Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

20150328. TƯỞNG NHỚ LÝ QUANG DIỆU

ĐIỂM BÁO MẠNG
TƯ TƯỞNG LỚN GẶP NHAU ?
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN /tuan's blog 25/3/2015
***
***
 Ông Lý Quang Diệu qua đời là nguồn cảm hứng của biết bao nhiêu so sánh và ngợi ca. Nhưng có một so sánh làm tôi gãi đầu bứt tai, đó là “phát hiện” rằng ông Lý Quang Diệu và ông Hồ Chí Minh có cùng tư tưởng về tầm quan trọng của giáo dục (1). Bài báo này còn nâng hai vị đó, ông Hồ và ông Lý, lên bậc “thiên tài”! Tôi thì thấy khác: tôi nghĩ hai người có suy nghĩ khác nhau về giáo dục. Cái tầm nhìn về giáo dục của ông Lý, nói cho công bằng, cao hơn cái tầm nhìn của ông Hồ.
Có lẽ câu phát ngôn về giáo dục của ông Lý được nhiều người trích dẫn là câu “Thất bại trong giáo dục là thất bại không chỉ của kinh tế mà là sự thất bại toàn diện”. Đó là một sự đúc kết từ quan sát thực tiễn và chiêm nghiệm sự phát triển của phương Tây và so sánh với tình hình ở Á châu. Ông kết luận rằng một nền giáo dục đại học tiên tiến là một chìa khoá cho phát triển kinh tế. Đó chính là lí do tại sao một đảo quốc nhỏ chỉ cỡ đảo Phú Quốc mà xây dựng được hai đại học danh giá như NUS và Nanyang. Cái tầm nhìn giáo dục của ông Lý là tầm nhìn giáo dục cấp đại học, tầm nhìn về vai trò của khoa học và công nghệ. Đó cũng chính là lí do người ta lấy tên ông đặt tên cho một trường kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore.
Còn tầm nhìn về giáo dục của ông cụ Hồ là tầm nhìn giới hạn trong việc xoá nạn mù chữ. Cũng hợp lí thôi, bởi vì thời đó ở VN chúng ta có rất nhiều người nghèo đói và không biết đọc biết viết chữ quốc ngữ. Nên tôi nghĩ bất cứ lãnh đạo nào cũng phải đặt mục tiêu xoá mù chữ là hàng đầu. Đó chính là động cơ cho câu nói nổi tiếng của ông: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm”. Tôi nghĩ lúc đó ông Hồ chưa nghĩ gì đến giáo dục đại học, chứ nói gì đến khoa học công nghệ.
Có một câu nói khác về giáo dục mà rất nhiều người lầm tưởng rằng là sáng kiến của ông Hồ. Đó là câu “Vì sự nghiệp mười năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng người”. Câu đó không phải của ông Hồ; ông có lẽ lấy hay mượn ý và chữ của một tác gia bên Tàu mà thôi. Câu đó do tư tưởng gia Quản Trọng nói cách đây hơn 2000 năm: “Nhất niên chi kế tại ư thụ cốc; thập niên chi kế tại ư thụ mộc; bách niên chi kế tại ư thụ nhân.” (Kế một năm trồng lúa, kế mười năm trồng cây, kế trăm năm trồng người.) Chủ tịch Hồ Chí Minh không sáng tác ra câu đó. Do đó, cho rằng đó là tư tưởng đào tạo nhân tài của ông Hồ thì tôi e rằng quá gượng ép.
Nếu nói ông cụ Hồ quan tâm đến đào tạo nhân tài thì giải thích thế nào khi những người tài như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, và nhiều người khác bị vùi dập trong thời gian ông ở đỉnh cao của quyền lực? Nếu ông thực sự quan tâm đến công lí và đại học thì tại sao Trường đại học Luật Hà Nội bị đóng cửa?
Do đó, tôi nghĩ quan tâm về giáo dục của ông Hồ ở tầm thấp hơn và địa phương hơn so với tầm của ông Lý. Trong khi ông Lý nói về “university education”, “innovation”, “management”, “global entrepreneuship” thì ông Hồ chỉ nói đến giáo dục trong vai trò xoá nạn mù chữ. Cho đến cuối đời, ông Hồ cũng chỉ nói đến ước mơ “ai cũng được học hành”, chứ ông chưa nghĩ đến cái gì cao xa như giáo dục đại học hay khoa học và công nghệ. Mà, ông cũng chỉ nói câu đó rất chung chung, rất ví von, chứ không phải cụ thể như ông Lý. Tôi nghĩ không nên nâng tầm những câu ví von đó thành “tư tưởng”.
Thật ra, sự khác biệt này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì hai người có trình độ rất khác nhau. Tôi nghĩ trình độ học vấn và trải nghiệm quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong tầm nhìn và viễn kiến. Người có cơ hội sống và học tập trong môi trường đẳng cấp quốc tế, có dịp tiếp kiến với giới "elite" (tinh hoa), thì gần như tự nhiên, họ có tầm nhìn cao và xa. Còn người không có cơ hội làm việc và sống trong môi trường học thuật tốt thì tầm nhìn của họ cũng hạn chế. Trong khoa học cũng thế, người xuất phát từ các trung tâm đẳng cấp quốc tế rất khác với người xuất phát từ những nơi thấp hơn. Một công trình được nơi A đánh giá là tuyệt vời, nhưng với người ở đẳng cấp cao hơn thì họ có thể xem đó chỉ là công trình xoàng. Ông bà chúng ta có câu "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" là rất rất đúng.
Ông Lý là một người có học đàng hoàng, học từ những trường danh giá bậc nhất trên thế giới. Ông từng theo học và tốt nghiệp luật hạng danh dự từ Đại học Cambridge của Anh. Ông từng tiêu ra một thời gian ngắn ở London School of Economics, một trường kinh tế lừng danh trên thế giới. Một người học giỏi và rộng như thế, được tiếp xúc với môi trường elite như thế thì chắc thừa đủ kiến thức để không mắc vào cái bẫy của một chủ nghĩa không tưởng. Nên nhớ rằng ông Lý là người không ưa cộng sản. Còn ông Hồ, thì do hoàn cảnh đất nước và gia đình, chưa xong bậc trung học, trình độ nói chung còn hạn chế. Ông tiêu ra rất nhiều năm nay đây mai đó làm chính trị, làm cách mạng, hơn là học hành. Do đó, sẽ là không công bằng nếu đòi hỏi ông Hồ phải có được cái viễn kiến cao xa như ông Lý. Nói như thế không có nghĩa là đánh giá thấp sự nghiệp và đóng góp của ông Hồ, mà chỉ muốn đặt câu nói về giáo dục của ông trong bối cảnh thực tế, và qua đó để thấy rằng tầm nhìn về giáo dục của ông Hồ rất khác với tầm nhìn của ông Lý Quang Diệu.
===
***
LÝ QUANG DIỆU VÀ PHẠM VĂN ĐỒNG
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN /tuan's blog 25/3/2015
***
***
 Thế là ông Lý Quang Diệu đã về cõi vĩnh hằng ở tuổi 91. Đã có rất nhiều bài báo viết về cuộc đời và sự nghiệp to lớn của ông, những gì chúng ta viết có nguy cơ cao bị rơi vào sự thừa thải. Nhưng viết về ông dựa trên cái nhìn của VN thì chắc không thừa. Ông Lý Quang Diệu làm thủ tướng Singapore khoảng 31 năm. Ông Phạm Văn Đồng cũng làm thủ tướng [một phần và sau này toàn phần VN] được 32 năm. Nhưng hai người để lại những di sản rất khác nhau.
Ông Lý đúng là một kiến quốc sư thật sự. Ông “hoán chuyển” một làng chài chỉ độ 100 dân nghèo khó và không có tài nguyên thành một quốc đảo giàu có, một trung tâm thương mại và trung chuyển quốc tế. Ông cầm lái “con thuyền Singapore” đi từ nghèo đói đến thịnh vượng, sang chế độ dân chủ [dù chỉ nửa vời], đến toàn cầu hoá. Ông không bao giờ tự xưng là "cha gia dân tộc", nhưng người dân Singapore xem ông như là một cha đẻ của Singapore hiện đại. Ông ra đi và để lại một Singapore đầy tự tin, xán lạn. Trên trường quốc tế, ông được hầu như tất cả các lãnh tụ quốc gia xem như là một “statesman” – chính khách. Người ta ca ngợi ông là người có viễn kiến sáng suốt, về tính quyết đoán, về cách nói trực tiếp và trong sáng, về trí thông minh, và tính dí dỏm của một người có học. Ông còn để lại những câu phát ngôn trứ danh, những phát ngôn mà thế giới sẽ còn nghiền ngẫm trong tương lai.
Ông Phạm Văn Đồng sau hơn 30 năm làm thủ tướng và khi ra đi chẳng để lại một di sản gì đáng để xưng tụng. Suốt 30 năm làm thủ tướng hình như ông chẳng có dấu ấn gì đáng nói. Nước VN do ông lãnh đạo từ nghèo đói vẫn hoàn nghèo đói. Ông để lại cái văn bản ngoại giao đầy tai tiếng và có thể nói là sẽ làm nhơ danh ông rất rất lâu. Ông chỉ được tiếng là người trong sạch và giản dị. Nhưng ông chẳng có những phát ngôn gì để có thể xem là "wisdom".
Về qui mô, nói cho cùng, tôi nghĩ ông Lý là người chỉ tương đương với vai trò của một thị trưởng mà thôi. Nên nhớ rằng trong quá khứ, ông Lý Quang Diệu từng bị báo chí Nhà nước Việt Nam chửi như tát nước. Ông được cho đội đủ thứ “nón”: nào là tay sai đế quốc, là chống cộng, là chống nhân dân Việt Nam. Thế nhưng đùng một cái, Việt Nam “mặn nồng” với ông Lý Quang Diệu. Ông Võ Văn Kiệt từng mời ông Diệu làm cố vấn và cộng tác. Nhưng ông Lý từ chối, và nói rằng nếu không có Mĩ gật đầu thì VN vô phương phát triển. Ông Lý nói rằng Mĩ là chìa khoá, Mĩ là động cơ để phát triển. Ngay cả Tàu cũng phải ôm lấy Mĩ mà phát triển, thì VN không nên xem thường Mĩ.
Mà, ông cho ý kiến rất thành thật. Có thể nói ông Lý là một "fan" của Việt Nam, nhưng không phải là fan của giới lãnh đạo VN. Ông Lý khen người Việt Nam thông minh, học hành giỏi, và khi ra nước ngoài thường thành công. Ông tiếc nuối rằng đáng lẽ VN phải là số 1 của Đông Nam Á, hay thậm chí hàng đầu của Á châu, vì VN có đủ điều kiện từ địa dư, tài nguyên đến con người để trở thành một cường quốc.
Thế nhưng ông tiếc cho VN, và ông chê lãnh đạo VN. Khi được hỏi ý kiến, ông khuyên là cải cách kinh tế cần phải đi đôi với cải cách chính trị, nhưng giới lãnh đạo VN không chịu nghe. Ông nói rằng giới lãnh đạo VN không thể khá lên được vì họ bị "giam tù" bởi vòng kim cô ý thức hệ cộng sản. Theo ông, giới lãnh đạo VN không có khả năng đổi mới bản thân họ, không có khả năng đổi mới tư duy chính trị kịp thời đại, và do đó họ làm trì trệ sự phát triển của đất nước, họ kéo đất nước họ xuống hàng lạc hậu và nghèo đói. Tôi nghĩ nếu tôi là lãnh đạo của VN, tôi cảm thấy nhục khi nghe ý kiến như thế của một ông chỉ xứng tầm thị trưởng. Nhưng vấn đề là ông nói đúng.
Nhưng cũng phải nói thẳng là cái xã hội mà ông Lý kiến tạo chưa hẳn là “tối ưu” đâu. Nên nhớ rằng có thời ông ấy theo đuổi chủ nghĩa ưu sinh, khuyến khích người có bằng đại học lấy nhau. Ông hạn chế tự do báo chí và tự do ngôn luận. Ông tạo ra một “Anh Cả” (big brother) quan sát mọi hành vi của công dân. Ông can thiệp thô bạo vào đời sống riêng tư của người dân. Bởi thế, có lần một nhà báo hỏi tôi là đại học Việt Nam nên học đại học Singapore, tôi trả lời là không, bởi vì theo tôi biết qua vài trường hợp thì các đại học Singapore không có tự do học thuật như ở phương Tây. Nghe nói cái mô hình cai trị của ông Lý được giới lãnh đạo Tàu rất thích, và như thế thì cũng đủ để chúng ta cẩn thận với "mô hình Singapore".
Nhưng có một điểm sáng của Singapore mà tôi thích, đó là phi ý thức hệ. Nói về ý thức hệ, ông Lý cho biết Singapore là một quốc gia phi ý thức hệ (ideology-free). Nếu có thì ông gọi đó là "Ý thức hệ Singapore", thấy cái gì tốt và có lợi cho quốc gia dân tộc thì làm, chứ không bị trói buộc vào bất cứ một ý thức hệ nào cả. Ông nói thêm rằng nếu nó [ý thức hệ Singapore] có hiệu quả, thì chúng ta hãy thử nghiệm nó xem sao. Nếu nó tốt thì chúng ta tiếp tục. Nếu nó không có hiệu quả thì chúng ta quẳng nó đi và thử cái khác. Một "triết lí" thực dụng và đơn giản thế mà tại sao những người đang lèo lái con thuyền VN không nhận ra. Tại sao phải bám theo một chủ nghĩa đã lỗi thời và hết sức sống.
PS. Biểu đồ so sánh thu nhập bình quân giữa Singapore và Việt Nam từ 1960-2011
***

***
CỤ LÝ QUANG DIỆU VẪN SỐNG 
Bài NGUYỄN KHẮC MAI trên Viet-Studies  26/3/2015
***
***
Tôi có viết bài ai điếu đăng trên Thôn Minh Triết, về cái tang của cụ Lý Quang Diệu, rằng Cụ đẫ về trời. Tôi thật hãnh diện vì đã đến thăm một thôn nhỏ với ngôi miếu thờ của thôn. Người hướng dẫn của đoàn chúng tôi là một cô bé  người Hoa, nhí nhãnh,vui tươi, có ngón nghề hướng dẫn du lịch khá điệu nghệ. Đoàn tôi ai cũng nhận xét như vậy. Trên đường trở về, cô đưa chúng tôi đến thăm ngôi miếu ấy và kể cho chúng tôi nghe, thôn này vốn là quê hương gốc của gia tộc Cụ Lý Quang Diệu,trước khi đến định cư ở Singapore. Ngôi miếu ấy nay ở cạnh một con đường của thành phố Bằng Tường.Tôi thầm nghĩ trong bụng, thế là đây, vùng đất xưa của Đại Việt, các triều Lý Trần vẫn từng cai quản. Có một nhà nghiên cứu mách cho tôi rằng, người ta đã đào được ở đây một chiếc ấn của Tri phủ Bằng Tường đời Trần. Nghe nói GS Hà Văn Tấn cũng đã nói đến trong một quyển sách bàn về thời ký đồ đồng. Vật đổi, sao dời, thương hải tang điền là vậy. Cho nên trong lời ai điếu tôi có nhắc đến nguồn gốc Bách Việt của Cụ và xưng tụng Cụ là một người Bách Việt hiện đại. Chẳng phải thấy sang bắt quàng làm họ, mà chỉ là chút ngẫm nghĩ cuộc đời. Nghe nói sinh thời Cụ từng ao ước giá như quê hương Singapore của Cụ lại lớn, lại đông dân, lại có con người thông minh… như Việt Nam, (Cụ mới thỏa chí dọc ngang chăng). Tuy thế, cuộc đời của Cụ, 30 năm lớn lên, học hành tử tế, 50 năm cống hiến Cụ là người sáng lập và xây dựng làng chài nhỏ Singapore thành ra một quốc gia-dân tộc, văn minh, giàu có, sang trọng. Phải nhấn mạnh chữ trọng, vì thật, họ vừa sang vừa đáng kính trọng. Trong thời hiện đại không phải quốc gia nào giàu mạnh cũng có thể được gọi là sang trọng. Một con người cũng như vậy.
            Có người tên nghe sang trọng, mà nhân cách thì không đáng trọng cho lắm.
            Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là một vấn đề xã hội học lịch sử,vấn đề tốc độ trong thời kỳ tin học. Nhà nước-dân tộc Singapore xuất hiện từ những năm 50 của thế kỹ trước.Vậy là chỉ trong vòng nửa thế kỹ, trong thời hiện đại đã có thể hình thành một nhà nước rất mới. Sáu triệu người Singapore, nhiều sắc tộc hài hòa trong một xã hội, một Nhà nước văn hóa (họ không chỉ văn minh mà còn văn hóa)Singapore trở nên một quốc gia mới và tuyên bố độc lập vào thập kỹ 60.Có thể nói nửa sau TK 20, nhân loại bước vào một nền văn minh mới mà tin học ngày càng phát triển và chi phối hành vi của con người. Trong nền văn minh này người ta bắt đầu nói đên trạng thái xã hội hậu hiện đại. Tôi nhớ vào đầu thập kỹ 70 ngài Thủ tướng Canada bấy giờ đã chủ trì một cuộc hội thảo kéo dài, mời học giả quốc tế đên trình bày. Chính trong cuộc hội thảo này học giả người Pháp Lyotard đã đọc báo cáo, rồi được xuất bản ở Pháp với tên Điều kiện hậu hiện đại (Pham Xuân Nguyên gần 30 năm sau mới dịch và xuất bản ở Việt Nam). Tôi cho rằng Cụ Lý Quang Diệu và giới tinh hoa Singapore đã có nhãn quan thời đại nên đã như nhiều quốc gia dân tộc dù nhỏ bé ở Châu Âu đã tạo ra một tình thế chưa từng có: nhũng nước nhỏ, độc lập (trong liên lập), tự cường,văn minh hóa, xây dựng xã hội nhân văn, hài hòa, thịnh vượng…Trong khi đó giới lãnh đạo và cái gọi là tinh hoa của Việt Nam cho đến nay vẫn đang bị cầm tù trong nhũng tư duy lạc hậu thảm hại!
            Theo tôi hiểu thì đặc điểm quan trọng nhất của “Hậu hiện đai” là vượt qua kiểu tư duy “đại tự sự”, nói và nghĩ về những chuyện lớn lao như kiểu “tiến lên chủ nghĩa cộng sản trên pham vi toàn thế giới”, “chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại”, “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội”… Nhưng chỉ nói leo lẽo mà không biết đằng mù nào để hiểu nó là gì,đừng nói đến thực hiện. Nhân loại đã bước khỏi mô hình tư duy “tất định luận” kiếm tìm phương thức “phức hợp”,“bất định”. Việt Nam vẫn giam hãm mình trong một thứ giáo điều phản động. Bài học lớn nhất của Cụ Lý Quang Diệu là bài học ứng xử trong thời đại của tốc độ!
            Trong một thời đại của “phức hợp”, của “bất định”, của hậu hiện đại…thì cái độc nguyên trở thành cái phi lý, cái phản động, nên ban đầu dẫu Cụ Lý có cái độc quyền, nhưng không đi đến độc tài,và khi xã hội đã có điều kiện mới thì sẵn sàng mở để nó tự tiến tới dân chủ. Biết tôn trọng cái đa, nên biết tập họp nhân tài, tôn trọng và đề cao nhân tài. Nền dân chủ của Singapore đang cho ta bài học vừa tôn cái quyết định của đa, nhưng cũng biết trọng cái riêng cái thiểu số. Vì thế tượng đài của Cụ Lý cao và đẹp nhờ được đặt trên một cái nền tinh hoa của xã hội Singapore. Nói về tinh hoa và nhân tài Việt, tôi có hai trãi nghiệm nhỏ. Một là tại Ban khoa giáo TƯ khi GS Nguyễn Đình Tứ làm trưởng ban, nhân hội thảo về chính sách trí thức, tôi thưa “Đảng nên biết bái trí vi sư”. Tôi nói, tôi học cách nói này của Phan Bội Châu. Cụ nói bái thạch vi huynh, tôi vận dụng là bái trí. Điều cay đắng, là anh Tứ khoát vai tôi khi giải lao và nói “anh nói đúng nhưng họ không thực hiện được đâu”.  Hai là có lần tôi được Hội đồng Lý luận TƯ mời dự Hội Thảo về xây dựng đảng. Tôi nói về vai trò của ban tổ chức, ban tuyên huấn và dân vận. Tổ chức đúng ra là nơi biết tìm nhân tài, bồi dưởng và sử dụng nhân tài, thì đây chỉ là nơi tạo ra cơ chế mua quan bán tước từ cấp phường đến TW. Tuyên huấn phải là nơi tạo ra sự thăng hoa của tư tưởng, lý luận mới, trái lại chỉ là nơi duy trì giáo diều, bảo thủ. Dân vận lẽ ra phải kiến tạo xã hội dân sự cho dân chủ phát triển, trái lai cả nghiên cứu xã hội dân sự cũng không dám. Bấy giờ anh Trần Đinh Hoan ủy viên bộ chính trị, cựu trưởng ban tổ chức có mặt, đã để hai tay trước ngực vỗ nhẹ tỏ ý đồng tình với nhân định của tôi. Có điều sau đó họ không mời tôi dự nữa. Biết đặt mình trong một tập thể tinh hoa và người tài, hút lấy năng lượng của họ để bồi đắp cho nhân cách và năng lực lãnh đạo là bài học sáng giá mà Cụ Lý muốn gởi gắm cho chúng ta.
          Điều thứ hai là nhân cách của Cụ Lý. Cụ có cái Trí để nắm bắt được mạch đi của thời đại. Cụ có cái Tâm để biết thương yêu và đã hành xử khá đẹp cái minh triết Việt “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, ứng dụng vào quan hệ xã hội của Singapore, với khu vực và với quốc tế. Thật đáng xót xa khi chính chủ nhân của minh triết ấy lại vô minh vô cảm đến vậy! Cụ có cái Tầm nghĩ và làm của thời đại, vì thế có sức lan tỏa, Á, Âu, Mỹ, Phi, Úc đều thương tiếc, kính phục Cụ Khi Cụ về trời. (Cái để lại vô vàn tình thương yêu cho nước non của Việt thật thua xa Cụ) Tinh tế khôn ngoan trong dạy dỗ con cháu,trong đối nhân xử thế. Chỉ riêng cái di chúc “hãy phá ngôi nhà của tôi để cho người láng giềng có thể xây nhà cao to hơn, để trồng ở đó một vườn cây cho mọi người”. Cao thượng quá. Tôi hy vọng chính phủ Singapore sẽ làm theo cái minh triết này, để bài học đó trở thành tài sản tinh thần của nhân loại. Chớ bắt chước Việt Nam bỏ qua di chúc của cái người mình coi là thần tượng, rồi làm những điều ngược lại, xây lăng lớn, miếu đền thờ phụng khắp nơi, nhưng làm gì cho nhân cách con người đừng ti tiện nhỏ bé thì không biết.
          Đầu thế kỹ 20 phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục từng đề xướng: “Chính Phủ chẳng qua chỉ là người dân nắm chính quyền”.  Một tổng kết về dân chủ, dân quyền hiện đại của (cho) Việt Nam.  Nhưng hơn một thế kỹ người Việt không thi hành nỗi. Trái lại Cụ Lý và người Singapore thì cảm nhận và họ đã để lại cho Việt Nam chúng ta một bài học thành công về thế nào là một chính quyền thân dân, của dân, do dân, vì dân. Tôn Trung Sơn có lý khi nói rằng nhận thức dễ hơn hành động!
Hôm nay là ngày người Singapore tiễn đưa Cụ Lý về trời. Tôi viết những giòng này để cứ nghĩ rằng Cụ vẫn còn sống trong những dạng năng lượng mà Cụ để lại và đang lan tỏa trong chúng ta,năng lượng của một người Bách Việt hiện đại./.
 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 26-3-15

ĐỘC TÀI NGOẠI LỆ
Bài PHẠM THỊ HOÀI/ BVN 10/4/2015
Tháng trước, nhà độc tài của thành phố một triệu dân Đà Nẵng qua đời. Tháng này, đến lượt nhà độc tài của thành phố năm triệu dân Singapore. Cả hai để lại nhiều thương tiếc. Độc tài, nhưng mà tốt. Độc tài ngoại lệ. Thương hiệu "độc tài sáng suốt" ngày càng có giá. Không chỉ ở các nước Đông Á. Ở châu Âu tự do, nhu cầu thanh lý nền dân chủ loạn chức năng để mua gấp một nhà độc tài hiệu quả cũng đang nhen nhóm.
Họ được gọi là những nhà độc tài anh minh, dám nghĩ dám làm, giàu năng lực, đầy viễn kiến. Thậm chí là những nhà độc tài vì dân. Đã thế họ còn là những cá nhân hấp dẫn. Sức mê hoặc của ông Lý Quang Diệu hạ gục không chỉ người Singapore, mà cả giới tinh hoa kinh tế, chính trị và truyền thông toàn thế giới. Lãnh tụ các nước cũng độc tài tự hào được gọi ông là thầy đã đành, song lãnh tụ các nước dân chủ cũng hãnh diện được gọi ông là bạn, người nào có chút băn khoăn cho lập trường dân chủ thiếu vững vàng của mình thì gọi ông là một nhà "độc tài khai sáng". Thế là tất cả đều ổn. Tất cả đều mê man trong cái charisma vô đối của ông, "người khổng lồ của lịch sử", "thiên tài chính trị", "nhà chiến lược kiệt xuất", vừa là "chúa tể các giá trị châu Á" vừa là "đại diện đặc sắc nhất của Anh quốc ở phương Đông"...
Ông Nguyễn Bá Thanh không được chơi ở cúp ngoại hạng quốc tế đó, kiểu tóc vuốt từ mai trái qua mai phải rồi lại dồn tất cả ra sau gáy của ông đã nói rõ. Ngay ở trong nước, ông cũng không có cơ hội được thăng làm vĩ nhân. Trong thế giới cộng sản, "vĩ nhân" là danh hiệu chỉ cấp một lần, cho một nhân vật nhất định, và ở Việt Nam đó là Hồ Chủ tịch, không có cạnh tranh. Ông Thanh là một sự pha trộn lạ lùng của gian hùng và bộc trực, của một tay lâm biền hảo hớn và một chính ủy. Nghe ông diễn thuyết ta có thể cười ngất vì kiến thức của một chủ nhiệm hợp tác xã xốc vác được một ông vua tỉnh lẻ phát ngôn mạnh bạo. Nhưng dù không có hào quang của những Cha già dân tộc như Lý Quang Diệu và Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng lại có vẻ một Bố già kiểu Tony Soprano, nhưng so với các gương mặt còn lại ở cùng đẳng cấp, ông vẫn là một nhân vật gây cảm xúc. Thật khó cho những người ghét và chống độc tài, trong đó có tôi, khi cái Ác chẳng những làm được khá nhiều việc tốt mà trông lại ấn tượng, còn cái Thiện phần lớn có vẻ vô vị. Đã từ lâu chúng ta đối diện với hiện tượng The Banality of Good.
clip_image004
Nguyễn Bá Thanh. NGUỒN: DANANGPLUS.NET
Nhiều điều ông Lý chủ trương cho Singapore, nhìn bề ngoài không khác mấy thực tiễn chính trị ở Việt Nam, dù ông là một người chống cộng không khoan nhượng. Trong cuộc trả lời phỏng vấn nổi tiếng với Fareed Zakaria cho tạp chí Foreign Affairs năm 1994 ông cho biết, phần lớn các giá trị của nền dân chủ Mỹ hiện nay thì ông không thích thú lắm, nhưng ông luôn ngưỡng mộ nước Mỹ ở tinh thần quyết liệt chống hệ thống cộng sản; những trò gắn liền với các chính quyền cộng sản như khủng bố và giấu diếm trong bóng tối thì ông không bao giờ sờ vào. Song những người bất đồng chính kiến và đặc biệt các phần tử bị coi là cộng sản hoặc lãnh tụ công đoàn ở Singapore những thập niên trước cũng tàn đời trong ngục hàng chục năm trời không có án, như Chia Thye Poh: 23 năm, Lim Hock Siew: 19 năm 6 tháng, Said Zahari: 17 năm trong nhà tù Chương Nghi. Còn ngày nay, đối lập chính trị ở Singapore không bị cảnh sát xách nhiễu vô lối, không bị côn đồ hành hung giấu tay, không bị mật vụ trâng tráo theo dõi, chỉ bị đẩy vào chân tường của sạt nghiệp qua những vụ kiện dân sự hoàn toàn danh chính ngôn thuận mà ông Lý và Đảng Nhân dân Hành động (PAP) của ông trăm vụ trăm thắng. PAP không đơn thuần là một tổ chức chính trị của một bộ phận dân chúng, mà là một thiết chế quốc gia, đại diện cho dân tộc. Phê phán PAP đồng nghĩa với phê phán Singapore và chống chế độ, không khác gì cái đại tự sự của Đảng Cộng sản Việt Nam. Singapore cũng nằm gọn trong tay một gia đình, một tập đoàn, không khác cha truyền con nối ở Bắc Triều Tiên, anh truyền em nối ở Cuba và những vương triều quý tộc đỏ ở Trung Quốc và Việt Nam.
Ông Lý cũng không cần tham khảo ý kiến của nhân dân. Phát ngôn của ông, "nếu được tuyệt đối toàn quyền ở Singapore mà không phải hỏi dân chúng rằng họ có hài lòng không thì không có gì phải hoài nghi, tôi tin chắc rằng mình sẽ điều hành hiệu quả cho chính quyền lợi của họ hơn nhiều", đã trở thành một trong những lời bất hủ, thường xuyên được chính những người tin hoặc tưởng mình tin vào thể chế dân chủ vừa khoái trá trích dẫn vừa lè lưỡi lắc đầu. Nhà cầm quyền ở Việt Nam cũng tin chắc ở sự sáng suốt của mình như thế.
Cũng như Việt Nam, chính quyền Singapore phản đối mọi sự thật khác ngoài sự thật chính thống. Năm 2006, ông Tạ Quốc Trung (Andy Xie), trưởng khu vực châu Á của Morgan Stanley, một chuyên gia xuất sắc từng được Bloomberg xếp vào danh sách 50 nhân vật giàu ảnh hưởng nhất trong giới tài chính quốc tế, cảnh báo trong một email nội bộ (http://www.asiasentinel.com/econ-business/a-banking-stars-inconvenient-singaporean-truth/) rằng phương Tây đã đánh giá quá cao Singapore, thực ra thành công của nước này chủ yếu nhờ vai trò làm trung tâm rửa tiền cho các doanh nghiệp và quan chức tham nhũng của Indonesia, các casino đang xây ở đây cũng nhằm hút tiền bẩn từ Trung Quốc. Bức thư bị rò rỉ. Ông Tạ lập tức bị Morgan Stanley đuổi việc, theo yêu cầu của chính quyền Singapore.
clip_image006
Lý Quang Diệu (1923-2015)
Cũng như Việt Nam, công đoàn ở Singapore nằm dưới sự lãnh đạo của chính quyền, mà chính quyền là Đảng PAP và Đảng PAP là chính quyền như ông Lý công khai tuyên bố ("I make no apologies that the PAP is the government and the government is the PAP"), liên tục từ 56 năm nay, điều quá đương nhiên, ông không thấy có gì để xin lỗi. Cuộc đình công duy nhất, rất nhỏ, và tất nhiên bất hợp pháp, trong vòng 30 năm gần đây ở Singapore diễn ra năm 2012. Những kẻ cầm đầu đều bị nghiêm trị.
Cũng như Việt Nam, Singapore luôn nằm ở cuối bảng xếp hạng tự do báo chí. Trong đánh giá mới nhất, ra ngày 12/2/2015, của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Singapore đứng ở vị trí 153/180, sau cả Nga, Thổ, thua xa Miến Điện, Campuchia, chỉ nhỉnh hơn hai nước duy nhất trong khu vực là Lào và Việt Nam, và xu hướng là ngày càng tụt hạng. Danh sách những nhà báo và blogger bị chính quyền Singapore gây áp lực hay truy tố, các thông tin và tác phẩm nghệ thuật bị ngăn cấm hay kiểm duyệt cũng chỉ ngắn hơn danh sách ở Việt Nam chút ít và vừa được bổ sung bằng Amos Yee, cậu bé 16 tuổi bị bắt và truy tố vì đoạn video 8 phút đăng trên YouTube nhan đề "Lee Kuan Yew is Finally Dead", cuối cùng thì Lý Quang Diệu đã chết. Nhà nước bảo mẫu do ông Lý dựng nên thấy mình có bổn phận đánh đòn đứa con hư này.
Tất cả những tương đồng ấy có vẻ gây cảm hứng mạnh mẽ cho các nhà lãnh đạo Việt Nam và không riêng gì họ: một bộ phận đáng kể trong giới tinh hoa Việt Nam không buồn giấu khao khát được một bàn tay sắt và những biện pháp thực sự cứng rắn cai trị. Tất nhiên kẻ bị trị là lũ dân đen vô học, lười biếng, loạn tặc, mọi rợ, đần độn, vừa ngu vừa bướng. Lũ vịt. Lũ lừa. Người ta tiếc thương ông Nguyễn Bá Thanh, người đã biến Đà Nẵng thành Singapore của Việt Nam.
Song chuyên chính tư bản Singapore và chuyên chính hậu cộng sản Việt Nam chỉ chung nhau ở bề ngoài độc tài, sự khác nhau bên trong lớn chính xác bằng khoảng cách dường như vô tận giữa Brave New World, tân thế giới mỹ lệ Singapore đã hoàn thành và chân dung còn muôn phần nhếch nhác của một Việt Nam đang chuyển đổi. Ít nhất ba điểm sau đây khiến cuộc chạy theo mô hình Singapore ở Việt Nam không thể đến đích mà chỉ để lại rất nhiều tai nạn dọc đường:
Thứ nhất, dù thiếu dân chủ, nhưng nền độc tài mềm của Singapore vẫn có những tự do tối thiểu vượt xa khả năng chịu đựng của nhà cầm quyền Việt Nam: đa đảng, cạnh tranh chính trị và tự do bầu cử.
Thứ hai, nền pháp trị, rule of law, thành tựu then chốt của thể chế dân chủ, ở Singapore tuy có phần bị lạm dụng để bảo vệ địa vị chính trị của đảng cầm quyền, song trước hết nó được sử dụng thành công để duy trì một bộ máy công quyền trong sạch và hiệu quả, điều hoàn toàn xa lạ với nền tư pháp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Thứ ba, chế độ meritocracy, nền tinh anh trị của Singapore, đặt cược tất cả vào một nhóm nhỏ các chuyên gia đỉnh cao và các nhà kỹ trị hảo hạng, những Alpha Plus mà năng lực thuộc hàng đầu thế giới. Ông Lý Quang Diệu từng phát biểu, nếu 300 nhà quản trị trụ cột của Singapore cùng rơi trong một chiếc Jumbo Jet thì quốc đảo này sụp đổ. Việt Nam không sợ một kịch bản như thế. Kho dự trữ cho sự tầm thường ở đây còn rất đầy.
P.T.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét