Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

20150908. CÁC Ý KIẾN TỪ HỘI THẢO CẢI CÁCH THỂ CHẾ

ĐIỂM BÁO MẠNG
KHI NHÀ NƯỚC "NGHIỆN" QUẢN
Tổng hợp của TƯ GIANG/ TBKTSG 6/9/2015
Nhà nước phải thay đổi chức năng, từ Nhà nước chỉ huy, sở hữu sang Nhà nước kiến tạo phát triển để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ảnh: MINH KHUÊ
(TBKTSG) - Ý kiến các chuyên gia tại hai hội thảo về cải cách thể chế cuối tuần trước.
Ông Trương Đình Tuyển vẫn cảm thấy day dứt khi nhớ về quyết định thành lập Cục Quản lý cạnh tranh nằm dưới ô của Bộ Thương mại, khi ông còn làm bộ trưởng bộ này. Cơ chế đó vô hình trung đã vô hiệu hóa vai trò và hoạt động của cơ quan vốn rất quan trọng để đảm bảo cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đeo đuổi. Có lần, lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh muốn điều tra Tổng công ty Thép do nghi ngờ doanh nghiệp nhà nước này vi phạm Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, khi việc điều tra còn chưa bắt đầu, thì họ đã bị một lãnh đạo bộ “tuýt còi”. “Có thứ trưởng không cho điều tra... cơ chế nhà nước như vậy thì làm sao thị trường tốt được”, ông Tuyển nói tại hội thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối tuần trước.
Cũng ông Tuyển, nói tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu được tổ chức liền trước hội thảo trên: “Nhu cầu cải cách thể chế hiện nay là rất bức xúc. Các quốc gia chỉ giàu có lên khi có thể chế tốt”. Ông khẳng định: “Nhà nước phải thay đổi chức năng, từ Nhà nước chỉ huy, sở hữu sang Nhà nước kiến tạo phát triển để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nếu chúng ta không làm được điều này, thì đất nước sẽ còn tụt hậu xa hơn”.
Nhận xét của ông Tuyển không bị bất kỳ ai trong giới quan chức chính phủ, đại biểu Quốc hội, và học giả phản bác trong hai hội thảo về thể chế rất được chú ý cuối tuần trước. Người ta đều thống nhất một điểm chung: Nhà nước phình to, ôm đồm, trùng lắp, thiếu giải trình... đang trở thành lực cản cho thị trường phát triển.
Tại diễn đàn này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng: “Sự trói buộc đối với đất nước giờ nằm ở thượng tầng kiến trúc”. Một khía cạnh quan trọng của vấn đề được ông phân tích: ngân sách đang phải gánh cho hoạt động của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, tức tương đương 2-3 nhà nước. Trong khi đó, quản trị nhà nước lại dựa trên nguyên tắc tập thể, dẫn đến tình trạng không ai chịu trách nhiệm. Theo ông, đã đến lúc phải thiết kế lại cấu trúc quyền lực trên nền tảng ngân sách, phải tuyên ngôn là tiền của dân không chịu được cách nuôi Nhà nước như vậy”.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Trần Đình Thiên: “Sự trói buộc đối với đất nước giờ nằm ở thượng tầng kiến trúc”.
Ông Cung nhận xét: “Công cụ quản lý, tư duy quản lý không đổi, là đứng bề trên, là kiểm soát thị trường, doanh nghiệp. Nhà nước đặt ra bao nhiêu rào cản để quản, họ nghiện quản”.Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung thì kể lại thực tế của hàng loạt doanh nghiệp ở Hải Phòng mà ông đến thăm gần đây, cùng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Cơ quan thuế cứ một mực đòi doanh nghiệp trưng ra hóa đơn gốc của các đối tác nước ngoài. Hay hải quan lại có quyền xác nhận doanh nghiệp trong nước (phải) đủ điều kiện (mới được) ký hợp đồng gia công cho đối tác nước ngoài. Chỉ vào một hình, trong đó, một người è cổ, còng lưng vác bao tải nặng, cắm mặt dò dẫm bước đi trên một cây gỗ, ông Cung ví von đó là tình trạng của doanh nghiệp tư nhân. Bao tải nặng là chi phí, cầu khỉ là nền tảng thể chế. Ông nói: “Tình thế của doanh nghiệp là vậy. Họ phải cúi đầu dò dẫm để cố không rơi xuống sông, nên họ không thể vươn xa... Vấn đề hiện nay nằm ở Nhà nước”.
Bà Phạm Chi Lan tỏ ra lo ngại: “Đến bây giờ thì bản thân người dân thường cũng thấy được những vấn đề của đất nước. Họ hiểu các vấn đề của hệ thống, của bộ máy... Khi cam kết hội nhập quá nhiều mà trong nước không làm được do thể chế không thay đổi, thì thị trường này sẽ chỉ là cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài để họ dẫn dắt chúng ta”. Bà nói: “Đừng để lúng túng về lý luận hôm nay cản trở sự phát triển”.
Ông Võ Đại Lược đồng tình: “Chúng ta có nhiều chuyện nhưng chuyện kinh tế không thể chỉ giải quyết được bằng các vấn đề kinh tế...”. Ông Lược giải thích, khu vực doanh nghiệp nhà nước không sao cải cách được, khi vẫn còn xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Ông nói: “Nếu tư duy cũ thì không thể vẽ ra mô hình mới... Nếu chúng ta không nghĩ như thế giới thì chúng ta không tiến cùng được. Tụt hậu về tư duy là tụt hậu quan trọng nhất”.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch góp lời: “Nếu cải cách thể chế chỉ toàn kinh tế thế này, bộ máy và con người không cải cách thì sửa 100 cái luật cũng không cải cách được gì”. Ông Lịch khẳng định, bộ máy công quyền phải là trọng tâm cải cách nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trọng tâm cải cách nằm ở phía Nhà nước
Đây là thời điểm cho cải cách lần hai mà trọng tâm là nâng cao chất lượng của nền kinh tế Việt Nam theo hướng kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, và hội nhập. Nội dung của cuộc cải cách này nằm ở cả thị trường và Nhà nước. Về phía Nhà nước, không chỉ thu hẹp lại quy mô và phạm vi của Nhà nước, mà còn phải đổi mới toàn diện khu vực nhà nước, nhất là quản trị quốc gia ở các lĩnh vực sau:
Đổi mới vai trò, chức năng của Nhà nước phù hợp với vai trò, chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập. Nhà nước bổ sung cho thị trường, kết hợp với thị trường.
Đổi mới cơ cấu tổ chức nhà nước, nhất là tổ chức chính phủ, cơ cấu của các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Đổi mới, thay thế công cụ quản lý nhà nước lạc hậu, di sản của kế hoạch hóa tập trung, của thể chế hành chính xin - cho bằng các công cụ quản lý nhà nước khác hướng đến duy trì kỷ cương, trật tự xã hội, thiết lập và duy trì cạnh tranh thị trường công bằng, khắc phục khiếm khuyết của thị trường.
Đổi mới và nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước, nhất là thái độ và động lực làm việc, thực thi công vụ của công chức.
Trọng tâm cải cách nằm ở phía Nhà nước vì cải cách ở phía Nhà nước là điều kiện cần cho các cải cách ở phía thị trường. Việc thu hẹp, giảm quy mô của kinh tế nhà nước phải tiến hành đồng bộ với đổi mới quản lý nhà nước và phát triển, nâng cấp trình độ thị trường của nền kinh tế, nếu không sẽ làm cho chủ nghĩa thân hữu nặng nề hơn.
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung)
VIỆT NAM ĐANG CẦN THÊM MỘT "KHOÁN 10"
Bài của NGUYỄN QUANG THÁI- NGUYỄN KHẮC GIANG/ TVN 6/9/2015
lúa gạo, cạnh tranh, phát triển
Đồng bằng sông Cửu Long
Để đưa ngành lúa gạo Việt Nam gia tăng khả năng cạnh tranh, sản xuất lúa gạo có giá trị cao, và mang lại nhiều hơn cho nông dân, ngay lúc này Việt Nam cần có những chính sách cởi trói đột phá như “Khoán 10” dành cho các doanh nghiệp.
LTS: Kể từ cuối thập kỷ 1980 đến nay, ngành lúa gạo của Việt Nam đã phát triển liên tục theo định hướng gia tăng sản lượng, đã giúp Việt Nam không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn liên tục là một trong 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.
Tuy nhiên, sự mở rộng quy mô của ngành lúa gạo Việt Nam thay vì được hồ hởi chào đón như trước đây, giờ lại trở thành mối lo lắng của xã hội. Sản lượng lúa tăng nhưng không kèm theo sự cải thiện thu nhập của người nông dân, kèm theo đó là nguy cơ đất trồng bị thoái hoá và ô nhiễm môi trường tăng cao.
Việc quá chú trọng đến tăng sản lượng dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao, thị trường xuất khẩu tập trung ở phân đoạn thấp, kém đa dạng, và đặc biệt đang tập trung rất nhanh và thị trường Trung Quốc. Khi những thị trường xuất khẩu này gặp khó khăn, lập tức tạo sức ép giảm giá lên thị trường nội địa, gây thiệt hại cho các thành phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo trong nước, đặc biệt là người nông dân.
Tuần Việt Nam tổ chức loạt bài với các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp để cùng tìm ra lời giải.
Bài 1: Cần thêm một “khoán 10” trong nông nghiệp
Để đưa ngành lúa gạo Việt Nam gia tăng khả năng cạnh tranh, sản xuất lúa gạo có giá trị cao, và mang lại nhiều hơn cho nông dân, ngay lúc này Việt Nam cần có những chính sách cởi trói đột phá như “Khoán 10” dành cho các doanh nghiệp.
Năm sau (2016), Việt Nam đánh dấu chặng đường 30 năm thực hiện Đổi mới. Chính sách kinh tế đột phá này, vốn giúp Việt Nam hoàn toàn lột xác về cả kinh tế và xã hội, khởi nguồn từ những cải cách từ trong nông nghiệp với chính sách Khoán 100 sau đó là Khoán 10, “cởi trói” cho ngành nông nghiệp và người nông dân.
Sau một hành trình dài, ngành lúa gạo đã có những bước phát triển “thần kỳ”, từ một nước phải nhập khẩu gạo trở thành một trong ba nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Chúng ta không còn phải lo lắng về an ninh lương thực nữa, mà tập trung sản xuất lúa gạo như một mặt hàng trọng điểm để xuất khẩu ra thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là thành tích đó chưa mang lại nhiều giá trị thặng dư cho ngành, và đặc biệt là chưa tạo ra được nhiều thay đổi tích cực trong thu nhập cho người nông dân. Nông dân Việt Nam là nhóm có thu nhập bình quân GDP thấp nhất cả nước, và nếu tính trong khu vực Đông Nam Á, chỉ cao hơn nông dân ở Campuchia [1].
Trong nhiều nguyên do cho tình trạng đó, đáng chú ý là việc Việt Nam trong suốt 30 qua vẫn chỉ tập trung vào chiến lược gia tăng sản lượng lúa gạo, thay vì nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra một mặt hàng có thương hiệu và giá trị gia tăng cao hơn.
Các chính sách hiện tại vẫn hướng Việt Nam tiếp tục đi trên con đường đến với “đỉnh vinh quang” trước đây, đó là gia tăng sản lượng và khuyến khích xuất khẩu. Điều này sẽ tiếp tục khiến chúng ta sẽ rơi vào tình trạng sản xuất gạo dư thừa, chất lường gạo thấp, gây nên nhiều hệ lụy xấu cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và đời sống của người nông dân.Nhiều có phải là tốt?
Thực tế, tư tưởng gia tăng sản lượng vẫn còn ngự trị. Theo GS. Võ Tòng Xuân [2], Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, người nông dân Việt Nam “dưới sự cổ vũ của nhà nước, chỉ thích trồng giống lúa nào cho năng suất thật cao, mà ít quan tâm đến chất lượng thơm ngon”.
Tăng sản lượng còn thể hiện ở mật độ gieo trồng sản xuất lúa gạo ngày càng gia tăng. Nếu tại thời điểm 1990, mật độ gieo trồng tại Đồng Bằng Sông Cửu Long là 1,6 vụ/năm thì tính đến 2010, con số này đã lên tới 2,1 vụ/năm. Đáng chú ý, quá trình này sẽ khiến đất bị thoái hóa,  người nông dân sẽ sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng hạt gạo vì thế cũng kém đi theo thời gian.
lúa gạo, cạnh tranh, phát triển
 Tỷ trọng xuất khẩu gạo Việt Nam đến các quốc gia, 2010-2013 (% giá trị xuất khẩu)
Nguồn : UN Comtrade (2015)
Việc quá chú trọng đến tăng sản lượng dẫn đến chất lượng gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới thấp, và hệ quả xuất khẩu phải phụ thuộc vào một số quốc gia trong khu vực, tạo ra nhiều bấp bênh.
Theo số liệu thương mại của Liên hợp quốc (UN Comtrade), nếu như năm 2010, Việt Nam chủ yếu xuất gạo sang Phillipines (khoảng 29% tổng giá trị xuất khẩu) thì đến năm 2012 -2013, Việt Nam đã phải chuyển sang xuất khẩu phần lớn cho Trung Quốc (24,53% và 30,88% tổng giá trị xuất khẩu của các năm tương ứng), mặc dù trước đó năm 2010, xuất khẩu vào Trung Quốc chỉ chiếm 1,71% tổng giá trị xuất khẩu.
Với việc đồng Nhân dân tệ liên tục bị mất giá, rủi ro cho lúa gạo Việt Nam sẽ ngày càng tăng lên khi chúng ta quá phụ thuộc vào thị trường này.
Thêm vào đó, nếu nhìn ra thị trường gạo thế giới, có thể thấy, phân đoạn gạo cấp thấp đang có xu hướng cung vượt cầu. Theo dự báo của FAO (năm 2006), sản xuất gạo sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh trong những năm tới nhờ việc gia tăng diện tích trồng lúa, số vụ trồng lúa, và cải thiện năng suất trồng trọt. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ gạo trên toàn cầu tiếp tục tăng đến năm 2030; sau đó sẽ chuyển sang xu hướng giảm.Thị trường gạo thế giới ngày càng cạnh tranh
Các nước nhập khẩu gạo truyền thống như Indonesia và Phillipines đã có chiến lược tự cung lúa gạo. Indonesia là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới vào năm 2011, với 3,1 triệu tấn; tuy nhiên, nước này đã giảm nhập khẩu rất mạnh năm 2013 với 650 nghìn tấn.
Trong khi đó, các nước như Ấn Độ, Campuchia và Myanmar đang có mức tăng trưởng mạnh về xuất khẩu gạo. Ấn Độ là nước có sự bứt phá mạnh mẽ nhất trong xuất khẩu gạo, với sản lượng xuất khẩu tăng gần 2 lần từ mức 4.637 nghìn tấn trong niên vụ 2010/11 lên 10.901 tấn trong niên vụ 2013/14 và trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Campuchia thì đã tăng sản lượng xuất khẩu từ mức 750.000 tấn trong niên vụ 2009/10 lên mức 1 triệu tấn trong niên vụ 2013/14, ở các thị trường của châu Âu, Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc. Myanmar cũng tăng gần gấp đôi sản lượng xuất khẩu từ 700.000 tấn lên 1,3 triệu tấn trong giai đoạn này.
Trong bối cảnh thị trường đang gia tăng cạnh tranh như vậy, nếu tiếp tục gia tăng sản lượng gạo và không chú trọng tới chất lượng gạo, toàn bộ chuỗi giá trị gạo của Việt Nam sẽ chịu thiệt hại năng nề, trong đó, chịu thiệt hại nhiều nhất vẫn sẽ là người nông dân.
Lý do là vì theo xu hướng này, trong tương lai, vị thế của các quốc gia trên thị trường xuất khẩu gạo phải phụ thuộc vào khả năng các nước xuất khẩu có thể cung ứng các loại gạo chất lượng cao và đặc thù cho các nhóm khách hàng khác nhau. Sản lượng không còn là vấn đề, mà là chất lượng và trị giá xuất khẩu.
Các nước xuất khẩu gạo trên thế giới không phải không biết điều đó. Thái Lan, Ấn Độ, hay cả những nước xuất khẩu gạo mới nổi như Campuchia đều có những “vũ khí” là những thương hiệu gạo của riêng mình. Tại Hội chợ Thương mại Lương thực diễn ra vào tháng 5/2013 ở Bangkok [3], riêng Thái Lan đã có hơn chục thương hiệu gạo, Campuchia cũng có 8 thương hiệu. Việt Nam, dù được tiếng là nước xuất khẩu gạo hàng đầu, không có thương hiệu nào được đem đi quảng bá.
(Còn tiếp)
Nguyễn Quang Thái  – Nguyễn Khắc Giang
(Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – VEPR)
----------
[1] Tuổi trẻ, Thu nhập nông dân cực thấp, tụt hậu không còn là nguy cơ.
[2], [4] Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, Tia Sáng, 21/07/2015.
[3] Tìm tên cho Hạt gạo Việt Nam, Doanh nhân Sài Gòn, 18/12/2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét