Thứ Hai, 13 tháng 3, 2023

20230314. GẠC MA- 35 NĂM VÒNG TRÒN BẤT TỬ

   ĐIỂM BÁO MẠNG

VỀ NƠI CÓ 7 LIỆT SĨ GẠC MA

THÁI BÁ DŨNG/ TT 12-3-2023

35 năm trước, ngày 14-3-1988 lịch sử, 64 người con nước Việt đã loang máu đỏ ở Gạc Ma. Các anh bất khuất hy sinh cho chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Di ảnh liệt sĩ Phan Văn Sự - Ảnh B.D

Di ảnh liệt sĩ Phan Văn Sự - Ảnh B.D

35 năm sau, nhắc nhớ 64 anh hùng và máu xương vệ quốc, nỗi bi tráng vẫn khôn nguôi…

Trong 64 liệt sĩ hy sinh bất khuất ở Gạc Ma ngày 14-3-1988, chỉ riêng một khu dân cư ở thành phố Đà Nẵng trong buổi sáng phải nhận bảy tin dữ.

Tất cả đều ở phường Hòa Cường (nay tách thành Hòa Cường Nam, Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu). 35 năm trôi qua, những ngày này trên gian bàn thờ gia đình các liệt sĩ lại nghi ngút khói hương. Nỗi đau dường như vẫn âm ỉ với người ở lại.

Một sáng mất chồng lẫn con

Ngôi nhà của mẹ Lê Thị Muộn - mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự - nằm ở đường Hưng Hóa 3 (quận Hải Châu) những ngày này chộn rộn người ra vào. Con trai mẹ là ông Phan Văn Dân cùng người vợ là bà Nguyễn Thị Hà gác hẳn công việc để ở nhà sửa soạn gian bàn thờ, đón khách viếng thăm.

Trên gian bàn thờ chính, di ảnh liệt sĩ Sự đặt sau bát hương, khoác trên mình tấm áo hải quân với khuôn mặt trẻ trung, mạnh mẽ.

Sự lên đường nhập ngũ tháng giêng năm 1987. Sáng 14-3-1988 khi tàu hải quân Trung Quốc bất ngờ xả đạn, chàng trai Đà Nẵng đã hy sinh và tới nay vẫn chưa tìm được thi thể.

Bà Nguyễn Thị Hà đốt diêm thắp nhang cho người em chồng. Kế di ảnh liệt sĩ Sự là di ảnh của mẹ và người cha. Bà Hà kể sau khi con trai mất, mẹ Lê Thị Muộn phải sống trong những ngày buồn đau tới năm 2020 thì bà qua đời.

Trong danh sách bảy liệt sĩ ở Hòa Cường hy sinh trên Gạc Ma, câu chuyện gia đình mẹ Muộn tới nay khi được nhắc lại vẫn gợi đau xót khôn nguôi.

Mẹ Muộn có tổng cộng tám người con, ít tháng sau khi người con cả là Phan Văn Dân vào lính phòng không thì Sự cũng xin phép mẹ lên đường ra đảo.

6h30 sáng ngày 15-3-1988, mẹ Muộn đang chăm chồng đau yếu tại Bệnh viện Đà Nẵng thì loa phát thanh phát bản tin dữ thông báo hải quân Trung Quốc tấn công đảo Gạc Ma.

Các liệt sĩ quê Đà Nẵng được đọc lần lượt, người cuối cùng trong danh sách 74 chính là Phan Văn Sự (thời điểm này ngoài 64 chiến sĩ hy sinh thì còn có thêm 10 người mất tích).

"Mẹ tôi quỵ xuống. Bên giường bệnh, ba tôi cũng nghe rõ tên con trai đã hy sinh, ông lặng lẽ quay đầu qua một bên rồi vài chục phút sau thì máu trào ra miệng. Sau này, bác sĩ nói với gia đình rằng bố tôi bị sốc quá nên đột tử", bà Hà nhớ lại khoảnh khắc buồn đau của gia đình.

Ngày cả làng có tang

Bà Hà lần tìm các hình ảnh của mẹ và liệt sĩ Sự. Trong chiếc hộp nhỏ là tấm ảnh Sự mặc áo hải quân với ánh mắt rực sáng. Bà Hà kể Tết năm 1987, Sự được về thăm nhà. Lúc ra đi, người lính trẻ này bỏ quên một tấm áo và đó là kỷ vật duy nhất về con trai mà mẹ Muộn giữ lại được.

Những ngày con ra đi, mẹ Muộn luôn ngóng tin về con trên tiếng loa đài phát thanh. Chiếc áo được bà quấn vào người hằng đêm để đợi con trở về.

"Lúc nhận tin chú Sự hy sinh thì ba tôi cũng dần trút hơi thở cuối cùng. Mẹ gần như ngã quỵ, nằm li bì không ăn uống gì cả tuần trời.

Mỗi lần gượng dậy, mẹ lại lôi tấm áo hải quân của con ra ngồi nhìn rồi khóc. Tấm áo sau đó được mẹ xẻ thành hai vạt: một vạt dành để kê dưới gối ngủ, vạt còn lại mẹ may thành áo bà ba nâng niu trên người mà cảm thấy như con đang về bên mẹ.

Năm 2017, một đoàn cán bộ tới thăm nhà và vận động mẹ trao kỷ vật đó cho nhà trưng bày liệt sĩ Gạc Ma ở Khánh Hòa", bà Hà rưng rưng nhớ lại. Liệt sĩ Sự, binh nhì Trung đoàn 83 Công binh Hải quân, anh hy sinh khi mới tròn tuổi 20 cùng 63 đồng đội trên con tàu HQ604 bi hùng.

Chúng tôi về Hòa Cường những ngày tưởng niệm sự kiện đau buồn giữa tháng 3. Ký ức người dân 35 năm sau vẫn buốt đau khi nhắc nhớ buổi sáng nhận tin bảy liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma.

Nhà nghiên cứu Võ Hà, Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, đã giúp chúng tôi trích lục lại những bài báo in trong ngày thương đau đó.

Trong nhiều bản tin bi tráng, một bài báo của nhà báo Nguyễn Chí Trung đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân số ra ngày 14-4-1988 đọc lên gây ám ảnh, uất căm. Ông Trung miêu tả hình ảnh tang thương ở Hòa Cường mà ông đến.

Chỉ một khu dân cư nhỏ có tới bảy đám tang, có một con hẻm tới hai liệt sĩ mất ở Gạc Ma. Người Hòa Cường 35 năm tưởng nhớ sự kiện đau buồn này đều gọi đó là "ngày cả làng có tang".

Di vật các liệt sĩ được vớt lên từ đáy biển Gạc Ma trong con tàu HQ604 bi hùng được cất giữ ở phòng truyền thống Lữ đoàn Hải quân 125 - Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC

Di vật các liệt sĩ được vớt lên từ đáy biển Gạc Ma trong con tàu HQ604 bi hùng được cất giữ ở phòng truyền thống Lữ đoàn Hải quân 125 - Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC

"Tiếng gọi từ Hòa Cường"

Nhà báo Nguyễn Chí Trung, báo Quân Đội Nhân Dân, đã viết những dòng bi tráng như thế này trên số báo 9657, ngày 12-4-1988:

"Sáng 20-3, chúng tôi đến Hòa Cường, nơi có nhiều gia đình có con nằm trong số 74 chiến sĩ bị mất tích sau vụ Trung Quốc gây ác ngày 14-3.

Cuộc sống hằng ngày vẫn hối hả. Tiếng xe đò rít, tiếng búa đập đều đặn trên các trụ móng, tiếng máy nổ tàu đang ra khơi và cả tiếng reo hò náo động của hàng trăm tay đua trên sông Hàn. Nhưng lắng trầm lặng hẳn.

Ở ngõ Tuyên Sơn, một người mẹ buồn bã bước đi dưới những vòm lá mít, lá dừa xanh ngắt, có tiếng khóc, kể: "Làm răng chừ mà thấy được mặt con...". Ở dốc Cây Đa, một tốp người ngồi, mắt đỏ hoe, lặng lẽ. Hai, ba gia đình đã dựng bàn thờ.

Làng đang có tang.

Tôi đến nhà bà Muộn, mẹ của đồng chí Phan Văn Sỹ (theo gia đình, đúng tên anh là Sự - PV). Bà khóc: "Cháu nhập ngũ tháng giêng năm 1987. Tết cháu có về. Sáng 14 âm lịch cháu đi. Hôm đó, ông ở nhà đau nặng".

Nếu tính theo ngày, việc xảy ra ở ngoài đảo sáng 14-3 thì ngày sau ông mất. Đôi mắt bà mẹ mênh mông. Mắt bà hướng về nơi rất xa: Trường Sa, nơi con bà làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Tôi đến nhà bà Khả, mẹ của đồng chí Trần Tài. Trước nỗi đau, người mẹ thường tự hỏi. Đôi mắt bà Khả cũng mênh mông, nhòa lệ.

Tôi đến nhà gia đình đồng chí Lê Văn Xanh. Người cha tên là Xuân, Xuân Xanh. Nhà ở bên bờ sông Cẩm Lệ, ngay tại bến Đò Xu. Người cha vốn bình tĩnh hơn.

Ông nói: "Xin cứ cho gia đình lập bàn thờ, đeo băng tang. Nếu may mà cháu trở về thì cất bàn thờ, cất băng tang". Bà mẹ Xanh ngồi ở góc giường không nghe chúng tôi đọc thư, khóc âm ỉ.

Tôi lại đến nhà bà mẹ đồng chí Nguyễn Phú Đoàn. Đoàn năm nay 20 tuổi, sinh đúng vào năm Mậu Thân. Bà mẹ ngồi khóc, không nói gì. Người cha chìa cho tôi miếng yếm hải quân mà Đoàn để lại...

Máu Việt Nam đã nhuộm hồng nước mặn và san hô ở đó" …

Mỗi lần gượng dậy, mẹ lại lôi tấm áo hải quân của con ra ngồi nhìn rồi khóc. Tấm áo sau đó được mẹ xẻ thành hai vạt: một vạt dành để kê dưới gối ngủ, vạt còn lại mẹ may thành áo bà ba nâng niu trên người mà như cảm thấy con đang về bên mẹ.

"Cứ tới càng gần ngày 14-3 là chúng tôi lại mong ngóng được gặp đồng đội cũ. Cùng đi trên chuyến tàu, cùng đứng giữa làn đạn kẻ thù nhưng nay người Bắc, kẻ Nam".

HAI NGƯỜI LÍNH TRỞ VỀ DƯỚI BÓNG CỜ TỔ QUỐC

THÁI BÁ DŨNG/ TT 13-3-2023

Một ngày đầu tháng 3, chúng tôi vượt đường xa tìm đến công trình xây dựng nằm sâu trong xã A Vao, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị, để gặp hai người lính đã cùng trải qua thời khắc nóng bỏng trong sự kiện Trung Quốc nổ súng đánh chiếm Gạc Ma.

Ông Bình và ông Sơn hội ngộ cùng đồng đội trong lễ tưởng niệm Gạc Ma - Ảnh: NVCC

Ông Bình và ông Sơn hội ngộ cùng đồng đội trong lễ tưởng niệm Gạc Ma - Ảnh: NVCC

Máu anh hùng ở Gạc Ma

Trở về cuộc sống sau khi cởi tấm áo lính, những con người từng sống chết để giữ đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đang lao động để mưu sinh. Trong ký ức họ, Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao mỗi lần nhắc đến vẫn vẹn nguyên cảm xúc bi tráng.

Giữa trưa, con đường bê tông dẫn từ đường Hồ Chí Minh ngược vào trung tâm xã A Vao chộn rộn xe cộ chở vật liệu cho các công trình xây dựng. Trên gò đất bên suối, hai người đàn ông miệt mài xúc đất, tranh thủ xong việc để về quê hội ngộ cùng những người bạn lính từng trải sóng gió Trường Sa.

"Cứ tới càng gần ngày 14-3 là chúng tôi lại mong ngóng được gặp đồng đội cũ. Cùng đi trên chuyến tàu, cùng đứng giữa làn đạn đối phương nhưng nay người Bắc, kẻ Nam. Cuộc sống mưu sinh, nhưng ai cũng cố sắp xếp để được hội ngộ cùng nhau và ôn lại sự kiện Gạc Ma", ông Trần Xuân Bình (thôn Nhị Trung, Gio Hải, Gio Linh, Quảng Trị), một cựu binh Gạc Ma nói. Và người bên ông chính là đồng đội Trần Xuân Sơn (tổ dân phố Cù Lạc 1, Phong Nha, Bố Trạch, Quảng Bình).

Ông Sơn và ông Bình kể cùng ra làm nhiệm vụ ở Trường Sa dịp tháng 3-1988 nhưng hai người đi trên hai con tàu khác nhau. Ông Bình trên tàu HQ604 đi Gạc Ma, còn người bạn trên tàu HQ605 đi Len Đao.

Hai cựu binh Trường Sa nhớ tình hình đột ngột xấu đi rất nhanh kể từ chiều 13-3-1988. "Tàu HQ604 của tôi nhổ neo từ Khánh Hòa để đưa anh em ra Gạc Ma, nhưng đi được một đêm thì gặp bão lớn nên phải quay về. Sau đó, tàu trở mũi ra lại, nhóm làm nhiệm vụ với tôi gồm có ba hải đồ, năm người lính.

Chúng tôi tới đảo tầm 18h ngày 13-3 thì bỗng vài tiếng sau một tốp tàu quân sự Trung Quốc lù lù tiến tới. Họ dùng loa phóng thanh ngang nhiên thông báo vị trí chúng tôi đứng "thuộc Trung Quốc", yêu cầu rời đi. Tuy nhiên anh em bật loa đáp lại là chủ quyền của Việt Nam. Lúc đó không ai nghĩ tình hình sẽ căng thẳng sau ít giờ nữa", ông Trần Xuân Bình nhớ lại.

Ông Bình cho biết để đảm bảo cắm được cờ chủ quyền trước khi Trung Quốc đặt chân lên Gạc Ma, trong đêm 13-3 nhiều anh em trên tàu HQ604 đã bí mật đổ bộ lên đảo. Tảng sáng 14-3, khi một số công binh thức dậy, ra mũi tàu ngồi đánh răng thì đã thấy cờ Tổ quốc bay trên Gạc Ma. 

Trời sáng lên, nhóm ông Bình gồm bốn anh em tiếp tục được lệnh quấn cờ vào cổ, cầm dụng cụ nhảy xuống tàu bơi vào đảo cắm cờ lượt thứ hai. Đó cũng là lúc dông bão nổi lên.

"Anh em chúng tôi đứng trên đảo chìm rất nhiều. Tàu Trung Quốc thả xuồng đưa hàng chục lính ôm súng gắn lưỡi lê sáng bóng áp sát. Họ yêu cầu chúng tôi rời đi nhưng anh em kiên quyết giữ vững vị trí chủ quyền của mình. 

Khi loạt đạn pháo từ tàu Trung Quốc bắn thẳng vào tàu HQ604 thì lúc đó chúng tôi mới xác định rằng họ đã quyết định nổ súng... Anh em mình trên đảo chìm chỉ dụng cụ công binh và tay không với cán cờ đối mặt với súng đạn, lưỡi lê. Anh em đã hy sinh rất nhiều", cựu binh Gạc Ma Trần Xuân Bình xúc động nhớ lại.

35 năm trôi qua từ khoảnh khắc đau thương trên Gạc Ma, nhưng ông Bình vẫn uất nghẹn, nước mắt chảy thành hàng khi nhớ lại hình ảnh người đồng đội quê Đà Nẵng hy sinh ngay trước mặt mình. 

"Tui chỉ biết anh ấy quê ở Đà Nẵng. Lúc hai bên xô xát nhau, người bạn lính Đà Nẵng đã hy sinh một cách đau đớn nhưng vô cùng kiên cường!", ông Bình trải lòng đến giờ nhớ lại vẫn nghẹn ngào không nguôi.

Hai cựu binh Trường Sa rời quân ngũ, lại đang lao động bên nhau. Ông Trần Xuân Bình bên phải hình - Ảnh: B.D.

Hai cựu binh Trường Sa rời quân ngũ, lại đang lao động bên nhau. Ông Trần Xuân Bình bên phải hình - Ảnh: B.D.

Cuộc hội ngộ ân tình của người lính Gạc Ma

Cùng với ông Bình, cựu binh Trần Xuân Sơn cho biết thời điểm Trung Quốc xả đạn vào anh em trên đảo Gạc Ma, ông cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ ở Len Đao. Ông Sơn nói rằng chỉ gặp ông Bình lúc ở cảng và nhận ra nhau. Khi tàu Trung Quốc trút đạn xuống Gạc Ma, ông không tin ông Bình còn sống. Nhưng trong loang lổ máu và thi thể của đồng đội trên Gạc Ma, ông Bình may mắn không bị bắn và được vớt sau đó.

Sau chuyến ra Trường Sa bi hùng tháng 3-1988, cả ông Sơn và ông Bình đều tiếp tục có thêm những chuyến ra đảo. Họ đã trở về sau cuộc chiến bi tráng và lại tiếp tục lên đường gìn giữ chủ quyền dưới bóng cờ Tổ quốc mình. 

Thế rồi về sau, thông tin hai người bạn bị rời rạc cho tới năm 2016. Sau nhiều năm mất liên lạc với đồng đội, ông Sơn biết có một câu lạc bộ cựu binh Gạc Ma rồi tìm cách kết nối. Ngay trong cuộc hội ngộ lần đầu, ông Sơn nhận ra người bạn lính của mình là Trần Xuân Bình. Hai người đồng đội ôm nhau khóc nức nở nhớ lại bao bạn bè đã ngã xuống cho chủ quyền Tổ quốc.

"Nhiều năm mất liên lạc, cả tôi và anh Bình đều cố gắng dò tìm tung tích về nhau để biết ai còn sống, ai đã chết nhưng không được. Khi gặp lại giữa những người từng sống chết với nhau, chúng tôi chỉ biết ôm nhau mà khóc", ông Sơn trải lòng.

Cựu binh Sơn cho biết sau khi ra quân, ông về quê nhà Quảng Bình lấy vợ, lập gia đình. Cuộc sống khó khăn nhưng những người lính như ông nhớ và nghĩ về nhau bằng sợi dây tình cảm vô hình. Ở Gio Linh (Quảng Trị), người bạn lính của ông cũng phải sống bươn chải, làm đủ thứ nghề để nuôi gia đình. Ông Bình cho biết nguồn sống của gia đình ông từ lâu nay là đi biển. Do khó khăn nên ông không thể tự sắm cho mình được một con tàu cá mà phải đi bạn với người làng.

Vào những ngày tháng 3 hằng năm dù biển động hay lặng sóng thì con tàu mà ông Bình đi bạn vẫn có những chuyến đi ân tình. Anh em trên tàu biết ông từng là lính Gạc Ma nên cứ tới tháng 3 là tìm cách dìu tàu xa khơi nhất có thể. Con tàu thả neo ở một vị trí thích hợp nhất rồi từng người thắp hương, thả cành hoa hướng về Gạc Ma, vọng về Trường Sa để tưởng nhớ những người lính đã mãi nằm xuống.

Những ngày rưng rưng của tháng 3, chúng tôi gặp cả ông Bình lẫn ông Sơn trên một công trường xây dựng heo hút ở miền biên giới. Ông Bình nói rằng ít năm nay do sức khỏe yếu nên đã không còn đi biển nữa. Ở Quảng Bình, người đồng đội của ông cũng sống chật vật với nghề cắt tóc nên cả hai rủ nhau đi làm thợ hồ.

"Trong làng tui có công ty xây dựng, họ biết tui là lính nên có việc gì cũng kêu, dù sức mình đã rất yếu. Tui bảo nếu nhận tui thì nhận luôn bạn lính của tui từ Quảng Bình. Tui gọi điện kêu Sơn chạy vào rồi anh em cùng đi làm nuôi vợ con", ông Bình tâm tình thêm mình là lính mà, thời nào cũng sống kiên cường.

Trong những thanh niên ra làm nhiệm vụ ở Trường Sa thời điểm tháng 4-1988, có một người lính quê Quảng Bình ngày trở về với thân thể ốm đau. Thương người thương binh, chính quyền, bà con xóm làng đã giúp anh tìm vợ rồi tổ chức một lễ cưới linh đình.

Những công dân mang tên Trường Sa, Cô Lin, Sinh Tồn...

Ở Quảng Bình, Quảng Trị... nơi nhiều lính đầu quân cho Trường Sa giai đoạn 1988 có rất nhiều đứa trẻ khi sinh ra được đặt những cái tên đặc biệt gắn liền với biển đảo, đó là Nguyễn Xuân Trường (Trường Sa), Trần Xuân Lin (Cô Lin).

Cựu binh Gạc Ma Trần Xuân Bình cho biết ông cũng lấy tên các con cháu của mình theo tên từng hòn đảo: con trai đầu của ông được đặt tên Trần Xuân Sa, con thứ hai là Trần Xuân Sinh, đứa cháu nội cũng được ông đặt tên Trần Xuân Lin gắn với hòn đảo Cô Lin ở Trường Sa.

Trong khi đó, cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Thống ở Quảng Bình cũng đặt tên hai đứa con theo tên những nơi mà ông đã từng sống chết, đó là Nguyễn Xuân Trường (Trường Sa).

TÓM TẮT HẢI CHIẾN GẠC MA 14-3-1988
CÙ TUẤN/ FB 13-3-2023

Hải chiến Gạc Ma, Hải chiến Trường Sa hoặc Xung đột Trường Sa là sự kiện xung đột tại khu vực quần đảo Trường Sa năm 1988 khi Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tấn công vũ trang hòng chiếm đóng bãi đá Cô Lin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma, bấy giờ đang được Hải quân Nhân dân Việt Nam cho người bảo vệ và đang xây dựng công trình trên các đảo này.
Do ba bãi đá này không có quân đội đồn trú nên Hải quân Việt Nam phải đưa quân ra bảo vệ và xây dựng công trình trên các bãi đá. Phía Trung Quốc cho quân đổ bộ ngăn chặn, nổ súng để giật cờ Việt Nam trên bãi đá Gạc Ma, sau đó lại dùng pháo trên chiếm hạn bắn vào tàu vận tải hải quân Việt Nam (không có pháo để tự vệ), khiến cuộc chiến nổ ra vào sáng ngày 14 tháng 3 năm 1988. Phía Việt Nam bị mất ba tàu vận tải của Hải quân và 64 lính. Trung Quốc bị hư hại một số xuồng đổ bộ, thương vong 25 lính. Cuối cùng Trung Quốc chiếm được đúng 1 đá Gạc Ma trong số 3 bãi đá trên.
Trong trận chiến ngày 14 tháng 3 năm 1988, phía Trung Quốc thống kê họ đã bắn tổng cộng 285 viên đạn pháo 100mm và 266 viên đạn pháo 37mm, chưa kể các cỡ đạn nhỏ hơn. Phía Việt Nam chỉ có tàu vận tải nên không có pháo để bắn trả, chỉ có thể bắn trả bằng các loại vũ khí cá nhân như AK-47 và RPG-7.
Thiệt hại của Việt Nam bao gồm 2 tàu bị bắn chìm, 1 tàu bị bắn hỏng được cho ủi bãi. 3 người hy sinh, 11 người khác bị thương, 70 người bị mất tích. Sau này Trung Quốc đã trao trả cho phía Việt Nam 9 người bị bắt, 61 người vẫn mất tích và được xem là đã hy sinh. Theo các báo của Việt Nam thì khi tàu của Việt Nam bị đánh đắm thì tàu chiến Trung Quốc chặn không cho tàu của Hội Chữ thập đỏ đến cứu.
Theo phía Trung Quốc thì trong khi các tàu của họ đang bỏ neo để yểm trợ cho một nhóm nghiên cứu thăm dò mỏ dầu ở đây thì Hải quân Việt Nam nổ súng tấn công, vì thế hải quân Trung Quốc "bắt buộc phải tự vệ". Khi hạm đội Trung Quốc di chuyển tới quần đảo Trường Sa, Trung Quốc lấy danh nghĩa đưa phái đoàn khoa học Liên Hợp Quốc đi khảo sát. Sau này Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rất tiếc là biến cố đã xảy ra. Về phía Liên Hợp Quốc thì cho rằng lúc đó họ không có công tác khảo sát nào ở Trường Sa. Theo phía Trung Quốc, chủ trương ban đầu của họ là chỉ chiếm đóng các đảo còn bỏ hoang, chứ không tranh chấp các đảo có lực lượng nước ngoài chiếm đóng từ trước.
Trong suốt thời gian xảy ra chiến sự, Hải quân Liên Xô đóng ở Cam Ranh đã không can thiệp. Việc này được cho là do bối cảnh chính trị Liên Xô khi đó đang muốn kết thúc Chiến tranh Lạnh với phương Tây cũng như muốn xích lại gần Trung Quốc.
Trước đó, giữa Việt Nam và Liên Xô đã ký riêng Hiệp ước Liên minh Quân sự Đồng minh song phương (tháng 11 năm 1978), trong đó ghi rõ là Liên Xô sẽ hỗ trợ Việt Nam hết sức mình về các mặt kinh tế, văn hóa và quốc phòng. Tuy nhiên, sau đó phía Việt Nam yêu cầu không đưa đầu đạn hạt nhân, tàu ngầm quân sự vào khu vực cảng Cam Ranh để tránh nguy cơ chiến tranh hạt nhân xảy ra trên đất nước mình. Liên Xô không đưa được tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân vào Cam Ranh nên đã đồng ý rút khỏi Hiệp định tương trợ quân sự sớm 4 năm, bộ đội Hải quân và Không quân Nga cũng dần rút khỏi Cam Ranh. Do vậy, trong trận chiến năm 1988, Liên Xô không còn nghĩa vụ phải điều động quân đội để ủng hộ Việt Nam.
Khoảng một tháng sau trận hải chiến tại Gạc Ma, hải quân Việt Nam đưa 35 công binh và 7 thủy binh cùng vật liệu xây dựng, một số vũ khí bí mật đổ bộ trong đêm lên đá Len Đao xây nhà đánh dấu chủ quyền. Lặp lại kịch bản Gạc Ma, trong ngày Trung Quốc đưa 7 tàu chiến và nhiều xuồng nhỏ bao vây uy hiếp số quân Việt Nam trên đá Len Đao. Tuy nhiên lần này Việt Nam cho 7 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-22M từ đất liền bay ra bãi đá hỗ trợ nên số tàu chiến của Trung Quốc tản đi; đụng độ không nổ ra, phía Việt Nam giữ được đá và hoàn thành việc xây dựng nhà trên đá này.
Ngày 7 tháng 5 năm 1988, tại quần đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh đã đọc lời thề: "Chúng ta xin thề trước hương hồn của Tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa trước đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".
Tháng 5 năm 1988, hai tháng sau cuộc hải chiến này, một nghị quyết mật của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam điều chỉnh cơ bản chiến lược đối ngoại từ dựa vào Liên Xô sang "đa phương hóa". Sự kiện này góp phần lớn trong việc Việt Nam lựa chọn chính sách không dựa vào các cường quốc, từ đó giúp Việt Nam có sự tự chủ lớn hơn trong việc hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại.
Ảnh: Bản đồ chi tiết quần đảo Trường Sa. Việt Nam là quốc gia chiếm nhiều thực thể tại đây nhất, sau đến Trung Quốc. Đài Loan chiếm được đảo lớn nhất. Đá Gạc Ma có tên tiếng Anh là Johnson South Reef trong hình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét