Thứ Tư, 22 tháng 3, 2023

20230323. THẢO LUẬN: ChatGPT TRONG GIÁO DỤC ĐÀO TẠO

  ĐIỂM BÁO MẠNG

HĐGSNN NÓI GÌ VỀ KHUYẾN CÁO CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CÓ SỰ TRỢ GIÚP CỦA AI? 

NGUYÊN PHƯƠNG/GDVN 18-3-2023

GDVN- Phó Giáo sư Dương Nghĩa Bang cho biết, việc lạm dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu khoa học có thể dẫn đến kết quả không tích cực.

Tại Công văn số 25/HĐGSNN ngày 07/3/2023 về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đưa ra khuyến cáo Hội đồng giáo sư các cấp “lưu ý phát hiện, xem xét và đánh giá các công trình khoa học sử dụng hoặc có sự trợ giúp của các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tổ chức thảo luận và có kết luận đánh giá những công trình khoa học này”.

Trong bối cảnh hiện nay với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là sự xuất hiện của ChatGPT, khuyến cáo của Hội đồng Giáo sư Nhà nước càng nhận được nhiều sự quan tâm của giới học thuật.

HĐGSNN nói gì về khuyến cáo công trình khoa học có sự trợ giúp của AI? ảnh 1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Nghĩa Bang – Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Ảnh: NVCC

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Nghĩa Bang – Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, khuyến cáo trên nhằm mục đích cảnh báo Hội đồng Giáo sư các cấp cẩn trọng xem xét kỹ khi đánh giá các công trình khoa học này.

Ngày nay, trí tuệ nhân tạo đã được ứng dụng khá nhiều trong các lĩnh vực quản lý, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, … và đã mang lại những lợi ích to lớn đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như đối với khoa học - công nghệ.

Chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò của AI đối với hoạt động nghiên cứu khoa học.

Với sự trợ giúp của AI các công trình nghiên cứu cũng đạt được nhiều kết quả ứng dụng khả quan.

Tuy nhiên, rất nhiều nhà khoa học đang lo ngại việc lạm dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu khoa học có thể dẫn đến kết quả không tích cực, như: dựa trên các dữ liệu đầu vào chưa chính xác hoặc chưa được kiểm chứng; hướng theo những phán đoán, định hướng không xác thực; …

Đặc biệt, trường hợp chỉ dựa hoàn toàn vào AI để viết bài báo khoa học, viết luận văn, luận án trong khi không hề triển khai nghiên cứu. Việc này có thể cho ra đời những công bố rất nhanh chóng nhưng kết quả không phản ánh đúng thực tại khách quan, không thực tế, gây ảnh hưởng tiêu cực trong nghiên cứu khoa học. Những trường hợp này cần phải được quan tâm xem xét làm rõ trong quá trình đánh giá các công bố khoa học.

“Khi công trình khoa học có nghi vấn được viết do AI, Hội đồng, người thẩm định cần thảo luận nghiêm túc, khách quan, kể cả phỏng vấn ứng viên khi báo cáo khoa học tổng quan để kết luận đánh giá những công trình khoa học này”, ông Bang nhấn mạnh.

Bàn về trách nhiệm của Hội đồng giáo sư cấp cơ sở, Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành, Phó Giáo sư Dương Nghĩa Bang cho hay, Hội đồng giáo sư các cấp quan tâm xem xét, phát hiện các công trình khoa học, nhất là các bài báo khoa học, được viết do AI mà không phải những nghiên cứu do tác giả triển khai. Các hội đồng sẽ có kết luận đánh giá chi tiết, đảm bảo đúng liêm chính, công bằng với những công trình khoa học này.

Trong mỗi mùa xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư, liêm chính khoa học luôn là vấn đề “nóng” trong giới học thuật, Phó Giáo sư Dương Nghĩa Bang khẳng định, đây cũng là vấn đề được Hội đồng Giáo sư Nhà nước quan tâm để đảm bảo công tác xét duyệt được công bằng, minh bạch.

Năm 2023, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã ban hành Công văn số 25/HĐGSNN ngày 07/3/2023 về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023, trong đó quán triệt Hội đồng giáo sư các cấp “Thực hiện nghiêm các quy định tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg, Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác có liên quan, bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng, tăng cường tính khách quan, công khai, minh bạch và đánh giá đúng chất lượng hồ sơ ứng viên, trong đó chú ý: Xem xét về chuyên môn - học thuật, tính liêm chính khoa học; thẩm định kỹ chất lượng tạp chí và chất lượng các công trình khoa học; lưu ý phát hiện, xem xét và đánh giá các công trình khoa học sử dụng hoặc có sự trợ giúp của các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tổ chức thảo luận và có kết luận đánh giá những công trình khoa học này”.

Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cũng lưu ý các ứng viên dự kiến nộp hồ sơ tham gia xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023 cần nắm vững các tiêu chuẩn theo quy định tại Quyết định 37/2018/QĐ-TTg và Quyết định 25/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các văn bản hướng dẫn của Hội đồng Giáo sư nhà nước để chuẩn bị hồ sơ rõ ràng, đầy đủ các minh chứng theo quy định.

Ứng viên chuẩn bị hồ sơ cẩn thận, minh chứng đầy đủ, kiểm tra thông tin kỹ càng vì không được thay đổi nội dung hồ sơ sau khi nộp.

Trong quá trình xét, Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước luôn tổ chức các đợt tập huấn về công tác xét cho ứng viên và các hội đồng giáo sư cơ sở, hội đồng giáo sư ngành, liên ngành, đồng thời trả lời trực tuyến các vấn đề chưa rõ của ứng viên ở mục Hỏi – Đáp trên trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, mọi ứng viên đều có thể đặt câu hỏi về những vấn đề chưa rõ để được hướng dẫn theo đúng quy định.

Nguyên Phương
TIẾN SĨ  NGUYỄN NGỌC HÙNG: 'ChatGPT RA ĐỜI DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ PHẢI THAY ĐỔI'
MẠNH ĐOÀN/GDVN 22-3-2023

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng (nguyên Trưởng bộ phận thường trực Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020"), giảng viên nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục đại học, đã có những chia sẻ về tác động của ChatGPT đối với yêu cầu cần thay đổi trong dạy và học ngoại ngữ hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng: “ChatGPT ra đời, dạy và học ngoại ngữ phải thay đổi" ảnh 1

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Phải thay đổi phương pháp giảng dạy

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, từ trước đến nay, chúng ta luôn cho rằng giáo dục là để cung cấp kiến thức, kỹ năng cho học sinh nhưng một người cụ thể không bao giờ có đủ kiến thức như ChatGPT - một sản phẩm với những tiến bộ vượt bậc của công nghệ mang tên trí tuệ nhân tạo.

ChatGPT là sự tổng hợp tất cả những tài liệu số đã in và xuất bản, ChatGPT đã đọc, học, lưu nhớ và có thể vận dụng những dữ liệu này bằng hầu hết các ngôn ngữ.

Đối với người học tiếng Anh, ChatGPT có thể dịch khá chính xác các tài liệu đúng ngữ pháp, cách hành văn tự nhiên và sáng tạo về tất cả các ngành.

Đúc kết từ nhiều năm giảng dạy tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục đại học, thầy Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, nếu như trước đây giảng viên giao tiểu luận, bài tập (ngoại ngữ) cho sinh viên, người thầy có thể dễ dàng phát hiện tiểu luận đó có phải do sinh viên tự viết hay không. Bởi thông thường người học sẽ hay mắc lỗi ngữ pháp, cách sử dụng từ, cách diễn đạt. Tuy nhiên, ChatGPT ra đời là một thách thức đối với người dạy, bởi vì bài viết, tiểu luận thậm chí khóa luận do ChatGPT tạo ra đến thời điểm này đã được chỉ ra là có trường hợp rất chuẩn chỉnh.

Với công cụ ChatGPT ra đời, người học có thể học tạo cho mình giáo viên ảo để tự sửa lỗi về phát âm, ngữ pháp, cách dùng từ theo thời gian 24/24 không mệt mỏi.

“Hiện nay, việc sử dụng ChatGPT tại Việt Nam vẫn chưa phổ biến rộng rãi, khi nó phổ biến, nhiều nơi sẽ có phản ứng khác nhau. Vì vậy, giờ đây người thầy phải thay đổi phương pháp giảng dạy, cũng như giúp người học đổi mới cách học, cách sử dụng công cụ này để tạo ra những sản phẩm hoàn hảo hơn, nhanh hơn đáp ứng nhu cầu của thế giới việc làm”, thầy Hùng cho hay.

Cần sớm cho sinh viên làm quen với ChatGPT

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng nhận định, hiện nay tại các cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành ngoại ngữ có môn dịch thuật. Giảng viên giao bài tập dịch tài liệu tiếng Việt sang tiếng Anh và ngược lại, bài tập này là dạng khá truyền thống nhưng không giúp ích nhiều cho người học khi ra trường.

Cần sớm giới thiệu cách sử dụng trí tuệ nhân tạo để sinh viên có thể đáp ứng ngay được yêu cầu phiên, biên dịch của cơ quan, doanh nghiệp khi ra trường.

Để khai thác tốt ChatGPT và đưa nó vào thực tiễn, các nhà khoa học đang tìm biện pháp dạy cho sinh viên cách đặt câu hỏi, lập trình tư duy cho ChatGPT để nó tạo ra sản phẩm như mong muốn cho người sử dụng.

“Trên thế giới cũng có người lo lắng, thậm chí có nơi cấm dùng ChatGPT, có người còn đưa ra phần mềm để nhận biết được nội dung bài viết có phải do ChatGPT thực hiện hay không, từ đó, giáo viên có cơ sở để cho điểm hoặc không cho điểm.

Tuy nhiên, đấy không phải là cách làm hay, cũng như hiện nay, khi khoa học phát triển, máy móc được đưa vào sản xuất thì người nông dân không dùng trâu và cái cày như xưa nữa”, thầy Hùng chia sẻ.

Sớm định hình việc dạy và học trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo

Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” triển khai đến năm 2017 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ bổ sung cho đề án giai đoạn tiếp theo và đã được Chính phủ thông qua đề án chỉnh sửa bổ sung và ban hành quyết định mới cho đề án giai đoạn 2017-2025.

Từng là Trưởng bộ phận thường trực đề án, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng cho hay: Đề án là kế hoạch, mong muốn của Chính phủ nhằm tăng cường năng lực ngoại ngữ cho nguồn nhân lực Việt Nam để hội nhập quốc tế, trước tiên là hội nhập ASEAN.

Muốn làm được điều này thì phải dạy tiếng Anh sớm cho trẻ, với mục tiêu học sinh học hết tiếng Anh từ năm lớp 3 đến năm lớp 12 đạt được trình độ B1. [1]

“Điều đầu tiên để đổi mới và nâng chuẩn tiếng Anh cho học sinh, sinh viên toàn quốc thì đề án phải quan tâm đến đội ngũ giáo viên, vì vậy việc tuyên truyền nâng cao nhận thức để giáo viên ý thức được sứ mệnh của mình và đồng hành với đề án là rất quan trọng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, hiện nay trình độ tiếng Anh của đội ngũ giáo viên/giảng viên đã có tiến bộ rất khả quan và điều này đồng nghĩa chất lượng đào tạo học sinh/sinh viên cũng được nâng lên. Việt Nam từ một nước nói tiếng Anh yếu đến nay chúng ta đã đạt mức trung bình khá, vượt qua nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga...[2]

Hiện nay, nhiều học sinh khi tốt nghiệp phổ thông đã có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để có thể xét tuyển vào đại học hoặc đi du học. Các em đã biết sử dụng công nghệ để phục vụ cho việc học thông qua internet và hiện giờ là ChatGPT.

Thầy Hùng đánh giá, những năm tới đây vai trò của người thầy không còn nặng là việc truyền thụ kiến thức, chúng ta cần phải sớm trao đổi, định hình hoạt động dạy và học trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo này sẽ như thế nào và sản phẩm giáo dục, chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, thái độ mới sẽ là gì để bắt kịp tiến bộ của khoa học công nghệ trên thế giới.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/dieu-chinh-de-an-ngoai-ngu-2020-va-keo-dai-den-2025-20171229155520734.htm

[2] https://giaoduc.net.vn/nguoi-viet-nam-gioi-tieng-anh-thu-7-tai-chau-a-post172910.gd

Mạnh Đoàn
LIỆU TRÍ TUỆ NHÂN TẠO CÓ LÀM BIẾN MẤT NGÀNH KẾ TOÁN?
NGUYÊN PHƯƠNG/ GDVN 22-3-2023

Chia sẻ tại ngày Hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2023, một phụ huynh trăn trở: “Con yêu thích học kế toán nhưng trước sự phát triển của khoa học, trí tuệ nhân tạo, nhiều dự báo ngành kế toán sẽ biến mất. Vậy liệu có nên theo học ngành này”?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính cho biết, hiện nay có nhiều ngành học ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trong đó có ngành kế toán. Vì vậy yêu cầu công việc cũng ở một cấp độ cao hơn.

Ngành kế toán ở thời điểm hiện tại cũng đã thay đổi rất nhiều, kể cả ngành tài chính ngân hàng, con người cũng cần phải thay đổi về tư duy trong cách làm việc.

Liệu trí tuệ nhân tạo có làm biến mất ngành kế toán? ảnh 1

Ban tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp giải đáp thắc mắc về tuyển sinh đại học và các ngành học cho phụ huynh, học sinh. Ảnh: Nguyên Phương

Các trường đại học là nơi để cập nhật và ứng phó nhanh nhất với sự phát triển của khoa học công nghệ, các trường sẽ có những ngành đào tạo tốt nhất nên phụ huynh có thể yên tâm, xu hướng các ngành nghề vẫn tiếp tục thay đổi, thích ứng để phát triển.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội chia sẻ, không riêng ngành kế toán mà nhiều ngành cũng đang gặp thách thức trước những sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Các cơ sở đào tạo cần đón trước sự phát triển công nghệ để điều chỉnh về chương trình đào tạo, đảm bảo chất lượng đào tạo và đáp ứng thị trường lao động.

Công nghệ không thay thế hoàn toàn được con người. Ngay như ngành dịch thuật vẫn cần con người để biên tập, xử lý những tình huống cụ thể mà công nghệ như ChatGPT đã làm.

Băn khoăn học môn Toán có ứng dụng vào thực tiễn

Trước băn khoăn của một phụ huynh về việc liệu các kiến thức toán học như tích phân, đạo hàm, phương trình lượng giác, logarit... có được ứng dụng vào các ngành nghề, công việc tương lai, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, bản thân chương trình đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đang duy trì việc dạy học Toán giải tích đại số và vật lý đại cương vào diện “nặng” nhất ở Việt Nam. Thế nhưng khi xét trên bình diện quốc tế, độ khó của chương trình còn “thua xa” so với các trường đại học kỹ thuật của Đức và Pháp.

Liệu trí tuệ nhân tạo có làm biến mất ngành kế toán? ảnh 2
Trước mùa tuyển sinh 2023, nhiều thí sinh băn khoăn về việc lựa chọn ngành học, trường học. Ảnh: Nguyên Phương

Như trong lĩnh vực cơ điện tử về điều khiển robot và các hệ thống cơ học, kiến thức môn Toán được ứng dụng rất nhiều, tất nhiên không phải kiến thức phương trình trên giấy mà là lập trình.

Thầy Điền cũng nhấn mạnh vai trò của Toán học đối với tư duy, nếu không giải những bài toán liên quan tích phân, vi phân và phương trình vi phân sẽ rất khó để đạt được cấp độ cao về mặt tư duy nói chung, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu phát triển.

Và hiện nay, các trường vẫn dựa trên nền tảng đánh giá tư duy mà Toán học là một phần quan trọng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính cho biết thêm, với các trường khối kinh tế, Toán là nền tảng và Toán kinh tế được ứng dụng, vận dụng rất nhiều.

Muốn học thiết kế đồ hoạ nhưng không được học vẽ ở bậc phổ thông?

Chia sẻ với Ban tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp, một phụ huynh cho biết, con muốn theo học ngành thiết kế đồ hoạ nhưng ở trường trung học phổ thông không dạy môn Mỹ thuật, trong khi trong tổ hợp xét tuyển của nhiều cơ sở giáo dục đại học yêu cầu phải có môn vẽ, hình họa hoặc bố cục trang trí màu.

Chia sẻ vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, dưới góc độ quản lý nhìn toàn hệ thống, với những ngành đào tạo đặc thù, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển vào đại học mỗi năm tính trên toàn hệ thống rất nhỏ, thậm chí chưa đến 1%.

Việc đưa những môn học đó vào bậc phổ thông áp dụng cho toàn hệ thống là chưa phù hợp, nhất là chương trình phổ thông dạy trên toàn quốc ở tất cả vùng miền, từ thành phố đến nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Thêm nữa là vấn đề về đội ngũ giáo viên, phổ cập những môn đó trên toàn quốc phải tốn rất nhiều nguồn lực.

Hơn nữa, những ngành đặc thù này cần năng khiếu chứ không phải một kỹ năng đại trà được dạy ở bậc phổ thông. Bậc phổ thông là những kiến thức phổ quát nhất, nền tảng cho học sinh. Đi vào những ngành đặc thù, chúng ta cần có những sự đầu tư và định hướng ban đầu.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng rất chia sẻ với những thí sinh ở những địa bàn khó khăn. Theo cô Thuỷ, các em vẫn có nhiều lựa chọn, ở ngành thiết kế đồ họa, với những kiến thức công nghệ thông tin và những kỹ năng khác, các em hoàn toàn có thể theo đuổi ngành này, không nhất thiết phải có môn vẽ.

Nguyên Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét