Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

20170329. QUANH CHỦ TRƯƠNG 'NỚI HẠN ĐIỀN'

ĐIỂM BÁO MẠNG
GS ĐẶNG HÙNG VÕ: 'CẦN MỞ RỘNG HOẶC THẬM CHÍ XÓA BỎ HẠN ĐIỀN'
Diễn đàn VNF / 27-3-2017
GS Đặng Hùng Võ: 'Cần mở rộng hoặc thậm chí xóa bỏ hạn điền'
GS Đặng Hùng Võ

Chuyên gia giàu kinh nghiệm về đất đai nói so với thực tế hiện nay, các mức hạn điền như gấp 10 lần hạn mức đất nông nghiệp, vẫn là không đủ.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Thủ tướng đã nêu rõ chủ trương phải tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Thủ tướng cũng giao các bộ gồm Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp phải nghiên cứu chính sách, hoàn thành ngay trong quý III tới.
Phát biểu tại bàn tròn: "Mở rộng hạn điền: Cuộc cách mạng mới của nông nghiệp Việt Nam" mới đây, GS Đặng Hùng Võ đã nêu quan điểm ủng hộ xu hướng này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.
GS Đặng Hùng Võ nói:
"Chúng ta đều biết rằng, nông nghiệp Việt Nam chính là một điểm đầu tiên để quyết định Đổi mới. Bởi ở giai đoạn đó, nguồn lương thực, thực phẩm cung cấp cho đời sống không đủ, chúng ra đã rơi vào tình trạng thiếu ăn.
Tôi cho rằng, thời điểm đó, chúng ta đã quyết định một chính sách mà đến bây giờ nhìn lại, đó là một quyết định hoàn toàn chính xác. Đó là việc giao đất của Hợp tác xã cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định lâu dài (Luật Đất đai 1993 và Nghị định 64 của Chính phủ ngày 27/9/1993). Bản chất của chính sách này chính là việc chúng ta đã giải phóng lực lượng sản xuất.
Đến bây giờ, chắc chắn cách thức này (giải phóng lực lượng sản xuất bằng việc thể chế hoá giao đất của HTX cho hộ dân - PV) hết động lực rồi, không còn động lực để chúng ta phát triển tiếp.
Vậy, lúc này, chúng ta phải nghĩ đến chuyện tiếp tục giải phóng tư liệu sản xuất. Tư liệu sản xuất ở đây chính là đất đai. Một trong những bước cản lại đất đai là hạn điền, tức là làm cho mỗi người chỉ được một diện tích đất nhất định, nhận chuyển nhượng cũng được một diện tích đất nhất định.
Tuy nhiên theo tôi, sự thật là chúng ta cũng đã cơi nới hạn điền rồi chứ không phải là đến nay hạn điền vẫn như cũ. Chỉ có điều, so với thực tế hiện nay, các mức hạn điền như gấp 10 lần hạn mức đất nông nghiệp, vẫn là không đủ (Luật Đất đai 2013 cho phép các hộ gia đình được tích tụ đất đai không quá 10 lần hạn mức đất nông nghiệp (3ha)- PV).
Trên thực tế, chúng ta cũng đã biết một ví dụ rất điển hình là trường hợp ông Năm Chuối ở Long An. Ông ấy đã sử dụng tới 1.000 ha. Nhưng theo quy định, hộ dân chỉ được tích tụ đất đai gấp 10 lần hạn mức 3ha đất nông nghiệp cho trồng cây hàng năm tại Đồng bằng sông Cửu Long, nghĩa là, cũng chỉ được 30 ha thôi. So với 1.000ha kia thì thực tế, hạn điền đã vượt quá rất nhiều.
Chính vì vậy, tôi cho rằng chúng ta dùng từ “mở rộng nữa hạn điền” cũng được. Hoặc cao hơn nữa chúng ta nên xem xét có nên bỏ hạn điền đó hay không?
Bởi vì, hạn điền là gì? Hạn điền thứ nhất là cách thức để chúng ta quản lý đảm bảo công bằng giữa mọi nông dân với nhau, thứ hai là để không được hình thành "địa chủ mới", tức những người nhiều ruộng đất chỉ thực hiện việc phát canh thu tô, không trực tiếp lao động mà chỉ dùng đất để thu lợi.
Trước đây, chúng ta ngăn hiện tượng này bằng hạn điền. Nhưng nếu chúng ta không nới rộng nữa hoặc bỏ hạn điền thì chúng ta cần phải thay bằng một chính sách khác.
Trên thực tế, hiện nay chúng ta có quản lý được hạn điền đâu! Bởi vì khi phân cấp quản lý, mỗi một tỉnh là riêng nhau. Thế thì, có lúc nào chúng ta khớp cộng lại rằng, ông Nguyễn Văn A ở tỉnh này có bao nhiêu đất, ở tỉnh kia có bao nhiêu đất đâu?
Chúng ta không thể làm được việc đó. Thành ra việc quản lý đất đai làm sao không cho hình thành "địa chủ mới" và tạo sự công bằng giữa các hộ gia đình với nhau thì phải thay bằng một chính sách khác. Thắt chặt sự quản lý, thay chính sách hạn điền bằng chính sách khác, tôi cho đó là điều quan trọng nhất lúc này".
NÂNG HẠN ĐIỀN CÓ PHẢI LÀ CHÌA KHÓA VẠN NĂNG ?
THÙY DUNG / KTSG 29-3-2017
(TBKTSG Online) – Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, việc nâng hạn điền, tích tụ ruộng đất phải làm rất thận trọng, nếu không sẽ khiến nông dân rơi vào cảnh bần cùng hóa.
Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa Xuân 2017 được tổ chức ngày hôm nay, 28-3 tại Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, thành viên Liên minh Nông nghiệp, cho hay gần đây các hội thảo nói nhiều về nới hạn điền và cho rằng với hạn điền này không thể tích tụ ruộng đất, không thể có cánh đồng lớn; thậm chí có những địa phương, chính quyền đi cùng doanh nghiệp thỏa thuận đất với nông dân…
Thực tế, theo bà Minh, có hạn điền nhưng vẫn có thể tích tụ được ruộng đất. Ví dụ như ở Bình Phước có doanh nghiệp có tới 250 héc ta đất trồng điều; ở Bình Thuận, mỗi hộ sản xuất có vài chục héc ta trồng thanh long là bình thường. Hay tập đoàn Minh Phú còn thuê 1.000 héc ta đất để nuôi tôm và cá rô phi. Hội nuôi tôm Mỹ Thanh, xã viên của hợp tác xã đều là các đại gia nuôi tôm và có vài chục héc ta.
“Có phải hạn điền là mấu chốt để tích tụ ruộng đất không? Nếu không phải thì nó là gì?”, bà Minh băn khoăn và lo ngại việc lấy đất có thể gây tới việc bần cùng hóa nông dân.
Cũng tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho hay, các nhà làm luật cần chú ý đến quyền bảo vệ tài sản của nông dân trong quá trình tích tụ ruộng đất.
“Chúng tôi đến ĐBSCL thấy có người có 10 công đất, hai con đi học ở thành phố về xin chuyển 4 công đất để khởi nghiệp thành doanh nghiệp. Như vậy gia đình này phải thực hiện thủ tục chuyển đổi đất, khi đó, đất mà gia đình canh tác bao lâu nay giờ lại biến thành đất nhà nước và phải ký thuê lại đất với hạn mức là 20 năm”, ông Doanh lấy ví dụ và cho hay: “Nếu không xử lý tốt thì quyền tài sản của nông dân sẽ mai một. Tích tụ ruộng đất phải bảo vệ quyền và lợi ích cho người nông dân”.
Theo ông Doanh, kinh nghiệm ở Đài Loan cho thấy, người nông dân tham gia góp đất thì họ trở thành đồng sở hữu của công ty, họ là cổ đông và quyền tài sản đất đai được bảo đảm lâu dài. Do đó, cần tránh việc tích tụ ruộng đất thành việc biến đất nông nghiệp vào tay một số doanh nghiệp lớn và điều này sẽ dẫn tới mất ổn định về xã hội.
Ông Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay hiện nay có một số địa phương xé rào, đứng ra đàm phán với nông dân để thu hồi đất và cho doanh nghiệp thuê lại. Điều này, theo ông Thịnh, nếu chính quyền tốt thì không sao nhưng nếu chính quyền không tốt thì có thể người chịu thiệt hại chính là nông dân. Theo đó, nên quan niệm đất là tài sản của người dân, đối xử về quyền đó như là một tài sản bình thường, được chuyển nhượng và theo cơ chế thị trường, để thị trường quyết định.
Nếu coi quyền sử dụng đất là một loại hàng hóa thì nó phải được phản ánh giá trị thực, khi đó người dân dùng dất, vay vốn ngân hàng thì đất đó sẽ được vốn hóa. Vốn đó được tham gia vào sản xuất tạo hiệu quả kinh doanh. “Đây là cách lý giải cho bài toán chung về cơ chế thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu không chúng ta sẽ loay hoay với việc làm thế nào đưa cơ chế thị trường vào phát triển nông nghiệp”, ông Thịnh nói.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương lấy ví dụ về cách làm của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang. Công ty này đã liên kết khoảng 60.000 héc ta đất của hộ nông dân để sản xuất các loại giống lúa chất lượng cao, có những loại có giá tới 14 đô la Mỹ/kg. Đây mới là vấn đề của ngành nông nghiệp, tức phải tập trung đất đai và kết nối với nông dân để tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao.
Mời đọc thêm:
NHIỀU CƠ CHẾ ĐẤT ĐAI ĐANG CẢN TRỞ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP
KHÁNH LINH/ VnE 28-3-2017
Phát biểu tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2017 hôm 28/3, TS. Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đánh giá, nhiều cơ chế về đất đai đang cản trở quá trình phát triển của nền nông nghiệp.

Hạn điền không phải vấn đề quan trọng nhất

Hiện nay nguồn lực vốn từ đất đang bị ứng xử không đúng, không vốn hóa được. 1ha lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có giá trị thực từ 1-2 tỷ đồng, nhưng khi định giá tín dụng, người nông dân chỉ có thể thế chấp vay được 200 - 300 triệu đồng. Bởi giá đất nông nghiệp đang được quy định hành chính từ UBND tỉnh, chỉ bằng 1/10 giá trị thực tế.

“Lãng phí hàng trăm tỷ USD mỗi năm khi hàng triệu hecta đất không thể vốn hóa hoặc không được tính đủ giá…”, ông Thịnh cho hay. 

Bên cạnh đó, theo ông Thịnh, đất nông nghiệp chưa được công nhận là tài sản của nông dân cũng là một trong những hạn chế khiến nông nghiệp khó phát triển. Hiện nay, Nhà nước hỗ trợ thị trường nhưng can thiệp quá sâu dẫn đến thực trạng cơ quan đi vận động người dân cho thuê đất làm tăng nguy cơ cưỡng chế.

Đồng quan điểm, TS. Đặng Quang Vinh, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định, cản trở lớn đối với nông nghiệp là quyền tài sản đất đai vẫn còn hạn chế. Việt Nam không coi đất nông nghiệp là tài sản, đất nông nghiệp chỉ là đất nhà nước cho người nông dân mượn để làm ăn.

“Hạn điền không phải vấn đề quan trọng nhất, hiện nay, rất nhiều hộ nông dân đã đạt tới giá trị của hạn điền với hàng nghìn hecta sản xuất tuy nhiên sản xuất vẫn gặp khó khăn khi người dân không có quyền tự quyết với đất đai”, TS. Vinh chia sẻ.

Cũng nói về vấn đề hạn điền và tích tụ ruộng đất, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch danh dự VASEP, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, cho rằng, chính sách hạn điền không ảnh hưởng đến quá trình tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng mẫu lớn. Bởi thực tế, tại Đồng bằng sông Cửu Long, việc một người dân sở hữu hàng chục hecta đất để trồng thanh long, hồ nuôi tôm là chuyện không hiếm. Điều cần làm là làm sao định hướng để người nông dân biết làm gì, nuôi gì, như thế nào…

“Việc hỗ trợ vốn cần đặc biệt lưu tâm. Nếu không sử dụng hợp lý có thể sẽ đẩy người nông dân khó càng thêm khó. Bài học là nhiều người nông dân sau khi vay tiền làm ăn thua lỗ và phải gánh nợ”, TS. Minh chia sẻ.

TS. Andrew Wells Dang, Chuyên gia cao cấp, tổ chức Oxfam Việt Nam nói: “Đôi khi làm lớn chưa chắc đã tốt hơn làm nhỏ. Bởi nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu đi lên từ hộ gia đình, căn cơ nền sản xuất của Việt Nam là sản xuất nhỏ. Tích tụ ruộng đất ở mức thích hợp cho sản xuất nhưng không phải làm bằng mọi giá”.

Phát triển nông nghiệp phải từ nông dân 

Theo các chuyên gia, tích tụ ruộng đất là quá trình tất yếu. Tuy nhiên, để thay đổi ngành nông nghiệp chỉ dựa vào tích tụ ruộng đất, thay đổi chính sách hạn điền chưa đủ mà còn phải bắt đầu từ người nông dân.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, cho hay, xưa nay chúng ta vẫn nghĩ nông dân tài giỏi nhưng không phải vậy. Sau 40 năm nông dân còn nghèo, hơn 50% là do người nông dân trình độ quá thấp. 

“Đất đai ngày càng manh mún, năng suất không cao, người nông dân trình độ học vấn thấp trong khi đó ở nước ngoài người nông dân không có học không cho phép làm ruộng”, Giáo sư Xuân nói.

Lấy ví dụ cho việc trình độ người nông dân còn thấp, Giáo sư cho hay, việc người dân lạm dụng phân bón u rê khiến chất lượng canh tác kém, gây nhiều hệ luỵ, giá thành cuối cùng cao. Chẳng hạn như, chi phí cho lúa tiêu tốn từ 3,8 - 4 nghìn đồng/kg. Trong khi nếu áp dụng đúng, chi phí chỉ khoảng 1,8-2 nghìn đồng/kg. Tình trạng này xảy ra tương tự với các loại cây khác.

Theo lý giải của Giáo sư, một trong những nguyên nhân là do sự định hướng của cơ quan quản lý chưa tốt. Nhiều người nông dân muốn học hỏi từ sách báo, các chương trình… nhưng chưa dám tin vì chưa có sự định hướng từ cơ quan Nhà nước. 

Vì vậy, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, cần phải có một thể chế kiện toàn để nâng cao năng lực của người nông dân. “Chúng ta không kỳ vọng sẽ đuổi kịp các nước phát triển nhưng cần phải làm để người nông dân làm đúng, từ đó cải thiện chất lượng và thông qua doanh nghiệp tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước”, ông nói.

Cùng góc nhìn, TS Nguyễn Thị Hồng Minh cũng cho rằng người nông dân đang yếu vì “bảo thủ” nhưng vẫn có thể thay đổi được…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét