Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

20150914. TKV, EVN, PVN ĐÒI NÂNG GIÁ BÁN CÓ HỢP LÝ ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
QUÁ VÔ LÝ MÀ VẪN ĐỀ NGHỊ TĂNG GIÁ LÀ SAO ?
Bài của TRẦN NGỌC THƠ/ TTO/ BVB 13/9/2015

 

Thật vô lý khi DN có thể hạch toán thoải mái những sai lầm trong quản trị doanh nghiệp của chính mình vào giá thành rồi tính hết vào giá bán cho người tiêu dùng...
Việc các tập đoàn Than - khoáng sản, Điện lực và Dầu khí đề nghị Chính phủ cho phép họ phân bổ hàng chục ngàn tỉ đồng vào giá bán có nhiều vấn đề ẩn sâu dưới đó cần phải được nhận diện đúng mức.
Trên thế giới này không có doanh nghiệp nào có thể hạch toán thoải mái những sai lầm trong quản trị doanh nghiệp của chính mình vào giá thành rồi tính hết vào giá bán cho người tiêu dùng, ngoại trừ họ muốn phá sản vì bị các địch thủ khác cạnh tranh.
Ở Việt Nam, yếu tố ngoại trừ này đã được Nhà nước bảo hiểm cho các doanh nghiệp độc quyền rồi. Trong câu chuyện này vẫn còn nhiều điều cần được làm rõ.
Đầu tiên là vấn đề minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình của các tập đoàn. Tại sao tỉ giá tăng thì đòi tăng giá, còn những lúc tỉ giá giảm và thậm chí giảm rất sâu như năm 2006-2007, sao không thấy Tập đoàn Điện lực đề xuất giảm giá bán?
Thậm chí lãi suất, lạm phát và giá cả nguyên liệu thế giới thời gian qua giảm rất sâu, tại sao giá điện lại không giảm mà ngày càng có xu hướng tăng thêm? Đây là điều không sòng phẳng với người tiêu dùng chút nào.
Các tập đoàn cho rằng vay ngoại tệ nên lỗ do tỉ giá là điều vô lý ngay từ cái nhìn đầu tiên. Do các tập đoàn được Chính phủ bảo lãnh vay nợ bằng USD nên lãi suất đi vay rất thấp, chỉ khoảng 4 - 5%.
Trong khi đó lãi suất vay bằng VND hiện tại khoảng 10%, chưa kể có những thời điểm trước đây mức lãi suất VND còn lên đến 20%, như vậy mức lãi suất trung bình năm năm qua khoảng 15%. Như vậy so lãi suất VND với USD, bình quân năm năm qua các tập đoàn đã có lợi nhuận tăng thêm mỗi năm khoảng 15% trên tổng số vốn vay bằng ngoại tệ. Nay chỉ mới có tháng 8 vừa qua tỉ giá USD/VND tăng khoảng 5% đã kêu lỗ là điều hết sức phi lý.
Đến đây, câu hỏi được đặt ra: liệu đề xuất tính cả chục ngàn tỉ đồng tỉ giá vào giá điện lần này có thật sự đến từ nguyên nhân tỉ giá? Hay các tập đoàn đã mất mát phần nào sức đề kháng trước các cú sốc xảy ra nên chỉ còn cách khả dĩ đưa những sai lầm trong quá khứ vào giá bán. Có khả năng đề xuất bù lỗ tỉ giá vừa qua chỉ là cái cớ, là giọt nước cuối cùng làm tràn ly lỗ lã triền miên tích tụ bấy lâu nay.
Đã đến lúc Chính phủ phải làm rõ các bí mật này và tiến tới thị trường hóa mạnh mẽ các lĩnh vực điện lực, xăng dầu, nếu không trong tương lai chẳng cần đến cú sốc gì cả, giá các mặt hàng độc quyền này muốn tăng thì sẽ cứ tăng mà không ai biết thực hư ra sao.
Trần Ngọc Thơ /TTO

CẦN BỎ LỢI NHUẬN ĐỊNH MỨC TRONG XĂNG DẦU
Bài của MAI HÀ-NGUYÊN NGA/ TN 22/11/2013

Dư luận vẫn đang bức xúc trước thông tin Tập đoàn xăng dầu Petrolimex lãi tới 1.579,14 tỉ đồng 9 tháng đầu năm 2013, trong đó phần lợi nhuận rất lớn thu được từ kinh doanh xăng dầu.
Lợi nhuận tăng 71%
Cụ thể, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (chủ yếu từ kinh doanh xăng dầu) quý 3 của Petrolimex đạt 569,3 tỉ đồng (tăng gần 60% quý 3/2012), đưa lợi nhuận kinh doanh 9 tháng đầu năm lên tới 1.051 tỉ đồng, tăng 71% so với lợi nhuận kinh doanh cùng kỳ năm 2012 (612 tỉ đồng). Lợi nhuận ròng của Petrolimex chỉ trong quý 3/2013 đã đạt 637,5 tỉ đồng, tăng gần 45%; 9 tháng đạt 1.418,7 tỉ đồng, tăng 57% so cùng kỳ 2012.
Trong quý 3, Petrolimex chỉ điều chỉnh tăng giá một lần (460 đồng/lít xăng), giảm giá một lần (300 đồng/lít xăng). Trong suốt quý này, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu luôn duy trì ở mức cao trên 24.000 đồng/lít. Mỗi lần điều chỉnh tăng giá, nguyên nhân được Petrolimex cũng như các doanh nghiệp (DN) xăng dầu khác đưa ra là giá thế giới tăng, DN lỗ vì nhập hàng giá cao. Nhưng nếu nhìn vào thực tế tồn kho xăng dầu của Petrolimex sẽ không thấy điều này. Trong quý 3, tồn kho xăng dầu lên tới 4.194 tỉ đồng (số đầu năm chỉ là 336 tỉ đồng). Trữ xăng với khối lượng lớn trong điều kiện chi phí lãi vay giảm, tỷ giá thuận lợi giúp DN này có lợi thế rất lớn khi tính giá cơ sở theo bình quân 30 ngày.
"Lợi nhuận định mức chỉ phù hợp khi doanh nghiệp hoạt động công ích và chịu lỗ để bình ổn giá. Nhưng khi doanh nghiệp đã được hỗ trợ từ công cụ bình ổn giá và liên tục có lãi, thì phải bỏ lợi nhuận định mức mới công bằng với người tiêu dùng" Một chuyên gia kinh tế
Một so sánh nhỏ để thấy, sự thiếu sòng phẳng cũng như cách sinh lời của các công ty xăng dầu. Hiện giá xăng A92 tại thị trường Singapore cũng đang giảm mạnh, chốt phiên giao dịch ngày 20.11 giá xăng A92 chỉ ở mức 111,84 USD/thùng, giá bán lẻ xăng trong nước là 23.630 đồng/lít. Nhưng trong 6 tuần qua, giá có khi giảm dưới 110 USD/thùng thì mức giá bán lẻ xăng vẫn giữ nguyên. Giá xăng dầu thế giới biến động liên tục, DN nhập khẩu hằng ngày tuy nhiên quy định 30 ngày mới được điều chỉnh thay đổi giá đã giúp các DN xăng dầu kiếm khủng.
Đề nghị xem lại cơ chế tự định giá xăng dầu tạo đang thuận lợi quá lớn cho Petrolimex và DN xăng dầu khác có lãi, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng Nghị định 84 sửa đổi vẫn duy trì cơ chế tự định giá thì vô nghĩa. “Thị trường xăng dầu đang là độc quyền nhóm, nhất là Petrolimex giữ vị trí thống lĩnh, không thể để cơ chế DN tự định giá, vì đây cũng là bức xúc lớn nhất của người tiêu dùng”, ông Long nói.
Lãi được “bảo hành”
Theo ông Ngô Trí Long, lãi của Petrolimex có được nhờ hưởng lợi từ giá bán chênh lệch so với giá cơ sở, vì thế cần xem xét cơ chế điều hành giá cũng như cơ chế hình thành giá, trong đó có lợi nhuận định mức và chi phí kinh doanh. Một chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, công cụ điều chỉnh, hỗ trợ giá của nhà nước thông qua quỹ bình ổn giá và tính lợi nhuận định mức (100 - 300 đồng/lít) đang mang lại lợi nhuận đáng kể cho Petrolimex và các DN xăng dầu khác. “Cần xem lại việc tính lợi nhuận định mức trong tính giá cơ sở. Lợi nhuận định mức chỉ phù hợp khi DN hoạt động công ích và chịu lỗ để bình ổn giá. Nhưng khi DN đã được hỗ trợ từ công cụ bình ổn giá và liên tục có lãi, thì phải bỏ lợi nhuận định mức mới công bằng với người tiêu dùng”, chuyên gia này khuyến nghị.
Luôn khẳng định đi theo cơ chế thị trường và cũng đã là công ty đại chúng, nhưng việc duy trì lợi nhuận định mức ngay trong giá cơ sở đã khiến các DN xăng dầu được “bảo hành” lợi nhuận. Đơn cử, tính từ đầu tháng 10 cho đến nay, giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục đi xuống, trong đó giá dầu WTI tại Mỹ đã có 6 tuần giảm liên tục. Nếu tính bình quân, giá xăng dầu thế giới tháng 10 giảm khoảng 3% so với tháng 9. Giá xăng A92 thành phẩm nhập tại thị trường Singapore bình quân trong tháng 10 ở mức 111,41 USD/thùng. Sau khi trừ thuế, phí, trích quỹ bình ổn... đối với mặt hàng xăng, DN kinh doanh xăng dầu lỗ khoảng 82 đồng/lít. Tuy nhiên, do được sử dụng quỹ bình ổn giá 200 đồng/lít đối với xăng nên thực tế họ lãi 118 đồng/lít. Chỉ cần tăng giá nhích thêm 100 đồng/lít, con số lợi nhuận không nhỏ bởi số lượng sản phẩm bán ra lớn.
Mai Hà - Nguyên Nga



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét