Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2023

20230313. Ý KIẾN GS MẠC VĂN TRANG VỀ ChatGPT

   ĐIỂM BÁO MẠNG


Ý KIẾN CỦA TÔI VỀ ChatGPT
MẠC VĂN TRANG/ FB 9-3-2023


ChatGPT được đưa ra từ ngày 30 tháng 11 năm 2022 và lập tức thành cơn sốt trên mạng xã hội. Có mấy bạn hỏi ý kiến của tôi về ChatGPT như thế nào, nhất là trong giáo dục? Có bạn còn hỏi con học lớp 5 có nên cho nó vào ChatGPT không?
Thú thực là tự tôi phải tự trải nghiệm, thử với nó đủ trò, cân nhắc, suy nghĩ mới dám sơ bộ có mấy ý kiến như sau để các bạn trao đổi thêm.
I. ChatGPT là viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer - một chatbot do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển. ChatGPT là một AI (trí thông minh nhân tạo), được con người lập trình, chứa một kho kiến thức tổng hợp, bách khoa khổng lồ, chủ yếu tích hợp từ internet và được “huấn luyện” để tự xử lý thông tin (biết tích hợp kiến thức, phân tích, tổng hợp, hệ thống hoá, khái quát hoá một cách logic) để hiểu được những câu hỏi (bài toán, vấn đề) và đưa ra những giải đáp trong giới hạn những gì đã “học được” với nhiều ngôn ngữ khác nhau…
Phải thừa nhận, AI đạt được trình độ như thế này là thành tựu quá kỳ diệu của Khoa học, Công nghệ và sẽ còn tiếp tục phát triển kỳ lạ hơn nữa… AI cũng như bất kỳ phát minh nào (thuốc nổ, hoá chất, hạt nhân, vàng, tiền…) cũng đều có mặt LỢI và HẠI tuỳ vào người sử dụng.
II. Sách, Google và ChatGPT
- SÁCH vẫn là nơi cung cấp những thông tin, tư liệu tin cậy số 1, tất nhiên là sách gì, của tác giả nào? Nhưng những trích dẫn từ sách mới là thông tin gốc, có thể tin cậy để truy xét… Hơn nữa đọc sách, người ta có thể đọc đi đọc lại, bình luận vào bên cạnh, cảm thụ, nghiền ngẫm, suy tư… Lúc cần, lúc thích lại lấy ra đọc…
- Google như một thư viện tổng hợp, bạn vào đó tìm những thông tin mình cần, rồi tự xử lý theo ý mình. Những thông tin trên mạng này được trích dẫn cũng có nguồn để truy xét, nhưng không tin cậy bằng sách, vì người ta có thể chỉnh sửa, bổ sung thường xuyên…
- ChatGPT như một Thư ký, một nhà Tư vấn đa năng, ta hỏi gì, nó sẽ tổng hợp, xử lý thông tin (trong “não”) và đưa ra cho ta sản phẩm ngay lập tức. Những giải đáp về Khoa học, kỹ thuật, công nghệ thì độ tin cậy cao hơn; những thông tin về xã hội thường chung chung hơn. Thông tin cập nhật đến đâu, nó biết được đến đó thôi. Cái gì không hiểu, không biết thì từ chối rất lịch sự. Những người lập trình cho ChatGPT cũng rất chú ý đến Luật pháp và Đạo đức. Tôi thử nó: “Hướng dẫn cho tôi làm một quả mìn”, hay “hướng dẫn làm tình cho một anh chồng mới cưới vợ”... nó từ chối và giảng về Luật pháp, Đạo đức cho mình!
Tóm lại, ChatGPT là CÔNG CỤ hỗ trợ rất hữu hiệu cho ta, ích lợi đến đâu là phụ thuộc vào TA; nó không chịu trách nhiệm gì về những sản phẩm nó đưa ra cho ta và cũng không truy xét, phê phán gì được nó.
III. ChatGPT giúp được những gì cho người? Tôi hỏi và nó trả lời đây:
- ChatGPT là một mô hình ngôn ngữ lớn được đào tạo để giúp giải quyết các câu hỏi và vấn đề của con người bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo. ChatGPT có thể giúp con người những việc sau đây:
1. Trả lời các câu hỏi: ChatGPT có thể trả lời các câu hỏi về các chủ đề khác nhau, từ lịch sử đến khoa học, văn hóa, kinh tế và nhiều hơn nữa.
2. Hỗ trợ ngôn ngữ: ChatGPT có thể hỗ trợ việc dịch thuật, kiểm tra chính tả và cải thiện ngữ pháp và cách sử dụng từ ngữ.
3. Tạo nội dung: ChatGPT có thể tạo ra nội dung, từ bài viết blog đến bài giảng, tài liệu kinh doanh và nhiều hơn nữa.
4. Tư vấn và hỗ trợ: ChatGPT có thể cung cấp tư vấn và hỗ trợ cho người dùng về các chủ đề khác nhau, từ sức khỏe đến tài chính, giải trí và nhiều hơn nữa.
5. Xử lý ngôn ngữ tự nhiên: ChatGPT có thể giúp xử lý và phân tích các dữ liệu ngôn ngữ tự nhiên, bao gồm phân tích cảm xúc, phân loại văn bản và trích xuất thông tin.
6. Giả lập người dùng: ChatGPT có thể giúp tạo ra các tác vụ giả lập người dùng, bao gồm tìm kiếm trên web, mua sắm trực tuyến và đặt vé máy bay.
Tóm lại, ChatGPT có thể giúp con người trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ giáo dục đến kinh doanh và giải trí…
(Kể chi tiết ra thì nó trả lời cho ta tất cả mọi thứ trong cuộc sống, cả những chuyện tế nhị. Tôi đã hỏi: “Mấy học sinh đánh nhau, nên giải quyết thế nào?”; “Học sinh đánh bạn, bây giờ biết lỗi, ân hận, muốn chuộc lỗi thì làm gì?”, “Vợ hay ghen, xử lý thế nào?”, “Viết thư cho Chủ tịch nước chúc Phụ nữ nhân 8/3”... nó đưa ra “sản phẩm” còn hơn tôi! Nhưng đưa cho nó Thơ Hồ Xuân Hương để phân tích thì chết cười. Nó không hiểu những ẩn dụ, ám chỉ, nói cạnh khoé, xỏ xiên… Nó không biết hài hước, làm Thơ thì lắp ghép những câu sáo rỗng với nhau… Nhưng nó rất “Khiêm tốn” và không biết “NỔ”!).
Theo tôi, học sinh Tiểu học không nên dùng ChatGPT, các em phải được hướng dẫn tự đọc, cảm, nghĩ, làm việc độc lập để có cái vốn kiến thức, cách sử dụng kiến thức, biết phương pháp vận dụng các kiến thức vào giải quyết vấn đề… lúc đó dùng ChatGPT mới có ích. Nếu từ Tiểu học, học sinh dùng ChatGPT giải giúp mọi bài tập, rồi các em chép theo thì sẽ lười suy nghĩ, máy móc, có hại.
Nhưng từ học sinh THCS trở lên, khi các em đã làm các Bài tập nghiên cứu, các Dự án, Luận văn … thì dùng sự trợ giúp của ChatGPT tốt. Tất nhiên Lợi hay Hại thế nào lại tuỳ vào người dùng, nhưng không ngăn cấm được.
IV. ChatGPT và những thách thức Giáo dục
Khi có mạng xã hội, nhất là khi xuất hiện AI nói chung và ChatGPT nói riêng, càng thấy rõ BẢN CHẤT và GIÁ TRỊ của Giáo dục là gì? Giáo dục không phải nhồi nhét cho học sinh thật nhiều kiến thức, luyện giải bài tập thật nhiều, thật nhanh, chính xác… để thi! Những cái đó ChatGPT chỉ giải quyết trong vài giây! Biến trẻ em như một AI là tội ác! Giáo dục phải hướng học sinh phát triển thành NGƯỜI, thành NHÂN CÁCH, những cái mà AI không có được.
Như J. Locke nói: Giáo dục là tạo nên những CON NGƯỜI có TINH THẦN MINH MẪN và THÂN THỂ TRÁNG KIỆN. Giáo dục hiện nay có đem lại cho học sinh hai điều đó không, ngắm học sinh ta, có thấy các em cường tráng, minh mẫn đàng hoàng không, hay đang mụ mẫm và còi cọc, yếu đuối?
Nho giáo nói, Giáo dục con người có NHÂN CÁCH theo “Ngũ thường”: có Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. AI không có Nhân, Lễ, Nghĩa, Tín được. Trí của AI là trí tuệ nhân tạo, do người khác lập trình, nó chỉ làm theo những gì có sẵn, đúng quy trình… Nếu giáo dục học sinh bằng cách nhồi nhét kiến thức, làm theo bài mẫu, tư duy dập khuôn như nhau thì khác gì AI và sao sánh được với AI? Vậy Giáo dục làm sao cho học sinh trở thành một NHÂN CÁCH TRƯỞNG THÀNH mang những giá trị Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín phù hợp thời đại? Đó mới là BẢN CHẤT của Giáo dục.
Làm sao giáo dục, hình thành, vun đắp, phát triển được BẢN CHẤT NGƯỜI, TÍNH NGƯỜI cho học sinh? Đó mới là thách thức lớn nhất của giáo dục Gia đình, Nhà trường, Xã hội hiện nay.
Giáo dục tất nhiên là phải cung cấp KIẾN THỨC, có kiến thức mới có cái để cảm, để nghĩ, để làm… Nhưng kiến thức gì, ít mà tinh túy, vừa đủ để học sinh làm việc với nó nhằm phát triển cách nhận biết, phân tích, so sánh, phê phán, đánh giá … để tiếp thu được những giá trị Chân, Thiện, Mỹ và có niềm tin vào những giá trị đó, biết bảo vệ, phát triển những giá trị đó.
Giáo dục làm sao để học sinh có TÌNH THƯƠNG, biết đồng cảm, thương yêu, chia sẻ, trách nhiệm với gia đình, đồng bào, nhân loại và muôn loài? Phải từ Gia đình, từ những bài học Văn học, Nghệ thuật, Đạo đức và cách ứng xử của Giáo viên, từ môi trường văn hoá của Nhà trường và xã hội.
Giáo dục làm sao để học sinh trưởng thành LÀ CHÍNH MÌNH, có cá tính, bản lĩnh, tự tin; tự mình là chủ thể, biết sử dụng các công cụ hỗ trợ (kể cả AI) để giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và dám bảo vệ những quan điểm, niềm tin mình theo đuổi.
Giáo dục làm sao cho học sinh SỐNG HỒN NHIÊN, biết cười vui, bông đùa, hài hước? Làm cho người khác cười vui một cách lành mạnh có lẽ là cái khó nhất trên đời. Cái này người Việt ta ngày nay kém lắm. “Thằng hề” nổi tiếng phải cực kỳ thông minh!
Biết hài hước quả là khó. Đưa ra những lời khuyên răn, dạy bảo không khó, ChatGPT làm rất tốt. Làm người khác tổn thương, sợ hãi càng dễ, kẻ vô giáo dục cũng làm được; chửi rủa, lăng mạ, sỉ nhục người khác thì kẻ vô học, cặn bã xã hội làm rất giỏi!
Vậy thì Giáo dục phải làm gì? Làm thế nào? Làm sao để NGƯỜI ĐƯỢC GIÁO DỤC khác với AI, khác với người VÔ GIÁO DỤC. Hình như Giáo dục hiện nay lẫn lộn cả ba loại này!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét