Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

20170308. MỘT CÁCH NHÌN KHÁC VỀ CÔNG BỐ QUỐC TẾ CỦA GIÁO SƯ, TIẾN SĨ VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
CÔNG BỐ QUỐC TẾ CÓ GIÚP GIÁO  SƯ, TIẾN SĨ VIỆT NAM  SÁNH VAI CÙNG BẠN BÈ NĂM CHÂU ?
NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG / GDVN 7-3-2017
Dự thảo tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư buộc Việt Nam phải phát triển năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế. (Ảnh: Văn Chung/ Vietnamnet.vn)
Vào cuối năm 2016, trong hội nghị bàn về quy định đào tạo tiến sỹ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra phương án “muốn bảo vệ tiến sỹ, phải có công bố quốc tế”. 
Lập luận của yêu cầu này là để nâng cao chất lượng tiến sỹ, hội nhập với thế giới. Theo đó, tiêu chuẩn của người hướng dẫn làm nghiên cứu cũng cần được nâng tiêu chuẩn, cũng cần có công bố quốc tế.
Chưa vội bàn đến việc công bố quốc tế trước hay sau bảo vệ tiến sỹ là hợp lý, trong toàn bộ nội dung hội nghị bàn về vấn đề này những người tham gia, chúng ta chưa đưa ra bất kỳ nghiên cứu thực tế nào về đào tạo tiến sỹ và chất lượng đào tạo, trong bối cảnh Việt Nam đã có 24.000 tiến sỹ được công nhận trong hơn 20 năm qua.
Nếu chúng ta chưa có nghiên cứu nào ở Việt Nam, việc tham khảo nghiên cứu đã có ở một số nước khác làm so sánh đối chứng có lẽ cũng hữu ích trong trường hợp này, nhưng tiếc là chúng ta có vẻ cũng chưa có một tổng kết cụ thể nào về kinh nghiệm của các nước về đào tạo tiến sỹ và công nhận giáo sư. 
Đến đầu năm 2017, yêu cầu về công bố quốc tế được bàn đến trong “dự thảo quy định tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư tại Việt Nam".
Trả lời trên VietNamNet, ông Nguyễn Hữu Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng đây là dự thảo quy định ở mức “tối thiểu” nhằm “buộc” Việt Nam phải phát triển năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế
Theo ông Đức, “nhóm soạn thảo chắc cũng đã có thống kê dựa trên số liệu công nhận GS, PGS những năm gần đây và tiêu chí đó cũng mới nằm ở đỉnh phổ thống kê mà thôi”.
Trong toàn văn chia sẻ của GS. Đức về quy định công bố quốc tế và công nhận giáo sư sửa đổi lần này, cá nhân tôi hoàn toàn hiểu những mong muốn và quyết tâm hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nghiên cứu và công bố của Việt Nam của những người làm nghiên cứu trong giai đoạn “toàn cầu hóa” hiện nay.
Về việc công bố quốc tế, dù là ở cấp độ bảo vệ luận án tiến sỹ hay ở công nhận chức danh giáo sư, tôi rất mong có những khảo sát thực tiễn từ quốc tế (lấy ví dụ, 30% công bố nghiên cứu khoa học là từ Mỹ) để Việt Nam tham khảo.
Nếu không có những khảo sát từ các nước có nền tảng phát triển về nghiên cứu khoa học và công bố, các đề xuất công bố quốc tế đều sẽ khó khả thi. 
Bởi chúng ta chưa đưa ra được định nghĩa thế nào là “công bố quốc tế”, tại sao phải cần có công bố quốc tế trước khi bảo vệ tiến sỹ, công bố quốc tế có ứng dụng thực tiễn cho Việt Nam hay không? 
Năng lực nghiên cứu nội địa đã đủ đáp ứng tiêu chuẩn công bố quốc tế ở mức độ nào?...
Và cơ bản nhất, mục tiêu trọng tâm phát triển khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội của Việt Nam trong 5 - 10 năm tới là gì và công bố quốc tế có thúc đẩy chúng ta đạt được mục tiêu này hay không?
Khi chưa có những câu trả lời cho những vấn đề trên, chúng ta đã phải đối mặt với thực tế sau :
- Theo Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, chúng ta có chưa tới 40% tân Giáo sư và Phó Giáo sư năm 2016 có công bố quốc tế. 
Những con số này chưa chỉ ra cụ thể là có bao nhiêu công bố quốc tế được thực hiện dưới hình thức “co-authors” (đồng tác giả) với các đối tác nghiên cứu nước ngoài.
- Thống kê từ các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm có ngân sách của nhà nước cho thấy, để có một bài báo quốc tế từ các đề tài này cần đầu tư 10 tỷ đồng. 
Đây là con số khá đắt đỏ ngay cả khi so sánh với chi phí đầu tư nghiên cứu khoa học cơ bản của Mỹ và trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay.
- Hạn chế ngoại ngữ, thiếu năng lực và kỹ năng làm nghiên cứu của nghiên cứu sinh cùng với năng lực hướng dẫn nghiên cứu của người hướng dẫn là ba nguyên nhân cơ bản (đã được chỉ ra) làm cho việc chất lượng đào tạo tiến sỹ của Việt Nam “thấp”, và chưa đi cùng với bất kỳ chuẩn nào của khu vực hay thế giới.
Tôi muốn chia sẻ một số thực tiễn của Mỹ trong khi học và làm nghiên cứu sinh chuyên ngành quốc tế giáo dục, để chúng ta có thêm thông tin tham khảo:
- Ở Mỹ, giáo sư phải thực hiện tối thiểu 3 nhóm công việc: Giảng dạy – hướng dẫn nghiên cứu và các hoạt động công tác phát triển cộng đồng học thuật.
Tùy theo từng định hướng của trường, sẽ có giáo sư dạy nhiều hơn, nhưng sẽ có trường yêu cầu làm nghiên cứu và công bố nhiều hơn (Northwestern University và hầu hết các trường nghiên cứu Top 60 của Mỹ).
Nghiên cứu của Northwestern đã chỉ ra, có thể giáo sư dạy rất tốt, nhưng nghiên cứu lại dở hoặc ngược lại, và điều này không chỉ phụ thuộc vào giáo sư, mà còn phụ thuộc vào chính sách/ngân sách nghiên cứu, môi trường nghiên cứu và năng lực nghiên cứu.
- Khi chúng ta không có quy định cụ thể về công bố quốc tế là thế nào, sẽ dễ gây ra nhiều “lộn xộn” sau này. 
Lấy ví dụ như ở Mỹ, giáo sư trong lĩnh vực giáo dục không cần có công bố quốc tế, mà tự bản thân giáo sư, muốn có uy tín trong chuyên ngành hoặc liên ngành tại Mỹ, họ phải có nghiên cứu, phải lấy được funding (tài trợ nghiên cứu), giảng dạy và có dự án hợp tác quốc tế thì mới có uy tín trong lĩnh vực mình nghiên cứu hoặc giảng dạy.
Hơn thế nữa, cũng cần nói thêm là trong mảng nghiên cứu khoa học xã hội, Mỹ công nhận rất nhiều phương pháp nghiên cứu xã hội mà hiện ở Việt Nam chưa phổ biến. 
Vậy, sẽ có chuyện xảy ra là nghiên cứu theo phương pháp nước ngoài công nhận mà về Việt Nam lại không được công nhận do chưa có phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội này ở Việt Nam.
Từ những thực tế trên của Mỹ, liệu chúng ta có thể có những khảo sát nhanh từ các nước, và tư duy thực tế hơn về việc với năng lực dạy và nghiên cứu của chúng ta hiện nay, ngành nào sẽ hướng đến công bố quốc tế là thích hợp (ví dụ, khoa học kỹ thuật), và ngành nào khuyến khích công bố có yếu tố quốc tế (dưới hình thức hợp tác nghiên cứu và công bố ở tạp chí nước ngoài, hoặc công bố ở Việt Nam nhưng thực hiện nghiên cứu với các nhà nghiên cứu nước ngoài, như các ngành khoa học xã hội)?
Hay có nên là hãy tập trung vào dạy các phương pháp nghiên cứu và công bố khoa học mà các nước phát triển khoa học đang ứng dụng trước (cho tất cả các chương trình đào tạo tiến sỹ và được chứng nhận bởi các tổ chức nghiên cứu quốc tế), rồi mới đến yêu cầu công bố quốc tế cho các nhà nghiên cứu (gồm cả chức danh giáo sư)?
Ngay ở Mỹ hiện nay, để khuyến khích đa dạng hóa nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục và khoa học xã hội, các giáo sư được khích lệ làm nghiên cứu chung với các nghiên cứu sinh là sinh viên quốc tế, nhằm thúc đẩy những hiểu biết và chia sẻ những khác biệt giữa các nền tảng văn hóa, tư duy và thậm chí, cách tiếp cận vấn đề, chứ không chỉ thuần túy là công bố trên tạp chí khoa học. 
Vậy, với Việt Nam, liệu có nên chăng, chúng ta tập trung vào cơ chế khuyến khích sự hợp tác và nghiên cứu giữa các nghiên cứu sinh với người hướng dẫn là giáo sư nước ngoài, giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam với các nhà nghiên cứu nước ngoài, tổ chức nước ngoài có uy tín, và để giải quyết những thách thức của Việt Nam mà quốc tế cũng quan tâm, mặc dù những nghiên cứu này có thể công bố ở Việt Nam nhưng được nước ngoài công nhận? 
Những nỗ lực thu hút sinh viên, nghiên cứu sinh hay nhà nghiên cứu nước ngoài đến Việt Nam học tập và nghiên cứu về Việt Nam là một cách rất hữu ích để thúc đẩy việc làm nghiên cứu mà được quốc tế hóa ngay tại các đại học Việt Nam. 
Các đại học có yếu tố nước ngoài, các chương trình liên kết với nước ngoài, đều là những kênh để thúc đẩy nghiên cứu và công bố có yếu tố nước ngoài, mà chúng ta có thể khai thác một cách hiệu quả mà không cần đến chi phí quá đắt đỏ.
Tôi thiết nghĩ quy định nào cũng sẽ chỉ là quy định “chết”, dù ở Anh, Mỹ hay Việt Nam, nếu chúng ta không có được cơ chế phù hợp thúc đẩy những người đam mê nghiên cứu làm nghiên cứu, và nếu chúng ta không tạo dựng được môi trường khuyến khích nghiên cứu vì lợi ích của đất nước.
Quay trở lại với công bố quốc tế ở Việt Nam cho đào tạo tiến sỹ hay công nhận giáo sư, theo tôi, trước khi quyết định theo đường hướng nào, hãy làm nghiên cứu! 
Hãy chứng minh được qua nghiên cứu thực tiễn của Việt Nam và dẫn chứng từ thế giới về năng lực của các giáo sư hiện tại đủ tốt để hướng dẫn nghiên cứu sinh làm nghiên cứu và công bố quốc tế. 
Nếu chưa được thế, cơ chế nào để chúng ta mời những giáo sư nước ngoài, những nhà nghiên cứu có uy tín tham gia cùng với chúng ta? 
Ở Mỹ, trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách về giáo dục, hầu hết các đề xuất chính sách phải dựa trên nền tảng của nghiên cứu khoa học độc lập mà thường được gọi là “cơ sở khoa học nghiên cứu” (research – based evidence hay evidence-base), do nhiều trường đại học hay viện nghiên cứu độc lập thực hiện và tham gia phản biện.
Mặc dù Mỹ có hơn 5.000 trường đại học được kiểm định, chỉ có khoảng 200 trường có hoạt động nghiên cứu nghiêm túc và những giáo sư hàng đầu trong từng ngành/lĩnh vực cụ thể. 
Tên tuổi của các trường như Harvard, Stanford, Yale, University of Colorado, hay Michigan State University khá nổi tiếng không chỉ vì lịch sử của họ, mà vì những giáo sư và dự án nghiên cứu đề xuất chính sách hay phản biện chính sách giáo dục do Chính phủ hoặc Quốc hội đặt hàng.
Vậy, liệu đã đến lúc, chúng ta (và Bộ Giáo dục và Đào tạo) nên có những nghiên cứu độc lập để hỗ trợ và phản biện những đề xuất cải cách giáo dục hoặc những quy định trong lĩnh vực giáo dục (ví dụ như, đào tạo tiến sỹ hay công nhận chức danh giáo sư như thế này), hay chưa?
Nguyễn Thị Lan Hương

VIỆT NAM VÀ CÁC BẢNG XẾP HẠNG QUỐC TẾ

NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG/ GDVN 6-3-2017

Các bảng xếp hạng có thực sự còn ý nghĩa? Ảnh: ventriloquistcentralblog.com

Trong các bản tin về Việt Nam và quốc tế hiện nay, các thông tin về Việt Nam và thứ hạng của Việt Nam trên nhiều khía cạnh, kinh tế, xã hội, chỉ số hạnh phúc, chỉ số môi trường và đặc biệt là xếp hạng giáo dục, được đưa tin và thu hút sự quan tâm cũng như bình luận của rất nhiều người trong xã hội.
Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ một số các thông tin xếp hạng cụ thể, cách đánh giá xếp hạng và những bình luận đi kèm, mong những bạn đọc như tôi và nhiều người khác, có được những góc nhìn, những cách đánh giá và thẩm định thông tin.
Đồng thời, giúp cho chúng ta hiểu được là xếp hạng, dù ở Việt Nam hay khu vực và quốc tế, mọi vấn đề cũng chỉ là thông tin tham khảo. 
Chúng ta cần sống trung thực với những câu chuyện của bản thân và hãy tìm được giải pháp hữu ích cho chính chúng ta, dựa trên nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm đã có từ trong quá khứ hay từ những bạn bè xung quanh.
Thứ hạng trong kỳ thi PISA
Trong hai lần Việt Nam tham gia đánh giá năng lực học sinh toàn cầu mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức (2012, 2015) dành cho lứa tuổi 15 (lớp 8), cho các môn Toán – Đọc hiểu – Khoa học, học sinh Việt Nam luôn đứng thứ hạng cao (xếp hạng 8 về năng lực Khoa học, 22 về Toán và 32 về Đọc hiểu – Xếp hạng 2015) [1], thậm chí vượt xa học sinh các nước phát triển với đầu tư rất lớn cho giáo dục. 
Điều này đã gây ngạc nhiên cho tất cả các thành viên tham gia đánh giá, và thậm chí, tổ chức RISE được thành lập và cấp ngân sách 4.2 triệu Euro [2] để nghiên cứu tìm hiểu những lý do mà những nước như Việt Nam đã đạt được trong nền giáo dục khi mà GDP trên đầu người còn khá thấp.
Theo đó, chúng ta rất tự hào vì học sinh chúng ta, khi đem chuông so với xứ người, không làm hổ danh đất nước.  
Tuy nhiên, cũng như OECD và nhiều nhà nghiên cứu giáo dục quốc tế khác, những câu hỏi tiếp sau kết quả PISA là, tại sao học sinh Việt Nam học Toán và Khoa học tốt, mà lại ít người tiếp tục học khoa học? 
Tại sao nền tảng khoa học kỹ thuật, khoa học cơ bản của Việt Nam lại thiếu vắng nhiều nhà nghiên cứu đến vậy? 
Và nếu xét theo chỉ số sáng tạo thông qua bằng sáng chế được cấp, tại sao chỉ số Việt Nam lại nằm ở phần gần cuối của bảng xếp hạng?
Vâng, tại sao lại có những nghịch lý này?
Nếu để lý giải vấn đề này dựa trên nghiên cứu khoa học, có lẽ sẽ phải chờ 6 năm nữa, khi chương trình của RISE kết thúc và họ đưa ra được một số đánh giá từ thực tế khảo sát giáo dục của Việt Nam khi so sánh với các nước khác.  
Tuy nhiên, cuộc trao đổi gần đây mà OECD thực hiện với hơn 180 nhà giáo dục đến từ 100 nước [3] bàn về những chuẩn bị cho sự thành công của học sinh trong thời kỳ công nghệ 4.0 sắp tới cho thấy: Mặc dù Việt Nam có được xếp hạng cao trong đánh giá của OECD do chúng ta “luyện” học sinh học cách giải Toán, giải Khoa học, giống như Singapore, nhưng có lẽ chưa chú trọng vào phần “đam mê khoa học, đam mê sáng tạo” hay “môi trường khuyến khích phát triển khoa học”.
Và cơ bản nhất là chúng ta thiếu vắng kỹ năng “học để suy nghĩ trung thực, độc lập”, kỹ năng nền tảng cho mọi nghiên cứu khoa học. 
Việc chúng ta hiện nay đang đi theo cách đánh giá học sinh nặng về điểm số của thi cử, loại hình đánh giá dựa vào thi trắc nghiệm cũng là một số minh chứng cho việc tại sao chúng ta có học sinh thi giỏi, nhưng không có nhà sáng chế giỏi.  
Bộ trưởng của Singapore, trong một bài chia sẻ với một trong những nhà bình luận xuất sắc của New York Times (GS. Fareed Zakaria) đã thừa nhận: “Chúng tôi đã dạy cho học sinh biết làm bài thi tốt, nhưng lại không biết dạy cách suy nghĩ như thế nào sẽ là tốt” [4].  
Đây chính là điều cản trở cho tư duy sáng tạo, tư duy phản biện và suy nghĩ độc lập của mà học sinh trong thời đại kinh tế tri thức này cần có, theo OECD và nghiên cứu của NCEE [5]. 
Xếp hạng tiếng Anh
Gần đây, chúng ta có đọc được một bản tin thông báo rằng Việt Nam đứng thứ 7 trong các nước Châu Á về khả năng tiếng Anh và đứng thứ 31/72 các quốc gia mà khảo sát được thực hiện [6]. 
Đây là một tin mừng cho chúng ta, vì như vậy, chúng ta đang tiệm cận dần với trình độ tiếng Anh của thế giới.
Tuy nhiên, mặc dù chúng ta có được xếp hạng như vậy về tiếng Anh, một thực tế khác cũng cần được nhắc đến: trên 90% học sinh phổ thông của chúng ta không đạt được điểm trung bình về tiếng Anh khi thi tốt nghiệp năm 2016 [7]. 
Theo GS. Nguyễn Quốc Hùng, người có nhiều năm dạy tiếng Anh cho biết, điều này xuất phát từ “phương pháp dạy và học tiếng Anh của chúng ta chưa đúng”.
Và cũng do bởi chúng ta “không kiên nhẫn và yêu thích học tiếng Anh”, đi cùng với việc không tạo ra môi trường học và dùng tiếng Anh thường xuyên cho học sinh.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả thi tốt nghiệp, vì theo chia sẻ của một Hiệu trưởng trường đại học, các sinh viên vào đại học của ông (hơn 10.000 sinh viên) đều có tiếng Anh “gần như bằng không, rõ ràng dạy tiếng Anh ở phổ thông không đạt”, và trường phải đào tạo từ đầu, với áp lực phải đạt được tiêu chuẩn đầu ra mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, trong khi thời gian không đủ, giáo viên không đủ, học sinh cũng không dành thời gian đủ để tự học [8]…
Vậy, với thực trạng của dạy và học tiếng Anh ở phổ thông và đại học như trên, việc chúng ta xếp hạng 7 trong Châu Á về năng lực tiếng Anh có còn nhiều ý nghĩa nữa hay không? 
Và câu chuyện tiếng Anh và xếp hạng tiếng Anh này để làm gì, khi đề án 9.400 tỷ cho chương trình ngoại ngữ quốc gia 2020 đã được báo cáo với Quốc hội là “thất bại” bởi ‘những mục tiêu đặt ra quá cao so với thực tế” [9].
Xếp hạng Top đại học quốc tế
Trong những năm 2008, chúng ta đã có một chính sách rất đúng về việc phải hội nhập với quốc tế về giáo dục, đặc biệt cho giáo dục đại học để tạo tiền đề cho kinh tế và đất nước hội nhập. 
Việc lựa chọn quốc tế hóa đại học bằng các mô hình đại học đẳng cấp (world-class) với vốn vay chủ yếu từ ODA, World Bank (gần 570 triệu đô la Mỹ) cho 3 đại học: Việt – Đức, Việt – Pháp, và gần đây, Việt – Nhật, hiện đang cần được đánh giá lại về tính hiệu quả trong việc hỗ trợ Việt Nam tăng thứ hạng trong các bảng xếp hạng đại học toàn cầu. 
Có nhiều lý do để chúng ta muốn theo đuổi thứ hạng toàn cầu, ví dụ, nâng cao vị thế học thuật của quốc gia, thúc đẩy năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế, mở rộng hợp tác dạy và nghiên cứu với các đối tác nước ngoài, tăng cường thu hút học sinh và nghiên cứu quốc tế đến với Việt Nam.
Tuy nhiên, mặc dù chưa có bất kỳ đánh giá chính thức nào về các mô hình đại học toàn cầu và việc tham gia vào các xếp hạng đại học toàn cầu, thông tin gần đây nhất được cập nhật về việc các đại học hàng đầu Việt Nam “bị tụt hạng” [10] trong bảng xếp hạng các đại học ở khu vực châu Á năm 2016.
Điều này đặt ra một câu hỏi rất nên hỏi là vậy, sau hơn 8 năm chính sách theo đuổi xếp hạng đại học toàn cầu, toàn khu vực hay gần đây hơn có đề xuất về xếp hạng đại học toàn Việt Nam [11], nó có ý nghĩa thực tiễn như thế nào trong việc nâng cao năng lực dạy, học và nghiên cứu ở các đại học của Việt Nam? 
Có thể tôi có tư duy sai, nhưng không chỉ mình tôi, mà có nhiều hơn 20 nhà nghiên cứu trên thế giới đã đánh giá lại về 15 năm lịch sử của xếp hạng đại học [12]. 
Giáo sư Phillip Altbach và những đồng nghiệp của mình, trong nghiên cứu gần đây, đã chỉ ra rằng, “xếp hạng đại học đang có những thách thức” [13], khi có những quan điểm cho rằng phương pháp để các tổ chức đánh giá và xếp hạng đại học đã quá tập trung vào nghiên cứu và công bố quốc tế.  
Theo đề xuất của ông, những đại học cấp trung và ở những nước đang phát triển, “hãy tập trung vào những điều gì là thiết thực nhất với các bạn, nhằm có thể phát triển ổn định và tạo ra công ăn việc làm cho những học sinh của mình, thay vì chạy theo những tiêu chí mà do người khác “chỉ ra” cho các bạn” [14].
Từ ba ví dụ của xếp hạng trên đây, liệu chúng ta có suy nghĩ gì về cách chúng ta đang vận hành nền giáo dục?
Liệu đã bao giờ, đã có ai tư duy về việc, thực ra, cuối cùng, điều gì là thực sự hữu ích cho giáo dục của Việt Nam, cho người học và cho người dạy, nếu chúng ta không bị các bảng xếp hạng “định hướng”? 
Nếu có ai quan tâm đến xếp hạng đại học, xin hãy tìm đọc cuốn “Xếp hạng toàn cầu và vấn đề Địa chính trị của giáo dục đại học: Hiểu về những ảnh hưởng và tác động của xếp hạng trong giáo dục đại học, chính sách và xã hội” của GS. Ellen Hazenkorn và nhóm tác giả mới xuất bản tháng 10 năm 2016.
Tài liệu tham khảo:
[8] “Sinh viên không chuyên ngữ thì phải có trình độ B1. Chúng tôi có 10.000 sinh viên, khi vào trường trình độ ngoại ngữ của các em bằng 0, như vậy rõ ràng ở bậc học phổ thông dạy không hiệu quả”
[12] Book 2016. Global Rankings and The Geopolitics of Higher Education: Understanding  the influence and impact of rankings on higher education, Policy and Society. NXB. Routledge. Editors: Ellen Hazelkorn. https://www.routledge.com/Global-Rankings-and-the-Geopolitics-of-Higher-Education-Understanding/Hazelkorn/p/book/9781138828117
Nguyễn Thị Lan Hương


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét