Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

20150711. BÀI NÓI CHUYỆN CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TẠI CSIS

ĐIỂM BÁO MẠNG
TOÀN VĂN BÀI NÓI CHUYỆN CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TẠI CSIS
Theo TTXVN / BVB 9/7/2015
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, chiều 8/7 giờ Mỹ (sáng 9/7 giờ ViệtNam), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ở thủ đô Washington. 
Sau đây là Toàn văn bài nói chuyện:
“Xin chào tất cả các quý vị và các bạn,
Nhân dịp sang thăm chính thức Hoa Kỳ, hôm nay, tôi rất vui mừng được gặp gỡ các quý vị tại đây. Tôi chân thành cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đã mời tôi đến trao đổi với các quý vị. Tôi được biết, Trung tâm là cơ quan nghiên cứu và trao đổi học thuật hàng đầu của Hoa Kỳ, có vai trò quan trọng trong việc tăng cường trao đổi học thuật và đối thoại giữa chính giới, học giả, nhân dân các nước về các vấn đề quan trọng và thiết thực liên quan đến an ninh, hòa bình và phát triển trên thế giới. Xin chúc mừng Trung tâm về những thành tựu đã đạt được và xin cảm ơn sự có mặt của tất cả các quý vị.
Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của tôi và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đây chính là thời điểm thích hợp và có ý nghĩa để đánh giá, nhìn nhận về quan hệ hai nước và chia sẻ tầm nhìn "hướng tới tương lai".
  1. Trước hết, tôi xin nhắc lại đôi điều về lịch sử quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ
Có những sự kiện về lịch sử quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ chưa được biết đến một cách rộng rãi. Ngài Thomas Jefferson trước khi trở thành Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ đã từng nỗ lực tìm cách nhập giống lúa tốt của Việt Nam để trồng ở trang trại Shadwell của mình tại bangVirginia. Cách đây hơn 100 năm, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong khi tìm con đường để giải phóng cho dân tộc Việt Nam đã đến Boston - nơi khởi đầu của cuộc cách mạng giành độc lập ở Hoa Kỳ. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng là đồng minh trên mặt trận chống phátxít; Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã cứu giúp những phi công Hoa Kỳ bị Nhật bắn rơi ở Việt Nam và những người nước ngoài duy nhất có mặt bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày Cách mạng Tháng Tám là những người bạn Hoa Kỳ.
Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới năm 1945 được mở đầu bằng trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Một trong những quốc gia đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị chính là Hoa Kỳ; Người đã gửi 14 lá thư cho lãnh đạo Hoa Kỳ, trong đó có Tổng thống Truman, đề nghị thiết lập quan hệ "hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ." Tuy nhiên, thật đáng tiếc là có những cơ hội lịch sử đã bị bỏ lỡ và chúng ta đã phải trải qua một giai đoạn đầy thăng trầm và đau thương cho đến khi bình thường hóa quan hệ năm 1995.
Ngày nay, tại Hoa Kỳ vẫn còn những ý kiến khác nhau về chiến tranh mà Hoa Kỳ đã tiến hành tại Việt Nam trong thế kỷ 20. Đối với nhân dân Việt Nam, đó là cuộc kháng chiến để giành độc lập, tự do cho dân tộc mình, giải phóng, thống nhất đất nước mình; không phải là cuộc chiến tranh nhằm chống lại Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ, càng không phải để chống nhân dân Hoa Kỳ.
Ngay trong thời kỳ chiến tranh đang diễn ra, nhân dân Việt Nam vẫn giữ tình hữu nghị với nhân dân Hoa Kỳ, rất biết ơn nhiều người dân Hoa Kỳ đã đứng lên phản đối chiến tranh, bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam, Trong đó, mục sư Martin Luther King là một trong những người tiêu biểu.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam chủ trương "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai." Mặc dù còn chịu hậu quả rất nặng nề của chiến tranh, trong đó có 3 triệu người chết; 4 triệu người bị thương; 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin và hàng trăm nghìn người đang mất tích trên chính quê hương mình, nhưng Chính phủ và người dân Việt Nam đã rất tích cực hợp tác và hợp tác rất hiệu quả với phía Hoa Kỳ để tìm kiếm những quân nhân Hoa Kỳ mất tích ở Việt Nam.
Ngày nay, mọi công dân Hoa Kỳ, kể cả các cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam, khi đến Việt Nam đều được chào đón một cách thân thiện, đều có thể cảm nhận được thái độ hữu nghị, chân thành của người dân Việt Nam. Điều đó có thể không dễ hiểu đối với một số người, nhưng lại là sự thật mà tất cả những ai đã từng đến Việt Nam đều có thể tận mắt chứng kiến.
Tôi nhắc lại những câu chuyện lịch sử này để khẳng định truyền thống hòa hiếu và mong muốn nhất quán của nhân dân Việt Nam về quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước chúng ta.
  1. Về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ những năm qua
Cách đây 20 năm, có lẽ ít ai hình dung được bằng cách nào mà hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ có thể vượt qua được nỗi đau của chiến tranh để xây dựng một mối quan hệ phát triển mạnh mẽ và tích cực như hiện nay. Trong suốt chặng đường 20 năm qua, quan hệ giữa hai nước đã phát triển năng động, liên tục và ngày càng sâu rộng, trải qua nhiều dấu mốc phát triển quan trọng, từ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, đến ký kết Hiệp định Thương mại song phương năm 2000, và thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013.
Quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực đã đạt được những tiến triển tích cực và thực chất. Hợp tác kinh tế có sự phát triển vượt bậc và Hoa Kỳ ngày nay là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo đã có những bước tiến rất tích cực. Hiện nay, có hơn 16.500 sinh viên Việt Nam đang du học tại Hoa Kỳ. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 20 năm qua tăng gấp 90 lần (từ hơn 400 triệu USD năm 1995 lên hơn 36 tỷ USD năm 2014).
Hợp tác quốc phòng-an ninh cũng có những tiến triển quan trọng với Bản Ghi nhớ về hợp tác quốc phòng ký năm 2011 và đặc biệt là Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ về quan hệ quốc phòng vừa được ký kết tại Hà Nội tháng 6/2015. Hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã phối hợp tốt trên nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, từ không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đến bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an toàn an ninh hàng hải, an ninh hạt nhân, duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác ở châu Á-Thái Bình Dương…
Hợp tác nhân đạo giữa hai nước, trong đó có việc khắc phục hậu quả chiến tranh, đã và đang được triển khai ngày càng tích cực. Việt Nam coi việc tìm kiếm binh sỹ Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam là vấn đề nhân đạo và sẽ tiếp tục hợp tác tốt với Hoa Kỳ trong hoạt động này. Quan hệ giao lưu nhân dân phát triển ngày càng sâu rộng, là yếu tố quan trọng góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau và hữu nghị giữa hai nước.
Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển tích cực trong 20 năm qua trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đó là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau và hợp tác cùng có lợi. Những năm qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã từng bước đạt được nhận thức chung về những nguyên tắc này. Đây cũng chính là một nhân tố quan trọng cho việc xây dựng lòng tin chính trị giữa hai nước.
Có thể khẳng định rằng, sự phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong 20 năm qua là tích cực, đúng hướng, đem lại lợi ích thiết thực cho hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Đó là kết quả nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân hai nước với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Đó cũng là thí dụ thành công về quan hệ giữa các nước từng đối đầu trong quá khứ, có thể chế chính trị khác nhau, phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác của thời đại.
Nhân dịp này, tôi muốn cảm ơn các chính khách, tổ chức và cá nhân của cả hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã nhiệt tình ủng hộ và nỗ lực đóng góp thiết thực để thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong những thập niên qua; đặc biệt cảm ơn những người bạn Hoa Kỳ đã tích cực giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, đoàn kết, ủng hộ sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Các kết quả và bài học kinh nghiệm trong 20 năm qua cho phép chúng ta lạc quan về triển vọng sáng sủa của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian tới.
  1. Tình hình thế giới và chủ trương đối ngoại của Việt Nam
Thế giới đang chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và sâu sắc, đòi hỏi chúng ta phải có những tư duy mới và phương thức hành động mới. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, các xu thế hợp tác và phát triển, toàn cầu hóa, dân chủ hóa đang mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển và hợp tác giữa các quốc gia.
Các cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế, khủng hoảng xã hội-nhân văn đang đặt ra những yêu cầu mới về mô hình phát triển công bằng và bền vững, về quan hệ hợp tác kinh tế giữa các quốc gia và trật tự kinh tế quốc tế. Những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ nghĩa khủng bố, cực đoan, tôn giáo, an ninh mạng, an ninh hàng không, an toàn hàng hải... nổi lên với những đặc điểm mới, tác động mạnh tới hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới, đòi hỏi phải có tư duy và cách tiếp cận mới đối với vấn đề an ninh.
Các vấn đề khủng hoảng môi trường-sinh thái, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp đang đặt ra những yêu cầu mới về phương thức sản xuất và sinh hoạt của con người, về xử lý mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Trong một thế giới toàn cầu hóa, sự tuỳ thuộc giữa các quốc gia ngày càng tăng cả về phát triển và an ninh thì luật pháp quốc tế, sự tôn trọng lẫn nhau và hợp tác giữa các quốc gia càng cần được đề cao hơn bao giờ hết.
Châu Á-Thái Bình Dương - khu vực tăng trưởng năng động nhất thế giới, vừa có đầy đủ các đặc điểm chung của thế giới, vừa có những đặc điểm riêng của khu vực. Trong khi quá trình hợp tác, liên kết kinh tế đang được thúc đẩy nhanh chóng, mạnh mẽ với nhiều sáng kiến kết nối trong và với ngoài khu vực, thì những thách thức đối với hòa bình, an ninh và ổn định đang đặt ra ngày càng gay gắt, nhất là do sự gia tăng căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền trên biển.
Trong khi sự tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các nước ngày càng gia tăng thì ở khu vực vẫn chưa có được các thỏa thuận, cơ chế hoặc cấu trúc an ninh tập thể hữu hiệu để đối phó với các nguy cơ, thách thức đang nổi lên, đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo cực đoan, chủ nghĩa đơn phương đang có xu hướng trỗi dậy.
Tình hình đó đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực hợp tác của tất cả các nước, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ, vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Về kinh tế, chúng tôi ủng hộ các mô hình hợp tác vì phát triển công bằng và bền vững, cùng có lợi giữa các quốc gia; ủng hộ các sáng kiến thúc đẩy thương mại và đầu tư đem lại lợi ích công bằng cho tất cả các bên, nhất là cho người lao động ở tất cả các nước. Chúng tôi cho rằng, phương thức hợp tác tốt nhất là trên nguyên tắc bổ sung, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các quốc gia.
Về chính trị-an ninh, chúng tôi ủng hộ quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng giữa các quốc gia trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Chúng tôi ủng hộ việc hình thành các thỏa thuận, các cơ chế hợp tác kinh tế và an ninh giữa các nước trong khu vực và trên thế giới phù hợp với các nguyên tắc trên.
Chúng tôi ủng hộ một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển thịnh vượng, được kết nối bằng các liên kết kinh tế và các quan hệ hợp tác kinh tế cùng có lợi trong và ngoài khu vực, có các thỏa thuận và cơ chế bảo đảm an ninh chung, an toàn và tự do hàng hải, hàng không..., trong đó việc phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc an ninh-chính trị đang hình thành ở châu Á-Thái Bình Dương là phù hợp và có lợi cho hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới. Chúng tôi cho rằng châu Á-Thái Bình Dương có đủ cơ hội cho tất cả các nước trong và ngoài khu vực, trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và các nước EU.
Trên tinh thần đó, Việt Nam chủ trương tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Việt Nam đã mở rộng quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước trên thế giới, hình thành quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược với các nước đối tác quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, Việt Nam đã tham gia và đang tích cực đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có TPP, một hiệp định có quy mô rất lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
  1. Về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian tới
* Hai nước chúng ta đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Đó là tiền đề rất quan trọng cho việc phát triển quan hệ giữa hai nước trong những năm tới.
Trước mắt, chúng ta phải cùng nỗ lực không ngừng làm sâu sắc, phong phú thêm quan hệ Đối tác toàn diện tạo cơ sở nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới trong tương lai. Động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ theo định hướng đó là những lợi ích chung mà hai nước chúng ta cùng chia sẻ, theo tôi, đó là:
- Thứ nhất, chúng ta có lợi ích chung trong tăng cường hợp tác song phương một cách toàn diện vì sự phát triển và phồn vinh của mỗi nước, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước;
- Thứ hai, chúng ta có lợi ích chung trong thúc đẩy hợp tác ở khu vực để góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế;
- Thứ ba, chúng ta cũng có lợi ích chung trong hợp tác, phối hợp các nỗ lực để đóng góp cho các vấn đề chung của thế giới với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Một nước Việt Nam giàu mạnh, ổn định, độc lập tự chủ, hội nhập và đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng quốc tế là phù hợp với lợi ích của hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, là phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ và các nước trong và ngoài khu vực.
* Trong thời gian tới, chúng ta có rất nhiều việc cần làm để đưa quan hệ song phương không ngừng tiến lên phía trước:
- Trước hết, việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng và củng cố sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo, chính giới và nhân dân hai nước là hết sức quan trọng để đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển ngày càng sâu rộng, bền vững.
Nhằm mục đích đó, chúng ta cần tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao, giữa các kênh nghị viện, giữa các chính đảng, mở rộng các cơ chế tham vấn, đối thoại trên các lĩnh vực cùng quan tâm. Đó cũng chính là một trong những mục đích của chuyến thăm Hoa Kỳ lần này của tôi và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Chúng tôi cũng mong sớm được đón Tổng thống Barack Obama sang thăm chính thức Việt Nam trong thời gian tới.
- Hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư là một trọng tâm, là nền tảng và là động lực phát triển quan hệ song phương, cần được đẩy mạnh hơn nữa. Đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam cho đến nay còn khá khiêm tốn, mới đứng thứ bảy trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư ở ViệtNam.
- Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vẫn áp dụng nhiều rào cản thương mại đối với Việt Nam. Tôi hy vọng việc hoàn tất đàm phán TPP sắp tới sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thương mại giữa hai nước, giữa Hoa Kỳ và ASEAN bởi lẽ hàng hóa Hoa Kỳ vào thị trường Việt Nam 90 triệu dân, được kết nối với thị trường ASEAN hơn 600 triệu dân. Việc Hoa Kỳ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam là bước đi cần thiết cho cả hai bên theo hướng đó.
- Hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, môi trường... là điểm sáng và là lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng trong quan hệ hai nước. Đây cũng là những lĩnh vực liên quan đến chất lượng của phát triển bền vững của Việt Nam và Hoa Kỳ với nhiều thế mạnh có thể chia sẻ.
Trong chuyến thăm lần này, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trao giấy phép chính thức để xây dựng trường Đại học Fulbright tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi cũng khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân Hoa Kỳ tăng cường đầu tư và hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực nói trên.
- Hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng-an ninh là yếu tố làm gia tăng sự tin cậy và giá trị chiến lược của quan hệ song phương, cần được tăng cường với các bước đi phù hợp với lợi ích của hai nước.
Hai bên cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Bản Ghi nhớ về hợp tác quốc phòng ký năm 2011 và đặc biệt là Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ về quan hệ quốc phòng vừa được ký kết tại Hà Nội tháng Sáu vừa qua; đồng thời mở rộng hợp tác về thực thi pháp luật, chống khủng bố, bảo đảm an toàn an ninh hàng hải,... qua đó góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở châu Á-Thái Bình Dương...
- Hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo cần tiếp tục được đẩy mạnh để góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lòng tin, tăng cường hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hậu quả chiến tranh ở Việt Nam còn hết sức nặng nề. Nhiều thế hệ người dân Việt Nam vẫn đang phải tiếp tục vật lộn với những hậu quả chiến tranh khắc nghiệt.
Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có các cựu chiến binh Hoa Kỳ, đã triển khai nhiều hoạt động rất thiết thực để hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh; Quốc hội Hoa Kỳ hàng năm đã thông qua ngân sách hỗ trợ giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại, trong đó có việc tẩy độc các vùng bị ô nhiễm, rà phá bom mìn...
Tuy nhiên, kết quả vẫn còn khiêm tốn so với yêu cầu thực tế. Để làm tốt chủ trương gác lại quá khứ, chúng ta nên chung tay hàn gắn những vết thương chiến tranh. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, tác động mạnh đến tâm tư, tình cảm của nhân dân, vì vậy việc hai bên phối hợp giải quyết tốt sẽ là góp phần quan trọng tăng cường quan hệ giữa hai nước.
- Giao lưu nhân dân là lĩnh vực rất quan trọng để tăng cường hơn nữa hiểu biết lẫn nhau và hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Việt Nam và Hoa Kỳ chia sẻ một lịch sử quan hệ không dễ dàng. Tôi được biết nhiều định kiến về Việt Nam tại Hoa Kỳ còn khá phổ biến. Nhưng tôi cũng biết một thực tế khác là hầu hết người Hoa Kỳ sau khi đến Việt Nam đều có cách nhìn tích cực và khách quan hơn về Việt Nam, đều có ấn tượng sâu sắc về một xã hội năng động, không kỳ thị, giàu tính nhân văn, về người dân thân thiện, lạc quan, cởi mở.
Trong 20 năm qua, chúng ta đã hiểu thêm về nhau nhưng sự hiểu biết lẫn nhau đầy đủ hơn vẫn cần được tăng cường. Đây là điều hết sức cần thiết để xây dựng lòng tin và quan hệ hữu nghị. Tôi mong rằng, chúng ta sẽ đẩy mạnh tiếp xúc, giao lưu trên tất cả các kênh, nhất là giữa các tổ chức phi chính phủ và nhân dân hai nước.
Đặc biệt, còn có một nhân tố hết sức quan trọng đối với quan hệ hai nước là cộng đồng đông đảo người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Họ là công dân Hoa Kỳ và cũng là đồng bào của chúng tôi.
Tôi mong chính quyền Hoa Kỳ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống, công việc và học tập của người Việt Nam tại Hoa Kỳ, tạo điều kiện để họ hội nhập tốt và đóng góp tích cực cho sự phát triển của Hoa Kỳ và cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
- Vấn đề nhân quyền là vấn đề mà chính giới và dư luận Hoa Kỳ rất quan tâm, cũng là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước. Tôi khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề quyền con người.
Đất nước chúng tôi tuy còn không ít vấn đề cần tiếp tục phải giải quyết, trong đó có vấn đề quyền con người, nhưng chúng tôi đang nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Tôi hiểu trong vấn đề này, hai bên còn có những khác biệt về nhận thức và cần tiếp tục thông qua đối thoại thẳng thắn, xây dựng để có cách nhìn tổng thể về những thay đổi cơ bản mang tính hệ thống, từ đó có đánh giá khách quan hơn về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, không để vấn đề này cản trở đà tiến triển tốt đẹp của quan hệ, cũng như ảnh hưởng tới việc xây dựng lòng tin giữa hai nước.
- Hợp tác trên các vấn đề khu vực và quốc tế là lĩnh vực ngày càng quan trọng trong quan hệ hai nước. Việt Nam sẵn sàng tăng cường phối hợp với Hoa Kỳ trong các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề chống khủng bố, an ninh mạng, đối phó với dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã và đang cùng với các nước thành viên ASEAN khác tích cực phối hợp với Hoa Kỳ xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ thành mối quan hệ có tác dụng ngày càng tích cực đối với hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, đảm bảo hiệu quả của các diễn đàn ARF, ADMM+ và làm cho APEC đóng vai trò quan trọng thực chất hơn trong các dàn xếp về kinh tế và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) trở thành cơ chế hợp tác hữu hiệu đối với các vấn đề chiến lược và chính trị ở khu vực.
Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ Hoa Kỳ ngày càng quan tâm đến tình hình Biển Đông, bày tỏ kịp thời và nhất quán quan điểm ủng hộ việc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, không đơn phương thay đổi nguyên trạng, quân sự hóa hoặc áp đặt kiểm soát trên biển, trên không, ở Biển Đông.
Việt Nam hoan nghênh các nước, trong đó có Hoa Kỳ, đóng vai trò tích cực và có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thúc đẩy hợp tác phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thưa quý vị và các bạn,
Những bài học kinh nghiệm của lịch sử và những kết quả thực tế trong 20 năm qua cho thấy rất rõ rằng hữu nghị và hợp tác là hướng đi duy nhất đúng của quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ, là có lợi cho hai nước, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, của khu vực và thế giới.
Những khác biệt giữa hai nước là thực tế khách quan và là tất yếu trong một thế giới đa dạng mà trong đó các dân tộc có quyền tìm kiếm, lựa chọn con đường phát triển của riêng mình. Nhưng thực tế trong 20 năm cũng cho thấy, hai nước chúng ta có thể chia sẻ nhiều lợi ích tương đồng, và những khác biệt không thể là trở ngại cho việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ.
Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng hiện nay, lợi ích tương đồng giữa hai nước càng được mở rộng, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian tới cần hướng tới mục tiêu phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả, hướng tới tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước và góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Bài học kinh nghiệm và những thành tựu đã đạt được trong 20 năm qua cho phép chúng ta tin tưởng và lạc quan vào điều đó.
Tôi muốn nhắc đến một câu nói của Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt "Khi tin là có thể, thì bạn đã đạt được một nửa thành công". Tôi tin tưởng rằng, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một tầm nhìn tươi sáng cho quan hệ hai nước trong tương lai, để hai dân tộc chúng ta, con cháu chúng ta luôn là bạn và đối tác tốt của nhau.
Xin cảm ơn các quý vị và các bạn”.
(Theo TTXVN)

TẤM LÒNG CỦA BÁC TRỌNG

Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ tuan's blog 10/7/2015
Phải nói một cách khách quan là chuyến Mĩ du của bác Trọng lần này “êm thuyền xuôi mái” hơn các vị trước như các bác Triết, Khải, Phiêu, Nghị. Bác Trọng không vấp phải những “sự cố” linh tinh như các bác ấy. Những phát biểu của bác Trọng trong Oval Office và các cuộc gặp mặt khác, dù chỉ là ngôn ngữ ngoại giao, làm cho nhiều người có lí do để hi vọng. Tuy nhiên, hôm nay xem qua bài diễn văn bác Trọng đọc trước CSIS (1) về người Việt trên đất Mĩ làm tôi rất … tâm tư.




Nói về cộng đồng người Việt ở Mĩ, bác Trọng nhắn nhủ chính quyền Mĩ là nên lo lắng cho “thần dân” Việt của bác ấy. Bác nói: “Tôi mong chính quyền Hoa Kỳ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống, công việc và học tập của người Việt Nam tại Hoa Kỳ, tạo điều kiện để họ hội nhập tốt và đóng góp tích cực cho sự phát triển của Hoa Kỳ và cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.”

Câu này nghe quen quen. Thật vậy, bác Trọng không phải là người lãnh đạo VN nói câu này lần đầu; trước bác đã có các vị khác cũng nói tương tự khi đi công cán bên Âu châu và Úc châu. Điều này chứng tỏ rằng cái câu văn đó là sản phẩm của một người nào đó chuyên soạn diễn văn cho các bác lãnh đạo. Người đó chỉ việc cắt và dán câu văn kinh điển đó cho bất cứ ai đi thăm chính thức một nước có đông người Việt cư ngụ. Nói cách khác, nó không chỉ là câu văn sáo ngữ (rhetoric), mà còn là một câu văn vô hồn (mới có chuyện cắt và dán), chứ nó không thể hiện cái tâm thật của người viết, càng chưa chắc phản ảnh cái suy nghĩ thật của người nói.

Nhưng công bằng mà nói, tôi nghĩ với sự hiện diện của gần 2 triệu người Việt trên nước Mĩ, bác Trọng cảm thấy cần thiết nói một câu gì đó. Một câu để chứng tỏ cho người Mĩ thấy là bác cũng là một người lãnh đạo đang hội nhập thế giới văn minh, cái thế giới thân thiện và quan tâm đến sự an sinh và lợi ích của con người (chứ không dùng con người như là một công cụ chiến tranh). Tôi nghĩ câu phát ngôn của bác Trọng ra đời trong bối cảnh đó.

Sẽ chẳng có gì đáng bàn câu nói kinh điển đó, nếu 40 năm trước đa số người Việt định cư ở Mĩ ra đi một cách êm thắm và trật tự, và còn giữ tình cảm đẹp với nhà cầm quyền. Nhưng trong thực tế, chúng ta biết rằng đại đa số người Việt định cư ở Mĩ đã ra đi trong tình cảnh đau đớn, đau khổ, cay đắng, và đầy nước mắt. Họ mất cha, mất chồng, mất người thân, mất nhà cửa, mất tài sản, có khi mất tất cả. Họ ra đi trong bối cảnh “vĩnh biệt” quê hương. Thử nghe một ca khúc nổi tiếng thời thập niên 1980 thì biết:

Sài Gòn ơi, ta có ngờ đâu rằng

Một lần đi là một lần vĩnh biệt

Một lần đi là mất lối quay về

Một lần đi là mãi mãi thương đau. 
Sài Gòn ơi, ta có ngờ đâu rằng
Một ngày qua là một ngày li biệt
Một ngày qua là ta mất nhau rồi
Một ngày qua là muôn kiếp chia phôi.

Rồi họ sống sót. Một thời gian sau, bằng đôi tay cùng ý chí tự lực cánh sinh cũng như sự bao dung của cộng đồng người Mĩ, người Việt cũng ổn định cuộc sống, lập ra những khu phố phồn thịnh như ngày nay. Người Việt ở Mĩ ngày nay đã ổn định, và đóng góp nhiều tỉ USD cho bên nhà. Đó là số tiền có thể xem là “viện trợ không hoàn lại” lớn nhất so với các nước khác tài trợ. Thật vậy, chưa có một nước nào trên thế giới đã và đang "viện trợ" bền bỉ cho VN mỗi năm hơn 15 tỉ USD như người Việt ở nước ngoài.

Trong thời gian 40 năm qua, người Việt ở Mĩ và khắp nơi trên thế giới đã định cư và phát triển hoàn toàn chẳng có dính dáng gì với chính quyền trong nước, chứ nói gì đến “giúp đỡ” của chính quyền hiện hành. Đó là chưa kể đến lúc người Việt bỏ nước ra đi, vị thủ tướng thời đó là Phạm Văn Đồng đã phỉ báng rằng họ là thành phần ma cô, đĩ điếm. Trớ trêu thay, ngày nay bác Trọng, người trong hệ thống chính quyền đó, lại nhắn nhủ chính quyền Mĩ là nên chăm sóc cộng đồng người Việt ở Mĩ! Thật không có gì trớ trêu hơn, nếu không muốn nói là … trơ trẽn.

Tôi tưởng tượng rằng sáng nay, mấy bác HO và tị nạn ở Quận Cam đang nhâm nhi cà phê và bàn râm ran câu phát ngôn của bác Trọng. Có lẽ họ xem đó là một câu tiếu lâm hiện đại. Đối với những người đã về VN làm việc hay kinh doanh hay nghỉ hưu, có lẽ câu đó nên là câu của ông Obama: “Tôi mong chính quyền Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các người Mĩ gốc Việt có một cuộc sống an bình, làm việc và kinh doanh, để họ đóng góp tích cực cho sự mối bang giao giữa Hoa Kì và Việt Nam.” Dĩ nhiên, tôi chỉ nói đùa, chứ ông Obama đâu có nói theo kiểu… hối lộ như thế.

Thật ra, tôi nghĩ câu nhắn nhủ đó không cần thiết. Thứ nhất, đó là một câu phát biểu mang tính nhờ vả, hối lộ. Nó cũng giống như cách nói gửi gắm: này, chúng nó là thần dân của tôi đấy nhé, các anh nhớ quan tâm chăm sóc chúng nó dùm tôi. Nó cũng giống như quan lớn gửi gắm con cháu cho một cơ quan khác dưới quyền. Thành ra, đó cũng là cách nói của một kẻ có quyền cao chức trọng nói với kẻ có quyền thế thấp hơn, và như thế là trịch thượng. Thứ hai là nó không thích hợp, bởi vì ở Mĩ, nơi các thiết chế pháp lí khá hoàn chỉnh, nơi mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nơi có chế độ an sinh đàng hoàng, thì chuyện gửi gắm chỉ làm cho người Mĩ khó chịu, nếu không muốn nói là mỉm cười. Mang cái tư duy Việt Nam (gửi gắm) sang một xã hội văn minh rất ư là không thích hợp, và hành động đó nói lên rằng thời gian hội nhập hình như chưa đủ. Và, sau cùng là câu nói đó chỉ làm cho người Việt ở nước ngoài nhìn bác Trọng một cách tội nghiệp, vì bác ấy bị mấy người viết diễn văn làm người khác nhìn bác ấy như chẳng biết gì về quá khứ và lịch sử của cộng đồng người Việt ở Mĩ.

Lần sau, tôi đề nghị các vị lãnh đạo đi công cán ở nước ngoài, và nếu họ muốn nói câu gì đó đến người Việt ở địa phương, họ nên tự mình viết ra. Không nên để cho những người soạn diễn văn chuyên nghiệp chấp bút, vì họ chỉ là những cái máy viết, mà cái máy thì nó vô hồn, vô cảm, và không hay.

Tôi thử tưởng tượng mình là bác Trọng, và đang công cán bên Mĩ, tôi sẽ viết gì cho đồng hương bên đó. Có lẽ tôi sẽ viết: “Nhân danh là một người Việt, tôi muốn chân thành gửi đến tất cả đồng hương người Việt trên đất Mĩ lời chúc sức khoẻ. Tôi biết và hiểu rằng một số trong các bạn vẫn còn bị quá khứ chi phối đến tình cảm của các bạn dành cho Việt Nam ngày nay. Tôi không kêu gọi các bạn quên đi quá khứ đau buồn, tôi chỉ mong muốn các bạn hãy bỏ quá khứ sau lưng, và cùng chúng tôi ở trong nước chung tay bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, tự do, dân chủ, và bác ái. Tôi cũng hi vọng các bạn đóng vai trò cầu nối tích cực cho mối bang giao Việt – Mĩ đang càng ngày càng tốt đẹp.

Tôi muốn lặp lại câu Kiều mà ông Biden đã nói với tôi (nhưng thiết nghĩ giữa người Việt với nhau, câu đó không cần thiết), nhưng tôi muốn nói với các bạn rằng các bạn và tôi đang ở ngay một thời điểm lịch sử, khởi đầu cho cuộc hành trình vì một Việt Nam tươi sáng. Tôi chân thành kính mời các bạn cùng tôi tham dự vào cuộc hành trình lịch sử này.”

Các bạn đọc những ‘rhetoric’ đó thấy thuyết phục chưa? :-) 

====

(1) http://www.vietnamplus.vn/toan-van-bai-noi-chuyen-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-csis/331933.vnp

NHẬN XÉT VỀ BÀI DIỄN VĂN CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Bài của NGUYỄN TIẾN TRUNG/ BVB 10/7/2015

Đọc được bài diễn văn của TBT Nguyễn Phú Trọng mình có mấy nhận xét nhanh thế này:

[NPT] Thế giới đang chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và sâu sắc, đòi hỏi chúng ta phải có những tư duy mới và phương thức hành động mới. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, các xu thế hợp tác và phát triển, toàn cầu hóa, dân chủ hóa đang mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển và hợp tác giữa các quốc gia.
==> Lãnh đạo đảng cộng sản biết rất rõ xu thế dân chủ hóa là tất yếu của thời đại, không thể chống lại được. Tức là các lãnh đạo đảng cộng sản hiện đang câu giờ, làm chậm lại tiến trình dân chủ hóa mà thôi.
[NPT] Về kinh tế, chúng tôi ủng hộ các mô hình hợp tác vì phát triển công bằng và bền vững, cùng có lợi giữa các quốc gia; ủng hộ các sáng kiến thúc đẩy thương mại và đầu tư đem lại lợi ích công bằng cho tất cả các bên, nhất là cho người lao động ở tất cả các nước.
==> Lãnh đạo đảng cộng sản sẽ chấp nhận điều kiện của TPP là cho công nhân được thành lập công đoàn độc lập.
[NPT] Một nước Việt Nam giàu mạnh, ổn định, độc lập tự chủ, hội nhập và đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng quốc tế là phù hợp với lợi ích của hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, là phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ và các nước trong và ngoài khu vực.
==> ở trên vừa nói là dân chủ hóa là xu thế thời đại, thế nhưng ở dưới này vẫn không nói một nước Việt Nam dân chủ. Thực tế thì không có dân chủ thì sẽ không bao giờ có "giàu mạnh" và "ổn định" được.
[NPT] Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vẫn áp dụng nhiều rào cản thương mại đối với Việt Nam. Tôi hy vọng việc hoàn tất đàm phán TPP sắp tới sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thương mại giữa hai nước, giữa Hoa Kỳ và ASEAN bởi lẽ hàng hóa Hoa Kỳ vào thị trường Việt Nam 90 triệu dân, được kết nối với thị trường ASEAN hơn 600 triệu dân. Việc Hoa Kỳ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam là bước đi cần thiết cho cả hai bên theo hướng đó.
==> cả chuyến đi Mỹ, TBT Nguyễn Phú Trọng không nói một lời nào về CNXH, không dám nói tới "kinh tế thị trường định hướng XHCN". Tại sao mình có những khái nhiệm "hay" như vậy mà không giảng luôn cho nước Mỹ về "kinh tế thị trường định hướng XHCN" mà cứ đòi hỏi họ phải công nhận VN có nền "kinh tế thị trường" thôi?
[NPT] Tôi mong chính quyền Hoa Kỳ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống, công việc và học tập của người Việt Nam tại Hoa Kỳ, tạo điều kiện để họ hội nhập tốt và đóng góp tích cực cho sự phát triển của Hoa Kỳ và cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
==> những người đã phải vượt biên trước đây, những người đi du học, lập gia đình để ở lại Mỹ hiện nay đều là những người phải tị nạn, chạy trốn khỏi sự cai trị của đảng cộng sản. Họ chọn nước Mỹ vì nước Mỹ đối xử bình đẳng với họ, tôn trọng họ, tạo cơ hội cho họ. Không lẽ TBT Nguyễn Phú Trọng không biết chuyện này mà còn phải dạy dỗ cho chính quyền Mỹ cách ứng xử với người dân?
[NPT] Tôi hiểu trong vấn đề này, hai bên còn có những khác biệt về nhận thức và cần tiếp tục thông qua đối thoại thẳng thắn, xây dựng để có cách nhìn tổng thể về những thay đổi cơ bản mang tính hệ thống, từ đó có đánh giá khách quan hơn về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, không để vấn đề này cản trở đà tiến triển tốt đẹp của quan hệ, cũng như ảnh hưởng tới việc xây dựng lòng tin giữa hai nước.
==> thật ra thì không có gì "khác biệt về nhận thức" cả. Trong Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế hay trong các Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc giành cho tất cả các quốc gia đều nói rất rõ về nhân quyền. Không thể hiểu mập mờ. Đó là những giá trị phổ quát của loài người chứ không phải của riêng Mỹ hay Việt Nam mà có sự khác biệt.
Vấn đề là các lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam có thực sự muốn tôn trọng quyền con người của người dân nước mình hay không?
N.T.T/(FB Nguyễn Tiến Trung)


LẠI CÓ ĐÔI ĐIỀU HẦU CHUYỆN VỚI ANH TRỌNG
Bài của NGUYỄN KHĂC MAI /Viet-Studiess 11/7/2015
(Vấn đề "xin, cho": dấu chỉ hủ lậu của văn hóa Việt)
       
Nhiều lần, tôi đã thưa với các vị lãnh đạo rằng chớ nhục nhã đi xin xỏ các nước tiên tiến giàu có: “xin công nhận cho chúng tôi quy chế kinh tế thị trường”, mà hãy quay về xin với nhân dân “hãy làm kinh tế thị trường cho đúng nghĩa, thực chất, văn minh và lành mạnh.”  Các nước tiến bộ, giàu mạnh, họ không xin xỏ như vậy. Nhà nước của họ, và các chính đảng dân tộc, dân chủ của họ, phấn đấu để tạo ra luật lệ cần thiết và đầy đủ về mọi yếu tố của kinh tế thị trường để cho nhân dân, trong đó bộ phận dân làm doanh nhân có đầy đủ mọi điều kiện để làm kinh tế thị trường đúng nghĩa và lành mạnh văn minh. Ít thấy những nước Nhật, Hàn, Singapore, Indonesia, Ấn…đi van nài như vậy. Khi đất nước của họ có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa rồi thì không cần xin xỏ ai nữa. Cố nhiên, họ không cần cho mọc cáí đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” làm gì. Tôi xin lưu ý cái sự mọc đuôi là một dấu hiệu của thoái hóa. Cứ xem “Trăm năm cô đơn” thì rõ.
Lần này tại “Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế” ở Hoa Thịnh Đốn, anh một lần nữa, lặp lại, như nhiều vị lãnh đạo khác khi ra nước ngoài.Báo chí đưa tin, tại đây, “Tổng bí thư kêu gọi Mỹ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam…”  (Báo Tuổi trẻ (Sài gòn)10-7-2015). Cớ sao anh không nói rõ với họ, các chính đảng yêu nước, các cấp chính quyền Việt Nam phấn đấu tạo ra mọi luật lệ văn minh để Việt Nam nhanh có nền kinh tế thị trường đặng hợp tác bình đẳng và có hiệu quả với Mỹ cũng như với các nước khác. Tôi nghĩ, chắc rằng anh có thể  “tin tưởng” hơn, khi đi Mỹ về, hãy thúc đẩy thay đổi thể chế, làm kinh tế thị trường cho đàng hoàng, không đánh tráo khái niệm. Riêng cái yếu tố, tôi cho là cơ bản, quan trọng nhất của kinh tế thị trường là quyền sở hữu, thì chúng ta đang rất lạc hậu, lúng túng. Vì thế lại tìm cách đánh tráo khái niệm. Trong khi chính Mác đã điều chỉnh nhận thức cho phù hợp, khi cuối đời ông khẳng định: “Các nhà sản xuất (doanh nhân) chỉ trở nên tự do,một khi họ có quyền sở hữu: đất đai, nhà xưởng, tàu bè, ngân hàng, tín dụng…”(dẫn theo Marx sa vie et son oeuvre, Jean Eleinstein, nxb Fayard.) Tôi lại xin trích một mệnh đề có ý nghĩa triết học về pháp quyền. Mác nói: “Khi, cùng với sự phát triển về mọi mặt của các cá nhân, sức sản xuất cứ càng ngày càng tăng lên, và tất cả các nguồn của cải công cộng đều tuôn ra dồi dào, thì chỉ khi đó người ta mới có thể vượt hẵn ra khỏi cái giới hạn chật hẹp của pháp quyền tư sản.” (C.Mác,  Phê phán cương lĩnh Gotha). Vậy thì ta phải loại bỏ tư duy Mác Lê lạc hậu và xuyên tạc đi. Chớ vội nhảy cỡn vào cái gọi là pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Và ta có thể sống, làm việc chân thực, không đánh lừa bằng cách đánh tráo khái niệm. Anh cứ thử nghĩ mà xem, ngay ở những nước trong G7, hai yếu tố và điều kiện cơ bản và quan trọng nhất là con người phát triển toàn diện, và nền kinh tế tuôn trào dồi dào cũng còn lâu mới tới, mà biết khi nào thì có con người toàn diện…Thế mà họ cũng chỉ dám cải tiến từng bước nền pháp quyền “tư sản”, có ai dám phiêu lưu và ngu muội để tuyên bố phải có một nền pháp quyền khác đâu. (Nhân nói tư sản, ĐCSVN hiểu một cách sai lầm rằng tư sản là giai cấp bóc lột. Thực ra tư sản có nghĩa là con người của xã hôi văn minh đô thị và công nghiệp! Xã hội Tây phương mấy trăm năm nay họ điều tiết xã hội theo hướng đó, cải tiến từng bước để có một xã hội văn minh đô thị và công nghiệp, hiện đại rồi hậu hiện đại. Họ chính là bài học, như Mác và Ăng ghen nói là “những thực tế văn minh của những dân tộc hiện đại” mà những người cộng đồng chủ nghĩa phải bắt chước và học hỏi.
Nhân anh học được câu nói hay của Roosevelt về lòng tin tưởng, tôi nghĩ là ta phải hướng cái tin tưởng của ta vào những gì là hợp lý và tốt đẹp cho Dân tộc. Tôi cũng tin rằng, nếu chúng ta sửa đổi thể chế cho tận cùng, chớ nửa vời, chớ “giáo điều ba rọi” chúng ta sẽ xây dựng được nền kinh tế thị trường lành mạnh, văn minh khiến nội lực Việt Nam lớn lên. Một nền kinh tế thị trường văn minh, lành mạnh, chỉ có trong một xã hội dân chủ phát triển, nhân dân thật sự là chủ thể của xã hội, họ có mọi quyền tự do, không còn là thân phận thứ dân, thường dân, thần dân như họ đang phải hứng chịu.
Anh từ Mỹ về, hãy đem những “thực tế văn minh tiến bộ của một Dân tộc hiện đại” làm bài học cho Việt Nam. Hãy từ bỏ cách nghĩ thực chất là của Liên Xô và Trung Cộng, chúng mớm cho ta kèm theo với vũ khí và lương thực, rằng Mỹ là đế quốc sài lang, là kẻ thù nguy hiểm nhất. Thế mà cái kẻ chúng ta coi là bạn bè chí cốt là Tàu lại từng đem quân xâm lược nước ta (chúng không xâm lược sao vẫn chiếm những cao điểm của chúng ta, lấn chiếm biên giới nước ta, cướp Hoàng Sa và một phần Trường Sa của chúng ta!). Chúng ta vẫn chơi với Tàu và chỉ đàng hoàng bình đẳng với họ khi biết hợp tác cùng những nước văn minh giàu mạnh như Mỹ… khiến cho nội lực Việt Nam lớn mạnh. Anh học sử chắc anh biết bài học minh triết về nhu cầu lớn, mạnh nhanh của Phù Đổng. Dân tộc ta, khi bước vào một khúc quanh của lịch sử, thì bài học “lớn nhanh lên” bao giờ cũng phải tâm niệm. Chúng ta đã học lấy những thực tế kém văn minh và cố giữ chúng lại coi đó là bản chất và phẩm chất, cho nên, nay đang trở nên lạc hậu rất xa so các nước trong vùng... Thành ra ngày nay trước sự uy hiếp của Tàu, chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn lớn. Làm sao để đi nhanh, nếu không vứt bỏ cái ba lô nặng trĩu đầy những thứ phế thừa, lại không chịu cắt bỏ những dây dợ ràng buộc  vô lối, vô nghĩa.
Nhân anh trích câu nói hay của Roosevelt, giá mà anh mời tôi đi cùng. Tôi sẽ mách cho anh một câu nói của Thomas Jefferson, cha đẻ của Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ: “Nếu biết hài hòa minh triết vào quyên lực, chúng ta sẽ ít dùng quyền lưc, mà hiệu quả lớn.” Ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội hiện có đôi câu đối, một vế của nó là: Dưỡng Minh Triết Dĩ Kế Trị, Thăng Long Kinh Trường Tụ Tinh Hoa. (Nghĩa cũng thâm thúy chẳng kém gì, nuôi dưỡng minh triết để nối tiếp cuộc trị bình, kinh đô Thăng Long mãi mãi quy tụ tinh hoa). Minh triết là tinh hoa của tư tưởng Việt. Nếu biết hài hòa với kiến thức đúng đắn, hợp lý và kinh nghiệm tốt đẹp hiện đại, chúng ta sẽ không cần Mác Lê mà vẫn có những kim chỉ nam tốt nhất để định hướng cho phát triển và phục hưng dân tộc, chạy đua rút ngắn cái thời gian đã mất. Người ta có thể nói hay ở diễn đàn,nhưng kết quả lại chỉ đo ở việc làm. Hãy nâng Dân lên, để Dân là chủ thể làm được mọi việc tốt lành cho những quan hệ tốt đẹp với “Mỹ”. Vì Mỹ cũng là đẹp.
Sau cùng tôi muốn thưa với anh chút hiểu biết về cái gọi là mặt tối của văn hóa: tinh thần “xin, cho”.  Văn hóa Việt Nam ghi lại nhiều dấu tích của tinh thẫn xin cho. Các triều đình phong kiến luôn giành cho mình quyền lực tuyệt đối, và cả ngàn năm nuôi dưỡng tinh thần xin cho. Thần dân chỉ cắn rơm cắn cỏ van xin. Với Bắc quốc dẫu có đánh thắng họ rồi cũng sai sứ đi cầu phong. Khi Hồ Chí Minh lãnh đạo đất nước tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội, thì vẫn sai các ủy viên bộ chính trị “cắp rá đi xin ăn” (lời của Lê Thanh Nghị) khắp các nước xã hội chủ nghĩa!
Trong xã hội ta hiện nay tinh thần xin cho vẫn tràn ngập. Bởi thể chế của chúng ta xây dựng trên triết lý đảng lãnh đạo (mà đảng trong thời đại dân chủ, nhưng độc tôn, độc quyền ,độc nguyên), nhà nước quản lý (mà nhà nước không tam quyền phân lập, gần đây trước tình hình phổ biến của thời đại, không thể cứ quê mãi, nên đã đánh tráo khái niệm này để đánh lừa đông đảo người dân thiếu học, khi chỉ cho là sự phân biệt giữa ba cơ quan quyền lực (!), dân làm chủ. Làm chủ của dân chỉ là hình thức, mọi chuyện đều phải xin đảng, xin nhà nước. Ở những nước văn minh, tiên tiến, họ đề cao triết lý “La suprême du Peuple”- Quyền tối thượng của nhân dân, nên người dân, xã hội dân sự có thực quyền, tinh thần xin cho được thay thế bởi tinh thần dân chủ, dân quyền. Vậy nên hai cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đã khẳng định: “Nước được độc lập mà không có dân quyền cũng vô nghĩa.” Dẫu Hồ Chí Minh có lúc nói được những câu nghĩa lý, như trong bài Dân vận, ông nói “Bao nhiêu quyền hạn và lực lượng đều ở nơi Dân”. Nhưng thể chế không tốt, luật lệ thiếu sót, rút cục Dân vẫn chỉ là thân phận kẻ đi xin mà thôi.
Loại bỏ tinh thần đi xin, kiến taọ một tinh thần tự lập, tự chủ, phải xây dựng nền văn hóa mới, nền chính trị mới. Liệu từ Mỹ về, anh có trí, có dũng có tâm để Đại hôi XII là sự khép lại một thời kỳ trì trệ, xin xỏ,mở ra một thời kỳ mới của phục hưng, phát triển, dân tộc và dân chủ của Việt Nam hay không.”Ny pagadi” (tiếng Nga: hãy chờ xem)./.
           
Tác giả gửi choviet-studies ngày 10-7-15 

"TAN SƯƠNG ĐẦU NGÕ..."
Bài của HẠ ĐÌNH NGUYÊN/ BVN/ BVB 18/7/2015

 

Thế là chuyến đi Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc, đã có nhiều tiếng vỗ tay ở trong và ngoài nước. Chuyến đi đã ít nhiều gây ấn tượng, nhưng ấn tượng đậm nét nhất là sự “xoay trục” của chính bản thân ông.
Điều này gợi nhớ về sự thay đổi tư duy chính trị, “viết lại báo cáo” của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, về chủ trương đổi mới, tạo nên một bước ngoặt quan trọng của giai đoạn lịch sử từ Đại hội VI của Đảng.
Nếu so sánh, người ta lại hoài nghi sự thay đổi của ông Trọng về tính triệt để và logique của nó, bởi ông mang nặng cái nhìn giáo điều, bảo thủ và có tiếng là “thân” Trung Quốc. Niềm tin kiên định của ông với đất nước “lý tưởng tương đồng” đã được duy trì, ít nhất cho đến sự kiện bẽ bàng của giàn khoan HD 981 xuất hiện trong vùng biển Việt Nam, và sau 30 cuộc gọi mà Tập Cận Bình không thèm nhấc máy. Càng yêu nhau lắm, càng cắn nhau đau. Biết đâu, vết thương lòng đã góp một phần vào sự xoay trục!
Tình thế trong nước và tình hình Biển Đông buộc con người bình thường cũng thấy cần phải thay đổi. Nhưng sự thay đổi muộn màng của ông cũng có giá trị, dù sau những bước “đi trước” rất quyết liệt và gian nan của một bộ phận trong Đảng và của toàn dân. Nó mang lại tiếng thở phào nhẹ nhõm ở diện rộng, sau sự hồi họp bởi ấn tượng chưa phai của bài diễn văn đầy tai họa năm nào ở Cuba, mà qua đó ông toan “đội đá vá trời”, để dựng lại chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.
Nhưng hẳn nhiên, bây giờ là không, không cả việc nhắc đến tên!
Nhưng cốt lõi trong tư duy “xoay trục” của ông hiện nay là ở đâu? Là ở chỗ vẫn giữ được bảng hiệu “xã hội chủ nghĩa” và tiếp tục sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà ông là Tổng Bí thư. Điều này là phù hợp với tình hình chung. Vì ý thức hệ đã không còn là vấn đề quan trọng đối với thời đại, dĩ nhiên đối với cả Mỹ. Sự hiện diện của Đảng Cộng sản Việt Nam (nếu) với xu thế đổi mới, dân chủ hóa từng bước trong một tiến trình ổn định, cũng là yêu cầu của đất nước, đặc biệt trước áp lực bành trướng thô lậu hiện nay của Trung Quốc .
Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tính giáo điều và sự tự mãn về niềm tin/tri thức xã hội chủ nghĩa của ông, liệu rằng ông có tiến lên, tự vượt qua mình được không, đi thêm một bước nữa, về khái niệm mà ông từng mơ ước nhiều lần là “đột phá”? Nhưng chuyến đi này cũng có thể gọi là “đột phá”, đặc biệt là “đột phá” đối với chính ông, một nỗ lực đáng ghi nhận. Dù sao thì ông cũng chỉ còn tại vị được khoảng 6 tháng nữa thôi, như dự kiến và mong muốn của đại đa số.
Ông có thể về nhà và hài lòng ngồi nhìn hàng bông trước ngõ, trong bối cảnh mà ông Phó Tổng thống Mỹ Biden đã hóm hỉnh mô tả, theo cách mà ông Trọng rất ưa thích – “lẩy Kiều” – là, đã “tan sương đầu ngõ…”, mà ông đã có góp phần.
Sương đã tan ở đầu ngõ và đã nhìn thấy lối ra. Trên bầu trời màn mây đen – bảo thủ, giáo điều, Hán hóa xã hội chủ nghĩa – cũng tự cuốn đi để lộ ra khoảng trời xanh.
Không có vinh dự của một người (đáng lẽ ra) khởi đầu nhưng dù sao cũng có vinh dự là người kết thúc bước khởi đầu cho một cuộc hành trình mới, tuy cuộc hành trình ấy sẽ không có ông. Ông đã góp một phần để “bước ra đầu ngõ”.
Người dân sẽ dành cho ông một tình cảm, nếu ông chỉ ngồi ngắm hoa đầu ngõ, mà không tung tăng lễ hội như những tiền nhiệm gần của ông, hoặc âm thầm cố trao “y bát” cho truyền nhân tâm phúc không xứng tầm. Theo đạo Phật, những ngày tháng cuối mùa, cuối đời thường có những thay đổi đáng giá, gọi là ánh sáng của giai đoạn “cận tử nghiệp”. Tình hình này ứng vào bản thân ông, vào thể chế, và cũng là tình hình đất nước.
Lành thay!
Đáng hoan nghênh thay!
Chúc mừng cuộc Mỹ du của ông đã kết thúc tốt đẹp.
  1. Đ. N.
-----------------
** Nói thêm:
Nhân đây, cũng có lời hoan nghênh ông Biden về việc “lẩy Kiều”. Nếu ông Trọng đã văn chương trong cuộc thù tạc với Obama:
“Phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”…mang màu sắc 16 chữ vàng theo hơi của Giang Trạch Dân, thì ông Biden lại rất tinh tế Việt Nam, hợp cảnh lại cũng hợp tình, cho cái riêng lẫn cái chung:
“Trời còn, để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. 
Để có người khỏi hiểu nhầm là ám chỉ ông Trọng “vén mây”, mà là mây đã tự vén, sương tự tan, xin trích bản dịch của cụ Nguyễn Văn Vĩnh cho rõ hơn: “Puisque le ciel nous donne encore à vivre ce jour./ Admirons les fleurs quand au bout des allées du jardin la brume se dissipe et contemplons la lune lorsqu’au ciel les nuages s’écartent”.
Tác giả gửi BVN.
TẢN MẠN VỀ BÀI NÓI CHUYỆN CỦA ÔNG TỔNG BÍ THƯ Ở MỸ
Bài của NGUYỄN DUY VINH/ BVB 18/7/2015

 

Bài nói chuyện của ông Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (xin viết tắt là TBT NPT) tại Trung Tâm Khảo cứu Về Chiến lược và những Vấn đề Quốc tế (CSIS)của Hoa Kỳ tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn ngày 8 tháng 7 vừa qua [7] rất súc tích và ngắn gọn. Các quan khách ngồi nghe hôm đó chắc không ai phật lòng vì bài nói chuyện có thể gọi là khá tích cực với mục đích đẩy mạnh sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (VN & HK) trong đó phía Việt Nam, qua lời nói của ông TBT, đã bày tỏ rất nhiều lạc quan và tin tưởng về triển vọng tốt đẹp của quan hệ VN & HK trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cái tuy nhiên phải gió, theo tác giả bài viết này, bài nói chuyện của ông TBT NPT vẫn chưa được hoàn toàn thẳng thắn và minh bạch vì còn vài chỗ khá nhập nhèm.
Chuyện nhập nhèm đầu tiên là chuyện ông TBT NPT trách cứ chính phủ Mỹ cho những gì đã xảy ra ở Việt Nam 30 năm sau (1945 – 1975), sau ngày Việt Minh dùng bạo lực dành nắm chính quyền tại Hà Nội năm 1945.
Ngay trong phần nhập đề nói sơ về lịch sử quan hệ Việt Nam (VN) và Hoa Kỳ (HK), ông Trọng đã khẳng định là phải chi ngày đó Mỹ chú ý đến sự thỉnh cầu của Việt Nam và phúc đáp đến nơi đến chốn những thỉnh cầu đó với sự giúp đỡ tận tình của Mỹ thì làm gì có chuyện hai nước Mỹ và Việt Nam đã “phải trải qua một giai đoạn đầy thăng trầm và đau thương cho đến khi bình thường hóa quan hệ năm 1995” [7]. Theo ông Trọng, ông Hồ Chí Minh đã viết thư cho cố tổng thống Truman và các nhà lãnh đạo Mỹ không phải một lần mà là… 14 lần! và không lần nào nhận được hồi âm. Tôi không biết văn khố Mỹ (hay văn khố Việt Nam) còn giữ những phóng bản hay bản chính của 14 lá thư này không. Vì nếu có thì đây đúng là chứng cứ hùng hồn bảo đảm cho lời tuyên bố của ông Trọng là… không ngoa. Tuy nhiên ở thế giới truyền tin và thông tin hiện đại ngày hôm nay, chúng ta có thể Gú Gờ và có thể tìm ra một số các tài liệu này khá dễ dàng. Và mặc dù không tìm được đầy đủ 14 lá thư đó, liên kết mạng số [4] dưới đây trong danh sách tham khảo cũng cho chúng tôi thấy khá rõ nội dung của những điện tín và những trao đổi của ông Hồ với ông Truman và một số lãnh đạo Mỹ. Và theo những tài liệu tìm được thì điều ông Trọng nói đúng, Việt Nam ngay từ đầu có cầu cứu Mỹ.
Ông Trọng rất khôn ngoan, ông giáo đầu tuồng bằng cách trách cứ Mỹ vừa đủ nhẹ nhàng để không gây nên sự phẫn nộ của các quan khách có mặt. Đại để ông TBT nhấn mạnh là ông Hồ Chí Minh đã viết cho các ngài lãnh đạo Mỹ đến 14 lần mà các ngài vẫn im ru làm ngơ thì các ngài cũng có lỗi cho những gì xảy ra ngày hôm nay vì chính các ngài đã đẩy chúng tôi vào con đường tranh đấu chống thực dân Pháp với sự giúp đỡ của Tàu và Nga chứ từ nguyên thủy chúng tôi đã nghĩ đến Mỹ trước tiên. Và ông Trọng thừa thắng xông lên, ông dõng dạc tuyên bố là ViệtNam và Hoa Kỳ đã từng là đồng minh chống phát xít trong suốt thời gian đệ nhị thế chiến (1939-45). Tôi không phải là sử gia nhưng câu tuyên bố chung chung này làm tôi hơi sững sờ. Sững sờ vì tôi thấy lời phát biểu này của ông Trọng hơi có tính cách cường điệu. Thật thế, lịch sử ghi rõ ràng rằng ông Hồ thực ra mãi đến năm 1941 mới về nước và tuy thực sự lúc đó Việt Minh có lén lút giúp đỡ toán quân trinh sát OSS của Mỹ (United States Office of Strategic Services), việc này cũng không kéo dài được bao lâu vì sau đó ông Hồ lại bôn ba sang Tàu và bị quân của Tưởng Giới Thạch bắt và nhốt giam cho đến năm 1943 mới thả. Ông về lại Việt Nam và bị bệnh xuất huyết ruột và ông may mắn được cứu sống bởi các bác sĩ Mỹ thuộc toán quân OSS có mặt ở vùng cao nguyên Việt Bắc lúc bấy giờ.
Hiện nay vẫn chưa có tài liệu nào giải mã bí ẩn tại sao Mỹ lại im lặng trước những lời kêu gọi của Việt Nam. Sách của bà Céline Marangé [8] cho thấy trong thời buổi nhá nhem đó sau hội nghị Postdam, nước Mỹ đang phải đương đầu với sự bành trướng và xâm chiếm bất thần và ngang ngược của Nga ở Đông Âu và theo những trang sách của Marangé (từ trang 160 trở đi), đã có những sự đi đêm giữa Nga và Pháp và người đọc có thể đoán được là Nga đã hoàn toàn ủng hộ sự trở lại của Pháp ở Đông Dương sau những lần gặp gỡ giữa Molotov (bộ trưởng bộ ngoại giao Liên Xô) và đại sứ Pháp tại Moscow. Và lúc đó Việt Nam bị cô lập nặng nề và phải cầu cứu Tàu. Và lịch sử một lần nữa đã cho thấy sự hiện diện của Tàu Cộng trong suốt quá trình đấu tranh dành độc lập của Việt Nam. Sau khi Trung Quốc tuyên bố độc lập ngày 1 tháng 10 năm 1949 và vẫn theo sách của Marangé, ông Hồ lúc đó tuy đã 60 tuổi nhưng ông vẫn đủ sức lặn lội đi bộ qua biên giới Việt Bắc sang Tàu và cuối cùng được Chu Ân Lai đón tiếp trọng thể vào đầu tháng giêng năm 1950. Mao Trạch Đông, lúc đó đang ở Moscow, đã gửi điện tín về chúc mừng và lên tiếng thừa nhận chính thức chính phủ Việt Minh dưới sự lãnh đạo của ông Hồ. Sự có mặt của Trung Quốc (TQ) trong chính trị và chính trường Việt Nam (cả về tư duy lẫn nhân sự và khí giới) là một sự thật. Và nợ nần với TQ qua sự giúp đỡ súng đạn và kinh tế ngày càng chồng chất bắt đầu từ năm 1950 cho đến trận Điện Biên Phủ (1954) và tiếp tục mãi cho đến khi VNDCCH toàn thắng năm 1975.
Ông TBT NPT có nhắc đến tuyên ngôn độc lập Việt Nam năm 1945 trong phần mở đầu bài nói chuyện của ông. Tôi xin trích dẫn một đoạn của phần nhập đề của ông Trọng ở đây: “Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới năm 1945 được mở đầu bằng trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".”
Ở chỗ này, ông Trọng muốn làm mát lòng thính giả Mỹ nhưng theo tôi câu này có thể có tác dụng ngược. Vì người Mỹ không những có một văn bản hiến pháp ngắn, khúc chiết và rõ rệt nhất trong các văn bản hiến pháp hiện nay, họ còn là những người biết áp dụng triệt để hiến pháp đó và chính sự áp dụng nghiêm túc này đã đưa nước Mỹ lên hàng cường quốc bậc nhất hiện nay trên thế giới. Trong khi đó ở nước ta thì các lãnh đạo luôn tuyên bố rất hay nhưng lời nói ít khi được đi đôi với việc làm. Chính quyền Việt Minh sau năm 1945 đã cho ra đời hiến pháp 1946, cũng là một bản sao của hiến pháp Hoa Kỳ, nhưng đến năm 1958 thì họ lại bỏ nó đi và thay vào đó bằng một hiến pháp mới với tư duy hoàn toàn cộng sản và mọi quyền lực nằm trong tay một đảng duy nhất.
Như tiến sĩ Hoàng Xuân Phú đã từng viết [2] và chính tác giả bài này cũng đã từng viết về văn bản hiến pháp 1946 [1] [5], hiến pháp 1946 là một hiến pháp tiến hóa và rất tiên tiến vào thời điểm năm 1946 trong đó các quyền tự do căn bản của người dân được tôn trọng vô điều kiện, như điều 10 của hiến pháp 1946 đã ghi rõ [3]:
Điều thứ 10
Công dân Việt Nam có quyền:
- Tự do ngôn luận
- Tự do xuất bản
- Tự do tổ chức và hội họp
- Tự do tín ngưỡng
- Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.
Các quyền tự do này đã bị lấy đi, hay nói theo cách nói hóm hỉnh của ông Hoàng Xuân Phú là “đã teo dần”, khi các văn bản hiến pháp 1959, 1980, 1992, và 2013 ra đời (xin đọc bài rất đặc sắc “Teo dần quyền con người trong Hiến Pháp” của Hoàng Xuân Phú theo liên kết [4] dưới đây).
Văn bản hiến pháp đầu tiên của nhà nước VNDCCH (năm 1958) đã đưa chủ nghĩa cộng sản lên ngôi một cách chính thức ở miền Bắc VN lúc bấy giờ. Và hiến pháp gần đây nhất sau khi thống nhất bờ cõi của nhà nước CHXHCNVN (tức là hiến pháp 2013) lại tiếp tục quy định rành mạch một lần nữa sự nắm quyền tuyệt đối của Đảng Cộng Sản Việt Nam qua điều 4 của hiến pháp này. Tự do của người dân là những quyền tự do hoàn toàn tương đối vì tất cả đều phải do pháp luật quy định [5].
Ở đây tôi xin mở một ngoặc đơn để xin dông dài diễn tả thêm về cái cơ chế điều hành của nhà nước CSVN. Tất cả quyền hành tuyệt đối nằm trong tay một nhóm người họp nên một cơ quan lãnh đạo tối cao có tên là Ban Chấp Hành Trung Ương (BCHTW). Cứ mỗi 5 năm, các chi bộ Đảng từ các cấp xã, huyện, phường cho đến tỉnh, đề cử các đại biểu tham dự đại hội Đảng. Đại hội Đảng sắp tới đây sẽ diễn ra vào năm 2016 vì lần chót họp toàn quốc lần thứ XI là vào năm 2011. Năm 2016 việc họp hành làm việc có thể lại theo vết xe cũ, nghĩa là sẽ có khoảng hơn 1000 đại biểu đại diện cho khoảng 3.6 triệu đảng viên về tham dự đại hội. Những đại biểu này sẽ bầu ra BCHTW. Sau đó các ông và các bà của BCHTW sẽ bầu ra Bộ Chính Trị (BCT), Tổng Bí Thư (TBT) và Ban Bí Thư, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương (UBKTTW) và chủ nhiệm UBKTTW từ số các ủy viên trung ương này. Trong vòng từ 3 đến 6 tháng và có khi kéo dài cả năm sau khi đại hội Đảng kết thúc, bầu cử quốc hội mới được tiến hành. Quốc hội từ đó mới lần lượt bỏ phiếu phê chuẩn các vị lãnh đạo then chốt trong chính phủ (mới) từ các thành viên của BCT và BCHTW. Tới đây chúng ta đã biết rõ hơn về cơ chế của guồng máy lãnh đạo của ĐCSVN và chúng ta có thể khẳng định rằng cuộc bầu cử BCHTW vô cùng quan trọng. BCHTW là đầu não. BCHTW là những người có trọng trách về các chính sách kinh tế, chính trị, giáo dục, xã hội, quốc phòng và an ninh quốc gia. Và người đứng đầu trách nhiệm về tư duy và cương lĩnh của Đảng không ai khác hơn là ngài Tổng Bí Thư.
Và ông TBT NPT đã nói rất rõ cho người Mỹ về khát vọng của nhà nước Việt Nam. Ông đã dõng dạc với châm ngôn rất đặc biệt gồm 16 chữ (không vàng thì cũng kim cương) là chúng tôi, dân tộc Việt Nam, dù có thể chế chính trị khác với dân tộc Mỹ, chúng tôi sẵn sàng “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”!
Nghe đến đây thì tôi thấy châm ngôn 16 chữ “kim cương” này quá hay. Nếu làm được thì chắc chắn quan hệ đối tác toàn diện mà ông Trương Tấn Sang đã ký với Mỹ năm 2013 sẽ đem đến rất “nhiều lợi ích và hạnh phúc của nhân dân hai nước”, để trích lời ông Trọng.
Phương châm 16 chữ như thế là điều kiện cần và đủ cho sự thành công của quan hệ VN & HK.
Quá khứ phải gác!
Chúng ta phải nhắc các lãnh đạo VN bớt mồm lại, đừng chửi Mỹ xa xả như trong bài diễn văn của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 30 tháng 04 vừa qua. Đừng cứ năm nào cũng ăn mừng rầm rộ chiến thắng 30 tháng 04. Thay vì ăn mừng thì mình cố gắng chuyển biến nó thành ngày đoàn tụ hay ngày sám hối và tìm những cách để làm cho ngày đó thật sự là ngày mà cả hai dân tộc miền Nam và miền Bắc có thể ôm chầm lấy nhau. Hiện nay thì việc này còn xa vời lắm. Phải tiếp tục hoàn tất việc tìm mộ và hài cốt của cựu quân nhân Hoa Kỳ đã bỏ mình ở Việt Nam và phải đi xa hơn thế nữa, nghĩa là phải làm việc này ngay cho những cựu chiến binh VNCH và những người tù cải tạo (xin đọc bài của Giáo Sư Lê Xuân Khoa viết mới đây về vấn đề này [9]). Việc làm này là một việc làm chính đáng, ông Trọng gọi nó là vấn đề nhân đạo. Ông chỉ đúng một phần. Đây không phải là mình rũ chút lòng thương cho người nằm xuống và thân nhân của họ không mà đây là mình biết chứng tỏ tình thương với những người cùng dòng máu, mình biết khôi phục lại nhân phẩm của con người trên căn bản nhân văn dù họ không cùng niềm tin tư duy và chính trị với mình. Đây cũng là chứng tỏ lòng biết ơn, lòng cảm phục và sự tôn trọng với hơn 3 triệu người Mỹ gốc VN đã bỏ nước ra đi tìm tự do và họ đã và đang có những đóng góp rất lớn vào sự thịnh vượng của nước Mỹ hiện nay. Và chính kiều hối của người Việt hải ngoại cũng đã và đang tiếp tục đóng góp rất nhiều vào kinh tế Việt Nam.
Những người lính VNCH đã nằm xuống trong một cuộc chiến không cân xứng (vì bị người Mỹ bỏ rơi) nhưng họ đã nêu gương anh dũng khi đánh đuổi quân Tàu Cộng ở Hoàng Sa, và họ đã nêu gương anh dũng trong suốt hơn 20 năm bảo vệ miền Nam VN trước cuộc xâm lăng của miền Bắc. Gác lại quá khứ thì chúng ta không những phải đủ sức gác bỏ hận thù nhưng chúng ta cũng phải sòng phẳng với lịch sử và phải giải quyết công bằng quá khứ vì quá khứ này cũng đã được dệt bằng những bất công, những sai phạm và những tội ác từ những chính sách cải cách ruộng đất và chính sách tù cải tạo tàn bạo ở Việt Nam.
Vượt qua khác biệt!
Khác biệt ghê gớm nhất hiện nay là khác biệt về thể chế chính trị. Nhưng ông Trọng đã không sai khi nói “thế giới chuyển biến và phải có tư duy mới”. Câu hỏi được đặt ra ở đây là khi nào thì Việt Nam mới đổi mới tư duy. Tư duy cộng sản theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin đã quá cũ và đưa đến sự trì trệ về những phát triển quan trọng ở Việt Nam, từ khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường và an sinh của người dân cho đến việc thực thi pháp quyền, nhất là vấn đề tôn trọng quyền làm người mà ông Trọng cho là “nhạy cảm”. Không thẳng thắn chấp nhận sự tụt hậu gây ra bởi tư duy sai lầm và sự dốt nát (dân trí thấp) thì rất khó vượt qua những khác biệt với tư duy tư bản của Mỹ. Chính tư duy tư bản này, được bảo vệ bởi một hiến pháp nhân bản, bởi lòng yêu nước cao và sự hăng say làm việc của người dân, đã đưa nước Mỹ đến sự thịnh vượng ngày nay.
Phát huy tương đồng!
Tương đồng hiển nhiên và quan trọng nhất là cả hai dân tộc VN và HK đều có cùng một khát vọng: cả hai đều muốn có quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Cả hai dân tộc đều mong muốn ổn định kinh tế và đời sống đủ cơm no áo mặc. Được hưởng một môi trường an sinh trong lành ít bị ô nhiễm. Và quan trọng hơn cả đó là cả hai nước cùng có xu hướng hòa bình. Hiện nay vấn đề hòa bình ở Châu Á đang bị đe dọa bởi những vụ xây đảo quy mô trái phép của Trung Quốc tại các đảo ở biển Đông nhất là Trường Sa. Mỹ đã lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc về những vụ chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp này tại diễn đàn an ninh có tên là Đối Thoại Shangri-La 2015 gần đây qua những lời tuyên bố đanh thép của ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter. Một phái đoàn Việt Nam hùng hậu dưới sự chỉ huy của Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng đã có mặt nhưng ông Vịnh đã không nói câu nào trong phần trình bày chính thức của diễn đàn. Tuy nhiên ông có trả lời một số câu hỏi qua các cuộc phỏng vấn bên lề của các phóng viên Reuters và BBC. Một câu trả lời của Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng VN này đã trở thành đề tài tranh cãi trên mạng sau đó, một câu trả lời rất khôn khéo và không mất lòng ai sau đây của ông Vịnh: “Càng căng thẳng thì càng phải độc lập tự chủ. Càng căng thẳng thì càng không bao giờ để kéo vào những liên minh với nước này để chống nước khác”. Có rất nhiều người nghĩ Việt Nam đã đánh mất một cơ hội để phát huy tương đồng với Mỹ về tình hình biển Đông!
Hướng tới tương lai!
Tương lai đây trước hết phải là tương lai quan hệ Mỹ - Việt. Và dĩ nhiên tương lai này có ảnh hưởng đến tương lai, an ninh và hạnh phúc của người dân trong vùng Đông Nam Á – Thái Bình Dương. Quan hệ Mỹ - Việt dĩ nhiên cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và sự buôn bán của Mỹ trong vùng. Hàng trăm ngàn tàu bè dân sự qua lại mỗi năm trên biển Đông. Những nước trong vùng không thể yên ổn nếu có chiến tranh xảy ra trong vùng biển Đông này. Các nước như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan, Brunei, Singapore và Úc sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp trước tiên nếu xung đột xảy ra.
Tương lai quan hệ Mỹ-Việt nằm trong tay ĐCSVN và chính quyền Hoa Kỳ. Mục tiêu thì rất cao quý tức là “đối tác toàn diện để đi đến lợi ích chung” nhưng việc làm thì hình như quả banh nằm trong tay Việt Nam nhiều hơn. Những thách thức về phía Việt Nam rất lớn. Đại hội Đảng thứ XII tới đây sẽ cho chúng ta thấy Việt Nam sẽ ném quả banh trong tay mình như thế nào. Chúng ta chờ xem văn kiện Đại hội Đảng lần này sẽ có những gì đặc sắc hơn trong chiều hướng 16 chữ kim cương của quan hệ Việt - Mỹ.
Ông Joe Biden có thể về học thêm về Kiều và lần tới khi gặp ông TBT NPT ông sẽ không phải thốt lên:
Bây giờ rõ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chằng là chiêm bao
N.D.V/(Yaoundé một chiều mưa)/(Dân Luận)
----------------/
Tài liệu tham khảo:
[1]https://www.danluan.org/tin-tuc/20130506/nguyen-duy-vinh-nhung-bien-dang-cua-cac-van-ban-hien-phap-cua-dang-cong-san-viet
[2]http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=HienPhap2013-SuaNhamHayDoiThiet-20140829
[3]http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=536
[4] http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=TeoDanQuyenConNguoiTrongHienPhap-20130115
[5] http://www.boxitvn.net/bai/21624
[6] http://www.historyisaweapon.com/defcon2/hochiminh/
[7] https://kimdunghn.wordpress.com/2015/07/10/toan-van-bai-noi-chuyen-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-csis/
[8] Le communisme vietnamien (1919-1991) – Céline Marangé – Paris: Presses de SciencesPo, 2012
[9] http://boxitvn.blogspot.ca/2015/07/hoa-giai-voi-nguoi-chet-hay-chuong.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét