Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

20170331. QUANH CHUYỆN BỔ NHIỆM CÁN BỘ 'SIÊU TỐC', TRÀN LAN

ĐIỂM BÁO MẠNG
THÔNG BÁO CỦA THANH HÓA VỀ VIỆC TUYỂN DỤNG, BỔ NHIỆM BÀ  TRẦN VŨ QUỲNH ANH
THỤY DU /GDVN 31-3-2017
Trụ sở Sở Xây dựng Thanh Hóa (ảnh Báo Tin tức).

-Ai quy hoạch bà Trần Vũ Quỳnh Anh làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa?

-Thanh Hóa nên làm rõ tin cán bộ Quỳnh Anh giầu bất thường và lên chức vùn vụt

Ngày 30/3/2017, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 197/VP-THKH thông báo kết quả thanh tra, kiểm tra việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng từ năm 2010 - 2015.
Đáng chú ý, thông báo dành một phần lớn nội dung đề cập tới việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh – Trưởng Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Thanh Hóa, cùng khối tài sản có liên quan.
Bổ nhiệm cán bộ chưa đủ tiêu chuẩn
Việc tuyển dụng công chức đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh được kết luận là đúng quy định.
Tuy nhiên, việc bổ nhiệm bà này giữ chức vụ Phó trưởng phòng, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản trong quá trình công tác là chưa đủ tiêu chuẩn về thời gian công tác, trình độ lý luận chính trị...
Về việc xác định trách nhiệm có liên quan, báo cáo nêu rõ: "Giám đốc Sở Xây dựng có trách nhiệm trực tiếp trong việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo tại Sở Xây dựng từ năm 2010 đến năm 2015 và trong việc quản lý cán bộ năm 2016.
Tập thể lãnh đạo Sở Xây dựng thời kỳ 2010 - 2015, chịu trách nhiệm về các thiếu sót, vi phạm có liên quan.
Trách nhiệm tham mưu trực tiếp thuộc về ông Chánh Văn phòng Sở Xây dựng thời kỳ 2010 - 2015 và các cán bộ, công chức có liên quan", báo cáo chỉ rõ.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch chức danh Phó Giám đốc Sở Xây dựng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh được kết luận có nhiều thiếu sót. Cụ thể:
"Tập thể lãnh đạo Sở Xây dựng không thực hiện nghiêm túc việc đánh giá toàn diện cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch, đã đề nghị bổ sung bà Trần Vũ Quỳnh Anh vào quy hoạch, làm cho chất lượng quy hoạch thấp, tạo dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy có trách nhiệm trong việc làm chưa tốt công tác thẩm định nhân sự đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh, để báo cáo thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Việc quy hoạch bà Trần Vũ Quỳnh Anh xảy ra trong thời gian từ tháng 4/2014 đến tháng 10/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu lãnh đạo Sở Xây dựng, lãnh đạo Ban tổ chức Tỉnh ủy nghiêm túc làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc tham mưu để xảy ra thiếu sót trên và xử lý nghiêm theo quy định của Đảng", báo cáo nêu rõ.
Khai báo thiếu trung thực
Báo cáo của ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa nêu rõ quá trình công tác của bà Trần Vũ Quỳnh Anh, đồng thời khẳng định, nguyên cán bộ Sở Xây dựng khai báo không trung thực về sở hữu tài sản và lý lịch đảng viên.
"Trong quá trình công tác của bà Trần Vũ Quỳnh Anh (hợp đồng lao động tại Văn phòng Liên đoàn Lao động tỉnh từ năm 2010 đến tháng 12/2010, bà Quỳnh Anh hợp đồng lao động làm công việc thủ quỹ, văn thư tại Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng - Sở Xây dựng từ tháng 1/2011 đến tháng 3/2012.
Bà Quỳnh Anh là cán bộ, rồi Phó phòng, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản từ tháng 4/2012 đến 23/9/2016.
Trong quá trình công tác chưa phát hiện được bà Trần Vũ Quỳnh Anh có hành vi tham nhũng.
Đến thời điểm thanh tra, bà Quỳnh Anh không còn là cán bộ, công chức, vì vậy chưa đủ cơ sở để kiểm tra, xác minh tài sản của bà.
Ngoài ra, báo cáo còn chỉ rõ, trong quá trình khai lý lịch đảng viên, khai phiếu đảng viên và khai phiếu bổ sung đảng viên hàng năm, đồng chí Trần Vũ Quỳnh Anh ngoài việc vi phạm về kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực còn vi phạm quy định không khai hoàn cảnh kinh tế của bản thân và gia đình", báo cáo nêu rõ.
Những vi phạm này có trách nhiệm của tập thể Đảng ủy Sở Xây dựng và cá nhân đồng chí Quỳnh Anh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy sẽ khẩn trương làm rõ và xử lý trách nhiệm theo quy định.
Cho thôi việc nhưng không báo cáo, công khai
Cơ quan có thẩm quyền kết luận, việc Giám đốc Sở Xây dựng chưa báo cáo Sở Nội vụ về việc cho thôi việc bà Quỳnh Anh là không đúng theo quy định tại Quyết định số 685/QĐ-UBND ngày 02/3/2007 của ủy ban nhân dân tỉnh.
Cho thôi việc bà Quỳnh Anh không thông báo công khai cho cán bộ, công chức trong cơ quan biết là không đúng với Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015, của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính.
Việc Giám đốc Sở Xây dựng quản lý không chặt chẽ, để Chánh Văn phòng Sở giao hồ sơ công chức cho bà Trần Vũ Quỳnh Anh khi thôi việc là không đúng quy định tại Khoản 4, Điều 9, Thông tư số 11/2012/TT-BNV ngày 17/12/2012, của Bộ Nội vụ về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ công chức.
Việc này thuộc trách nhiệm của Giám đốc Sở Xây dựng và Chánh Văn phòng Sở hiện nay.
Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa có một phần trách nhiệm, do đã không thanh tra, kiểm tra để phát hiện sớm, kịp thời các thiếu sót, vi phạm xảy ra tại Sở Xây dựng.
Căn cứ các sai phạm trên, ngày 29/3/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Công văn số 476-CV/TU giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo và cán bộ Sở Xây dựng theo kết luận của Thanh tra tỉnh, trên cơ sở đó kiến nghị hình thức kỷ luật nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.
THỤY DU

 CẦN CHỈ RÕ  NHỮNG 'KHOẢNG TỐI'  TRONG VỤ TRẦN VŨ QUỲNH ANH

NGỌC QUANG/ GDVN 31-3-2017

PGS Bùi Thị An. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Khó tin! 
Thật khó tin với tất cả những gì đã xảy ra tại Sở Xây dựng Thanh Hóa trong vụ bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh. 
Khó tin là bởi, một người từng tạp vụ không có chuyên môn về lĩnh vực xây dựng, chỉ trong một thời gian ngắn được tuyển dụng, bổ nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại Sở Xây dựng. Thậm chí bà này còn được quy hoạch nguồn Phó giám đốc Sở.
Có người còn ví von, chỉ có thần tiên mới làm được những việc (thăng tiến) phi thường như vậy.
Khó tin cũng bởi, ngay bản thân bà Quỳnh Anh (người không đủ điều kiện bổ nhiệm), lại dễ dàng vượt qua những rào cản được coi là khó nhất về công tác cán bộ - điều được cho là bất khả thi đối với người bình thường.
Nhưng điều khó tin ấy có thể trở thành hiện thực nếu "quan lộ" của bà này có người "chống lưng", giúp sức.

Quả thật không ngoa khi nói rằng, việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh là vi phạm có tính hệ thống.
Trách nhiệm để xảy ra vi phạm này thuộc về lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa.
"Giám đốc Sở Xây dựng có trách nhiệm trực tiếp trong việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo tại Sở Xây dựng từ năm 2010 đến năm 2015 và trong việc quản lý cán bộ năm 2016.
Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa có một phần trách nhiệm, do đã không thanh tra, kiểm tra để phát hiện sớm, kịp thời các thiếu sót, vi phạm xảy ra tại Sở Xây dựng.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy có trách nhiệm trong việc làm chưa tốt công tác thẩm định nhân sự đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh, để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy", văn bản nêu rõ.
Sự vi phạm của các tổ chức này không khó lý giải, bởi ngay chính bản thân đơn vị có mối liên hệ chặt chẽ về công tác cán bộ như Sở Nội vụ Thanh Hóa còn vi phạm về điều tối kỵ này, thì khó trách được người khác làm sai, huống gì là việc bắt người ta phải nghe theo mình.
Nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở bởi cách đây không lâu, dư luận phát hiện Sở này từng liên quan tới vụ chuyển ngạch “chui” cho hơn 100 lao động hợp đồng và cán sự lên chuyên viên, nhiều người trong số này sau đó đã được bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo.
Hay trước đó là vụ việc từng gây ầm ĩ khi tỉnh này bổ nhiệm trái quy định tới 8 Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Việc bổ nhiệm sai trái này không thể không có trách nhiệm của Sở Nội vụ và Ban Tổ chức tỉnh này.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc "lùm xùm" về công tác cán bộ của xứ Thanh được dư luận phát giác trong thời gian vừa qua.
Một số vụ việc nổ cộm chưa được giải quyết triệt để. Trách nhiệm của người đứng đầu, tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm cũng chưa bị xử lý.
Có một điểm chung thường thấy từ những vụ "lùm xùm" về công tác nhân sự nói chung đã xảy ra tại Thanh Hóa là, chẳng cá nhân, tổ chức nào tự nhận mình sai trái ngay từ đầu dù họ là cán bộ đảng viên. 
Chỉ đến khi cơ quan có thẩm quyền kết luận hành vi vi phạm, thì mọi chuyện mới vỡ lở.
Và cụm từ "đúng quy trình", "rút kinh nghiệm" trong xử lý vi phạm lại được vận dụng đúng lúc, đúng chỗ, hoặc nếu có xử lý thì cũng chỉ làm để cho xong chuyện.
Nhưng nếu những hành vi vi phạm không được xử lý một cách nghiêm minh thì dư luận có cái cớ để lo lắng về điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng cảnh báo về công tác cán bộ:
"Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”, Thủ tướng nói tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới.
Những băn khoăn cần làm rõ
PGS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ động cơ bổ nhiệm bà Quỳnh Anh? Ai "chống lưng" cho hành vi sai trái này? Tài sản kếch xù của nguyên cán bộ Sở Xây dựng do đâu mà có...?
"Thứ nhất: Theo kết luận thanh tra, chỉ trong một thời gian ngắn bà Trần Vũ Quỳnh Anh được bổ nhiệm vào nhiều vị trí khác nhau tại Sở Xây dựng. Việc đề bạt bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ khi chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện...
Vậy, câu hỏi đặt ra là: Động cơ của việc bổ nhiệm "thần tốc", trái quy định bà Trần Vũ Quỳnh Anh là gì? Ai đứng sau "giật dây", tiếp sức việc bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ không đúng quy định?
Những băn khoăn về công tác nhân sự nói trên vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền trả lời thỏa đáng. Tôi nghĩ, Bộ Nội vụ cần vào cuộc để làm rõ.
Thứ 2: Tại sao bà Quỳnh anh có quyết định nghỉ việc từ tháng 9/2016, nhưng tới cuối tháng 3/2017 mới công bố quyết định?
Việc chậm trễ công bố thông tin này nhằm mục đích gì? Việc cho thôi việc đối với bà Quỳnh Anh được thực hiện như thế nào? Có đúng pháp luật không?
Thứ 3: Về việc xác minh tài sản của bà Trần Vũ Quỳnh Anh, Thanh tra tỉnh kết luận, bà Quỳnh Anh là cán bộ, rồi Phó phòng, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản từ tháng 4/2012 đến 23/9/2016.
Trong quá trình công tác chưa phát hiện được bà Trần Vũ Quỳnh Anh có hành vi tham nhũng.
Vậy, câu hỏi đặt ra là, số tài sản kếch xù (nhà, đất, xe) mà bà Quỳnh Anh và người thân có được hình thành từ nguồn nào? Có hợp pháp không?
Mặt khác, Nghị định số 78/2013/NĐ-CP quy định người có nghĩa vụ kê khai phải tự giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm ngay khi kê khai tài sản theo mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập và khi có yêu cầu của người có thẩm quyền.
Người kê khai tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, trung thực, kịp thời của những thông tin về nguồn gốc tài sản tăng thêm.
Vậy, việc kê khai, xác minh kê khai tài sản, kiểm tra biến động tài sản (từ năm 2013 trở đi) của bà Trần Vũ Quỳnh Anh có được thực hiện đúng theo quy định? Mức độ biến động ra sao? Tài sản biến động (tăng) có hợp pháp không?
Đây là những điểm "mờ" chưa được làm rõ. Dư luận cần có câu trả lời khách quan, minh bạch hơn từ những người có trách nhiệm xung quanh vụ việc này", PGS Bùi Thị An đề nghị.
BỔ NHIỆM LÁI XE: NHÂN THÂN VÀ SỰ HOÀI NGHI
PHẠM TRUNG TUYẾN/ TVN 31-3-2017
bổ nhiệm cán bộ, Quy hoạch nhân sự Bổ nhiệm người nhà, Con ông cháu cha, Phó viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng
Ông Nguyễn Đình Toàn (phải) trao Quyết định bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam cho ông Nguyễn Anh Tuấn ngày 30/11/2015. Ảnh: Báo Xây dựng
Chúng ta có thể không tin ông Phó viện trưởng xuất thân lái xe là người thực sự xứng đáng với cương vị hiện tại. Nhưng, để chứng minh nhận định của mình, chúng ta cần những thông tin về năng lực của ông ta, chứ không thể chỉ căn cứ vào việc ông ta đã từng là lái xe. 
Cách đây ít hôm, tôi nhận được một thư mời đi giảng nghiệp vụ ở một tòa soạn báo. Đó là một công việc khá thường xuyên của tôi trong nhiều năm qua. Nhưng mấy hôm nay, tôi bắt đầu nghĩ đến việc từ chối những lời mời như thế.
Hai ngày hôm nay, tôi đọc được quá nhiều những lời dè bỉu, thậm chí là mạt sát dành cho một người đàn ông, một Phó Viện trưởng một Viện thuộc Bộ Xây dựng, chỉ vì ông ta xuất thân từ một người lái xe. Trong tất cả những bài viết đả kích người đàn ông này, tôi không thấy tác giả nào chỉ ra ông ta đã làm sai điều gì, đã gây ra hậu quả gì bởi vì xuất thân từ một người lái xe. Nhìn cái cách mà danh dự của một con người có thể bị vùi dập đã từng làm một công việc không đủ danh giá, tôi sợ.
Sẽ là rất buồn cười khi so sánh câu chuyện người lái xe trở thành Viện phó với chuyện một trong những Tổng thống vĩ đại nhất lịch sử Hoa Kỳ, là Ronald Reagan có xuất thân là một diễn viên hạng xoàng. Bởi ông Viện phó ấy vốn dĩ chẳng được ai biết tới trước khi ông ấy được báo chí khui ra cái lý lịch lái xe. Song, nếu như ông ấy không phải từng là người lái xe, nhưng vẫn nhạt nhòa ở vị trí Viện phó và không để lại một chút dấu ấn nào, hẳn không có điều gì để nói.
Một người có xuất thân bình thường, có xuất phát điểm sự nghiệp ở vị trí thấp, lẽ nào không thể phấn đấu, học hỏi để có thể vươn tới những vị trí cao hơn trong cuộc đời? Nếu vậy, lịch sử hẳn đã không thể có những người nông dân áo vải cờ đào trở thành hoàng đế, hoặc anh hùng dân tộc. Vậy thì điều gì đã khiến cho quá nhiều người cảm thấy cay đắng với sự thăng tiến của một người lái xe trên con đường quan lộ đến như thế?
Bởi câu chuyện bổ nhiệm cán bộ gần đây có quá nhiều tai tiếng, từ chuyện Trịnh Xuân Thanh, đến Quỳnh Anh Thanh Hóa, từ cha con bổ nhiệm nhau ở Bình Định đến vợ chồng bổ nhiệm nhau ở Bà Rịa – Vũng Tàu… Những câu chuyện bi hài trong công tác cán bộ đã xói mòn niềm tin của cộng đồng, khiến người ta mặc nhiên tiêu cực hóa bất cứ điều gì có vẻ như bất thường trong mỗi trường hợp thăng tiến trên quan lộ ai đó. Nhưng, giữa thiếu niềm tin với việc mặc định tin vào mặt tiêu cực của một câu chuyện lại là những việc hoàn toàn khác nhau.
Chúng ta có thể không tin ông Phó viện trưởng xuất thân lái xe là người thực sự xứng đáng với cương vị hiện tại. Nhưng, để chứng minh nhận định của mình, chúng ta cần những thông tin về năng lực của ông ta, chứ không thể chỉ căn cứ vào việc ông ta đã từng là lái xe.
Đánh giá một con người bằng xuất thân, bằng lý lịch, cũng giống như tuyên một bản án với căn cứ duy nhất là nhân thân bị can. Đó là điều phi nhân nhất mà con người chúng ta có thể nghĩ ra. Tôi dám chắc một điều rằng bất cứ ai trong thế hệ của tôi cũng có những trải nghiệm, hoặc chứng kiến những bi kịch con người từ cái gọi là chủ nghĩa lý lịch.
Tôi không muốn nói đến những trải nghiệm cá nhân, bởi nó quá phong phú. Ở một mức độ phổ quát thì việc đánh giá con người bằng lý lịch là một yếu tố quan trọng tạo nên sự dối trá mà chúng ta đang phải chứng kiến quá nhiều trong xã hội. Nó tạo ra những trí thức sử dụng bằng giả, những quan chức giở trò gian lận trong thi cử, tạo ra một xã hội mờ mịt và thiếu vắng lòng tin. Tất cả chỉ để có một tờ khai lý lịch, một nhân thân đẹp đẽ hơn tý chút.
Phạm Trung Tuyến
TÌNH TRẠNG 'SẾP NHIỀU NHƯ NHÂN VIÊN' TRONG BỘ MÁY HÀNH CHÍNH VIỆT NAM
VOA Tiếng Việt/ BVN 31-3-2017 

Trong những ngày cuối tháng 3, các đoàn giám sát của Quốc hội Việt Nam về cải cách bộ máy hành chính đã làm việc với một loạt các tỉnh. Đầu tháng này, các đoàn giám sát cũng làm việc với một số bộ.
Báo chí Việt Nam tường thuật rằng sau các cuộc làm việc này, các đoàn giám sát một lần nữa xác định rằng một số tỉnh, bộ có số lượng lãnh đạo đông bằng hoặc hơn nhân viên, một tình trạng đã tồn tại trong những năm gần đây và hiện chưa có dấu hiệu gì sẽ cải thiện.
Chưa có thống kê đầy đủ được công bố chính thức về tình trạng tại các bộ và các tỉnh, nhưng thông tin trên báo chí nêu lên những con số bị đánh giá là “khó coi”.
Tại Bộ Giao thông Vận tải, Vụ Pháp chế có 6 lãnh đạo, 8 chuyên viên; Vụ Tổ chức Cán bộ có 8 lãnh đạo, 14 chuyên viên, Cục Đường sắt 30 lãnh đạo, 72 chuyên viên. Nhiều đơn vị số lãnh đạo vượt cả số nhân viên, như Thanh tra Bộ có đến 20 lãnh đạo quản lý, trong khi chỉ có 18 chuyên viên và người lao động. Tương tự, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông có tỉ lệ lãnh đạo trên nhân viên là 41/31. Thậm chí Cục Quản lý Xây dựng Đường bộ có số lượng lãnh đạo gần gấp đôi nhân viên là 28/15.
Tình trạng ở Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không sáng sủa hơn. Tỷ lệ lãnh đạo so với chuyên viên, người lao động ở Vụ Tổ chức cán bộ 11/11, ở Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục là 20/26.
Trong số các tỉnh, Thanh Hóa gây chú ý vì có nhiều đơn vị có số lãnh đạo cao hơn nhân viên. Sở Tư pháp tỉnh có 25 lãnh đạo cấp phòng trở lên và chỉ có 18 công chức với một người lao động. Sở Tài nguyên và Môi trường có tới 6 phó giám đốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến cuối năm 2016 có 5 phó giám đốc.
Không dừng ở đó, một số đơn vị của tỉnh chỉ có lãnh đạo mà không hề có nhân viên, như Qũy Bảo trợ Trẻ em chỉ có một cấp trưởng, một cấp phó và không có nhân viên. Ban Nghiên cứu và Biên soạn Lịch sử cũng có một cấp trưởng và hai cấp phó.
Hai tỉnh khác được báo chí nhắc đến vì có vấn đề tương tự là Quảng Ninh và Hải Dương với các tít báo như “Đề nghị Quảng Ninh không để tình trạng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên” trên báo Tiền Phong, hay “Hải Dương: Lãnh đạo nhiều gấp 2 lần nhân viên” trên báo Người Lao Động.
Giải trình với đoàn giám sát của Quốc hội, lãnh đạo tỉnh Hải Dương nói việc bổ nhiệm cán bộ của họ là theo đúng quy định của chính quyền trung ương.
Lý giải về điều tưởng như là nghịch lý này, chuyên gia Đinh Duy Hòa viết trong một bài đăng trên trang VietnamNet: “Tỉnh quyết sở ấy có bao nhiêu biên chế, ví dụ sở A có 45 người. Theo quy định của trung ương, sở A được tổ chức 5 phòng. Như vậy tổng lãnh đạo của sở A sẽ gồm giám đốc sở, cộng 3 phó giám đốc sở, cộng 5 trưởng phòng, cộng 10 phó trưởng phòng, bằng 19 người (công chức lãnh đạo phòng tối đa là 3). Trong thực tế sẽ có phòng có 4 hoặc 5 biên chế, như vậy rõ ràng công chức lãnh đạo là nhiều hơn nhân viên, nhưng vẫn đúng quy định”.
Tất cả những chủ trương đó là những chủ trương mà ban hành thiếu khảo sát, cho nên đưa ra những chủ trương trên trời. Những quyết định, chính sách điều chỉnh mối quan hệ xã hội thì cần phải khảo sát, điều tra và nhất là cần phải hỏi các đối tượng đấy. Ban luật trên trời thì làm sao thực thi được. Đặt ra tổ chức là vì công việc, bố trí con người là vì việc chứ không vì người, nhưng cái đó cũng nói trên lý thuyết chứ không thực hiện được
Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Từng là Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính, Bộ Nội vụ, đã nghỉ hưu năm 2014, chuyên gia Hòa cũng giải thích về công tác nhân sự ở cấp bộ trong bài viết của mình: “Mỗi bộ được tổ chức bao nhiêu vụ, cục; vụ nào được tổ chức bao nhiêu phòng [điều đó] được quy định trong nghị định của Chính phủ. Cái này thì bộ cũng như tỉnh đều chấp hành nghiêm chỉnh. Chuyện còn lại là của bộ: Quyết định vụ B bao nhiêu người, bổ nhiệm vụ trưởng và phó vụ trưởng, trưởng và phó trưởng phòng trong vụ (giả sử theo quy định của Chính phủ, vụ có 3 phòng thì công chức lãnh đạo của vụ sẽ là: 1 vụ trưởng, 3 phó vụ trưởng, 3 trưởng phòng và 6 phó trưởng phòng, [tổng cộng] bằng 13, trong khi biên chế chung cả vụ được duyệt là 18 hoặc 20). Cuối cùng lại là lãnh đạo nhiều hơn nhân viên mà vẫn đúng quy định”.
Ông Hòa cho rằng các cơ quan trung ương và địa phương làm đúng theo quy định hiện hành dẫn đến tình trạng “hòa cả làng”. Ông gợi ý rằng cách làm khác đi là nghiêm túc định nghĩa lại “những cái tưởng đơn giản như phòng là gì, vụ là gì, cục là gì, lúc nào thì tổ chức phòng, lúc nào thì tổ chức vụ, làm thế nào ra chính xác số lượng người trong một phòng, một vụ”. Chuyên gia này nhận định làm như vậy “sẽ ra ngay số lượng hợp lý lãnh đạo trong một phòng, một vụ”.
Từ góc độ từng là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, luật sư Trần Quốc Thuận ở thành phố Hồ Chí Minh nhận xét với VOA rằng cũng như nhiều luật khác, các quy định về bộ máy hành chính Việt Nam đã được xây dựng “thiếu cơ sở thực tế” nên dẫn đến lãnh đạo đông bằng hoặc hơn nhân viên. Ông nói:
“Tất cả những chủ trương đó là những chủ trương mà ban hành thiếu khảo sát, cho nên đưa ra những chủ trương trên trời. Những quyết định, chính sách điều chỉnh mối quan hệ xã hội thì cần phải khảo sát, điều tra và nhất là cần phải hỏi các đối tượng đấy. Ban luật trên trời thì làm sao thực thi được. Đặt ra tổ chức là vì công việc, bố trí con người là vì việc chứ không vì người, nhưng cái đó cũng nói trên lý thuyết chứ không thực hiện được”.
Tình trạng bộ máy hành chính các cấp có quá nhiều lãnh đạo làm cho nhiều người phải than trên mạng xã hội lẫn báo chí chính thống rằng “quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi”.
Theo số liệu trên báo chí trong nước, Việt Nam ước tính có 2,8 triệu cán bộ, công chức và viên chức. Bên cạnh đó là nhiều người đã nghỉ hưu và những người hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Toàn bộ số người “hưởng lương và mang tính chất lương” lên tới 11 triệu người. Trong một cuộc phỏng vấn với một báo Việt Nam hồi giữa năm ngoái, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói “không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy”.
Việc tinh giản biên chế trong những năm gần đây ngày càng trở nên cấp bách ở Việt Nam. Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản đã ra một nghị quyết về vấn đề này hồi tháng 4/2015. Nhưng trên thực tế, các con số cho thấy dường như đang có diễn biến ngược chiều.
Tại một hội thảo về cải cách bộ máy hành chính nhà nước do đoàn giám sát của quốc hội tổ chức hồi cuối tháng 2, thông tin được công bố cho biết vào năm 2016, các cơ quan trung ương được giao quản lý 3.725.559 người. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/10/2016, tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế là 3.734.302 người, vượt 8.743 người.
... hợp đồng nó sẽ loại những người vô tích sự ra. Thiếu gì giải pháp nhưng mà người ta không làm, bởi vì người ta quen cái thói là nói một đằng, làm một nẻo
Luật sư Trần Quốc Thuận
Luật sư Trần Quốc Thuận nói nhà nước Việt Nam đã đặt ra giải pháp là thay thế chế độ biên chế suốt đời bằng hợp đồng lao động, nhưng việc thực hiện còn chưa nghiêm chỉnh. Ông nói:
“Tất cả chuyển sang hợp đồng. Giờ những người đã làm lâu thì có thể hợp đồng 5 năm là dài nhất. Rồi 3 năm, 2 năm, 6 tháng. Tự nhiên cái hợp đồng nó sẽ loại những người vô tích sự ra. Thiếu gì giải pháp nhưng mà người ta không làm, bởi vì người ta quen cái thói là nói một đằng, làm một nẻo”.
Hội thảo về cải cách bộ máy hành chính nhà nước chỉ ra rằng vì có “tâm lý ngại va chạm” nên các cơ quan, tổ chức “chưa thực hiện nghiêm túc chủ trương về quản lý biên chế và tinh giản biên chế”. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện biên chế và quản lý biên chế “còn buông lỏng” và “chưa có chế tài cụ thể đủ mạnh”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét