Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

20170410. NHÌN LẠI THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG FORMOSA SAU 1 NĂM

ĐIỂM BÁO MẠNG
THẢM HỌA FORMOSA- MỘT NĂM NHÌN LẠI
TRỊNH ANH TUẤN/ BVN 8-4-2017
Kết quả hình ảnh cho formosa get out of vietnam
Phần 1: THẢM HỌA VẪN TIẾP DIỄN
1. Môi trường sau thảm họa
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thảm họa môi sinh trường này sẽ khiến toàn bộ hệ sinh thái khu vực biển miền Trung bị hủy hoại nghiêm trọng và mất vài chục cho đến hàng trăm năm mới có thể khôi phục được. Theo một phóng sự ngắn của báo Dân Việt và Sài Gòn Giải Phóng, rặng san hô trên vùng biển của tỉnh Quảng Bình đã bị hủy hoại hoàn toàn. Chưa có một đảm bảo về tính khoa học nào rằng biển đã an toàn trừ những phát ngôn không có cơ sở của một số lãnh đạo như ông Trương Hòa Bình, Mai Tiến Dũng. Liên tiếp nhiều lần xảy ra những vệt nước đáng nghi màu đỏ xuất hiện quanh khu vực Vũng Áng gần Formosa. Trong một nghiên cứu độc lập, nhóm Green Trees, một nhóm bảo vệ môi trường đã đưa ra kết quả xét nghiệm nước biển lấy từ biển Kỳ Hà, Kỳ Anh vào tháng 2/2017 cho thấy mức độ nhiễm độc là rất nguy hiểm. Gần đây nhất, sáng 4/4/2017, một vệt nước đỏ đáng nghi xuất hiện ngay cầu cảng Vũng Áng ngay trong lúc đoàn kiểm tra môi trường của trung ương đang kiểm tra tại Formosa.
Ngay khi nhận tiền bồi thường từ Formosa, Chính phủ đã tuyên bố rằng sẽ dùng số tiền đó vào việc làm sạch biển. Tuy nhiên đã một năm trôi qua, chưa thấy thông tin nào xác nhận rằng Chính phủ đã tiến hành việc khôi phục lại môi trường biển.
Việc xử lý số lượng cá chết tại bờ biển cũng như xử lý hàng ngàn tấn hải sản nhiễm độc trong các kho đông lạnh cũng hết sức yếu kém. Hàng trăm tấn cá chết dạt bờ chỉ được đem chôn theo phương pháp thủ công. Hải sản nhiễm độc phần lớn không được tiêu hủy theo đúng phương pháp khoa học. Theo một bài báo trên Dân trí và Đại Đoàn Kết thì hàng trăm tấn sứa trữ tại các kho đông lạnh tại xã Thạch Kim và Thạch Bằng hiện đã hôi thối, bốc mùi nhưng chính quyền vẫn không hướng dẫn và hỗ trợ người dân tiêu hủy an toàn. Số sứa hư hại này vẫn đang bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần người dân địa phương.
Những người ngư dân cũng khẳng định rằng số lượng tôm cá trên vùng biển họ đánh bắt đã giảm đáng kể so với năm trước. Không có một báo cáo nghiên cứu cụ thể nào về vấn đề này, nhưng với số lượng cá chết năm ngoái không chỉ dạt vào bờ mà còn chết dưới đáy biển, thì sự giảm sút là không thể không xảy ra.
Đã một năm trôi qua, những mối nguy hại về môi trường không những không được giải quyết mà mối lo ngại vẫn tiếp tục khi Formosa vẫn hoạt động. Theo dự kiến, khi đưa vào sản xuất, lượng chất thải đổ ra môi trường sẽ lớn hơn nhiều lần so với đợt chạy thử nghiệm gây ô nhiễm năm 2016.
2. Kinh tế
Theo báo cáo kinh tế - xã hội cuối năm vào ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thảm họa Formosa đã gây thiệt hại 0.3% GDP. Với 200 tỷ đô la Mỹ GDP trong năm 2016, ước tính thiệt hại chung cho nền kinh tế quốc dân năm ngoái là 600 triệu đô la Mỹ, nhiều hơn số tiền Chính phủ nhận bồi thường từ Formosa. Trước đó, vào tháng 7/2016, Chính phủ đã công bố thiệt hại sơ bộ về thảm họa này với hơn 200 000 lao động và 17 600 tàu cá bị ảnh hưởng; 9 triệu tôm giống bị chết; sản lượng khai thác du lịch chưa tới 50%, nhiều nơi chỉ còn 10-20%,…
Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và cả Nghệ An đều có những báo cáo thiệt hại riêng với những con số rất lớn. Trong báo cáo ở phiên họp Hội đồng nhân dân, Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thông báo rằng GDP của tăng trưởng ở mức -17.06%. Đối với một tỉnh mà thu ngân sách năm 2015 là hơn 10 ngàn tỷ thì đây là con số thảm họa. Tốc độ tăng trưởng của Quảng Bình chỉ đạt 4,2% so với mục tiêu 8%. Đối với Quảng Trị, báo cáo đưa ra là thiệt hại mỗi tháng 98 tỷ đồng. Thừa Thiên - Huế báo cáo thiệt hại là 988,5 tỷ đồng. Nghệ An, một tỉnh không được đền bù theo Quyết định của Chính phủ cũng đề nghị hỗ trợ 415 tỷ đồng.
Hiện tại, với sự lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thủy hải sản so với năm trước chỉ còn ½ làm cho lợi nhuận từ việc đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản vô cùng hạn chế. Các dịch vụ du lịch, thương mại biển vẫn trong tình trạng hết sức bết bát. Các ngành nghề khác liên quan đến biển cũng tiếp tục bị ảnh hưởng theo. Theo thống kê sơ bộ, số lượng người thất nghiệp là 40 000 người, trong đó Hà Tĩnh là 24 500 người. Chính quyền dự định đưa số người này đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, việc xuất khẩu lao động đang gặp khó khăn vì nhiều thị trường xuất khẩu lao động như Hàn Quốc, Đài Loan hạn chế vì số lượng lao động xuất khẩu trốn ở lại với tỷ lệ cao. Vì vậy, người dân tìm cách qua Lào và Thái Lan lao động chui. Báo chí nhà nước đưa tin rằng đầu năm 2017, số lượng người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đổ xô đi làm hộ chiếu, với số lượng hơn 500 người mỗi ngày mỗi tỉnh.
Ảnh hưởng về kinh tế của thảm họa Formosa không chỉ diễn ra trong năm 2016 mà chắc chắn còn ảnh hưởng không nhỏ đối với những năm tiếp theo. Báo cáo kinh tế - xã hội của các tỉnh miền Trung và cả nước quý 1/2017 so với cùng kì năm ngoái đều sụt giảm lớn.
3. Chính trị
Thảm họa Formosa gây ra do sự quản lý, cấp phép và điều hành của Trung ương, địa phương đã được nhận định rõ ràng. Tuy nhiên, việc thông tin thiếu minh bạch, lập lờ cùng với việc xử lý cá nhân sai phạm chậm trễ, có dấu hiệu bao che đã khiến niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trở nên cạn kiệt.
Thảm họa diễn ra từ đầu tháng 4/2016 với nhiều thông tin được người dân và báo chí đưa ra. Ngày 12/04, ông Đặng Ngọc Sơn trả lời báo chí rằng ăn cá an toàn trong khi cá vẫn chết hàng loạt. Ngày 27/4/2016, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường trả lời nguyên nhân cá chết là do thủy triều đỏ. Ngày 28/4, Chu Xuân Phàm, Phó Giám đốc đối ngoại của Formosa Hà Tĩnh trả lời Lan Anh, phóng viên VTC14 rằng: “Chọn thép hay chọn cá?”. Hai sự việc này đã gây ra sự phẫn nộ công chúng. Hàng loạt các cuộc biểu tình đã diễn ra tại Hà Nội, Sài Gòn, Nghệ An,… đã diễn ra. Tệ hại hơn, những cuộc biểu tình này chịu sự đàn áp quyết liệt tại Hà Nội và Sài Gòn làm sự dồn nén càng tăng cao. Thay vì dồn mục tiêu vào Formosa, những người biểu tình dồn sự phản ứng vào chính quyền khi họ cho rằng chính quyền đang thiếu minh bạch trong việc xử lý thảm họa và bao che cho Formosa.
Mãi đến 3 tháng sau, ngày 30/06/2016, Chính phủ mới họp báo công bố thủ phạm chính là Formosa Hà Tĩnh đã xả thải gây ô nhiễm.
Đồng thời tuyên bố đứng ra nhận 500 triệu đô la Mỹ tiền bồi thường từ Formosa. Tuyên bố này làm công luận thêm một lần dậy sóng vì họ cho rằng việc giải quyết thảm họa này tốn ít nhất vài trăm tỷ đô và số tiền 500 triệu đô la là quá ít. Việc phản ứng này hoàn toàn có cơ sở khi báo cáo cuối năm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng thảm họa đã làm mất đi 0.3% GPD. Với khoảng 200 tỷ đô la GDP năm 2016, thì số thiệt hại riêng trong năm là 600 triệu đô la, hơn số tiền Chính phủ nhận từ Formosa. Trong khi đó, chưa tính đến số tiền bồi thường cho người dân, chi phí hành chính để phục vụ quá trình bồi thường, chi phí làm sạch biển cũng như những thiệt hại còn tiếp diễn cho những năm sau đó. Số tiền 500 triệu đô la mà Chính phủ nhận từ Formosa trở thành một chủ đề công kích và đàm tiếu từ người dân khi Chính phủ không hề tính đến thiệt hại cũng như tham khảo ý kiến người dân và chuyên gia. Người dân đã đặt nghi ngại về khả năng lãnh đạo, điều hành của nhà nước khi nhận một số tiền quá ít cho một vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà thủ phạm gần như chỉ đưa một số tiền ít ỏi và phủi tay khỏi mọi trách nhiệm.
Sau khi nhận tiền từ Formosa, Chính phủ tuyên bố sẽ tiến hành bồi thường xong cho người dân trong tháng 8/2016. Tuy vậy, lời hứa chuyển sang tháng 10, rồi tháng 12 và bây giờ tiếp tục hứa đến 6/2017. Quá trình bồi thường hết sức chậm chạp cũng như người dân nhiều nơi cho rằng việc bồi thường không đảm bảo công bằng đã khiến tình hình chính trị tại các địa phương trở nên hỗn loạn. Hàng loạt các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra liên tục từ tháng 10 cho đến tận hôm nay 4/2017. Người dân liên tục biểu tình yêu cầu bồi thường nhanh chóng và thỏa đáng tại các địa phương như tại Quảng Trạch (Quảng Bình), Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Phương, Kỳ Nam (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã làm giao thông nhiều lần bị đình trệ trong nhiều giờ. Các cơ quan hành chính cấp xã, huyện và tỉnh gần như ngày nào cũng có người dân tập trung lên đòi tiền bồi thường. Tình hình nghiêm trọng đến mức ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh phải ra văn bản yêu cầu và quy trách nhiệm cho các huyện, xã không được để người dân kéo lên UBND tỉnh đòi tiền. Tuy vậy, tình hình khiếu nại bồi thường vẫn không hề giảm sút dù rằng trên phương tiện truyền thông Trung ương và địa phương cho rằng người dân gần như đồng tình với việc bồi thường. Ngày 3/4/2017, hàng ngàn người dân tại hai xã Thạch Bằng và Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã chiếm lấy UBND huyện Lộc Hà để yêu cầu bồi thường. Cùng ngày hôm đó, người dân tại Kỳ Phương, Kỳ Nam (TX Kỳ Anh) biểu tình và làm tắc nghẽn giao thông trên quốc lộ 1A hơn 6 giờ đồng hồ tại khu vực Đèo Con, TX Kỳ Anh. Với tình hình này, tình trạng phản đối, khiếu nại việc bồi thường sẽ vẫn tiếp diễn và bức xúc của người dân càng ngày càng lớn hơn vì khả năng xử lý hành chính, đối thoại của địa phương với người dân trong việc bồi thường thực sự có vấn đề nghiêm trọng.
Trong khi đó, tại Nghệ An, một tỉnh không nằm trong danh sách bồi thường của Chính phủ, thì yêu cầu hỗ trợ từ cấp tỉnh lên Trung ương không được chấp thuận. Ngư dân bị thiệt hại không hề nhận được bồi thường. Vì vậy, họ tiến hành thủ tục khởi kiện dân sự Formosa Hà Tĩnh ra Tòa án nhân dân TX Kỳ Anh, nơi Formosa đặt trụ sở. Tuy vậy, chính quyền tìm cách không thụ lý vụ kiện này. 506 lá đơn của người dân xã An Hòa (Quỳnh Lưu) đã bị Tòa trả lại với lý do không hề chính đáng. Hơn 1000 người dân khác tại ba xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thọ và Sơn Hải (Quỳnh Lưu) khi trên đường di chuyển vào Kỳ Anh để nộp đơn kiện thì bị ngăn chặn và đàn áp bằng bạo lực tại Diễn Châu.
Thảm họa Formosa gây ra thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng môi trường hiện tại và tương lai; cùng với đó là cách xử lý thiếu minh bạch, yếu kém và thiếu sự tôn trọng người dân; cùng với mối nghi ngờ về sự bao che đã khiến cho tình hình chính trị tại các tỉnh bị ảnh hưởng trở nên rất mất ổn định. Chính phủ cũng không hề công khai cụ thể 53 lỗi của Formosa là gì khiến cho sự nghi ngờ luôn tồn tại. Chưa khi nào khả năng điều hành, quản lý của chính quyền bị người dân đánh giá tệ hại và niềm tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam đi xuống trầm trọng như hiện nay. Chỉ dấu cho sự thay đổi tích cực không hề tồn tại khi chính quyền vẫn không nhận ra sai lầm cũng như thay đổi một cách triệt để thói quen điều hành đất nước như hiện nay.
5.4.2017
Các nguồn số liệu lấy từ các báo cáo tình hình kinh tế - xã hội các địa phương và trung ương.
Một số nguồn lấy từ báo chí nhà nước.
Phần 2: SAU THẢM HỌA FORMOSA LÀ THẢM HỌA BỒI THƯỜNG
1. Tiến trình bồi thường chậm chạp, gặp nhiều sự phản đối của người dân
Ngày 30/06, Chính phủ tuyên bố nhận 500 triệu đô la tiền bồi thường từ Formosa và chi trả cho người dân trong tháng 8. Đến 1.9, Chính phủ lại trả lời sẽ hoàn thành bồi thường trong tháng 10. Đến hôm nay, lời hứa chuyển sang tháng 6/2017. Ngày 11/10/2016, Bộ Tài chính cho biết đã chuyển 3000 tỷ cho các địa phương đền bù cho dân. Ngày 8/2/2017, Bộ Tài chính chuyển tiếp 1680 tỷ đồng cho đợt 2. Tổng cộng đã chi 4680 tỷ đồng trong số 11 500 tỷ nhận từ Formosa.
Tuy thảm họa diễn ra từ tháng 4, Chính phủ nhận tiền từ cuối tháng 6 nhưng mãi đến 29/09/2016 mới ban hành định mức bồi thường cho người dân. Tuy nhiên, lại bỏ sót nhiều đối tượng bị thiệt hại thực sự. Đến ngày 9/3/2017, chỉ có duy nhất một đối tượng được thêm vào trong Quyết định bổ sung số 309 của Thủ tướng.
Trên các phương tiện truyền thông chính thống đưa tin rằng người dân phấn khởi và đồng tình với quyết định bồi thường của Chính phủ. Nhưng trên thực tế, gần như toàn bộ các địa phương đều có việc khiếu nại, phản đối vì họ cho rằng quá trình bồi thường quá chậm chạp và không công bằng. Một số ít các bài báo online được đưa lên một thời gian ngắn sau đó bị xóa tại trang chủ. Có một chỉ đạo ngầm về việc hạn chế đưa những tin tiêu cực về quá trình này.
Tại Hà Tĩnh, chính quyền thông báo đã chuyển hơn 1000 tỷ đồng tiền bồi thường đến dân nhưng ở các cơ quan hành chính cấp xã, huyện và tỉnh ngày nào cũng có người dân đến đòi tiền. Nhà riêng của Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh và Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch thường xuyên bị người dân khiếu nại đến. Tình trạng khiếu nại còn lên tận Trung ương khi ông Đặng Ngọc Sơn phải ra Hà Nội không ít lần để đàm phán đề nghị. Nhiều người dân ở một số nơi còn liên tục tổ chức các cuộc biểu tình liên quan đến vấn đề bồi thường. Đặc biệt, nhiều cuộc biểu tình ở các nơi như Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Quảng Trạch, Ba Đồn (Quảng Bình),… đã nhiều lần làm tắc nghẽn giao thông trên các tuyến quốc lộ nhiều giờ. Ngày 3/4/2017, người dân còn biểu tình chiếm luôn cả trụ sở UBND huyện Lộc Hà khi các quan chức đứng đầu huyện không xuất hiện để trả lời yêu cầu của họ. Các tỉnh khác cũng diễn ra tình trạng tương tự. Đó là một sự hỗn loạn thực sự trên một địa bàn trải dài vài trăm cây số ven biển.
2. Nguyên nhân của tình trạng người dân phản ứng với quá trình bồi thường
Đầu tiên, là sự chậm trễ, thiếu sót trong các quyết định ban hành từ Trung ương. Nhận tiền từ cuối tháng 6 nhưng đến 29/09, Thủ tướng mới ban hành quyết định 1880 định mức bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nhiều đối tượng thiệt hại thực sự và giá trị lớn đã bị bỏ qua; ví như như các nhà hàng hải sản, khách sạn, khu du lịch. 3/7 đối tượng bị thiệt hại trong quyết định 1880 này không có số tiền cụ thể. Ngày 9/3/2017, PTT Trương Hòa Bình ký quyết định số 309 bổ sung duy nhất một đối tượng là lao động ven biển không thường xuyên, với định mức 1.405 ngàn đồng/tháng và nhà hàng, khách sạn chỉ được bồi thường lao động, những thiệt hại khác không được bồi thường. Đồng thời, các quyết định này nêu rõ chỉ những xã, phường VEN BIỂN mới được bồi thường thiệt hại; những xã phường lân cận dù mức độ thiệt hại như thế nào cũng bị bỏ qua. Chủ nhà hàng Hải Đường, Chương ở bên cầu Hộ Độ (Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) cho biết rằng trong năm 2015 họ đóng thuế gần 500 triệu đồng, nhưng hiện nay đang lỗ nặng mà không được bồi thường gì. Cách tính toán số tiền bồi thường trong nhiều trường hợp rối rắm, phức tạp và vượt quá khả năng của cán bộ địa phương.
Thứ hai, là số tiền bồi thường không đủ so với thiệt hại hiện tại của người dân và chỉ bồi thường trong vòng 6 tháng, từ 4-9/2016, những thiệt hại thời gian tiếp không được quan tâm đến. Những người kinh doanh, buôn bán thủy hải sản cho rằng thu nhập thực tế của họ nếu không có thảm họa lớn hơn nhiều lần so với con số 2 910 ngàn/tháng. Tương tự, những chủ tàu cá, ngư dân khẳng định trước đây thu nhập của họ đủ nuôi sống gia đình, cao hơn số tiền 3 690 ngàn/tháng như mức bồi thường. Hiện tại, nhiều ngư dân đã bỏ nghề để đi làm các công việc khác vì giá hải sản hiện tại quá thấp, không thể tiếp tục theo nghề. Nhiều ngành nghề khác như nuôi trồng hay dịch vụ đều phải tiếp tục tạm dừng hoặc ế ẩm vô thời hạn.
Thứ ba, ở cấp địa phương, trình độ của cán bộ hạn chế và thói quen làm việc quan liêu, thiếu minh bạch. Theo hướng dẫn kê khai thiệt hại từ bộ nông nghiệp, mỗi thôn xóm đều có một ban thẩm định, đánh giá công khai. Tuy nhiên, với trình độ hạn chế và kiểu cửa quyền, văn hóa quen thân khiến nhiều người dân bức xúc. Cụ thể là có một Thôn trưởng tại Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh đã bị ném mìn vào nhà vì vấn đề này. Khi hồ sơ kê khai được cấp xã, huyện thì nhiều trường hợp bị đưa ra khỏi danh sách bồi thường mà không được thông báo lý do. Người dân ở xã Kỳ Phương và Kỳ Nam, Kỳ Anh nhiều lần chặn đường quốc lộ 1A để phản đối vì khi niêm yết danh sách bồi thường, họ bất ngờ bị gạch tên và thôn trưởng hay ban thẩm định ở thôn, xóm đều không được hỏi ý kiến hay biết lý do là gì. Bức xúc của người dân càng tăng cao hơn khi khả năng đối thoại của địa phương thực sự yếu kém. Người dân lên cơ quan hành chính chất vấn thì các quan chức chịu trách nhiệm tìm cách né tránh và ít khi giải đáp một cách thỏa đáng những yêu cầu từ phía người dân.
Thứ tư, từ phía người dân, vẫn tồn tại nhiều trường hợp kê khai không đúng với thực tế và sự hiểu biết còn hạn chế. Một số báo đã đưa tin có sự tiếp tay từ cán bộ thôn, xóm nên có một số trường hợp người buôn bán dưa cà ngoài chợ vẫn được bồi thường, trong khi lao động liên quan đến biển lại không. Việc này những mâu thuẫn và kiện cáo diễn ra phức tạp. Nhiều người dân đi đòi quyền lợi mà không hề tiếp cận những văn bản liên quan, dẫn đến việc những người tiếp nhận không hiểu rõ. Trên thực tế, nhiều cán bộ cấp xã khi người dân đưa ra Quyết định 1880 để đòi hỏi thì họ mới công nhận là không hề biết văn bản này (!). Chuyện này không hiểu nguyên nhân từ việc yếu kém, lơ là của cấp địa phương hay là lí do khác, nhưng hiện tại Quyết đinh bổ sung 309, một quyết định quan trọng liên quan đến việc bồi thường lại không hề tồn tại trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ trong khi các văn bản khác đều có.
3. Giải pháp cho vấn đề bồi thường
Phải khẳng định rằng 500 triệu đô la là quá ít so với thiệt hại thực tế hiện tại và tương lai. Chính phủ phải thừa nhận đây là một sai lầm vì đã tự động nhận một số tiền mà không có một đánh giá định lượng cũng như tham vấn của người dân và chuyên gia. Một trong những nguyên nhân chính của quá trình bồi thường chậm chạp, hỗn loạn như hiện nay cũng bắt nguồn từ chính quyền. Tuy nhiên, năng lực của cán bộ hành chính địa phương không thể thay đổi ngay lập tức. Việc đòi thêm tiền bồi thường từ Formosa cũng là bất khả thi (!).
Với thói quen làm việc của một chính quyền toàn trị là luôn muốn tự mình giải quyết mọi vấn đề, ví dụ như việc nhận 500 triệu đô tiền bồi thường mà người dân không hề được tham vấn. Chính quyền phải nhìn nhận thực sự lại vấn đề và kêu gọi sự tham gia của xã hội trong việc chi trả tiền bồi thường từ Formosa. Đầu tiên, là phải có một cơ chế giám sát minh bạch, độc lập trong việc kê khai thiệt hại. Ngoài những tổ chức thuộc đảng như các hội đoàn địa phương, sự tham gia của xã hội dân sự trong quá trình giám sát, hỗ trợ tiến trình bồi thường. Hiện tại, sự tham gia này không không được khuyến khích mà còn bị hạn chế, cấm đoán. Đơn cử như ít văn phòng luật sư đóng trên địa bàn Hà Tĩnh nào dám nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường của dân vì mối lo bị chính quyền hỏi thăm, phiền nhiễu. Các tổ chức xã hội dân sự có giấy phép cũng bỏ quên dải đất miền Trung hỗn loạn này. Các tổ chức xã hội dân sự không giấy phép thì bị chính quyền tuyên truyền xấu và ngăn cấm triệt để.
Ngoài ra, chính quyền cũng phải xem xét ban hành các quyết định chi trả đầy đủ, hướng dẫn và phân công nhân sự trực tiếp tham gia vấn đề bồi thường này. Các hướng dẫn thiếu sót, mập mờ mà với trình độ hạn chế của địa phương quá khả năng của họ. Vấn đề bồi thường hiện nay như một cái lò xo nén những bức xúc, phẫn nộ của người dân cùng với những khó khăn về đời sống gần như quá mức chịu đựng của họ.
Chính quyền đã sai lầm quá nhiều trong vụ Formosa, từ việc cấp phép, giám sát cho đến đàm phán nhận tiền bồi thường. Cơ hội để chứng tỏ giá trị của mình với nhân dân qua việc bồi thường một cách công bằng có thể là cơ hội cuối cùng của họ. Một khi mất hoàn toàn niềm tin của người dân và trở thành một lực lượng tệ hại trong mắt họ, thì hệ lụy không hề nhỏ. Cái lò xo dồn nén bao nhiêu đau khổ, nước mắt và chịu đựng của triệu người dân miền Trung vốn chịu nhiều mất mát, thiên tai và nghèo khó một khi đã bung ra thì khó mà cưỡng lại được.
6.4.2017
(Phần 3: VẤN ĐỀ KHÔNG CHỈ LÀ BỒI THƯỜNG, MÀ CÒN LÀ CÔNG LÝ, MINH BẠCH VÀ TƯƠNG LAI)
T. A. T.
Nguồn: FB Trịnh Anh Tuấn
FORMOSA ĐÃ KHẮC PHỤC ĐƯỢC 52/53 LỖI, NHƯNG LỖI CÒN LẠI MỚI LÀ NGUYÊN NHÂN CHÍNH GÂY THẢM HỌA
NGUYỄN ANH TUẤN/ BVN 8-4-2017
Những ngày qua, báo chí đồng loạt dẫn lời các quan chức Hà Tĩnh và Bộ Tài nguyên Môi trường khẳng định rằng Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã khắc phục được 52/53 lỗi vi phạm bị phát hiện trước đó của họ.
Con số này tạo cảm giác trong công chúng rằng Formosa đã tích cực sửa chữa sai lầm, từ đó ủng hộ hoặc ít nhất là không phản đối đề xuất của Bộ Tài nguyên Môi trường rằng: “Formosa đã đáp ứng được các yêu cầu để cho phép lò cao số 1 đi vào vận hành.” [1] Còn nhớ rằng tháng 11 năm ngoái khi trả lời Reuters, Phó Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh Trương Phục Ninh đã cho biết nhà máy dự kiến sẽ đi vào sản xuất thương mại trong quý I năm 2017, nghĩa là không quá xa so với đề xuất trên đây của Bộ Tài nguyên Môi trường.[2]
Tuy nhiên, câu hỏi ở đây là, ngay cả khi Formosa đã khắc phục được 52/53 lỗi đúng như nhận định của Bộ Tài nguyên Môi trường, thì lỗi còn lại là gì? Tầm quan trọng của lỗi này ra sao? Vì sao tới nay vẫn chưa được khắc phục?
Các báo dẫn lời Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết hạng mục cần khắc phục còn lại là chuyển đổi từ công nghệ dập cốc ướt sang cốc khô - như cam kết ban đầu, sẽ chỉ được hoàn thành vào năm 2019. Không thấy Bộ Tài nguyên Môi trường hay các báo nói gì thêm về tầm quan trọng của lỗi này cũng như lý do nó chưa được khắc phục.
Không quá khó hiểu cho sự im lặng này, vì lẽ nếu Bộ Tài nguyên Môi trường nói ra sự thật rằng lỗi này là nguyên nhân chính gây ra thảm họa hồi năm ngoái dĩ nhiên công chúng sẽ phản đối đề xuất của Bộ cho Formosa hoạt động trở lại.
Báo cáo chính thức hồi tháng 7 năm ngoái của Bộ Tài nguyên Môi trường, tuy không được công khai nhưng không hiểu sao Reuters lại có trong tay, đã cho biết khi Formosa bị mất điện, xưởng xử lý nước thải đã ngưng hoạt động khiến nước thải có chứa chất độc từ quá trình luyện cốc ướt xả thẳng ra biển làm cá chết. Nếu Formosa luyện cốc khô như cam kết ban đầu, thảm họa đã không xảy ra vì công nghệ này không dùng đến nước. [3]
Reuters còn dẫn lời chuyên gia người Đức Friedhelm Schroeder được chính phủ Việt Nam mời lúc đó, nhận định rằng "Formosa lẽ ra phải ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất cốc ngay khi sự việc xảy ra” để ngăn chặn thảm họa. Đại diện của Formosa, theo Reuters, đã từ chối bình luận về nhận định này của chuyên gia Đức. [4]
Với câu hỏi còn lại là vì sao lỗi này chưa được khắc phục ngay mà phải chờ đến năm 2019, thì dù chưa có bên nào trả lời song cũng có thể đoán được ngay là bởi công nghệ cốc khô tốn chi phí cao hơn. Ngay từ đầu Formosa đã chủ động phá bỏ cam kết, sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm hơn để tìm kiếm lợi nhuận từ việc tiết giảm chi phí xử lý chất thải, thì việc họ kéo dài thời gian chuyển đổi công nghệ lâu nhất có thể để tối đa hóa lợi nhuận là việc không có gì khó hiểu.
Điều khó hiểu duy nhất ở đây là dù kết luận Formosa sai phạm rành rành khi cố ý tráo công nghệ cốc khô (chi phí cao, ô nhiễm ít) sang cốc ướt (chi phí thấp, ô nhiễm nhiều) lúc xây dựng nhà máy, song không hiểu sao Bộ Tài nguyên Môi trường vẫn cho phép Formosa sử dụng công nghệ cốc ướt này đến hết năm 2019 mới phải thay đổi? Từ giờ tới lúc đó là 3 năm, sao lại chấp nhận một rủi ro lớn đến như vậy, trong khi kẻ làm sai là Formosa? Sao không yêu cầu Formosa làm đúng cam kết ban đầu mới được vận hành trong khi hoàn toàn có đủ lý lẽ để làm điều đó?
Tuy nhiên, nếu theo dõi toàn bộ quá trình ứng phó với thảm họa của chính quyền, điều khó hiểu trên cũng không còn khó hiểu nữa.
N. A. T.

SAI LẦM CỦA CHIẾN LƯỢC VÀ QUẢ BOM NỔ CHẬM FORMOSA

NGUYỄN ĐĂNG QUANG/ BVN 14-4-2017

Thảm họa Formosa xảy ra đã tròn 1 năm. Đây là thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử nước ta, gây ra hậu quả vô cùng nặng nề, hàng chục năm nữa mới có thể khắc phục được! Trong tuần lễ qua, các phương tiện truyền thông đã đăng tải nhiều bài đề cập đến thảm họa này. Đây là dịp tốt để Chính phủ thấy rõ những vấn đề mà trước đây chính phủ đã không thấy hoặc không muốn thấy!
Đến nay, như dân Nghệ Tĩnh nói, Formosa Vũng Áng chẳng thấy lợi ở đâu, nhưng hại thì đã nhãn tiền! Nó đã hủy hoại nặng nề môi trường biển các tỉnh Bắc Trung bộ, không chỉ hiện tại mà còn trong hàng chục năm tới! Nhưng nguy hiểm hơn, Formosa còn gây ra mâu thuẫn gay gắt trong lòng xã hội, không chỉ ở 5 tỉnh miền Trung mà cả trên phạm vi toàn quốc! Nó chỉ phải bỏ ra 500 triệu USD gọi là tiền bồi thường để rồi ung dung khoanh tay “tọa sơn quan hổ đấu”! Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, số tiền đền bù trên chỉ bằng 1% số thiệt hại chúng gây ra cho môi trường và nhân dân miền Trung mà thôi!
Việc chấp thuận cho Formosa vào Hà Tĩnh là sai lầm chiến lược lớn của ĐCSVN! Hậu quả để lại là khôn lường, ít ra là trong 70 năm nữa! Ba sai lầm sau đây về Formosa cấu thành sai lầm chiến lược của ĐCSVN, tạo ra mâu thuẫn gay gắt, giống quả bom nhiệt hạch nổ chậm trong lòng xã hội Việt Nam, kể từ sau Phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh 1930-1931!

1/ Chấp nhận hy sinh môi trường để đánh đổi phát triển kinh tế:
Vấn đề này, hiện nay mọi người đã thấy rõ, tuy có hơi muộn. Thủ tướng Chính phủ đã nhận thức ra và hạ quyết tâm: “Kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế!”. Như vậy còn là may, muộn còn hơn không! Song ta đã phải trả một cái giá quá đắt!
Cách đây trên dưới 10 năm, bất cứ nhà đầu tư ngoại quốc nào đệ trình một dự án mà “vẽ ra” được viễn cảnh, khi dự án của họ đi vào hoạt động, sẽ mang lại lợi ích kinh tế 1- 2 tỷ USD/năm cho Việt Nam, thì kế hoạch đầu tư của họ mau chóng được chấp thuận và triển khai, mặc cho có các ý kiến phản biện không đồng tình! Chính trong bối cảnh đó nên Việt Nam mới hứng chịu nhiều trái đắng về môi trường như Dự án Bauxite Tây Nguyên, Formosa Hà Tĩnh, 2 nhà máy giấy Đại Dương (Tiền Giang) và Lee & Man (Hậu Giang), cùng hàng trăm nhà máy nhiệt điện lạc hậu như Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2 ở Bình Thuận, v.v. Việc “rước” Formosa vào Hà Tĩnh và cấp phép 70 năm cho nó là một sai lầm ấu trĩ. Nay ta mới thực sự ngấm đòn!
2/ Chọn sai đối tác đầu tư một cách mù quáng
Nói đến Formosa là nói đến hồ sơ đen đầy tai tiếng về môi trường. Tập đoàn Formosa bị cả thế giới căm ghét và tẩy chay! Ngay cả đất mẹ Đài Loan cũng xa lánh nó, bởi Formosa là kẻ nguy hiểm xấu xa, đi đến đâu nó gây ra ô nhiễm môi trường đến đó! Cả thế giới đều rõ điều này và ghẻ lạnh, lánh xa nó! Thế nhưng Việt Nam lại mời bằng được, bất chấp mọi hậu quả, và còn ưu ái cấp phép đến 70 năm cho nó, quả là điều cực kỳ khó hiểu!
Hơn nữa, Formosa chỉ là Tập đoàn Công nghiệp hóa chất, chuyên kinh doanh và sản xuất đồ nhựa. Luyện thép là lĩnh vực xa lạ với tập đoàn này! Vậy tại sao lại mời nó vào làm thép?
Hà Tĩnh “rước” Formosa vào Vũng Áng là lừa dối nhân dân và chính phủ. Chính phủ chấp thuận Formosa vào đầu tư là một sai lầm vô cùng ngây thơ và khó hiểu! Chọn Formosa là chọn cái xấu, chọn kẻ ác, là rước họa vào thân! Đây là sai lầm tối tăm và vô cùng tai hại!
3/ Giao nhầm vị trí chiến lược của đất nước cho kẻ thù
Sai lầm chiến lược nguy hiểm nhất, tiềm ẩn nguy cơ mất nước lớn nhất, chính là việc giao cho Formosa cả một vùng chiến lược trọng yếu về mặt An ninh - Quốc phòng.
Việc “rước” Formosa vào Hà Tĩnh và giao cho nó 2 địa điểm chiến lược xung yếu về Quốc phòng - An ninh là Vũng Áng và cảng nước sâu Sơn Dương là một sự khờ dại rất khó hiểu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, vì nếu Trung Quốc “động binh”, 2 địa điểm trên sẽ là 2 tử huyệt chết người, ngay lập tức nó sẽ cắt đôi nước ta, cô lập 2 miền Nam - Bắc với nhau; quyền kiểm soát đất nước sẽ nhanh chóng rơi vào tay quân thù! Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, nguyên Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, hiện là Phó Chủ tịch Quốc hội, đã nhìn thấu vấn đề khi ông tuyên bố hôm 11/7/2016 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Vụ Formosa tiềm ẩn lâu dài nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Quốc phòng – An ninh!”.
Ngay sau thảm họa, hôm 21/4/2016, Đoàn giám sát của Bộ NN&PTNT do ông Phạm Khánh Ly, Phó Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản, làm trưởng đoàn, bất lực vì bị chặn lại trước cổng Formosa! Ông Ly nói: “Đoàn công tác không vào được Vũng Áng vì đây là KCN có yếu tố nước ngoài. Đoàn không có thẩm quyền và chức năng kiểm tra khu vực này!”. Vấn đề không chỉ ở Vũng Áng, quan trọng hơn là ở cảng nước sâu Sơn Dương: Tàu thuyền Trung Quốc và Đài Loan vào cập cảng, ta có kiểm soát được không? Hàng hóa họ chở đi cũng như số lượng, chủng loại hàng hóa họ chở đến, ta có biết và kiểm đếm được hết không? Nhưng điều sau đây: Tàu ngầm quân sự “lạ” vào neo đậu tại đây, ta có kiểm soát và ngăn chặn được không?
Việc ta cho Trung Quốc vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên, và việc “rước” Formosa vào làm thép ở Hà Tĩnh, cũng chẳng khác nào câu chuyện truyền thuyết lịch sử cách đây trên 2200 năm: Năm 210 TCN, vua An Dương Vương, do ưng đồ “thách cưới”, đã chấp thuận Trọng Thủy lấy Mỵ Nương rồi cho nó “ở rể” trong kinh thành Cổ Loa nước Âu Lạc! Việc giao Tây Nguyên (“mái nhà Đông Dương”) và 2 địa bàn trọng yếu về chiến lược ở Hà Tĩnh là Vũng Áng và cảng nước sâu Sơn Dương cho các đối tác Trung Hoa cũng giống như vua An Dương Vương chấp thuận cho Trọng Thủy “ở rể” trong kinh thành Cổ Loa để rồi nó đánh tráo nỏ thần, sau đó đưa quân sang cướp nước Âu Lạc của ta như cách đây trên 2200 năm về trước!
Truyền thuyết lịch sử thời vua Thục An Dương Vương đã răn dạy và cảnh báo hậu thế rõ như vậy mà các “vua” tập thể ngày nay lại u mê đến độ “ma chỉ đường, quỷ dẫn lối” để phạm phải sai lầm chiến lược tày đình trên đây! Sai lầm thông thường đã là tai hại và nguy hiểm, sai lầm chiến lược còn tai hại và nguy hiểm gấp bội phần, thậm chí nó còn dẫn đến nguy cơ mất nước! Các vị hãy tỉnh lại đi và dũng cảm dừng lại trước khi quá muộn!
Khi thảm họa xảy ra, nhiều chuyên gia cho đây là cơ hội thuận lợi và hợp lý để chính phủ sửa sai: Thay vì nhận bồi thường, chính phủ phải khởi tố hình sự và tuyên phạt thật nặng Formosa (từ 20-30 tỷ USD để làm sạch môi trường), đồng thời tuyên bố vĩnh viễn đóng cửa và tống xuất Formosa khỏi Việt Nam! Đây là thượng sách và là giải pháp tối ưu xét về tổng thể các mặt: Kinh tế, Xã hội, Môi trường, Chính trị, Quốc phòng, An ninh, và nhất là ổn định lòng dân! Đóng cửa vĩnh viễn Formosa là bứng được ngòi của quả bom nhiệt hạch nổ chậm trong lòng xã hội Việt Nam vậy! Nhưng rất tiếc, Chính phủ đã không làm thế! Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ tuyên bố chiến thuật: “Sẽ đóng cửa Formosa nếu tái phạm!”. Còn Bộ TN&MT chỉ đưa ra điều kiện lỏng lẻo: “Khi nào Formosa khắc phục xong 53 lỗi vi phạm mới được phép hoạt động trở lại!”
Ngày 6/4/2017 vừa qua, sau đúng 1 năm thảm họa, Bộ TN-MT và UBND tỉnh Hà Tĩnh hồ hởi công bố Formosa đã khắc phục được 52/53 lỗi, chỉ còn lại 1 lỗi duy nhất mà thôi! Báo Hà Tĩnh, cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh, còn hớn hở giật tít: “Formosa đã khắc phục 52/53 lỗi, đủ điều kiện vận hành lò cao số 1”. Thưa mấy ông lãnh đạo Hà Tĩnh: Cái lỗi còn lại chưa khắc phục được mới là cái lỗi lớn nhất, là cái lỗi chủ yếu dẫn đến thảm họa 1 năm trước! Formosa đã gian dối tự động chuyển đổi công nghệ từ dập cốc khô sang dập cốc ướt! Đây chính là nguyên nhân chủ yếu gây hủy hoại môi trường! Lẽ ra khi Formosa áp dụng công nghệ dập cốc ướt gây tàn phá môi trường như vậy, Bộ TN-MT phải khởi tố hình sự và phạt thật nặng Formosa vì đã gian dối, làm trái cam kết nên dẫn đến thảm họa cá chết, biển chết, môi trường chết! Nhiều chuyên gia cho rằng lỗi hủy diệt môi trường như Formosa gây ra, các nước có thể phạt tới hàng chục tỷ USD! Nhưng ở Việt Nam, trước thiệt hại to lớn như vậy, Formosa chỉ phải bồi thường có 500 triệu USD, một cái giá quá bèo bọt! Chính khoản tiền 500 triệu USD này làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn và bất đồng giữa người dân và chính quyền! Xin trở lại nói về cái lỗi 53, chính Formosa thú nhận là phải hơn 2 năm nữa, đến tháng 6/2019, nó mới khắc phục xong lỗi này! Vậy cớ sao các ông đã vội dọn đường, chuẩn bị dư luận cho Formosa sớm vậy, và để nhằm mục đích gì đây?
Để kết thúc bài này, người viết muốn nhắc lại điều sau đây: Formosa Hà Tĩnh giống như quả bom nhiệt hạch nổ chậm treo lơ lửng trên đầu nhân dân 5 tỉnh miền Trung. Tháo ngòi của quả bom nổ chậm này chỉ có thể là Chính phủ và cũng là trách nhiệm của Chính phủ! Nếu Chính phủ cứ tiếp tục ưu ái, bênh vực vô lối, không tìm cách đóng cửa vĩnh viễn Formosa, ngược lại coi việc người dân thể hiện sự bất bình và chống đối Formosa là do bị các thế lực thù địch, phản động xúi dục, kích động với mục đích chống Đảng và Nhà nước để rồi trừng phạt họ thay vì trừng phạt Formosa, thì việc này chẳng khác nào kích ngòi cho quả bom nhiệt hạch Formosa sớm phát nổ! Và khi quả bom này phát nổ, ngoài kẻ thù chung của đất nước, chẳng có ai hưởng lợi, mà chỉ có nhân dân là người gánh chịu hậu quả khôn lường mà thôi!
Hà Nội, ngày 13/4/2017
N.Đ.Q.
Tác giả gửi BVN
CÁI CHẾT BÁO TRƯỚC, TẠI SAO KHÔNG BIẾT SỢ?
TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVN 8-4-2017
Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa thì việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ là chuyện tất nhiên, nhất là đối với những quốc gia có điểm xuất phát thấp như Việt Nam. Nhưng trong cái khí thế hừng hực của làn sóng đầu tư nước ngoài ấy không ít lần, chúng ta đã bị dội những thùng nước lạnh, những phản đòn đau đớn với những thiệt hại không chỉ tính bằng sức khoẻ hàng trăm ngàn người lao động, hàng chục ngàn tỷ đồng tài sản mà còn là sự suy giảm niềm tin vào những chủ trương chính sách thu hút vốn đầu tư.
Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là sự yếu kém (cả liều lĩnh nữa) trong quản lý điều hành của nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương và cá nhân có trách nhiệm khi nhắm mắt ký kết nhập những công nghệ lạc hậu từ nước ngoài, mà điển hình là từ ông bạn láng giềng phương Bắc. Đó là cái chết được báo trước cho đồng bào mình, vậy tại sao những ông quan ấy không biết sợ? Có phải vì "quan trí" kém không, hay còn vì những lý do khác rất cần được “mổ xẻ”!
Trung Quốc, phát triển kinh tế bằng mọi giá, không chú trọng đúng mức đến việc kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường không khí nên dẫn đến tình trạng báo động đỏ như hiện nay. Ở Việt nam ô nhiễm nước đã được quan tâm nhiều hơn nhưng ô nhiễm không khí thì hầu như vẫn còn rất mơ hồ.
Bài học của các nước trên thế giới
Ở Trung Quốc và Ấn Độ đã có trên 100 địa điểm, xây dựng nhà máy điện than với tổng công suất 68 GW đã bị đóng băng tại chỗ. Thực tế là khắp thế giới, nhiều công trình nhà máy nhiệt điện đang bị đóng băng nhiều hơn là các công trình bước vào xây dựng do lượng khí thải từ những nhà máy này gây ô nhiễm môi trường đến mức báo động.
Theo thống kê, khởi công xây dựng các nhà máy điện than bước vào giai đoạn xây dựng giảm 62%. Trong khi đó, nhất là ở Mỹ và Châu Âu, các nhà máy điện than với tổng công suất 64 GW ngừng hoạt động do quá ‘đát’ trong hai năm qua.
Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một quyết định làm giảm vai trò của than, bao gồm một loạt hạn chế than, trong đó năm 2016 dừng phê duyệt các nhà máy điện than mới ở 13 tỉnh và khu vực. Đóng cửa các nhà máy điện than đã hết hạn. Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc chỉ có trần công suất điện than là 1.100 GW. Ngày 20/3/2017, Trung Quốc tuyên bố dừng tất cả các nhà máy điện than ở khu vực Bắc Kinh.
Ấn Độ vẫn còn đang thấm đòn với bước phát triển nhanh điện than của mình. Công suất điện than tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2007 và 2017, từ 71.121 MW lên 211.562 MW. Nhu cầu đã không dừng, vì thế những yếu tố công suất thấp và tính kinh tế của các nhà máy bị cuốn hút xuống. Dự thảo Kế hoạch Chiến lược Quốc gia của Chính phủ Ấn Độ trong tháng 12/2016 cho biết không có công suất điện than tiếp theo nằm ngoài những công suất hiện đang xây dựng cần thiết ít ra cho mãi tận năm 2027.
Trong hầu hết các nước OECD, Nhật Bản cũng có kế hoạch điều chỉnh quá độ về than: Nước này chỉ xây dựng 1.950 MW điện than trong 5 năm qua, nhưng 4.256 MW hiện đang xây dựng và 17.343 MW trong giai đoạn tiền xây dựng. Đấy là một phần để đáp lại việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima. Nhật Bản cam kết thực hiện Công ước về khí hậu Paris, vì thế sẽ có những áp lực chống trợ cấp.
Cuộc chiến than giờ đây chuyển sang phần còn lại của thế giới đang phát triển. Theo các chuyên gia quốc tế, Trung tâm của trọng lực đối với than dường như là đang chuyển sang các nước như là Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, và Việt Nam.
Tác hại của các nhà máy nhiệt điện than
Khi xây dựng nhà máy nhiệt điện, cái lợi có thêm nguồn cung cho nhu cầu phát triển kinh tế nhưng tác hại của nó cũng khôn lường, đặc biệt là các công nghệ lạc hậu của Trung Quốc. Ô nhiễm do nhiệt điện than là khí thải + bụi (tro bay) và xỉ lò. Còn nước làm mát và một vài yếu tố nhỏ nữa thì không đáng kể.
Phần khí thải, chất được quan tâm nhiều nhất là SO2 vì trong than lượng S khá lớn (tùy loại và vùng than). Về độc học, SO2 chủ yếu tác động lên đường hô hấp. Ở nồng độ 2 mg/m3 có thể gây ra các bệnh về phổi. Về ngưỡng cho phép thì Mỹ là 0,25 ppm (tiếp xúc 24 giờ), một số tài liệu đưa ra số liệu là 0,1 đến 0,15 mg/m3. Bản thân SO2 không độc bằng một số khí độc khác, song do sự phát thải quá lớn, cho nên nó được quản lý rất chặt. Còn NOx và CO trong khí thải nhiệt điện than là sự quan tâm thứ hai.
Phần bụi (tro bay), ở đây thành phần chủ yếu là các hạt chất rắn từ vài nanomet đến cả trăm micromet của hai loại chính là than chưa cháy hết và các oxit kim loại thường gặp (nhôm, sắt, can xi và silic) nóng chảy/bay hơi/ngưng tụ lại. Độc tính tác động chủ yếu theo kiểu tác động của bụi. Phần xỉ (phần rơi xuống đáy lò) chỉ chiếm phần nhỏ tùy thuộc vào công nghệ, loại than và lò đốt. Phần này, có thể có chứa một số kim loại nặng, thậm chí cả phóng xạ (tùy nguồn than sử dụng).
Kết quả hình ảnh cho nhiệt điện vĩnh tân 4
Hình ảnh nhà máy máy nhiệt điện Vĩnh Tân nhả khói (Ảnh trên mạng)
Về phần khí thải, nếu xử lý nghiêm túc theo các công nghệ hiện hành và phổ biến thì có thể giảm thiểu tới mức cho phép. Phần bụi thì hầu hết các nhà máy đều đã xử lý (thông thường là cyclon và lắng tĩnh điện). Phần này xử lý nghiêm túc thì cũng đạt chuẩn cho phép.
Các sản phẩm sau xử lý hiện nay mới đáng quan tâm; đó là tro, xỉ và thạch cao bẩn lẫn vôi. Hiện nay, không đủ chỗ chứa và chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. Cái chuyện ô nhiễm thứ cấp này đang là hiện hữu và tiềm ần nhiều rủi ro.
Bộ Công thương đã ban hành một danh sách các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Trong đó, có nhiều dự án nhiệt điện góp mặt trong danh sách này: nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng và Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh.
Hiện trạng
Thế giới, có xu hướng giảm nhiệt điện than là chính xác. Kiểu gì thì nhiệt điện than cũng gây ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính lớn nhất. Tuy nhiên, thay nó bằng gì, đấy là một vấn đề rất phức tạp vì giá than vẫn là rẻ nhất so với các nguồn năng lượng còn lại.
Tình hình ở Việt Nam, nhiệt điện khí thì cần có mỏ khí và ta đã khai thác hết mức rồi. Nhiệt điện dầu thì việc nhập dầu đắt cứa cổ không theo được. Thủy điện cũng đã cạn nguồn rồi mà phát triển thủy điện cỡ nhỏ thì “lợi bất cập hại”! Năng lượng tái tạo thì nhìn chung chỉ mang tính nghiên cứu và bắt đầu ứng dụng một vài nơi, chứ không đáp ứng được nhu cầu mức cao như hiện nay. Điện nguyên tử thì đã dừng rồi.
Hiện tại, cơ chế về điện năng lượng tái tạo nói chung chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Điện mặt trời cho đến nay vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt cơ chế giá điện, gây không ít khó khăn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chi phí R&D cho phát triển năng lượng tái tạo chưa có, nên mọi việc phát triển manh mún, thiếu định hướng.
Giải pháp
Trước hết cần rà soát lại quy hoạch điện VII (QĐ số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ) hiệu chỉnh lại cho phù hợp với chủ trương dừng đầu tư các dự án điện hạt nhân. Khi lập đề án Quy hoạch điện VII điều chỉnh chỉ do một nhóm người của IE-MOIT lập với chi phí tư vấn hạn chế, nên có khả năng chỗ nào thiếu nguồn điện không cân đối được thì họ lại "nện" cho dự án nhiệt điện than là xong công việc của họ.
Cấm nhậu khẩu công nghệ lạc hậu, tiêu thụ điện nhiều và gây ô nhiễm môi trường như xi măng, thép,... tuyên truyền người dân sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Tạo rào cản, ngăn chặn công nghệ lạc hậu của Trung Quốc ào ạt vào Việt Nam. Cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia có năng lực và chính kiến. Ngay cả trong ngành y tế cũng có tình trạng người mua thuốc kém thông tin và không thèm tham khảo ý kiến chuyên gia, trong những đợt mua thuốc của Pháp ngay sau năm 1954, phần lớn là Dagenan (một loại Sulfamid đã cũ). Về công nghệ thì nhiều người biết là ông Lý Ban (cố Thứ trưởng Bộ Ngoại thương) năm 1960 mua về từ Trung Quốc một máy gọi là mới, nhưng thuộc mẫu mã của những năm 30.
Về công nghệ nhiệt điện, Việt Nam cần chuyển sang nhà thầu Nhật, Hàn Quốc. Những nhà máy của ta đầu tư sau này thì thiết bị chính bao gồm lò hơi và tua bin thì bao giờ cũng mua của Nhật hoặc từ các hãng nổi tiếng trên thế giới. Nhiều hãng có đặt nhà máy ở Trung Quốc nhưng chất lượng vẫn do các hãng đó đảm bảo như Babcock Wilcox, Alstom, Mitshubishi, IHI, v.v.
Nếu thiết kế thi công tốt, giám sát chặt chẽ, đầu tư đầy đủ thì vấn đề ô nhiễm môi trường có thể giải quyết cơ bản. Nếu không thực hiện tốt thì cho dù công nghệ tốt, nó vẫn gây ra vấn đề. Gần đây, người ta cũng nói nhiều về công nghệ than sạch thì thực ra nó cũng chỉ là công nghệ nâng cao được hiệu suất sử dụng than mà thôi. Ví dụ như công nghệ siêu tới hạn hoặc trên siêu tới hạn thì bản chất nó chỉ là nâng cao được thông số áp suất và nhiệt độ hơi quá nhiệt của hệ thống lò hơi để hiệu suất chu trình có thể nâng được từ khoảng 37% đến 41%.
Trên thế giới, cũng có loại hình công nghệ theo kiểu khí hóa than bằng oxy nguyên chất rồi sau đó sản phẩm khí sinh ra dùng để chạy tuabin khí rồi khí thải của tua bin khí lại dùng để sinh hơi và chạy tua bin hơi để phát điện gọi là công nghệ IGCC (Integrated Gasification Combined Cycle). Công nghệ này thì là công nghệ sạch nhưng mới và độ tin cậy chưa cao. Ngoài ra, còn có công nghệ đốt thải xỉ lỏng nhưng cấu tạo phức tạp, đắt tiền nên cũng chưa áp dụng nhiều lắm.
Khi khoa học công nghệ phát triển tốt hơn thì ta có thể sử dụng loại năng lượng bẩn hơn mà vẫn phát thải sạch hơn. Đó mới là công nghệ vì nguồn nhiên liệu thì đa dạng và tùy theo nguồn lực có sẵn của mỗi nước. Báo chí hay nói nhiệt điện than là công nghệ lạc hậu, cần phân biệt than là nguồn nhiên liệu chứ không phải công nghệ. Nếu ta tận dụng được nó cho nhu cầu của ta mà đảm bảo không ô nhiễm môi trường thì ta có công nghệ nhiệt điện than hiện đại.
Vấn đề là ở chỗ thể chế và con người, khi thể chế và con người tốt sẽ tạo ra cơ chế và giám sát thực hiện cơ chế tốt. Khi có cơ chế tốt rồi thì doanh nghiệp và người dân sẽ thực hiện theo cơ chế đó một cách hiệu quả.
Việt Nam nên có chính sách phát triển năng lượng tái tạo. Hiện nay, Việt Nam chỉ nói là chính, nhưng không có hành động cụ thể. Nếu Việt Nam không chú trọng phát triển công nghiệp nặng (nhất là cho nước ngoài), mà chỉ nên định hướng vào ngành công nghiệp thông minh thì nhu cầu điện không lớn như đã đề ra. Cần rà soát lại quy hoạch cơ cấu công nghiệp vẫn ham hố luyện thép, nhôm, khai thác bauxite ... rất tốn điện, nước và gây thảm hoạ môi trường.
Đề xuất Bộ Công thương xem xét:
-Tổ chức nghiên cứu phát triển về năng lượng tái tạo, mỗi tỉnh/thành nên có đại diện theo cơ chế mở. Nghiên cứu đề xuất hành lang pháp lý về kỹ thuật như xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nghiên cứu đề xuất lộ trình phát triển điện năng lượng tái tạo phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
-Tham gia, viết báo cáo tổng kết quốc gia về năng lượng tái tạo gửi IEA để chia sẻ thông tin để quảng bá tiềm năng về năng lượng tái tạo tại Việt Nam nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài giống như các quốc gia Thái Lan, Malaysia, Philippines... Từng bước, xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn đủ mạnh về số lượng lẫn chất lượng để có thể thực hiện tốt các dự án.
- Tạo cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư, hạn chế nhũng nhiễu của chính quyền địa phương đối với nhà đầu tư trong quá trình xin thủ tục đầu tư.
- Lập Quy hoạch điện mặt trời toàn quốc hoặc theo từng tỉnh/thành, qua đánh giá sơ bộ về tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam lên đến 70GWp trên cơ sở giả thuyết sử dụng 15% diện tích đất chưa sử dụng và diện tích đất chuyển mục đích sang rừng sản xuất của các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, v.v.
- Điều chỉnh giá điện để các giải pháp tiết kiệm năng lượng có tính khả thi cao hơn, khuyến khích được tinh thần tiết kiệm năng lượng trong toàn dân và các cơ sở sản xuất thông qua ý thức, quản lý.
- Khuyến khích được các hệ thống đồng phát trong công nghiệp như tận dụng nhiệt thừa của nhà máy xi măng cho phát điện,
- Đối với nhà máy nhiệt điện than thì phải phấn đấu để có được các nhà máy có thông số siêu tới hạn qua đó hiệu suất chu trình có thể tăng từ 37% của nhiệt điện truyền thống lên tới 41% của nhiệt điện thông số siêu tới hạn. Tuy nhiên, nhiệt điện thông số siêu tới hạn chưa quen, chi phí đầu tư lớn nên còn đang ngại ngần vì chưa cảm thấy an tâm.
Thay cho lời kết
Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tiếp tục làm điện than, vì là nước đang phát triển. Nhưng vấn đề là ta làm điện than trong khi thế giới công nghiệp thoái lui, nên họ có nhu cầu chuyển công nghệ mà họ thải bỏ sang ta. Vấn đề quan trọng nhất là chọn công nghệ tiên tiến nhất, chứ không phải là công nghệ lạc hậu, nhất là công nghệ rác họ đang tìm mọi thủ đoạn để tống khứ đi.
Hiện nay, sử dụng công nghệ rác của Trung Quốc đã chứng tỏ thiệt hại đủ đường, và không hề rẻ nếu tính đủ chi phí, đang là gánh nặng và sẽ là "của nợ" trong tương lai gần. Trung Quốc rất giỏi việc mua chuộc khách hàng để bán hàng thải bằng các thủ đoạn hối lộ.
Ngay bây giờ, Chính phủ và các nhà khoa học phải đầu tư tiền của và trí lực để sớm phát triển nguồn điện theo hướng sử dụng năng lượng điện tái tạo có tiềm năng lớn.
Đừng để đất nước phải lụi tàn vì cái chết do công nghệ lạc hậu nhập ngoại.
T. V. T.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét