Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

20170425. BÀN VỀ DỰ THẢO LUẬT CẠNH TRANH (SỬA ĐỔI)

ĐIỂM BÁO MẠNG
LUẬT CẠNH TRANH ĐỂ XỬ LÝ NHỮNG HÀNH VI PHI CẠNH TRANH
MINH TÂM/ TBKTSG 24-4-2017
Đề xuất về giá sàn vé máy bay mới đây nếu được chấp thuận thì chúng chỉ có thể đảm bảo lợi ích cho một số đối tượng và sẽ xâm phạm lợi ích của một số đối tượng khác. Trong ảnh: Hành khách tại sân bay Liên Khương, tỉnh lâm Đồng. Ảnh: UYÊN VIỄN
Những hạn chế trong luật hiện hành
Dự thảo tờ trình Chính phủ của Bộ Công Thương về dự án Luật Cạnh tranh sửa đổi thừa nhận pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện nay chưa quy định rõ ràng về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Các quy định hiện hành chỉ đề cập đến các hình thức biểu hiện bên ngoài một cách cứng nhắc, chưa tiếp cận được bản chất phản cạnh tranh của hành vi. “Thỏa thuận ấn định mức giá sàn, giá trần; thỏa thuận tăng giá hoặc giảm giá (không chỉ ở mức cụ thể) hoặc thỏa thuận duy trì giá bán lại cho bên thứ ba... là những thỏa thuận có bản chất hạn chế cạnh tranh, nhưng chưa được quy định”, dự thảo tờ trình Chính phủ viết.
Trong thực tiễn xem xét, xử lý một số vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, cơ quan cạnh tranh còn nhận thấy, các hiệp hội đều là tổ chức đứng sau, giữ vai trò tổ chức, lôi kéo doanh nghiệp tham gia và giám sát việc thực thi thỏa thuận giữa các doanh nghiệp. Thậm chí trong nhiều vụ việc, hiệp hội còn ban hành các “quyết định”, các “nghị quyết” về giá cả, sản lượng... trên thị trường để các doanh nghiệp thành viên thực hiện. Tất nhiên, do quy định về chuyện này chưa cụ thể, rõ ràng nên không thể xử lý.
Hạn chế kể trên, chỉ là một trong năm điểm không còn phù hợp của Luật Cạnh tranh 2005 được Bộ Công Thương chỉ ra trong dự thảo tờ trình Chính phủ. Những điểm hạn chế khác được đề cập như các yếu tố để xác định thị trường liên quan không phù hợp thực tế; quy định về tập trung kinh tế không có tính khả thi; chồng chéo trong quản lý dẫn đến tranh cãi hoặc đùn đẩy trách nhiệm xử lý; mô hình cơ quan thực thi chưa phù hợp.
Luật Cạnh tranh hiện hành chưa quy định rõ ràng về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Các quy định hiện hành chỉ đề cập đến các hình thức biểu hiện bên ngoài một cách cứng nhắc, chưa tiếp cận được bản chất phản cạnh tranh của hành vi.
Bà Võ Thị Lan Phương, chuyên gia đánh giá tác động pháp luật nhận xét một số quy định đặt ra nhưng không tính đến điều kiện bảo đảm thi hành. Quy định cấm tập trung kinh tế là một minh chứng. Luật Cạnh tranh hiện hành quy định nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên 50% trên thị trường liên quan; hay các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30-50% trên thị trường liên quan phải thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi tiến hành. Vậy nhưng, trên thực tế các doanh nghiệp không có khả năng tham chiếu hệ thống thông tin công khai của các cơ quan quản lý nhà nước để xác định được thị phần của mình trên thị trường liên quan và xem mình có thuộc ngưỡng cấm hay ngưỡng phải thông báo hay không.
Những điểm mới của dự thảo luật
Luật sư Châu Huy Quang, luật sư điều hành của R&T LCT Lawyers, đánh giá Luật Cạnh tranh hiện hành rõ ràng có nhiều hạn chế và Bộ Công Thương đã có những nỗ lực khắc phục những vấn đề này trong dự thảo luật sửa đổi.
Thứ nhất, khoản 1, điều 2 của dự thảo Luật Cạnh tranh đã mở rộng phạm vi áp dụng với cả doanh nghiệp nước ngoài, hiểu theo nghĩa được thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài, đối tượng vốn chưa được quy định rõ ràng trong luật hiện hành. Lâu nay, quan điểm xử lý của cơ quan nhà nước đối với đối tượng này chưa nhất quán khiến doanh nghiệp nước ngoài quan ngại về việc có hay không có khả năng mình bị điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh của Việt Nam.
Thứ hai, điều 11 của dự thảo đã quy định các cách thức khác nhau cho việc xác định thị phần, trong đó thừa nhận cả cách tính theo doanh thu, doanh số, hoặc đơn vị hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó là hướng dẫn xác định thị phần trong một số trường hợp đặc thù, ví dụ xác định thị phần của doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng… Lâu nay, Luật Cạnh tranh hiện hành chỉ thừa nhận việc xác định thị phần theo doanh thu (bằng tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu bán ra của doanh nghiệp này với tổng doanh thu của tất cả doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó trên thị trường liên quan hoặc tỷ lệ phần trăm giữa doanh số mua vào của doanh nghiệp này với tổng doanh số mua vào của tất cả doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó trên thị trường liên quan theo tháng, quí, năm). Quy định như luật hiện hành trong bối cảnh nguồn thông tin chính thức cung cấp đầy đủ các số liệu chính xác về doanh thu của các doanh nghiệp thiếu hụt như hiện nay đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình thực thi. Cách này cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ ba, dự thảo Luật Cạnh tranh cũng đã bổ sung thêm các công cụ định tính nhằm xác định khả năng chi phối của một doanh nghiệp đối với thị trường. Theo đó, cơ quan nhà nước có thể đánh giá sức mạnh thị trường của một doanh nghiệp dựa trên tổng thể các yếu tố khác nhau gồm thị phần; cấu trúc thị trường và tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường; năng lực công nghệ, cơ sở vật chất, kỹ thuật, quy mô mạng lưới phân phối, mạng lưới tiêu thụ... Quy định như vậy đã khắc phục được hạn chế của luật hiện hành vốn chỉ căn cứ vào thị phần, một yếu tố mang tính định lượng để đánh giá khả năng tác động của doanh nghiệp đối với thị trường cũng như xác định các hành vi liên quan. Trên thực tế, tiêu chí thị phần chưa hẳn đã phản ánh đúng vị thế, sức mạnh của doanh nghiệp trên thị trường. Ở những thị trường có rào cản gia nhập và mở rộng thị trường thấp, doanh nghiệp có mức thị phần cao chưa hẳn đã có sức mạnh thị trường và ngược lại.
Tuy nhiên, luật sư Châu Huy Quang cũng lưu ý, với phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Luật Cạnh tranh hiện hành và việc xem xét cả các yếu tố định tính đối với một hành vi thì doanh nghiệp và ngay cả cơ quan nhà nước đều có thể gặp khó khăn trong quá trình thực thi quy định mới (nếu được thông qua). Chẳng hạn là việc đánh giá “tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường” theo điều 24, dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi. Bởi lẽ, việc đánh giá có thể mang tính chủ quan dựa trên mức độ tác động hạn chế cạnh tranh hay mức độ tác động thúc đẩy cạnh tranh, gây tranh cãi giữa các bên. Chính vì vậy, theo luật sư Châu Huy Quang, tính ứng dụng của điều khoản mới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các hướng dẫn chi tiết của Chính phủ tại nghị định khi triển khai thực hiện Luật Cạnh tranh mới (nếu được thông qua).
LUẬT CẠNH TRANH-CẦN MỘT CÁCH TIẾP CẬN MỚI VÀ THIẾT THỰC
NGUYỄN TIẾN LẬP/ TBKTSG 24-4-2017
Mọi đạo luật cạnh tranh ra đời đều nhằm bảo vệ quyền tự do cạnh tranh của các chủ thể kinh tế. Ảnh: THÀNH HOA
Tại sao lại cần Luật Cạnh tranh?
Vẫn có sự hiểu biết một cách đơn giản rằng đã chuyển sang kinh tế thị trường thì đương nhiên có cạnh tranh và để cạnh tranh lành mạnh, chống gian lận hay “cá lớn nuốt cá bé”, cần có luật về cạnh tranh. Điều đó đúng nhưng chưa đi vào cốt lõi, thậm chí còn gây nhầm lẫn khi đánh giá và ứng xử với cả kinh tế thị trường lẫn quy luật cạnh tranh. Chẳng hạn, nhiều người vẫn đổ lỗi các hiện tượng xấu xa về đạo đức cho “kinh tế thị trường” và cho rằng cạnh tranh sẽ làm cho con người đối xử với nhau ngày càng xấu hơn, đặc biệt khi so sánh với trạng thái của nền kinh tế được kiểm soát bởi mệnh lệnh và kế hoạch...
Từ thế kỷ 18, Adam Smith đã phát hiện ra một chân lý rằng chỉ có trong tự do và thông qua các hoạt động kinh tế, con người mới thể hiện được bản ngã của mình, được làm cái mình muốn, làm điều mình có thể, và hiển nhiên đó là điều tốt và có ích cho cộng đồng. Vậy, trong nền kinh tế tự do đó, “cái xấu” đến từ đâu?
Nó đến từ các điều kiện và trạng thái khi tự do kia bị bóp méo, bị hạn chế hoặc có khuynh hướng bị thủ tiêu. Quyền tự do trong kinh tế thị trường chính là tự do cạnh tranh, và như một hệ quả tất yếu, tự do cạnh tranh sẽ dẫn đến độc quyền, tức kẻ mạnh sẽ lớn, sẽ thắng hoặc các kẻ bé và yếu hơn sẽ liên minh lại để ứng phó tự vệ, và khi đó cạnh tranh tự do sẽ không còn. Tất cả các nước có nền kinh tế thị trường đều đã trải qua buổi ban đầu sơ khai và hoang dã như vậy. Sự ngạo mạn của “kẻ thắng” và nỗi ấm ức, tức giận hay lo sợ của “kẻ thua” là căn nguyên tâm lý cho mọi điều xấu nảy sinh.
Chứng kiến thực trạng đó, một số người đã tiệm cận đến các giải pháp có tính cực đoan, đó là xóa bỏ thị trường và xây dựng lý thuyết cho một xã hội được kiểm soát và chỉ huy hoàn toàn bởi nhà nước. Những người này quan niệm rằng chỉ bằng sự kiểm soát như vậy, con người mới trở thành “người mới” và có thể tốt lên.
Cần trao quyền cho các bên hưởng lợi cũng như bị hại, bao gồm doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo điều kiện để nhóm đối tượng này được khởi kiện tư pháp chống lại các hành vi cản trở cạnh tranh tự do và lành mạnh.
Trong khi đó, có những người khác đã tìm ra các nhân tố làm triệt tiêu tự do cạnh tranh, đó là sự độc quyền và liên minh giữa các chủ thể kinh tế. Họ xây dựng khuôn khổ pháp luật cho nền kinh tế thị trường, lấy luật chống độc quyền (Anti-Trust hay Anti-Monopoly) và luật kiểm soát liên minh kinh tế (Kartellrecht) làm nền tảng. Nói một cách khác, dù có thể được gọi tên khác nhau, mục tiêu cơ bản của luật về cạnh tranh chính là chống độc quyền hóa và kiểm soát các liên minh trong hoạt động kinh tế nhằm hạn chế hoặc triệt tiêu tự do cạnh tranh.
Về cách tiếp cận trong Luật Cạnh tranh hiện hành
Luật Cạnh tranh ban hành năm 2004 và các dự thảo sửa đổi đã được xây dựng trên cơ sở tham khảo các luật về cạnh tranh của nhiều nước trên thế giới. Về mặt hình thức, các văn bản luật này đề cập đến mọi nội dung có liên quan như kiểm soát tập trung kinh tế, hạn chế việc lạm dụng vị trí độc quyền của các doanh nghiệp và chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là nó không toát lên tinh thần cũng như mục tiêu của kiểm soát cạnh tranh là gì.
Có thể nói rằng sau 12 năm thi hành, người dân, doanh nghiệp và xã hội vẫn chưa thấy và đo được tác dụng thực sự nào của Luật Cạnh tranh. Chắc chắn, điều được trông đợi không hẳn là số lượng các đơn khiếu nại nộp lên và số lượng các vụ việc đã được Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Công Thương giải quyết.
Như đã phân tích, mọi đạo luật cạnh tranh ra đời đều nhằm bảo vệ quyền tự do cạnh tranh của các chủ thể kinh tế. Quyền tự do cạnh tranh một khi được bảo đảm đồng nghĩa với việc đạt được hai mục tiêu chính sách như sau:
Thứ nhất, về mặt kinh tế, nó tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như doanh nghiệp siêu nhỏ tồn tại và phát triển.
Thứ hai, về mặt xã hội, tự do cạnh tranh trong sản xuất - kinh doanh sẽ dẫn đến giảm giá thành, tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó người tiêu dùng được hưởng lợi.
Rất tiếc rằng nếu lấy hai tiêu chí này làm thước đo thì Luật Cạnh tranh được thi hành từ năm 2005 cho tới nay chưa tạo được các tác động tích cực đáng kể.
Luật Cạnh tranh cần được sửa đổi theo định hướng nào?
Trước hết, không nên gắn Luật Cạnh tranh với mục tiêu kiểm soát trực tiếp các yếu tố đạo đức trong hành vi cạnh tranh hay bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Đạo đức kinh doanh chính là đạo đức của con người, nó phải được hình thành trước hết từ giáo dục, sau đó là nền tảng văn hóa của xã hội nói chung. Còn việc kiểm soát hành vi của các chủ thể kinh doanh khi vượt qua các ranh giới của đạo đức xã hội lại thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều khung khổ pháp luật khác nhau, trong đó biện pháp kiểm soát với cấp độ chế tài cao nhất chính là Bộ luật Hình sự. Tập trung liệt kê các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong Luật Cạnh tranh cho mục tiêu giám sát và xử lý bằng phương tiện hành chính, do đó, sẽ vừa không cần thiết bởi chồng lấn với các luật khác, vừa thiếu tính khả thi.
Luật Cạnh tranh một khi được ban hành như một khung khổ pháp lý chuyên biệt cần hướng tới thực hiện hai nhiệm vụ chủ yếu, đó là chống độc quyền và giám sát các liên minh trong kinh doanh cho mục đích căn bản và trực tiếp là bảo vệ tự do cạnh tranh. Đối với chống độc quyền, cần lưu ý rằng ngoài sự ngăn cấm các hành vi “độc quyền hóa” (hay tập trung kinh tế) một cách cố ý và chủ động nhằm giảm thiểu hay loại trừ cạnh tranh, cũng cần kiểm soát chặt chẽ cả các doanh nghiệp trở thành độc quyền một cách tự nhiên do điều kiện khách quan hoặc các yếu tố ngẫu nhiên. Trong khía cạnh sau này, ngay chính tập đoàn Microsoft vào năm 2000 đã bị thẩm phán Hoa Kỳ Thomas Jackson áp dụng Luật Chống độc quyền (Anti-trust Act) để đưa ra phán quyết yêu cầu tách công ty thành hai phần độc lập để đảm nhiệm riêng lẻ đối với hệ điều hành Windows và các phần mềm còn lại.
Về cơ chế thực thi Luật Cạnh tranh, việc kiểm soát chống độc quyền và hình thành các liên minh nhằm cản trở cạnh tranh tự do luôn luôn là sự thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiệm vụ này đòi hỏi các năng lực chuyên môn đặc biệt của lực lượng cán bộ thừa hành cũng như các thẩm quyền pháp lý đặc thù. Dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi của Bộ Công Thương đã bổ sung chức năng điều tra của cơ quan giám sát cạnh tranh, tuy nhiên điều đó hoàn toàn chưa đủ nếu thiếu các quy định cụ thể về các quy trình và thủ tục có liên quan.
Sau cùng, có một nguyên lý rất hệ trọng để bảo đảm tính thiết thực của Luật Cạnh tranh, đó là cần trao quyền cho các bên hưởng lợi cũng như bị hại, bao gồm doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo điều kiện để nhóm đối tượng này được khởi kiện tư pháp chống lại các hành vi cản trở cạnh tranh tự do và lành mạnh. Thiết nghĩ rằng mô hình tố tụng về cạnh tranh như dự thảo luật đề xuất cần phải có sự tham gia của tòa án, các cơ quan tư pháp và luật sư mới chứng tỏ bước cải cách thực sự.
(1) Luật sư Văn phòng NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên VIAC
LUẬT NÀO BẢO VỆ DOANH NGHIỆP TRƯỚC TIN GIẢ?
BẢO UYÊN/ TBKTSG 23-4-2017
Quang cảnh hội thảo “Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững”. Ảnh: Bảo Uyên
Phá sản vì tin đồn thất thiệt
Bà Lan một người bán bắp dạo ở quận Bình Thạnh, TPHCM vẫn còn nhớ thời điểm cách đây bốn năm khi có nhiều ngày vợ chồng bà phải ăn bắp thay cơm. Tin đồn bắp luộc bằng pin và hóa chất gây bệnh ung thư xuất hiện xuất hiện trên Facebook đã khiến các xe bắp ế ẩm trong thời gian dài.
“Chủ nhà trọ ở sát vách, tận mắt thấy nhà tôi đun nấu hàng ngày, vậy mà đọc tin trên mạng xong cũng còn nghi ngờ chúng tôi, huống chi là khách lạ. Lúc ấy không ít người phải bỏ nghề về quê, một số chuyển sang bán bắp xào, khoai luộc. Giờ thỉnh thoảng vẫn có khách hỏi tôi bắp có luộc bằng pin không”, bà Lan kể.
Tại hội thảo “Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững” do Chương trình Nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS), trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đồng tổ chức vào tuần qua, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Le Group, đã chia sẻ câu chuyện một hãng sữa gần như phá sản vào năm 2014 khi có thông tin sản phẩm của hãng là hàng Trung Quốc kém chất lượng được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Một nhóm (group) 3.000 người đã hình thành trên Facebook với mục đích kêu gọi tẩy chay sản phẩm.
“Bất chấp nỗ lực, đến nay hãng này vẫn không thể khôi phục kinh doanh như trước năm 2014. Rất khó để đưa sản phẩm quay lại thị trường, hiện họ chỉ đang kinh doanh rất cầm chừng”, ông Vinh cho hay.
Suntory PepsiCo Việt Nam cũng đã phải gánh chịu thiệt hại lớn về doanh thu vào năm 2016 vì chuyện tin đồn. Thông tin kèm hình ảnh 15 học sinh chết vì uống Sting ở Tuyên Quang nhận được hàng chục ngàn lượt chia sẻ trên Facebook. Người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay sản phẩm và tiếp tục chia sẻ thông tin kia trong khi vẫn chưa biết sự thật làm cho tình hình càng xấu thêm. Bà Huỳnh Thị Xuân Liên, Phó tổng giám đốc cấp cao phụ trách tiêp thị của công ty này cho biết, dù sau đó, cơ quan báo chí vào cuộc đưa tin xác minh những hình ảnh trên là lấy từ một trang mạng ở Pakistan, Sở Y tế Tuyên Quang xác nhận không có vụ việc như thế xảy ra trên địa bàn tỉnh nhưng công ty không thể giải quyết ngay khủng hoảng.
“Nhiều người nói với tôi, dù họ biết Pepsi là một công ty uy tín, nhưng cứ nghe và thấy nhiều người chia sẻ trên Facebook thì họ không thể không tin. Vấn đề ở đây không chỉ dừng lại ở uy tín hay doanh thu của Pepsi cũng như các công ty trong chuỗi cung ứng bị thiệt hại mà còn ảnh hưởng cả ngành hàng, đến thu nhập, việc làm của hàng nghìn người lao động”, bà Liên chia sẻ với TBKTSG.
Luật nào bảo vệ doanh nghiệp?
“Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”, điều này càng chính xác hơn với truyền thông mạng xã hội. Người kinh doanh phải làm gì khi trở thành nạn nhân của tin giả?
Phản ứng đầu tiên mà các doanh nghiệp thường làm là yêu cầu các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội gỡ bỏ nội dung sai sự thật nêu trên. Nhưng theo bà Liên, phải sau ít nhất hai ngày, có khi cả một tuần, các nhà cung cấp mới xác minh xong thông tin. Trong vụ tin đồn nước Sting gây chết người, phải mất 48 tiếng, Facebook mới gỡ bỏ thông tin xuống theo yêu cầu của công ty. Với khoảng thời gian như thế mọi thứ đã ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp.
Còn với những người buôn bán nhỏ như bà Lan, tất cả chỉ trông chờ vào sự lãng quên của người tiêu dùng theo thời gian...
Từ góc nhìn của một doanh nghiệp, bà Liên cho rằng, để đứng vững trước những tin đồn thất thiệt doanh nghiệp cần phải minh bạch thông tin, chủ động về mặt thông tin, có chiến lược ứng phó kịp thời. Song song đó Nhà nước cũng cần có hành lang pháp lý cho việc xử lý tin giả và thông tin gây thù ghét để bảo vệ cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Theo luật sư Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng luật sư NHQuang&Cộng sự, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện chưa giải thích rõ ràng thế nào là “thông tin trái với quy định pháp luật” liên quan đến những thông tin về sản phẩm, hoạt động kinh doanh hay nội hàm của hành vi vu khống, tội làm nhục người khác trong lĩnh vực pháp luật hình sự lẫn “thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân” trong lĩnh vực pháp luật dân sự. Đó là một trong những lý do khiến các nạn nhân của tin giả ít nhờ đến sự can thiệp của luật pháp như, khởi kiện dân sự, đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội hình sự. Chưa kể, làm thế nào để xác định nguồn gốc của tin giả cũng không phải là điều dễ dàng cho người dân, doanh nghiệp.
“Để bù đắp được những thiếu hụt của quy phạm pháp luật, nhiều quốc gia trên thế giới dựa vào sự giải thích từng trường hợp cụ thể của hệ thống tòa án thông qua các bản án có hiệu lực pháp luật hay còn gọi là án lệ”, ông Quang cho biết thêm.
Ông Bùi Hải Thiêm, Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ, Ban Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng thực tế hệ thống quy định pháp luật Việt Nam có tương đối đầy đủ các quy định để xử lý các vấn đề liên quan tới các thông tin xấu, độc hại và phát ngôn gây thù ghét, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng hiệu quả thực thi lại đang gặp khó khăn về nhiều mặt như công nghệ, địa lý...
“Làm thế nào để xác định đó là thông tin có nội dung độc, xấu để kịp thời buộc người đưa tin lên mạng xã hội phải gỡ bỏ? Sẽ có vô vàn quan điểm, luồng ý kiến trái chiều và cần nhiều thời gian để xác định. Vì vậy rất khó để xử lý những vụ việc như thế này”, ông Thiêm nói.
Cũng theo ông Thiêm, dù khung pháp lý hiện nay vẫn chưa có luật quy định cụ thể về những phát ngôn bôi nhọ, xúc phạm cá nhân, tổ chức nhưng có nên bổ sung thêm công cụ, quy định không thì cần phải cân nhắc kĩ.
“Hệ thống pháp luật Việt Nam vốn đang phát triển, có những giai đoạn thay đổi liên tục, các quy định chồng chéo với nhau. Vướng mắc chủ yếu hiện nay của chúng ta là ở khâu vận hành chưa hiệu quả thôi”, ông Thiêm chia sẻ ý kiến với TBKTSG.
Chia sẻ một số giải pháp cho vấn đề này, bà Lê Thị Thiên Hương ở Đại học Poitiers (Pháp) nhấn mạnh, giải pháp đầu tiên chính là đặt ra khuôn khổ luật pháp rõ ràng, cụ thể và nghiêm khắc cho phát ngôn trên mạng xã hội. Không thể để mạng xã hội trở thành “vùng vô luật”. Ở quy mô giải pháp lớn hơn (vượt khỏi biên giới một quốc gia), năm 2016, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra một “Bộ luật ứng xử” trong đó các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội đưa ra hàng loạt cam kết chống lại phát ngôn thù hận trên mạng tại châu Âu. Rõ ràng là ngoài các quy định pháp lý cụ thể và nghiêm khắc thì các biện pháp nhằm vào việc xử lý nhanh chóng thông báo vi phạm, xóa nội dung vi phạm cũng là điều rất cần thiết.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Quang cho rằng những giải pháp khác cũng cần được lưu tâm trong khi chờ đợi hành lang pháp lý được hoàn thiện. Các thẩm phán không được phép từ chối giải quyết các vụ kiện dân sự ngay cả khi không có điều luật áp dụng theo (quy định trong Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự). Nếu không có quy định pháp luật rõ ràng thế nào là thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân thì tòa án vẫn phải thụ lý để giải quyết đơn kiện thông qua các nguồn luật khác.
“Chúng ta có thể dựa vào bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của châu Âu để giúp ích cho việc giải quyết những vụ kiện liên quan. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật của châu Âu đã khá phát triển. Chúng ta không thể áp dụng hoàn toàn bộ quy tắc của châu Âu vào Việt Nam mà cần lưu ý xây dựng một bộ quy tắc phù hợp với điều kiện và môi trường pháp lý của Việt Nam. Đồng thời, bộ quy tắc cũng phải xây dựng làm sao để không vi phạm các quyền hiến định khác như tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do kinh doanh”, ông Quang nói. 
Ông Cao Hoàng Nam, điều phối viên trưởng Chương trình Internet và Xã hội (VPIS), cho rằng mặc dù trên các trang mạng xã hội đều cài đặt chức năng “thông báo vi phạm” cho phép người dùng báo cáo những nội dung sai sự thật, kích động thù hận, tuy nhiên, việc xóa bỏ còn chậm, không nhiều và chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế. Trước thực trạng này, đã đến lúc buộc các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm nhiều hơn nữa trong việc hạn chế những phát ngôn thù ghét để hướng tới xây dựng môi trường mạng an toàn và công bằng hơn cho người sử dụng tại Việt Nam.
Bà Phạm Hải Chung, đồng Trưởng ban Internet và Truyền thông (VPIS), cho biết theo kết quả khảo sát của VPIS, Việt Nam hiện đang có hơn 35 triệu người sử dụng mạng xã hội (chiếm 37% dân số) với thời lượng trung bình dành cho mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút mỗi ngày. Đây là tỷ lệ cao so với mức độ trung bình toàn cầu là 31%. Dựa trên 1.000 mẫu nghiên cứu khảo sát, 78% người được hỏi tại Việt Nam đều khẳng định đã từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội. Trong các nội dung phát ngôn gây thù ghét, 61,7% người sử dụng mạng xã hội đã từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của những phát ngôn nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và tỷ lệ này ở những nội dung vu khống, bịa đặt thông tin là 46,6%.
TRÁNH BỘ MÁY CỒNG KỀNH, BỊ LẠM DỤNG
PHAN MINH NGỌC/ TBKTSG 25-4-2017
Không cần phải có Ủy ban cạnh tranh quốc gia
Mặc dù việc đưa ra mô hình UBCTQG có thể là kết quả của nhiều cuộc trao đổi và hội thảo chuyên ngành nhưng tự thân nó cho thấy sự lúng túng và bế tắc của các cơ quan hữu trách trong lập pháp và hành pháp.
Hẳn không ít người nhận thấy mấy năm gần đây có một xu hướng là cứ có vấn đề kinh tế - xã hội gì nổi cộm mà chưa được xử lý ổn thỏa thì thế nào cũng sẽ có các kiến nghị với đề xuất thành lập một cái ủy ban liên đới, nhiều đến mức độ có thể coi là “dịch ủy ban”. Chẳng hạn như các đề xuất thành lập Ủy ban tái cơ cấu kinh tế, Ủy ban xử lý nợ xấu, Ủy ban tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Ủy ban về an toàn thực phẩm, Ủy ban quản lý vốn nhà nước, Ủy ban giám sát và kiểm soát nợ công, Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước...
Chỉ cần nhìn vào danh sách sẽ tiếp tục dài thêm của những ủy ban kiểu này thôi là đã đủ “choáng” với hậu quả nhãn tiền là biên chế và bộ máy nhà nước sẽ tiếp tục phình to một cách “đúng quy trình” và ở quy mô và chi phí không thể kiểm soát được, vì mỗi ủy ban sẽ là cả một bộ máy đầy đủ ban bệ từ trên xuống dưới, nhân lên với nhiều ủy ban trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Quan trọng hơn, sự ra đời của những ủy ban này không có gì đảm bảo sẽ xử lý hiệu quả các vấn đề nổi cộm, chí ít vì các ủy ban này chồng chéo, làm thay, giẫm lên chân các cơ quan quản lý nhà nước liên đới khác.
Mặc dù việc đưa ra mô hình Ủy ban Cạnh tranh quốc gia có thể là kết quả của nhiều cuộc trao đổi và hội thảo chuyên ngành nhưng tự thân nó cho thấy sự lúng túng và bế tắc của các cơ quan hữu trách trong lập pháp và hành pháp.
Trở lại với các quy định về UBCTQG trong dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), UBCTQG chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, còn Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cạnh tranh. Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với UBCTQG thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh.
Trong khi đã có Chính phủ “thống nhất quản lý nhà nước”, và bên dưới là cả một bộ máy thực hiện đồ sộ gồm các bộ và UBND thì rõ ràng không cần phải có UBCTQG. Mọi vấn đề vướng mắc, phát sinh trong thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh bởi các cơ quan chuyên trách như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương (cần được Luật Cạnh tranh trao thêm nhiều quyền và nghĩa vụ liên quan trong quản lý nhà nước về cạnh tranh) sẽ được thống nhất giải quyết ở cấp Chính phủ mà không cần phải qua cấp trung gian là UBCTQG. Tạo thêm UBCTQG chẳng khác gì tạo thêm một Chính phủ trong lòng Chính phủ, vô hiệu hóa vai trò của các bộ chuyên trách, và đặt ra câu hỏi nghiêm túc về vai trò và chất lượng hoạt động của Chính phủ nói chung.
Hơn nữa, theo cùng logic trong dự thảo sửa đổi luật này và trở thành một tiền lệ, mỗi một văn bản luật mới ra đời có nhiều khả năng sẽ được đi kèm với sự ra đời của một ủy ban liên đới. Điều này là không thể chấp nhận được vì làm cho bộ máy quản lý nhà nước vốn đã quá cồng kềnh sẽ càng cồng kềnh hơn, kém hiệu quả và gây lãng phí tiền thuế của dân.
Dễ bị lạm dụng
Ngoài những quy định bất hợp lý về sự tồn tại và vai trò của UBCTQG, dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) còn có một số bất hợp lý khác. Điều 4 của dự thảo về quyền cạnh tranh trong kinh doanh quy định hoạt động cạnh tranh phải được tiến hành theo nguyên tắc trung thực, công bằng và lành mạnh, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác, của người tiêu dùng.
Quy định này không rõ ràng, dễ bề bị lạm dụng. Giả sử một nhà sản xuất mì ăn liền bằng phương pháp không chiên quảng cáo rùm beng rằng (phần lớn) các loại mì ăn liền khác hiện nay đều bị chiên, có nhiều chất béo bão hòa không có lợi cho sức khỏe. Chưa biết người tiêu dùng có chuyển sang mua loại mì mới này không nhưng chắc chắn là việc “tự nguyện công bố sự thật” này (đúng là sự thật) sẽ làm sụt giảm doanh số của các nhà sản xuất mì ăn liền truyền thống. Vậy hành vi này có vi phạm Luật Cạnh tranh, có được phép không khi nó vẫn đảm bảo nguyên tắc trung thực, công bằng và lành mạnh, có nghĩa là có sao nói vậy, dựa trên kết quả khách quan, không đâm đối thủ đằng sau lưng, nói xấu đối thủ một cách vô căn cứ, đồng thời vẫn làm lợi cho người tiêu dùng trên cái nghĩa là hạn chế họ ăn các sản phẩm độc hại?
Hay một ví dụ khác. Những đề xuất tương tự sau này như đề xuất về giá sàn vé máy bay gần đây có thể nhân danh Luật Cạnh tranh để được thông qua. Người đề xuất sẵn sàng cung cấp thông tin trung thực, minh bạch từ thực tế kinh doanh của mình để chứng minh rằng giá vé máy bay không thể nào lại là 0 đồng, hay dưới một ngưỡng nào đó (ngưỡng sàn) khi tính đầy đủ các loại chi phí. Việc hãng hàng không nào bán vé 0 đồng được quy cho là cạnh tranh không công bằng, lành mạnh để gia tăng thị phần nhằm hạ chi phí và tăng lợi nhuận sau này, xâm phạm đến lợi ích của doanh nghiệp khác (thua lỗ), lợi ích của Nhà nước (thất thu thuế), lợi ích công cộng (an toàn bay bị uy hiếp do cắt giảm chi phí liên quan), và của người tiêu dùng (chất lượng phục vụ giảm sút, sẽ phải mua vé giá cao sau này khi hàng bay giá 0 đồng thâu tóm được thị trường).
Ngoài ra, một hành vi sẽ không bao giờ có thể đảm bảo quyền, lợi ích cho mọi đối tượng có liên quan cùng một lúc. Nếu hành vi quảng cáo mì ăn liền hay đề xuất áp giá sàn vé máy bay nói trên được chấp thuận thì chúng chỉ có thể đảm bảo lợi ích cho một số đối tượng và sẽ xâm phạm lợi ích của một số đối tượng khác. Ví dụ, đề xuất giá sàn vé máy bay làm lợi cho các hãng hàng không “không thể bay rẻ” nhưng đồng thời cũng xâm phạm lợi ích của các hãng hàng không giá rẻ (0 đồng) và của hành khách khi phải mua vé đắt hơn.
Như vậy, một mặt cần quy định rõ ràng hơn điều 4 này để tránh tình trạng bị lạm dụng theo kiểu muốn hiểu, vận dụng kiểu gì cũng đúng. Mặt khác, cần có một cơ chế về thanh tra, phúc khảo một cách độc lập các quyết định, phán quyết về cạnh tranh để tránh tình trạng các quyết định, phán quyết này bị sai hay thiếu sót, không công tâm, mang màu sắc lợi ích nhóm. Dự thảo luật hiện chưa có những quy định liên quan đến các vấn đề này.
Những bất hợp lý khác
Tương tự, khoản 4, điều 5 của dự thảo luật liên quan đến chính sách của Nhà nước về cạnh tranh, nêu: “Kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa chính sách cạnh tranh với chính sách thương mại, chính sách công nghiệp và chính sách điều tiết ngành”. Sự kết hợp này cụ thể nhằm mục đích gì, đồng bộ và hiệu quả như thế nào? Liệu điều này có thể bị lạm dụng để mở đường cho những quyết định hạn chế cạnh tranh, ảnh hưởng người tiêu dùng như tăng thuế nhập khẩu để bảo vệ lợi ích của một nhóm nhà sản xuất nội địa dưới danh nghĩa là để phục vụ chính sách công nghiệp hóa, tạo công ăn việc làm?
Trong điều 6 về hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, khoản 1 quy định cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được chỉ định mua, bán hàng hóa, dịch vụ với doanh nghiệp được các cơ quan này chỉ định trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
Quy định này không hợp lý ở chỗ độc quyền nhà nước về hàng hóa và dịch vụ không có nghĩa là độc quyền nhà nước về doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và dịch vụ đó. Kể cả có một doanh nghiệp nhà nước duy nhất sản xuất một loại hàng hóa độc quyền nhà nước, ví dụ như thuốc lá điếu, thì ít nhất cũng phải cho phép các đại lý được tự do cạnh tranh trong việc cung cấp thuốc lá với giá khác nhau, tùy theo mức độ chấp nhận hoa hồng của mỗi đại lý, chứ không nhất thiết phải bắt người tiêu dùng chỉ được mua tại đại lý X, Y, Z...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét