Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2023

20231120. SUY NGHĨ NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

   ĐIỂM BÁO MẠNG


CÁC QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI TRI ÂN NHÀ GIÁO VÀO NGÀY NÀO?

TỬ HUY/ VNN 18-11-2023

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã lấy ngày 5/10 hàng năm là Ngày Nhà giáo Thế giới để thu hút sự chú ý của xã hội đến tình trạng của các nhà giáo, vai trò của họ trong việc hình thành và phát triển xã hội, đồng thời huy động sự hỗ trợ cho các giáo viên để đảm bảo rằng họ sẽ tiếp tục nuôi dưỡng tri thức và nhân cách của các thế hệ tương lai.

Năm 1996, UNESCO và ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) ký kết khuyến nghị liên quan đến Địa vị của Giáo viên, đặt ra các quyền và trách nhiệm của giáo viên cũng như khẳng định: “Nhà giáo không chỉ là một phương tiện để thực hiện các mục tiêu giáo dục; nhà giáo chính là chìa khóa cho sự bền vững và năng lực quốc gia thông qua việc đạt được các chuẩn đầu ra của giáo dục và kiến tạo các xã hội dựa trên kiến thức, giá trị và đạo đức”.


Tại Mỹ, Ngày Nhà giáo Quốc gia rơi vào ngày Thứ Ba của tuần đầu tiên trong tháng Năm.

 Mỹ

Tại Mỹ, Ngày Nhà giáo Quốc gia rơi vào ngày thứ Ba của tuần đầu tiên trong tháng Năm. Ngày này nằm trong Tuần lễ tri ân giáo viên, nhằm ghi nhận và bày tỏ lòng biết ơn đối với những nỗ lực không mệt mỏi của các nhà giáo dục. 

Anh

Tại Vương quốc Anh, không có một ngày tôn vinh giáo viên cụ thể nào được công nhận. Tuy nhiên, quốc gia này tham gia vào lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Thế giới diễn ra hàng năm vào ngày 5/10. Ngày này không chỉ là dịp để tri ân công lao của các thầy cô giáo mà còn là cơ hội để thể hiện tinh thần đoàn kết toàn cầu. 

Canada

Ở Canada, Ngày tri ân giáo viên quốc gia được tổ chức vào Chủ nhật đầu tiên của tháng Năm. Ngày này là cơ hội để học sinh, phụ huynh và cộng đồng bày tỏ lòng biết ơn và đánh giá cao vai trò quan trọng của giáo viên trong việc định hình bối cảnh giáo dục. 

Ấn Độ

Ấn Độ kỷ niệm Ngày Nhà giáo vào ngày 5/9, kỷ niệm ngày sinh của Tiến sĩ Sarvepalli Radhakrishnan, một triết gia, nhà giáo lỗi lạc và là Tổng thống thứ hai của Ấn Độ. Ngày này không chỉ tôn vinh những đóng góp của Tổng thống Radhakrishnan mà còn vinh danh tất cả các giáo viên vì sự phục vụ cần mẫn và tận tâm của họ. 

Trung Quốc

Ở Trung Quốc, Ngày Nhà giáo được tổ chức vào ngày 10/9. Ngày này nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo viên trong việc định hình tương lai của đất nước. Học sinh bày tỏ lòng biết ơn của mình thông qua nhiều cách khác nhau, bao gồm tặng hoa và quà cho giáo viên của mình. Lễ kỷ niệm nhấn mạnh sự tôn trọng và ghi nhận những đóng góp quan trọng của các nhà giáo dục cho xã hội và sự phát triển của thế hệ trẻ.


Ở Trung Quốc, Ngày Nhà giáo được tổ chức vào ngày 10/9.

Brazil

Ở Brazil, Ngày Nhà giáo (Dia do Professor) được tổ chức vào ngày 15/10. Học sinh thường tham gia vào các hoạt động để bày tỏ lòng biết ơn và trường học có thể tổ chức các sự kiện để tôn vinh những giáo viên vì sự nỗ lực, cống hiến và cam kết của họ trong việc hình thành nền tảng trí tuệ và đạo đức của quốc gia.

Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, Ngày Nhà giáo (Seonsaeng-nim Eum-mal) được tổ chức vào ngày 15/5. Ngày này là dịp để xã hội thể hiện sự tôn trọng và biết ơn đối với giáo viên. Học sinh thường làm thiệp, tặng quà và tổ chức các hoạt động khác nhau, ghi nhận vai trò quan trọng của các nhà giáo dục đối với sự phát triển cá nhân, học tập và sự nghiệp.

Nhật Bản

Tại Nhật Bản, Ngày Nhà giáo (Sensei no Hi) được tổ chức vào ngày 24/10. Ngày này là cơ hội để học sinh bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng những đóng góp của thầy cô. Đây là lúc để ghi nhận sự hướng dẫn, cố vấn và kiến thức mà các nhà giáo dục truyền đạt cho học sinh của mình, góp phần vào sự trưởng thành và phát triển của các em.

Malaysia

Tại Malaysia, Ngày Nhà giáo (Hari Guru) được tổ chức vào ngày 16/5. Ngày này được đánh dấu bằng nhiều hoạt động khác nhau, bao gồm các buổi họp mặt đặc biệt, các buổi biểu diễn và tặng quà cho giáo viên. 

Nga

Ở Nga, Ngày Nhà giáo (Dyen' Uchitelya) được tổ chức vào ngày 5/10. Ngày này nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục và vai trò của giáo viên trong việc định hình sự phát triển trí tuệ và đạo đức của học sinh. Đây là thời gian để học sinh và xã hội bày tỏ sự cảm kích đối với sự cống hiến và làm việc chăm chỉ của các nhà giáo dục.

Pháp

Tại Pháp, Ngày Nhà giáo (Journée nationale des enseignants) được tổ chức vào ngày 26/11. Ngày này tạo cơ hội để ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của giáo viên cho hệ thống giáo dục. Đây là thời điểm để bày tỏ lòng biết ơn đối với kiến thức, kỹ năng và sự hướng dẫn mà giáo viên cung cấp cho học sinh, góp phần vào sự phát triển cá nhân và học tập của các em.

Tử Huy

VAI TRÒ CHỦ ĐẠO CỦA NHÀ NƯỚC TRONG GIÁO DỤC

NGUYỄN VĂN ĐÁNG/ TVN 20-11-2023

Từ giáo dục phục vụ Nhà nước 

Với tư cách là một thiết chế xã hội, chức năng quan trọng nhất của giáo dục là xã hội hóa cá nhân, chuyển hóa cá nhân từ một “thực thể sinh học” thành một “thực thể xã hội”. Thông qua giáo dục, cá nhân được lĩnh hội các giá trị, niềm tin, tri thức, kỹ năng, trách nhiệm và bổn phận gắn với mỗi vị thế xã hội, nhờ đó, cá nhân có thể đảm nhiệm các vị thế và vai trò xã hội khác nhau trong suốt cuộc đời

Một thực tế phổ biến ở nhiều quốc gia là cho đến trước thời kỳ tư bản chủ nghĩa, các nền giáo dục phong kiến chủ yếu phục vụ Nhà nước. Các kỳ thi tuyển chọn người để bổ nhiệm vào các vị trí trong chính quyền tại các nước Á Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam là những điển hình của các nền giáo dục hướng đến thiểu số, phục vụ nhu cầu nhân sự của Nhà nước phong kiến.

Thời kỳ đó, cho dù học ở đâu và dưới hình thức nào, bất kỳ ai cũng đều có thể tham dự các kỳ thi do Nhà nước tổ chức. Nguyên tắc bình đẳng và cạnh tranh năng lực bảo đảm các kỳ thi chọn được những người xuất sắc nhất. Kết quả và thứ hạng sau mỗi kỳ thi cũng là yếu tố quyết định chức vụ mà mỗi người được đảm nhiệm trong hệ thống chính quyền các cấp.

Ở nước ta, cho đến trước những năm 1990, sản phẩm đào tạo của nền giáo dục quốc dân cũng vẫn chủ yếu phục vụ Nhà nước. Tốt nghiệp các bậc học sau phổ thông, người lao động chủ yếu làm việc cho các cơ quan trong hệ thống chính trị, cũng như các nhà máy, xí nghiệp hay đơn vị kinh doanh của Nhà nước. Nền kinh tế về cơ bản chỉ có một thành phần là Nhà nước. Nền nông nghiệp trình độ thấp, chưa hình thành nền kinh tế thị trường trên phạm vi cả nước là những nguyên nhân chính khiến cho nhu cầu giáo dục, đào tạo còn đơn giản, yêu cầu về chất lượng đào tạo chưa bức bách.

Tính từ năm 1986, sau gần bốn thập kỷ thực hiện chính sách đổi mới, nền giáo dục đã chuyển hướng và đạt được những thành tựu nhất định.


Chúng ta cần xây dựng một nền giáo dục không chỉ phục vụ Nhà nước, mà còn có thể vận hành theo cơ chế thị trường

Quy luật thị trường đã tác động đến giáo dục

Tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, sự vận hành của các quy luật thị trường như cung – cầu, cạnh tranh…đã thúc đẩy và tác động lớn đến nền giáo dục nước ta, đặc biệt là giáo dục công lập. Xuất hiện những diễn biến không như mong đợi, có thể ảnh hưởng tiêu cực về quyền thụ hưởng giáo dục, chất lượng giáo dục, cũng như sự phát triển của cả nền giáo dục.

Cụ thể, giáo viên là nhóm luôn chiếm số lượng đông nhất trong số những người rời bỏ khu vực công trong mấy năm gần đây, mà một nguyên nhân chính được cho là mức thu nhập quá thấp, không thể bảo đảm cuộc sống. Ngược lại, nhiều địa phương khó khăn hiện đang thiếu hàng trăm nghìn biên chế giáo viên nhưng nhiều năm nay vẫn không thể tuyển đủ. 

Trong nỗ lực thích ứng với áp lực thị trường, hệ thống giáo dục công lập cũng đã có những thay đổi. Một số đại học thực hiện cơ chế tự chủ, cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng cao với mức học phí cao hơn học phí phổ thông. Các lớp học thêm, bổ sung kiến thức, kỹ năng theo nhu cầu và khả năng chi trả của học sinh cũng được tổ chức ngay tại các trường phổ thông công lập.

Cũng chính động lực thị trường đã thúc đẩy một bộ phận thầy, cô giáo mở các lớp học thêm ngoài giờ chính khóa để đáp ứng những nhu cầu đa dạng và có khả năng thanh toán. Một số giảng viên đại học thì ký hợp đồng nghiên cứu, hợp đồng thỉnh giảng, công bố công trình khoa học với những nơi có thể trả thù lao theo cơ chế thị trường.

Có thể thấy, sự vận hành của các động lực thị trường trong bối cảnh thế giới kết nối ngày càng chặt chẽ đang đặt ra nhu cầu đổi mới mạnh mẽ đối với hệ thống giáo dục ở nước ta.

Để giảm thiểu những biểu hiện nêu trên, chúng ta cần xây dựng một nền giáo dục không chỉ phục vụ Nhà nước, mà còn có thể vận hành theo cơ chế thị trường, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của thị trường.

Sứ mệnh của giáo dục công lập

Trong xã hội hiện đại, thực hiện “bình đẳng xã hội” và “công bằng xã hội” là những giá trị nền tảng, những yêu cầu then chốt với hệ thống giáo dục công lập ở mọi quốc gia. Trong khi nguyên tắc “bình đẳng” giúp mọi công dân đều được đối xử như nhau, nhờ đó đều được tiếp cận và thụ hưởng giáo dục, thì nguyên tắc “công bằng” chú ý hơn đến các nhóm yếu thế, giúp họ không bị bỏ lại phía sau trong giáo dục.

Ở nước ta, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhấn mạnh hơn nhu cầu thực hiện “công bằng xã hội” trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, lao động, việc làm.

Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII khẳng định quan điểm và chủ trương nhất quán của Đảng về công bằng trong giáo dục: “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân…tạo tiền đề và bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân có cơ hội được thụ hưởng công bằng thành quả của nền giáo dục”.

Như vậy, một nền giáo dục công bằng trước hết là không để xảy ra tình trạng nhu cầu học tập của người dân không được đáp ứng. Cũng có nghĩa, dù sống trong hoàn cảnh khó khăn nhất thì mọi công dân vẫn được thụ hưởng giáo dục ở mức tối thiểu. Vì thế, chính sách giáo dục sẽ thúc đẩy công bằng xã hội khi các hành động can thiệp của Nhà nước tập trung đáp ứng nhu cầu học tập của các nhóm yếu thế, như: người nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động di cư…

Đặt trong bối cảnh kinh tế thị trường và xã hội ngày càng phân hóa đa dạng, nền giáo dục cũng cũng có thể vận hành theo cơ chế thị trường, linh hoạt đáp ứng các nhu cầu được phân chia theo trật tự thứ bậc dựa vào khả năng thanh toán khác nhau.

Với những yêu cầu nêu trên, ở bất kỳ quốc gia nào, thực hiện công bằng trong giáo dục tất yếu cần đến vai trò chủ đạo của Nhà nước. Vấn đề đặt ra là chúng ta nên hiểu như thế nào về vai trò chủ đạo của Nhà nước trong bối cảnh hiện nay? Hẳn nhiên, trên phạm vi toàn cầu, một nguyên tắc dễ đạt được sự đồng thuận là Nhà nước chỉ nên làm những gì mà tư nhân không thể, hoặc không muốn làm với giáo dục.

Theo đó, vai trò chủ đạo của Nhà nước trong giáo dục thể hiện rõ nhất ở khả năng phục vụ nhu cầu học tập của số đông người dân. Có nghĩa là, trách nhiệm và bổn phận cao nhất của Nhà nước là phải bảo đảm mọi người dân đều được học tập. Để thực hiện được sứ mệnh này, Nhà nước cần tập trung nguồn lực để phục vụ các nhóm xã hội yếu thế, không để họ bị bỏ lại quá xa so với các nhóm khá giả, thuận lợi hơn trong thụ hưởng giáo dục.

Sứ mệnh của giáo dục công lập là ưu tiên phục vụ “từ dưới lên”, tức là tập trung vào nhu cầu học tập của những nhóm xã hội khó khăn nhất. Với các nhóm xã hội khá giả, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để giáo dục ngoài công lập phát triển, đáp ứng các nhu cầu đa dạng theo khả năng thanh toán.

Nhờ đó, Nhà nước sẽ thực hiện đúng sứ mệnh chính trị với người dân, các nguồn lực tư nhân được phát huy tối đa cho sự nghiệp giáo dục. Xác định rõ rõ sứ mệnh của giáo dục công lập và giáo dục tư thục cũng sẽ giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực trong giáo dục hiện nay, và thúc đẩy công bằng xã hội trong giáo dục.

TS Nguyễn Văn Đáng

'BÁC SĨ MỞ PHÒNG KHÁM TƯ THÌ GIÁO VIÊN DẠY THÊM LÀ CHÍNH ĐÁNG'

TRẦN THƯỜNG/ VNN 20-11-2023

Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện

ĐB Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) nêu tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học.

Ông nêu có những lớp học thêm bên ngoài do giáo viên lách luật, mở lớp, gợi ý địa chỉ cho phụ huynh, rộng cửa đón học sinh chính khóa, bài học trên lớp lửng lơ nửa chừng sẽ được tiếp nối ở lớp học thêm. Bài kiểm tra đúng dạng, đúng đề chỉ được hé lộ ở lớp học thêm. Điểm số chênh lệch giữa học thêm và không học thêm khiến cho phụ huynh rất bức xúc.

"Tiền bạc, công sức đưa đón đổ dồn gánh nặng lên mỗi gia đình. Nhiều gia đình quay cuồng với lịch học thêm của con em", ông Huy chia sẻ.


ĐB Nguyễn Văn Huy

Ông Huy cho biết, qua tiếp xúc cử tri phản ánh chi phí cho con học thêm là khoản chi tiêu lớn nhất của gia đình, nhất là khi có con học tiểu học và trung học cơ sở.

Tuy nhiên, ĐB nhìn nhận thực tế đời sống của đại bộ phận giáo viên hiện nay, dạy thêm là giải pháp để cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống. Ông cho rằng điều đó là chính đáng, bởi nếu bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều người ở các ngành nghề khác có thể bôn ba ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập, nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng.

Ông phân tích, cán cân cung - cầu trong giáo dục là cơ hội cho giáo viên có thể kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống cá nhân. Khi học sinh muốn ôn luyện kiến thức chưa vững, muốn rèn luyện thêm năng lực nâng cao, sẵn sàng cho các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp, thi học sinh giỏi… thì các lớp học thêm là địa chỉ tin cậy để người học tìm đến. Việc học thêm nếu xuất phát điểm từ nguyện vọng chính đáng của người học thì không đáng bị lên án.

Ông đề nghị cần quy định và tổ chức thực hiện việc dạy thêm học thêm như thế nào cho lành mạnh và đúng quỹ đạo, giúp những người thầy chân chính có cơ hội cải thiện thu nhập, học sinh có nguyện vọng chính đáng được bổ trợ và nâng cao năng lực được hỗ trợ điều kiện tiếp cận chất lượng giáo dục uy tín.

Đồng thời, những lớp học thêm tai tiếng vì "găm bài", vì gợi mở đề kiểm tra phải bị xử lý một cách nghiêm khắc và quyết liệt.

Để trả lại sự trong sạch cho môi trường dạy thêm, học thêm, ông kiến nghị Bộ GD-ĐT nhanh chóng, khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan để quản lý hiệu quả, sâu sát, thiết thực và hài hòa lợi ích của học sinh, phụ huynh, giáo viên. Cần quan tâm siết chặt hơn chất lượng các giờ học chính khóa cũng như thay đổi tư duy thi cử, cởi trói bớt áp lực học hành đang đè nặng lên phụ huynh, học sinh.

ĐB tỉnh Thái Bình kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT sớm tham mưu để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Giáo viên nào bớt kiến thức để dạy thêm đề nghị báo Bộ trưởng

Trả lời sau đó, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhắc lại câu hỏi của người dân chất vấn đến ngày nào "bộ trưởng có thể quét sạch được việc dạy thêm, học thêm trên toàn cõi Việt Nam". Ông bày tỏ mong muốn này hết sức cảm xúc và nhắc lại đã có 8 ý kiến hỏi Bộ về vấn đề dạy thêm, học thêm. Bộ đã có phân tích, trả lời về vấn đề này.

Bộ trưởng khẳng định dạy thêm, học thêm hay các nguyện vọng được học tập ngoài trường là một nhu cầu thực tế, trong quá trình đáp ứng các nhu cầu rất đa dạng của người học thì hoạt động này cũng rất đa dạng. Bộ GD-ĐT đã có nhiều quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm.


Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời sáng nay.

Tuy nhiên với môi trường ngoài nhà trường, Bộ trưởng nhìn nhận còn đang thiếu cơ sở pháp lý để quản lý, giám sát, điều tiết, xử lý.

Bộ cũng đã từng gửi các văn bản đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ KH&ĐT đề xuất trong quá trình sửa Luật Đầu tư và có văn bản gửi Thủ tướng vào năm 2020 đề nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin: "Không rõ lý do vì sao trong năm 2020, 2021, việc này không được chấp thuận. Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của ĐB Nguyễn Văn Huy cần phải đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý để xử lý bên ngoài trường học".

Với 53.000 trường học trên cả nước, Bộ trưởng mong muốn những gì xảy ra bên ngoài nhà trường, chính quyền địa phương phối hợp để kiểm soát việc dạy thêm học thêm. Bởi việc dạy thêm, học thêm nằm ngoài nhà trường nên Bộ cũng rất khó kiểm soát xung quanh địa bàn 53.000 trường học.

Ông cho rằng việc đưa con đi học thêm rất nhiều cũng một phần xuất phát từ chính phụ huynh. "Trong đó, có người đưa con đến nài nỉ cô vừa dạy, vừa trông giúp. Hay cha mẹ thấy con đi học một ca chưa yên tâm nên sau giờ học cứ nghe thấy đâu có thầy tốt là đưa đến ngay, dẫn đến một tối 3-4-5 ca, việc này tác động đến sự căng thẳng của việc học với trẻ em. Hoặc phụ huynh thấy con mình chưa xuất sắc thì không yên tâm", Bộ trưởng phân tích.

Do đó, Bộ trưởng GD-ĐT đề nghị cần có giải pháp tổng thể và phụ huynh cần phối hợp để xử lý. Ông đề nghị ĐB Nguyễn Văn Huy trong quá trình đi thu thập thông tin, với trường hợp giáo viên bớt kiến thức ở trường học để đi dạy thêm cần xem đó là ai, người nào, ở đâu, trường nào để Bộ phối hợp với tỉnh Thái Bình xử lý đến nơi, đến chốn.

TIN LIÊN QUAN:

- Giáo viên không được mượn phòng của trường để tổ chức dạy thêm Đồng nghiệp dạy thêm 40-50 triệu/tháng, giáo viên môn phụ chạnh lòng 

Vì sao 20/11 được chọn là Ngày Nhà giáo Việt Nam? 



NGHỀ CAO QUÝ?

NGUYỄN THÔNG/ FB/TD 20-11-2023

Ở những nước mắc bệnh sùng bái cá nhân, mà chủ yếu hơn chục nước theo chủ nghĩa cộng sản, trong phe xã hội chủ nghĩa trước kia, thứ bệnh này thuộc dạng mạn tính (mạn tính chứ không phải mãn tính như rất nhiều người dùng nhầm; mạn có nghĩa ngày càng nặng, bệnh ngày càng nặng, chứ không phải mãn là bệnh bị vĩnh viễn). Nó (sùng bái cá nhân) còn phát tác thành những triệu chứng lâm sàng khác, chẳng hạn sinh ra ngày này ngày khác, lễ nọ lễ kia, treo ảnh dựng tượng...
Có những ngày những lễ, lúc phe xã hội chủ nghĩa tồn tại thì rất rùm beng, sau khi phe tan gần như chết ặt, chả mấy ai ở nước cũ (cố quốc) nhớ đến nữa, như ngày quốc tế phụ nữ, quốc tế lao động, hiến chương nhà giáo, quốc tế thiếu nhi, hòa bình thế giới. Giờ may ra chúng chỉ còn hồn vất vưởng ở đôi nơi chưa dám đoạn tuyệt với cái cũ, trong đó có xứ này.
Những nhà lãnh đạo cộng sản rất thích lập ngôn. Kiểu như Lenin “Học, học nữa, học mãi”, “Không có sách thì không có tri thức”; hay “Súng đẻ ra chính quyền”, hay “Không có gì quý hơn độc lập tự do; hay “Làm chủ tập thể là phát minh của loài người”, v.v...
Họ mở miệng là cả đám xúm vào ghi chép, sau đó đăng báo, in vào sách, thành khẩu hiệu, thỉnh thoảng lại nhắc trên đài, ông A nói thế ni, ông B dạy thế tê, câu này của ông C, câu kia của ông D. Đại loại na ná kiểu anh cu Ủn bên Triều Tiên bây giờ, đi đâu cũng có một đám tiểu đồng lăng xăng mỗi đứa một cuốn sổ, một cây bút, ho cũng ghi, hắt hơi cũng chép, chẳng hạn mùa thu năm Quý Mão, tháng 10, ngài hắt hơi 3 hồi liên tiếp.
Chả cần xét hay-dở, cứ của thượng quan là ngợi ca cho phải đạo. Thậm chí giờ họ còn ưa in thành sách, dịch ra đủ thứ tiếng, xuất bản cả chục cả trăm nghìn cuốn, tổ chức lễ lạt giới thiệu quảng cáo rùm beng, chỉ có điều chả mấy ai mua, ma nó đọc, chỗ chờ đợi là đáy ngăn kéo hoặc sọt rác trước khi bà ve chai đồng nát đi qua.
Tôi nhớ hồi đi học, từ cấp 1 tới tận đại học, thỉnh thoảng được nghe người ta nhắc tới câu của ông Phạm Văn Đồng. Nó còn chui vào đề thi, bắt bọn trẻ ranh phải giải thích, phân tích, bình luận. Cứ dịp 20.11, lễ quốc tế hiến chương các nhà giáo, thế nào đài, báo cũng lôi ra. Câu ấy là, giờ tôi vẫn còn nhớ, ông thủ tướng nói “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Bộ máy tuyên truyền nhà nước đương nhiên khen nức nở những “lời vàng”, không chỉ của ông Đồng mà nhiều ông bà lớn khác nữa. Nghe loáng thoáng, cũng có lý. Giới thầy cô giáo là sướng nhất, bởi được bốc lên mây xanh. Cứ nhất là thích cái đã. Say thứ hư danh cả khi dứt cháo (giáo chức), “tháo giày” (thày giáo), đói mặt xanh nanh vàng, vừa dạy học vừa giữ xe, chạy chợ, làm đủ mọi thứ để kiếm đồng tiền đắp đổi qua ngày.
Hồi xưa tôi cũng nghĩ câu ấy của ông Tô hay, nhưng về sau hiểu hơn, “rằng hay thì thật là hay/ nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”.
Trong đời sống, trong xã hội, đã là nghề thì nghề nào cũng quý. Những việc chuyên về hướng/mảng nào đó theo sự phân công của xã hội được gọi là nghề. Ví dụ nghề nông, nghề dạy học, nghề rừng, nghề rèn, nghề hoạn lợn, nghề nấu bếp, nghề đóng cối, nghề kế toán… Việc do xã hội phân công, có ích cho cộng đồng, được mọi người tôn trọng thì mới là nghề. Chả ai gọi trộm cắp, lừa đảo, đâm chém, tham nhũng, lừa thầy phản bạn… là nghề cả.
Làm theo xã hội phân công thì nghề nào cũng đáng được tôn trọng, nghề nào cũng cao quý. Không có chuyện cao quý nhất, cao quý nhì, hay nói kiểu lấy phiếu tín nhiệm bây giờ, “cao quý cao, cao quý, cao quý thấp”. Không có người làm nghề móc cống, hút hầm cầu, quét rác, chạy xe ôm, khi gặp chuyện (tắc cống chẳng hạn) thì biết cao quý hay không ngay. Không có “thằng” đánh dậm thì có khối tôm tép để bỏ vào mồm.
Bách nhân bách nghệ, trăm người trăm nghề, nghề vừa để nuôi sống bản thân, vừa phục vụ xã hội, nuôi sống người khác. Nghề nào cũng cao quý, chả nghề nào hơn kém nghề nào. Tôi nói thật. Tôi cũng muốn hỏi những ông làm "nghề" tuyên giáo hoặc những ai tâm đắc với câu của ông Đồng: Vậy thì trên đời có nghề nào không cao quý?
Dạy học cũng chỉ là một nghề trong muôn nghề. Ông thủ tướng Đồng, một nhà duy vật, thực chứng, vậy mà lập ngôn câu rất dở, nếu không nói là phản khách quan, vô hình trung đã phân biệt, ngăn cách, tạo ra sự đánh giá méo mó về xã hội, về người lao động. Khen ông ấy nói hay, chẳng qua thiên hạ chưa dứt được bệnh nịnh, tôn sùng cá nhân. Bản thân ông Đồng khi tâng bốc nghề dạy học cũng là một dạng mắc tôn sùng cá nhân.
Không có nghề nào cao quý nhất cả, lại càng không có những nghề cao quý nhất, bởi nghề nào cũng cao quý. Nghề nào cũng đáng được tôn trọng.

Nguyễn Thông

https://www.facebook.com/profile.php?id=100024722048900&__cft__[0]=


Tiếng Dân News


https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=


NGHỀ GIÁO CÓ ĐƯỢC TÔN VINH THẬT KHÔNG?
CHU MỘNG LONG/FB/ TD 18-11-2023

Tối nay, tự dưng ông hàng xóm sang chơi. Ông trao cho bó hoa. Ông nói rằng mấy ngày nay không thấy học trò đến thăm nên mạo muội tặng tôi một bó hoa cho vui. Tôi trố mắt và miễn cưỡng nhận. Rồi mời trà ông. Ông nâng tách trà và hỏi:
- Tôi hỏi câu này khí không phải. Ông giáo vào nghề đã bao nhiêu năm? Ông giáo có thấy nghề của mình được tôn vinh thật không?
Tôi hụt hẫng nhìn bó hoa. Rồi cũng lựa lời trả lời ông:
- Nếu không cầm súng thì đã 35 năm. Có lẽ mình tự tôn vinh mình hơn là mong thiên hạ tôn vinh, ông ạ.
Ông hàng xóm chăm chắm vào mắt tôi:
- Tôi thấy hoa, quà bán đầy đường. Phụ huynh, học sinh, sinh viên mua nườm nượp. Cả thiên hạ đang hướng vào nhà giáo đấy chứ?
Tôi bật cười:
- Hoa, quà cũng chỉ là hình thức. Cả thiên hạ hướng vào nhà giáo chưa hẳn đã tôn vinh. Có khi nào ông nghe họ vừa mua vừa chửi không? Tôi thì nghe rồi. Thậm chí còn thấy học trò viết trên nhóm của chúng: "Tớ đang bị cô giáo đì. 20.11 này, cái con mẹ ấy thích ăn gì tớ cúng!"
Ông hàng xóm cũng cười theo:
- Nhưng bó hoa của tôi không là hình thức đâu nhé. Tôi nghĩ tôn vinh hay không thì trước hết thầy phải ra thầy. Thầy không ra thầy thì học trò gọi bằng thằng cũng đáng.
Tôi giải thích thêm cho ông hiểu:
- Thiên hạ ở cái xã hội bây giờ giả cả ông ạ. Thời bao cấp, tôi thi vào sư phạm, đã từng nghe thiên hạ nói: "Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm". Họ nói lái: "Thầy giáo tháo giày", "Giáo chức dứt cháo". Có nghĩa là xưa họ chê nhà giáo cùng đường, nghèo. Nay nhà giáo không nghèo nữa nhưng lại bị họ khinh là tham! Họ bày trò hoa, quà để tỏ ra tôn vinh, nhưng rất khinh...
Ông hàng xóm hôm nay lịch sự hơn mọi hôm. Ông im lặng và mặt buồn rười rượi. Ông lảm nhảm cái câu tôi nói đầu tiên: "Có lẽ nhà giáo tự tôn vinh mình hơn là mong thiên hạ tôn vinh". Bỗng ông thốt lên:
- Chắc là mắc bệnh hoang tưởng cả. Nhưng ông giáo nói vậy có sợ người ta chụp mũ "tội làm nhục nghề giáo" không?
Tôi cười:
- Có! Tôi từng bị chụp mũ rồi. Bài trừ hoa, quà, phong bì 20.11. ắt có lắm kẻ thù.
Nói đoạn tôi kể cho ông nghe hai chuyện. Một lần trong cuộc họp đối chất với một giảng viên vu cáo tôi lên báo vì ám thị tôi sẽ tố anh ta ăn chơi, cưỡng hiếp học viên. Anh ta nói to giữa cuộc họp: "Tôi phải như thế nào mới vinh dự được học viên săn sóc đến từng bữa ăn, giấc ngủ chứ. Còn ông do học viên ghét nên dạy xong thì về phòng đóng cửa. Không thấy nhục hay sao?" Lần khác, dạy xong tôi đi ăn một mình. Gặp một phó giáo sư đang chờ học viên chở đi nhà hàng. Ông ta hỏi: "Chú ăn ở thế nào mà không có vinh dự được học viên mời cơm hè?". Tôi phải nói toạc luôn: 'Dạ thưa ông, trường đã chi tiền tôi ăn ở, nên ăn nhậu dầm dề ngày ba bữa từ tiền của học viên tôi thấy nhục lắm! Nhục nhất là các ông ăn nhậu, nhận phong bì phong bao, tốn bao nhiêu tiền của lớp. Đến kì thi họ tưởng tôi cũng như các ông nên cứ đòi thầy cho đề trước".
Ấy đấy! Chuyện vinh nhục lộn tùng phèo cả. Chỉ vì phản đối hoa quà, phong bì, ăn nhậu thôi mà đã có người hạ nhục tôi và thù tôi cho đến chết!

Chu Mộng Long


https://www.facebook.com/Chumonglong?__cft__[0]=

Tiếng Dân News


https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét