Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

20170430. BÀN VỀ HÒA HỢP VÀ THỐNG NHẤT DÂN TỘC

ĐIỂM BÁO MẠNG
VỀ HÒA HỢP VÀ THỐNG NHẤT DÂN TỘC
VŨ NGỌC HOÀNG/ GDVN 30-4=2017
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng. Ảnh: Tác giả cung cấp.
Mấy hôm nay, qua đài báo, được xem và nghe lại các tư liệu lịch sử hồi tháng 4 của bốn mươi hai năm trước, trong ký ức chúng tôi lần lượt nhớ lại nhiều kỷ niệm, về con người và sự kiện, niềm vui và nỗi buồn, sự xúc động và hào khí non sông… ngày ấy. 
Và từ đó, nhìn lại, suy ngẫm nhiều điều. Về những chuyện đã đi qua, còn đọng lại, đang diễn ra, và kể cả dự báo tương lai, đối với đất nước mình.
      Dân tộc ta, do vị trí quan trọng về địa kinh tế và địa chính trị, trong lịch sử đã phải đương đầu với nhiều thế lực xâm lăng từ phương Bắc và phương Tây. 

Hàng chục cuộc chiến tranh vệ quốc lớn nhỏ đã diễn ra. Các thế lực địch thủ ấy đều hùng mạnh, hơn ta nhiều chục lần xét về so sánh tương quan lực lượng. 

Nhưng dân tộc Việt Nam không khuất phục, không đầu hàng hoặc bị đồng hóa. Đó là nhờ sức mạnh của nền văn hóa và sự thống nhất dân tộc. 

Trong dân tộc, có những con người, nhiều con người, hợp thành một cộng đồng chung. Cá nhân mỗi người đều quan trọng. 

Nhưng nếu chỉ có từng con người riêng rẽ, thì dù có đông bao nhiêu cũng không có sức mạnh. Rất dễ bị bẻ gãy. 
Lịch sử thế giới đã từng chứng kiến, có những dân tộc rất đông người, nhưng đã bị đánh bại và chịu sự cai trị của một đội quân ít người, từ một quốc gia ít người hơn nhiều so với nước bị xâm lăng.
Sức mạnh trường tồn của một dân tộc gắn với văn hóa giữ nước và sự thống nhất bền chặt của dân tộc ấy. Nói đến văn hóa của một dân tộc thì bao gồm sự thống nhất bên trong của dân tộc ấy. 
Và chính đặc điểm thống nhất, bền chặt hay lỏng lẽo, đã tạo ra văn hóa của dân tộc đó. 
Trong quá trình cai trị nước ta, thực dân xâm lược đã từng chia ra 3 miền Bắc-Trung-Nam, với cách cai quản khác nhau, một mặt là để phù hợp với đặc điểm của vùng miền, nhưng cái chính là “chia để trị”, nhằm hạn chế sự thống nhất của dân tộc này. 

Đã có những ý kiến của nhiều người, nói và viết về điều này. (Tất nhiên khoa học còn phải tiếp tục nghiên cứu).
          
Trong lịch sử, chúng ta đã nhiều lần bị mất nước. Một nghìn năm Bắc thuộc, hai mươi năm Minh thuộc, một trăm năm thuộc Pháp, hai mươi năm thuộc Mỹ ở Miền Nam. 

Các thời kỳ ấy, dân ta không có nhà nước của mình, mà chỉ có các tổ chức xã hội tự quản của nhân dân, trước nhất là các làng. 

Cộng đồng làng là một đặc điểm của văn hóa Việt Nam. Các nước khác không có làng như kiểu nước ta. Tất cả các làng ấy hòa hợp, thống nhất với nhau trong một cộng đồng lớn thì thành nước. 

Xã hội và dân tộc Việt Nam lúc đó tồn tại với tư cách là một cộng đồng nhờ các tổ chức xã hội này và các phong trào của nhân dân do các tổ chức ấy tạo nên. Nước mất nhưng làng không mất. 

Với tinh thần và ý chí thống nhất của dân tộc, các làng đã liên kết lại với nhau để cùng giành lại đất nước. Và đã thành công. 

Cuộc khởi nghĩa của Ngô Quyền đầu thế kỷ thứ 10, khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ 15, cuộc cách mạng tháng 8/1945 và chiến thắng 30/4/1975 đã giành lại đất nước (và miền Nam) mà trước đó đã mất vào tay xâm lược.
Khi Trịnh-Nguyễn phân tranh, đất nước bị chia cắt làm đôi suốt hai trăm năm.
Với công lao của nhà Tây Sơn và tiếp theo là nhà Nguyễn, đất nước đã thống nhất. 

Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 do sự tính toán với các ý đồ xấu của một số nước lớn và với sức ép của họ nước ta đã bị chia đôi. 

Ta suy nghĩ và tính toán đó là bước đi tạm thời, rất ngắn, và sau đó sẽ thống nhất lại đất nước. Nhưng một số nước lớn thì lại tính toán với ý đồ khác, họ muốn chia cắt đất nước và dân tộc Việt Nam lâu dài. 

Tại sao họ muốn thế? Ngoài những lý do khác, có một lý do sâu xa, ẩn chứa mưu toan thâm hiểm, đó là, hai nửa Việt Nam không thống nhất họ dễ chi phối hơn một Việt Nam thống nhất. 

Nói cách khác là, hai Việt Nam nhỏ họ dễ chi phối hơn một Việt Nam lớn. Việc đó giống như hai miếng nhỏ dễ nuốt hơn một miếng lớn. 

Dân tộc ta đã kiên trì đấu tranh và tốn nhiều máu xương cho sự thống nhất đất nước, trong điều kiện có những thế lực rất mạnh không muốn ta thống nhất và họ đã tìm mọi cách để ngăn cản, cho đến cuối cùng. 
          
Chắc nhiều người còn nhớ, chỉ có mấy ngày sau khi quân ta vào Sài Gòn thì tiếng súng ở biên giới phía Tây-Nam bắt đầu nổ. 

Thực ra thì họ muốn cuộc chiến ở biên giới ấy nổ ra khi ta chưa kết thúc việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Khi cuộc chiến thứ nhất chưa xong, mà cuộc thứ hai đã xuất hiện, thì ta không đủ sức cùng lúc đối phó với cả hai cuộc chiến. Và đất nước không thể thống nhất được. 

Thực tế chứng minh họ đã tính toán như vậy.
Kế hoạch ban đầu của ta là năm 1976 mới kết thúc. Nhưng ta đã về đích sớm hơn một năm so với dự kiến ban đầu, nên cuộc chiến thứ hai chưa kịp xảy ra khi ta đã kết thúc cuộc thứ nhất. 
Với sự thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sự kiện lịch sử 30/4/1975, chúng ta đã giành lại độc lập và thống nhất đất nước. Đó là sự chiến thắng bởi ý chí độc lập và thống nhất của dân tộc ta.
Nhiều văn bản chính thống và các tài liệu khác đã gọi sự kiện 30/4/1975 là chiến thắng, là đại thắng, là giải phóng miền Nam. 
Cách gọi ấy, theo một nghĩa nào đó, thì vẫn đúng, không có gì sai. Nhưng tôi vẫn thích hơn cách gọi, và cũng đã nhiều lần gọi như thế, sự kiện 30/4/1975 là sự thống nhất non sông (về một mối). 

Đối với quốc gia nào cũng vậy, thống nhất đất nước và dân tộc bao giờ cũng là sự kiện hết sức quan trọng, có ý nghĩa nhân văn và lịch sử to lớn. 

Đối với Việt Nam, sự kiện 30/4/1975 là một sự kiện lớn lao, sẽ trường tồn cùng năm tháng và lịch sử dân tộc. Chúng tôi nghĩ, và tin, như thế!
          
Đất nước đã thống nhất 42 năm rồi. Gần một nửa thế kỷ rồi. Nhiều người ngày ấy còn trẻ, nay đã về hưu hoặc đã không còn sống nữa. Niềm vui đã đến tuy lớn lao, nhưng nỗi buồn vẫn chưa vơi hết. 

Đất nước thống nhất lâu rồi, nhưng dân tộc thì vẫn chưa hoàn toàn thống nhất, thành một khối bền chặt. 

Đây đó vẫn còn những người Việt Nam chưa hòa nhập với đại gia đình Tổ Quốc, dù không ai muốn vậy.
Vết thương chiến tranh trong lòng dân tộc vẫn còn đó, tuy đã bớt đi nhiều nhưng vẫn chưa khỏi hẳn. Mỗi khi trái gió trở trời nó lại đau nhức.
Lãnh đạo chẳng ai muốn vậy. Nhân dân cũng thế. Tổ Quốc luôn sẵn lòng đón mọi đứa con dù tính khí khác nhau trở về với đại gia đình Tổ quốc.
Và mọi đứa con dù đang sống nơi chân trời góc bể nào, dù có quan điểm khác nhau, trong lòng vẫn luôn hướng về đất mẹ. Tinh thần dân tộc và yêu nước vẫn luôn có trong dòng máu của họ. 

Nhưng vì sao dân tộc vẫn chưa hoàn toàn là một? Đây là câu chuyện của một cuộc chiến tranh dài trên đất nước ta, thực tế máu xương đã đổ, dù ta không cố ý gây nên mà do kẻ xấu từ bên ngoài muốn chia cắt lâu dài đất nước này. 

Tất nhiên cũng không nên đổ lỗi hoàn toàn cho hoàn cảnh, mà vẫn có trong đó trách nhiệm của từng người sau chiến tranh, trước nhất là những người lãnh đạo, sau nữa là của mọi công dân. 

Công bằng mà nói, ngày ấy, trước khi kết thúc chiến tranh, Ban lãnh đạo đất nước đã có chủ trương xóa bỏ hận thù, thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc.
          
Ta lại về ta những đứa con. Máu hòa trong máu đỏ như son. Sài gòn ơi, Huế ơi! Xin đợi. Tái hợp huy hoàng cả nước non”. 

Đó là lời thơ của Tố Hữu viết năm 1973, thể hiện tinh thần của Ban lãnh đạo đất nước ngày đó. 

Rất tiếc là tinh thần hòa hợp dân tộc đúng đắn ấy đã không được quán triệt và thực hiện đầy đủ, nhất quán ở mọi lúc, mọi nơi. 

Đã có không ít những sai lầm do tư tưởng hẹp hòi, định kiến, phân biệt đối xử, tạo nên ngờ vực và quy chụp “địch-ta”, đã duy trì hoặc làm trầm trọng hơn hố sâu ngăn cách. 
Trong khi chiến tranh đã kết thúc lâu rồi, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thành đối tác toàn diện của nhau, các cựu thù là người Việt và người Mỹ đã từng xáp chiến quyết tử năm xưa nay đã thành bạn và đối tác của nhau. 
Vậy mà người Việt với nhau vẫn chưa xóa bỏ xong ngăn cách.
Tất nhiên, về mặt khác của tình hình, chúng ta biết có những kẻ cơ hội chính trị đã kích thêm vào hoặc xuyên tạc và bịa đặt thông tin, làm cho trắng đen nhập nhòa, lẫn lộn. 

Nhưng đó là việc khác, điều muốn nói ở đây là về những sai lầm chủ quan, đáng tiếc. 
          
Lại thêm nữa, một bộ phận khác, không liên quan gì đến hai chiến tuyến của thời chiến tranh, có quan điểm khác với lãnh đạo, cũng dễ bị quy chụp là “gây chệch hướng” hoặc “tuyên truyền chống nhà nước”, (mặc dù Đảng đã có chủ trương về sự đa dạng trong văn hóa và tôn trọng tự do tư tưởng), đã vô tình đẩy họ về phía bất đồng chính kiến. 

Vậy là vết thương chiến tranh trong lòng dân tộc vẫn còn, lại cộng thêm vào nữa là sự bất đồng chính kiến của một bộ phận khác, đã làm ảnh hưởng đến khối thống nhất và sự cố kết bền vững của dân tộc. 
Và điều đó là bất lợi cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, nhất là khi có thế lực từ bên ngoài muốn lấn ép nước ta để tranh giành biển đảo.
          
Khắc phục tình trạng chưa hòa hợp, thống nhất ấy là việc quan trọng cần làm, có ý nghĩa chiến lược trên nhiều mặt, kể cả văn hóa, chính trị và kinh tế, để có sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam trong bảo vệ và phát triển đất nước, trước mắt và lâu dài. 
Nghị quyết của nhiều lần đại hội Đảng toàn quốc đã xác định sức mạnh và động lực quan trọng nhất để thực hiện mọi công việc là đại đoàn kết toàn dân tộc. 
Trong di chúc của Bác Hồ để lại cho toàn Đảng, toàn dân, người đã đặc biệt nhấn mạnh sự thống nhất và đoàn kết. 

Hàng triệu con người đã hy sinh trong chiến tranh, có những người còn rất trẻ, trước khi ngã xuống, tất cả đều mang theo niềm tin và thiết tha mong muốn về sự thống nhất đất nước và thống nhất toàn dân tộc. 

Mọi người Việt Nam còn đang sống hôm nay, trước nhất là những người lãnh đạo các cấp, không thể nào quên “lời nguyền” cùng với những người đã hiến dâng cuộc sống cho sự thống nhất dân tộc.
          
Để thực hiện hòa hợp, thống nhất và đại đoàn kết toàn dân tộc, phải có tinh thần cởi mở, khoan dung, có hiểu biết sâu sắc về sự đa dạng văn hóa và tự do tư tưởng cần thiết cho đời sống xã hội như sự đa dạng sinh học cần cho thế giới tự nhiên. 

Nếu làm mất đi tính đa dạng ấy thì xã hội và tự nhiên sẽ nghèo nàn, thiếu sức sống, hạn chế khả năng sáng tạo, mất đi sức đề kháng. 

Nói cách khác là làm yếu đi một dân tộc. Ai cũng biết, nếu chỉ có yếu tố tinh thần, tư tưởng không thôi thì chưa đủ, tất nhiên rồi, nhưng phải bắt đầu từ đó, và đó còn là nền tảng cho trường tồn và phát triển, vì là văn hóa. 

Tiếp theo, và đồng thời, là những chính sách, cơ chế và cách ứng xử cụ thể đối với từng vụ việc và từng con người. 

Từ những việc tưởng là nhỏ, cộng nhiều việc như thế, sẽ tạo ra những chuyển động lớn, khí thế mới, sức mạnh mới, của cả một dân tộc. 

Từ thế hệ hôm nay, chuyển dần sang các thế hệ sau, thành cả một dân tộc ở tầm cao mới, đủ sức là “Phù Đổng Thiên Vương” như mơ ước từ thuở cha ông bắt đầu dựng nước.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng

CHÚNG TA KHÔNG CÓ QUYỀN LỰA CHỌN DÂN TỘC, NHƯNG CÓ QUYỀN HÀNH DỘNG
VŨ MÃO/ GDVN 30-4-2017

Ông Vũ Mão: Bao dung, tha thứ để cùng nhau hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. ảnh: Ngọc Quang.
Đã hơn 40 năm trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, câu chuyện hòa hợp dân tộc vẫn luôn là chủ đề được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng bào ta cả ở trong và ngoài nước hết sức quan tâm.
Câu chuyện hòa hợp dân tộc không phải bây giờ mới nhắc đến. Nhớ lại năm 1972, trong bữa cơm với các cán bộ địa phương ở Vĩnh Linh (Quảng Trị), Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đặt ra câu hỏi: “Sau khi Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, việc gì là lớn nhất?”.
Có nhiều câu trả lời đều nói về phát triển kinh tế đất nước, khai thác tài nguyên, phát triển nông thôn... Nhưng, Tổng Bí thư Lê Duẩn thì nói rằng: “Vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm, đó là hòa hợp dân tộc”.
Nói như vậy để thấy rằng, vấn đề này đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, đặt ra ngay từ khi đất nước thống nhất. Dù vậy những biến cố trong quá khứ, những vấn đề do lịch sử để lại có nhiều yếu tố phức tạp, cho nên ít nhiều cũng đã tác động tình hình chính trị xã hội nước ta trong những năm vừa qua.
Thời kỳ sau năm 1975 đã có một bộ phận bà con nhân dân ta ra nước ngoài định cư. Cho tới bây giờ đang có hơn 4 triệu kiều bào ở nhiều nơi trên thế giới. Họ là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam. Và, Tổ quốc thiêng liêng luôn đón chào những đứa con xa xứ yêu quê hương, đất nước.
Cũng phải nói rằng vì những vấn đề diễn ra trong quá khứ nên vẫn còn có một bộ phận nhỏ người dân chưa thực sự hiểu biết rõ về chính sách của Đảng, Nhà nước. Thậm chí họ còn bị bị những thế lực xấu lợi dụng để chống lại đất nước, gây ảnh hưởng tới hòa hợp dân tộc.
Xin nhắc lại câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Quốc gia nào khắc phục được những mâu thuẫn nội tại để cùng tìm thấy niềm tự hào chung, lợi ích chung thì có thể tạo ra sức mạnh nội lực. Ngược lại, nơi nào mà dân tộc chia rẽ, đối địch với nhau, thì dù có tài nguyên quốc gia phong phú, có dân số đông đúc, vẫn không tạo ra sức mạnh, vị thế quốc tế, do đó cũng không thể vững vàng”; “Chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng”.
Quả thật, chúng ta chỉ hòa hợp thật sự nếu như biết chia sẻ, cảm thông cho nhau, hiểu được những mất mát của nhau. Chẳng ai muốn có mất mát, đau thương, nhưng đó là câu chuyện của quá khứ đã lùi xa hơn 40 năm rồi.
Một số bà con kiều bào có lẽ không hài lòng với những điều xảy ra trong quá khứ, thế nhưng nếu một lần đến với nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9 nhìn bạt ngàn các ngôi mộ của người lính, hẳn là mỗi chúng ta đều cảm nhận được rằng nếu cứ mãi hận thù nhau thì những nỗi đau trong từng con người, từng gia đình sẽ lại bị khoét sâu thêm.
Nếu không bao dung, tha thứ, không cùng nhau hướng về tương lai thì vô tình chính mỗi chúng ta sẽ tạo ra cơ hội cho những kẻ xấu lợi dụng phá hoại đất nước, phá hoại những giá trị thiêng liêng mà cha ông ta đã phải đổ xương máu hàng nghìn đời mới có được.
Năm 2006, Báo Tuổi trẻ tổ chức cuộc thi “Chuyện đời tự kể” và anh Trần Đình Ninh – tác giả của bài viết “Lệnh thủ tiêu thành tình giải cứu” đã giành giải nhì.Nói về hòa hợp dân tộc, tôi xin kể với độc giả hai câu chuyện:
Anh Ninh là một người lính của chế độ Sài Gòn. Vào năm 1972 tại chiến trường Quảng Nam, đơn vị của anh Ninh bắt được 3 cán binh Việt cộng tên là Thống, Mùi, Quán. Họ đối xử với ba người bị bắt rất tử tế, cho ăn uống, hút thuốc và không ai bị xúc phạm, đánh đập.
Rồi anh Ninh nhận “Ác lệnh” là phải đem bắn ba người này, nhưng anh đã đưa họ ra bìa rừng chờ đêm tối cho họ trốn thoát.
Tôi nhớ trong câu chuyện anh Ninh kể lại “Tình người với nhau tôi phải cứu các anh. Các anh cứ nằm đây, tối tìm cách thoát thân”. Rồi, anh Ninh bắn vu vơ vài phát đạn, giả như đã thi hành lệnh hành quyết.
Sau khi đất nước thống nhất, vào năm 1976, anh Ninh đang học tập cải tạo tại Quảng Nam thì ba cán binh Việt cộng năm nào tìm tới tận nơi, làm giấy bảo lãnh để anh Ninh ra trại, về sống ở quê tại Quảng Ngãi.
Mặc dù công tác ở xa, nhưng thỉnh thoảng ba anh cán binh Việt cộng năm nào vẫn dành thời gian đến thăm anh Ninh – vị ân nhân giải cứu cho họ năm nào.
Biết được câu chuyện xúc động ấy, tôi đã viết tặng anh Trần Đình Ninh bài thơ “Chiến chinh – tình đời”. Tình người lớn hơn tất cả, cho nên dù lúc ấy làm việc ở hai chế độ khác nhau nhưng vẫn tìm cách bảo vệ, che chở cho nhau.
Câu chuyện thứ hai là vào năm 2006, trong một chuyến công tác tại Mỹ, tôi có đến thành phố Houston (bang Texas). Lúc rảnh rỗi, tôi đến một cửa hàng mua sắm thì tình cờ gặp cô Bùi Lê Cúc là nhân viên bán hàng.
Qua câu chuyện, tôi biết quê cô ở huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Cô kể rằng vì bố và anh trai làm việc cho chế độ cũ nên khi tốt nghiệp lớp 12 xong thì gia đình ra nước ngoài sinh sống.
Bây giờ ở Mỹ, cô có cuộc sống ổn định và đã hai lần về thăm Việt Nam, thấy quê hương phát triển, đổi mới rất nhiều. Khi trở lại Mỹ, cô kể cho mọi người nghe chuyện ở quê nhà gặp bà con chan hòa, yêu thương đầm ấm lắm.
Cô cũng cho biết là ở bên Mỹ có một số người lớn tuổi còn định kiến chống chế độ cộng sản, nhưng cô không bao giờ tham gia vì nhận thấy đó là việc làm không đúng.
Dân tộc của chúng ta đã hy sinh quá nhiều, mất mát quá lớn và hậu quả của chiến tranh cho đến tận bây giờ, dù đã hơn 40 năm vẫn chưa thể giải quyết hết. Rất nhiều đứa trẻ sinh ra đã phải chịu tật nguyền, đó là đau thương từ quá khứ vẫn còn kéo dài đến tận bây giờ. Bởi thế mà chúng ta hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình, giá trị của niềm tin, của tình đoàn kết dân tộc trước mọi kẻ thù.
Trong một gia đình chỉ vài người thôi cũng có những lúc bất hòa. Thế nên trong một đất nước rộng lớn với hơn 90 triệu dân và 54 dân tộc với nhiều sắc màu văn hóa khác nhau, nếu đâu đó còn có những quan điểm khác biệt thì cũng là điều dễ hiểu.
Dù vậy, vượt lên trên tất cả, chúng ta hãy cùng chia sẻ, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, cùng đối thoại để tìm thấy tiếng nói chung, cùng chung mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Con người ta sinh ra không ai có quyền lựa chọn dân tộc, nhưng chúng ta có quyền quyết định cho hành động của mình. Đó phải là những hành động đúng đắn nhất, là khát vọng đoàn kết để cùng nhau xây dựng Việt Nam thịnh vượng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét