Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

20150716. LÃI GIẢ CỦA LỌC DẦU DUNG QUẤT

ĐIỂM BÁO MẠNG
LỌC DẦU DUNG QUẤT LÃI NHỜ ƯU ĐÃI-VN ĐƯỢC GÌ ?
Bài của VŨ LAN / ĐV 15/7/2015)
Nếu làm tràn lan, ưu đãi đến hụt hơi cuối cùng cái Việt Nam có được chỉ là cái nhà máy cùng với gánh nặng ngân sách đè nặng vai.
Lỗ còn khiêm tốn!
Trong một báo cáo mới đây của PVN gửi Chính phủ cho biết, kết quả sản xuất kinh doanh của Dung Quất chịu tác động rất lớn từ cơ chế ưu đãi. Báo cáo cũng cho biết, nếu không có cơ chế ưu đãi thuế nhập khẩu, Dung Quất thực sự liên tục thua lỗ. Năm lỗ ít nhất trên 3.100 tỉ, cao nhất là năm 2014 lỗ tới 7.136 tỉ đồng. Tính chung từ năm 2010-2014, Dung Quất lỗ lên tới 27.600 tỉ đồng!...nếu không có ưu đãi.
Nhận xét kết quả này, ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho rằng đây là thực tế hiển nhiên.
Với bất cứ dự án lọc dầu nào không có ưu đãi của nhà nước sẽ lỗ. Vì vậy, Việt Nam đã thực hiện cơ chế ưu đãi đặc biệt với các dự án lọc hóa dầu, cho phép các dự án này được giữ lại 7% thuế nhập khẩu đối với sản phẩm xăng dầu. Riêng với Dung Quất nếu lỗ, PVN với danh nghĩa là tập đoàn nhà nước phải bỏ tiền gánh lỗ thay.
Loc dau Dung Quat lai nho uu dai: Viet Nam duoc gi?
Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Chắc chắn những ưu đãi này còn kéo dài, thậm chí ưu đãi đến hết đời dự án.Vì vậy, có nói trong năm năm Dung Quất được giữ lại con số lên tới 26.000 tỷ đồng thuế nhập khẩu là còn khiêm tốn. 7% đừng nói là nhỏ, đó là hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm trong khi vốn đầu tư là 3 tỉ USD cùng với những chính sách ưu đãi kịch trần, ưu đãi đến hụt hơi.
Ông Dũng khẳng định việc đầu tư, xây dựng nhà máy lọc dầu là cần thiết vì hai mục tiêu lớn: Giảm sự phụ thuộc, chi phối của thế giới và là động lực, đầu tàu phát triển kinh tế của địa phương. Nhưng hiệu quả của cả hai mục tiêu này tới nay đều chưa thể đo đếm được trong khi cái mất lại đang nhìn thấy rõ.
Trong thế giới hội nhập cứ có tiền là mua, nhưng nếu Việt Nam tự sản xuất được xăng dầu Việt Nam có thể chủ động hơn cả về nhu cầu cũng như giá cả trên thị trường. Nhất là trong bối cảnh thế giới có biến động, bị cấm vận việc mua bán dầu thô là vô cùng khó khăn. Ngay cả xăng dầu cũng vậy. Nói vậy để chứng minh sự cần thiết phải xây dựng một nhà máy lọc hóa dầu như thế nào.
Theo chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam tới năm 2020, PVN chỉ nhận đầu tư xây dựng 3 dự án lọc hóa dầu, đặt ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đó là nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) công suất 6,4 triệu tấn dầu thô/năm; Nghi Sơn (Thanh Hóa) công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm và Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm. Tuy nhiên, đến nay các nhà máy lọc hóa dầu phát triển ồ ạt với rất nhiều dự án, tập trung chủ yếu ở miền Trung. Xây dựng ồ ạ nhưng chưa đo đếm được hiệu quả, ngân sách còn khó khăn sẽ tạo lên gánh nặng lớn.
Hiện nay, chúng ta trông chờ vào mỗi dự án lọc hóa dầu là hi vọng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ khác, các lĩnh vực dịch vụ, công ăn việc làm... Nhưng đầu tư phải lấy ưu đãi bù lỗ; Dung Quất vẫn phải nhập khẩu theo giá dầu thô thế giới từ 10-20%, tới đây còn có thể phải nhập cả 100%... Sản xuất trong nước chủ yếu của các đối tác nước ngoài. Vì vậy nhập hay bán dầu thô đều như nhau, Việt Nam không có nhiều lợi thế. Tức là về mục tiêu nắm quyền chủ động đã không đạt được, vẫn phải phụ thuộc vào thế giới cả về giá cả lẫn thị trường nhập khẩu.
Chưa nói tới công nghệ, máy móc thiết bị Trung Quốc, có nguy cơ trở thành bãi rác thải, bãi chiến trường của thế giới. Vì thế mới nói ở đây là bài toán chung mà Việt Nam phải tính toán, cân nhắc dừng lại ở ngưỡng có thể chấp nhận được. Không thể để các dự án lọc hóa dầu cũng mọc lên, phát triển ồ ạt, bừa bãi như các dự án xi măng, mía đường ngày xưa. Tỉnh nào cũng làm, địa phương nào cũng muốn có cuối cùng dẫn tới tình trạng bội thực các dự án. Cái thu được không bù lại được cái bỏ ra.
Được cái dự án, lo tiền lệ xấu
Dù rằng cả về hai mục tiêu kinh tế và xã hội Dung Quất đều chưa đảm đương nổi nhưng vì sao vẫn có hàng loạt các dự án lọc dầu đang xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) không muốn đặt câu hỏi về tính hiệu quả của dự án Bình Sơn nhưng điều ông lo ngại là những tiền lệ cứ đầu tư xây dựng, lỗ lại xin ưu đãi, xin lại xin nữa như Bình Sơn.
Theo ông Dũng, trong lần xin ưu đãi mới đây nhất của nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Bộ Tài chính đã đồng ý áp thuế sản phẩm của Bình Sơn (xăng động cơ và xăng nhẹ) như mức thuế ưu đãi áp dụng cho sản phẩm nhập ngoại được hưởng thuế suất giảm từ các hiệp định thương mại từ mức 35% xuống mức 20%. Thuế nhập khẩu dầu diesel đang ở mức 30% được giảm xuống còn 5% cho năm 2015 và sau đó giảm về 0% cho năm 2016 đến năm 2018.
Lọc dầu Dung Quất nhận ưu đãi khủng để lãi "tí teo"
Ngay cả khi các nhà đầu tư ngoại đầu tư vào Việt Nam thì cũng không thể khẳng định lọc hóa dầu Việt Nam sẽ cất cánh trong tương lai. Đã biết rõ đầu tư vào dự án lọc hóa dầu không có lãi không ai đầu tư? Lãi chỉ có ở ưu đãi mà ra đó chính là lý do dù trong bối cảnh thua lỗ liên tục nhưng công ty Gazprom Neft (Nga) mới đây cho biết đang lên kế hoạch mua 49% cổ phần của nhà máy lọc dầu Dung Quất và đầu tư mở rộng nhà máy.Đây là việc bắt buộc khi đứng trước cơ chế thị trường, nguyên tắc hội nhập thuế nhập khẩu giảm còn 0%.
Nếu nói về cái được có thể cũng được nhiều nhưng nếu làm tràn lan, ưu đãi đến hụt hơi thì cuối cùng cái Việt Nam có được chỉ là cái nhà máy lọc hóa dầu cùng với gánh nặng ngân sách đè nặng vai.
Trong bối cảnh này bắt buộc Việt Nam phải có tính toán. Ngân sách cân đối thế nào khi nợ công đang vượt ngưỡng.
  • Vũ Lan

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét