Việt Nam là nước đa tôn giáo. Mặc dù nguồn gốc, đặc điểm và thời điểm hình thành, phát triển của mỗi tôn giáo có khác nhau, nhưng nhìn chung các tôn giáo luôn có tinh thần bao dung, đoàn kết, gắn bó trong đại gia đình các dân tộc, tôn giáo Việt Nam. Cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, hòa chung cùng niềm vui và nỗi đau của dân tộc trong những thời khắc lịch sử, góp phần phát triển và làm rạng rỡ nền văn hoá Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc. Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tôn giáo đã đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và tiếp tục phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều chức sắc tôn giáo, tăng ni, phật tử đã làm tốt việc đạo, việc đời, hướng dẫn tín đồ chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa yêu nước” được ghi nhận và tôn vinh.
Nhận thức đúng vai trò của các tôn giáo và các tín đồ tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta luôn có quan điểm, chính sách đúng đắn về vấn đề này và khẳng định: “Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”; trên cơ sở đó, thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hệ thống giáo lý, giáo luật và quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật. Chính sách tôn giáo đúng đắn đó đã có tác dụng cổ vũ, động viên đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo phấn khởi, chung sức, chung lòng cùng cộng đồng, làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc.
Thế nhưng với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, thù địch và dã tâm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, các thế lực thù địch, phản động đang điên cuồng chống phá Đảng, Nhà nước ta thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình” với mọi thủ đoạn tinh vi, thâm độc. Trong đó, lợi dụng vấn đề “tôn giáo” được chúng sử dụng như một vũ khí đặc biệt quan trọng để xuyên tạc, vu khống, kích động, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm mất ổn định chính trị-xã hội, tiến tới chuyển hóa chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Phương thức hoạt động chủ yếu của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị là kích động tâm lý mặc cảm, tư tưởng chống đối, hậu thuẫn về vật chất, tinh thần đối với những phần tử bất mãn, cực đoan, quá khích trong các tôn giáo; thúc đẩy thành lập các hội đoàn trái pháp luật trong xứ đạo để thách thức, chống phá chính quyền. Cùng với đó, chúng tiến hành các hoạt động chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng, gây hoang mang dư luận về sự đối lập hệ tư tưởng giữa “hữu thần” với “vô thần”, giữa thế giới quan tôn giáo với thế giới quan cộng sản hoặc vu cáo, xuyên tạc “Cộng sản diệt đạo”, “Nhà nước đàn áp tôn giáo”; từ đó, kích động mâu thuẫn, tập hợp lực lượng, tổ chức biểu tình, gây rối trật tự, mất ổn định an ninh chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn...
Đáng chú ý, thời gian qua, lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành xã hội của chính quyền các cấp về vấn đề đầu tư, ô nhiễm môi trường, giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa, … các phần tử cực đoan trong tôn giáo nói chung, công giáo nói riêng, ra sức “bới lông, tìm vết”, tổ chức các hoạt động vi phạm pháp luật Nhà nước, trái với giáo lý tôn giáo. Mới đây, trên trang mạng tiếng Việt của một hãng truyền thông nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam tung lên bài viết “Ô nhiễm môi trường đe dọa ổn định ở Việt Nam”, xuyên tạc rằng: “… hầu hết người Việt Nam bất bình với Đảng Cộng sản đã cho phép một công ty nước ngoài xả độc ra biển. Nhiều người dân miền Trung đã tham gia các cuộc biểu tình đòi Formosa và Chính phủ bồi thường quyền lợi thích đáng. Kể cả nhiều người không bị ảnh hưởng vì thảm họa này cũng bày tỏ sự bất bình...”(!),... Thế là ngay lập tức, những kẻ bất đồng chính kiến, những “nhà đấu tranh dân chủ”, một số tổ chức phản động nhân cơ hội này “theo đóm ăn tàn”, “tát nước theo mưa” nhao nhao hô hào, cổ súy “thúc giục mọi người chung tay để đấu tranh với vấn đề Formosa”. Lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta và được sự tiếp tay của các thế lực phản động bên ngoài, những kẻ cực đoan đội lốt tôn giáo kêu gọi, kích động giáo dân tụ tập, biểu tình, tuần hành, gây rối, tấn công người thi hành công vụ, đập phá phương tiện, cản trở hoạt động giao thông, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Khi chính quyền thực thi chức trách theo quyền hạn thì chúng vu cáo cơ quan chức năng “đàn áp, bắt giữ và đánh đập” người tham gia biểu tình; tán phát trên mạng xã hội “Thư ngỏ”, “Bản lên tiếng”, “Kháng thư”,… với nội dung vu cáo chính quyền bao che cho Formosa, “đàn áp, đánh đập” những người đi khiếu kiện đòi quyền lợi, kêu gọi người dân khởi kiện Formosa ra Tòa án hình sự quốc tế, “cùng đứng lên đuổi Formosa khỏi Việt Nam”,...
Với mưu đồ chống phá đến cùng, những kẻ cực đoan đội lốt tôn giáo đẩy mạnh tuyên truyền, kích động “con chiên ngoan đạo” rằng: “Không ngừng duy trì nhiệt huyết và tính liên tục của các cuộc tuần hành, tụ tập đông người phản đối chính quyền và yêu cầu Formosa ra khỏi Việt Nam vào chủ nhật hằng tuần. Các cuộc tuần hành cần tập trung vào một số địa điểm nhạy cảm, đông người, như: Nhà riêng các lãnh đạo địa phương, công sở, khu công nghiệp, … tại Nghệ An, Hà Tĩnh. Lấy vụ việc Formosa làm điểm nhấn để tăng cường khoét sâu mâu thuẫn giữa giáo dân nói riêng và nhân dân nói chung với chính quyền địa phương” và ủng hộ cái gọi là “cuộc chiến” hiện tại của giáo dân. Không những thế, họ còn thay đổi phương thức tụ tập sao cho bảo đảm tính thường xuyên, liên tục và sinh hoạt, hoạt động sản xuất của giáo dân. Mưu đồ của họ là “chia giáo xứ thành nhiều bộ phận theo các họ đạo, thay nhau tụ tập vào các ngày nghỉ, ngày chính quyền tổ chức cấp phát tiền đền bù, khi cần thiết mới huy động toàn xứ đạo tham gia; thay đổi quy luật, cách thức tụ tập tuần hành...
Tiếp tay cho hành động đó, Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế/BNG (USCIRF) đã công bố tài liệu tổng kết tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, với những đánh giá thiếu khách quan khi cho rằng: Việt Nam chưa thực sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo. Tình trạng xâm phạm tự do tôn giáo vẫn diễn ra, nhiều nơi chính quyền địa phương và lực lượng an ninh thường xuyên sách nhiễu, phân biệt các tổ chức tôn giáo, bắt giữ những người “đấu tranh” cho tự do tín ngưỡng tôn giáo; đề nghị Chính phủ Mỹ cần sớm đưa Việt Nam trở lại danh sách những nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (CPC). Cùng với đó, các thành viên của cái gọi là “Đảng Việt Tân”, trú tại Mỹ thông qua các trang mạng tuyên truyền, xuyên tạc rằng: Đến thời điểm hiện tại (ngày 16-3-2017), Chính phủ Việt Nam “mới đền bù thiệt hại được một phần cho ngư dân, số tiền còn lại các cơ quan chức năng của Việt Nam gửi ngân hàng để chia chác kiếm lợi”; đồng thời, yêu cầu Việt Nam “đóng cửa” Công ty Formosa!... Thật nực cười! Chẳng hiểu họ lấy thông tin từ đâu, với tư cách gì mà có những nhận định và đòi hỏi hồ đồ như vậy. Phải chăng đây là hành động “vì dân, vì nước” của các nhà dân chủ, tổ chức lưu vong? Không, hoàn toàn không! Thực chất đó là những luận điệu lạc lõng, hại dân, hại nước, trò “lập lờ đánh lận con đen”, “đổ thêm dầu vào lửa” hòng đánh lừa dư luận, can thiệp vào tình hình tôn giáo ở Việt Nam, nhưng không che mắt được ai. Hành động của họ không vì cuộc sống của đồng bào ngư dân miền Trung mà chỉ là nhằm lợi dụng “vấn đề formosa” để kích động chống Đảng, Nhà nước và chế độ ta!
Chúng ta đều biết, đã gần một năm trôi qua, sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra là một thảm họa lớn nhất xảy ra tại Việt Nam từ trước đến nay. Để khắc phục hậu quả đó, Đảng, Chính phủ, các ban ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt bằng các giải pháp đồng bộ nhằm sớm ổn định cuộc sống và lao động của bà con ngư dân các tỉnh miền Trung. Với nỗ lực đó, đại diện Công ty Formosa đã phải công khai nhận trách nhiệm và hứa sẽ không tái phạm; đồng thời, cam kết bồi thường 500 triệu USD (tương đương hơn 11.000 tỷ đồng Việt Nam) để khắc phục sự cố nghiêm trọng này. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về mức bồi thường thiệt hại cho bà con ngư dân tại 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế bị thiệt hại vì sự cố môi trường biển, theo 7 nhóm đối tượng, gồm: Khai thác hải sản; nuôi trồng thủy sản; sản xuất muối; hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; thu mua, tạm trữ thủy sản. Các địa phương trong diện được đền bù đã thành lập ban quản lý, điều hành cấp phát cho bà con theo các nhóm đối tượng; Quy chế Dân chủ ở cơ sở được phát huy; những nơi làm chưa đúng được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời. Đến nay, hầu hết những người bị thiệt hại đã được đền bù và đều hài lòng, phấn khởi trước sự quan tâm hỗ trợ thỏa đáng của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, tạo niềm tin vững chắc để họ tiếp tục yên tâm bám biển, vươn khơi đánh bắt hải sản, cải thiện cuộc sống gia đình, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Thực tế là vậy, nhưng các thế lực phản động, phần tử cực đoan trong tôn giáo không những không thừa nhận, mà còn cố tình lờ đi như người không có mắt, hơn thế còn ra sức xuyên tạc, bịa đặt, “bóp méo sự thật”, “đổi trắng thay đen” về những gì đang diễn ra trên mảnh đất này. Thật nực cười, trớ trêu!
Sự chống phá quyết liệt của những kẻ cực đoan trong tôn giáo cùng sự “hà hơi, tiếp sức” của các thế lực thù địch bên ngoài nguy hiểm ở chỗ làm cho một số người “nhẹ dạ cả tin” trong bà con giáo dân lầm tưởng rằng việc làm đó là đi theo “tiếng gọi của Chúa” mang phúc lộc cho các con chiên ngoan đạo để rồi nghe lời xúi giục kích động của họ tham gia tụ tập, biểu tình, gây rối vi phạm pháp luật.
Chúng ta hãy cảnh giác, chủ động và tích cực đấu tranh lật tẩy những mưu đồ đen tối, những kẻ đeo mặt nạ trá hình đội lốt tôn giáo trước ánh sáng công lý và pháp luật. Đó là việc cần làm nhất thiết phải làm của tất cả những người Việt Nam yêu nước chân chính.
A LÂM  
MỘT TÀI LIỆU NÊN ĐỌC VỀ TÌNH TRẠNG XUỐNG CÂP BI ĐÁT CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
NGUYỄN VĂN HUY/ Thông luận rpg 4-42017
Cảnh giác trước mưu đồ lợi dụng "tôn giáo" để kích động, gây rối, phá hoại , đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân và được báo Giáo Dục Việt Nam đăng lại hoàn toàn không có gì mới cả về thông tin lẫn lý luận. Có lẽ nó cũng không phải là nguyên văn bài viết trên báo Quân Đội Nhân Dân vì báo GDVN thay vì nêu tên tác giả ghi là "Theo báo Quân Đội Nhân Dân". Bài báo này thoạt mới đọc qua có vẻ không tiết lộ gì cả. Đó là vì điều mà nó thực sự tiết lộ quá lớn : Đảng Cộng Sản Việt Nam đã xuống cấp một cách thê thảm.
"Đến nay, hầu hết những người bị thiệt hại (trong vụ Formosa) đã được đền bù và đều hài lòng, phấn khởi trước sự quan tâm hỗ trợ thỏa đáng của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp" (sic). 
Bài báo ngây ngô một cách khó tưởng tượng. Tác giả viết lăng nhăng, bất chấp những sự thật mà tất cả mọi người Việt Nam đều đã biết và bất chấp cả lý luận. Thí dụ : "Đến nay, hầu hết những người bị thiệt hại (trong vụ Formosa) đã được đền bù và đều hài lòng, phấn khởi trước sự quan tâm hỗ trợ thỏa đáng của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp" (sic). 
Nhưng tại sao lại có thể có một bài báo như vậy ? Đảng cộng sản đã cầm quyền gần nửa thế kỷ trên cả nước, đã có bốn triệu rưỡi đảng viên, những phương tiện rất dồi dào và không biết bao nhiêu trường đảng, trường viết văn v.v. mà một bài báo như bài này có thể được đăng trên tờ Quân Đội Nhân Dân, tiếng nói của quân đội, rồi lại được tờ báo của Bộ Giáo Dục cho là hay và đăng lại ? 
Trình độ lý luận của bài viết không ngang tầm với một người làm việc trong cơ quan mang tên Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân, nghĩa là quá tệ. Bài báo chẳng có bố cục gì cả, chỉ gặp đâu viết đó, bài viết chỉ là một bản kiệt kê những gì một một cán bộ cấp trung đã được học tập. Phải chăng vì tất cả mọi chức vụ đều có thể mua được và vấn đề khả năng không đặt ra ? Có lẽ chính vì thế mà tên tác giả (A Lâm) mang hơi hướm Trung Hoa nên Ban biên tập báo GDVN điện tử chỉ ghi là "theo Quân Đội Nhân Dân". 
Nên lưu ý, từ nhiều năm qua, báo Quân đội Nhân dân đã thay Tạp chí Cộng sản về mặt tuyên truyền và lý luận để bênh vực chủ nghĩa cộng sản và chống diễn biến hòa bình. Cũng từ nhiều năm qua, hàng năm những sĩ quan ưu tú trong Tổng cục Chính trị đều được đưa sang Trung Quốc huấn luyện nghiệp vụ theo những thỏa thuận đã ký kết giữa hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam. Tác giả A Lâm có thể là một trong những sĩ quan đã được đưa sang Trung Quốc huấn nghiệp và trở về làm việc trong Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. 
Nên lưu ý, từ nhiều năm qua, báo Quân đội Nhân dân đã thay Tạp chí Cộng sản về mặt tuyên truyền và lý luận để bênh vực chủ nghĩa cộng sản và chống diễn biến hòa bình và tự chuyển biến. Cũng từ nhiều năm qua, hàng năm những sĩ quan ưu tú trong Tổng cục Chính trị đều được đưa sang Trung Quốc huấn luyện về nghiệp vụ theo những thỏa thuận đã ký kết giữa hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam. Tác giả A Lâm có thể lực lượng một trong những sĩ quan đã được đưa sang Trung Quốc huấn nghiệp. 
Nhưng dù ngây ngô đến đâu bài báo cũng không thể phủ nhận hết sự thực. Tác giả bắt đầu bằng câu : "Cùng với vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", "dân tộc", các thế lực thù địch đang lợi dụng vấn đề "tôn giáo" để tạo sự chống phá đa diện nhằm vào Đảng và chế độ ta". Nếu dân tộc, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo đều là những chủ đề có thể dùng để chống lại Đảng thì Đảng là loại đảng nào ? 
Nguyễn Văn Huy
VÁN CỜ WIN-WIN 
SƯƠNG QUỲNH / BVN 4-4-2017
Từ khi Formosa xả thải đầu độc bốn tỉnh miền Trung, có lẽ hai ngày qua là nóng bỏng nhất vì hai cuộc xuống đường của Kỳ Anh - Hà Tĩnh chiếm đường quốc lộ A1 đòi bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra và nhất là vì cuộc biểu tình của người dân xã Phú Yên kéo đến UBND huyện Lộc Hà hôm nay, ngày 3-4 -2017.
Nếu ngày 14-2 dân Song Ngọc đi nộp đơn khiếu kiện bị đàn áp, đánh đập dã man thì hai ngày qua không có cuộc đàn áp chính danh nào từ phía công an, mặc dù an ninh mật vụ, công an cũng dày đặc len lỏi vào người dân.
Nhưng vụ đánh lén và nổ súng đêm qua do công an Lộc Hà gây ra đã dẫn đến cuộc biểu tình rầm rộ hơn 8000 người dân kéo lên UBND huyện Lộc Hà ngày hôm nay để chất vấn và đòi truy tố kẻ gây ra vụ việc đẫm máu đêm qua, là một bằng chứng cho thấy sự phẫn uất của người dân lên đến đỉnh điểm.
Mặc dù tỉnh đã điều 2000 lính, các xe quân dụng và các thiết bị phá sóng liên lạc, nhưng người dân vẫn kiên cường bám trụ tại sân của UBND Lộc Hà đòi công lý. Người dân đã kêu gọi quân đội đứng về phía nhân dân và bảo vệ dân. Thấy tình hình người dân như vậy, chỉ huy quân đội đã xin vào hội ý với lãnh đạo UBND huyện và cuối cùng thì UBND đã phải xin lỗi dân và làm biên bản cam kết sẽ xử những kẻ gây ra vụ đánh dân và nổ súng vào dân.
Một sự kiện lần đầu tiên xảy ra trong tất cả các cuộc biểu tình trên cả nước, đó là chuyện một công an Hà Tĩnh mặc thường phục trà trộn vào dân, đánh dân và gây kích động để lấy cớ đàn áp, đã bị dân phát hiện, đánh gục tại chỗ. Dù lúc đầu chính quyền không thừa nhận là người của công an, nhưng cuối cùng đã phải gọi cầu cứu các Cha xung quanh Giáo Xứ Trung Nghĩa để đàm phán và xin bà con giải tán rút khỏi ủy ban huyện Lộc Hà. Họ đã phải xin bà con tha cho hai nhân viên an ninh đã ném đá vào đám đông trong sân ủy ban. 
Đã đến lúc nhà cầm quyền phải nhìn nhận rõ tình hình đất nước hiện nay, dù bốn vị lãnh đạo cao nhất và Bộ Chính trị cùng toàn thể Quốc hội có cố bưng bít và cố phớt lờ thì các ông bà cũng quá biết đất nước nguy ngập thế nào. Tàu luôn lăm le thôn tính toàn bộ biển đảo. Kinh tế suy thoái trầm trọng, ngân khố rỗng tuếch, nợ nần chồng chất. Ô nhiễm môi trường nặng nề; không chỉ có bốn tỉnh miền Trung bị hậu họa từ Formosa, mà cả 63 tỉnh thành, không ở đâu môi trường không bị hủy hoại. Trung bình một ngày 350 người chết vì ung thư. Miếng ăn đưa lên miệng hàng ngày toàn bị ngấm các chất độc hại. 
Nhà cầm quyền phải biết rằng khi con người đã đứng trước cái chết, trước việc mạng sống bị đe dọa, họ có còn sợ nữa không? Đằng nào cũng chết, thì liệu những chuyện đàn áp, bắt bớ, tù đày còn làm người dân sợ nữa không? 
Hôm nay là miền Trung, ngày mai sẽ từ các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, ngày kia sẽ từ Buôn Ma Thuột, Đak Lak khi sự ô nhiễm từ nhà máy bauxite, nhà máy giấy, v.v. làm đời sống người dân lâm vào cảnh khốn cùng. Người dân khắp nới nổi dậy đòi bồi thương thiệt hại và đòi môi trường sạch để sống, liệu lúc đó có kéo quân đội, công an đàn áp được khắp các tỉnh thành được hay không? Hãy nhìn hôm nay khi dân kéo đến UBND huyện Lộc Hà mà nghĩ đến ngày mai đi các vị. Ngày mai thôi, đừng nghĩ các vị còn thời gian kéo dài nhiều năm nữa.
Có lẽ ván cờ đã rất rõ ở đoạn kết rồi. Để đẹp đẽ nhất các vị hãy hãy chấp nhận win-win. Tức nhà cầm quyền Việt Nam hãy chấp nhận đàm phán với các nhóm xã hội dân sự như ông Chu Hảo đã từng viết thư yêu cầu nhà cầm quyền phải đối thoại. Các nhóm xã hội dân sự sẽ cử người đại diện để đàm phán.
Đẹp đẽ nhất là trả lại quyền phúc quyết cho người dân. 
Nếu những người lãnh đạo Việt Nam bây giờ còn tỉnh táo để cứu mình và cứu Đất Nước khỏi cảnh tàn sát đẫm máu hoặc diệt vong:
HÃY NGỒI XUỐNG VÀ ĐÀM PHÁN VỚI ĐẠI DIỆN CỦA DÂN ĐI KHI CÒN CHƯA QUÁ MUỘN.
Sài Gòn, ngày 3-4-2016 
S. Q.
BIẾN CỐ HÀ TĨNH
PHẠM ĐOAN TRANG/ BVN 4-4-2017
Vào khoảng 9h tối qua (2/4/2017), một nhóm 5 bạn trẻ (ba nam và hai nữ) đến quán café One-One, gần nhà thờ giáo xứ Trung Nghĩa (xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) để uống café và xem bóng đá.
Trong nhóm, có hai nhà hoạt động nhân quyền là Bạch Hồng Quyền (thành viên phong trào Con Đường Việt Nam) và Hoàng Đức Bình (thuộc tổ chức Phong trào Lao Động Việt).
Mọi người đang trò chuyện thì có 5 nhân viên an ninh thường phục bước vào quán. Sở dĩ nhận diện được họ là an ninh thường phục, bởi họ là những gương mặt vốn quen thuộc với những người hoạt động nhân quyền trong địa bàn, và họ cũng đã bám sát để theo dõi Quyền và Bình từ thời gian trước đó.
5 nhân viên an ninh đã kiếm cớ gây lộn với nhóm Quyền, Bình và các bạn. Thấy không khí căng thẳng, Hoàng Đức Bình bỏ ra ngoài lấy xe máy đi về thì bị họ chặn lại, chửi bới. Bình hỏi, “lý do gì mà anh chặn xe tôi?”, an ninh đáp: “Tao thích thì tao chặn đấy, mày làm gì được tao?”.
Nhóm bạn của Bình rút điện thoại ra định quay phim, phía an ninh lớn tiếng: “Tao thách thằng nào quay. Tao đập”. 
Không khí căng thẳng, dẫn tới xô xát. Bình buộc phải nhảy lên xe máy, phóng đi, và nghe có tiếng súng nổ phía sau. Lúc đó là khoảng gần 10h tối.
Anh Bình chạy về nhà xứ Trung Nghĩa gần đó, kêu cứu.
11h đêm, Bạch Hồng Quyền và các bạn khác cũng thoát được. Người nổ súng được xác định là Giáp, Trưởng CA xã Thạch Bằng. Do cuộc xô xát, cãi vã diễn ra trong bóng đêm, mọi người không nhìn được Giáp bắn ai; tuy nhiên, không ai bị thương.
Ngay sau đó, công an kéo đến tụ tập bên ngoài nhà thờ. Linh mục Nguyễn Công Bình (quản xứ giáo xứ Trung Nghĩa) đã rung chuông báo động để bà con giáo dân tới ứng cứu. Xô xát lại nổ ra ở khu vực xung quanh nhà thờ, khi giáo dân kéo đến. Một số người bị công an đập giày vào mặt, một người bị chém vào cổ tay, một người bị đánh thương tích ở đầu. Phía công an cũng có một nhân viên bị dân đánh trọng thương.
Tới nửa đêm, các bên đều rút. Bà con giáo dân đòi linh mục cho tổ chức tuần hành phản đối công an, và tiến hành in băng-rôn ngay trong đêm. (Cuộc tuần hành đã có kế hoạch từ trước, nhằm mục đích đòi chính quyền bồi thường khẩn trương và thỏa đáng cho thảm họa Formosa).
Buổi sáng nay, 3/4, hàng nghìn người, chủ yếu là giáo dân, đã cùng nhau kéo đến UBND huyện Lộc Hà. Trong các yêu sách của họ, có thêm yêu cầu chính quyền trả lời tại sao lại đàn áp dân, và phản đối công an nổ súng bắn dân. Đây là các nội dung mới phát sinh, sau vụ xô xát đêm qua giữa giáo dân và công an.
Vào khoảng 9h sáng, những người biểu tình đã chiếm UBND huyện Lộc Hà. Cán bộ, nhân viên Ủy ban bỏ trốn.
Hàng nghìn cảnh sát cơ động (chưa rõ thuộc Trung đoàn nào) đã được huy động đến địa bàn để bao vây và đàn áp. Tới khoảng 11h trưa nay, một số người đã bị bắt.
Cập nhật lúc 11h40: Mạng điện thoại bị phá sóng, 3G bị cắt từ 11h trưa nên mọi liên lạc từ khu vực UBND huyện Lộc Hà ra ngoài đều bị cắt. Không rõ có ai bị bắt hay chưa, tuy nhiên, có thể thấy tình hình rất căng thẳng.
P. Đ. T.
Phụ lục: Xin xem các video sau (BVN):
CHÍNH QUYỀN LỘC HÀ, HÀ TINH ĐỒNG Ý ĐỐI THOẠI VỚI DÂN VỀ FORMOSA
 VOA/ BVN 4-4-2017
Một cuộc biểu tình lớn của hàng ngàn ngư dân đã diễn ra trong ngày 3/4 ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh và kết thúc trong ôn hòa. Cuộc biểu tình đã buộc chính quyền địa phương phải đối thoại với người dân về những vấn đề liên quan đến vụ ô nhiễm Formosa.
“Có bà chủ tịch hội đồng nhân dân huyện và một người đại diện cho ủy ban huyện đứng ra nói ngày mai [4/4] sẽ ra gặp gỡ bà con. Họ chỉ nói là ra gặp gỡ và trả lời về những vụ việc trên. Thực ra diễn biến trong ôn hòa, nên chỉ có người công an giả dạng côn đồ bị đánh đập. Còn về bà con, mọi người đều không thiệt hại gì về tài sản cũng như thân thể”
-Anh Ngọc Hướng, người địa phương
Anh Ngọc Hướng, một người dân địa phương tham gia biểu tình, cho VOA biết người dân 2 xã Thạch Kim và Thạch Bằng đã tràn vào trụ sở ủy ban nhân dân huyện từ sáng cho đến chiều.
Biểu tình bắt đầu ở Thạch Bằng trong những ngày cuối tháng 3 và tiếp tục cho đến bây giờ. Nhưng cuộc biểu tình ngày 3/4 có quy mô lớn hơn hẳn. Các nguồn tin địa phương tường trình rằng người dân vẫn tiếp tục đòi được đền bù thỏa đáng sau vụ ô nhiễm vị quy trách cho công ty Formosa, nhưng ngoài ra họ còn đòi chính quyền trả lời về cáo buộc rằng công an đã đánh đập dân và một số nhà hoạt động vào đêm hôm trước, tức mồng 2/4, và đã có những hành vi bôi nhọ các vị linh mục và giám mục Giáo phận Vinh.
Hãng Formosa của Đài Loan hồi năm ngoái đã gây ô nhiễm ven biển 4 tỉnh miền trung Việt Nam trong quá trình hoàn thiện một nhà máy thép lớn ở Hà Tĩnh. Hãng đã nhận trách nhiệm và bồi thường 500 triệu đôla cho chính phủ Việt Nam.
Trong nửa cuối năm 2016 đến nay, chính quyền Việt Nam chi trả bồi thường cho những người dân bị thiệt hại. Nhưng đã xảy ra hàng chục cuộc biểu tình lớn nhỏ ở Hà Tĩnh và Nghệ An, vì hàng chục nghìn người cho rằng cách tính toán bồi thường không thỏa đáng.
Trong cuộc biểu tình hôm 3/4 ở huyện Lộc Hà, anh Hướng và nhiều người địa phương ước tính lúc cao điểm có khoảng 7.000 người quanh khu vực nơi đặt trụ sở ủy ban. Hai phần ba số người biểu tình là giáo dân.
Khi người dân tràn vào trụ sở, cán bộ và nhân viên ủy ban đã rời đi. Một số người mô tả “trụ sở huyện đã thất thủ”.
Các nguồn địa phương cũng cho hay chính quyền đã cử hàng nghìn nhân viên công an, an ninh đến khu vực, nhưng không có hành động đàn áp, bắt bớ.
VOA không có điều kiện để kiểm chứng tất cả các thông tin này.
Mặc dù không có đụng độ giữa người biểu tình với công an, song theo anh Hướng, một người đàn ông bị nghi là nhân viên công an mặc thường phục đã trà trộn vào đám đông người biểu tình, dường như có ý định gây rối. Người này đã xô xát với người biểu tình và ông ta đã bị thương.
Đến gần chiều tối, đại diện chính quyền huyện hứa họ sẽ gặp gỡ, đối thoại với dân, và cuộc biểu tình kết thúc trong ôn hòa. Anh Hướng cho biết thêm:
“Có bà chủ tịch hội đồng nhân dân huyện và một người đại diện cho ủy ban huyện đứng ra nói ngày mai [4/4] sẽ ra gặp gỡ bà con. Họ chỉ nói là ra gặp gỡ và trả lời về những vụ việc trên. Thực ra diễn biến trong ôn hòa, nên chỉ có người công an giả dạng côn đồ bị đánh đập. Còn về bà con, mọi người đều không thiệt hại gì về tài sản cũng như thân thể”.
Một nguyên nhân khác làm đông đảo người dân kéo nhau đi biểu tình là vì đêm 2/4 một số người bị nghi là nhân viên an ninh nhà nước mặc thường phục đã gây sự, hành hung một số thanh niên ở xã Thạch Bằng.
...một số công an thường phục họ gây sự với chúng tôi. Đầu tiên họ chặn xe, sau đó họ gây rối. Một tên công an huyện Lộc Hà họ nhảy vào họ đánh chúng tôi. Có một người tên là Giáp, công an xã Thạch Bằng, họ nổ súng họ bắn vào chúng tôi...
- Nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền
Trong số các thanh niên này, có hai nhà hoạt động nhân quyền là Bạch Hồng Quyền, thành viên phong trào Con Đường Việt Nam, và Hoàng Đức Bình, thuộc tổ chức Phong trào Lao Động Việt. Anh Quyền có mặt trong đoàn biểu tình hôm 3/4 kể lại sự việc với VOA:
“Tối hôm qua [2/4], chúng tôi đi cà phê thì có một số công an thường phục họ gây sự với chúng tôi. Đầu tiên họ chặn xe, sau đó họ gây rối. Một tên công an huyện Lộc Hà họ nhảy vào họ đánh chúng tôi. Có một người tên là Giáp, công an xã Thạch Bằng, họ nổ súng họ bắn vào chúng tôi. Hôm nay, người dân xã Thạch Bằng cũng như Thạch Kim kéo ra ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà để yêu cầu chủ tịch UBND huyện Lộc Hà giải quyết việc công an nổ súng vào dân tối hôm qua”.
Anh Quyền nói vụ nổ súng không làm ai bị thương, nhưng những người bị nghi là công an đã “đạp”, “ném đá” và “chém bằng dao” làm anh và ít nhất 9 người dân khác bị thương.
Hầu hết báo chí chính thống của Việt Nam chưa đưa tin về những diễn biến này. Tối 3/4, trang nongnghiep.vn đăng một bài với tít “Cần xử lý nghiêm các đối tượng bao vây trụ sở huyện Lộc Hà”.
Trong bài báo, ông Lê Trung Phước, Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà xác nhận “hàng trăm người dân” đã kéo đến “vây trụ sở UBND huyện”. Ông cho rằng việc làm đó đã “cản trở hoạt động của cơ quan nhà nước” cũng như “ảnh hưởng” đến an ninh trật tự xã hội.
Bài báo dẫn lời vị chủ tịch UBND huyện nói rằng việc làm của người biểu tình là “vi phạm pháp luật”. Ông Phước nói thêm: “Chúng tôi đã … đề nghị lực lượng công an điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng liên quan”.
Ở tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An lân cận, từ năm ngoái đến nay đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình lớn của những ngư dân bị thiệt hại do vụ Formosa. Người dân không chỉ đòi đền bù thỏa đáng mà còn yêu cầu Formosa phải đóng cửa.