Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

20170406. QUANH VẤN ĐỀ NỢ NGẬP ĐẦU CỦA TẬP ĐOÀN THAN-KHOÁNG SẢN

ĐIỂM BÁO MẠNG
TẬP ĐOÀN THAN-KHOÁNG SẢN NỢ NGẬP ĐẦU, AI CHỊ TRÁCH NHIỆM
MAI ANH /GDVN 5-4-2017
Tình hình tài chính của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam năm 2015 khá bết bát - ảnh nguồn Thông tấn xã Việt Nam.
Báo cáo kết quả thanh tra của Thanh tra Bộ Tài chính về tình hình tài chính của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam năm 2015 khá bết bát.
Cụ thể theo báo cáo tình hình đầu tư tài chính của nhiều đơn vị thuộc tập đoàn đang rơi vào thua lỗ: Có đến 3/6 doanh nghiệp đầu tư tài chính dài hạn chưa hiệu quả.
2/6 doanh nghiệp được thanh tra chưa thực hiện đối chiếu đầy đủ nợ phải trả ngắn hạn với các chủ nợ trong thời điểm 31/12/2015.
Năm 2015 tổng nợ phải trả của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam lên tới 100.343 tỷ đồng trong đó, nợ ngắn hạn là 37.609 tỷ đồng, nợ dài hạn lên tới 62.734 tỷ đồng. 
Trong khi đó, sau gần 10 năm đầu tư vào 2 dự án bauxite và alumin tại Tây Nguyên với tổng vốn đầu tư hơn 32.000 tỷ đồng thì Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam năm 2015  đã lỗ gần 3.700 tỷ.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Tài chính còn chỉ ra một loạt vấn đề về công tác đầu tư, dự án chậm tiến độ, quyết toán, thuế...
Quy trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang Thái - Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam hay bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào khi làm ăn thua lỗ thì trách nhiệm phải quy cho lãnh đạo đơn vị, trước hết là Chủ tịch Hội đồng thành viên và Ban điều hành.
“Trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp thể hiện trong các quyết định điều hành sản xuất - kinh doanh, ký kết hợp đồng và quản lý sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, cũng từ đó, cần xem lại các vấn đề quản lý ở cấp cao hơn để chỉnh sửa một cách căn cơ”, Giáo sư Thái cho biết.
Giáo sư Nguyễn Quang Thái khẳng định, tình trạng thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn là hệ quả của tư duy bao cấp, chậm đổi mới thể chế, cả ở tầm quản trị quốc gia và tầm quản lý công ty.
Từng công tác tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Giáo sư Thái cho biết ông nắn được nhiều bất cập ngành than.
Ông cho biết, trước đây ngành than dù có nhiều nỗ lực nhưng trong cơ chế kinh tế bao cấp thì sản lượng khai thác không vượt được mốc 5 triệu tấn/năm, càng khó đạt 10 triệu tấn/năm. Nhưng sau nhiều nỗ lực đến nay đã đạt con số 40-50 triệu tấn/năm.
“Năng suất sản lượng tăng đến từ việc thay đổi cơ chế quản lý, năng động của cán bộ và việc ứng dụng các công nghệ hiện đại.
Tiếc rằng, cơ chế kinh tế không theo kịp nên sản lượng cao mà hiệu quả thấp”, Giáo sư Thái đánh giá.
Theo Giáo sư Thái những năm gần đây, trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường, cơ chế chính sách cũng chưa có nhiều thay đổi thích hợp, nhất là cơ chế giá bán than cho các hộ tiêu thụ lớn, như than bán cho phát điện.
“Trong điều kiện quản lý ngành tài nguyên còn nhiều sơ hở thì với giá bán thấp và tình trạng than "thổ phỉ" đã làm hiệu quả kinh doanh giảm thấp.
Thêm vào đó, xuất khẩu của than nước ta cũng đang gặp cạnh tranh gay gắt khi giá thành cao hơn mặt bằng giá quốc tế vài chục phần trăm.
Trong điều kiện tác động đa chiều như vậy, ngành than gặp khó khăn là đương nhiên”, Giáo sư Thái cho biết.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Thái dù khách quan có những tác động nhưng không thể lấy lý do đó để biện minh cho yếu kém của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.
“Chiến lược phát triển ngành than có vấn đề khi để bù lỗ, ngành than phải xuất khẩu giá rẻ để có nguồn tài chính. Nhưng như vậy đã góp phần làm cạn kiệt tài nguyên, cuối cùng lại phải nhập than giá cao. 
Theo tôi có vấn đề ở nội bộ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam vì thế cần phải tăng cường trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo, phát hiện và xử lý thích đáng các sai phạm và quy trách nhiệm.
Đồng thời phải thay đổi tư duy quản trị quốc gia, quản trị ngành, nhất là ngành khai thác tài nguyên một cách cơ bản hơn thì mới xử lý được căn cơ vấn đề kém hiệu quả”, Giáo sư Thái nêu quan điểm.
Không thể chỉ “rút kinh nghiệm”
Trong báo cáo gửi Bộ Tài chính về việc thực hiện kiến nghị của Thanh tra Bộ Tài chính, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết đã thực hiện và chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện rà soát lại toàn bộ các khoản đầu tư tài chính dài hạn, tái cơ cấu các khoản đầu tư trên nguyên tắc đảm bảo an toàn vốn và hiệu quả.
Từ đó với mỗi tồn tại được Thanh tra Bộ Tài chính đưa ra Tập đoàn Than - Khoáng sản đều khẳng định “sẽ rút kinh nghiệm”.
Trước phản hồi với “điệp khúc: Rút kinh nghiệm” của Tập đoàn Than - Khoáng sản, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt nam, ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: “Phải làm rõ nguyên nhân dẫn đến thua lỗ, làm rõ trách nhiệm cá nhân, đề xuất hướng xử lý thay vì chỉ đưa ra điệp khúc: rút kinh nghiệm”.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ rõ, Tập đoàn Than - Khoáng sản có nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp nhà nước khác khi ngay từ đầu được nhà nước quan tâm đầu tư.
Mặt khác, với lĩnh vực đặc thù được giao quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản có sẵn thuận lợi.
Tuy nhiên doanh nghiệp này vẫn làm ăn vẫn thua lỗ, vậy vai trò điều hành quản lý của lãnh đạo doanh nghiệp, của bộ, ngành phụ trách ở đâu?
Trong các văn bản của Đảng, Chính phủ cũng như của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, lâu nay, cụm từ “người đứng đầu” được đề cập ngày càng nhiều, nhất là trong yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm để khắc phục những yếu kém, tồn tại. 
Tuy nhiên Trên thực tế, không ít người đứng đầu các đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, làm thất thoát vốn của Nhà nước, tiền thuế của dân, song trách nhiệm chưa được làm rõ, thậm chí thăng tiến nhanh hơn.
Theo ông Thuận, trong câu chuyện của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam phải làm rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu doanh nghiệp. 
“Anh được nhà nước giao trách nhiệm quản lý doanh nghiệp, được hưởng lương cao vậy phải làm việc xứng đáng.
Mặt khác dù lãnh đạo doanh nghiệp nhưng vẫn chịu sự điều hành của bộ, ngành vì thế cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước”, ông Thuận cho biết.
Trước đó tháng 6/2016 Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam công bố mức tiền lương viên chức quản lý năm 2015.
Theo đó, mức lương của Chủ tịch Hội đồng quản trị - Lê Minh Chuẩn là 626 triệu đồng, bình quân đạt 52,2 triệu đồng một tháng.
Tổng giám đốc Đặng Thanh Hải có lương bình quân 50,7 triệu đồng một tháng, (609 triệu đồng cả năm).
Bốn thành viên Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Văn Hải, Phạm Văn Mật, Vũ Thanh Lâm, Nguyễn Chiến Thắng đều có lương 556 triệu đồng, bình quân 46,4 triệu đồng một tháng.
Các vị trí Phó tổng giám đốc và các kiểm soát viên có lương bình quân 41-48 triệu đồng một tháng.
Tổng quỹ lương chi trả cho 22 lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn khoảng 14,4 tỷ đồng mỗi năm.
Mai Anh
NỢ NGẬP ĐẦU, LÃNH ĐẠO TẬP ĐOÀN THAN-KHOÁNG SẢN VẪN UNG DUNG HƯỞNG LƯƠNG CAO
MAI ANH/ GDVN 6-4-2017
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - ảnh: H.Lực/giaoduc.net.vn

Làm ăn bết bát vẫn hưởng lương cao
Báo cáo kết quả thanh tra của Thanh tra Bộ Tài chính về tình hình kinh doanh của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và 5 công ty thành viên, cho thấy hoạt động đầu tư tài chính của nhiều đơn vị thuộc tập đoàn đang rơi vào thua lỗ.
Cụ thể có tới 3/6 doanh nghiệp đầu tư tài chính dài hạn chưa hiệu quả.
Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cũng đầu tư vào 59 công ty con, công ty liên kết nhưng có 9 công ty kinh doanh thua lỗ trong năm 2015, lũy kế đến 31/12/2015 thì có 11 công ty lỗ hơn 1.407 tỉ đồng.
Đến thời điểm thanh tra, tập đoàn đã thoái vốn Nhà nước tại 13/17 đơn vị nhưng vẫn còn 4 đơn vị chưa thực hiện thoái vốn.
Về tình hình tài chính của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam năm 2015, tổng tài sản của tập đoàn đến cuối năm 2015 đạt 138.526 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 38.182 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 478 tỉ  đồng.
Tổng nợ phải trả của tập đoàn này lên tới 100.343 tỉ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn 37.609 tỉ  đồng, nợ dài hạn lên tới 62.734 tỉ đồng.
Đáng nói dù kết quả làm ăn bết bát nhưng theo thông tin Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam công bố mức tiền lương dành cho viên chức quản lý năm 2015 của tập đoàn này không phải thấp.
Cụ thể, mức lương của Chủ tịch Hội đồng quản trị - Lê Minh Chuẩn là 626 triệu đồng, bình quân đạt 52,2 triệu đồng/tháng.
Tổng giám đốc Đặng Thanh Hải có lương bình quân 50,7 triệu đồng/tháng, (609 triệu đồng cả năm).
Bốn thành viên Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Văn Hải, Phạm Văn Mật, Vũ Thanh Lâm, Nguyễn Chiến Thắng đều có lương 556 triệu đồng, bình quân 46,4 triệu đồng/tháng.
Các vị trí Phó tổng giám đốc và các kiểm soát viên có lương bình quân 41-48 triệu đồng/tháng.
Tổng quỹ lương chi trả cho 22 lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn khoảng 14,4 tỷ đồng mỗi năm.
Trước nghịch lý làm ăn thua lỗ, nợ nần nhưng lãnh đạo vẫn ung dung hưởng lương cao, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nghịch lý này (hưởng lương cao nhưng doanh nghiệp thua lỗ - PV) chỉ diễn ra tại doanh nghiệp nhà nước.
Tiến sĩ Hiếu cho biết, mức lương của lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam khoảng từ 40 triệu đến hơn 50 triệu đồng/tháng tức trên dưới 2.000 USD/tháng không phải là cao nếu so với vị trí lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân, lãnh đạo các ngân hàng…
“Tuy nhiên, vấn đề là rất nhiều doanh nghiệp nhà nước áp dụng mức lương cố định không thay đổi theo lợi nhuận hoặc lỗ. Ngoài ra còn hưởng khoản thưởng theo kết quả kinh doanh. 
Với cơ chế hiện nay, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có thể ung dung hưởng lương cao dù doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả.
Nếu doanh nghiệp hiệu quả họ có thêm thưởng còn không hiệu quả vẫn được hưởng lương cao”, Tiến sĩ Hiếu đánh giá.
Tiến sĩ Hiếu cho rằng, mức lương phải tương xứng với hiệu quả điều hành làm việc. Các tập đoàn kinh tế tư nhân sẵn sàng trả số tiền lương lãnh đạo doanh nghiệp vài trăm triệu đồng/tháng nếu điều hành doanh nghiệp hiệu quả lãi lớn.
Theo Tiến sĩ Hiếu mức lương, thưởng với lãnh đạo doanh nghiệp doanh nghiệp nhà nước nên theo hướng mở, dựa vào hiệu quả công việc mang lại chứ không phải giữ cố định.
Với mức lương cố định dễ tạo sức ỳ và tâm lý “hưởng thụ” cứ đến tháng lương vào tài khoản.
Trở lại vấn đề lương lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nên áp dụng trả theo phần trăm.
Ví dụ vẫn mức lương ấy nhưng mỗi tháng chỉ trả khoảng 80% sau đó cuối năm dựa trên kết quả kinh doanh để tính toán nếu doanh nghiệp hiệu quả trả đủ lương, nếu thua lỗ có thể xem xét lại.
Nhà nước không thể gánh nợ
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khai thác khoáng sản phụ thuộc vào hai yếu tố: Thứ nhất là chi phí khai thác.
Chi phí khai thác phụ thuộc vào hiệu quả khai thác, doanh nghiệp khai thác được nhiều hay ít dựa vào công nghệ kỹ thuật áp dụng, dựa vào quản trị con người.
Nếu không kiểm soát được chi phí khai thác doanh nghiệp khó có lãi.
Thứ hai, phụ thuộc vào giá khoáng sản của thế giới và chất lượng khoáng sản Việt Nam khi xuất khẩu đi các nước.
“Than Việt Nam có thị trường tiêu thụ tuy nhiên chất lượng xuất khẩu thấp hơn các nước. Cũng giống như dầu mỏ chúng ta mới xuất khoáng sản dạng thô nên giá trị chưa cao. Cùng với việc giá than trên thế giới bấp bênh dẫn đến Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam thua lỗ”, Tiến sĩ Hiếu đánh giá.
Trong hai yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh theo Tiến sĩ Hiếu yếu tố chi phí khai thác doanh nghiệp hoàn toàn có kiểm soát được bằng việc đầu tư công nghệ hiện đại. Đồng thời cơ cấu lại bộ máy lao động để tăng hiệu quả.
“Một bộ máy cồng kềnh với đủ phòng ban như mô hình tại nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước hiện nay chỉ làm tăng quỹ lương của doanh nghiệp, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.
Theo Tiến sĩ Hiếu yếu tố chi phí khai thác doanh nghiệp hoàn toàn có kiểm soát được bằng việc đầu tư công nghệ hiện đại - ảnh nguồn VOV.
Đưa ra giải pháp giải quyết khoản nợ hơn 100 nghìn tỷ đồng với Tập đoàn Than - Khoáng sản theo ông Hiếu là điều không dễ.
Ông Hiếu cho rằng, Tập đoàn Than - Khoáng sản chỉ có thể dựa vào sự "giải cứu" của nhà nước hoặc xin tăng trữ lượng khai thác để bù lỗ. Tuy nhiên, cả hai phương án này đều không hiệu quả.
“Trừ khoản vay của Tập đoàn Than - Khoáng sản do nhà nước bảo lãnh còn lại không thể lại lấy ngân sách để trả nợ thay doanh nghiệp.
Tương tự nếu tăng khai thác khoáng sản để bù lỗ sẽ ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên quốc gia.
Lúc này, Tập đoàn Than - Khoáng sản chỉ có thể trao đổi với chủ nợ để cơ cấu lại các khoản nợ, xin giãn nợ để trả dần”, ông Hiếu cho biết.
Để giải quyết yếu kém doanh nghiệp nhà nước nói chung và Tập đoàn Than - Khoáng sản theo ông Hiếu nên cho tư nhân hóa vấn đề khai thác khoáng sản. 
“Trước mắt có thể nhà nước vẫn giữa vấn đề khai thác khoáng sản nhưng nên giao tư nhân sơ chế, tạo sản phẩm tinh và tìm thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên tiến tới nên để tư nhân làm, tư nhân làm nhà nước vẫn có thể kiểm soát được dựa trên quy định của pháp luật.
Để tư nhân làm hiệu quả sẽ cao hơn và thu gọn lại bộ máy cồng kềnh doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Than - Khoáng sản”, ông Hiếu nêu giải pháp.
Mai Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét