Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

20150901. CHUYỆN IT ĐƯỢC BIẾT VỀ BỘ TRƯỞNG GIÁO DỤC NGUYỄN VĂN HUYÊN

ĐIỂM BÁO MẠNG
BÍ MẬT CỦA VỊ BỘ TRƯỞNG GẦN 30 NĂM "NGOÀI ĐẢNG"
Bài của THU HẰNG/ VNN 30/8/2015

  Trong các kỷ vật của cố GS.TS Nguyễn Văn Huyên, vẫn còn lá đơn xin vào Đảng cùng bản lý lịch tự thuật úa màu thời gian.

Danh phận ở ngoài Đảng của cố GS.TS Nguyễn Văn Huyên, nhà giáo dục, nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa lớn của VN, vị Bộ trưởng Giáo dục trong 28 năm 350 ngày, từng là điều bí ẩn lạ lùng.
Đóng góp quan trọng của tầng lớp trí thức trong cuộc Cách mạng tháng 8/1945, trong đó có Nguyễn Văn Huyên từng tham gia “Nhóm bốn người đánh điện” đề nghị vua Bảo Đại thoái vị, trao chính quyền cho Việt Minh, có thể khiến bất cứ ai giở lại sử liệu đều phải đặt câu hỏi về điều bí ẩn này.
Thành phần đặc biệt
Con trai út của ông, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhắc lại một giai đoạn lịch sử quan trọng trong đời hoạt động cách mạng của cha.
Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, Nguyễn Văn Huy, cách mạng tháng Tám, trí thức, giáo dục
Phòng trưng bày tư liệu về GS.TS Nguyễn Văn Huyên thời kỳ 1945 - 1975 tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên
Trong một bữa trưa mời riêng Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Bác Hồ thẳng thắn gợi ý: "Chú ở ngoài Đảng có lợi cho cách mạng hơn". Nhìn lại việc này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy đánh giá quyết định của Cụ Hồ có ý nghĩa rất quan trọng.Năm 1960, khi đó tròn 30 năm thành lập Đảng Lao động VN, Đảng có chủ trương kết nạp “lớp đảng viên 6 tháng Giêng", Đảng ủy Bộ Giáo dục muốn giới thiệu GS Huyên vào Đảng. Giữa lúc đất nước đang bị chia cắt thành 2 miền, công cuộc đấu tranh thống nhất còn khó khăn, trong một động thái cân nhắc thận trọng, Đảng ủy Bộ Giáo dục đem quyết định hỏi ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị.
“Đất nước chia cắt hai miền, rất cần người trong Đảng, ngoài Đảng, các đảng phái khác cùng tham gia chính quyền để thành một mặt trận thống nhất, đoàn kết cả nước”, phân tích của ông Huy.
Và mãi gần đây, ông Huy và một số ít người mới được biết vào thời điểm đó, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết 10 về việc này. Trong đó có quyết định không kết nạp một số trí thức cao cấp không thuộc đảng phái nào, để "ở ngoài có lợi hơn".
Mang danh phận ở ngoài Đảng nhưng mọi sinh hoạt của Đảng, chi bộ, Đảng ủy Bộ,  Đảng Đoàn, ông đều được mời tham dự. Đại hội Đảng toàn quốc ông là đại biểu mời. Có nghĩa ông chẳng khác nào đảng viên của Đảng, chỉ khác biệt không đóng đảng phí và tham gia biểu quyết. Chính do sự “bí ẩn” này, nhiều năm về sau các con của ông dù đi bộ đội, phấn đấu nhiều năm nhưng chưa thể vào Đảng.
“Vì họ thấy trong gia đình tôi không có ai là đảng viên, thành phần giai cấp lại rất đặc biệt”, ông Huy lý giải.
Nhưng đó cũng không phải chuyện bất biến. Năm 1972, ông Huy công tác tại Ủy ban Khoa học xã hội VN. Khi cân nhắc quyết định kết nạp ông vào Đảng, tổ chức đã cẩn thận đến Bộ Giáo dục hỏi rõ chuyện “Bộ trưởng ngoài Đảng” của cha ông và được giải thích rõ việc này.
Hai chị gái của ông sau đó cũng lần lượt trở thành đảng viên Đảng Cộng sản VN.
Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, Nguyễn Văn Huy, cách mạng tháng Tám, trí thức, giáo dục
Lý lịch tự khai và đơn xin vào Đảng của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên
Lá thư từ Fontainebleau
Hiện lá đơn xin vào Đảng và bản lý lịch tự thuật của GS Nguyễn Văn Huyên vẫn được lưu giữ cẩn thận tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên do chính ông Huy lập ra.
Trở lại lịch sử. Năm 1935, trở về từ Pháp sau nhiều năm dùi mài kinh sử từ cấp cử nhân đến tiến sĩ, Nguyễn Văn Huyên bắt đầu sự nghiệp là một anh giáo ở trường Bưởi, rồi làm nghiên cứu khoa học, giáo dục.
Ông dấn thân vào con đường chính trị với hoạt động của Hội truyền bá quốc ngữ - tổ chức do Đảng Cộng sản Đông Dương sáng lập, từ năm 1938, cùng với Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai…
Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, Nguyễn Văn Huy, cách mạng tháng Tám, trí thức, giáo dục
GS.TS Nguyễn Văn Huyên (người thắt cà vạt đen ở giữa) cùng với các trí thức trẻ người Việt học tại Pháp năm 1928
 Trong cuộc mít tinh ngày 23/8/1945 của trí thức và sinh viên ở VN học xá Hà Nội  (nay là Đại học Bách khoa), Nguyễn Văn Huyên đã kêu gọi sinh viên ủng hộ Việt Minh.
Ông cùng Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum và Hồ Hữu Tường, đại diện trí thức ba miền gửi điện đề nghị vua Bảo Đại thoái vị, trao chính quyền cho Việt Minh. “Nhóm bốn người đánh điện” đã tạo nên một sự kiện lịch sử của cuộc cách mạng.
Tháng 12/1945, Chính phủ lâm thời quyết định thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết (tiền thân của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước) nhằm soạn thảo các đề án kiến thiết quốc gia. Nguyễn Văn Huyên cùng hơn 40 bộ trưởng, thứ trưởng, nhân sỹ, trí thức trở thành ủy viên ủy ban này.
Cho đến tháng 9/1946 ở Pháp, sự trải nghiệm cách mạng đã mang đầy những cảm xúc trưởng thành hơn với nhân sĩ trí thức yêu nước. Kể từ sau hội nghị Đà Lạt với vai trò cố vấn, Nguyễn Văn Huyên trở lại Pháp trên cương vị thành viên đoàn đại biểu VN Dân chủ Cộng hòa đàm phán tại hội nghị Fontainebleau. Từ Fontainebleau, ông viết thư cho vợ, bà Vi Kim Ngọc.
Thư viết: “Đây là dịp để Huyên thay mặt cả nhà mà đền nợ nước. Huyên cũng như bao nhiêu anh em sinh trưởng ở một nước nô lệ từ ngày hiểu biết tới nay ngoài 20 năm thở vắn than dài, cố sức sửa mình để thoát khỏi vòng áp chế... Ngọc ạ, lúc này mà chúng ta không tự hy sinh một chút riêng thì còn lúc nào nữa nhỉ? Ngọc hiểu biết lắm nên Huyên mới nhảy vào vòng mà gỡ mối tơ vương. 20 năm lăn lộn sách đèn, một chục năm phiêu lưu chân giời góc bể mới có dịp giơ thẳng cánh tay”.
Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, Nguyễn Văn Huy, cách mạng tháng Tám, trí thức, giáo dục
Con trai út, PGS.TS Nguyễn Văn Huy giới thiệu về các công trình nghiên cứu khoa học của Bộ trưởng Huyên trong những năm 1930
“Huy ra đời trong thời buổi tuy cái nguy đầy rẫy nhưng ánh sáng huy hoàng đã bắt đầu bao phủ cả một góc trời Nam. Chúng ta muốn ánh sáng ấy đầy hạnh phúc và hòa bình trong thế hệ tương lai này nên gọi chú Huy là Văn Huy. Bố là Văn Huyên một ánh sáng nhẹ nhàng, mẹ là Kim Ngọc một vật quý không vết, con Văn Huy phải tiến một bước dài trong các nguồn hạnh phúc của các chị lớn”, thư gửi từ Paris.Bức cũng thư nhắc lại sự ra đời của người con trai út Nguyễn Văn Huy vào những ngày cận kề Cách mạng Tháng 8 (3/8/1945) như một luồng ánh sáng mới bắt đầu.
Bài và ảnh: Thu Hằng
THUẬT DÙNG NGƯỜI ĐỘC ĐÁO CỦA BỘ TRƯỞNG GIÁO DỤC 
Bài của THU HẰNG/ VNN 31/8/2015

 "Chú phải chia bớt chữ cho nhân dân" - lời khuyên và tín nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ông vào nghiệp giáo dục kéo dài suốt từ 3/11/1946 cho đến khi qua đời năm 1975.
Trong các nghiên cứu của cố GS.TS Nguyễn Văn Huyên, phải kể đến công trình Những vấn đề của nông dân ở Bắc Kỳ (1939). Từ tư liệu sống động thu thập trong các cuộc điền dã dân tộc học và điều tra xã hội học, ông phân tích tình trạng cơ cực của nông dân và chỉ rõ những yếu kém của chính quyền đương thời.Trong đó ông nhấn mạnh nếu không có giáo dục, nông dân sẽ chẳng xây dựng được gì vững chắc. “Cần phải tiếp nhận những đứa trẻ quặt quẹo, nghèo khổ này và thử làm cho chúng trở thành những người có hiểu biết khách quan hơn về lợi ích của mình, có một ý thức hiện đại hơn về đời sống làng xã. Thì đó sẽ là một bước dài theo hướng thực hiện một đời sống nông thôn tốt đẹp hơn” - ông viết.
Khi Cách mạng Tháng 8 thành công, một sự thực nổi lên, đó là 95% người dân mù chữ. Làm thế nào để ngành giáo dục vượt qua bức tường thành quá lớn như vậy?
Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, trí thức, người tài,
PGS.TS Nguyễn Văn Huy luôn tâm đắc về cách giáo dục dục sáng tạo và dụng người tài từ tâm của cha mình
"Chú phải chia bớt chữ cho nhân dân" - lời khuyên và tín nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho mình khiến GS.TS Nguyễn Văn Huyên trăn trở trước bối cảnh xã hội lúc bấy giờ.PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều anh bộ đội không đọc được thư của gia đình, nhiều vị tướng lĩnh cũng học hết cấp 1, ít người học cao. Ngày hòa bình lập lại, cán bộ cũng chỉ học đến lớp 3, 4. Giáo dục khi ấy chủ yếu tập trung xóa mù rồi bổ túc văn hóa để phục vụ kháng chiến, xây dựng miền Bắc.
Ông quyết định kiến tạo một nền giáo dục không cầu toàn, đào tạo theo nhu cầu xã hội để nâng cao dần dân trí toàn dân, đặc biệt nâng cao trình độ văn hóa cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nông dân, công nhân. Có thời còn tổ chức các trường sư phạm 7+1, 7+2, 10+2 … để sớm có đội ngũ giáo viên, nâng cao dân trí toàn dân. Thậm chí sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường liền quay lại giảng cho năm sau.
Với cách làm đó, ngành giáo dục thời Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên có những nhà lãnh đạo sau này từng học bổ túc công nông một năm hai, ba lớp. "Đó là sự sáng tạo và là bài học cho ngành giáo dục ngày nay. Muốn làm gì trước hết phải đáp ứng nhu cầu xã hội", ông Huy chia sẻ.
Nghệ thuật dùng người độc đáo
Trong Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên vẫn còn lưu giữ bút tích, công điện đích thân Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Liên khu 4 từ năm 1950 đề nghị những chính sách đãi ngộ lương bổng, sắp xếp công việc cho những trí thức lúc bấy giờ.
Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, trí thức, người tài,
Tờ trình và công điện Bộ trưởng Huyên gửi các cơ quan mời GS  Đặng Văn Ngữ về làm việc
Trong phiếu gửi Bộ trưởng Nội vụ ngày 18/7/1950, ông ghi: “Dự nghị định bổ dụng và tạm xếp ngạch bác sỹ Đặng Văn Ngữ làm giáo sư Trường Đại học Y khoa. Để quý Bộ ý hiệp, chuyển Bộ Tài chính thỏa thuận rồi gửi bản Bộ. Bác sỹ Đặng Văn Ngữ trước khi đi Nhật đã làm tại Trường ĐH Y khoa từ năm 1937-1943 và phụ trách thêm phòng thí nghiệm Vi trùng học trường ấy”.Năm 1950, GS Đặng Văn Ngữ là Việt kiều từ Nhật sang Bangkok, Thái Lan, rồi đi bộ qua về Lào để trở lại Nghệ An. Hay tin, GS Nguyễn Văn Huyên mời ngay về làm việc tại trường Đại học Y khoa.
Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, trí thức, người tài,
Công điện số 74 của Bộ Giáo dục gửi Liên khu 4 cũng ghi rõ: “Yêu cầu báo bà Đặng Văn Ngữ, ở trường chuyên khoa Châu Phong, Đức Thọ, Hà Tĩnh biết là bác sỹ Đặng Văn Ngữ bận công việc quan trọng không thể vào đón được. Rồi Chính phủ sẽ tổ chức đưa ra, không cần lo. Về sinh hoạt và tài chính sẽ có giải pháp. Cứ tin tưởng vào Chính phủ và các bạn ở Liên khu 4”.
“Đây là công điện của ông Huyên với tư cách Bộ trưởng Giáo dục gửi Liên khu 4 với đề nghị tạo mọi điều kiện để đưa ông Đặng Văn Ngữ từ Nghệ An ra Tuyên Quang”, ông Huy chỉ vào tờ công điện nói và bồi hồi: “Cách ứng xử với trí thức của cụ Huyên rất độc đáo”.
Có hai điều quan trọng liên quan cách ứng xử với trí thức. Thứ nhất là đề nghị cấp tiền để GS Đặng Văn Ngữ mang đầy đủ phòng thí nghiệm đi cùng. Thứ hai là điện cho vợ ông Ngữ biết việc đưa chồng bà an toàn ra miền Bắc làm việc, đồng thời để bà yên tâm “không phải lo về kinh tế, mọi thứ Chính phủ lo”.
Với GS Đặng Thai Mai, Bộ trưởng cũng gửi công điện cho Bộ Tài chính xin tiền đưa ông từ Thanh Hóa lên Việt Bắc, trong đó có cả việc vận chuyển nguyên thư viện của GS Mai đi cùng cũng như lo kinh phí để thuê người đưa cụ ra vì đã có tuổi.
“Sau này con gái GS Đặng Thai Mai, chị Đặng Xuyến Như viết hồi ký kể lại lúc đi từ Thanh Hóa ra Tuyên Quang, gia đình cụ thuê 13 người để toàn bộ sách vở của cụ ra đến tận Chiêm Hóa. Còn cụ Mai thì đi bộ cùng gia đình", ông Huy kể.
Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, trí thức, người tài,
Các tư liệu thể hiện cái tâm dùng người tài của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên được con trai út lưu trữ cẩn thận
Bài học từ Hồ Chủ tịch
Trường hợp của Tiến sĩ  toán học Lê Văn Thiêm cũng quyết liệt không kém. Khi hay tin ông Thiêm từ Pháp sang Bangkok, qua Campuchia về đến chiến khu ở Nam Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên gửi ngay công điện cho ông Phạm Văn Đồng đề nghị điều động ông Thiêm ra Tuyên Quang giúp phát triển nền đại học kháng chiến.
PGS Nguyễn Văn Huy khâm phục sự tinh tế của cha mình trong cách trọng dùng người tài. Với những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, điều họ cần là phòng thí nghiệm, là thư viện.
Cách đối đãi với người tài GS Nguyễn Văn Huyên không học đâu xa, chính từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, học ngay từ cách Người đã đối đãi với chính ông từ những việc nhỏ nhất không chỉ của ông mà cả gia đình.
Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, trí thức, người tài,
Gia đình Bộ trưởng Huyên tiễn ông đi Pháp dự hội nghị Fontainebleau năm 1946
"Nhớ có lần chị Hiếu (chị gái PGS Nguyễn Văn Huy) bị bó bột chân hai năm do lao xương, Bác Hồ còn gửi cao hổ cốt để chị trị bệnh. Sau này khi chị tôi gặp Bác ở một hội nghị vừa nói là con ông Huyên, Bác nhớ ngay tên chị là Hiếu. Những hành động quan tâm nho nhỏ nhưng tự tâm ấy đã góp phần không nhỏ khích lệ đội ngũ trí thức lúc bấy giờ. Tôi tin chắc cụ Huyên là một trong những người học Bác thật sự, học từ thực tiễn, rất thực tiễn", ông Huy chia sẻ.Ông Huy nhớ, năm 1946, khi cha đi Pháp dự hội nghị Fontainebleau, được mẹ bế sang sân bay Gia Lâm tiễn cha. Bác Hồ đến động viên rồi tặng con trẻ một chiếc khăn mùi xoa bằng lụa rất đẹp. "Mẹ tôi giữ mãi kỷ vật này đến hết kháng chiến chống Mỹ, khi chúng tôi chuyển nhà, chiếc khăn này đã bị thất lạc".
Bài và ảnh: Thu Hằng
Kỳ tới: Bộ trưởng thế mới là bộ trưởng
 BỘ TRƯỞNG THẾ MỚI LÀ BỘ TRƯỞNG
Bài của THU HẰNG/ VNN 1/9/2015
 Một gia đình gồm hai vợ chồng già cùng con trai đến thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Họ xem rất kỹ từng hiện vật, không bỏ sót các dòng giới thiệu. Trước khi ra về, người chồng ghi lại những dòng lưu niệm trong căn “vườn ký ức” của Bảo tàng. Người vợ kể cho chúng tôi một kỷ niệm với Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. 
Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, học sinh, khai giảng
Gia đình bà Nguyễn Thị Vinh Quy đến thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Ảnh: Nguyễn Văn Huy
Chuyện lọt tên một nữ sinh 
“Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố Nam Định. Sau khi học xong phổ thông, tôi học khoa Văn trường ĐHSP Hà Nội, rồi trở thành cô giáo trong suốt 35 năm và đã nghỉ hưu năm 2005. Có một câu chuyện tôi nhớ mãi không bao giờ quên.
Năm 1963 tôi tốt nghiệp cấp 2 (trường Trần Đăng Ninh). Tôi học giỏi, điểm thi tốt nghiệp xuất sắc nên thuộc diện được tuyển thẳng vào cấp 3, lại được vào thẳng trường Lê Hồng Phong, hồi đó chưa phải là trường chuyên nhưng cũng có danh tiếng. Cả nhà phấn khởi, còn tôi sung sướng chờ ngày khai giảng năm học mới.
Nhưng rồi có một chuyện bất ngờ…
Đến ngày trường cấp 3 niêm yết danh sách thí sinh dự thi, bố tôi, vốn tính cẩn thận, giục con gái lên trường xem. Bố tôi, sinh năm 1897, là giáo viên tiểu học lão thành của Nam Định.
Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, học sinh, khai giảng
Bà Nguyễn Thị Vinh Quy. Ảnh: Nguyễn Văn Huy
Mấy người bạn thân kéo tôi vào văn phòng nhà trường hỏi xem sao và được giải thích là tôi không đủ tuổi vào học năm nay, về học lại lớp 7 hoặc chờ sang năm vào học. Cả lũ tròn xoe mắt ngạc nhiên: tôi sinh năm 1949, bằng tuổi các bạn, sao lại không đủ tuổi? Khi đọc danh sách thí sinh được tuyển thẳng, tôi  chẳng thấy tên mình đâu. Trống ngực đập mạnh, tôi vội vàng len sang phía danh sách thí sinh dự thi. Đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần mà vẫn chẳng thấy tên Nguyễn Thị Vinh Quy đâu cả. Tôi bắt đầu hoảng.
Thì ra hồi đó người ta tính tuổi cho học sinh thi vào cấp 3 theo ngày khai giảng năm học, tức là từ tháng 9 năm này đến tháng 9 năm sau. Tôi sinh đầu tháng 12, thiếu mất mấy tháng.
Và lá thư gửi Bộ trưởng Giáo dục
Bố tôi buồn lắm. Cụ đi khắp nơi trình bày, lên Ty Giáo dục Nam Định, đến trường cấp 3 Lê Hồng Phong, quay về trường cấp 2 Trần Đăng Ninh, hy vọng được xem xét chiếu cố vì tôi là con của một nhà giáo đã cống hiến cho ngành hơn 40 năm, và nhất là với học lực như thế mà phải lưu ban thì oan uổng quá. Nhưng đến đâu cũng chỉ một câu trả lời: “Đã là quy định rồi, không thay đổi được”.
Bố tôi vô cùng thất vọng, nhưng cụ không chịu bó tay. Cụ đọc cho tôi viết một bức thư để gửi tới Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Lời lẽ là của cụ, còn chữ viết là của tôi. Phần địa chỉ người gửi thì ghi đầy đủ, rõ ràng nhưng phần người nhận thì vẻn vẹn có mấy chữ:
Kính gửi: Ông Nguyễn Văn Huyên
Bộ trưởng Bộ Giáo dục
Hà Nội
Bố tôi bảo: “Chẳng biết thư có đến tay Bộ trưởng hay không với những dòng địa chỉ như thế (vì chúng tôi không được biết điều gì cụ thể hơn); vả lại nếu nhận được thư thì Bộ trưởng có giải quyết cái việc cỏn con của bố con mình không vì chắc ông còn bận trăm công nghìn việc”.
Chỉ mấy ngày sau, chúng tôi nhận được thư trả lời, góc trái phía trên của bì thư có đóng dấu của Văn phòng Bộ Giáo dục. Bóc thư ra, bố tôi thoáng thất vọng vì đó vẫn là lá thư mà bố con tôi gửi đi hôm trước.
Nhưng thật bất ngờ, bên lề của trang đầu lá thư có chữ viết tay của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và chữ ký của ông. Nội dung ngắn gọn: “Chuyển Văn phòng xem xét và giải quyết trường hợp này”. Bố tôi thốt lên: “Bộ trưởng thế mới là bộ trưởng”.
Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, học sinh, khai giảng
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên thăm trường Đại học Vinh năm 1959
Cũng chiều hôm đó tôi nhận được giấy báo thi. Chỉ còn một ngày nữa là thi. Mọi người lo cho tôi. Ngay cả tôi cũng vậy, vừa mừng lại vừa lo. Và tôi đã thi tốt: Toán 9,5; Văn 7 điểm.Tôi vội cầm lá thư lên trường và nhà trường cũng cho biết là Ty Giáo dục đã gửi công văn về nói đã nhận được ý kiến của Bộ trưởng, Ty chấp nhận trường hợp của tôi nhưng với điều kiện tôi phải dự thi chứ không được tuyển thẳng.
Mỗi lần có bạn bè thân đến chơi, nhất là những đồng nghiệp đã nghỉ hưu như mình, bố tôi lại kể: “Cháu Quy nhà tôi được vào trường Lê Hồng Phong rồi đấy. May nhờ ông Huyên chứ không thì lỡ dở hết cả chuyện học hành. Bộ trưởng thế mới là bộ trưởng”…
Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, giáo dục, học sinh, khai giảng
Bút tích cảm nhận của gia đình bà Nguyễn Thị Vinh Quy khi thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên.Ảnh: Nguyễn Văn Huy
Ghi theo lời kể của bà Nguyễn Thị Vinh QuyGia đình chúng tôi vẫn giữ mãi bức thư và chữ viết của Bộ trưởng trên đó. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng đối với tôi, đây là một kỷ niệm không bao giờ quên về một vị bộ trưởng đáng kính mà tôi chưa một lần được gặp mặt”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét