Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

20150325. BÀN VỀ QUY CHẾ BẦU CỬ TRONG ĐẢNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ QUY CHẾ BẦU CỬ TRONG ĐẢNG
Bài của TÔ VĂN TRƯỜNG trên BVB 24/3/2015
Ảnh minh họa
Lịch sử nước ta có ông Tô Hiến Thành là vị quan minh triết, được Vua Lý Anh Tông ủy quyền phò ấn chúa. Khi ông đau yếu luôn có Vũ Tá Đường gần gũi chăm sóc, thuốc thang bên mình. Khi Tô Hiến Thành lâm chung, triều đình hỏi ai có thể thay ông,  Tô Hiến Thành tiến cử Trần Trung Tá vì đất nước cần người tài giỏi, có tâm để giúp nước chứ không phải là người gần gũi, quen hầu hạ mình. Tấm gương về biết trọng dụng hiền tài của Tô Hiến Thành được lưu danh mãi trong lịch sử.Từ xưa đến nay, yếu tố quan trọng nhất trong xây dựng và phát triển của đất nước chính là con người.  Con người sinh ra thể chế và thể chế lại tạo nên con người. Đây là mối quan hệ nhân quả. Đất nước ta, lúc nào cũng có nhiều người hiền tài, tuy nhiên từng thời kỳ, từng lúc mà nguồn hiền tài đó được khơi ra như thế nào.
Năm 2015, nước ta tổ chức đại hội Đảng các cấp để tiến tới đại hội Đảng toàn quốc theo kế hoạch vào đầu năm 2016. Ngoài việc góp ý cho các Văn kiện của đại hội Đảng, một vấn đề được nhiều giới trong xã hội quan tâm đó là công tác nhân sự.
Quy hoạch cán bộ hiểu theo nghĩa là làm các việc  cần thiết để có  những người đủ điều kiện  thay thế những người rời vị trí hiện nay (vì mọi lý do). Một quy hoạch đích thực như vậy nằm ngay trong hoạt động thường xuyên của bộ máy. Cấp ủy thông qua một danh sách cán bộ được quy hoạch là việc cần, nhưng không được cấm hoặc hạn chế quyền dân chủ của đảng viên trong ứng cử, đề cử và  bầu cử.
Theo Điều lệ Đảng, cấp ủy cũ  có trách nhiệm và có quyền giới thiệu với đại hội danh sách các chức danh cần bầu, nhưng  không có quyền  vi phạm quyền bầu cử của các đại biểu đại hội. Trong Quy chế mới đưa ra về bầu cử trong Đảng (Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành trung ương Đảng) có một số  quy định hạn chế quyền ứng cử, đề cử, bầu cử không đúng với Điều lệ Đảng.
Điều 13 về ứng cử, đề cử (trích Quy chế)
  1. Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cập nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử, không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy.
  2. Ở các hội nghị của ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do ban thường vụ cấp ủy đề cử , không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ cấp ủy.
  3. Ở các hội nghị của ban chấp hành Trung ương, các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử, không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.
Bình luận
Theo quy chế bầu cử nêu trên, một cấp ủy viên ứng cử hoặc  đề cử nhân sự nhưng bị thiểu số khi cấp ủy biểu quyết danh sách bầu cử thì không được nêu lại đề xuất của mình trước Đại hội, dù đây là phát biểu có tổ chức. Điều lệ Đảng hiện hành quy định tại Điều 9, khoản 5: “Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp ủy có thẩm quyền xem xét ý kiến đó, không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.”
Như vậy, ý kiến  của đảng viên về lựa chọn nhân sự khi bị thiểu số không được quyền bảo lưu và nêu ra ở cấp cao hơn. Vô hình trung, Quy chế bầu cử đã tước bỏ quyền bảo lưu ý kiến của đảng viên quy định trong Điều lệ Đảng.
Điều 16 quy định về số dư và danh sách bầu cử (trích Quy chế)
1.Số lượng ứng cử viên trong danh sách bầu cử cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy phải nhiều hơn số lượng cần bầu; số dư tối đa do đại hội (hội nghị) quyết định nhưng không quá 30% số lượng cần bầu, trong đó cấp ủy triệu tập đại hội (hội nghị) chuẩn bị số lượng nhân sự cấp ủy và ban thường vụ có số dư từ 10% - 15%...
5.Trường hợp cần bầu lấy số lượng 1 người thì danh sách bầu cử là 2 người ; bầu lấy số lượng 2 người thì danh sách bầu cử là 3 người; bầu lấy số lượng từ  3 người trở lên thì danh sách danh sách bầu cử có số dư tối đa không quá 1/3 số lượng cần bầu.
Bình luận
          Quy chế bầu cử khống chế số dư trong danh sách bầu cử thường được giải thích là để tránh sự phân tán trong kết quả bầu cử. Điều đó không quan trọng bằng yêu cầu bảo đảm dân chủ trong việc ứng cử, đề cử và có hình thức tranh cử để các đại biểu có cơ sở suy xét, cân nhắc khi bỏ phiếu.
Ban chấp hành Trung ương quy định khống chế số dư trong danh sách bầu cử là vượt quyền Đại hội vì Điều lệ Đảng hiện hành nêu rõ ở khoản 2, Điều 9 :”Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên” và khoản 3 Điều 12 ghi rõ ”Danh sách bầu cử do đại hội thảo luận và biểu quyết”.
Điều 19 Bầu cấp ủy  (trích Quy chế)
  1. Đoàn chủ tịch tổng hợp danh sách những người ứng cử, được đề cử, đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo đại hội xem xét, quyết định. Lấy phiếu xin ý kiến của đại hội đối với các trường hợp ứng cử, được đề cử (nếu cần).
Bình luận
Quy định “nếu cần” mà không làm rõ trường hợp nào được coi là cần, thì dễ bị áp dụng tùy tiện.
Việc lấy phiếu xin ý kiến chỉ đặt ra đối với các trường hợp ứng cử, được đề cử; trong khi đó Điều 16 của Quy chế bầu cử quy định tại khoản 2 “Danh sách ứng cử viên do cấp ủy triệu tập đại hội (hội nghị) chuẩn bị là danh sách đề cử chính thức với đại hội (hội nghị)”. Như vậy, có sự phân biệt đối xử giữa những người được cấp ủy triệu tập đại hội đưa vào danh sách ứng cử viên với những người tự ứng cử, được đề cử tại đại hội. Nguyên tắc dân chủ, bình đẳng trong bầu cử bị vi phạm khi các ứng cử viên trong danh sách bầu cử có vị thế khác nhau.
Riêng về quy định quyền của Bộ Chính trị/Ban thường vụ quyết định danh sách quy hoạch, nếu kèm theo đó là quy định chỉ người trong quy hoạch mới được quyền ứng cử, có nghĩa là Bộ Chính trị/Ban thường vụ quyết định người được ứng cử là trái hoàn toàn  với Điều lệ Đảng.
Quy định Bộ Chính trị/Ban thường vụ quản lý cán bộ nhưng một khi ban chấp hành đã bỏ phiếu đa số thì Bộ Chính trị/Ban thường vụ không có quyền làm trái.
Đại hội đảng bộ các cấp hoặc Đại hội Đảng toàn quốc có vị trí cao hơn so với các hội nghị cấp ủy cả về chức năng, trách nhiệm và quyền hạn. Quy định cấp ủy viên là đại biểu của đại hội không được thực hiện quyền bầu cử hoặc thể hiện quan điểm của mình khác với nghị quyết của cấp ủy là bất hợp lý. Ứng cử và để cử vào cơ quan lãnh đạo các cấp là quyền của đại biểu trong đại hội và của đảng viên.  Không thể quy định rằng đại biểu đại hội không được phép phát biểu ý kiến riêng của mình hoặc biểu quyết khác với những kiến nghị đã được đa số trong cấp ủy biểu quyết tán thành.
Thay cho lời kết
Hồ Chí Minh đã nhận xét rất chí lý "Trong các ngành hoạt động của chúng ta, nào chính trị, nào kinh tế, nào quân sự, văn hoá, không thiếu những người có năng lực, có sáng kiến. Nhưng vì cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo".
Ngày xưa “Chúa sáng có tôi hiền”, ngày nay cũng vậy. Muốn có giống nòi tốt, những hạt nhân để quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước thì phải đổi mới cơ chế bầu cử, cơ chế nhân sự, có tranh cử thực sự.
Người dân biết rằng một khi động chạm đến lợi ích thì nhiều người sẵn sàng xét lại cả định lý Pythagore và đưa những luật lệ nằm ngoài tầm kiểm soát của lý trí. Điều lệ khẳng định Đại hội Đảng toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất. Đã là cơ quan lãnh đạo cao nhất thì không có bất cứ cơ quan nào khác quy định cho nó phải làm gì.
Tin rằng các đại hội Đảng bộ các cấp sẽ thực hiện dân chủ trong bầu cử Ban chấp hành Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo qua bầu cử, đặc biệt là đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc khóa 12 sẽ sáng suốt thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình đưa ra hàng loạt vấn đề đáng bàn và làm rõ để lựa chọn những  người xứng đáng vào Ban chấp hành trung ương Đảng  khóa 12.
TVT (Tác giả gửi BVB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét