nhập, hòa nhập thì chuyện giao lưu với quốc tế, đăng bài báo quốc tế là rất cần. Nhưng đừng thái quá làm khó cho các nhà nghiên cứu.

"Chúng ta vẫn đang trên đường hội nhập, mọi sự hòa nhập hẵng cứ từng bước, từ từ. Ngay Giáo sư Ngô Bảo Châu từng nói là khi ông bảo vệ luận án tiến sĩ ở nước ngoài mà chưa công bố bài báo nào kia mà. Hơn nữa, một số lĩnh vực thì việc truyền bá trên các diễn đàn khoa học trong nước mang lại nhiều lợi ích hơn. Chẳng hạn như nghiên cứu về ngôn ngữ dân gian thì công bố bên nước Pháp sẽ không ý nghĩa và giá trị bằng ở Việt Nam", ông chia sẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình cũng khẳng định, tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” trong công bố bài báo quốc tế là điều cấm kỵ. Bài với nội dung về chính trị không thể nào đăng trên tạp chí lĩnh vực công nghệ, đó là điều không thể chấp nhận được.

Mỗi chuyên ngành có một lãnh địa và yêu cầu riêng. Chẳng hạn như lĩnh vực ngôn ngữ học (là ngành khoa học xã hội đòi hỏi tính chính xác về tư liệu) lại có nhiều lĩnh vực (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) mà mỗi lĩnh vực lại chia nhỏ thành chuyên ngành hẹp, không phải hội đồng khoa học tạp chí quốc tế nào cũng thẩm định được. Ví dụ như nghiên cứu ngữ âm tiếng Hải Hậu, Nam Định; từ vựng tiếng Thạch Thất, Hà Nội; tiếng lóng học đường…

Phòng ngừa vi phạm liêm chính khoa học quan trọng hơn xử lý vi phạm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế cho biết, Đại học Huế đã xây dựng quy định về liêm chính học thuật. Đây là cơ sở trong việc định hướng cho cán bộ, giảng viên trong công tác nghiên cứu khoa học, cũng là căn cứ để có chế tài xử lý đối với giảng viên vi phạm.

Đồng thời, xây dựng một môi trường hoạt động khoa học và công nghệ liêm chính, lành mạnh, thực chất tại Đại học Huế; nâng cao uy tín học thuật của đơn vị trong cộng đồng khoa học và xã hội.

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Anh Phương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Anh Phương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Liêm chính khoa học liên quan đến phẩm chất, đạo đức của nhà giáo, nhà khoa học đòi hỏi trước hết sự nhận thức và tự giác tuân thủ của mỗi cá nhân. Phòng ngừa vi phạm liêm chính khoa học quan trọng hơn xử lý vi phạm, do đó thường xuyên nâng cao nhận thức về liêm chính khoa học là nhiệm vụ chủ yếu”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương cho biết.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương nhấn mạnh thêm, theo điều 6 liêm chính trong báo cáo khoa học và công bố khoa học của Đại học Huế quy định 10 nguyên tắc.


Bước đầu hình thành văn hóa từ chức, văn hóa liêm chính

Thứ nhất, không được đạo văn hoặc tự đạo văn, luôn tuân thủ đúng quy định về trích dẫn trong báo cáo và công bố khoa học.

Thứ hai, trung thực với kết quả nghiên cứu thu được, không bịa đặt và ngụy tạo thông tin, dữ liệu trong báo cáo và công bố khoa học.

Thứ ba, ghi nhận đầy đủ, đúng mức sự đóng góp của tất cả thành viên, không giành hết công lao về mình và loại ra sự đóng góp của cộng sự.

Thứ tư, phải có ý kiến của các đồng tác giả về việc ghi và không ghi tên của họ trong các ấn phẩm khoa học nếu không có thỏa thuận nào khác, tuân thủ đúng việc tuyên bố quyền tác giả theo quy định khi công bố.

Thứ năm, không bán, cho người khác kết quả nghiên cứu của mình để họ sử dụng vào mục đích trái với thông lệ khoa học.

Thứ sáu, viên chức, người lao động đương nhiệm của Đại học Huế không được đứng tên nhiệm sở khác ngoài Đại học Huế trên công bố khoa học trừ trường hợp có quy định khác.

Thứ bảy, tìm hiểu kỹ về tạp chí, nhà xuất bản trước khi gửi bản thảo, không gửi công bố trên các ấn phẩm mạo danh, săn mồi đã được cộng đồng khoa học cảnh báo.

Thứ tám, ghi nhận đầy đủ trong báo cáo, công bố khoa học sự tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân theo quy định.

Thứ chín, công khai các xung đột lợi ích có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của các kết quả công bố.

Cuối cùng, tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Giám đốc Đại học Huế cũng thông tin về trình tự xử lý vi phạm liêm chính khoa học tại đơn vị này. Theo đó, khi tiếp nhận thông tin chính thức về hành vi vi phạm liêm chính khoa học, Thư ký Hội đồng Liêm chính khoa học thu thập đầy đủ hồ sơ, kiểm tra, đánh giá sơ bộ, mời người vi phạm đến làm việc và lập biên bản vi phạm sau đó báo cáo Chủ tịch hội đồng.

Đối với các hành vi vi phạm đã rõ ràng, đủ yếu tố cấu thành, người vi phạm đã thừa nhận (ký vào biên bản), Giám đốc Đại học Huế ban hành quyết định xử lý theo đề xuất của Thường trực Hội đồng liêm chính khoa học.

Đối với các hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành, chưa rõ ràng hoặc người vi phạm không thừa nhận (ghi rõ và ký trong biên bản), Hội đồng sẽ tổ chức thẩm định và họp để đưa ra kết luận. Trên cơ sở kết luận của Hội đồng, Giám đốc Đại học Huế ban hành quyết định xử phạt.

“Đại học Huế cũng quy định các hình thức xử lý vi phạm liêm chính khoa học tương ứng với mức độ vi phạm. Việc tái phạm ở mức thấp sẽ bị xử lý ở mức cao hơn”, ông Phương khẳng định.

Tuệ Nhi
TRANH LUẬN VIỆC TẶNG QUÀ NHÀ GIÁO NGÀY 20/11
PHAN TUYẾT/ GD 15-11-2023

Mới đây, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) đã ban hành văn bản quán triệt học sinh, phụ huynh và người lao động không tổ chức đến nhà giáo viên, lãnh đạo trường tặng quà ngày nhà giáo 20-11 với các lý do.

Thứ nhất, Ea Huar là xã đặc biệt khó khăn của huyện Buôn Đôn và tỉnh Đắk Lắk, đồng bào dân tộc thiểu số đông và đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên không để phụ huynh và học sinh phải suy nghĩ và lo lắng đến việc tặng quà cho giáo viên và lãnh đạo nhà trường. Thậm chí để có tiền mua quà tặng các thầy, cô giáo, nhiều em học sinh phải đi làm thuê mới có tiền.

Một tin nhắn không nhận quà tặng của một giáo viên gửi cho phụ huynh (Ảnh P.T)

Một tin nhắn không nhận quà tặng của một giáo viên gửi cho phụ huynh (Ảnh P.T)

Thứ hai, vào Ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm, qua theo dõi báo chí nhiều em học sinh đi tri ân thầy, cô đã xảy ra một số vụ tai nạn thương tâm. Vì vậy, việc không tổ chức tặng quà cho thầy, cô giáo sẽ ngăn chặn được các vụ tai nạn thương tâm này.

Thứ ba, việc không tặng quà cho thầy, cô giáo sẽ tạo ra sự đối xử công bằng với tất cả các em học sinh, vì đôi khi học sinh là con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi thăm giáo viên, giáo viên lại không quan tâm bằng các em đi thăm.[1]

Câu chuyện này trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn xã hội. Người ca ngợi, đồng tình với nhà trường. Người phản đối vì cho rằng thăm thầy cô, tặng quà tri ân là quyền của phụ huynh, có làm gì vi phạm pháp luật đâu mà phải ra văn bản cấm.

Những ý kiến trái chiều

Bạn đọc Hồng Dinh bày tỏ: “Tự hào Buôn Đôn có hiệu trưởng như thế. Năm 1996 trường tôi cũng đã làm thế. Tôi đã giải thích với học sinh: Các em chưa làm ra tiền, cha mẹ làm nông ngày công 120 ngàn sao phải mua quà tội lắm, các em nô nức ra đường có thể gây tai nạn giao thông. Học sinh hơi buồn vì không có cơ hội tụ tập nhưng phụ huynh họ mừng hết lớn mọi người ạ”.

Bạn Nga Nguyễn cho rằng: “Điều muốn nói là tôn vinh nghề giáo chứ không phải trục lợi ngày này để nhận quà. Tặng quà mà thành phong trào cũng là xúc phạm nhà giáo đấy".

Bạn Nguyên thắc mắc: “Thầy giáo cũng như các nghề khác, tại sao lại tặng quà, tri ân”?

Bạn Hoàng Ty thì nói: “Cá nhân tôi ủng hộ, nhà trường đã thật nhân văn khi đưa ra quyết định này, nhà trường giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh trò nghèo, thật trân quý”.


Chúng tôi đã đi trốn ngày 20/11 như thế

“Mình là một giáo viên và cũng mong muốn đừng quà cáp dịp 20/11, lễ Tết, sinh nhật thầy cô... Hiện tại, đã biến tướng rất nhiều, méo mó và làm khổ phụ huynh, học sinh”, bạn đọc Kim Gia chia sẻ.

Cũng có khá nhiều ý kiến không đồng tình với quyết định ra văn bản cấm của nhà trường.

“Tri ân thầy cô bằng nhiều cách, tặng quà, cũng là một cách. Tại sao lại không được ? Và tặng như thế nào, là quyền của học sinh, của phụ huynh, tuỳ vào khả năng của trò, của gia đình. Nếu cứ áp đặt như vậy, thì mới vô tình tạo áp lực lên giáo viên, lên phụ huynh, chẳng làm gì sai mà tự dưng việc tặng quà nhận quà lại thành lén lút”.

“Xã hội mong muốn tôn vinh nghề giáo, ngày Nhà giáo Việt Nam đã thành truyền thống tốt đẹp không chỉ trong nhà trường. Việc chọn hình thức tôn vinh nào, làm sao để khuyến khích trò bày tỏ lòng biết ơn thầy một cách chân thành và không vụ lợi, là việc cần suy nghĩ, chứ không cần “cấm”.

“Xã hội tôn vinh nghề giáo vì cái tâm với học trò, tôn vinh những người đã chọn nghề vì thế hệ trẻ, vì sự tiếp nối, truyền đạt dòng tri thức, văn hóa của dân tộc, của nhân loại, chứ không phải vì quyền lợi vật chất”.

Có ý kiến cho rằng: “Việc làm sai, việc phi pháp, thì mới bị “cấm”, mới bị đe dọa kỷ luật. Tặng một món quà nhỏ tỏ tấm lòng biết ơn với những người đã chăm nom dạy dỗ mình, là việc làm sai, việc phi pháp ư?

Đành rằng, có những người đã lợi dụng việc ấy, như lợi dụng ngày Nhà giáo Việt Nam để quà cáp phong bì, nhiều giáo viên bị mang tiếng.

Nhưng nghĩ mà thương, mà tội nghiệp những món quà tặng nhiều khi “chẳng đâu vào đâu” của đám học trò nhỏ dại.

Nếu đâu đó sai, phải tìm cách để hạn chế cái sai, cũng như chỉ cho người ta biết cách làm tốt, cách làm đúng, cách làm văn hóa, chứ tại sao lại “cấm”, tại sao nhà trường lại phải tỏ một thái độ phòng thủ, giữ kẽ với phụ huynh, với học trò của mình?

Trong suốt cuộc đời dài, có không ít lần người ta tặng quà, được nhận quà từ người khác. Để cho con trẻ học được bài học về văn hóa của món quà, về “của cho không bằng cách cho”, chẳng ai khác ngoài chính các thầy cô phải dạy điều này ở trường, cha mẹ phải dạy điều này ở nhà”.

Chuyện tặng quà tri ân ngày càng biến tướng

Có người không đồng tình với cách ra văn bản quán triệt học sinh, phụ huynh và người lao động không tổ chức đến nhà giáo viên, lãnh đạo trường tặng quà nhân ngày 20/11. Vì như thế, nhiều thầy cô cảm thấy lòng tự trọng của người thầy bị tổn thương.

Theo người viết, công bằng nhìn nhận, không ít phụ huynh tặng quà xuất phát từ tâm, từ mong muốn tri ân giáo viên đã vất vả dạy dỗ con mình trong năm học. Vì thế, người tặng và người nhận đều cảm thấy vui và thanh thản.

Trước thập niên 90, cứ tới ngày 20/11, học trò đi tới nhà thăm thầy cô chỉ với bó hoa, cuốn sổ hoặc cây nhà lá vườn như vài trái dừa, ký cam, ký khoai lang, chục trái bắp…

Trước đó, lo đón học sinh, thầy cô phải chuẩn bị bánh kẹo, nấu chè có khi còn chuẩn bị cả cơm trưa.Thầy trò gặp nhau trò chuyện, ăn uống rất vui vẻ. Những năm tháng đó, cũng chẳng bao giờ nghe thấy lời ong tiếng ve về chuyện tặng quà giáo viên.

Ngày nay, câu chuyện tặng quà ngày càng biến tướng. Người ta dần quên đi những món quà quê mà thay vào đó là chiếc phong bì, là phiếu mua hàng cho tiện ích. Việc tặng quà giáo viên cũng có nhiều mục đích, không đơn giản là sự tri ân công lao dạy dỗ, chăm sóc.

Có không ít phụ huynh tặng quà theo phong trào “thấy thiên hạ đi tặng quà, con mình không có sợ bị thầy cô để ý”. Vì thế, món quà tặng miễn cưỡng nên cũng không thấy vui và thoải mái.

Số khác tặng quà để gửi gắm, mong muốn con cái mình được thầy cô quan tâm, ưu ái nhiều hơn bạn bè khác nên người tặng có mục đích mà người nhận cũng thấy nặng lòng.

Khi món quà tặng không xuất phát từ tâm rất dễ sinh ra chuyện bực dọc và có ý nghĩ không tốt về thầy cô.

Ngoài ra, một số trường học hiện nay thường lấy số tiền quỹ của lớp để làm quà tặng cho giáo viên. Ban đại diện cha mẹ học sinh còn lên cả danh sách dài những thầy cô giáo sẽ được tặng quà.

Mỗi lớp hàng chục giáo viên, thầy cô giáo trong Ban giám hiệu và cả những cô bảo mẫu của lớp. Số tiền chi cho việc tặng quà không hề nhỏ. Cũng vì điều này, số tiền thu của học sinh vào đầu năm trở nên khá cao đã gây bất bình cho rất nhiều phụ huynh và dư luận.

Trên các diễn đàn, nhóm hội phụ huynh, vào những ngày tháng 11, người ta bàn luận rôm rả việc tặng quà giáo viên. Bên cạnh đó, không ít những ý kiến lên án làm hình ảnh thầy cô trở nên thực dụng và xấu dần trong mắt bao người.

Trường học ra văn bản quán triệt học sinh, phụ huynh và người lao động không tổ chức đến nhà giáo viên, lãnh đạo trường tặng quà. Giáo viên cũng cấm phụ huynh chở con đến nhà, đến trường để tặng quà cũng là cách đang bảo vệ hình ảnh người thầy trước những biến tướng của việc tặng quà ngày 20/11.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.doisongphapluat.com/mot-truong-hoc-ra-thong-bao-khong-nhan-qua-nhan-ngay-2011-a598618.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét