Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

20150706. VỀ CHUYẾN THĂM MỸ CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐÂU DỄ "TỪ TRÊN TRỜI RƠI XUỐNG"?
Bài của ĐGCĐ’s Comt/ BVB 5/7/2015
 Thời đại ngày nay đã chứng minh rằng sự tồn tại của con người là hoàn toàn phụ thuộc vào sự nỗ lực của mỗi cá cá nhân và cộng đồng, không hề tồn tại yếu tố mơ hồ, thần bí, siêu thực, những thứ lý luận về chủ nghĩa này-kia đã cũ rích, giáo điều, xơ cúng, không còn phù hợp với những nỗ lực không ngừng vươn tới bằng cạnh tranh, đòi hỏi sự bứt phá tới đỉnh của những hiệu quả bền vững. Ngay cả các vĩ nhân cũng thường khiêm tốn nói rằng: Trong mỗi sự thành công, thì yếu tố thiên tài chỉ chiếm 1% và 99 % còn lại là nỗ lực của mồ hôi.
Nhiều người VN có thể đang rất kỳ vọng vào sự thay đổi có tính “đột phá” trong chuyến đi Mỹ lịch sử này của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm giúp VN chuyển mình, nhưng có thể sẽ lại phải thất vọng thêm lần nữa nếu biết rằng con người ta thường rất hiếm khi thay đổi về nếp nghĩ và cá tính khi đã ở tuổi xế chiều. Đa phần nó đã được bộc lộ ở tuổi trẻ và trung niên. Thay đổi quan điểm chính trị lại càng hiếm. Nó đòi hỏi cá nhân ấy phải có “Quá trình” tích lũy, nghiền ngẫm, tự biết chiêm nghiêm, cộng thêm bản lĩnh phi thường. Xét những yếu tố đó để so sánh với ông Trọng, thì thấy rằng còn rất lâu ông ấy mới hội tụ đủ những tố chất kể trên.
Chế độ độc đảng, đi đứng đều được đảng đặt để, đến đâu đều được đảng đôn đốc, đần độn đều được đảng đẩy đưa…luôn chọn nhà lãnh đạo để cơ cấu dựa trên sự trung thành với lý tưởng cách mạng, trung thành với ĐCS, CN Mác-Lê lên hàng đầu, yếu tố nhân dân và Tổ quốc chỉ ở hàng thứ yếu (Bản thân điều này không những thể hiện trong điều lệ đảng , mà còn ghi rõ trong hiến pháp). Vì vậy nó đã làm thui chột mọi sáng tạo có giá trị, đè bẹp những nỗ lực bứt phá muốn vươn mạnh tới phía trước, bóp méo những tư duy khoa học, miết cho phẳng các nếp nghĩ đổi mới, những phát triển năng động, tự  nhiên.  Tất cả đều  để đặt nó vào đường ray của tư duy theo lối mòn vốn có - Tư duy tập thể lãnh đạo (vua tập thể). Mọi điều nhất nhất phải thực hiện theo nghị quyết tập thể, không đòi hỏi nhiều sáng tạo hay trí tuệ, nỗ lực cá nhân, tức là triệt tiêu nội lực cá thể, vô hình trung cào bằng, đắp đống ngày càng lưu cữu trong kho "quyết định tập thể”.
Nhìn về trình độ, năng lực, tính cách, tác phong cả quá trình và ngay trong thực tế suy nghĩ, hành động cả TBT Nguyễn Phú Trọng không thể sánh được với ông Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh,… -  những người từng trải qua gian khổ, tù đày để đặt nền móng cho chế độ cộng sản VN  tồn tại đến hôm nay. Dù rằng mỗi thời mỗi khác, nhưng những gì mà ông Trọng có được trong nhiệm kỳ của ông, không có gì đáng để gọi là một lãnh đạo có năng lực, có bản lĩnh và chịu sáng tạo. Thành tích thì hầu  như không có gì để mà ‘ấn tượng’,  hay nói cách khác , do bệnh bảo thủ, giáo điều, rập khuôn máy móc đến mức cực đoan, ông đã góp phần làm cho nó trở nên tệ hại hơn.
Về phương diện điều hành đất nước, cũng tương tự như vậy. Đất nước thêm nghèo khổ, bần cùng, vừa bị chèn ép, vừa phụ thuộc vào Trung Quốc một cách tệ hại . Không có bản lĩnh cá nhân, thiếu quyết đoán, không có khả năng tập hợp, kém ‘thuật’ dùng người, lúng túng khi có sự thay đổi tình thế, kế hoạch, dự kiến.  Đó là những nhược điểm tự kìm hãm chính mình, những nhược điểm không ai muốn mắc phải, nhưng không hiểu sao lại “ tập hợp”  khá đầy đủ ở ông Trọng .
Nhiều người kỳ vọng ở ông liệu rằng có tố chất gì căn bản và nổi trội ở M. Goocbachop hay B. Yeltsin, nhất là sự mong mỏi ở ông Trọng một ‘quyết định bất ngờ’ sau chuyến đi này, để giúp VN lật sang trang sử mới, nhưng thật tiếc rằng Goocbachop và Teltsin là thể hiện cả những bức xúc, dồn nén của dân tộc Nga, hàng trăm năm mới có được. Các ông này đã nung nấu đủ lâu trong chế độ CS với tâm trạng muốn thoát khỏi và phá bỏ nó để xây dựng lại từ đầu (cắt bỏ hết đi, làm lại), dù phải đau đớn. Trong khi ông Trọng không thể hiện được điều này qua sự điều hành và qua các phát ngôn của ông. Những phát ngôn thường mang nặng âm hưởng của văn hóa làng xã phong kiến, nghiêng về hờn dỗi, nói lẫy, sợ cả trù yểm, thiếu tầm bao quát. Tri thức của ông Trọng thì hầu như nằm bên rìa thời đại, hỉ ôm lấy những mớ lý luận giáo điều, xa thự tế, trừu tượng vốn đã học thuộc lòng và thuộc trong giáo trình, nghị quyết. Mạnh bạo, chs quyết, dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm là tố chất cần thiết nhất của nhà lãnh đạo. Nhưng TBT NP. Trọng thì chuyền gì cũng phải thận trọng, kỹ càng rà soát, chải chuốt  tư duy, cà nhắc cà ràm, so đo tính toán "khách quan, biện chứng", moi tìm công thức...mà cũng không dám 'quyết mạnh'. Ông bộc lộ qua phát biểu, hành động, tổ chức, lãnh đạo cứ như một bộ phận của máy, cứ thế mà chạy đến mòn thì thôi, như một phần mềm (file) vi tính đã được lập trình, cài đặt sẵn và đã bị mặc định, không tự thoát ra được, không ai ‘nhập’ thêm được gì. Triết học vẫn phân tích rất sâu về vai trò cá nhân trong lịch sử, về những nhà cách mạng đại tài, dám thực sự ‘làm cuộc cách mạng’ ngoài "định hướng", đảo chiều, chuyển hóa, dám xoay chuyển giang sơn bởi ‘phút quyết định’ sát thực tế đất nước, mang tầm chiến lược, nhưng với TBT Nguyễn Phú Trọng thì đừng kỳ vọng điều “trên trời rơi xuống” ấy. Người ta có câu: “Nhỏ không uốn, lớn gãy cành”, đằng này cành đã quá già, chai cứng, cong, sâu, vênh, sẹo ra sao, đành chịu! Quy luật rồi!
Nhưng đó là nói theo sự hiện diện hình khối, màu sắc, chất  liệu của ‘cái vốn có’. Còn nếu như có sự “rơi xuống từ trên trời”, TBT Nguyễn Phú Trọng tự thoát ra khỏi chính mình, tự “lột xác’, chủ động, chí quyết ra được ‘quyết định bất ngờ’ đi vào lịch sử dân tộc, đem lại hồng phúc, lợi lâu dài cho dân-nước, tạo đà, tạo thế  mới cho đất nước vững mạnh, trường tồn, thì hồi sau sẽ rõ!
(BVB và ĐGCĐ’s Comt)
NHỮNG UẨN KHÚC TRONG "TAI NẠN" CỦA TƯỚNG PHÙNG QUANG THANH
Bài của blog Kami / BVB 3/7/2015
Trong những ngày này, một trong những thông tin được dư luận quan tâm nhất là vấn đề sức khỏe của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Dẫu rằng số mạng của ông Phùng Quang Thanh sống chết ra sao còn ở trong tương lai, song thông qua vụ việc này người ta thấy đã có một thế lực chính trị đang cố ý đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của Đại tướng Thanh - một ngôi sao đang lên nhưng bỗng vụt tắt.
Từ trước đến nay, dư luận ở Việt nam vẫn đánh giá và cho rằng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh là một phần tử thân Trung quốc. Và tại thời điểm hiện nay trong lúc chỉ còn khoảng hơn 6 tháng nữa là Đại hội Đảng lần thứ XII, cái tên Phùng Quang Thanh đã được dư luận cho rằng có nhiều khả năng sẽ ngấp nghé ghế Chủ tịch nước - một trong bốn ghế tứ trụ đầy quyền lực.
Đây được cho là một vật cản đường Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một người được dư luận cho rằng một ứng viên sáng giá cho chức vụ Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước sau kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII sẽ diễn ra vào đầu năm 2016. Và có lẽ chính là lý do trước đây ít lâu, Đại tướng Phùng Quang Thanh là một trong số các chính khách đã bị trang Chân dung Quyền lực vốn được dư luận cho là của tay chân của đồng chí X bạch hóa. Điều đó cho thấy đây chắc chắn là một tai nạn của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trước thềm Đại hội Đảng CSVN lần thứ XII.
Tin đồn có chủ ý kích động ?
Bắt đầu từ một tin đồn tưởng chừng như hoàn toàn bịa đặt được loan tải trên mạng xã hội facebook, theo đó tin từ trang VietPres USA cho hay Đại tướng Phùng Quang Thanh ‘vừa bị ám sát bằng súng giảm thanh’ và ‘bị trúng 2 viên đạn’ trước một ngôi nhà tại Paris vào hôm 26/6/2015.
Việc một Bộ trưởng Quốc phòng Việt nam bị ám sát tại Paris, trong chặng dừng chân tại Pháp trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại châu Âu của đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh dẫn đầu là một tin hết sức bất thường. Một điều chắc chắn là báo chí Pháp và truyền thông quốc tế ở Pháp không thể bỏ qua và sự thực đến lúc này không có bất kỳ hãng truyền thông uy tín nào đưa tin. Hơn nữa, nếu theo dõi nội dung bản tin thì người thạo tin sẽ thấy một cách đưa tin hết sức thiếu chuyên nghiệp, thậm chí còn là ngờ nghệch một cách có chủ ý, hầu như cố tình cho người đọc hiểu đấy là một tin bịa đặt.
Nếu như sự việc đó chỉ dừng lại ở đây, thì tin Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh bị ám sát cũng sẽ chung một số phận với vô vàn các tin vịt khác của truyền thông Hải ngoại. Nghĩa là người ta sẽ quên đi và coi đấy là chuyện của những người thích đùa.
Song oái ăm, sự xuất hiện của tin đồn này lại xảy ra trước 4 ngày diễn ra Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX năm 2015 diễn ra sáng 1/7/2015, tại Hà Nội, do Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng đã tổ chức. Đây cũng là ngày mà Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh chắc chắn sẽ phải tham dự và ngồi ghế chủ tịch với tư cách Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Được biết đây là một hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng này của Quân đội, được tổ chức 5 năm một lần. Tuy vậy, Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân năm nay đã không có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh - Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Mà người chủ trì hội nghị lần này là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lần đầu tiên được "thay mặt" để ngồi vào ghế của người thống lĩnh quân đội.
Chuyện Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh chữa bệnh tại Pháp là chuyện có thật. Theo RFI Việt ngữ cũng cho biết họ đã có liên lạc với bệnh viện Georges Pompidou, nhưng bộ phận báo chí của bệnh viện này không xác nhận, mà cũng không phủ nhận thông tin về việc ông Phùng Quang Thanh đang được điều trị tại đây. Có nghĩa là đã có một thế lực chính trị đã lợi dụng tin này để gây chia rẽ và phân hóa nội bộ lãnh đạo Đảng CSVN, đặc biệt là nhằm vào giới tướng lĩnh quân đội và lực lượng quân đội trung thành với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh.
Chính vì thế nên vào cuối ngày 1/7, báo Tuổi Trẻ đã không khảo mà xưng, đột nhiên dẫn nguồn Ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe Trung ương để trấn an dư luận. Theo đó một bản tin của báo Tuổi trẻ cho hay Đại tướng Phùng Quang Thanh "đã đi Pháp trị bệnh cách đây một tuần và tối 30/6 vừa qua, ông Phùng Quang Thanh đã được phẫu thuật, có thể là một khối u phổi". Cũng theo Tuổi Trẻ, ông Bộ trưởng bắt đầu ho ra máu từ hai tháng trước, tuy chưa phát hiện ung thư nhưng một vùng phổi đã bị xơ vì vết thương từ thời chiến.
Điều đó đã buộc người ta phải đặt câu hỏi "Tại sao có sự trùng hợp, không hẹn mà gặp như vậy giữa tin đồn và các thông tin từ báo chí nhà nước? Phải chăng tất cả mọi sự diễn biến trong những ngày vừa qua là một sự tính toán có chủ ý của những thế lực chính trị nào đó?". Dư luận cho rằng đằng sau những tin đồn có chủ ý kia là có bàn tay của cơ quan tình báo nước lạ, với mục đích kích động nhằm thổi bùng việc Đại tướng Phùng Quang Thanh đã chính thức bị những thế lực chính trị khác bức tử.
Không có chuyện điều trị bệnh phổi?
Trong những ngày vừa qua, liên quan đến việc Đại tướng Phùng Quang Thanh sang Pháp chữa bệnh thì GS. TS Phạm Gia Khải - một thành viên Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe Trung ương cho báo chí biết: “Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đang điều trị bệnh bên Paris, Pháp. Đại tướng Phùng Quang Thanh đi sang Pháp chữa bệnh từ ngày 24/6. Trước khi sang Pháp chữa bệnh, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã được chúng tôi kiểm tra sức khỏe nhiều lần, nhưng không thấy dấu hiệu gì đặc biệt, không áp xe, không ung thư. Nhưng cách đây khoảng 2 tháng, ông Thanh bị ho ra máu, mỗi ngày một ít. Chúng tôi đã cho sinh thiết ở phế quản, tương ứng nơi ra máu nhưng không phát hiện được dấu hiệu gì. Sau đó, ông Thanh được Đại sứ quán Pháp giới thiệu sang Pháp chữa trị”. Và khi được hỏi về tình hình sức khỏe hiện tại của Đại tướng Phùng Quang Thanh như thế nào, GS Phạm Gia Khải cho biết: "Tuy nhiên, cho đến lúc này (14h ngày 2/7), thông tin tôi mới nhận được từ ông Nguyễn Quốc Triệu - Trưởng ban chăm sóc Bảo vệ sức khỏe Trung ương, thì ông Thanh đã được phẫu thuật và cắt khối u trong phổi thành công (ngày 30/6). Sức khỏe của ông Thanh hoàn toàn ổn định, không có diễn biến xấu và tới đây sẽ về Việt Nam".
Trên trang Facebook cá nhân của Phan Xuân Trung có một status đáng chú ý bình luận về những nhận định của GS. TS Phạm Gia Khải xin mọi người cùng đọc:
Ngứa nghề.
Mình không hình dung ra được mối liên quan giữa việc chấn thương ngực vì va vào vô lăng xe với bệnh xơ phổi và cuối cùng là u phối.
Chấn thương ngực kín thì bất quá gãy xương sườn, làm sao mà vì đó thành xơ phổi được. Với cái tướng hộ pháp của bác ấy thì thành ngực rất dày, muốn đụng dập tới phổi đến nỗi thành di chứng xơ phổi thì hẳn bác ấy gãy vài cái xương sườn tạo thành mảng sườn di động luôn. Và với cái phổi bị dập đó thì làm sao bác ấy có được cái cơ thể hộ pháp đó được?
Xơ phổi thường xảy ra với những bệnh nhân lao phổi nặng, chữa trị trễ. Tổn thương phổi do lao tạo nên sẹo co rút trong nhu mô phổi. Chức năng hô hấp giảm sút, người thiếu sinh khí. Bác Phùng nhà mình chẳng có tướng của bệnh nhân lao phổi.
Xơ phổi thì chẳng thể chuyển biến thành u phổi được dù là u lành hay u ác. Hai bệnh này tính chất khác nhau, một bên là xơ hóa nhu mô, một bên là tân sinh.
Nghe nói bác ấy ho ra máu. Nếu đúng ho ra máu mà chưa có hình ảnh học thì đoán mò là lao phổi tạo hang, dãn phế quản, ung thư phế quản hoặc dị vật nằm lâu mà không biết.
Thông tin sau cùng, người ta nói bác ấy bị mổ khối u phổi, mà là u lành. U lành phổi thì có Củ Lao hay Hamartoma. Mấy cái u này không gây tổn hại sức khỏe, không chết người và cũng chẳng gây ra ho ra máu. Bác sĩ Pháp chả lẽ lại đi mổ mấy cái u lành này?
Chưa biết thực hư bệnh của bác Phùng thế nào. Nghe tin mạng thì là bác qua Tây và ai đó cho bác ấy một phát Xuyên Tâm Liên, nhưng cho trật thành Xuyên Phế Liên.
Đó là chưa kể đến chuyện báo chí nhà nước đã đưa tin ông Thanh gặp gỡ và bắt tay Bộ trưởng quốc phòng Pháp ngày 19-6 tại Paris, nhưng nay tại sao ông GS. Phạm Gia Khải lại nói: "Ông Thanh được chuyển sang Pháp từ ngày 24/6" (!?). Hơn nữa, nếu thực sự sức khỏe của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh không có vấn đề gì thì tại sao vừa chân ướt chân ráo vừa ở Paris về đến Hà nội (nhanh nhất là ngày 21/6) thì ông Phùng Quang Thanh lại phải cấp tốc bay trở lại Pháp để chữa trị? Cộng thêm một chi tiết nhỏ không thể không nhắc tới, đó là việc tại sao báo Pháp Luật Đời Sống lại đột nhiên đăng tiểu sử Bộ trưởng Phùng Quang Thanh song lập tức kéo xuống một các đầy bí ẩn?
Từ những phân tích trên đã dần cho thấy một sự thật là, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh hiện đang chữa trị bệnh viện Georges Pompidou thủ đô Paris vì lý do ...
Bệnh tình hiện quá nặng?
Người Việt có câu "tin đồn không Chồn cũng Cáo" và mới nhất, trên mạng xã hội facebook, người ta đang lưu truyền và share một mẩu tin dưới dạng tin đồn sau đây, xin không bình luận về sự xác thực của tin đồn này:
=>TIN QUAN TRỌNG.
Chiều tối ngày hôm qua 17:38 PM. giờ Pháp, vợ và con dâu Bộ trưởng cùng 4 sỹ quan cao cấp của BQP và Tổng cục 2 cũng đã tới pháp để tới bệnh viện Europeen Georges-Pompidou tại số 20 Rue 75015-Paris- Pháp. Được biết hiện giờ ông Thanh đang nằm tại phòng 3103 và được bảo vệ của CS Pháp cùng cận vệ của Bộ quốc phòng VN. Theo thông tin tình báo hiện sức khoẻ của ông Phùng Quang Thanh đang dần xấu đi rất nhiều, hiện đang phải sử dụng máy thở. bác sĩ trực tiếp chỉ đạo ca phẫu thuật đã trả lời một cách kín kẽ về bệnh tình của ông Thanh. chiều hướng đang xấu đi và có thể ông Thanh sẽ được đưa trở lại Việt Nam trong thời gian sớm nhất nếu tình hình trở nên quá trầm trọng ( về lo hậu sự như các bác sĩ việt nam thường nói)" tin nhận qua các đồng nghiệp làm báo nên cần được kiểm chứng lại" — à Washington (district de Columbia).
Phải chăng đây là lý do cách đây ít phút trên báo điện tử Soha có đăng một tin khá tức cười "Ông Phùng Quang Thanh gọi điện trực tiếp về VN sau phẫu thuật". Theo đó bản báo cho biết "Theo GS Phạm Gia Khải, thành viên Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương , sau ca phẫu thuật thành công, vào sáng nay (3/7), Đại tướng Phùng Quang Thanh đã gọi điện trực tiếp về cho ông Nguyễn Quốc Triệu và rất phấn khởi. Đồng thời, GS Khải cũng một lần nữa bác bỏ các tin đồn không chính xác về sức khỏe cũng như việc đi chữa bệnh của Đại tướng Phùng Quang Thanh."
Điều đó cho thấy những phát biểu của GS. TS Phạm Gia Khải trong những ngày gần đây chỉ nhằm mục đích đối phó với tin đồn không có lợi cho chính quyền Việt nam. Điều này làm người ta liên tưởng đến các tin tức liên quan đến cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng Ban Nội chính TW trước đây ít lâu. Khi mà ông Nguyễn Bá Thanh sắp (hoặc đã chết) nhưng người ta vẫn "xưng xưng" gắn vào miệng ông câu "Tau vẫn khỏe, có chi mô!".
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Gần đây các phản ứng từ phía Trung quốc cho thấy chính quyền nước này đã và đang dồn dập gây sức ép lên nhà nước Việt nam. Cụ thể là: Sáu ngày sau khi hiệp định ký kết khai thác, ngày 26/06/2015, giàn khoan HD-981 bắt đầu tiến vào vịnh Bắc Bộ ở khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Tàu.
Theo VnExpress đưa tin cho hay "Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên Vịnh Bắc Bộ", theo đó đây là cuộc diễn tập do Quân khu Quảng Tây tổ chức vào ngày 30/6/2015 cho lực lượng dân binh nhằm mục đích của cuộc diễn tập này nhằm "nâng cao khả năng xử lý tình huống khẩn cấp và khả năng tấn công trên biển cho lực lượng dân binh".
Mới đây nhất, ngày 01/07/2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua một dự thảo đầu tiên của bộ luật mới về an ninh quốc gia, trong đó Bắc Kinh tự cho mình quyền dùng sức mạnh để bảo vệ các lợi ích cốt lõi. Theo một số nhà quan sát, luật mới về an ninh của Trung Quốc có thể sẽ cho phép chính quyền Bắc Kinh sử dụng « mọi biện pháp cần thiết » để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Cộng với phản ứng từ phía Campuchia, khi Bộ Ngoại giao nước này đã liên tiếp gửi công hàm phản đối Việt Nam vi phạm đất đai Campuchia, tố cáo phía Việt nam đã có các hoạt động đào đất và làm mương thủy lợi của phía Việt Nam mà phía Campuchia nói là ở trên đất của họ. Điển hình là vụ xô xát xảy ra hôm Chủ nhật 28/6/2015 tại khu vực đường biên giữa tỉnh Long An của Việt Nam và tỉnh Svay Rieng của Campuchia, làm 10 người Campuchia và 8 người Việt Nam bị thương. Đây được đánh giá có lẽ là vụ xô xát lớn nhất xảy ra trong năm nay trên đường biên giữa hai nước. Hiện tượng này được các nhà quan sát cho rằng "Những hành động này không thể không có sự “chống lưng” của Trung Quốc, nằm trong một trong kịch bản do Trung Quốc dàn dựng để gây áp lực tối đa với Việt Nam."
Những điều nêu trên chắc chắn sẽ có liên quan đến phát biểu của Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt nam mới đây khi khuyến nghị quân đội đã khẳng định rằng "Không để quân đội bất ngờ về chính trị trong mọi tình huống". Đây là một phát biểu được đánh giá rằng chứa đựng nhiều ẩn ý và có thể hiểu theo nhiều nghĩa.
Kết
Một điều không thể không nhắc tới đó là việc ngày 19/6/2015 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với trên 83% đại biểu nhất trí. Trong đó, Điều 28 về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng đã bổ sung thẩm quyền "Trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, quyết định giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ trong trường hợp khuyết bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ" cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đây chính là câu trả lời cho câu hỏi một số nhà quan sát chính trị đặt ra lúc này là vai trò của Đại tướng Phùng Quang Thanh sẽ do ai đảm nhiệm, dù là tạm thời, trong lúc Việt Nam đang phải đối phó nhiều vấn đề cấp bách về quốc phòng. Điều đó cho thấy đến thời điểm hiện tại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hoàn toàn thâu tóm được về tay mình tất cả mọi quyền lực và trở thành một thủ lĩnh tối cao trong chính trị Việt nam, điều đã vắng bóng trong chính trường Việt nam kể từ năm 1986 đến nay.
Vào thời điểm hết sức nhạy cảm này, việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sang Nhật Bản tham dự Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7 tạiTokyo từ ngày 2-4/7/2015 cho thấy ông Dũng đang rất vững tin. Tuy vậy câu trả lời chính thức và rõ ràng nhất sẽ được rõ vào thời điểm kết thúc chuyến thăm Hoa kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong vài ngày tới, khi đó chúng ta sẽ biết rõ mọi chuyện sẽ ra sao.
Ngày 03/7/2015
Kami/(Blog Kami)
NGHĨ GÌ VỀ CHUYẾN CÔNG DU MỸ CỦA ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG?
Bài của Dannews / BVB 6/7/2015
Chuyến công du Hoa Kỳ lần đầu tiên của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam, ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sẽ được đánh dấu bằng cuộc gặp gỡ với tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 7 tới đây. Người Việt hải ngoại tiếp tục bàn đến sự kiện sắp xảy ra này với những ý kiến khá đa dạng mà Thanh Trúc ghi nhận trong bài sau:
Mỹ cần Việt Nam, Việt Nam cần Mỹ
Chuyến công du Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, là trường hợp đặc biệt chứng tỏ Mỹ cần đến Việt Nam hơn và Việt Nam cũng cần đến Mỹ hơn.
Từ Thụy Sĩ, ông Đặng Xương Hùng, cựu quan chức Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã ly khai và đang tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ, nhận định như vậy: “Việc chấp nhận đón tổng bí thư của một đảng cộng sản thì phải nói là Mỹ đã cần Việt Nam nhiều hơn. Một trong những nước phải nghĩ ngay đến là Việt Nam trong chiến lược quay lại Châu Á Thái Bình Dương của người Mỹ.Đấy là nhìn từ người Mỹ, bởi vì cũng phải thấy rằng chính sách của Mỹ đối với Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong thời gian gần đây, thí dụ việc Mỹ mở ra hướng để Việt Nam có thể tham gia vào TPP, rồi tổng tham mưu trưởng liên quân của Mỹ cũng đi đến Việt Nam, rồi rất nhiều quan chức của Mỹ đã đến Việt Nam trong thời gian gần đây. Chúng ta có thể thấy việc duy trì một đất nước Việt Nam yếu để khỏi đe dọa các nước láng giềng sang một chính sách vực Việt Nam dậy để khỏi rơi vào vòng tay Bắc Kinh.
Còn đứng về phia Việt Nam thì phải nói Việt Nam cũng hết sức lúng túng và Việt Nam cũng cần đến Mỹ , thể hiện ở cái là bằng mọi cách thu xếp cho ông tổng bí thư đi Mỹ để có thể đối chọi lại trong quan hệ đối với Trung Quốc.Tình hình sơ bộ là nếu chuyến đi này thực hiện trên cơ sở của một sự thay đổi về nhận thức thì sẽ có những tiến bộ, tức là nhìn nhận một bước ngoặt mới trong quan hệ với Mỹ, dẫn tới mối quan hệ thực chất hơn chứ không phải là hình thức đánh đu để cân bằng quan hệ với Trung Quốc mà không được cái gì cả”.
Từ Pháp, ông Nguyễn Gia Kiểng, tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, suy luận có phần giống ông Đặng Xương Hùng, tuy nhiên: “Không nên cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng là con người mờ nhạt, ít ý kiến và đang bị yếu thế trong cuộc tranh dành quyền lực với ông Nguyễn Tấn Dũng và cho rằng chuyến đi này không quan trọng. Vấn đề ông Nguyễn Phú Trọng tới thăm nước Mỹ, phải hiểu theo Hiến Pháp của Việt Nam hiện nay thì ông ấy là người quyền lực nhất, là người chính thức chứ không phải bán chính thức. Theo Hiến Pháp thì đảng cộng sản là đảng cầm quyền tại Việt Nam ,cho nên trên nguyên tắc ông Nguyễn Phú Trọng là người có quyền lực nhất, vậy thì ông phải tới nước Mỹ để làm cái gì đó đánh dấu một biến cố chính thức về mọi mặt. Biến cố đó là gì thì tôi nghĩ nó là điều mà tôi gần như chắc chắn là sự xáp lại của chế độ Việt Nam đối với Hoa Kỳ. Chọn lựa chẳng đặng đừng của đảng cộng sản Việt nam, một chọn lựa có lợi cho đất nước là thiết lập quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ. Xáp lại với Hoa Kỳ có nghĩa là trên nguyên tắc chấp nhận từ bỏ chính sách đốc tài đảng trị trong một tương lai tương đối gần”.
Không có gì thay đổi?
Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Minh Cần, người từng bỏ đảng và sinh sống mấy chục năm qua ở Nga, nói rằng ông không tin Việt Nam sẽ bắt tay với Mỹ để tạo thế đối trọng lại với Trung Quốc: “Trước khi ông Nguyễn Phú Trọng đi sang Hoa Kỳ thì cũng phải nhớ ông đã đi qua Bắc Kinh, đã gặp tổng bí thư và chủ tịch nước Trung Quốc, thì ta thấy đường lối của Việt Nam thể hiện qua ông Nguyễn Phú Trọng và cả đoàn đại biểu là một đường lối khuất phục rõ ràng trước những bước tiến công của Trung Quốc.
Thêm vào đó, hôm 17 và 19 tháng Sáu vừa qua , phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Phạm Bình Minh, đồng thời là ủy viên Bộ Chính Trị, cũng đã dẫn một đoàn sang Bắc Kinh. Ông phó thủ tướng đã ký một bản cam kết sẽ không có hành đông làm phức tạp tranh chấp, duy trì quan hệ giựa hai nước và hòa bình ổn định ở phương Đông. Từ chỗ đó, chuyến đi tháng Bảy này của ông Nguyễn Phú Trọng tôi nghĩ không thể có một hy vọng rằng ông sẽ bắt tay với Hoa Kỳ để làm bạn để mà đối trọng lại với Trung Quốc”.
Đối với ông Lê Hữu Đào, chủ tịch cộng đồng Việt Nam tại Liege, Vương Quốc Bỉ, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ là tổng bí thư một đảng cộng sản Việt Nam chú không phải đại diện của tất cả 90 triệu người dân trong nước, vì thế: “Trong bàn cờ quốc tế có những quốc gia một lúc nào đó kình chống nhau và một lúc nào đó nói chuyện với nhau. Ngày hôm nay ông Nguyễn Phú Trọng đi qua mà được tổng thống Obama tiếp thì nó cũng nằm trong hoàn cảnh hai bên nghĩ rằng có thể có lợi chung nào đó. Khi họ gặp nhau như vậy mình không cản nhưng mình có bổn phận phải nói rõ cho người mà mình có thể nói được là ông Obama. Phải nói rõ cho ông Obama biết ông Nguyễn Phú Trọng không đại diện cho dân tộc Việt Nam. Mong đồng bào mình ở bên Mỹ vận động tất cả bà con cô bác ngày hôm đó đến biểu tình thật lớn, nói lên nguyện vọng của dân tộc Việt Nam là không cộng sản và chống lại Trung Quốc”.
Một thành viên trong Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam ở Bắc California, ông Trần Phong Vũ, cho rằng chuyến đi Mỹ sắp tới đặt ông Nguyễn Phú Trọng vào một tình huống tế nhị liên quan đến vấn đề vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam: “Việt Nam trước hết phải đáp ứng những đòi hỏi chung của Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền và những vấn đề khác nữa. Trong vấn đề nhân quyền thì nó cũng có liên hệ tới TPP mà họ rất muốn Việt Nam sẽ cùng có mặt. Thành ra tôi nghĩ chuyến đi này đặt ra cho ông Nguyễn Phú Trọng rất nhiều vấn đề mà cá nhân ông cũng khó thể quyết định được bởi vì vai trò tổng bí thư của đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ yếu như thế này”.
Không thay đổi được gì hết, là ý kiến của ông Nguyễn Mạnh hùng, nguyên giáo sư kinh tế đại học Laval, Quebec, Canada:
Chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng là một sự cực chẳng đã cho ông, không còn biết dựa dẫm vào chỗ nào nên gặp được cái gì dựa dẫm được thì ông dựa ngay, thế thôi. “Thế còn đi mà nếu chuyện TPP được giải quyết tốt đẹp và nhanh chóng thì đó là một sức trợ giúp cho nên kinh tế Việt Nam , là cái cần để ông giữ được cái thể chế của ông, cái thể chế một đảng cộng sản độc trị như hiện thời thì không có một chút tương lai nào cho dân tộc hết”.
Dưới mắt tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu nhân viên Liên Hiệp Quốc, hiện là tư vấn cho một số nước về vấn đề thống kê kinh tế, mục đích cuộc hội kiến giữa tổng thống thống Obama và tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thể hiện điều quan trọng mà cả hai phía cùng nhắm tới: “An ninh ở biển Đông là chuyện quan trọng đối với nước Mỹ. Không những Việt Nam muốn vào TPP mà bản thân Mỹ cũng muốn Việt Nam vào TPP, là vì liên quan đến vấn đề ổn định khu vực Châu Á Thái Bình. Chứ còn coi như điều kiện vào TPP thì Việt Nam không phải là một nền kinh tế thị trường, do đó Mỹ khi mời Việt Nam vào TPP là họ đã chiếu cố đặc biệt đến tình hình của Việt Nam mà sự chiếu cố đó liên quan đến chính trị chứ không phải liên quan vấn đề kinh tế”.
Đó là suy nghĩ của một số người Việt hải ngoại về chuyến viếng thăm của ông Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ tuần tới. Tất cả những ý kiến khác nhau này đểu được tôn trọng song không nhất thiết phản ảnh quan điểm của đài Á Châu Tự Do.
(Dannews)
CHUYẾN ĐI MỸ CỦA ÔNG NGUYỄN PHÚ TRỌNG: QUAN TRỌNG NHẤT LÀ GIẢI TỎA NGHI KỴ!
Bài của THANH PHONG/ RFI / BVB 5/7/2015
Ảnh minh họa
Chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng, kéo dài từ ngày 06/07 đến 10/07, diễn ra đúng 20 năm sau khi Washington và Hà Nội bình thường hóa bang giao và 40 năm sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam.Hôm 03/07/2015, Hoa Kỳ đã chính thức thông báo là Tổng thống Barack Obama sẽ tiếp Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào ngày 07/07 tới tại Nhà trắng. Đây sẽ là một sự kiện lịch sử vì chưa bao giờ có một lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm Hoa Kỳ và đặt chân vào Nhà trắng.
 Tuy là nhân vật lãnh đạo số một của Việt Nam, nhưng đối với Hoa Kỳ, ông Trọng chỉ là lãnh đạo của một đảng cầm quyền, tương tự như đảng Dân chủ, nên chuyến đi này đặt ra nhiều rắc rối về nghi thức. Tuy vậy, theo lời một quan chức cao cấp của bộ Ngoại giao Mỹ, chính quyền Obama sẽ tiếp tổng bí thư Đảng CS như một lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam.
Có thể nói việc Tổng thống Obama tiếp ông Nguyễn Phú Trọng, một nhân vật bị xem là bảo thủ, thân Trung Quốc, tại Nhà trắng là bước phát triển đương nhiên của cả một tiến trình Hoa Kỳ, trong khuôn khổ chiến lược “xoay trục” sang châu Á, ra sức lôi kéo Việt Nam về phía mình.
Tiến trình này có thể nói là đã bắt đầu kể từ khi xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 tháng 5 năm ngoái, khiến quan hệ Việt-Trung trở nên cực kỳ căng thẳng. Tuy quan hệ giữa hai nước nay đã bớt căng thẳng, nhưng Hà Nội nay thấy rõ là Bắc Kinh ngày càng dứt khoát độc chiếm Biển Đông, thậm chí không loại trừ khả năng Trung Quốc dùng vũ lực để đánh chiếm toàn bộ quần đảo Trường Sa.
Điều quan trọng nhất mà Hoa Kỳ trông chờ từ chuyến viếng thăm của ông Nguyễn Phú Trọng, đó là bồi đắp thêm sự tin cậy giữa hai quốc gia cựu thù và nếu hay hơn nữa thì xóa tan hoàn toàn sự nghi kỵ giữa hai bên. Nếu như những thành phần cấp tiến trong giới lãnh đạo ViệtNam chủ trương thắt chặt quan hệ với Mỹ, thì trong phe bảo thủ, nhiều người vẫn nghi ngờ thực tâm của Washington.
Có lẽ nhằm xóa tan những nghi ngại đó, trong thời gian qua, nhiều lãnh đạo cao cấp của Hoa Kỳ đã liên tiếp đến thăm Việt Nam, Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey, Ngoại trưởng John Kerry, bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain, lãnh đạo khối nghị sĩ Dân chủ Nancy Pelosi, bộ trưởng Nội vụ Sally Jewell. Ấy là chưa kể cựu Tổng thống Bill Clinton đang có mặt ở Việt Nam nhân ngày Lễ Độc lập của Hoa Kỳ.
Tiến trình mà tiếng Anh gọi là “charm offensive” ( tung đòn quyến rũ ) có lẽ đã gặt hái kết quả, vì ngay chính tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trả lời hãng tin Bloomberg ngày 03/07 đã tuyên bố rằng : “ Mỹ là một trong những đối tác quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại giao của chúng tôi ”.
Như nhận định của ông Ernest Bower, một chuyên gia về Đông Nam á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, chuyến đi của ông Trọng chính là nhắm phá bỏ những hàng rào cản trở sự tin cậy. Theo ông Bower, hai nước cần phát triển một mức độ tin cậy và tôn trọng lẫn nhau.
Trong bối cảnh mối đe dọa Trung Quốc ngày càng lớn, một trong những hồ sơ chính mà ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đề cập với tổng thống Obama đó là dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ đối với Việt Nam. Lệnh cấm vận này chỉ mới được dỡ bỏ một phần vào tháng 10 năm ngoái.
Nhưng việc bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí này lại tùy thuộc vào những tiến bộ về nhân quyền tại Việt Nam. Một quan chức cao cấp bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua cho biết là phía Mỹ sẽ không quên chủ đề nhân quyền trong cuộc gặp gỡ giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Obama. Khi tiếp chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào mùa hè năm 2013 tại Nhà trắng, ông Obama đã nhấn mạnh đến việc tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và tự do biểu tình ở Việt Nam.
Hai lãnh đạo Việt Mỹ dĩ nhiên cũng sẽ bàn về hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương, do Hoa Kỳ chủ xướng và Việt Nam cũng là một trong những nước sẽ tham gia.
Thanh Phong/rfi

 LÃNH ĐẠO VIỆT NAM "KHÔNG DẠI GÌ " CHỜ MỸ CỨU
 pv của Fred Brown /BBC 5/7/2015

Năm 2015 đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai cựu thù Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như 40 năm chấm dứt Cuộc chiến Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra trước chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đầu tiên thăm Hoa Kỳ, là liệu quan hệ giữa Hà Nội và Washington rồi sẽ đi về đâu.
Theo cách nhìn của một cựu quan chức Hoa Kỳ và nhà quan sát quan hệ Việt - Mỹ từ nhiều năm nay, khó có chuyện hai bên là đối tác ký hiệp ước liên minh trong tương lai trước mắt.
Học giả và cựu quan chức Hoa Kỳ Fred Brown nói chuyện với Nguyễn Hùng của BBC Tiếng Việt tại Washington DC hồi cuối tháng Tư năm 2015.
Chính sách 'sáng suốt'
Fred Brown: Tôi là Fred Brown, quan chức ngoại giao Hoa Kỳ đã nghỉ hưu. Tôi đã phục vụ ở Việt Nam từ năm 1968-1970 và từ 1971-1973 với chức vụ lãnh sự và tổng lãnh sự ở Đà Nẵng, Vùng I chiến thuật. Cuộc trò chuyện của chúng ta hôm nay diễn ra tại nơi phải nói là nổi tiếng ở Washington, nó vừa là nhà hàng, vừa là quán cà phê, vừa là hiệu sách với tên gọi Busboys and Poets. Đây cũng là nơi diễn ra các sự kiện âm nhạc và đủ loai sự kiện ở Washington.
BBC:Vâng, cảm ơn ông nhiều về những lời giới thiệu. Trước hết ông có thể phát biểu ngắn gọn nhân kỷ niệm 40 năm kết thúc Cuộc chiến Việt Nam và cũng là 150 năm kết thúc Nội chiến Hoa Kỳ. Ông nghĩ sao về cách người Mỹ hòa giải với nhau và cách người Việt Nam đang hòa giải?
Fred Brown: Tôi không thấy có nhiều liên quan giữa nội chiến đã kết thúc ở Hoa Kỳ với những gì diễn ra ở Việt Nam trong mấy thế hệ gần đây. Theo quan điểm của tôi Nội chiến Hoa Kỳ đã không kết thúc êm thấm mà còn kéo dài thêm nữa.
BBC:Thêm bao lâu nữa?
Fred Brown: Phải mất thêm 100 năm nữa người Mỹ da đen mới có quyền bỏ phiếu một cách có hệ thống và được bảo vệ trong nền dân chủ của chúng tôi. Mất 100 năm đấy. Còn đối với Việt Nam, nó cũng có thể phải mất chừng đó thời gian. Nhưng đó là hai hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau và tôi thấy rất khó để so sánh cho rõ ràng. Nhưng cả hai nước đều phải trải qua giai đoạn điều chỉnh vô cùng khó khăn và đau thương.
BBC:Và hôm nay khi ông quan sát chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, Trung Quốc và khu vực, ông có nghĩ rằng đó là các chính sách đúng?
Fred Brown: Tôi nghĩ chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam trong 10-15 năm qua là rất sáng suốt và cẩn trọng, cẩn trọng từ cả hai phía. Tôi nghĩ một trong những điểm nổi bật và đáng chú ý trong quan hệ mới của chúng tôi với Việt Nam là cả hai phía đều hết sức cố gắng để hiểu quan điểm của nhau. Tôi không nói rằng quan hệ ở mức hoàn hảo nhưng đó là mối quan hệ tốt nếu đem so sánh với các mối quan hệ khác trên thế giới. Hiện giờ tôi chỉ có thể bình luận thế thôi.
Tương lai quan hệ
BBC:Liệu trong 10 năm hay 20 năm nữa ông nghĩ quan hệ Mỹ Việt sẽ đi tới đâu vì năm nay đã là 20 năm tái lập quan hệ?
Fred Brown: Tôi khó có thể đoán được mối quan hệ trong 20 năm nữa. Nếu hai bên tiếp tục đối thoại, tiếp tục hiểu tầm quan trọng của Trung Quốc, hiển nhiên Trung Quốc là yếu tố quan trọng nhất đối với cả hai bên và theo cách mà Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng hiện đang xử lý mọi việc thì triển vọng cho những năm tới là rất tốt. Tôi không có lý do gì để tin rằng Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ hay Nhà Trắng sắp tới sẽ thay đổi cách tiếp cận thận trọng hiện nay đối với mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đó là những mối quan hệ có liên quan tới nhau và theo tôi quan điểm của Việt Nam và Hoa Kỳ là giữ sự thận trọng, có chừng mực và sự thích ứng.
BBC:Ông có nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ cứu Việt Nam nếu không may Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa hay thậm chí tấn công?
Fred Brown: Để tôi trả lời câu hỏi này sau đi.
BBC:Trong quá khứ khi Trung Quốc chiếm toàn bộ đảo Hoàng Sa và sau đó khi Trung Quốc tấn công Việt Nam hồi năm 1979 và rồi năm 1988 khi họ chiếm một đảo ở Trường Sa, tôi nghĩ đương nhiên Việt Nam trông đợi nhiều hơn từ phía Hoa Kỳ và từ cả Liên Xô vốn giờ không còn nữa. Tôi chỉ muốn hỏi Việt Nam có thể trông đợi gì từ Washington trong tình huống xấu nhất khi họ cần một người bạn thì Hoa Kỳ có bao giờ là người bạn đó không?
Fred Brown: Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo Việt Nam không dại gì mà đề nghị Mỹ giúp Việt Nam trong những tình huống như thế. Tôi không nghĩ là có chuyện như thế xảy ra. Tôi nghĩ lãnh đạo Việt Nam cần hiểu rõ lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ nằm ở đâu. Chúng tôi không phải là đồng minh ký hiệp ước với Việt Nam và tôi không nghĩ điều này có thể xảy ra trong tương lai gần hoặc là về sau nữa. Còn Trung Quốc luôn là yếu tố quan trọng trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ và Việt Nam hiểu điều đó. Thế nên theo tôi vấn đề anh nói sẽ không xảy ra.
Có phải Mỹ thua?
BBC:Liệu đó có phải là điều ngạc nhiên đối với ông không khi Bắc Việt Nam, một nước rất nghèo trước 1975 và vũ trang không được hiện đại như quân đội Hoa Kỳ hay quân lực Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ nhưng cuối cùng họ vẫn thắng trong cuộc chiến?
Fred Brown: Về mặt hành chính có hai nước Việt Nam khác nhau cho tới trước 1975. Tôi thấy khó có thể bì được sự trợ giúp mà Bắc Việt Nam, Việt Nam cộng sản có được không chỉ từ Trung Quốc mà còn cả Liên Xô vốn đã giúp củng cố hệ thống phòng không hiệu quả cho Bắc Việt Nam. Tôi chỉ bình luận thế thôi vì tôi nghĩ khó mà so sánh hai hoàn cảnh về mặt quân sự vì còn có những vấn đề chính trị ở Hoa Kỳ vốn đã quyết định những gì diễn ra từ sau năm 1968.
BBC:Năm nay là kỷ niệm 40 năm và họ có lễ kỷ niệm lớn ở Sài Gòn trước đây, giờ là thành phố Hồ Chí Minh, và họ nói rằng một nước nhỏ và nghèo như Việt Nam đã thắng siêu cường trên thế giới. Nói vậy có đúng không? Có đúng Việt Nam đã thắng không hay Mỹ đã không muốn có thêm mất mát và rời đi?
Fred Brown: Tôi không chấp nhận cách nhìn nhận này. Có hai nước Việt Nam cho tới 1975, một do những người Cộng sản kiểm soát ở miền Bắc và một ở miền Nam, Việt Nam Cộng hòa mà Hoa Kỳ ủng hộ. Lý do cho cái gọi là thua đối với Hoa Kỳ trong cuộc chiến đó rất phức tạp, khó mà có thể gói lại trong một câu.
BBC:Ông có nghĩ rằng Việt Nam đã học được cách là bạn tốt hay có quan hệ tốt với Hoa Kỳ?
Fred Brown: Vâng tôi nghĩ rằng Việt Nam đã cải thiện nhiều, Bắc Việt Nam, Cộng sản Việt Nam đã tiến một bước dài trong chuyện hiểu được Hoa Kỳ, hiểu những gì Hoa Kỳ có thể làm và có thể không làm. Đây là điểm tích cực. Về phía Mỹ cũng thế.
Chúng tôi không có mong đợi quá mức trong quan hệ với Việt Nam. Anh nói rằng đó là nước nhỏ nhưng họ cũng là nước thứ 11 hay 12 về dân số và tôi nghĩ nếu Việt Nam có những chính sách sáng suốt về kinh tế và chính trị trong một thế hệ tới thì Việt Nam có cơ hội trở thành nước lãnh đạo quan trọng ở Đông Nam Á.
Tôi nghĩ đây là điều tốt và hợp lý. Nhưng nó cũng đòi hỏi sự hợp tác ở mức cao không chỉ với ASEAN, Hiệp hội các nước Đông Nam Á mà còn với Hàn Quốc, Nhật Bản và hiển nhiên là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Tôi nghĩ chính sách đa phương của chính phủ Việt Nam hiện nay là sáng suốt thể hiện sự hiểu biết và cần phải tiếp tục.
Vấn đề nhân quyền
BBC:Tôi muốn hỏi hai câu nữa thôi. Thứ nhất là ông nghĩ sao về cách Việt Nam phản hồi đối với các yêu cầu từ Hoa Kỳ về chuyện cải thiện nhân quyền. Gần đây họ thả hai nhà bất đồng chính kiến và một người hiện ở California, một người ở Virginia. Liệu Việt Nam có thể làm gì trong lĩnh vực này để cải thiện quan hệ?
Fred Brown: Tôi nghĩ cái gọi là nhân quyền sẽ vẫn luôn là một phần trong quan hệ của chúng tôi với Việt Nam. Tất cả các vấn đề khác cũng thế. Cách đối xử của chính quyền Việt Nam đối với người dân của chính họ sẽ luôn là chuyện quan trọng không chỉ của chính quyền mà cả Quốc hội Hoa Kỳ. Tôi cho rằng đó là vì lợi ích của Việt Nam khi họ tận dụng được dân số thông minh, tài năng, được đào tạo tốt ở một số cấp độ. Đó là dân số cần tận dụng và sử dụng theo cách tích cực. Chính quyền cần làm như vậy thay vì ngăn cản họ có thông tin chẳng hạn.
BBC:Và cuối cùng nhiều người từ Nam Việt Nam trước đây cho tới tận hôm nay họ vẫn thấy cay đắng vị bị Hoa Kỳ bỏ lại, bị bỏ rơi hồi năm 1975 và họ nói không bao giờ có thể tin được người Mỹ. Vậy Hoa Kỳ đã làm những gì để vỗ về, để họ hài lòng hơn?
Fred Brown: Ý anh muốn nói về người Mỹ gốc Việt, hiện khoảng 1,2 triệu người?
BBC:Vâng, đúng vậy.
Fred Brown: Đó không phải là chuyện vỗ về họ mà chính họ tận dụng mọi cơ hội có ở Hoa Kỳ. Họ đã khá thành công. Tôi có nhiều bạn người Mỹ gốc Việt mà nhiều người khá hơn tôi về tài chính và nhiều người được đào tạo tốt hơn tôi, hay vợ tôi hay con tôi. Người Mỹ gốc Việt đã thành công hơn người Mỹ gốc Campuchia hay gốc Lào chẳng hạn. Người Mỹ gốc Việt rất khấm khá và họ không cần ai vỗ về vì họ tận dụng mọi cơ hội họ có thể có và cần có từ hệ thống.
BBC:Vâng và có thể tôi hỏi thêm một câu về những cựu binh Hoa Kỳ giờ đang ở trong chính trường như Thượng Nghị sỹ John McCain hay cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, ông John Kerry, những người lính trước đây ở Việt Nam, khi họ rời chính trường ông có nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ thay đổi chính sách của họ đối với Việt Nam?
Fred Brown: Hiển nhiên là thế hệ đó, thế hệ của tôi, đang mờ dần đi. Các ông Hagel, Kerry và McCain đều đã có tuổi, nhất là ông McCain. Nó sẽ gây ra thay đổi vì thế hệ mới sẽ phải học cách hiểu Việt Nam từ đầu. Có thể đây là lợi thế. Nhưng những lợi thế và hạn chế giống nhau là lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ có nhiều điểm chung với lợi ích quốc gia của Việt Nam dù không phải là tất cả.
Phỏng vấn với ông Fred Brown được Nguyễn Hùng thực hiện tại Washington DC hồi cuối tháng Tư năm 2015



CHÍNH TRỊ VIỆT NAM QUA CHUYÊN ĐI MỸ CỦA ÔNG TRỌNG

Bài của VŨ TƯỜNG PGS ĐH Oregon/ BBC 4/7/2015


Chuyến đi làm việc của ông Nguyễn Phú Trọng, và trước đó của các ông Phạm Quang Nghị và Trần Đại Quang là những chuyến đi lần đầu tiên của một Tổng Bí thư, Bí thư Thành ủy Hà nội, và Bộ trưởng Bộ Công An đến Mỹ.
Rõ ràng đây là những sự kiện quan trọng, nhưng quan trọng đến mức nào thì cần phải bàn. Phân tích chính trị Việt Nam khó vì thiếu thông tin xác thực. Nhưng điều này không ngăn cản chúng tôi đưa ra một số nhận xét dưới đây, dựa trên năm yếu tố hay xu hướng căn bản trong chính trị và quan hệ đối ngoại của Việt Nam trong những năm gần đây.
Xin phép được tiết lộ trước kết luận của bài viết: Nói chung chúng tôi không đánh giá cao chuyến đi của ông Trọng.
Năm yếu tố hay xu hướng căn bản trong chính trị và quan hệ đối ngoại của Việt Nam là:
Thứ nhất, đấu đá tranh giành đặc quyền đặc lợi giữa các phe nhóm và cá nhân lãnh đạo các cấp ở Việt Nam ngày càng lớn về quy mô và mức độ. Trong thời điểm chuẩn bị Đại Hội Đảng như hiện nay, với cơ cấu nhân sự nhiệm kỳ tới là mục tiêu, việc đấu đá còn gay gắt hơn.
Thứ hai, trong chóp bu Đảng Cộng sản có nhiều người còn trung thành với chủ nghĩa Mác-Lê nin, xem Trung Cộng về căn bản là đồng minh chiến lược trong khi cảnh giác cao đối với Mỹ. Ông Trọng rõ ràng là một người trong nhóm này.
Thứ ba, 'tiền và mafia' ngày càng 'lũng đoạn' chính trị Việt Nam, chi phối hầu hết những vấn đề quan trọng từ việc bổ nhiệm nhân sự cho đến quyết sách ngoại giao. Các thế lực có tiền gồm chính phủ nước ngoài, các công ty ngoại quốc lớn, và giới tư bản đỏ cấu kết với các lãnh đạo Đảng.
Thứ tư, chính sách quân sự của Trung Quốc đang gây áp lực lớn lên chính trị Việt Nam. Áp lực từ dưới lên và từ trong ra đòi hỏi Đảng Cộng sản có lập trường cứng rắn hơn về vấn đề biển đảo. Áp lực này đang tạo ra phân hóa sâu sắc trong nội bộ Đảng này.
Và thứ năm, về quan hệ Mỹ-Việt, một số chính khách lớn của Mỹ như Thượng Nghị Sĩ John McCain xem Việt Nam là một đối tượng hợp tác quan trọng trong việc ngăn cản Trung Quốc bành trướng thế lực ở Á châu.
Dĩ nhiên những người ủng hộ Việt Nam ở Mỹ, kể cả ông McCain, không đủ quyền tự ý quyết định quan hệ Mỹ-Việt, vì có nhiều chính khách khác muốn bắt Việt Nam phải trả giá cho những vi phạm nhân quyền. Về mặt quyền lợi quốc gia, Mỹ cũng có nhiều đồng minh lâu năm khác ở Á châu, nên Việt Nam không phải là 'lá bài' chủ yếu hay duy nhất.
Lý do có chuyến thăm
Trên đây là những xu hướng căn bản của nền chính trị và quan hệ đối ngoại của Việt Nam hiện nay mà chúng ta có thể ít nhiều chứng thực từ các nguồn thông tin khác nhau.
Những xu hướng này giúp trả lời hai câu hỏi sau đây.
Thứ nhất, tại sao Washington mời ông Trọng?
Tổng thống Barack Obama, lãnh đạo Đảng Cộng Hòa, giới chức quốc phòng, và các nhóm lợi ích đại diện cho một số đại công ty của Mỹ muốn Quốc Hội Mỹ thông qua Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hai trong những trở ngại chính liên quan đến Việt Nam là việc Hà Nội không cho công nhân quyền tự do lập công đoàn và thành tích vi phạm nhân quyền cao của Việt Nam.
Mời ông Trọng và ông Quang sang Mỹ là có ý định cho thấy Mỹ công nhận quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản và không có mưu đồ chuyển hóa Việt Nam như họ lo sợ.
Qua việc bày tỏ thiện chí, chính quyền Obama có thể thuyết phục Bộ Chính trị chấp nhận viết vào Hiệp định TPP một vài câu 'mơ hồ' về cải thiện nhân quyền ở Việt Nam để Quốc Hội Mỹ dễ chấp thuận hơn.
Washington cũng có thể hy vọng công an Việt Nam thả một vài nhân vật đối kháng và giảm bớt việc bắt bớ đàn áp trong một giai đoạn nào đó.
Có thể tiên đoán Washington sẽ đạt được những mục tiêu khiêm tốn trên.
Thứ hai, vì sao Việt Nam nhận lời?
Tại sao ông Trọng (và trước đó là Nghị và Quang) nhận lời đi Washington?
Áp lực từ Trung Quốc và đấu đá nội bộ là những lý do chủ yếu.
Vụ Trung Quốc đặt giàn khoan năm ngoái đã làm yếu thế phe thân Trung Quốc ở Việt Nam.
Nhiều nhà quan sát cho rằng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đối thủ của ông Trọng và có nhiều khả năng sẽ thắng thế trong cuộc tranh giành chức vụ tổng bí thư nhiệm kỳ sắp tới, dù ông Trọng muốn dành chức này cho ông Nghị.
Còn sớm để nhận định
Chúng tôi cho rằng còn hơi sớm để nhận định.
Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản vẫn còn thế lực rất lớn so với Ban Chấp hành Trung ương, đặc biệt là trong vấn đề cơ cấu nhân sự trong mỗi nhiệm kỳ Đại Hội Đảng.
Ông Trọng và Nghị vẫn còn ưu thế, mặc dù phải dè dặt hơn.
Chuyến đi Mỹ của hai ông vì vậy có tác dụng giảm bớt áp lực chính trị đối nội và đối ngoại, lấy lại thế chủ động trong vấn đề quan hệ với Trung Quốc để bảo vệ vị thế của phe nhóm trong kỳ Đại Hội tới.
Là cán bộ tuyên huấn chuyên nghiệp trong bộ máy công chức với tầm nhìn và năng lực hạn chế, ông Trọng không thể và thực sự chưa bao giờ tạo ra đột phá.
Chuyến đi của ông chỉ là một chiến thuật be bờ cố thủ cho qua Đại Hội.
Ông Trọng có thể hài lòng với chuyến đi, như ông từng tuyên bố sau khi đi Vatican về: “Mình phải như thế nào người ta mới mời chứ!”
Nhưng áp lực từ Trung Quốc và đấu đá nội bộ rõ ràng sẽ không giảm, đòi hỏi ông phải tiếp tục cố gắng hơn.
Nhìn xa hơn chuyến đi, những xu hướng căn bản của chính trị Việt Nam cho phép chúng tôi tiên đoán ba điều sau đây:
Thứ nhất, Hiệp định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được thông qua, nhưng kinh tế Việt Nam ngày càng lệ thuộc Trung Quốc nhiều hơn;
Thứ hai, chiến tranh Việt-Trung sẽ không xảy ra dù Trung Quốc ngày càng lấn lướt;
Và thứ ba, lệnh cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ sẽ được giỡ bỏ phần lớn, nhưng quan hệ đồng minh thực sự giữa Việt Nam và Mỹ vẫn xa vời.
Nếu những tiên đoán trên chứa đựng nghịch lý, điều đó không phải ngẫu nhiên, mà do chúng phản ánh những mâu thuẫn sâu sắc và sự bế tắc của nền chính trị Việt Nam.
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà nghiên cứu từ Khoa Chính trị, Đại học Oregon, Hoa Kỳ.

BỘ MẶT QUỐC GIA HAY LÀ NIỀM TIN MONG MANH VỀ "SỢI DÂY THẦN KINH XẤU HỔ"
Bài của NGUYỄN TRỌNG BÌNH/ Viet-studiess 7/8/2015
1. Trước hết phải nói thật là với tôi, chuyến công du của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ lần này không có gì “ghê gớm” lắm đến mức làm nhiều người phải “đao to búa lớn” trong nhận định. Ai đó cho rằng chuyến đi này của ông Trọng sẽ tạo ra “bước ngoặt mang tính lịch sử” cho cả hai nước đặc biệt là với Việt Nam nhưng với cá nhân tôi, dù không bi quan nhưng thật lòng tôi hoàn toàn không tin và cũng không có sự kỳ vọng ấy. Nói như vậy không có nghĩa là tôi không có chút niềm tin hay ước mơ gì từ chuyến đi này của ông Trọng. Thật ra, tôi cũng có một niềm tin (dù rằng rất mong manh); cũng có một kỳ vọng, một ước mơ nho nhỏ. Trước khi nói về vấn đề này xin được phép trình bày lý do vì sao tôi lại nói không tin chuyến công du của ông Trọng lần này sẽ mở ra “bước ngoặt lịch sử” cho đất nước và dân tộc Việt Nam chúng ta hôm nay.
Lý do thứ nhất: Có thể thấy, truyền thông nước nhà (nhất là phía chính thống) trước chuyến công du của ông Trọng có vẻ do phải thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cho bộ máy Nhà nước nên đã cố ý xoáy sâu và nhấn mạnh vào chi tiết lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao, Hoa Kỳ đã đồng ý và chấp nhận tiếp đón một quan chức đứng đầu một tổ chức chính trị (lại là Đảng cộng sản) với nghi thức cao nhất tại Nhà trắng. Từ đó “tự sướng” và cho rằng điều này chứng tỏ Hoa Kỳ đã thực sự “tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam”.
Thực ra, về mặt lý thuyết mà nói thì đúng là như vậy, đúng là Hoa Kỳ đã có cái nhìn “tôn trọng” Việt Nam so với 20 năm trước đây khi hai nước chưa bình thường hóa mối quan hệ. Tuy vậy, theo tôi, vấn đề quan trọng ở đây là ở chiều ngược lại và trên thực tế thì Việt Nam có biết tận dụng cơ hội khi nhận được sự “tôn trọng” từ phía Hoa Kỳ hay không? Đây mới thực sự là mấu chốt và bản chất của vấn đề, từ đó làm cơ ở bàn chuyện chuyến đi này của ông Trọng có tạo ra một“bước ngoặt lịch sử” hay vẫn là một sự “giẫm chân tại chỗ” thậm chí “nói vậy chứ không phải vậy” từ cả hai phía?
Nghiêm túc mà nói, vì lợi ích chiến lược của mình ở Châu Á Thái Bình Dương, từ lâu Hoa Kỳ đã có những thay đổi trong cái nhìn cũng như đã thể hiện sự “tôn trọng” nhất định đối với Việt Nam; Hoa Kỳ đã từng nhiều lần tạo điều kiện và cho Việt Nam cơ hội nhưng Việt Nam có hiểu và có tận dụng được đâu. Hãy thử lại nghĩ mà xem, nếu không “tôn trọng”, không cho Việt Nam cơ hội thì Hoa Kỳ dưới thời tổng Bill Clinton có đồng ý bình thường hóa quan hệ và dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam hay không? Và liên tiếp sau đó là mời hàng loạt các quan chức cấp cao của Việt Nam như: Phan Văn Khải, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang trong các năm 2005, 2007, 2008 và 2013 sang Nhà trắng để “nói chuyện”? 
Lý do thứ hai: Tuy bây giờ ông Trọng sang thăm Mỹ với tư cách là người đứng đầu ĐCS Việt Nam nhưng mọi người cần nên nhớ một điều, ở Việt Nam lâu nay mọi vấn đề dù lớn hay nhỏ của đất nước đều được quyết định bởi một “tập thể lãnh đạo” với tên gọi là “Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam” (gọi tắt là “Bộ chính trị”). Mà Bộ chính trị này bao gồm những ai? Xin thưa hiện nay, ngoài ông Trọng thì còn có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng mười mấy vị khác nữa. Cho nên, nhìn bề ngoài ông Trọng sang thăm Hoa Kỳ lần này tuy là với tư cách là người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam nhưng thực chất ông cũng chỉ là người đại diện cho Bộ chính trị giống như các vị lãnh đạo trước đây từng sang thăm Hoa Kỳ mà thôi. Chắc chắn một điều, để có được chuyến đi chính thức hôm nay, thời gian qua những người trong Bộ chính trị đã họp bàn và chuẩn bị mọi vấn đề “đâu vào đó” hết cả rồi và ông Tổng Bí Thư chắc chắn cũng chỉ được phép nói, được phép trao đổi trong khuôn khổ những vấn đề đã chuẩn bị ấy.
Trước khi chính thức đặt chân lên xứ sở của Nữ Thần Tự Do, ông Tổng Bí Thư cũng nói rằng sẽ “trao đổi thẳng thắn” với Tổng thống Obama. Thế thì một câu hỏi đặt ra là như thế nào mới được gọi là “thẳng thắn” hay “thẳng thắn” tới đâu, “thẳng thắn” trong vấn đề gì, cách tiếp cận ra sao...? Cá nhân tôi cho rằng, về cơ bản sự “thẳng thắn” mà ông Trọng nói chẳng qua cũng nằm trong khuôn khổ những vấn đề mà lãnh đạo cấp cao hai nước trước đây đã từng đề cập, sẽ không có gì mới mẽ và đột phá cả.
Cho nên, theo tôi, sau chuyến đi này của ông Trọng, về cơ bản tình hình Việt Nam “đâu sẽ lại vào đấy” (giống như những chuyến công du của các lãnh đạo cấp cao trước đây) là khả năng dễ xảy ra nhất.
2. Bây giờ xin được phép nói về niềm tin mong manh cũng như sự kỳ vọng và ước mơ bình dị, nho nhỏ của cá nhân tôi về chuyến công du của ông Tổng Bí Thư.
Có thể thấy, không riêng gì lần gặp gỡ này trên đất Mỹ, lâu nay ông Trọng và những lãnh đạo Việt Nam nói chung bao giờ cũng mong muốn phía Hoa Kỳ tôn trọng “thể chế chính trị” của Việt Nam. Điều này xét trên mối quan hệ về lập trường và quan điểm chính trị của mỗi quốc gia là chính đáng. Tuy vậy và cũng từ chỗ này, nếu phải nói về một ước mơ, sự kỳ vọng gửi cho ông Trọng trong chuyến công du này thì điều đầu tiên tôi muốn nói là: ông Trọng khi sang xứ sở của Nữ Thần Tự Do hãy làm sao thể hiện mình như là một chính khách ngoại giao thực thụ bởi dù muốn dù không ông cũng đang đại diện cho cái “bộ mặt quốc gia”, bộ mặt của đất nước Việt Nam với lịch sử 4000 năm văn hiến; mong ông hãy cố gắng và nhớ là đừng quá căng thẳng, đừng quá “khuôn mẫu”, hãy cho phép bản thân mình (có thể là 1 lần duy nhất trong đời mà thôi) cái quyền được suy nghĩ, được nói, được thở, được sống, được cảm nhận cuộc sống trong bầu không khí của một xã hội tự do và văn minh bậc nhất trên thế giới. Mong ông trong lúc tiếp chuyện với các chính khách ở Hoa Kỳ hãy vận dụng và phát huy tất cả vốn liếng về văn hóa, tri thức, tầm nhìn trí tuệ, sự tự tin của người đứng đầu đất nước để 90 triệu dân Việt Nam có được vài phút giây tự hào trong khi xem chương trình thời sự lúc 19 giờ trên sóng đài truyền hình quốc gia.
Bên cạnh đó, tôi cũng mong rằng sau chuyến công du trở về ông Tổng Bí Thư sẽ báo cáo lại một cách trung thực với toàn thể nhân dân về tất cả những chuyện ông đã nói, đã “trao đổi thẳng thắn” với người đứng đầu Nhà trắng. Mong ông và “đoàn tùy tùng” hãy nói thật một lần cái cảm xúc và suy nghĩ của mình sau khi đã có những trải nghiệm tại xứ ở của “bọn tư bản giãy chết” trong cái nhìn so sánh với cái “thiên đường XHCN” ở nước ta hiện nay.
Cái thể chế chính trị, cách tổ chức bộ máy Nhà nước của Việt Nam do ông Tổng Bí Thư và những người tiền nhiệm trước đây điều khiển và cái thể chế chính trị, cách tổ chức bộ máy Nhà nước của Hoa Kỳ do Tổng thống Obama hiện nay làm đại diện đương nhiên có sự khác biệt rất lớn và rất rõ ràng, thế giới ai cũng nhìn thấy. Vì thế, một ước mơ nhỏ nhoi nữa của cá nhân tôi là mong ông Tổng Bí Thư hãy tự vấn và lý giải tại sao, vì lý do gì mà suốt 40 năm qua đất nước Việt Nam dưới dẫn dắt của các ông vẫn không thể phát triển, không thể “hóa rồng”? Tại sao Việt Nam hiện nay lại bị người “anh em”, “đồng chí”, “láng giềng hữu hảo” Trung Quốc coi thường, bắt nạt và nhất là ngày một ngang ngược, hung hăng không những xâm phạm chủ quyền mà còn uy hiếp, tấn công đồng bào ta trên Biển Đông?
Qua đây, cũng mong sao ông Tổng Bí Thư và tất cả các thành viên trong Bộ chính trị hiện nay nghiêm túc và thẳng thắn nhìn lại con đường mà các ông (cũng như các thế hệ lãnh đạo trước đây) đã lựa chọn và bắt buộc cả dân tộc này phải đi chung trong ròng rã 40 năm trời kể từ ngày thống nhất đất nước. Phải chăng đây là sự lựa chọn thể hiện sự “tài tình” và “sáng suốt”?
Nói cách khác, một cách thẳng thắn nhất, về mặt nhận thức tôi cho rằng nếu muốn “tạo ra bước ngoặt mang tính lịch sử” cho dân tộc và đất nước Việt Nam sau chuyến đi này trước hết chỉ cần ông Tổng Bí Thư và các thành viên trong Bộ chính trị phải biết tự xấu hổ với bản thân và trước nhân dân về tất cả sự lạc hậu, bảo thủ và yếu kém của mình trong tư cách là những lãnh đạo trực tiếp điều hành và quản lý đất nước thời gian qua. Đồng ý là Việt Nam và Hoa Kỳ cần thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau về thể chế chính trị. Tuy vậy, theo tôi điều quan trọng là chúng ta phải biết tự xấu hổ về sự thua sút của mình để từ đó học tập và thay đổi cho tốt hơn. Và tốt hơn không phải là vì một cá nhân hay một nhóm người nào mà là cho cả dân tộc, cả đất nước.
Nói tóm lại, dù thế nào thì cũng mong ông Tổng Bí Thư nếu thực sự nghĩ về tương lai và vận mệnh của dân tộc và đất nước (chứ không phải tương lai và vận mệnh của khoảng 4 triệu Đảng viên) cố gắng đừng bao giờ để đứt “sợi thần kinh xấu hổ”. Đây cũng là niềm tin mong manhmà bản thân tôi dành cho cá nhân ông trong chuyến công du lần này.
Cần Thơ, 6/7/2015
NTB
Tác giả gởi co viet-studies ngày 7-7-15








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét