Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

20170415. BÀN VỀ DỰ THẢO LUẬT QUY HOẠCH

ĐIỂM BÁO MẠNG
MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO LUẬT QUY HOẠCH
TS PHẠM GIA YÊN/ GDVN 14-4-2017
Tiến sỹ Phạm Gia Yên, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng nêu một số ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch. (Ảnh: Anninhthudo.vn)
Sau khi nghiên cứu Luật Quy hoạch, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo trình Quốc hội, chúng tôi thấy việc các Bộ, ngành có sáng kiến trình Quốc hội ban hành pháp luật là cần thiết. 
Tuy nhiên, việc ban hành một luật mới, phải không gây ra sự chồng chéo lên các pháp luật đã có. Với dự thảo Luật Quy hoạch, chúng tôi thấy còn nhiều vấn đề phải bàn, vấn đề đầu tiên là tên gọi của luật và phạm vi điều chỉnh.
Nói về phạm vi điều chỉnh:
Phạm vi điều chỉnh theo dự thảo quy định là: Lập, thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch? Vậy có cần phải nêu rõ là loại quy hoạch nào không?  
Được biết đến thời điểm này theo chức năng của các Bộ, ngành, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành nhiều luật chuyên ngành, mà trong các luật chuyên ngành đều có phần quy định về công tác quy hoạch ngành đó.
Ví dụ như: Luật Quy hoạch đô thị, thì trong quy hoạch đô thị có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết… trong đất đai có Luật Đất đai, trong đó quy định về quy hoạch đất đai, quy hoạch về cây trồng, vật nuôi cho từng vùng; 
Trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cũng đã đề cập đến việc phát triển trồng và bảo vệ từng loại rừng;
Luật Biển cũng đã quy định quy hoạch hệ thống cảng biển, hệ thống luồng lạch, quy định vùng nuôi trồng đánh bắt thủy sản trên biển, Luật Giao thông đường thủy, Luật Giao thông đường bộ… và rất nhiều các luật chuyên ngành đã được ban hành công tác quản lý nhà nước trong nhiều năm qua. 
Trong các luật cũng đều quy định về trình tự, thủ tục, lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. 
Do các quy hoạch có đặc thù khác nhau, vì cấp thẩm định, cấp phê duyệt cũng rất khác nhau. 
Vì vậy, không thể có một “Luật Quy hoạch” như trong quy định của dự thảo tại Điều 1 để quy định về lập, thẩm định, phê duyệt như nhau được.
Hiểu như khoản 1 Điều 3 của dự thảo, nếu là quy hoạch tổng thể quốc gia, thì phải hiểu: Quy hoạch tổng thể quốc gia gồm 3 quy hoạch lớn, đó là: quy hoạch vùng đất quốc gia, quy hoạch vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia và quy hoạch vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia. 
Như vậy, thì trái với Điều 1, vì phần trên đã nêu; vùng đất, vùng trời, vùng biển Việt Nam đã được khẳng định chủ quyền từ lâu, theo chức năng Chính phủ phân công cho các Bộ, ngành đã có pháp luật phủ kín các loại quy hoạch, vì vậy không thể có một loại quy hoạch tổng thể quốc gia phủ lên các pháp luật về quy hoạch đã có.
Nếu viết như phương án 1, Điều 3 “rà soát những vấn đề chồng chéo, bất cập giữa các quy hoạch ngành” thì đây cũng không phải là Luật Quy hoạch mà phải là Luật sửa đổi các Luật Quy hoạch
Mục 3 Điều 3: Quy hoạch ngành quốc gia – đây muốn nói đến các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước phát triển theo từng thời kỳ quy hoạch như:
Sản lượng lương thực quy ra thóc, sản lượng thịt, sản lượng sữa, sản lượng cao su, xi măng, sắt thép…
Đây là các ngành kinh tế độc lập, được Chính phủ giao cho các Bộ, ngành chức năng lâu nay đã lập, phê duyệt quy hoạch, nhưng quy định vào mục này không rõ, và lại tiếp tục gây chồng chéo.
Mục 5 Quy hoạch Tỉnh: Những lãnh đạo cấp tỉnh đều biết, tỉnh nào cũng có 1 bản đồ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và tầm nhìn 20, 25 năm. 
Trên bản đồ đó là tổng hợp của các quy hoạch, thể hiện các điểm dân cư đô thị, các điểm dân cư nông thôn, các điểm dân cư kinh tế mới hoặc điểm dân cư phải di chuyển, hệ thống giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã, các vùng cây trồng, vật nuôi, vùng rừng phòng hộ, nguyên sinh…
Đồng thời, kèm theo một thuyết minh tổng hợp xác định tình hình phát triển từng giai đoạn.

Ngoài ra, còn một số số liệu mà không thể hiện được trên bản đồ, sản lượng lương thực các năm, sản lượng các loại vật nuôi, cây trồng, số lượng bác sỹ, giáo viên trên 1000 người cho từng năm… và rất nhiều các chỉ tiêu kinh tế xã hội khác.
Nếu định nghĩa quy hoạch tỉnh như mục 5, thì các tỉnh sẽ không hiểu quy hoạch trong dự thảo là loại quy hoạch nào? Và với các quy định trong dự thảo thì không thể thực hiện được.
Tại mục 6 khoản 3 – Định nghĩa về quy hoạch đô thị: “là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị… và nhà ở”, điều này đã được nêu trong khoản 4 Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị có nên viết lại vào luật này không?
Cách viết này có vi phạm luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật không?
- Tại mục 3 Điều 11 dự thảo ghi: 
+ Quy hoạch đô thị, nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật, pháp luật về xây dựng;
+ Quy hoạch xây dựng các khu chức năng đặc thù thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị.
Dự thảo Luật quy định như thế là đúng, vì lĩnh vực xây dựng đã có Luật Quy hoạch đô thị được Quốc hội ban hành và đã đi vào cuộc sống. 
Nhưng chỉ nói riêng về quy hoạch đô thị thì chưa đủ, còn rất nhiều các luật chuyên ngành như đã nêu ở phần trên, đã có phần quy định về công tác quy hoạch, thì Luật này cũng phải loại trừ.
Nếu không các luật khác như đã nêu đều bị điều chỉnh như: Luật Quy hoạch dự thảo thì sẽ gây nên chồng chéo và không thể thực hiện được 

Nhìn chung Luật này không thể gọi là Luật Quy hoạch chung chung, cũng không thể gọi là Luật Quy hoạch tổng thể quốc gia vì như đã phân tích ở trên, có lẽ nên gọi là “Luật Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội”.
Công việc mà lâu nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn làm theo phân công của Chính phủ, trên cơ sở những vướng mắc trong quá trình thực hiện thì cần đưa vào Luật này.
Về phương án 1: Quy định theo cấp: Cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh! Không hiểu “cấp” ở đây là gì? Có giống cấp gió, cấp bão không? Hay là nói đến mức độ nghiên cứu khác nhau, yêu cầu cao thấp khác nhau? 
Một nguyên lý chung nhất của mọi loại quy hoạch đều có những nội dung yêu cầu cụ thể cho một đồ án quy hoạch dù đó là cấp Trung ương hay cấp xã… 
Ví dụ như quy hoạch một đô thị đặc biệt hay một đô thị loại 5 thì đều phải phân khu các loại đất, khu đất hành chính, đất công nghiệp, đất trường học, y tế, đất công viên cây xanh, đất giao thông… dù cấp nào cũng phải thể hiện như vậy. 
Hay nói về quy hoạch đất đai thì ở Trung ương hay ở cấp xã cũng phải thể hiện được kế hoạch đất khai thác, sử dụng hàng năm, đất trồng cây gì, nuôi con gì, đất dành xây dựng thủy lợi, giao thông… Các ngành quy hoạch khác cũng vậy.
Nếu hiểu cấp ở đây theo mức độ cao thấp về địa giới hành chính, thì Luật phải quy định ở mỗi cấp phải thể hiện được những tiêu chí gì trong nội dung quy hoạch, nhưng trong dự thảo không nêu được tiêu chí gì phải làm cho mỗi cấp quy hoạch.
Về phương án 2 dự thảo quy định:
1.Cấp quốc gia: a/ Tổng thể quốc gia; b/ Quy hoạch không gian biển quốc gia; c/ Quy hoạch ngành quốc gia.
Ở đây có một sự nhầm lẫn về khái niệm quốc gia và tổng thể quốc gia, bởi quốc gia hay tổng thể quốc gia phải được hiểu bao gồm cả vùng đất, vùng trời, vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia. 
Với cách viết của Luật sẽ bị hiểu quốc gia thiếu vùng trời; mà trên thực tế lâu nay vùng trời thuộc chủ quyền của chúng ta đã có quy hoạch các loại đường bay, vùng bảo vệ an ninh... 
Kỳ họp thứ 2 của Ban thường vụ Quốc hội thảo luận (sáng ngày 10/1), vị Bộ trưởng cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết thêm là “đã có phụ lục các nội dung cần thay đổi, có những luật chỉ cần bỏ đi hai chữ Quy hoạch thôi, đơn giản chứ không phức tạp”. 
Đúng thế thì phụ lục 1 phải là phụ lục những luật quy hoạch cần phải sửa đổi, và luật này phải gọi là Luật sửa đổi một số Luật Quy hoạch.

Theo Điều 13, Mục 2 dự thảo viết: “các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia theo quy định tại Phụ lục 1 của Luật này”.

Qua xem xét Phụ lục 1, thì Luật này điều chỉnh cho 33 loại quy hoạch ngành và một số quy hoạch khác do Thủ tướng sẽ quy định tại Nghị định khác.

Nếu ý định vậy, tại sao tại Điều 1 – Phạm vi điều chỉnh không quy định luôn là Luật này quy định về hoạt động quy hoạch, gồm: lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện các loại quy hoạch, gồm 33 loại quy hoạch được quy định trong Phụ lục 1; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch. 

Đồng thời trong dự thảo Luật Quy hoạch phải có một Điều luật quy định về tổ chức thực hiện; trong đó phải tuyên hủy một loạt các pháp luật đã quy định về quy hoạch như: 
Mục 2 chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước, Luật Tài nguyên nước; chương II chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; 
Chương II chiến lược, quy hoạch khoáng sản, Luật Khoáng sản; Mục 1 Chương II quy hoạch, đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, Luật Đường sắt; 
Mục 2 quy hoạch, đầu tư xây dựng cảng hàng không, sân bay, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; 
Điều 6 quy hoạch giao thông vận tải đường bộ, Luật Giao thông đường bộ; Điều 9 quy hoạch và quản lý khu bảo tồn vùng nước nội địa, bảo tồn biển, Luật Thủy sản; 
Mục 1 Chương II quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Chương IV quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Luật Đất đai; 
Chương II quy hoạch, đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều, Luật Đê điều…. và hàng trăm các văn bản luật, dưới luật quy định về công tác quy hoạch chuyên ngành khác.
Vậy thì trong nội dung dự thảo Luật phải chứa đựng các quy định về nội dung lập các quy hoạch đã bị tuyên hủy thì mới có cơ sở để các quy hoạch chuyên ngành lập quy hoạch. 
Quy định như dự thảo Luật Quy hoạch hiện nay là song song hai hệ thống luật gồm các pháp luật đã quy định về quy hoạch chuyên ngành như đã nêu ở trên, đồng thời lại tuân thủ theo quy định của Luật này. 
Vậy cơ sở nào để lập quy hoạch? Như vậy sẽ tạo ra một sự phức tạp chồng chéo mới về pháp luật quy hoạch.
Cũng theo nguồn tin của Nguyễn Lê đưa tin tại kỳ họp thứ 2 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về góp ý dự thảo Luật Quy hoạch, vị Bộ trưởng của cơ quan soạn thảo cho rằng:
…khi có một sự thay đổi, chắc có động chạm đến quyền hạn của cơ quan nào đó, nhóm người nào đó họ có thể chưa hiểu hết nên chưa đồng tình cao, chưa dám thay đổi…
Nếu đúng thế chúng tôi e rằng việc đó chỉ đúng với một số ít người, số đông còn lại nói như vậy là chưa khách quan, quy chụp. 
Chúng tôi không có quyền lợi gì ở đây, là những người tham gia nhiều đoàn quy hoạch chuyên ngành, thậm chí chủ trì các đồ án quy hoạch chuyên ngành từ những năm 80 của thập kỷ trước, lúc đó Ủy ban kế hoạch nhà nước có Ban phân vùng kinh tế Trung ương trực thuộc Ủy ban chuyên hướng dẫn cho Ban phân vùng kinh tế địa phương thuộc Sở kế hoạch để xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của Tỉnh và bản đồ đó hiện nay ở nhiều tỉnh vẫn đang treo (như Bài 1 đã nêu). 
Quy hoạch tổng thể, hay quy hoạch các ngành muốn có một quy hoạch tốt, tính khả thi cao thì trước hết phải phân tích đánh giá về tình hình hiện trạng, về điều kiện địa lý tự nhiên, về kinh tế xã hội; và đặc biệt là vấn đề dự báo cho những năm sau. 
Đặc biệt là phải có những nội dung cụ thể quy định những vấn đề mang tính chất định tính hoặc định lượng. 
Trong tình hình hội nhập của thế giới hiện nay, thì khoa học dự báo càng trở lên quan trọng, tuy nhiên có những việc mà khoa học dự báo không thể lường được. 
Điều đó đã được chứng minh qua tình hình biến đổi giá dầu mỏ trong thời gian vừa qua, làm cho nền kinh tế thế giới chao đảo. 
Việc xác định “cây mũi nhọn” của Việt Nam như cây cao su, cà phê, cây điều trên cao nguyên đã bao lần do giá cả biến động người dân phải phá cây này đi trồng cây khác. 
Nói như vậy để thấy rằng công tác quy hoạch và dự báo là cực kỳ quan trọng, quyết định sự phát triển, suy vong kinh tế của một ngành, thậm chí một đất nước. 
Trong khi dự thảo Luật Quy hoạch không những không quy định được những nội dung cho các quy hoạch chuyên ngành phải làm, mà quy định nội dung quy hoạch rất sơ sài, cơ bản mang tư tưởng của quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội trước đây. Sao đã gọi là vấn đề mới trong công tác quy hoạch?
Trên thực tế, tính đến thời điểm hiện nay không phải chỉ có 33 loại quy hoạch như phụ lục của dự thảo nêu, mà số lượng các loại quy hoạch chuyên ngành còn lớn hơn rất nhiều và nhiều pháp luật về quy hoạch còn chồng lấn lên nhau, như quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng, ngay nội tại những quy định hướng dẫn Luật Xây dựng cũng có nhưng vấn đề chưa phù hợp với Luật Quy hoạch đô thị và các pháp luật khác cũng tương tự như vậy. 
Việc ra đời một Luật Quy hoạch để điều chỉnh các Luật Quy hoạch khác để khắc phục tình trạng chồng lấn là cần thiết, chứ chưa nên tham vọng có một Luật Quy hoạch điều chỉnh chung cho tất cả các loại quy hoạch. 
Điều này có thể xảy ra, nhưng chưa phải là thời gian này. Trong việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật quy hoạch vẫn phải do các Bộ ngành tự rà soát, xong cũng cần một “nhạc trưởng” mang tính chất trọng tài thẩm định cuối cùng trước khi trình Quốc hội ban hành. 
Nếu giải quyết được như vậy, chúng tôi cho rằng đây là phương án tối ưu trong tình hình hiện nay và Luật này sẽ là bộ luật lớn, quan trọng và lấy tên là Luật sửa đổi các pháp luật về quy hoạch và Phụ lục 1 sẽ tăng lên số lượng rất nhiều.
Tiến sỹ Phạm Gia Yên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét