Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

20170417. QUANH VỤ ĐỒNG TÂM, MỸ ĐỨC, HÀ NỘI

ĐIỂM BÁO MẠNG
DÂN ĐỒNG TÂM MUỐN THÔNG ĐIỆP CỦA HỌ KHÔNG BỊ HIỂU SAI
BBC/ BVB 16-4-2017
Vụ người dân ở Mỹ Đức, Hà Nội bắt giữ cảnh sát cơ động vẫn chưa có hồi kết trong tranh chấp đất đai.
Bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam đề cập về việc Công an Hà Nội vừa bắt giữ bốn công dân gây rối trật tự ở địa bàn này.
"Ngày 16/4, Công an thành phố Hà Nội cho biết ngày 30/3/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội theo quy định tại Điều 245-Bộ luật Hình sự," bản tin cho hay.
"Ngày 15/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt giữ bốn công dân về hành vi gây rối trật tự công cộng để điều tra, làm rõ."
"Một số công dân do thiếu hiểu biết pháp luật đã có hành vi cản trở và tổ chức giữ người trái pháp luật đối với cán bộ chiến sĩ công an Hà Nội," Thông Tấn Xã ViệtNam cho hay.
Hôm 16/4, qua điện thoại, người trực ban của Công an huyện Mỹ Đức đề nghị không nêu danh tính, nói với BBC: "Có xảy ra việc người dân bắt giữ tổng cộng 32 người gồm cảnh sát cơ động và một số người thuộc ban ngành khác từ hôm qua."
"Hiện chưa có thông tin gì thêm về những người này và họ chưa có liên lạc về đơn vị."
"Về thông tin những người này bị tẩm dầu vào quần áo như trên mạng xã hội đưa tin thì chưa được xác thực."
"Hiện Công an huyện Mỹ Đức đang tăng cường quân xuống địa bàn này."
BBC gọi cho ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội nhưng ông nói "Tôi đang bận" và cúp máy.
'Quyền lợi chính đáng'
Trả lời BBC hôm 16/4, nhà hoạt động Lã Việt Dũng, người vừa tiếp cận người dân Đồng Tâm, Mỹ Đức, nói: "Do tôi bị báo nhà nước tuyên truyền là 'phản động' nên bà con vùng này nói rõ là họ muốn thông điệp của họ không bị hiểu sai đi."
"Họ nói họ chỉ đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng, không đấu tranh chính trị, tôn giáo nên đề nghị các đảng phái, các nhóm dân sự độc lập, các tổ chức tôn giáo chỉ trợ giúp từ xa, không cử người đến đưa tin để làm phức tạp thêm tình hình."
"Bà con muốn nói rằng việc cưỡng chế đất đai ở đây là hoàn toàn sai trái."
"Người dân không động vào đất quân sự mà chỉ muốn bảo vệ đất nông nghiệp của họ."
Ông Dũng cũng cho hay rằng người dân nói những cảnh sát cơ động bị bắt giữ "được cho ăn uống đầy đủ, cho gọi điện về gia đình đề nghị làm giấy bảo lãnh đến nhận người và không ai trong số này bị thương tích."
"Giờ thì người dân ở Mỹ Đức rất đoàn kết đồng lòng và chỉ mong muốn trung ương cử đại diện xuống giải quyết thấu đáo."
"Tôi rất mong chính quyền trung ương có biện pháp giải quyết ôn hòa và xem vấn đề đất đai là vấn đề cốt tử của đảng Cộng sản Việt Nam."
Cùng ngày, ông Nguyễn Đình Hà, luật gia, cựu ứng viên tự đề cử đại biểu Quốc hội năm ngoái, nói với BBC: "Theo tôi thấy, đây là thành quả chống "diễn biến hòa bình" của đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam, khi mà người dân đã phải chọn bạo lực để bảo vệ cuộc sống và đất đai của họ.
"Chúng ta cũng thấy rằng, nguyên nhân xuất phát ban đầu là từ hành xử và thái độ của chính quyền đối với người dân."
Vấn đề đất đai hiện đang nhức nhối trong xã hội Việt Nam, bởi chính sách sở hữu đất đai bất cập, khiến quyền lợi của người dân bị đe dọa và không được bảo vệ trong hệ thống tư pháp không độc lập.luật gia Nguyễn Đình Hà
"Chính quyền chọn vũ lực và trấn áp, có sử dụng cả xã hội đen, dẫn đến việc người dân "con giun xéo mãi cũng quằn" mà phải phòng vệ lại bằng bạo lực."
"Vấn đề đất đai hiện đang nhức nhối trong xã hội Việt Nam, bởi chính sách sở hữu đất đai bất cập, khiến quyền lợi của người dân bị đe dọa và không được bảo vệ trong hệ thống tư pháp không độc lập."
Ông Hà cũng nói thêm: "Một khi chính quyền hành xử không theo luật, thì đừng đòi hỏi người dân phải làm theo luật hay hiểu pháp luật. Thượng bất chính, hạ tắc loạn."
"Tôi nghĩ rằng, nếu muốn giải quyết vấn đề, phía chính quyền nên thay đổi tư duy, thái độ và lối hành xử của họ đối với người dân và tôn trọng các giá trị pháp quyền, nhân quyền."
Hôm 16/4, BBC đã liên hệ Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức nhưng không nhận được phản hồi.
Năm 2010 cũng tại huyện Mỹ Đức đã xảy ra ra vụ giáo xứ Đồng Chiêm va chạm với chính quyền.
Truyền thông nhà nước thời điểm ấy tường thuật: "Việc Ban hành giáo của giáo xứ Đồng Chiêm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, tự ý xây dựng trái phép Thánh giá trên đỉnh núi Chẽ thuộc thôn Đồng Chiêm đã gây bức xúc trong dư luận."
"Cơ quan chức năng đã tiến hành tháo dỡ công trình trái phép này theo đúng trình tự pháp luật."
"Việc linh mục Nguyễn Văn Hữu kích động giáo dân và các phần tử khác chống đối lại chính sách nhà nước, bóp méo sự thật khiến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã An Phú trở nên phức tạp," trang VietnamNet năm 2010 viết.
Sau vụ này AFP có bài nói phóng viên người nước ngoài của họ bị chính quyền ngăn không đến huyện Mỹ Đức ' vì lệnh cấm từ trên'.
(BBC)
HÀ NỘI KÊU GỌI NGƯỜI DÂN MỸ ĐỨC THẢ CÔNG AN BỊ BẮT GIỮ
Nhóm pv VNEx 16-4-2017

ha-noi-keu-goi-nguoi-dan-my-duc-tha-cong-an-bi-bat-giu

Xã Đồng Tâm cách trung tâm Hà Nội hơn 30 km.

Hơn 30 người trong đó có nhiều cảnh sát cơ động đã bị một số người dân xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) bắt giữ đưa về Nhà văn hóa xã chiều 15/4. Chính quyền đang tích cực tháo gỡ tình hình.

Chiều 16/4, Thành ủy Hà Nội ra thông điệp kêu gọi thả những người thực thi công vụ đang bị giam giữ trái pháp luật. "Đề nghị chấm dứt mọi hành vi vi phạm pháp luật", Hà Nội kêu gọi.
Theo Thành ủy, gần đây tại xã Đồng Tâm liên tục xảy ra tình trạng vi phạm đất đai. Thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp giải quyết, đối thoại nhưng tình hình "ngày càng trở nên nghiêm trọng". 
Trước đó, ngày 30/3 Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố) khởi tố vụ án hình sự Gây rối trật tự công cộng. Ngày 15/4, cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt 4 người tại Mỹ Đức do cáo buộc có liên quan vụ án. 
Tuy nhiên quá trình thực thi lệnh bắt đã gặp phải sự phản ứng từ nhiều người dân. Hơn 30 người, trong đó có nhiều cảnh sát thuộc trung đoàn cảnh sát cơ động đã bị người dân bắt giữ và đưa về hội trường nhà văn hóa thôn Hoành.
Trưa 16/4, phóng viên VnExpress ghi nhận tại đây rất đông người dân lập nhiều chốt tại các ngả đường dẫn vào thôn. Khu vực nhà văn hóa có tường bao, cổng sắt được khóa kín. Tất cả cửa sổ khung nhôm kính đều được cài chặt. Khoảng 30 người tụ tập bên ngoài. Từng tốp cầm gậy đứng bao quanh.
Phía sau nhà văn hóa xếp nhiều can nhựa. Bên hông nhà có 2 căn phòng nhỏ chứa nhiều chai lọ và bao tải, bốc mùi khó chịu. Lối vào sâu trong thôn xuất hiện hàng chục khúc gỗ lớn nằm ngay trên đường. 
Trao đổi với VnExpress, một người dân tên Loan cho biết: "Các cảnh sát được chúng tôi cung cấp đồ ăn, nước uống đầy đủ và đối xử lịch sự".
Giải thích về việc bắt giữ cảnh sát, hai người đàn ông nhận là đại diện người dân cho biết, họ muốn chính quyền thả những người trong xã đã bị bắt chiều qua.
"Nguyện vọng của dân các thôn trong xã muốn việc thu hồi, giải phóng mặt bằng được thực hiện đúng quy định", một phụ nữ đứng canh ở nhà văn hóa nói.
Theo Thành ủy Hà Nội, các cơ quan chức năng đang tích cực giải quyết rốt ráo vấn đề nhằm ổn định tình hình với ưu tiên giải thoát cho những người bị bắt giữ.
Chính quyền đề nghị người dân bình tĩnh hợp tác, không để bị kích động, đảm bảo an toàn tính mạng cho những người đang thực thi nhiệm vụ.
Nhóm phóng viên
ĐỪNG NGHĨ MƯU ĐỂ THẮNG DÂN
TRƯƠNG HUY SAN/ BVN 17-4-2017
Người dân Đồng Tâm, Mỹ Đức đang rủi ro sinh mệnh pháp lý của mình khi đối đầu với chính quyền. Nhưng đấy là quy luật của muôn đời. Lãnh thổ thiêng liêng với một quốc gia như thế nào thì đất đai cũng trở thành máu thịt với người dân như thế.
Kể từ Luật Đất Đai 1993, các quyền của người dân đối với đất đai đã được trả lại cho dân gần như là quyền về tài sản. Bộ Luật Dân Sự 1995 tiếp tục minh định điều đó khi coi "5 quyền" của người sử dụng đất của dân là quyền dân sự. Từ Hà Giang tới Phú Quốc, người dân thực sự là chủ trên mảnh đất của mình cho đến khi có những "nhà đầu tư" bắt tay dưới gầm bàn với chính quyền, nhân danh các dự án, thu hồi đất của họ với giá rẻ mạt rồi bán lại với giá ngất ngưởng rồi trở thành tỷ phú.
Sở dĩ các địa phương có thể làm được điều này là vì Luật trao cho chính quyền từ cấp huyện trở lên quyền thu hồi đất. Điều 27, Luật Đất Đai 1993 quy định khá chặt chẽ các trường hợp bị thu hồi. Luật sửa đổi 2003 tuy mở ra cho chính quyền quyền thu hồi đất đai vì "mục đích phát triển kinh tế" nhưng vẫn còn rất giới hạn. Từ năm 2007, khi các "nhóm đặc quyền đặc lợi" bắt đầu lộng hành, Chính phủ đã ban hành hai Nghị định 84 & 181, bổ sung khái niệm "Nhà nước thu hồi đất để phát triển các dự án phát triển kinh tế quan trọng". Từ đây, chính quyền các cấp càng lộng hành.
Nếu như "sở hữu toàn dân"(SHTD) được coi là quan hệ cuối cùng mang chút "nội hàm" xã hội chủ nghĩa thì "thu hồi đất" lại là dấu hiệu có ý nghĩa nhất còn lại để xác lập SHTD. Có thể những người bảo vệ chế độ cần SHTD như một liều thuốc an thần nhưng chính họ đêm qua lại đang mất ngủ.
Có thể giờ này Chính quyền đang nhìn vụ Đồng Tâm như nhìn một vụ án. Đừng nghĩ mưu để thắng dân. Nếu như các vị chưa học được gì sau "Quả bom Đoàn Văn Vươn" thì nên ngồi lại sau vụ Đồng Tâm. Cái gốc vấn đề vẫn là SHTD. Thời bao cấp thì nó làm cho toàn dân đói kém, thời kinh tế thị trường thì nó làm cho toàn dân bất an. Việc cần làm ngay là Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải đình chỉ quyền thu hồi đất của chính quyền địa phương trước khi bãi bỏ nó.
Xôi thịt thì "nhóm lợi ích" ăn chia với bọn tham nhũng cấp huyện cấp tỉnh. Sự bất ổn chính trị thì đe dọa trước hết các nhà lãnh đạo Trung ương. Đừng đẩy dân vào thế phải đối đầu chỉ vì các nhà làm chính sách muốn tự ru ngủ mình trong các ngôn từ sáo rỗng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét