Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2015

20150717. TỔNG QUAN VỀ "NHÓM LỢI ÍCH"

ĐIỂM BÁO MẠNG
TỔNG QUAN VỀ "NHÓM LỢI ÍCH"
NGÔ THẾ BÍNH
 Đây là cụm từ được xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện truyền thông nước ta trong những năm gần đây, gắn liền với bài phát biểu TBT Nguyễn Phú Trọng tại phiên kết thúc Hội Nghị BCHTW 3 Khóa 11 10/10/2011.  Đã có nhiều bài viết liên quan đến cụm từ này (tham khảo trên danh mục các tài liệu kèm theo). Trong bài này, tôi muốn ghi lại một số thu hoạch.
Định nghĩa của “Nhóm lợi ích” - Nhóm lợi ích (NLI) là tập hợp những người có chung những lợi ích nhất định về kinh tế, chính trị, tôn giáo, văn hóa, giáo dục…trong một quốc gia.  Các lợi ích trên có thể đan xen, nhưng có vai trò chủ yếu, quyết định tính chung của nhóm là lợi ích về kinh tế.. [NTB]
Phân loại “nhóm lợi ích” . [NTB]-“Nhóm” luôn là kết quả của một sự phân loại, mà phân loại như thế nào phụ thuộc vào mục đích nghiên cứu. Mục đích chung của phân loại là chia tổng thể phức tạp nào đó ra các bộ phận nhỏ hơn căn cứ vào những đặc điểm nhất định (tiêu chí) nhằm thấy được cấu tạo, mối liên hệ giữa các bộ phận, giải thích được sự vận động của tổng thể.  Tiêu chí để phân loại NLI  thường dùng là:  lĩnh vực đời sống xã hội, thành phần kinh tế, nghề nghiệp, hình thức liên kết. (Xem sơ đồ)
Hiển thị 20150717_103146 copy.jpg
Theo lĩnh vực đời sống xã hội được chia ra: NLI kinh tế, NLI chính trị, NLI tôn giáo, NLI dân tộc…
Theo thành phần kinh tế được chia ra: NLI nông nghiệp, NLI công nghiệp, NLI thương mại dịch vụ, NLI ngân hàng, NLI của các thành phần kinh tế khác. (những thành viên của những NLI này chỉ bao gồm những người có địa vị đứng đầu, lãnh đạo các doanh nghiệp)
Theo nghề nghiệp được chia ra: quan chức trong hệ thống công quyền, viên chức trong hệ thống công quyền, sĩ quan quân đội, quân nhân thường, giáo chức, công nhân, nông dân, doanh nhân và nhân viên doanh nghiệp.v.v Đây là tiêu chí phân loại cho phép nhận dạng khá chính xác NLI .
Theo hình thức liên kết được chia ra: NLI có tổ chức và NLI không có tổ chức. NLI có tổ chức là những nhóm được liên kết thường xuyên các thành viên với nhau bởi một tổ chức nhất định như: đảng phái, đoàn thể, hiệp hội với những quy định riêng về tôn chỉ, mục đích, quyền và nghĩa vụ của các thành viên. NLI có tổ chức có thể hợp pháp hoặc bất hợp pháp.   NLI không có tổ chức là những nhóm không có sự liên kết thường xuyên, công khai các thành viên bởi một tổ chức nhất định như trên, mà là liên kết tạm thời, bí mật với mục đích tạo dựng và bảo vệ lợi ích của nhóm.
  Theo tác dụng  đến kinh tế xã hội được chia ra:NLI tốt và NLI xấu. NLI tốt là nhóm mà lợi ích của họ không mâu thuẫn và làm tổn hại đến lợi ich chung của quốc gia, Có sự liên kết các thành viên trong những tổ chức nhất định, hoạt động mưu cầu và bảo vệ lợi ích một cách công khai, minh bạch, hợp pháp. NLI xấu thì ngược lại.
 Với sự phân loại trên, một phần tử có thể có mặt trong vài loại NLI theo những tiêu chí phân loại khác nhau. Quy mô của các NLI cũng khác nhau. Qui mô của NLI nông dân ở VN là lớn nhất (chiếm 80% số dân). Có ý kiến cho rằng ĐCSVN cũng là một NLI (4 triệu đảng viên) và cũng có thể chia ra những NLI khác nhau [ 10],[14].
Sự liên hệ  giữa phân loại NLI và phân loại giai cấp [3], [15]
Phân loại giai cấp có sớm hơn trong kinh tế chính trị vói các nhà triết học- xã hội học  Max Weber (1864-1920); Karl Marx (1818-1883); V.I Lenin (1870-1924)…
Với quan niệm nghiên cứu giai cấp là chìa khóa giải thích sự vận động xã hội Marx cho rằng: Lịch sử loài người là một lịch sử của sự thay thế giai cấp cũ bằng giai cấp mới.
Marx còn cho rằng không có sẵn câu trả lời đơn giản cho vấn đề có bao nhiêu giai cấp được hiện diện trong xã hội; ngược lại, câu trả lời này phụ thuộc vào xã hội đó là gì và đang ở giai đoạn lịch sử nào. Bởi vậy, Marx xác định có 4 giai cấp trong xã hội La Mã cổ đại là quý tộc,hiệp sỹbình dân và nô lệ, và một số lượng giai cấp lớn hơn trong xã hội thời Trung cổ ở châu Âu. Marx cho rằng, trong xã hội tư bản chủ nghĩa chỉ có 2 giai cấp chính: tư sản và vô sản.
V.I Lenin  cho định nghĩa về giai cấp: "Giai cấp là những tập đoàn người to lớn khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, khác nhau về quan hệ của họ (thường thì những quan hệ này được pháp luật quy định và thừa nhận) đối với tư liệu sản xuất, về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội, và như vậy là khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phần của cải xã hội ít hoặc nhiều mà họ được hưởng. Giai cấp là những tập đoàn người mà tập đoàn này có thể chiếm đoạt lao động của tập đoàn khác do chỗ các tập đoàn có địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế - xã hội nhất định"
   Với định nghĩa của V.I Lenin, phân loại giai cấp bao gồm 5 tiêu chí:  địa vị  trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định; quan hệ đối với tư liệu sản xuất; vai trò  trong tổ chức lao động xã hội;  phương thức và quy mô trong thu nhập của cải xã hội.
   Như vậy, phân loại giai cấp  cũng giống phân nhóm lợi ich ở mục đich nghiên cứu giải thích sự vận động của xã hội, nhưng xuất phát từ những tiêu chí  có tính khái quát hơn. Có thể coi phân nhóm lợi ích là một cách khác, chi tiết hơn, có ích hơn của phân chia giai cấp, nhất là hiện nay khái niệm giai cấp và đấu tranh giai cấp có xu hướng mơ hồ [NTB].
   Nhận diện NLI xấu – Trong các nghiên cứu người ta mặc định nhóm lợi ích (lợi ích nhóm} theo nghĩa “xấu”, không theo những quy tắc phân loại đã được nêu trên.
  Theo [4]:  Nhóm lợi ích là tập hợp những người cùng mục đích, có chung lợi ích. Phương thức hoạt động chủ yếu của nó là tìm cách tác động lên chính quyền (nghị viện, chính phủ, các hội đồng địa phương) hoặc khai thác sự đa nghĩa trong một số điều khoản luật nhằm đạt được những lợi ích cho nhóm, tiêu biểu là những hoạt động vận động hành lang (lobby). Trong lịch sử hình thức hoạt động này đã tồn tại từ rất sớm khi các nước đều đánh giá cao vai trò quan trọng cả chính khách trong hoạt động ngoại giao giữa các nước cũng như những chính sách lớn trong phát triển đất nước.
  Theo [7]: Đặc điểm của các “nhóm lợi ích” là có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động, cùng phân chia lợi ích, giữa những người có nhiều tiền với những người có quyền lực trong nhà nước và trong đảng cầm quyền. Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội. Nhận thức sự quan trọng của thông tin, “nhóm lợi ích” còn móc nối, “kết nạp”, kết hợp với một số nhóm truyền thông không lành mạnh để tác động chi phối dư luận theo hướng có lợi cho “nhóm lợi ích” và xuyên tạc vu cáo những người, những doanh nghiệp không cùng nhóm để tranh quyền lực và lợi ích.
 Theo [8], hoạt động của NLI xấu có thể tóm tắt trong từ “CHẠY” và “5 Ệ “.
Những biểu hiện của lợi ích nhóm tiêu cực đã được xã hội tổng kết thành các hành vi “chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương”. Và dư luận xã hội đã tổng kết muốn có chức quyền, lợi ích phải có “tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ và cuối cùng mới là trí tuệ”
Nguồn: “Lợi ích nhóm, thực trạng và giải pháp”, NXB Chính Trị Quốc Gia, trang 64
- Trong trang Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng [12]- tập hợp nhiều bài báo có ý nghĩa thực tiễn về nhận diện NLI xấu trong giai đoạn 2011-2015
  Như vậy NLI xấu có thể bao gồm những phần tử thuộc loại khác nhau như đã phân loại ở trên nhưng chủ yếu là cán bộ có trọng trách trong bộ máy quyền lực (nhà nước và đảng cầm quyền) và doanh nhân, nhưng rất khó phát hiện. [NTB]
   Những tác hại của NLI xấu:
Tạo ra tham nhũng, tha hóa bộ máy quyền lực [7]
- Tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh tế, tổ chức nhân sự;
- NLI của công nhân và nông dân luôn luôn bị thiệt hại nhiều nhất (bị bóc lột nhiều nhất), phân hóa giàu nghèo nhanh chóng, sâu sắc. [ 16 ], [17]
- Tài nguyên quốc gia bị phân bổ lệch lạc; đầu tư công không hiệu quả, đất nước tụt hậu, văn hóa xuống cấp, niềm tin bị mất. [7]
-  Chủ quyền quốc gia có thể bị đe dọa vì NLI chính trị thoái hóa, bán rẻ lợi ích dân tộc cho ngoại bang;
  Nguyên nhân của hình thành các NLI xấu :
Sự hình thành các NLI bắt nguồn từ tính đa dạng trong nhu cầu (lợi ích) của con người, đã được nhà tâm lý học người Anh Abraham Maslow (1908-1970) mô tả dưới dạng tháp nhu cầu với 5 tầng [ 2 ]:
  • Tầng thứ nhất:Các nhu cầu về căn bản nhất thuộc "thể lý" (physiological) - thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, tình dục, bài tiết, thở, nghỉ ngơi.
  • Tầng thứ hai:Nhu cầu an toàn (safety) - cần có cảm giác yên tâm về an toàn thân thể, việc làm, gia đình, sức khỏe, tài sản được đảm bảo.
  • Tầng thứ ba:Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được trực thuộc (love/belonging) - muốn được trong một nhóm cộng đồng nào đó, muốn có gia đình yên ấm, bạn bè thân hữu tin cậy.
  • Tầng thứ tư:Nhu cầu được quý trọng, kính mến (esteem) - cần có cảm giác được tôn trọng, kinh mến, được tin tưởng.
  • Tẩng thứ năm:Nhu cầu về tự thể hiện bản thân (self-actualization) - muốn sáng tạo, được thể hiện khả năng, thể hiện bản thân, trình diễn mình, có được và được công nhận là thành đạt.
Nói cách khác : lợi ích vừa là mục tiêu vừa là động lực thỏa mãn những nhu cầu đa dạng của con ngưởi, với những tầng nấc khác nhau, hàm lượng khác nhau tùy người, tùy nhóm người. Chỉ có người chết mới không có nhu cầu, không có lợi ích. Tuy nhiên lợi ích không có sẵn, con người phải lao động, phải liên kết với nhau để mưu cầu, cạnh tranh và bảo vệ lợi ích. Các nhóm lợi ích hình thành là một tất yếu lâu đời trong lịch sử mọi quốc gia. Tuy nhiên các NLI xấu được hình thành và phát triển chỉ trong những điều kiện:Thể chế xã hội không dân chủ, cơ chế kiểm soát quyền lực không được thiết lập hữu hiệu. [NTB]
Giải pháp chống NLI xấu
- Theo [ 7]: “Chống “lợi ích nhóm” là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, vì không rõ “chiến tuyến”, thường ở trong trạng thái lẫn lộn trắng đen, trong nó có ta và trong ta có nó, vừa là ta lại vừa là nó. Ngoài việc cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc tình hình và nguy cơ, cần thảo luận rộng rãi trong Đảng và trên công luận. Đảng và cả hệ thống chính trị phải kiên quyết đấu tranh chống “lợi ích nhóm”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, hết sức hệ trọng và cấp bách; tập thể lãnh đạo từ cấp cao nhất cần có quyết tâm chính trị và thật sự gương mẫu trong việc đấu tranh chống “lợi ích nhóm”, sử dụng tất cả các biện pháp có thể; khẩn trương nghiên cứu ban hành bổ sung, điều chỉnh các cơ chế kiểm soát quyền lực (bằng quyền lực nhà nước, quyền lực của nhân dân và công luận); cơ chế thực thi dân chủ rộng rãi, minh bạch thông tin và quy định rõ trách nhiệm giải trình, điều trần; tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho báo chí vào cuộc, cho nhân dân thực hiện quyền tham chính; đổi mới căn bản công tác cán bộ, thực hiện tranh cử trước nhân dân đối với các chức danh bầu cử và thi tuyển công khai đối với các chức vụ quản lý, đồng thời thực hiện cơ chế giám sát hoạt động, kết quả công việc, thi hành việc bãi miễn và thay đổi vị trí công tác của cán bộ khi xét thấy không có lợi cho cuộc đấu tranh chống “lợi ích nhóm”.
- Theo [5]: “ Con người có “tháp nhu cầu”, từ nhu cầu cơ bản trong đời sống hằng ngày đến nhu cầu bậc cao về địa vị xã hội. Chúng ta phải nhìn nhận sự tồn tại khách quan và sự vận động tất yếu của các nhóm lợi ích, đặc biệt trong cơ chế thị trường và xã hội hiện đại.
Trên cơ sở đó, một mặt đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; mặt khác xây dựng hành lang pháp lý về các nhóm lợi ích và hoạt động của các nhóm lợi ích theo những giá trị chuẩn chung, có sự điều chỉnh của luật pháp và đặc biệt là sự giám sát của xã hội.
Chúng tôi cho rằng xây dựng cơ chế giám sát của nhân dân đối với quyền lực nhà nước là một trong những giải pháp quan trọng nhất để khắc phục “lợi ích nhóm” ở nước ta hiện nay.
Đi vào cụ thể thì có nhiều cơ chế như thông qua bầu cử, thông qua cơ chế bãi miễn của nhân dân, bảo đảm các quyền tự do của công dân đã được quy định trong Hiến pháp...
Nghiên cứu cơ chế và luật pháp về “vận động hành lang” ở các nước để từng bước áp dụng các chính sách phù hợp trong điều kiện nước ta.”
- NTB: Xã hội luôn luôn tồn tại các NLI. Chúng ta chỉ chống các NLI xấu chứ không chống các NLI nói chung. Ngoài các giải pháp đã được trình bày bởi [5], [7] cần nhấn mạnh: những giá trị chung làm cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động của các NLI không thể tùy tiện giải thích, tùy tiện áp đặt bởi một NLI. Trong điều kiện nước ta cần sớm “tam quyền phân lập” và những quyết sách quan trọng liên quan đến lợi ích đại đa số người dân cần phải thông qua trưng câu dân ý một cách thực sự, không phải hình thức, giả dối.

Tài liệu tham khảo

1- Nhóm lợi ích – Wikipedia tiếng Việt
2. Tháp nhu cầu của Maslow – Wikipedia tiếng Việt
3. Giai cấp – Wikipedia tiếng Việt
4-Khái niệm lợi ích nhóm, nhóm lợi ích và các lợi ... (Khoa Triết ĐH tp HCM 2/12/2014)- Nguyễn Hữu Đễ
5-Lợi ích nhóm có nguy cơ lan rộng – (Tuổi Trẻ Online 1/6/2014)- p/v PGS. TS Nguyễn Quốc Lý- Học viện CTQGHCM
6-NGHIÊN CỨU Lợi ích nhóm và vấn đề nhóm lợi ích ở Việt ... (tapchi vnu.edu.vn  16/01/2015)
7-“Lợi ích nhóm” và “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” - cảnh báo nguy cơ (TCCS 2-6-15) – GS Vũ Ngọc Hoàng
8-Nhận diện và ngăn chặn lợi ích nhóm - Kỳ 1: Đáng báo ... (TT 2/6/2015)
9- MẠN ĐÀM VỚI ÔNG PHÓ BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG (BVN 13/6/2015)- Tô Văn Tường
10- Thời cơ ly khai với “nhóm lợi ích” (BVN 14/6/2015)- Ths Nguyễn Tiến Trung
11-Cảm nghĩ về bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng (BVN 16/6/2015)- Nguyễn Đình Cống
12-Nhóm Lợi ích | Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng:
  1.  Lợi ích nhóm làm đất nước tụt hậu, văn hóa xuống cấp, niềm tin bị mất(MTG 7-7-15) -- P/v Vũ Ngọc Hoàng
  2. Trao đổi thêm với ông Vũ Ngọc Hoàng –(BVN 11/7/2015)- Nguyễn Đình Cống
  3. Mác và Ph. Ăng-ghen:Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 28, tr. 661 - 662
  4. Bi kịch thu hồi đất ở Việt Nam(BVN 16/5/2015)- LS Lê Ngọc TraI
  5. Những đền đài xây bằng nước mắt(BVN 16/7/2015)- Tuấn Khanh

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét