Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

20150306. BÀN VỀ MỤC ĐÍCH, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

ĐIỂM BÁO MẠNG
BÀN VỀ MỤC ĐÍCH, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ
NGÔ THẾ BÍNH
“Mục đích”, “đối tượng”, “phạm vi”, “nhiệm vụ” và “phương pháp” nghiên cứu là những nội dung trong lời mở đầu của các cuốn luận văn thạc sĩ kinh tế mà tôi phải hướng dẫn hay phản biện. Nhiều học viên tỏ ra rất lúng túng, không biết phải viết thế nào cho ngắn gọn, chuẩn xác. Người viết bài này xin có một số điều muốn trao đổi như sau:
Mục đích: (aim, 目的)- Trong tiếng Anh, có nhiều từ biểu thị mục đich như aim, goal, end, purpose…  Trong các từ Hán- Việt ngoài mục đích (目的) còn có mục tiêu (目標) , được dùng tùy ngữ cảnh, nhưng nghĩa chung là: điều chủ yếu, cuối cùng con người nhắm đạt tới trong công việc hay hành động cụ thể nào đó. Khi viết luận văn điều ta nhắm tới không có gì khác là tạo dựng được cơ sở khoa học cho những đề xuất sáng tạo của tác giả theo đề tài luận văn.  Với khái niệm đó, mục đích nghiên cứu  không thể hiện trên đề tài (title) luận văn, cũng không thể gọi “mục đích nghiên cứu” là “mục đích đề tài” vì đề tài tự thân nó không có mục đích, chỉ có người viết luận văn mới có mục đích. Ngoài ra cần chú ý rằng mục đich chỉ là mong muốn chủ quan của tác giả, đạt được đến đâu còn tùy thuộc năng lực nghiên cứu bản thân tác giả và đánh giá khách quan của hội đồng chấm.
 ***
***
 Đối tượng:  (object, 对象) – Đó là sự vật, hiện tượng, vấn đề  mà ta cần nhắm tới để nghiên cứu, giống như cảnh vật đặt trước ống kính chụp ảnh. Với khái niệm đó, đối tượng không đồng nhất với mục đích: Nếu mục đích có tính chủ quan thì đối tượng lại có tính khách quan, nghĩa là việc chọn đối tượng phải có căn cứ.  Trong luận văn kinh tế nếu mục đích nghiên cứu không thể hiện ở đề tài thì đối tượng nghiên cứu lại thể hiện ở đề tài. Đó chính là thuộc tính của những đề xuất, giải pháp sẽ được  tác giả luận văn đặt ra để nghiên cứu.  Chú ý rằng để giải quyết vấn đề nào đó theo đề tài có rất nhiều giải pháp, sử dụng những kiến thức chuyên môn khác nhau. Ví dụ: Giải pháp giảm giá thành có thể chia ra 2 loại: giải pháp kỹ thuật-công nghệ và giải pháp quản lý kinh tế.  Trong luận văn kinh tế đối tượng nghiên cứu chỉ có thể là giải pháp quản lý kinh tế  với các chủ thể nhất định (cấp công ty, cấp nhà nước địa phương, cấp trung ương v.v…). Việc chọn đối tượng không đúng đồng nghĩa với “lạc đề” hoặc không đầy đủ nội dung cho luận văn.
***
***
  Phạm vi (sphere, realm, 範圍 ): - Đó là khung khổ về nội dung và số liệu bảo đảm cho các luận cứ của tác giả trong toàn bộ luận văn như: lý do chọn đề tài, lý do chọn giải pháp, tính hợp lý khả thi của giải pháp... Về nội dung, cần bao gồm tất cả lý thuyết và thực tiễn liên quan đến đề tài, đến thực trạng của nơi nghiên cứu. Nhiều tác giả luận văn chưa phân biệt điều gì là lý thuyết, điều gì là thực tiễn; nhầm lẫn giữa thực tiễn và thực tế. Phản ánh lý thuyết không giúp ích  gì cho các luận cứ của tác giả. Về số liệu, cần chỉ ra nguồn, thời gian và địa chỉ. Số liệu là “nguyên liệu” để lượng hóa, khái quát hóa những nhận xét, kết luận. Nhưng những nhận xét kết luận đó chỉ trở thành khoa học khi nó đủ tính tin cậy, tính đại diện cả về không gian và về thời gian. Thông thường trong luận văn kinh tế phải lấy số liệu của  toàn công ty trong dẫy thời gian ít nhất 5 năm. Chú ý rằng: phạm vi nghiên cứu chủ yếu được quyết định bởi mục đích nghiên cứu và liên hệ mật thiết với đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên sẽ không đúng nếu cho rằng phạm vi nghiên cứu là sự thu hẹp hơn của đối tượng nghiên cứu.
  Phương pháp (method, 方法 ): - Đó là tổng thể lý thuyết, quan điểm, cách làm, công cụ … được dùng để giải quyết những nhiệm vụ cụ thể được đặt ra của luận văn theo đề tài nhất định. Với khái niệm đó phương pháp nghiên cứu có nghĩa khá rộng. Viết luận văn kinh tế đòi hỏi rất nhiều phương pháp, tốt hơn hết nên kể ra những phương pháp chủ yếu hay đặc biệt để giải quyết những nhiệm vụ tương đối cụ thể. Tránh liệt kê các phương pháp một cách chung chung, hoặc trong luận văn không hề sử dụng. Việc đặt tên các phương pháp cũng cần chính xác.
 NTB/ 05-03-2015
Tài liệu tham khảo:
1- Hướng dẫn thực hiện luận văn thạc sĩ chuyên ngành “quản lý kinh tế”. Khoa Kinh tế-Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Mỏ Địa Chất. 2013.
2- http://hvdic.thivien.net/ (Từ điển Hán-Việt trực tuyến)
3- Từ điển Anh-Việt . OXFORD. NXB Trẻ. 1995.
4- Từ điển Việt- Anh. Bùi Phụng. NXB Thế Giới. 1997

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét