Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

20170307. VẪN CHUYỆN DẸP VỈA HÈ

ĐIỂM BÁO MẠNG
THAM NHŨNG VỈA HÈ VÀ TỐI HẬU THƯ CỦA CHỦ TỊCH HÀ NỘI
VNN 6-3-2017
vỉa hè, tham nhũng vỉa hè, lấn chiếm vỉa hè, quận 1, chủ tịch Hà Nội, Nguyễn Đức Chung
Cán bộ quận Đống Đa giành lại vỉa hè cho người dân. Ảnh: Phạm HảI
Từng làm Giám đốc Công an TP, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung biết rõ quán bia vỉa hè nào có công an đứng đằng sau, bãi giữ xe nào có bóng dáng của chủ tịch phường, quận...
Nếu câu nói “không lấy lại được vỉa hè cho dân thì sẽ cởi áo về nhà” của Phó chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM được xem là lời tuyên chiến với tình trạng mất trật tự mỹ quan đô thị thì chuyện “trong 180 quán bia vỉa hè ở Hà Nội, 150 quán có công an đứng đằng sau" mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung công khai mới đây, cho thấy có một loại hành vi tham nhũng ở các TP lớn. 
Đó là tham nhũng vỉa hè - loại tham nhũng chưa được ghi vào từ điển các nhà lập pháp nhưng ai cũng biết và mong nó bị loại khỏi đời sống xã hội.  
Chuyện cấm hàng rong, lập lại trật tự vỉa hè dường như nhiệm kỳ Chủ tịch Hà Nội nào cũng làm. Không phải nói miệng mà có chỉ thị, có chiến dịch hẳn hoi. 
Thế nhưng, sau mấy ngày “trống giong cờ mở”, sau những lời quyết tâm quyết chí, chữ ký của những bản cam kết vừa ráo mực thì vỉa hè Hà Nội đâu lại vào đấy. 
Không ai như Chủ tịch Nguyễn Đức Chung
Người Hà Nội ai mà chả biết lý do thật sự của kiểu “đánh trống bỏ dùi” của chính quyền TP trong các chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè. Thế nhưng không ai nói công khai, chắc nịch như Chủ tịch Nguyễn Đức Chung.
Từng làm Giám đốc Công an TP, ông biết rõ quán bia vỉa hè nào có công an bảo kê, bãi giữ xe nào có bóng dáng của chủ tịch phường, chủ tịch quận, thậm chí là có cán bộ của sở nọ sở kia. 
Cho nên, câu nói của Chủ tịch Hà Nội “các bí thư, chủ tịch quận ngồi đây có ai dám cam đoan với tôi các điểm trông giữ xe dưới phường không có người nhà, không có bãi đỗ xe của bí thư, chủ tịch không?”, có lẽ chỉ là để cấp dưới nghe mà chột dạ, mà tự thay đổi, chứ ai lại dại gì khai ra những bãi xe vỉa hè đẻ ra tiền ấy cơ chứ.
Vì vậy, để lòng lề đường thông thoáng, để giao thông đô thị không ách tắc, trước mắt không phải là làm bãi đỗ xe ngầm mà là phải lấy lại vỉa hè. Nhưng Hà Nội không ồn ào, mà chọn cách làm bền vững. Đó là nêu cao tinh thần tự giác chấp hành của dân.
Nhưng trước khi dân chấp hành thì cán bộ phải tự giác, phải nêu gương bằng việc “quán triệt người nhà không lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, làm bãi giữ xe trái phép”. Bởi nếu cứ như cái tỉ lệ đến 87% quán bia vỉa hè có công an bảo kê, bãi xe nào cũng có người nhà của bí thư, chủ tịch quận, phường thì với 939 điểm trông giữ phương tiện, mà chỉ 186 điểm có phép, thì chiến dịch lấy lại vỉa hè của Hà Nội, xem ra khó lòng đạt được kết quả.
Cậy quyền lấy lề đường kinh doanh là tham nhũng
Cán bộ nhà nước mà lại bằng cách này cách khác để kinh doanh lòng lề đường thu lợi cho riêng mình thì bảo sao dân có thể tôn trọng pháp luật.
vỉa hè, tham nhũng vỉa hè, lấn chiếm vỉa hè, quận 1, chủ tịch Hà Nội, Nguyễn Đức Chung
Vỉa hè bị chiếm để kinh doanh về đêm. Ảnh: Trần Thường
Không ồn ào trăm tỉ, nghìn tỉ như các đại án ngân hàng, các dự án nhà máy đắp chiếu, nhưng một khi vỉa hè, bãi đỗ xe trái phép được các quan chức nhà nước bảo kê thì vỉa hè cũng là những cỗ máy đẻ ra tiền, âm thầm từng ngày chảy vào két sắt của các vị.
Lâu ngày cũng sẽ thành kho, thành núi. Lòng lề đường là tài sản quốc gia. Dùng quyền lực để kiếm tiền bất minh từ nguồn tài sản này để bỏ túi riêng là tham nhũng. Không phải tham nhũng vặt, mà là tham nhũng rất to.
Chủ tịch TP Hà Nội đã ra tối hậu thư cho cấp dưới nếu không tự giác thực hiện sẽ chỉ đích danh người bảo kê. Thậm chí sẽ cách chức, cho ra khỏi ngành nếu không dẹp được các điểm trông giữ xe lấn chiếm lòng lề đường.
Làm được việc ấy, không chỉ giữ được trật tự công cộng, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, xây dựng đô thị văn minh, mà còn là dẹp nạn “tham nhũng vỉa hè”, vốn đã tồn tại như một thứ ung nhọt gây nhức nhối ở các đô thị lớn.
CHỦ TỊCH HÀ NỘI KỂ CHUYỆN DẸP VỈA HÈ KHI CÒN LÀ GIÁM ĐỐC CÔNG AN
VNN 6-5-2017
Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Giám đốc Công an TP, lấn chiếm vỉa hè, trật tự đô thị
Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Khi làm Giám đốc Công an TP Hà Nội, để giải quyết được hiện tượng thờ cúng gây mất trật tự dọc vỉa hè Văn Miếu, ông Nguyễn Đức Chung đã phải ngồi tại đó mất 4 tuần.Tại hội nghị quán triệt, triển khai kế hoạch về đảm bảo trật tự ATGT trật tự đô thị mới đây, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhắc lại câu chuyện về xử lý vi phạm trật tự vỉa hè khi làm GĐ Công an TP.
Kể lại kinh nghiệm xử lý vi phạm trật tự vỉa hè, ông Nguyễn Đức Chung nói: “Tôi với anh Đình (Đại tá Nguyễn Xuân Đình, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Công an TP) và anh Đại (Trưởng công an quận Đống Đa trước đây), để giải quyết được một điểm liên quan chỗ thờ "miếu hai cô" ở đầu đường Nguyễn Thái Học, tôi với anh Đại đã phải ngồi đó mất 4 tuần”.
Ông Chung cho hay, trong 4 tuần này, đặc biệt chiều 14 và 30 âm lịch hàng tháng, người dân đến đông đến mức có những hôm đông sang hết cả ngã 4.
"Cuối cùng, để xử lý việc này, công an thành phố đã mời một thượng tọa chùa Quán Sứ xuống bê bát hương đó vào chùa, chỗ đế thờ người dân đúc cao 15 cm, rộng 45x45 phải đào lên, trong đêm lát lại vỉa hè.
Chỗ đấy có 2 ông “lưu manh” ở phường Quốc Tử Giám chuyên môn thu mỗi người 10.000 đồng để đốt vàng mã, lúc đó giao cho công an phường, quận tạm giữ và xử phạt", ông Chung kể.
Chủ tịch TP cho hay, Công an TP khi đó phải cho cảnh sát trông mất 2 tháng, người dân đến thì tuyên truyền cho họ, sau 2 tháng chuyển dân phòng làm. Theo ông, việc này đã làm tốt được 2 năm nhưng gần đây lại bắt đầu tái diễn trở lại.
Nhức nhối địa bàn giáp danh
Lãnh đạo TP cũng kể một câu chuyện khác, tại dãy bán hoa quả ở phía Cầu Giấy đi vào đường Láng, ông đã phải trực tiếp xuống hỏi chuyện những người bán hàng.
"Người thì bảo báo cáo bác mỗi tháng em cứ nộp 3 triệu cho các anh ở trên trật tự quận Đống Đa với Cầu Giấy. Nếu Đống Đa đến thì bảo của Cầu Giấy, Cầu Giấy hỏi thì bảo của Đống Đa. Cuối cùng tôi gọi cả 2 đơn vị lên và mời họ đến mới giải quyết xong", ông Chung nói.
Để xử lý tốt tình trạng như mình vừa nêu, Chủ tịch UBND TP yêu cầu GĐ Công an TP Đoàn Duy Khương với tất cả các địa bàn giáp ranh thì giao mỗi trưởng công an phường 10 điểm phức tạp để giải quyết. Ông tính ra, với 184 phường là được 1.840 điểm thì chắc chắn TP sẽ quang đãng.
"Tôi nói ví dụ toàn bộ dãy bán hàng ghế cứ tranh chấp nhau ở phần mặt đường từ Ngã Tư Sở cho đến Hà Đông, đoạn liên quan đến bán hoa, bán bàn ghế giáp ranh ở Triều Khúc thì giáp ranh ở 3 quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông.
Tôi đề nghị hôm nay có 3 trưởng quận phải bàn nhau, chứ không tôi nói các đoàn kiểm tra xuống, vì cả 3 ông đều thu tiền, đến đoàn này bảo không, đổ cho bên này. Tôi nhắc lại là những địa bàn nhức nhối nhất thì đề nghị làm nghiêm túc" - ông Nguyễn Đức Chung lấy ví dụ và đặt ra nhiệm vụ.
Sẽ phải nhấc một vài người đi...
Ông cho hay, Hà Nội đã có bài học 17 năm làm liên quan đến lòng đường vỉa hè và đề nghị trên cơ sở kế hoạch, các đơn vị bắt tay vào làm và làm kiên trì.
Nêu rõ năm 2017 là năm kỷ cương hành chính, ông Chung lưu ý nếu người đứng đầu các địa phương không tổ chức triển khai nghiêm túc, không hiệu quả, làm không kiên trì, để tái diễn mà đoàn kiểm tra công vụ của TP phát hiện lần thứ 3 sẽ bị xem xét trách nhiệm.

“Tôi xin nói thẳng thắn, lần này TP sẽ phải xem xét, nhấc một vài người đi. Trưởng Công an phường tham gia cấp ủy, về ngành dọc chúng tôi hoàn toàn có thể cách chức về mặt Đảng, phải chuyển, chứ không phải chờ ý kiến anh Khương (Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương)" - ông Chung nói.

ÔNG NGUYỄN SỰ: TÔI TỪNG BỊ DỌA ĐỐT NHÀ KHI DẸP VỈA HÈ

VNN 7-3-2017

Nguyên Bí thư Hội An chia sẻ áp lực dẹp vấn nạn chiếm vỉa hè ở Hội An cách đây hơn 20 năm.
Năm 1995, khi nhậm chức Chủ tịch TP Hội An, ông Nguyễn Sự bắt tay ngay vào việc chỉnh trang đô thị, dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè. Ông mô tả thời ấy tất cả phố phường Hội An như cái chợ. Vỉa hè bị lấn chiếm, xe cộ tràn xuống hết lòng đường.
Không chỉ đơn giản ra quần ầm rộ để dẹp vấn nạn lấn chiếm, nguyên Bí thư Hội An chia sẻ phải có sự chuẩn bị bài bản, chiến lược.
Ông đã làm thế nào?
- Mình phân loại các hành vi lấn chiếm. Với số có mặt tiền chiếm vỉa hè, dứt khoát phải giải tỏa. Chiếm vỉa hè làm hàng quán, để đồ đạc thâu đêm suốt sáng buôn bán chiếm toàn bộ vỉa hè thì số này dứt khoát phải sắp xếp.
Nguyễn Sự, Bí thư Hội An, sắp xếp vỉa hè
Nguyên Bí thư Hội An Nguyễn Sự
Ngoài ra có những người nghèo mưu sinh trên vỉa hè. Những người ở nông thôn hay ở kiệt trong hẻm tranh thủ ra vỉa hè buôn bán phải có cách giải quyết căn cơ, hợp tình hợp lý bởi đằng sau còn hoàn cảnh gia đình của họ.Trường hợp này, mình bố trí cho họ một nơi buôn bán ổn định nhưng không chiếm vỉa hè.
Nếu buộc phải ở vỉa hè thì chọn nơi nào có thể sắp xếp được, cho phép buôn bán trong khung giờ quy định.
Vỉa hè Hội An cũng là nơi dừng chân của những gánh hàng rong, như gánh cao lầu, mì Quảng, đậu hũ… Đó đã là những hình ảnh quen thuộc tạo ra hồn cách của đường phố Hội An.
"Phải có bản lĩnh nghe người ta chửi và vượt qua..." - nguyên Bí thư Hội An.
Tôi suy nghĩ nếu để mất những gánh hàng rong vỉa hè thì coi như mất đi một cái gì đó của văn hóa đô thị Hội An. 
Do đó cần phải khuyến khích họ giữ gìn, nhưng bài toán đặt ra là phải đảm bảo về mặt trang phục, trang bị, để họ vừa kiếm được tiền vừa tạo ra hồn cách cho đô thị.
Sau khi phân loại và có phương án thì bắt tay vào làm. TP giao cho các phường họp dân quán triệt, phổ biến chủ trương cho dân. Mình yêu cầu các hộ có mặt tiền cam kết không đưa hàng hóa ra vỉa hè; đồng thời giao vỉa hè cho họ quản lý, cam kết không để ai đến kinh doanh lấn chiếm.
Sau 1 tuần, các địa phương sẽ xử lý những trường hợp không tuân thủ quy định đã phổ biến.
Với xe cộ, tôi cho chọn đường Nguyễn Huệ thí điểm trong một tuần. Vỉa hè ở đây được kẻ vạch đỏ ngăn đôi, phía trong được phép đậu xe, bên ngoài giành cho người đi bộ. Thấy hiệu quả mình áp dụng toàn thành phố.
Cứ thế việc sắp xếp vỉa hè ở Hội An diễn ra ròng rã suốt 1 năm trời.
"Tôi bị chửi nhiều lắm..."
Hẳn ông đã nhận được những phản ứng khi triển khai siết kỷ luật vỉa hè như vậy?
- Ngày đó tôi bị chửi nhiều lắm. Có người nói ông này vẽ ra trò lố bịch. Thậm chí có người còn dọa đến đốt nhà. Vợ tôi đi ra đường, đi chợ cũng bị chỉ trỏ. 
Hội An này nhỏ nên hầu như ai cũng biết mặt. Vợ tôi lại là giáo viên, những ngày đầu vợ tôi bị sốc ghê lắm.
Nguyễn Sự, Bí thư Hội An, sắp xếp vỉa hè
Vỉa hè ở TP Hội An đã được chỉnh trang, sắp xếp trật tự từ 20 năm trước
Tôi động viên, bảo: Mình làm gì cũng vì dân hết, cho thành phố tốt hơn, phải đủ bản lĩnh nghe người ta chửi và vượt qua. Sau đó vợ yên tâm và luôn ủng hộ, mỗi ngày đều chờ tôi về mới ăn. Chính những người chửi nhiều nhất lúc đó sau này lại rất quý mến tôi.
Có gì có thể tham khảo từ câu chuyện của Hội An hơn 20 năm trước cho Hà Nội và TP.HCM khi cũng đang bắt tay quyết liệt giành lại vỉa hè, theo ông?
- Với mình thì chỉ dùng từ sắp xếp lại vỉa hè chứ không có giành giật gì. Lấn chiếm vỉa hè hiện như một vấn nạn, nhất là ở các đô thị lớn. 
"Trường hợp nào cậy thế người thân cán bộ mà ương bướng tôi yêu cầu làm thật nghiêm..." nguyên Bí thư Hội An.
Chiến dịch dẹp vỉa hè của cả nước đã ra quân rất nhiều, nhưng trước giờ cứ ra quân làm độ 10 ngày nửa tháng như phong trào. 
Sau đó lại đâu vào đấy, tình trạng trở nên nhờn thuốc.
TP.HCM và Hà Nội đang làm quyết liệt nhưng người ta vẫn bán tin bán nghi, bởi vì thực tế nhiều nơi đã từng ra quân làm như vậy nên có người còn không tin.
Từ kinh nghiệm của Hội An, giải quyết vấn đề vỉa hè phải làm kiên trì, thường xuyên và có phân loại, quán triệt dân như tôi chia sẻ.
Chỉ cần chểnh mảng, không theo dõi là đâu lại vào đấy. Thời đó mỗi ngày trước giờ vào làm việc, sau giờ nghỉ trưa và buổi chiều tôi đều chạy một vòng quanh các khu phố xem tình hình.
Thậm chí mùng 1 Tết tôi đi phát hiện đống rác ngổn ngang ở vỉa hè, kêu lãnh đạo phường đến xử lý, nếu không được thì phải tự hốt đi.
Nguyễn Sự, Bí thư Hội An, sắp xếp vỉa hè
Có thể điều chỉnh phương pháp thực hiện nhưng mục tiêu phải đạt cho được
Hội An làm suốt cả năm trời. Mình có thể điều chỉnh phương pháp nhưng mục tiêu phải đạt cho được.
Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ 180 quán bia vỉa hè Hà Nội thì có đến hơn 150 quán có công an đứng sau. Thời Hội An sắp xếp vỉa hè, ông có bắt gặp nạn bảo kê, chống lưng, nếu có thì xử lý thế nào?
- Vỉa hè không chỉ là nơi mưu sinh mà còn là chỗ để kiếm chác, bảo kê tay trong tay ngoài. Điều này không lạ. 
Ở Hội An lúc ấy không có bảo kê, vì anh em biết có bảo kê cũng không được.
Trường hợp nào cậy thế người thân cán bộ mà ương bướng tôi yêu cầu làm thật nghiêm, có thế mới tạo niềm tin cho nhân dân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét