Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

20150324. XUNG QUANH VỤ "THẢM SÁT" CÂY Ở HÀ NỘI

ĐIỂM BÁO MẠNG
" DÂN LÀ GỐC ...CÂY" ?
“Lòng nhiệt tình cộng với sự ngu dốt, cộng với sự độc đoán” hay là chuyện khi “dân là gốc... cây?”
Bài NGUYỄN TRỌNG BÌNH trên Viet-Studies 22/3/2015
  1. Ở Việt Nam, theo quan sát của tôi thì câu nói “Đảng, Nhà nước luôn xem “dân là gốc...” là một trong những câu nói thường xuyên được lặp đi lặp trong các bài phát biểu của các vị lãnh đạo (từ trung ương đến địa phương) mỗi khi đề cập đến mối quan hệ giữa chính quyền với toàn thể người dân. Đây là quan điểm trị nước rất tuyệt vời, không có gì phải bàn cãi. Vấn đề là, như người đời thường nói“mọi lý thuyết đều màu xám” hay nôm na hơn là, nói thì dễ ai nói mà không được nhưng vấn đề là làm như thế nào?
Nhìn sang các nước phát triển trên thế giới, chúng ta sẽ ít khi nghe các vị lãnh đạo ở các nước này nhai đi nhai lại cái điệp khúc xem “dân là gốc” như ở xứ mình. Thế nhưng, hầu như tất cả mọi chủ trương, chính sách, đường hướng phát triển của đất nước đều được họ trình ra một cách cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch để nhân dân giám sát, phản biện, góp ý... Dù không luôn miệng nói “dân là gốc”, không hô hào “Nhà nước này là của dân, do dân, vì dân”, không tuyên truyền “Đảng ta luôn dựa vào dân” hay “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”... nhưng ở các nước ấy thỉnh thoảng người ta lại tổ chức những cuộc “trưng cầu dân ý” về một vấn đề quan trọng nào đó của đất nước; và người dân thì luôn được đảm bảo đầy đủ các quyền cơ bản nhất như: tự do ngôn luận, tự do tư tưởng...; có quyền xuống đường biểu tình nhằm phản đối một chính sách nào đó nếu như nó đi ngược lại nguyện vọng của mình,...
Ở phía ngược lại, trước sự phản ứng của người dân, chính quyền các nước ấy bao giờ cũng rất bình tĩnh và cầu thị xem đó là chuyện hết sức bình thường, đặc biệt không tùy tiện gọi đó là hành vi chống đối hay phản động, chống Nhà nước gì cả... (dĩ nhiên là trừ những trường hợp đặc biệt liên quan đến vấn đề thuộc về bí mật quốc gia...). Và dĩ nhiên, họ sẽ không trù dập hay tùy tiện bắt giam một cá nhân nào đó có quan điểm khác hay thậm chí trái ngược hoàn toàn với họ. Vì thế, có thể nói ở các nước phát triển quan điểm “lấy dân dân làm gốc” hoàn toàn không phải chỉ là mớ “lý thuyết màu xám” mà là “những cây đời” rất tốt và “xanh tươi”.
  1. Mấy ngày qua, trên khắp các phương tiện truyền thông từ báo hình, báo giấy, báo nói, báo điện tử (“trái” có, “phải” có) đều sục sôi bàn luận xoay quanh chủ trương và kế hoạch “tàn sát” khoảng 6.700 cây xanh trên toàn thành phố Hà Nội của lãnh đạo chính quyền nơi đây. Có thể nói, đây là một ví dụ sống động nhất cho thấy câu nói “lấy dân làm gốc” chẳng qua chỉ là mớ “lý thuyết màu xám... xịt”không hơn không kém ở đất nước này. Thậm chí, giờ đây có người còn không ngần ngại “lật bài ngửa” với nhân dân, khi tuyên bố chắc nịch:“Chặt cây không phải hỏi dân”. Quả là một câu nói bất hủ đáng được ghi vào lịch sử của ngành tuyên giáo nước nhà. (Nhân đây cũng xin mở ngoặc nói thêm, ngành lịch sử tuyên giáo nước nhà trước đó không lâu cũng vừa lưu lại một câu nói không kém phần bất hủ khác:“cướp có văn hóa”. Xin đặc biệt lưu ý là cả hai câu nói này đều được khởi xuất từ miệng của ngài Phó Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội có tên gọi là Phan Đăng Long. Thiệt là bá đạo!).
Qua các phương tiện truyền thông, nhìn hình ảnh những thân cây vừa bị đốn hạ còn trơ lại những cái gốc to, tròn mới biết các vị lãnh đạo thành phố Hà Nội không hề xem “dân không là gốc” mà “dân là gốc...cây” thì đúng hơn. Người dân thủ đô – nhất là những người đã, đang gắn bó máu thịt với từng hàng cây, góc phố, con đường nơi đây khi chứng kiến số phận không may của khoảng 500 cây vừa bị thi án tử chỉ còn biết ngậm ngùi mà thốt lên rằng “cây cũng có linh hồn”, chắc nó cũng đau đớn lắm! Vì không biết phải làm gì nên có người chỉ biết... khóc hoặc không thì đau... giùm cho linh hồn của những cây vừa bị hạ xác ấy. Còn lại, đa phần đều rất lo lắng cho số phận của hàng ngàn cây khác đang trong tình cảnh “chỉ mành treo chuông”.
  1. Thật lòng rất không muốn nhưng “thà đau một lần rồi thôi”, qua cái chủ trương  chặt cây này, có thể nói những vị lãnh đạo trong bộ máy chính quyền Thủ đô hoặc là không trung thực hoặc là chẳng xem ý kiến nhân dân ra gì! Không thể nói đây là một là một “chủ trương đúng” ,“cần thiết”,  “hầu hết dân đồng thuận”... nếu căn cứ vào hơn 20 câu hỏi của các phóng viên, báo đài trên cả nước, (trước đó là 10 câu hỏi phản biện của GS toán học Ngô Bảo Châu gây xôn xao cộng đồng mạng) trong buổi hợp báo mới đây nhưng không được các vị lãnh đạo thành phố Hà Nội trả lời. Trong đó đặc biệt là câu hỏi của một phóng viên như sau:  “Trong văn bản TP nói “hầu hết người dân khu vực có cây bị chặt đồng thuận”. Cơ sở nào để có nhận định như trên, có nghiên cứu hay điều tra xã hội học gì không? Nếu có, đề nghị công khai con số”?
Hay thử hỏi, nếu đây là chủ trương đúng, cần thiết, đa phần người dân ủng hộ thì tại sao “ngay sau thông tin Hà Nội quyết định đốn hạ 6.700 trong số chỉ 50.000 cây xanh của thủ đô, fanpage có tên "6,700 người vì 6,700 cây xanh" đã được lập trên mạng xã hội Facebook ngày 17/3, hiện đã có 15.000 người thích”? [1].
Tuy giờ đây, lệnh tạm ngưng chặt cây đã đưa ra nhưng thiết nghĩ điều quan trọng là tất cả lãnh đạo trong bộ máy chính quyền Thành phố Hà Nội phải nghiêm túc nhìn lại và kiểm điểm chính mình, kiểm điểm những phát ngôn và hành động không trung thực của mình và nhanh chóng công khai xin lỗi nhân dân.
Vấn đề không rõ ràng và thiếu minh bạch khi triển khai kế hoạch liên quan trực tiếp đến đời sống văn hóa của người dân thủ đô ở chủ trương này là điều ai cũng nhìn thấy. Nhưng vấn đề sâu xa hơn, phải chăng đây là hệ quả của “lòng nhiệt tình cộng với sự ngu dốt, cộng với độc đoán, cộng với mớ “lý thuyết màu xám” xem “dân là gốc”  nhưng thật ra “dân chỉ là cái gốc... cây”, muốn chặt lúc nào là chặt, muốn đốn lúc nào là đốn của những người nắm quyền lãnh đạo trên đất nước này?
Xin các vị đừng nói lời giả trá trước nhân dân nữa! Hãy nhìn lại chính mình trước khi quá muộn!
  Nguyễn Trọng Bình
CT, 22/3/2015
-----------
Chú thích nguồn tham khảo:
[1] Xem tại: “http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/226357/15-000-likes--doi--cuu-6-700-cay-xanh.html
Tác giả gởi ho viet-studies ngày 22=3=15
 GS NGUYỄN MINH THUYẾT:  LÃNH ĐẠO  HÀ NỘI "THIẾU TRÍ TUỆ" ?
BBC 22/3/2015
Giới chức lãnh đạo, quản lý ở Hà Nội có vấn đề về mặt 'trí tuệ' và 'thiếu dân chủ' trong chiến dịch chặt hạ cây xanh gây tranh cãi và vừa bị đình chỉ ở thủ đô, theo một cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam.
Trao đổi với Tọa đàm Cuối tuần ( Hangout) của BBC hôm 22/3/2015, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Việt Nam, nói:
"Tôi có cảm tưởng là ở đây có sự thiếu trí tuệ của những người chịu trách nhiệm ở Hà Nội và thứ hai là sự thiếu dân chủ.


"Tại sao mà tôi lại nói là thiếu trí tuệ? Là vì ai cũng biết những cây xanh này đã trồng lâu rồi và nó làm nên vẻ đẹp của Hà Nội và nó rất thuận tiện cho đời sống của dân, nhất là ở miền đất nắng nóng mùa hè như thế này.
"Thế nhưng trong số những cây trồng từ thời Pháp thuộc, thì cũng có nhiều cây xà cừ, đấy là những cây rễ nông, cũng có thể dễ đổ, nhất là khi nó đã nặng và đặc biệt đối với những cây lâu năm, thì nó có thể sâu, mọt v.v... Nó đổ lên đầu người, cũng đã gây ra chết người rồi.
"Việc thành phố lo lắng tỉa hoặc chặt những cây hỏng đi để mà trồng bằng cây mới, tôi nghĩ là việc làm đúng đắn thôi.
"Nhưng mình làm một lúc đến từng ấy cây thì nó đúng hay không? Và tại sao cây sâu, mọt gì đó mà cả một tuyến phố, như là Nguyễn Chí Thanh, đường Kim Mã lại bị chặt gần sạch. Chẳng lẽ tất cả các cây ở đấy đều già cỗi hết?
"Thế thì tôi cho cái này thể hiện tầm nhìn rất là thiển cận, cho nên tôi nói thiếu trí tuệ là ở chỗ đấy."

'Thiếu dân chủ'


Tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội
    Người dân Hà Nội xuống đường tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội tại hồ Thiền Quang, hôm Chủ nhật                                                                                          22/3/2015.

Về vấn đề giới chức Hà Nội chịu trách nhiệm trong chiến dịch chặt cây xanh 'thiếu dân chủ', Giáo sư Thuyết nêu quan điểm với Bàn tròn:
"Chủ trương chặt cây xanh này, chặt có số lượng cực lớn như thế, có những phố là mình (Hà Nội) tàn sát gần hết như thế mà không hề thông báo cho người dân, không hề hỏi ý kiến người dân, mà các chuyên gia tôi thấy không mấy ai mà có thể được hỏi.
"Thí dụ như là một trong những chuyên gia về sinh học, có một chức vụ ở Tổng Hội Sinh học Việt Nam như Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, tôi thấy ông phát biểu ở trên đài ông cũng chưa từng đọc (dự án)...
"Tại sao lại như vậy và khi họp báo, ông Phó Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy Hà Nội nói rằng việc này không phải hỏi dân, có thể nói rằng làm như thế là thiếu dân chủ.

"Thế còn tôi không nói đến một điều mà rất nhiều người dân người ta nghĩ, đó là ở đây có những quyền lợi vật chất, ở Việt Nam bây giờ người ta quen gọi một cách lịch sự là lợi ích nhóm," Giáo sư Thuyết nói vớiBàn tròn Cuối tuần của BBC.

'Đổ lỗi cấp dưới?'

Hôm Chủ Nhật, báo chí, truyền thông nhà nước nhất loạt đưa tin Hà Nội đã đình chỉ một số chức vụ cấp phòng ở Sở Xây dựng liên quan vụ việc, khi được hỏi đây đã phải là người chịu trách nhiệm cao nhất chưa, còn ai phải chịu trách nhiệm hay không, Giáo sư Thuyết nói:
"Tôi nghĩ việc này không chỉ liên quan tới Sở Xây dựng, liên quan tới Công ty Công viên Cây xanh đâu, mà nó liên quan đến lãnh đạo thành phố.
"Tôi cho rằng chắc chắn lãnh đạo thành phố phải chịu trách nhiệm về việc này.
"Tôi rất ngạc nhiên là sau khi xảy ra sự việc thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố mới đề nghị Sở Xây dựng rà soát lại việc này, tôi cho rằng nó không bình thường.
"Còn việc này trước khi ông ấy duyệt, thì ông ấy đã phải nghiên cứu kỹ các báo cáo của các cấp ở bên dưới, tham khảo ý kiến các chuyên gia, thì mới đi đến quyết định này.
"Bây giờ mình đổ tội cho tất cả cấp thi hành, người ta thực hiện, tôi cho rằng không đúng," Giáo sư Thuyết nêu quan điểm.
Mời quý vị theo dõi toàn văn cuộc Tọa đàm Cuối tuần của BBC với các khách mờitại đây.

PHÓ TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO HÀ NỘI: "TÔI CÓ GÌ SAI MÀ BỊ KỶ LUẬT?"
Bài ĐÀ LONG /VTC news 24/3/2015
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Hà Nội: 'Tôi có gì sai mà bị kỷ luật'?
  Ông Phan Đăng Long trao đổi với báo chí.
***
(VTC News) - Trước thông tin bị thành phố kỷ luật, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long cho rằng:'Kỷ luật thì phải có sai phạm, mà tôi thấy mình không sai'.

Tại phiên họp giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội chiều 24/3, một số phóng viên đặt câu hỏi về việc ông Phan Đăng Long – Phó Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội  'bị kỷ luật”.

Ông Phan Đăng Long cho biết, trước khi cuộc giao ban diễn ra, cũng đã có nhiều nhà báo gọi điện hỏi ông về điều này. Tuy nhiên, ông Long bác bỏ thông tin bị kỷ luật và cho biết, ban đầu ông khá bất ngờ trước thông tin này.
Theo ông Long, thông tin ông bị kỷ luật có lẽ là xuất phát từ một bài viết đăng trên một tờ báo cách đây không lâu đã giật tít rằng ông nói “chặt câykhông phải hỏi dân”.
“Nhiều nhà báo nghe tin tôi bị kỷ luật. Tôi cũng ngạc nhiên không biết là thông tin đó từ đâu. Kỷ luật thì phải có sai phạm, mà tôi thấy mình không sai gì thì sao lại kỷ luật” ông Long nói.
Ông Long cho rằng, với việc giật tít như vậy, tác giả bài báo có thể đã thành công khi thu hút được nhiều người đọc. Tuy nhiên, bài báo chưa truyền tải hết ý của ông và việc giật tít của bài báo khiến người dân hiểu lầm là ông coi thường dân.
“Ý của tôi là không có quy định bắt buộc thành phố phải hỏi ý kiến của dân khi thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh. Nhưng người dân hoàn toàn có quyền giám sát thông qua HĐND thành phố. Người dân cũng có thể đóng góp ý kiến với thành phố về bất cứ vấn đề gì. Nếu ý kiến của người dân là đúng thì thành phố sẵn sàng tiếp thu. Tuy nhiên, bài viết của tờ báo chưa truyền tải hết ý kiến của tôi,” ông Long phân trần.
Ông Phan Đăng Long chia sẻ thêm, ông cũng hiểu và thông cảm với công việc của phóng viên. “Tôi từng nhiều năm làm việc với báo chí, tôi cũng hiểu được phóng viên khi tác nghiệp là cần phải có tin bài. Bởi vậy, nhiều vấn đề dù không thuộc trách nhiệm của tôi, nhưng nếu tôi nắm được thì tôi sẽ chia sẻ với tư cách cá nhân. Tôi luôn thẳng thắn, không vòng vo với báo chí,” ông Long nói.
Liên quan đến đề án cải tạo, thay thế cây xanh, ông Phan Đăng Long một lần nữa cho rằng chủ trương của đề án là tốt. Theo đó, mục tiêu của đề án là cải tạo, thay thế những cây xanh cong nghiêng, sâu mục… gây nguy hiểm cho người dân chứ không phải là chặt hạ cây. 
"Tuy nhiên, trong đề án này có liên quan đến mục tiêu nữa là hướng đến đô thị xanh, trong đó có thay thế một số cây trên tuyến phố cho đồng bộ, dẫn đến việc một số cây bị chặt hạ", ông Long lý giải.
Theo ông Long, việc thực hiện mục tiêu nói trên, cùng với sự nóng vội, giản đơn, thông tin không đầy đủ, thiếu minh bạch trong quá trình triển khai đã khiến những người yêu Hà Nội, yêu cây xanh phản đối, bức xúc.
“Dư luận thực sự nóng lên từ khi Sở Xây dựng triển khai thực hiện đề án. Người thực hiện cũng không lường được sự phản ứng của người dân. Sau khi nhân dân phản ứng, Hà Nội đã hết sức cầu thì với việc chỉ đạo tạm dừng, rà soát và thanh tra toàn bộ việc thực hiện đề án,” ông Long nói.
Phó Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội còn cho biết, hiện nay vẫn có rất nhiều câu hỏi của người dân được đặt ra như: Có lợi ích nhóm hay không; gỗ bị chặt được đưa về đâu; cây trồng là vàng tâm hay gỗ mỡ… Ông Long khẳng định, tất cả những vấn đề này Thanh tra thành phố phải có trách nhiệm làm rõ. Khi có kết luận thanh tra, Hà Nội sẽ cung cấp thông tin công khai cho báo chí. 
Theo Phó Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, sắp tới, TP Hà Nội cũng sẽ có báo cáo chi tiết lên Chính phủ về vấn đề này.
Trước ý kiến cho rằng, lãnh đạo Hà Nội đã có ý tránh né trách nhiệm, đổ lỗi cho cấp dưới khi cho rằng “chủ trương thay thế cây là đúng, nhưng thực hiện có thiếu sót,” ông Phan Đăng Long khẳng định:
“Không có chuyện lãnh đạo đổ lỗi cho cấp dưới. Hiện tại chưa có kết luận cho thấy chủ trương cải tạo, thay thế cây là sai. Tạm thời nhận thấy dấu hiệu trong việc triển khai thực hiện đề án nên thành phố đã quyết định thành lập đoàn Thanh tra để thanh tra. Đoàn Thanh tra có trách nhiệm làm rõ mọi vấn đề. Nếu ai có trách nhiệm tới đâu sẽ xử lý tới đó, kể cả lãnh đạo.”
Liên quan đến việc GS.TS Nguyễn Lân Dũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra việc thay thế cây xanh, ông Long nói: “Nếu thấy cần thiết thì Thanh tra Chính phủ hoàn toàn có thể tiến hành thanh tra. Nhưng trước hết, khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm, với trách nhiệm của mình, thành phố phải thành lập đoàn thanh tra.”
Về việc Hà Nội còn nợ 21 câu hỏi của báo chí, theo ông Long chính xác thì có 20 câu hỏi của báo chí và 1 ý kiến đóng góp của người dân. Về các câu hỏi này, Sở Xây dựng sẽ có câu trả lời gửi từng cơ quan báo chí.
Ông Phan Đăng Long cho biết, chiều qua (23/3), Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng đã họp và yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo toàn bộ về việc triển khai đề án cải tạo, thay thế cây xanh.
Trước câu hỏi rằng đơn vị thực hiện đề án thay thế cây xanh có hỏi ý kiến các nhà khoa học hay không, Phó Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, ông không nắm rõ vấn đề này. Nhưng ông cho rằng, đơn vị thực hiện phải tham khảo nhà khoa học chứ không thể không được.
"Có thể họ cũng phải tham khảo ý kiến các nhà khoa học chứ không thể không được. Nhưng có thể chỉ một số nhà khoa học thôi chứ không hỏi hết được. Hiện nay, nếu các nhà khoa học, người dân nào có ý kiến đóng góp về đề án này thì hoàn toàn có thể gửi lên thành phố," ông Long nói.
Đà Long


TAHM LAM VÀ PHÁ HOẠI ĐÂU DÁM HỎI  DÂN ?!
Bài NGUYỄN TRỌNG VĨNH /BVB 26/3/2015

Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: "Việc tày đình xôn xao dư luận như thế
mà chưa thấy ý kiến của Thủ tướng và lãnh đạo Đảng".
***
Bác Hồ đã dạy: "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người ".
Sinh thời, hàng năm, người kêu gọi "tết trồng cây: Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây” Thơ HCM: “Mùa xuân là Tết trồng cây/Để cho đất nước càng ngày càng xanh". Thế mà, nay giữa mùa xuân: Chiến dịch phá cây xanh!
Trồng cây quan trọng, ích nước lợi dân như thế, mà nay một lúc chắt hạ ồ ạt, dốc sức trong kế hoạch triệt hạ 6.700 cây ở nhiều tuyến phố thì xót xa và uất hận biết chừng nào?
Trồng một cây, chăm sóc cũng phải 10 - 15 năm mới lớn đủ và cho tán lá che bóng mát. Bảo rằng thay cây xanh đồng bộ cho cảnh quan thành phố mỹ quan hơn là không có cơ sở. Ít nhất phải vài ba chục năm cho đến trăm năm Hà Nội mới có dàn cây xanh như hiện nay mà khách nước ngoài đến từng khen. Chặt đi hàng loạt cây có cả những cây gỗ quý ở nhiều tuyến phố đã làm cho một phần thủ đô trơ trụi xấu xí một thời gian dài chờ cho loạt cây thay thế đủ lớn, mâu thuẫn với các văn bản và nghị quyết về "xây dựng thủ đô xanh, sạch, đẹp". Các Công ty cây xanh và công trình đô thị phải có người trách nhiệm cao, nắm khoa học-kỹ thuật, nuôi cây dưỡng cây thế nào, chăm cây và thay thế cây ra sao, đều phải tuân thủ: Giữ xanh môi trường đô thị bằng các biện pháp kỹ thật chăm sóc, trồng mới, giữ cây quý lâu năm, bất đắc dĩ lắm mới phải chặt đi, thay cây mới.
Vô tình hay cố ý, việc chặt 6.700 cây là hành động phá hoại cảnh quan thành phố, phá hoại môi trường sống, vì cây xanh không những là lá phổi của thành phố mà còn hút bới nước khi có mưa to, trung hòa bớt khí CO2 của hàng triệu xe máy, ô tô và các hoạt động khác thải ra, giữ độ ẩm, bóng mát cho các con phố trong mùa nắng.
Nói đây là trách nhiệm của sở Xây dựng và sở Tài nguyên và môi trường thì chỉ đúng một phần. Họ có trách nhiệm ở mức độ thực hiện chủ trương và kiểm tra. Họ đâu có thẩm quyền ra lệnh đốn hạ một số lượng cây lớn như thế. Việc này phải do cấp trên họ mới có quyền. Đó là chủ trương "thay cây xanh thành phố" của Ủy ban nhân dân Hà Nội. Vậy trách nhiệm về vụ việc tai hại này thuộc về Ủy ban nhân dân thành phố trước hết là Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo.Chính vì chủ trương quá sai trái đó, nên trong cuộc họp báo, ông phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng ấp úng không trả lời được 21 câu hỏi của các nhà báo và đánh bài chuồn (xấu hổ chưa!).
Trong vụ này, không lọai trừ có sự mua bán chia chác giữa các nhóm lợi ích. Nêu không, sao lại có: Tập đoạn Vincom, Ngân hàng thương mại cô phần VP bank, Công ty cổ phần thương mại công nghệ Bình Minh, Công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành, Công an thành phố và một số tổ chức cá nhân khác tham gia ủng hộ? Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã chỉ đích danh: “Nói trắng phớ ra rằng đây là trò lừa đảo ngoạn mục giả danh cái đẹp. Người ta đã mượn cớ chỉnh trang thành phố, mượn cớ bảo đảm an toàn cho dân nhưng thực chất là việc khai thác gỗ và bán gỗ quý”…
Việc tày đình xôn xao dư luận như thế mà chưa thấy ý kiến của Thủ tướng và lãnh đạo Đảng.
Ông Phan Đăng Long phó ban tuyên giáo thành phố thì nói: "Việc chặt cây các tuyến phố đâu cần phải lấy ý kiến của dân” (!?). Thì từ trước đến nay có lấy ý kiến của dân về việc gì bao giờ đâu! Chỉ có năm 2013, khi sửa đổi Hiến pháp có lấy ý kiến của nhân dân, nhưng rồi vẫn quyết định y như  bản thảo đã soạn sẵn, các ý kiến đóng góp của nhân dân và trí thức đều bị…coi như rác!
N.T.V(Tác giả gửi BVB )




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét