Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

20150321. BÀN VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
QUỐC HỘI, CÁC MỤC TIÊU THIÊN NIÊN KỶ VÀ CÁC CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG SAU 2015
Bài của GS. TSKH NGUYỄN NGỌC TRÂN /NĐB 20/3/2015
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân
***
Năm 2015 là năm mà các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc và tổ chức quốc tế này sẽ đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển mà các nguyên thủ quốc gia đã cam kết cách đây 15 năm, được biết dưới tên gọi Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ(MDG), để tháng 9 năm 2015, đưa ra những cam kết mới cho thời kỳ sau 2015, dự kiến sẽ mang tên Các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
1. Nhìn lại kết quả thực hiện MDG trên phạm vi toàn cầu
Trước hết, cần xem xét việc thực hiện các MDG trên phạm vi toàn cầu đến thời điểm tháng 7.2014(1).
Động tác này có 2 điều lợi: (1) giúp thấy được đâu là các yếu tố nội tại, đâu là các nhân tố đến từ bên ngoài trong thành tựu cũng như trong khó khăn; (2) rút ra những bài học cần thiết cho việc hoàn thành các MDG và bước vào thực hiện các SDG sau 2015.
Nghiên cứu Báo cáo của Liên Hợp Quốc, tôi có bốn nhận xét:
(1) Tôi chia sẻ một đánh giá của Báo cáo: Để các kết quả đạt được được bền vững, còn nhiều khó khăn phải vượt qua. Ý nghĩa ẩn dụ phải chăng là còn nhiều kết quả đạt đượcchưa bền vững?
(2) Kết quả đạt được là bình quân toàn cầu. Trên thực tế, khoảng cách là khá lớn giữa các vùng địa lý, giữa các nước đã phát triển và các nước đang phát triển, nhất là các nước chậm phát triển. Phải chăng đây là một nhắc nhở một nguyên lý rằng quá một ngưỡng nào đó, sự phân cực sẽ dẫn đến phân hủy (hay phân rã)?
(3) Nhiều kết quả đạt được phụ thuộc vào “viện trợ” từ bên ngoài mà mất đi, hoặc giảm bớt, sẽ ảnh hưởng đến kết quả. (Ví dụ đánh giá về MDG 2: Giảm viện trợ đe dọa nền giáo dục của các nước nghèo nhất). Điều này có nghĩa là nhiều kết quả chưa trở thành nội sinh?
(4) Đáng chú ý nhất là Báo cáo không đề cập đến các nguyên nhân (có lẽ vì có quá nhiều tế nhị) mà dừng lại ở bức tranh về việc thực hiện các MDG. Theo tôi, điều này không giúp khắc phục các yếu kém trong việc thực hiện các MDG, và xa hơn, việc thực hiện 17 SDG sau 2015 sẽ không kế thừa được những bài học quý.
Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007, cũng như chiến tranh, đầu cơ tài chính tiền tệ, việcsử dụng cấm vận kinh tế (mà nạn nhân là người dân, đặc biệt người già, phụ nữ và trẻ em) ngày càng trở nên phổ biến… không được đề cập đến mặc dù qua số liệu ảnh hưởng tiêu cực của chúng lên các MDG là rất rõ.
Số người đã phải di cư từ năm 2010 đã tăng lên ba lần, sự nghèo đói vẫn còn dai dẳng, số trẻ em phải bỏ học… phần lớn, và suy đến cùng, chắc chắn là hậu quả của các sự việc nói trên.
2. Một nhiệm vụ Hiến định
Điều 2, khoản 3 của Hiến pháp quy định:
“3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.”
Cam kết thực hiện MDG là cam kết của Nhà nước, trong đó có Quốc hội.
Vai trò của Quốc hội được quy định bởi ba chức năng cơ bản được quy định trong Hiến pháp là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Như vậy vai trò và nhiệm vụ của Quốc hội trong việc thực hiện các MDG mang tính Hiến định.
Từ nhận thức như trên, theo tôi, có thể căn cứ trên 5 nội dung sau đây để đánh giá đóng góp của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội:
(1) Trong nội hàm của lập pháp có nhiệm vụ xây dựng và quyết định các cơ chế và chính sách.
Như chúng ta đã thấy, trong thành tựu chung trong phạm vi cả nước, còn có khoảng cách trong kết quả thực hiện các MDG giữa các vùng miền, giữa các dân tộc về giới, về giảm nghèo, về bình đẳng giới, về giáo dục… Xây dựng cơ chế chính sách để rút ngắn hay xóa bỏ khoảng cách là hết sức quan trọng và thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Một điều cần nhớ, trong bối cảnh hội nhập quốc tế tích cực và ngày càng sâu rộng, công tác lập pháp phải tính đến những ràng buộc từ những quy định của các tổ chức, định chế quốc tế mà Việt Nam tham gia.
 (2) Để thực hiện các MDG, cần có nguồn lực trong đó có nguồn lực tài chính. Quyết định về ngân sách có tác động rất lớn đến kết quả.
Trước khi quyết định ngân sách hàng năm, Quốc hội phải xem xét việc lồng ghép các chương trình mục tiêu, các dự án, các quy hoạch có được thực hiện thật sự không, có khả thi không.
Quốc hội cũng cần xem xét việc phân bổ kinh phí từ ngân sách (bao gồm cả nguồn vốn ODA) có những khoản nào lãng phí, có bị chi phối bởi lợi ích nhóm, bởi tham nhũng, tiêu cực hay không. Cần dành phần nguồn lực tài chính cần thiết cho việc thực hiện các MDG, bởi lẽ các mục tiêu này cũng nằm trong các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
(3) Giám sát việc thực hiện các MDG từ góc độ của Quốc hội là cần thiết. Thông qua giám sát, phát hiện những sai sót trong việc thực hiện cơ chế chính sách, và những cơ chế chính sách nào cần sửa đổi bổ sung. Giám sát để Quốc hội có những quyết sách kịp thời trong chức năng Hiến định của mình.
Cụ thể các Chương trình 135, 136, các chính sách ưu đãi cho vùng sâu, vùng xa có được thực thi hay không và đến mức độ nào.
(4) Nếu việc thực hiện một MDG cần có sự hợp tác của nhiều bộ, ngành, thì trong các công tác trên đây sự chung sức của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội là không thể thiếu.
Mục tiêu MDG 7 là lĩnh vực để Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thể hiện vai trò của mình. Nhưng MDG 1 cũng liên quan nhiều đến Ủy ban này. Dân nghèo, sinh kế phụ thuộc vào các điều kiện thời tiết, nguồn tài nguyên thiên nhiên; phần lớn họ sinh sống tại những khu vực dễ bị tổn thương trước những biến động của khí hậu. Một trận lũ quét là tài sản, cả sinh mạng nữa, bị cuốn trôi. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có giám sát việc mất rừng đầu nguồn? có xem xét và giám sát quy hoạch các khu định cư trong điều kiện biến đổi khí hậu?
(5) Mục tiêu MDG 8, thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích phát triển, là phù hợp với chủ trương hội nhập quốc tế của Nhà nước ta.
Trong chừng mực nhất định, cơ chế và chính sách trong phạm vi quốc gia bị chi phối bởi các ràng buộc xuất phát từ những cam kết song phương và đa phương. Một thể hiện chiều sâu của công tác đối ngoại của Quốc hội là ở chỗ, trong khung khổ các ràng buộc đó, Quốc hội cùng với Chính phủ xây dựng được các cơ chế, chính sách có lợi nhất cho dân, cho nước.
Quan hệ đối tác bao hàm hai chiều “nhận” và “đóng góp trở lại”. Khi GDP bình quân đầu người tăng, thì những ưu đãi của ODA giảm.
Hội nhập không chỉ có thuận lợi và thời cơ mà còn có thách thức. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, vai trò của Quốc hội là rất đa diện và nặng nề.
Nhận thức như vậy nên Ủy ban Đối ngoại trong các Khóa X và XI đã đẩy mạnh một số mặt công tác sau đây:
Tham gia các hoạt động với IPU. Tại các hội nghị do IPU tổ chức, Ủy ban Đối ngoại đã tham gia thảo luận về an ninh lương thực; về cách kéo giá cả giữa hàng hóa nông sản với hàng hóa công nghệ phẩm và nhất là hàng hóa dịch vụ; gánh nặng về lãi suất nợ; về tác hại của đầu cơ tài chính; về mô hình sản xuất - tiêu dùng quá lãng phí tài nguyên thiên nhiên của trái đất…
Những hiểu biết về các bài toán toàn cầu đan xen nhau và những bất hợp lý trong các mối quan hệ giữa các quốc gia đã và đang phát triển… tiếp nhận từ các cuộc họp đã giúp cho Ủy ban Đối ngoại hoàn thành có chiều sâu các nhiệm vụ thẩm tra tờ trình về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ; đánh giá năm đầu tiên thực hiện Hiệp định thương mại song phương này; giám sát quá trình đàm phán việc gia nhập WTO, và thẩm tra tờ trình về việc phê chuẩn việc gia nhập WTO năm 2006.
Trong các báo cáo thẩm tra, Ủy ban Đối ngoại đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, nâng cao ý thức và đẩy mạnh chủ trương người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, và mặt khác cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, nhất là đối với một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng đồng thời sử dụng nhiều lao động, nhất là lao động nữ (như nông, thủy sản, da giày, dệt may) của Việt Nam.
Giám sát ODA, BTA, WTO(2). ODA là một nguồn lực từ bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các MDG. Nhưng ODA là nợ mà Nhà nước Việt Nam vay và phải trả sau một thời gian ân hạn, với lãi suất ưu đãi và có điều kiện.
Ủy ban Đối ngoại đã giám sát việc huy động, sử dụng và quản lý vốn ODA, hai lần năm 1998 và năm 2003. Ủy ban Đối ngoại luôn nhấn mạnh rằng, một khi đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, nguồn vốn ODA với điều kiện ưu đãi cao sẽ giảm xuống, trong khi vốn vay thương mại sẽ tăng lên.
Một gợi ý từ giám sát ODA và từ tham gia các cuộc họp CG, đó là Quốc hội cần giám sát các hiệp định song phương mà Việt Nam đã ký với các nước, liên quan đến hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ, vì có liên quan đến nguồn vốn ngân sách dành cho hợp tác và vì uy tín của Nhà nước Việt Nam. Việc này đã được thực hiện với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào năm 2004, 2005 và với ba nước Bắc Phi và một số nước châu Mỹ Latin năm 2006.
Ủy ban Đối ngoại đều mời Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có liên quan tham gia các cuộc giám sát nói trên.
3. Về các mục tiêu phát triển bền vững sau 2015
Từ năm 2013, Liên Hợp Quốc bắt tay xây dựng Chương trình nghị sự về phát triển bền vững sau năm 2015. Ngày 4.12.2014, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã trình bày Báo cáo tổng hợp về Chương trình này(3).
Trong báo cáo, có đoạn nhận định về kết quả của MDG:
“Chúng ta phải đầu tư vào việc thực hiện các MDG còn chưa hoàn thành, và lấy các MDG làm ván nhún để đi vào tương lai mà chúng ta mong muốn”.
Báo cáo tổng hợp đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững sau 2015 (SDG 2015), với 43 mục tiêu con, 5 lĩnh vực và 126 đích cần đạt(4) và sẽ xây dựng một bộ tiêu chí để đánh giá định lượng kết quả đạt được cho từng đích.
Trong Báo cáo tổng hợp, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng, để đạt được các mục tiêu này, cần tổng hợp 6 yếu tố then chốt là Phẩm cách, Con Người, Thịnh vượng, Hành tinh, Công lý  Quan hệ đối tác.
4. Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững sau 2015
Tôi có bảy đề xuất sau đây với Quốc hội:
1. Rút kinh nghiệm trong việc Quốc hội tham gia từ góc độ của mình vào việc thực hiện các MDG để làm tốt hơn đối với SDG.
2. Nguyên nhân của việc triển khai tốt các MDG, và của việc một số MDG chưa đạt, thậm chí khó đạt. Đâu là thách thức từ nội tại của Việt Nam, đâu là thách thức và tác động từ bên ngoài, từ bối cảnh toàn cầu.
3. Từ đó, và từ chức năng nhiệm vụ của mình, sớm có Chương trình nghị sự của Quốc hộitham gia vào việc hình thành và thực hiện SDG sau 2015.
4. Việc xác định các mục tiêu con, các đích cần đạt, và xây dựng bộ tiêu chí là một công trình đồ sộ và không dễ nếu muốn các SDG đi vào cuộc sống trên toàn cầu, ở tất cả các quốc gia, với những đặc thù về trình độ phát triển, về kinh tế, văn hóa, và định hướng phát triển của mỗi nước.
Vấn đề đặt ra cho Nhà nước Việt Nam là làm sao bảo đảm bộ tiêu chí này phải tính đếnthực tế của các quốc gia, tôn trọng chính sách và các ưu tiên của mỗi nước trong đó có Việt Nam.
5. Mặt khác, nếu các MDG chưa hoàn tất cuối năm 2015 thì việc “liền mối” giữa MDG và SDG có được thực hiện hay không, vào lúc nào, và như thế nào.
6. Trong quá trình thực hiện các MDG, Việt Nam đã lập các mục tiêu phát triển của Việt Nam (VDG) không trùng lặp, không mâu thuẫn mà bổ trợ cho việc thực hiện MDG. Đây là một cách làm tốt cần triển khai vào việc thực hiện các SDG. Cần suy nghĩ việc xây dựng các VDG bổ trợ cho các SDG sắp tới là gì với kinh nghiệm đã có được.
7. Cụm từ “phát triển bền vững” đã được nói đến rất nhiều. Tôi muốn nhắc lại một kết luận cơ bản của Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về Phát triển bền vững WSSD năm 2002 tại Johannesburg.
Sự phát triển bền vững phải dựa trên ba trụ cột tăng trưởng kinh tế, môi trường được bảo vệ, và công bằng và tiến bộ xã hội.
Ba trụ cột của Phát triển bền vững và vai trò của quản lý nhà nước
***
Vai trò của quản lý nhà nước là quyết định, trước tiên trong phạm vi quốc gia, và sau đó trong mối quan hệ với khu vực và toàn cầu.Chỉ đưa đến phát triển bền vững khi mọi chính sách, quy hoạch, dự án, công trình thỏa mãn cả ba yêu cầu: kinh tế tăng trưởng, môi trường được bảo vệ, công bằng và tiến bộ xã hội. Nói cách khác, kết quả của chính sách, quy hoạch, dự án, công trình phải nằm trongphần giao giữa ba vòng.
Trong một thế giới hội nhập, nền kinh tế thế giới ngày càng toàn cầu hóa, sự tương thuộc giữa các nền kinh tế, và từ đó trên các lĩnh vực khác; trong một thế giới mà các cường quốc muốn áp đặt mình là một cực, mà sự phân cực giàu nghèo trong mỗi nước và giữa các nước không ngừng doãng ra, thì vai trò quản lý nhà nước, trong đó có vai trò của Quốc hội, ngày càng quan trọng và bức thiết.
Sáu yếu tố Phẩm cách, Con Người, Thịnh vượng, Hành tinh, Công lý và Quan hệ đối tác là những mong ước đã có từ lâu của nhân loại. Để đạt được chúng, cần có những đột phá.
Chúc cho Đại hội đồng lần thứ 132 của IPU tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam - một dân tộc đã đấu tranh không ngừng nghỉ cho Độc lập và Tự do, điều kiện tiên quyết của Phẩm cách, Con Người, Công lý, một quốc gia đã có nhiều cố gắng và thành công nhất định trong việc thực hiện các MDG trong hai thập niên qua - vớái chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vữäng: Biến lờâi nói thành hành động, sẽ là bước mở đầu của IPU và của các Nghị viện cho sự đột phá hằng mong đợi này.
_________________
1. UN, Open Working Group proposal for Sustainable Development Goals, Full Report of the Open Working Group of the General Assembly on Sustainable Development Goals.
2. Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, (a) 10 Năm ODA, Báo cáo kết quả giám sát việc thu hút, sử dụng và quản lý nguồn vốn hỗ trợ chính thức phát triển (ODA), 10.2003. (b) Nhìn lại năm đầu tiên thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, Kỷ yếu hội thảo, 04.2003. (c) Báo cáo UBĐN gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, số 2471/UBĐN, ngày 27.01.2007. ,
3. UN, The Road to Dignity by 2030: Ending Poverty, Transforming all Lives and Protecting the Planet, Synthesis report of the Secretary-General on the post-2015 sustainable development agenda, 04.12.2014.
4. Xem Phụ chú 1.
Gs.Tskh Nguyễn Ngọc Trân
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét