Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

20170426. BÀN VỀ VAI TRÒ CỦA GIÁO SƯ

ĐIỂM BÁO MẠNG
'Ở TA GIÁP SƯ ĐƯỢC NHÀ NƯỚC PHONG, NHƯNG KHÔNG CÓ QUYỀN'
TẤN TÀI/ GDVN 25-4-2017
  
Giáo sư Ngô Bảo Châu và Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ, Hiệu trưởng Trường đại học Duy Tân tại buổi giao lưu với sinh viên. Ảnh: TT
Đó là chia sẻ của Giáo sư Ngô Bảo Châu – Giám đốc Khoa học Viện nghiên cứu cao cấp về Toán tại buổi giao lưu với giảng viên và sinh viên Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) chiều ngày 24/4.
Là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam được trao huy chương Fields - giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới, ông cũng đã kể về niềm đam mê với toán học, những kinh nghiệm để vượt lên khó khăn trên con đường khoa học.
Qua đó, truyền lửa đam mê, nhiệt huyết đến các bạn trẻ.
Giáo sư phải gắn liền với trách nhiệm
Trả lời câu hỏi của một bạn sinh viên Trường Đại học Duy Tân về quan điểm tiêu chuẩn chức danh giáo sư hiện nay, Giáo sư Châu cho rằng, đây là một vấn đề khá đặc biệt của Việt Nam.
Trong đó, có nảy sinh khúc mắc vấn đề từ ngữ đó là từ “giáo sư” ở Việt Nam và nước ngoài không giống nhau.
Ở ta, Giáo sư là một chức danh danh dự được nhà nước phong. Người được phong nhận được sự tôn trọng của xã hội nhưng ngược lại không có quyền hạn, nhiệm vụ nào rõ ràng với chức danh đó.
Trong khi ở các nước, Giáo sư là một chức vụ, có trách nhiệm lớn trong trường đại học, có nhiệm vụ hướng dẫn sinh viên nghiên cứu. Do đó, chức danh Giáo sư là được bổ nhiệm chức vụ.
“Bình thường, trong trường có một ông giáo sư về hưu, nếu trống chỗ đó thì nhà trường phải tìm người khác thay thế. Hoặc là mở cửa để người ta gửi hồ sơ vào”, Giáo sư Châu cho hay.
Hai cái này là khác nhau dễn đến một số hệ lụy là ở Việt Nam, chức danh Giáo sư do nhà nước phong còn trong trường không phong được nữa. Còn ở nước ngoài việc tìm Giáo sư ở các trường đại học là việc tối cần thiết.
Các trường đại học nước ngoài có thể bổ nhiệm chức danh Giáo sư.
Cũng theo Giáo sư Châu, ở nước ngoài, việc tuyển dụng giáo sư rất khó khăn. Đây là cả một quy trình khá là phức tạp, trãi qua nhiều khâu tuyển chọn.
“Họ không có tiêu chuẩn cứng đối với chức danh giáo sư như của bên mình như: phải có bao nhiều bài báo ISI, hướng dẫn bao nhiêu nghiên cứu sinh... mà họ chủ yếu dựa vào uy tín trong giới khoa học.
Ví dụ, nếu trưởng khoa của một trường đại học mà nhắm ai đó thì sẽ viết thư, gọi điện thoại cho 6-10 người bạn của vị đó (đều là Giáo sư) đề nghị đánh giá, nhận xét ông A. (ứng cử viên). Ông A. so với ông B. và ông C. xem ai giỏi hơn?
Những người này sẽ viết một bức thư rất dài nói về các công trình của ứng cử viên đó, ý nghĩa các công trình đó như thế nào?.
Sau khi so sánh giữa các ứng cử viên thì chọn ra một người và gửi các bức thư đó (khoảng 10 bức thư) nhận xét về người đó đến người tuyển dụng. Đây là một việc hệ trọng đối với một trường đại học.
Không thể để trường tự phong Giáo sư
“Ở Việt Nam thì một phần do truyền thống nên chúng ta xây dựng từ từ. Từ tuyển nhân sự, sau đó đào tạo lên Tiến sĩ, rồi đào tạo để phong Phó Giáo sư, Giáo sư.
Đó là chính sách đào tạo chứ không phải tuyển dụng một cách chủ động, để định hướng công việc của trường. Tư tưởng của chúng ta là đào tạo cán bộ chứ không phải tuyển dụng cán bộ”, Giáo sư Châu nhận xét.
Về lâu dài, trong xu thế hội nhập, chúng ta không thể giữ mãi cách điều hành nhân sự đại học Việt Nam khi có đến 90% giảng viên đại học ở đâu thì ở đó, không có sự luân chuyển, không có sự cạnh tranh, không có sự tiến bộ.
Trường đại học không phải có Giáo sư để phong mà là để tuyển dụng.
Thực tế ở ta, Giáo sư chỉ phong danh dự như Viện hàn lâm ở nước ngoài, chứ không có trách nhiệm gì cả. Cứ giỏi là được phong.
“Tôi mong muốn chuyển sang mô hình ở ta hiện nay sang mô hình các trường tuyển dụng Giáo sư trực tiếp.
Nhưng việc tuyển như thế nào cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng. Chắc chắn không phải như ở một số trường có đề nghị hiện nay là để trường tự phong, (thay vì Hội đồng nhà nước thì chuyển sang trường tự phong) như vậy cũng không giải quyết được vấn đề chính mà là đẻ ra vấn đề khác. Đó là không phải là phương hướng đúng”, Giáo sư Châu nói.
Về xu hướng chung mà vẫn giữ phong Giáo sư (như cách chúng ta đang làm) thì phải làm sao giống với Giáo sư quốc tế.
Tức là hỏi đồng nghiệp quốc tế thay vì xét hỏi các phần cứng như: bao nhiêu bài báo, bao nhiêu hướng dẫn nghiên cứu sinh…
“Thực chất là ông làm được cái gì, có hay hay không, chứ không phải là ông viết được bao nhiêu bài báo”, Giáo sư Châu nói.
Tấn Tài

GIÁO SƯ KHÔNG PHẢI CÁI MÁC GẮN SUỐT ĐỜI
THÙY LINH /GDVN 26-4-2017

Giáo sư không phải là cái mác gắn suốt đời! (Ảnh: Báo Vietnamnet)
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Nguyên Vụ phó vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), nếu để các trường có quyền tự phong hàm giáo sư, phó giáo sư thì rất có thể sẽ hạn chế được chuyện tiêu cực trong phong hàm, vì chỉ có nhà trường mới hiểu rõ nhất trình độ cán bộ của mình. 

Hơn nữa, ông Khuyến cũng khẳng định, giáo sư, phó giáo sư không phải là cái mác gắn suốt đời, một người ngừng nghiên cứu thì không được gọi là giáo sư, phó giáo sư nữa. 

Xung quanh vấn đề bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư nên do Hội đồng chức danh nhà nước đảm nhiệm hay giao về từng trường, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Khuyến khẳng định: 

Theo tư duy truyền thống, khi vai trò trong giáo dục tập trung nhiều ở bộ chủ quản thì mới đặt ra các chức danh lớn như giáo sư, phó giáo sư là của Nhà nước, đều do Nhà nước phong, Nhà nước có thể điều động từ trường này sang trường khác, quản lý chung. 
Nhưng xu hướng mới hiện nay với những thay đổi của thực tế với nhiều loại hình trường khác nhau, các trường có sự phân tầng theo mục tiêu khác nhau thì phải có nhiều loại giáo sư, phó giáo sư. 

Theo đó, giáo sư, phó giáo sư phải gắn liền với trường. Đây là xu hướng chung của thế giới.

Hơn nữa, những đãi ngộ mà các chức danh giáo sư, phó giáo sư được hưởng là trường quy định chứ không dùng ngân sách nhà nước đãi ngộ”, ông Khuyến nhấn mạnh. 
Ông Khuyến nhớ lại, trước đây việc phong hàm hoàn toàn do Hội đồng chức danh, không có vai trò của nhà trường.
Sau này có sửa lại là Hội đồng chức danh xét duyệt các giáo sư, phó giáo sư có đủ tiêu chuẩn không, còn bổ nhiệm hay không là việc của trường. 

Và khi ông Khuyến còn làm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo thì vấn đề này đã được đặt ra nhiều nhưng chưa được giải quyết triệt để.  

Với quan điểm của mình, vị tiến sĩ này cho rằng nên để các trường quyền chủ động định ra các tiêu chuẩn và tự bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư của chính trường đó. 

Tôi tin rằng sẽ không có vấn đề nở rộ giáo sư, phó giáo sư vì không trường nào dám phong ào ào để lấy cái danh cả”, ông Khuyến phân tích. 

Nhìn nhận từ kinh nghiệm các nước, các trường đại học lớn trên thế giới đều áp dụng cách gọi là giáo sư của trường này trường kia. Cứ mỗi nhiệm kỳ lại công nhận lại chứ không có chuyện giáo sư suốt đời.

Do vậy, ông Khuyến đề xuất: “Các trường có thể phong hàm giáo sư, phó giáo sư theo nhiệm kỳ 3 năm, 5 năm.

Sau nhiệm kỳ đó, nếu người đó không có công trình đóng góp nữa thì trường không công nhận là giáo sư, phó giáo sư nữa. 
Chứ như ở ta hiện nay, giáo sư, phó giáo sư thì đến chết vẫn giữ chức danh đó.
Rồi có khi không làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ở đơn vị nào, thậm chí ra làm cho doanh nghiệp cũng vẫn là giáo sư, phó giáo sư. Đó là chuyện vô lý”.

Hơn nữa, học hàm thì cần gắn với trường học chứ không nên vì mình làm quản lý mà cứ nhận danh hiệu đó. 

Tuy nhiên có ý kiến băn khoăn rằng, nếu người đó có công trình nghiên cứu vĩ đại mà được phong hàm thì cái danh đó phải theo họ cả đời mới đúng.
Nhưng theo quan điểm của ông Khuyến thì công trình đó được khen thưởng, tác giả đã nhận và đương nhiên giải thưởng gắn cả đời. 

Còn đã là giáo sư, phó giáo sư phải gắn liền với đóng góp cho nhà trường, cho khoa học. Không còn đóng góp nữa thì không còn là giáo sư, phó giáo sư nữa. 

Do đó, để đảm bảo chất lượng giáo sư, phó giáo sư thì ngoài việc giao quyền tự chủ cho các trường, Nhà nước nên đưa ra các chuẩn tối thiểu phải đạt được đối với chức danh này. 

Căn cứ vào đó, hội đồng từng trường sẽ xây dựng chuẩn riêng cho trường mình. Chỉ cần chuẩn đó không thấp hơn chuẩn tối thiểu là được. 

Có thể chuẩn trường này cao hơn trường kia, là giáo sư, phó giáo sư của trường này nhưng khi sang trường kia công tác lại chỉ là giảng viên bình thường, điều này rất hợp lý để đánh giá tầm vóc của từng trường. 
Thùy Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét