Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

20170318. 'XÁC CHẾT' CHƯA ĐƯỢC CHÔN !

ĐIỂM BÁO MẠNG
'CON TẦU ĐẮM' KÉO CHÌM NGÂN SÁCH VIỆT NAM
PHẠM CHÍ DŨNG/ NV / BVB 16-3-2017
Xác chết chưa chôn
Vinashin (Tập Ðoàn Công Nghiệp Tàu Thủy Việt Nam) thực ra đã “chết” từ rất lâu rồi, nhưng cứ như một “tục lệ,” vài ba năm một lần giới quản lý tài chính lại “ai điếu” với cái xác chưa thể chôn này.
Vào thời gian sắp diễn ra kỳ họp Quốc Hội mới vào cuối quý 1 năm 2017, phía chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ Tài Chính lại một lần nữa “tố”: dự phòng ngân sách nhà nước phải ứng trả thay cho Vinashin trong 10 năm tới lên tới 63.2 nghìn tỷ đồng.
Không “tố” sao được! Chẳng lẽ ông Phúc lại chịu đưa đầu “chết thế” cho những kẻ còn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?
Vào thời thủ trưởng cũ của ông Phúc là Nguyễn Tấn Dũng, số nợ của Vinashin đã lên tới khoảng 86 ngàn tỷ đồng, tức khoảng 4 tỷ đôla, chiếm đến 2.5% GDP vào thời gian đó. Chẳng có cách gì trả nợ nổi, Vinashin đã trở thành một vụ án mang tầm cỡ quốc gia với thật nhiều quan chức tham nhũng và vô trách nhiệm. Nhưng phán quyết của tòa án đã chỉ dừng ở chính giới lãnh đạo Vinashin mà không có bất kỳ quan chức chính phủ nào phải trả giá.
Cho đến tận giờ này…
Ðến giờ này, lấy đâu ra số tiền hơn sáu chục ngàn tỷ để trả nợ thay cho Vinashin, trong lúc ngân sách còn “phải chạy ăn từng bữa” – theo cách ví von còn chút liêm sỉ của một chuyên gia nhà nước?
Quả là chưa có một đời thủ tướng cộng sản nào phải “đổ vỏ” ghê gớm như thời ông Nguyễn Xuân Phúc. Chỉ riêng trong khu vực các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước mà con số nợ vay đã lên đến 237 tỷ đôla, các đời chính phủ đã bảo lãnh đến 21 tỷ đôla, để chính phủ còn đang tồn tại phải có trách nhiệm trả nợ cho số tiền vào thời buổi “không biết đào đâu ra” này.
Vậy chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm gì đó để “đóng cửa bảo nhau”?
Thuật ướp xác
Không thể rút ngân sách để “bù đắp khó khăn” cho Vinashin, vào năm 2005, chính phủ Việt Nam đã tìm cách phát hành trái phiếu quốc tế tại thị trường chứng khoán New York để vay 750 triệu đôla, với kỳ hạn 10 năm và lãi suất 7.125%/năm. Số trái phiếu này đến hạn trả nợ gốc và lãi vào năm 2016. Sau đó chính phủ đã cho Vinashin vay lại toàn bộ số trái phiếu nói trên. Nhưng khoản vay này không hiểu do nguồn cơn nào mà đã tiêu tán hết, để cuối cùng Vinashin hầu như không có khả năng trả nợ cho chính phủ. Tuy thế, hồ sơ vụ này gần như bị đóng lại. Báo chí chỉ dám hé môi rồi sau đó im bặt.
Về sau này, một chuyên gia tài chính là ông Bùi Kiến Thành đã phải nói rằng việc chính phủ giao toàn bộ 750 triệu đôla vào tay Vinashin mà không cần có các dự án cụ thể để giải ngân là “lỗi cực kỳ lớn.”
Do chẳng ai thấy cần phải chuộc lỗi, đến năm 2010, số dư nợ của Vinashin đã lên đến 86 ngàn tỷ đồng và trở nên “vô phương cứu chữa.”
Cũng vào năm 2010, chính phủ Việt Nam lại phát hành 1 tỷ đôla trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Sở Giao Dịch Chứng Khoán Singapore với lãi suất 6.75%/năm. Số tiền này sau đó được chính phủ cho một số tập đoàn kinh tế lớn vay lại. Tuy thế, cũng không thấy tăm hơi nào từ số tiền “tái cơ cấu Vinashin.” Doanh nghiệp được mệnh danh là “con tàu đắm” này cứ lần lượt nuốt chửng các khoản tiền khổng lồ.
Vào năm 2014, lần thứ ba chính phủ Việt Nam lại xoay sở phát hành 1 tỷ đôla trái phiếu. Tuy nhiên lần này có vẻ không còn “thành công” như hai lần trước đó. Ðây cũng là thời gian mà những xung đột chính trị trong chính trường Việt Nam trở nên khốc liệt hơn hẳn trên cung đường “lập thành tích chào mừng đại hội 12 của đảng.”
Cuối năm 2015, chính phủ thêm một lần nữa cố gắng tạo ra kế hoạch “phát hành 3 tỷ đôla trái phiếu đặc biệt ra quốc tế.” Nhưng đến lúc này, mọi thứ chỉ còn là ảo mộng. Giữa năm 2016, kế hoạch này đã hoàn toàn tan vỡ.
Còn bây giờ là năm 2017. Món nợ khổng lồ của Vinashin vẫn còn gần như nguyên vẹn, và trách nhiệm phải xử lý không ai khác là “tân chính phủ” của người vẫn còn bị một số dư luận xem là “tân Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc.”
“Sám hối”
Từ quý 4 năm 2016, thần sắc và phát ngôn của ông Phúc đã khác với gương mặt hớn hở khi nhận lẵng hoa từ người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng ngay sau đại hội 12 vào đầu năm 2016.
Trầm tư và có vẻ co thủ hơn, có lẽ Thủ Tướng Phúc bắt đầu “rút kinh nghiệm sâu sắc” và thận trọng xử lý những gì thuộc về dĩ vãng.
Sau hai cảnh báo có hơi hướng “sám hối” – “nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần” và “sụp đổ tài khóa quốc gia” vào cuối năm 2016, đến đầu năm 2017 chính phủ của ông Phúc bắt đầu có vài động thái “làm chuồng sau khi mất bò”: Năm 2017, chính phủ chỉ bảo lãnh vay 1 tỷ USD cho doanh nghiệp.
Thông tin trên được phát ra bởi Cục Quản Lý Nợ và Tài Chính đối ngoại (Bộ Tài Chính). Cơ quan này giải thích rằng hạn mức quá khiêm tốn như thế là để không tăng thêm gánh nặng nợ công.
Như vậy, hạn mức bảo lãnh vay năm 2017 sẽ giảm mạnh so với những năm trước (năm 2015 là 2.5 tỉ đôla và 2016 là 1.5 tỉ đôla), và giảm rất mạnh so với mức 6.6 tỷ đôla của năm 2014.
Cùng lúc và như một hiệu lệnh, giới quan chức từ cao xuống thấp trong chính phủ đồng loạt tuyên bố sẽ không chấp nhận đưa nợ vay của các doanh nghiệp vào nợ công quốc gia. Những doanh nghiệp nào không thể trả nợ thì phải phá sản.
Ðó là hậu quả không cách nào tránh khỏi của những năm trước, khi nhiều tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vay nợ tràn lan để đầu tư trái ngành đã cho thấy tâm lý vay là cực kỳ vô trách nhiệm, thậm chí một số doanh nghiệp còn có biểu hiện “xù nợ” khi làm ăn lỗ lã.
Kết cục, có đến ít nhất 30% số tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước đã rơi vào vòng lỗ lã và đối mặt với nguy cơ phá sản kể từ năm 2008 khi kinh tế Việt Nam bắt đầu rơi vào giai đoạn suy thoái.
Nếu bạn là Thủ Tướng Phúc?
Tình thế đã bí lắm rồi.
Nếu tính cả nợ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, nợ công Việt Nam phải lên đến 210% GDP chứ không còn “đã sát ngưỡng nguy hiểm 65% GDP” như một báo cáo mới đây của chính phủ.
Còn nếu phải “ôm” núi nợ đến 237 tỷ đôla của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước mà chiếm đến 120% GDP hiện thời, chính phủ của ông Phúc chỉ còn nước từ chức toàn diện.
Cho dù đã không ai chịu từ chức vào năm 2015, khi thủ tướng lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam phải trả nợ đến 20 tỷ đôla. Còn vào năm 2016, người “may mắn” thế chỗ cho ông Dũng là Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam phải trả 12 tỷ đôla.
Chưa có thông tin chính thức về trả nợ năm 2017, nhưng nhiều khả năng Việt Nam cũng phải trả cho các chủ nợ khoảng một chục tỷ đôla…
Nhưng Vinashin lại không phải là “con tàu đắm” duy nhất trong một nền ngân sách đang ruỗng mục với tốc độ ngang ngửa lạm phát thực tế. Nếu trước đây xã hội đã phải phát sốt với hiện tượng tập đoàn kinh tế nhà nước ăn theo kiểu “đào tận gốc trốc tận rễ” như Vinashin và Vinalines, thì từ năm 2012 đến nay các vụ án quốc gia đã chuyển dần sang giới ngân hàng – xây dựng, đại dương, dầu khí toàn cầu – với vụ án nào cũng thất thoát đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Ngân hàng lại là tử huyệt của nền tài chính. Những Vinashin và Vinalines tuy thất thoát và nợ lớn nhưng sẽ không dễ khiến thị trường tín dụng chao đảo đổ bể và gây hoảng loạn xã hội như khối ngân hàng thương mại.
Nếu bạn là Thủ Tướng Phúc, bạn sẽ phải “kiến tạo và hành động” ra sao để cứu vãn ngân sách quốc gia khỏi chìm sâu dưới đáy đại dương?
Phạm Chí Dũng/(Người Việt)
HÉ LỘ CÁC ĐƠN VỊ TẬP ĐOÀN THAN-KHOÁNG SẢN VIỆT NAM THUA LỖ HÀNG NGAN TỈ ĐỒNG 
PHƯƠNG DUNG/ BVN 17-3-2017

Báo cáo kết luận thanh tra về việc thanh tra tài chính tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã hé lộ một số khoản đầu tư tài chính không hiệu quả của Tập đoàn này.
clip_image001
TKV có nhiều khoản đầu tư tài chính không hiệu quả, gây thua lỗ lớn.
Theo báo cáo có 4/6 doanh nghiệp được thanh tra đầu tư tài chính tại thời điểm 31/12/2015 là hơn 17.157 tỷ đồng. Trong đó, có 3/6 doanh nghiệp đầu tư tài chính dài hạn và một số đơn vị chưa hiệu quả.
Cụ thể, theo báo cáo, Công ty mẹ - Tập đoàn đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm 31/12/2015 là hơn 15.729 tỷ đồng vào 59 công ty, bao gồm 49 công ty con, 7 công ty liên doanh, liên kết và 3 công ty khác. Năm 2015, có 50 công ty kinh doanh có lãi số tiền gần 655 tỷ đồng, cổ tức là lợi nhuận được chia năm 2015 là 98,6 tỷ đồng (chiếm 0,63% trên tổng số vốn đầu tư tài chính).
Tuy nhiên, có 9 công ty kinh doanh thua lỗ số tiền hơn 592 tỷ đồng trong năm 2015 và tính lũy kế đến 31/12/2015 thì có 11 công ty lỗ hơn 1.407 tỷ đồng.
Điển hình là Tổng công ty Điện lực - Vinacomin lỗ hơn 828 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là do phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá ngoại tệ lớn (từ năm 2005 đến 2015 hơn 3.043 tỷ đồng) nhưng chưa được tính hết trong cơ cấu giá bán điện.
Ngoài ra còn có: Công ty cổ phần Vận tải thuỷ - Vinacomin lỗ 139 tỷ đồng; Công ty Cromit Cổ Định Thanh Hoá - TKV lỗ 115 tỷ đồng; Công ty Đóng tàu Sông Ninh - Vinacomin lỗ 90 tỷ đồng; Công ty liên doanh Aluminna (Campuchia - Việt Nam) lỗ 69 tỷ đồng; Công ty cổ phần Than Tây Nam Đá Mài - Vinacomin lỗ gần 70 tỷ đồng và Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê lỗ hơn 17 tỷ đồng.
Theo báo cáo, các đơn vị thành viên bao gồm Tổng công ty Khoáng sản TKV cũng có khoản đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm 31/12/2015 hơn 720 tỷ đồng vào 18 công ty. Trong số này có 11 công ty có lãi gần 72 tỷ đồng nhưng 7 công ty còn lại thua lỗ lên tới hơn 124 tỷ đồng trong năm 2015. Tính luỹ kế đến hết 2015, 12 công ty lỗ tới hơn 284 tỷ đồng.
Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV cũng đầu tư tài chính dài hạn 514 tỷ đồng vào 12 công ty. Tại thời điểm 31/12/2015, có 3 công ty kinh doanh lỗ luỹ kế hơn 265 tỷ đồng.
Đến thời điểm thanh tra, Tập đoàn đã thoái vốn Nhà nước tại 13/17 đơn vị nhưng vẫn còn 4 đơn vị chưa thực hiện thoái vốn, bao gồm: 11,04 chứng chỉ quỹ, tương ứng 11,04 tỷ đồng góp vốn vào Quỹ đầu tư BIDV - Partner; 48 tỷ đồng đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà; 39 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đại lý Hàng Hải; 76 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Vận tải thuỷ.
Đáng lưu ý, Tập đoàn chưa thực hiện chuyển nhượng vốn góp ở nước ngoài tại 3 đơn vị. Trong đó, góp vốn đầu tư 55,8 tỷ đồng vào Công ty liên doanh khoáng sản Stung Treng tại Campuchia nhưng dự án này đã dừng triển khai và được giải thể trong năm 2016.
Ngoài ra còn có Liên doanh Alumina (Campuchia) và Sắt Phu Nhuon, Muối - Hoá chất (Lào), Tập đoàn đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương phê duyệt hình thức tái cơ cấu theo hướng chuyển nhượng để thu hồi vốn hoặc giải thể đối với các dự án đã hết hạn thăm dò và không được gia hạn giấy phép theo quy định của nước sở tại.
Tập đoàn cũng chưa hoàn thành việc phá sản doanh nghiệp tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Ninh với giá trị vốn góp 20,52 tỷ đồng (chiếm 36% vốn điều lệ). Đến nay, Tập đoàn đã gửi đơn lên Toà án xin giải quyết phá sản công ty.
Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, theo kết luận thanh tra,Tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Đồng sau 3 năm đi vào hoạt động, tính từ 10/2013 đến hết tháng 9/2016 đã thua lỗ 3.696 tỷ đồng. Trong đó, lỗ do hoạt động sản xuất, kinh doanh là 2.520 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá khoảng 1.176 tỷ đồng. Con số lỗ này đã vượt xa so với số lỗ luỹ tiến dự kiến theo kế hoạch là 1.660 tỷ đồng (không kể phần lỗ do chênh lệch tỷ giá). Tuy nhiên, Thanh tra cũng cho rằng, dự kiến năm 2017, dự án này sẽ hết lỗ theo đúng như tính toán của dự án (với thời gian lỗ kế hoạch là 4 năm).
P.D.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét