“Chuyến thăm Nga nhằm mục đích tăng cường tình hữu nghị, hợp tác và hòa bình. Tôi sẵn sàng cùng với Tổng thống Vladimir Putin vạch ra các kế hoạch và biện pháp mới nhằm mở ra triển vọng mới cho quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược giữa hai nước Trung Quốc-Nga”, ông Tập Cận Bình cho biết trong một bài viết dành cho RIA Novosti và Rossiyskaya Gazeta.

Theo ông Tập Cận Bình, các chuyến đi tới Nga luôn mang lại kết quả tuyệt vời, nhờ đó mà các nhà lãnh đạo hai nước đã mở ra một chương mới trong quan hệ song phương.


Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: RIA Novosti

“10 năm trước, chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của tôi sau khi được bầu làm Chủ tịch Trung Quốc là tới Nga. Trong vòng 10 năm, tôi đã đến thăm Nga 8 lần. Nhờ những chuyến đi luôn mang lại niềm vui và kết quả to lớn này, Tổng thống Putin và tôi đã mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ hai nước”, Chủ tịch Trung Quốc viết.

Bàn về cuộc khủng hoảng Ukraine, ông Tập Cận Bình cho hay, các vấn đề phức tạp không có giải pháp đơn giản, nhưng sẽ có lối thoát nếu đối thoại bình đẳng.

“Những vấn đề phức tạp không có giải pháp đơn giản. Chúng tôi tin rằng sẽ tìm thấy một lối thoát hợp lý cho cuộc khủng hoảng Ukraine và con đường dẫn đến hòa bình lâu dài cũng như an ninh toàn cầu, nếu mọi người được hướng dẫn bởi khái niệm an ninh chung, toàn diện và bền vững. Đồng thời tiếp tục đối thoại và tham vấn một cách bình đẳng, thận trọng và thực dụng”, ông Tập Cận Bình viết.

Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc giữ lập trường khách quan và không thiên vị đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, tích cực thúc đẩy đàm phán hòa bình.

NGUỒN:


VIỆC THAY ĐỔI SỐ PHẬN CỦA MỘT QUỐC GIA LÀ CÓ THỂ...
ANH PHẠM/FB 20-3-2023

Hôm nay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Moskva - một cử chỉ bày tỏ sự ủng hộ cao nhất của Trung Quốc đối với Putin và Nga trong lúc cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine đang đi vào kỳ đầu của cái kết.
Khác với thời mà Chủ tịch Mao khúm núm, e dè tới Liên Xô thăm Stalin, hôm nay ông Tập tới Moskva với vị thế của người trên. Tương quan trong mối quan hệ Nga - Trung dường như đã đảo ngược bền vững.
Trong khi nước Nga đang đi xuống về mọi mặt, Trung Quốc về căn bản là đang tiếp tục đi lên.
Có thể thấy là nước Nga, Trung Quốc, Mỹ đều đã thay đổi - nước ít thay đổi nhất có lẽ là nước Việt Nam ta. Chúng ta vẫn có quan điểm vững như bàn thạch về ba nước lớn - ba đối tác lớn nói trên.
Mỹ tiếp tục là kẻ thù tiềm tàng và nguy hiểm luôn nhăm nhe lật đổ chế độ.
Nga thừa kế di sản của Liên Xô, là ông từ giữ đền cho nơi chôn rau cắt rốn của chế độ. Yêu Nga tức là trung thành với những lý tưởng của Liên Xô từng soi sáng cho con đường lập nước như chúng ta biết hôm nay. Tình cảm của chúng ta cho Liên Xô không cho phép chúng ta sống trái với đạo nghĩa bỏ bạn khi hoạn nạn. Chúng ta luôn bênh vực nước Nga ngay cả khi nước Nga làm gì mà trong sâu thẳm ta biết là sai.
Dù ta mong muốn hòa bình nhưng trong những chuẩn bị cho xung đột quân sự, ta vẫn xác định Nga là chỗ dựa về vũ khí, về ủng hộ quốc tế, về áp lực lên những kẻ tấn công ta, dù đó là Trung Quốc hay Mỹ.
Trung Quốc ngày hôm nay là cảm hứng cho mong muốn cải cách, cho con đường phát triển kinh tế mà vẫn giữ được sự bền vững của thể chế. Trung Quốc càng mạnh lên, vòng ảnh hưởng càng mở rộng, chúng ta càng về gần nằm lại trong quỹ đạo của Trung Quốc. Việc này không có gì mới bởi vì chúng ta chỉ quay về vị trí cũ thời ông cha ta. Thời đó chúng ta là chư hầu của Trung Hoa, thỉnh thoảng lại bị nó mắng, nó đánh, nhưng nó giữ gìn sự ổn định của các triều đại phong kiến Việt Nam tránh lại sự xâm lược của các quốc gia phương Nam, cũng như kẻ thù trong nước. Ngày hôm nay, chúng ta lại đang đi dần về theo bước đi của ông cha, lại sống trong sự phụ thuộc nhọc nhằn và miễn cưỡng vào Trung Quốc.
Giả sử có lúc Trung Quốc không vui với ta và gây hấn, thì tự thân ta không chống đỡ nổi vì nội lực của ta, cũng như cơ bắp của anh đàn ông Việt Nam điển hình, không có gì cả. Công nghệ sản xuất vũ khí phục vụ chiến tranh của ta thì cũng chỉ hơn công nghệ sản xuất xe ô tô điện một chút, tức là không có gì. Thế thì ta phải dựa vào ai?
Liệu ta có thể dựa vào Nga như chủ thuyết chiến tranh mà ta âm thầm xây dựng lâu nay không? Thực tế chiến tranh của Nga ở Ukraine cho thấy Nga ốc không mang nổi mình ốc lấy đâu mà mang cọc cho Nam.
Ngoài ra, liệu Nga sẽ bênh Trung Quốc hay bênh Việt Nam nếu Việt Nam và Trung Quốc có xung đột? Liệu tình cảm của mấy anh KGB với mấy anh lãnh đạo tình báo an ninh của ta xưa học trung cấp KGB với nhau cùng uống vodka, ăn mỡ lợn muối salo, ăn cá vobla với nhau có đủ để Nga bỏ công của hy sinh quan hệ với Trung Quốc để bảo vệ Việt Nam không? Nga cũng đang lao vào quỹ đạo thành thuộc quốc của Trung Quốc thì e khó giúp Việt Nam.
Tiến tới thân Mỹ hơn nữa cũng khó vì nhiều vấn đề liên quan tới thể diện. Thân tới mức mà để Mỹ có hỗ trợ gì đó lúc có chiến tranh sẽ đưa ra những câu hỏi lớn mang tính hiện sinh mà ta trả lời không nổi.
Thời thế thế này trông vào tự thân mình cũng khó mà chọn mặt gửi vàng cũng khó. Thôi thì những câu hỏi khó của thời nay ta cứ gửi lại cho các thế hệ tương lai xử lý.
Có một điều quan trọng thế này ta có thể học được từ ví dụ của Ukraine. Việc thay đổi số phận của một quốc gia là có thể chứ không phải không thể. Để chuyển vận, phải đề cao sự cao quý của danh tính quốc gia. Để làm vậy phải tránh những thứ hèn hạ, hèn nhát, phải dũng cảm, phải hy sinh.
Muốn trở thành một quốc gia đạo đức và cao quý điều đầu tiên cần làm là phải tôn trọng con người, phải đề cao nhân phẩm của mỗi người dân. Những thứ nhũng nhiễu, gây khó dễ, những thứ ăn cướp của dân phải bị kiểm soát. Người dân phải được sống cuộc đời bình an, việc gì làm dễ được cho họ thì cần phải làm, nhân phẩm, sức khỏe, giáo dục của họ đều cần được nâng cấp nhanh lên theo đúng những chuẩn văn minh về đời sống con người.
Nói dễ làm khó. Những bước đầu tiên nên bắt đầu ngay với giáo dục con người, con người tự do không bị những vòng kim cô tư tưởng cũ kỹ thắt chặt, con người sáng tạo tươi mới - có thể tham khảo con người Đài Loan mới từ sau khi Quốc dân đảng rời quyền tới nay. May mắn ra chúng ta sẽ làm được gì đó trong 50 năm nếu bắt đầu từ giờ. Nếu không thì chắc sẽ không bao giờ thoát ra được những cái bẫy của truyền thống và quá khứ.

Anh Pham


VŨ KHÍ TRUNG QUỐC CÓ THỂ HỒI SINH CUỘC CHIẾN THẤT BẠI CỦA NGA?
NGUYỄN THANH MAI/ NCQT 20-3-2023
Nguyễn Thanh Mai biên dịch từ “Chinese arms could revive Russia’s failing war”, The Economist, 02/03/2023: https://www.economist.com/.../chinese-arms-could-revive...


Nhưng đồng thời các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cẩn thận trong từng bước đi của mình
Trong nhiều thập niên qua, Nga đã cung cấp vũ khí cho Trung Quốc. Trung bình, từ năm 2001 đến 2010, mỗi năm Nga bán cho Trung Quốc 2 tỷ đô la vũ khí, cùng với một hợp đồng lớn trị giá 7 tỷ đô la vào năm 2015. Nhưng bây giờ gió đã đổi chiều khi Nga đã mất hơn 9.400 thiết bị, trong đó có hơn 1.500 xe tăng, trong cuộc xâm lược bất thành vào Ukraine. Họ thiếu vũ khí đạn dược một cách trầm trọng. Mỹ tuyên bố có thông tin tình báo cho thấy Trung Quốc đang xem xét liệu có nên cung cấp vũ khí cho Nga hay không. Việc này có thể thay đổi tiến trình của cuộc chiến, đồng thời gây ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn nữa trong quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu.
Kể từ những tháng đầu tiên của cuộc chiến, Nga đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc cung cấp vũ khí. Trung Quốc đã nhiều lần ngần ngại, chỉ gửi các hàng viện trợ không gây sát thương, như nón bảo hộ, và các vật phẩm lưỡng dụng, chẳng hạn như các bộ phận máy bay. Các quan chức Mỹ không tiết lộ công khai những suy đoán cụ thể của họ về những gì Trung Quốc đang suy tính. Nhưng vào ngày 23 tháng 2, Der Spiegel, một tạp chí của Đức, tuyên bố rằng các lực lượng vũ trang của Nga đang đàm phán với một công ty Trung Quốc mang tên Xi’an Bingo Intelligent Aviation Technology để mua 100 máy bay tấn công không người lái. Nga đã sử dụng những máy bay không người lái đó trên tiền tuyến lẫn trong các cuộc tấn công thường xuyên vào mạng lưới điện của Ukraine kể từ tháng 10.
Một ngày sau báo cáo của Der Spiegel, tờ Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng Trung Quốc đang cân nhắc việc gửi cho Nga đạn pháo – vũ khí nguy hiểm nhất của cuộc chiến. Cả Nga và Ukraine đều sử dụng đạn 122 mm và 152 mm của Liên Xô cho các khẩu pháo, và cả hai đã lùng sục khắp nơi để tìm kiếm các kho đạn cũ. Nhưng Nga đang trong tình trạng không có đồng minh để hỗ trợ. Nga đã tìm kiếm khắp các nhà kho của Belarus. Triều Tiên cũng đã cung cấp một lượng đạn pháo nhất định, nhưng đồng thời cũng cẩn thận tránh làm cạn kiệt kho vũ khí của mình. Còn Iran thì có quá ít để có thể cung cấp.
Trung Quốc lại có các loại đạn pháo tương thích. Lonnie Henley, từng làm việc cho Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Lầu Năm Góc, cho rằng có rất ít thông tin về quy mô và chất lượng của các kho dự trữ đó. Nhưng chắc chắn chúng sẽ đủ để có thể ngăn chặn được cuộc khủng hoảng đạn pháo đang dần hiện diện của Nga. Điều này sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn trong một cuộc xung đột nơi tình trạng tiêu hao là yếu tố mấu chốt, và đôi lúc tỷ lệ bắn pháo tương đối là nhân tố quyết định sự thắng bại. Ngành công nghiệp quốc phòng của cả hai bên đã rất cố gắng để tăng cường sản xuất.
Trung Quốc có thể làm nghiêng cán cân về phía có lợi cho Nga: Quốc gia này là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới. Tám trong số các công ty của nước này có mặt trong bảng xếp hạng gần đây về 100 công ty vũ khí hàng đầu thế giới của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, và bảy trong số đó nằm trong top 20, chỉ đứng sau Mỹ. Trong những năm gần đây, doanh số của các công ty hàng đầu tại Trung Quốc đã tăng đáng kể (xem biểu đồ).
Chiến tranh cũng có thể mang đến cho Trung Quốc cơ hội để tái thiết lập và cân bằng lại mối quan hệ quốc phòng với Nga. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã nhập khẩu các công nghệ quân sự của Nga, và sau đó sử dụng kĩ thuật thiết kế ngược để chế tạo ra thiết bị quân sự của riêng mình. Từ năm 2017 đến 2021, 81% nhập khẩu quốc phòng của Trung Quốc đến từ Nga, bao gồm cả động cơ cho các máy bay chiến đấu tàng hình mới nhất của họ.
Giờ đây, Trung Quốc có cơ hội trở thành “đối tác công nghiệp tương đối bình đẳng cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga”, theo lời Michael Raska thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore. Trung Quốc có thể giúp Nga phá vỡ các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách gửi các linh kiện công nghệ cao cho máy bay không người lái, tên lửa hành trình và các dòng vũ khí chính xác cao thay vì chỉ gửi các thiết bị cơ bản. Ông Raska cho rằng, đổi lại, Trung Quốc có thể sẽ đòi sở hữu công nghệ chế tạo RD-180, một động cơ tên lửa của Nga được sử dụng cho các vụ phóng tàu vũ trụ (và có thể cho cả tên lửa đạn đạo). Bên cạnh đó, những công nghệ trao đổi đáng giá khác cũng có thể là công nghệ tàu ngầm hoặc động cơ phản lực.
Tuy nhiên, bộ máy lãnh đạo của Trung Quốc đang bị chia rẽ. Họ không muốn thấy Nga bị sỉ nhục trên chiến trường, đặc biệt là dưới tay các bệ phóng tên lửa Mỹ và xe tăng châu Âu. Chỉ vài tuần trước cuộc xâm lược, Nga và Trung Quốc đã tung hô tình hữu nghị “không giới hạn” của họ. Một số lãnh đạo của Bắc Kinh cũng có thể muốn Mỹ chuyển nguồn lực của Mỹ từ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sang châu Âu.
Nhưng cũng có những lý do cần phải kiềm chế. Trung Quốc đang bất hoà với Điện Kremlin về việc các thông tin thảo luận buôn bán vũ khí đã bị Mỹ thu được và công bố, theo lời một quan chức châu Âu có hiểu biết về vấn đề này. Trung Quốc muốn mọi sự hỗ trợ từ phía mình phải được giữ bí mật. Họ biết rằng việc hỗ trợ cho chiến dịch của Nga sẽ làm lật tẩy vẻ ngoài trung lập của họ – và một đề xuất hòa bình mang tính một chiều mà Trung Quốc công bố vào ngày 24 tháng 2 đã bị các đồng minh của Ukraine bác bỏ. Điều này cũng sẽ tiếp tục làm căng thẳng mối quan hệ với Mỹ và gây ra phản ứng dữ dội tại châu Âu. Linda Thomas-Greenfield, đặc phái viên của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, và Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, đã cảnh báo rằng viện trợ vũ khí gây sát thương cho Nga sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ”.
Hiện tại, Trung Quốc đang ngập ngừng, thận trọng. Ông Borrell nói rằng Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, đã nói với ông tại một cuộc họp vào ngày 18 tháng 2 rằng Trung Quốc “sẽ không cung cấp vũ khí cho Nga”. Tất nhiên, ông Vương cũng tuyên bố rằng Trung Quốc đã không gửi vũ khí cho các nước có chiến tranh, dù trên thực tế đây là điều họ thường làm. Nhưng vào ngày 24 tháng 2, Tổng thống Joe Biden bày tỏ sự tin tưởng với ông Vương rằng ít nhất ông đã trung thực về nửa đầu tiên của tuyên bố. “Tôi không cho rằng Trung Quốc sẽ cung cấp vũ khí cho Nga”, ông Biden nói. Nếu vị thế trên chiến trường của Nga vào mùa xuân hoặc hè năm nay biến chuyển xấu hơn – khi Ukraine đang dự tính khởi động một cuộc phản công – sự kiềm chế của Trung Quốc sẽ tạo nên một áp lực ghê gớm cho Nga.
Nguồn bản dịch: Nghiencuuquocte