Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

20170306. MỐI LIÊN HỆ NỢ CÔNG, NỢ CHÍNH PHỦ VÀ NỢ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC?

ĐIỂM BÁO MẠNG
HIỂU ĐÚNG VỀ KHU VỰC CÔNG VÀ NỢ CÔNG
VŨ QUANG VIỆT/ KTSG 3-3-2017
Nợ công của Việt Nam tính theo định nghĩa của Liên hiệp quốc (SNA 2008) đã lên đến 210% GDP.
(TBKTSG) - Về thống kê, nếu xây dựng đầy đủ SNA 2008, ta có thể biết được nợ của chính phủ và nợ của doanh nghiệp tài chính, phi tài chính thuộc nhà nước, tư nhân nội địa và tư nhân nước ngoài cũng như nợ của khu vực công.
Hệ thống tài khoản quốc gia 2008 (SNA 2008) của Liên hiệp quốc, thay thế các SNA 1993, SNA 1968 trước đó, là nguyên tắc cơ sở cho thống kê kinh tế được soạn thảo và thông qua nhằm xử lý các yếu tố mới trên thị trường mà mọi tổ chức quốc tế có nhiệm vụ thực hiện và các nước được khuyến cáo thực hiện.
Hệ thống này chia nền kinh tế làm năm khu vực thể chế chính gồm: khu vực doanh nghiệp tài chính, khu vực doanh nghiệp phi tài chính, khu vực chính phủ, khu vực hộ gia đình và khu vực nước ngoài. Ngoài ra, còn có định nghĩa về khu vực công bao gồm chính phủ và doanh nghiệp nhà nước.
Khi thực hiện theo hệ thống này, ta có thể có thống kê đối với mọi khu vực về giá trị tăng thêm, trao đổi về thu nhập, tài chính giữa các khu vực, cũng như thay đổi về nợ hay tổng số nợ, tổng giá trị tài sản có và giá trị vốn tự có của từng khu vực.
Người nào quan tâm cũng có thể dễ dàng tìm được các thông tin chuẩn mực trên của Mỹ, Canada, Nhật, Úc và nhiều nước châu Âu vì yêu cầu của chính phủ và thị trường đối với các thống kê trên hàng năm và thậm chí hàng quí.
Là nguyên tắc quốc tế, nhưng nhiều nước, do điều kiện khác nhau về khả năng tài chính nhằm thu thập thông tin hoặc về chính trị nội địa, vẫn chưa thực hiện.
Chính vì thế, bài viết này nói rõ thêm về khu vực công và nợ công.
1. Khu vực công (public sector)
Khu vực công đã được định nghĩa bao gồm (a) khu vực chính phủ và (b) khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Khu vực chính phủ bao gồm các đơn vị chính phủ hoặc đơn vị “vô vị lợi” do chính phủ kiểm soát với nhiệm vụ cung cấp các hàng hóa và dịch vụ công phi thị trường.
Khu vực này gồm: chính phủ trung ương, chính quyền địa phương và các quỹ bảo hiểm xã hội (gồm quỹ hưu trí cho công nhân viên nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội nói chung cho xã hội kể cả khu vực tư nhân như hưu trí, tuổi già, thất nghiệp, y tế). Cách phân tổ có thể mềm dẻo cho phép xếp các quỹ bảo hiểm vào thẳng chính phủ trung ương và địa phương thay vì xếp riêng rẽ, tùy thuộc vào khu vực chính phủ có trách nhiệm. Các quỹ hưu trí có thể xếp vào từng tiểu khu chính phủ, nhưng quỹ bảo hiểm xã hội (cho thất nghiệp và hưu trí hay người già) chung cho cả nền kinh tế, có đóng góp của cả khu vực tư nhân là trách nhiệm của chính phủ trung ương.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực tài chính và phi tài chính là doanh nghiệp do nhà nước nắm trên một nửa cổ phần hoặc theo quy định của pháp luật có quyền quyết định chính sách và quyền bổ nhiệm hội đồng quản trị hoặc giám đốc.
Biên giới giữa khu vực chính phủ và khu vực doanh nghiệp nhà nước là điều cần xác định vì nó là yếu tố quyết định mức thiếu hụt ngân sách và nợ chính phủ. Từ những năm 1980 bắt đầu có sự xuất hiện của các công cụ tài chính mới trên thị trường cho phép chính phủ “làm xiếc” với thiếu hụt ngân sách nhằm giảm lãi suất chính phủ vay hoặc giữ ghế của đảng cầm quyền khỏi bị chỉ trích là chi tiêu quá trớn, đặc biệt ở châu Âu, và nhất là đối với những nước muốn trở thành thành viên của khối EU. Một cách thường làm là chính phủ thiết lập các đơn vị tài chính đặc biệt, thường là ở nước ngoài, do chính phủ trực tiếp điều hành và chỉ đạo, mà đơn vị không có trách nhiệm gì về nợ hay thành quả. Các đơn vị này cho doanh nghiệp nhà nước vay lại để thực hiện chi tiêu của nhà nước.
Để đối phó với trường hợp này, SNA 2008 quy định là doanh nghiệp tài chính đặc biệt thuộc nhà nước và doanh nghiệp nhà nước có nhiệm vụ chi tiêu đặc biệt cũng phải xếp vào khu vực chính phủ.
Nợ của quỹ bảo hiểm xã hội (tức là giá trị quỹ đối với người được hưởng tính cho đến lúc chết ở thời điểm hiện tại) phải đưa vào nợ là điểm mới trong SNA 2008.
2. Cần thống kê nợ nào
Về mặt thống kê, như đã nói, nếu xây dựng đầy đủ SNA 2008, ta có thể biết được nợ của chính phủ và nợ của doanh nghiệp tài chính, phi tài chính thuộc nhà nước, tư nhân nội địa và tư nhân nước ngoài cũng như nợ của khu vực công.
Tuy nhiên, cho đến nay các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn chậm trong việc thiết kế chỉ tiêu cần thiết về nợ.
Tài liệu hướng dẫn về quản lý nợ công xuất bản năm 2014 (Revised Guidelines for Public Debt Management) vẫn chủ yếu tập trung vào nợ chính phủ và phân tích các tình huống có thể ảnh hưởng lớn đến chi ngân sách, nhưng lại để cho các nước tự ý ứng dụng cho ý niệm nợ công. Và như thế nợ công ở đây không thể hiểu là nợ của khu vực công theo định nghĩa của SNA.
Một trong những lý do chưa đổi mới là vì trước khi có SNA 1993, phân tích tài chính giữa các khu vực thể chế trong hệ thống SNA chưa được nhấn mạnh, mà vẫn tập trung chủ yếu vào liên hệ sản xuất giữa các hoạt động kinh tế. IMF hay WB chỉ tập trung vào nợ chính phủ, và vì thế nợ công và nợ chính phủ trước đây được hiểu là đồng nghĩa; và có khi lẫn lộn với ý niệm nợ quốc gia (national debt), mà ở Mỹ, có nghĩa là nợ của chính phủ liên bang; còn ở Anh có nghĩa là nợ của chính phủ trung ương qua phát hành trái phiếu.
Bản hướng dẫn trên viết: “Quản lý nợ cần bao gồm những trách nhiệm tài chính mà chính phủ thực hiện quyền kiểm soát... Quản lý nợ công rộng như thế nào tùy thuộc vào tính chất của khung chính trị và thể chế của từng nước... Chính quyền trung ương cần theo dõi và tính đến khả năng ảnh hưởng có thể xảy ra do việc bảo lãnh nợ của các chính quyền cấp dưới và doanh nghiệp nhà nước, và nếu được, phải biết đến nghĩa vụ tài chính của cả nợ công và tư”.
Cách viết như thế thì có nghĩa là nếu cần thì phải xem xét nợ mà chính quyền bảo lãnh, nợ của cả khu vực doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.
Cách viết mở rộng như thế, có thể hiểu là IMF hay WB khi xem xét nợ sẽ đánh giá tình hình của từng nước khác nhau.
3. Nợ công của Việt Nam
Không như các nước khác có khu vực doanh nghiệp nhà nước không đáng kể, Việt Nam có khu vực doanh nghiệp nhà nước rất lớn, trong rất nhiều trường hợp, dù Chính phủ không bảo lãnh nợ, Chính phủ cũng không thể xóa trách nhiệm trả nợ (mà tài liệu trên gọi là bảo lãnh ngầm).
Ngoài ra, nợ đầm đìa có thể đưa đến việc mất khả năng trả nợ, ảnh hưởng đến sản xuất có thể đưa đến phá sản, Chính phủ mất vốn, và đương nhiên đóng góp vào ngân sách qua thuế sẽ giảm hẳn. Chưa hết, số đất đai đưa cho doanh nghiệp nhà nước sử dụng đã có thể tạo ra nguồn ngân sách đáng kể nếu cho tư nhân thuê.
Nợ công của Việt Nam tính theo định nghĩa ở đây đã công bố trên TBKTSG số ra ngày 9-2-2017 là 210% GDP, gần bằng nợ công của Trung Quốc là 225% GDP. Theo Business Insider (18-2-2017), nợ của Trung Quốc tương đương khoảng 241% GDP vào năm 2015 là nợ của cả nền kinh tế, đến cuối năm 2016 con số này đã cao hơn 250% GDP.
Do đó, thống kê về nợ của Việt Nam cần có thống kê về nợ công trong đó có nợ chính phủ, nợ doanh nghiệp nhà nước, cũng như nợ của các khu vực thể chế khác (như nợ của doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình). Mọi khoản nợ, nếu vượt mức an toàn, biến thành nợ xấu, đều có thể tác dụng xấu đến nền kinh tế, kể cả đưa đến khủng hoảng.
Mời xem thêm
DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC YẾU KÉM KHIẾN NỢ CÔNG TĂNG CAO
MAI ANH / GDVN 4-3-2017
Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đang được Chính phủ bảo lãnh khoản vay ngoại tệ. ảnh" Báo Đời sống và pháp luật.
Nguy cơ tăng nợ công
Trong buổi họp báo sáng 1/3, ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, nợ bảo lãnh Chính phủ hiện đang ở mức 10,2% GDP, trong đó phần lớn là những khoản bảo lãnh dành cho doanh nghiệp nhà nước.
Những tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang được Chính phủ cấp bảo lãnh nhiều nhất là: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)…
Đánh giá khoản nợ bảo lãnh này, TS.Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc Chính phủ phải bảo lãnh nợ vì tín nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam thấp không thể đi vay nợ nước ngoài với số tiền lớn.
“Khi cho vay, các tổ chức tài chính nước ngoài nhìn vào nhiều yếu tố trong đó có khả năng tài chính, uy tín thị trường, khả năng thành công dự án đầu tư...
Xét các khía cạnh này thì doanh nghiệp Việt Nam thường không đủ tiêu chuẩn nên cần phải có bên thứ ba bảo lãnh là Chính phủ”, TS.Hiếu cho biết.
Tuy nhiên, TS.Nguyễn Trí Hiếu cũng cảnh báo, việc Chính phủ phải bảo lãnh các khoản vay ngoại tệ cho doanh nghiệp trong nước mang đến nhiều rủi ro.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu nguy cơ nợ công quốc gia sẽ tăng nếu Chính phủ tiếp tục bảo lãnh nợ cho doanh nghiệp trong nước - ảnh H.Lực 
Vị chuyên gia này phân tích, khi Chính phủ bảo lãnh các khoản vay ngoại tệ cho doanh nghiệp nào đó đồng nghĩa với việc Chính phủ sẽ phải có trách nhiệm trả nợ.
“Nếu doanh nghiệp đi vay không trả được nợ thì Chính phủ từ nghĩa vụ bảo lãnh sẽ phải chịu nghĩa vụ trả nợ, vì thế việc Chính phủ bảo lãnh khoản vay cho doanh nghiệp sẽ mang đến nhiều rủi ro làm gia tăng khoản nợ công”, TS.Hiếu cho biết.
Tại buổi thảo luận về việc huy động, sử dụng vốn vay và nợ công giai đoạn 2016-2020 diễn ra tháng 11/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính - ông Đinh Tiến Dũng cho biết nợ công trong 5 năm qua tăng lên trung bình 18,4% và nhanh hơn gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế (5,91%).
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2016 nợ công của Việt Nam vào khoảng 64,13%GDP, nợ Chính phủ 53,62%GDP. Đóng góp đáng kể vào tỷ trọng nợ công là nợ do Chính phủ bảo lãnh, cuối năm 2016 vào khoảng 10,2% GDP.
TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu Chính phủ không phải đứng ra lo bảo lãnh khoản vay chiếm khoảng 10,2% GDP cho doanh nghiệp như hiện nay thì nợ công Việt Nam đã ở ngưỡng thấp, đỡ lo ngại hơn.
“Nếu không siết vấn đề bảo lãnh khoản vay, nguy cơ nợ công bùng tăng luôn cận kề. Khi nợ công tăng và chúng ta không có khả năng trả nợ sẽ đẩy cả nền kinh tế đi vào khủng hoảng mà Hy Lạp là một ví dụ điển hình”, TS.Hiếu nhận định.
Bảo lãnh nợ, nhưng dự án thua lỗ
Trong danh sách doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh nợ đáng chú ý có nhà máy dự án thuộc diện thua lỗ không có khả năng trả nợ, điển hình như dự án Nhà máy Giấy Phương Nam.
Năm 2003, Công ty Đầu tư phát triển giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (sau này là Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải - Tracodi) xin đầu tư dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam có công suất 100 nghìn tấn bột giấy/năm, dự án có tổng vốn 1.487 tỷ đồng.
Theo đề nghị của Bộ Tài chính, dự án được Chính phủ bảo lãnh khoản vay 67 triệu Euro từ Ngân hàng Societe Generale (Pháp).
Nhà máy sử dụng công nghệ PR - C - APMP, thiết bị được chế tạo đồng bộ, mới 100%, hình thức triển khai là chìa khóa trao tay. Phương án khả thi của dự án tính toán thời gian hòa vốn gần 10 năm 8 tháng.
Đây là dự án lớn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, được hy vọng là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực.
Đầu năm 2004, nhà máy được khởi công rình rang, lãnh đạo công ty phát biểu chắc nịch: “Nhà máy sẽ sản xuất ra loại bột giấy tốt nhất Việt Nam, tương đương chất lượng châu Âu”.
Tháng 11/2007, Tracodi quyết định điều chỉnh tổng mức vốn đầu tư lên 2.286 tỷ đồng, nhưng dự án vẫn rơi vào cảnh thiếu vốn.
Tháng 6/2009, theo Quyết định 731/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dự án được chuyển đổi chủ đầu tư từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), sau đó tiếp tục điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 3.400 tỷ đồng.
Thời điểm 2009, Bộ Tài chính được yêu cầu tiếp tục cho chủ đầu tư vay từ Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài để thanh toán nợ gốc và lãi vay trong hai năm 2009-2010, tổng cộng 18,9 triệu Euro.
Khi nhà máy chạy thử có tải, nguyên liệu đay không phù hợp công nghệ sản xuất, cả hệ thống dây chuyền luôn trong tình trạng trục trặc. Khâu chế biến nguyên liệu đầu vào cho chu trình sản xuất là công đoạn chặt mảnh bị lỗi, không đạt yêu cầu.
Tháng 6/2012 dự án chạy thử nhưng không thành công do nguyên liệu đay của Long An không phù hợp với công nghệ sản xuất. Từ đó nhà máy rơi vào tình trạng đắp chiếu.
Cuối năm 2012, sau khi được Bộ Công thương thẩm định, Vinapaco đã nâng mức đầu tư lên 3.409 tỉ đồng. Trong đó, số vốn đã giải ngân là 2.948 tỉ đồng, bao gồm vốn vay trong nước 1.952 tỉ đồng và vốn vay nước ngoài là 968 tỉ đồng - do Bộ Tài chính bảo lãnh.
Đến ngày 12/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương về việc dừng đầu tư Nhà máy Bột giấy Phương Nam.
Trước thực trạng Chính phủ phải bảo lãnh nợ cho doanh nghiệp nhà nước có dự án thua lỗ, PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội Khóa XIII đặt ra vấn đề: Cần có đánh giá hiệu quả của khoản vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt khoản vay mà Chính phủ phải bảo lãnh.
PGS.Bùi Thị An đề nghị: Cần siết chặt vấn đề bảo lãnh nợ, cương quyết không bảo lãnh nợ cho các doanh nghiệp đã từng có dự án đầu tư thua lỗ - ảnh Ngọc Quang.
PGS.An so sánh, trong khi doanh nghiệp tư nhân phải tự thu xếp về tài chính bằng việc vay ngân hàng, niêm yết sàn chứng khoán để hút nguồn vốn xã hội thì doanh nghiệp nhà nước dù được giao quản lý khối tài sản lớn, được ưu đãi về đất, về công nghệ, được bảo lãnh về vốn vay. Như vậy liệu có tạo ra sự cạnh tranh công bằng.
Điển hình như việc cùng là doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường hàng không nhưng trong khi Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) được Chính phủ bảo lãnh khoản vay nợ nước ngoài để mua, thuê tàu bay thì Vietjet Air - một hãng hàng không tư nhân phải tự thu xếp tài chính với tổ chức nước ngoài, tổ chức niêm yết sàn chứng khoán để tăng nguồn vốn đảm bảo điều kiện phát triển.
Theo Đại biểu Bùi Thị An, cần rà soát lại các khoản vay của doanh nghiệp nước nhà nước để đảm bảo đầu tư hiệu quả. 
“Vẫn biết rằng việc bảo lãnh nợ cho doanh nghiệp nhà nước nhằm mục đích tạo điều kiện doanh nghiệp có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Nhưng như Thủ tướng đã nhấn mạnh phải có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân, vì vậy cần phải xem số vốn đó có được sử dụng hiệu quả, có mang lại lợi nhuận”, bà An đặt vấn đề.
Theo PGS.An, Chính phủ bảo lãnh nợ cho doanh nghiệp nhà nước do bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh thì còn nhiệm vụ chính trị được giao. Tuy nhiên nhiệm vụ nào suy cho cùng cũng vì lợi ích đất nước, không thể lấy lý do vì phải làm nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ công ích để lý giải cho vấn đề thua lỗ.
Bà An đề nghị: "Cần siết chặt vấn đề bảo lãnh nợ, cương quyết không bảo lãnh nợ cho các doanh nghiệp đã từng có dự án đầu tư thua lỗ.
Trước khi quyết định bảo lãnh khoản nợ cho doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ mức độ hiệu quả của các dự án để tránh thua lỗ dẫn đến Chính phủ phải 'nai lưng' trả nợ".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét