Thứ Năm, 21 tháng 3, 2024

20240322. DƯ LUẬN VỤ THÔI CHỨC CỦA ÔNG VÕ VĂN THƯỞNG

  ĐIỂM BÁO MẠNG


HAI CHỦ TỊCH NƯỚC BỊ PHẾ TRUẤT TRONG MỘT NĂM: TRIỂN VỌNG CHÍNH TRỊ NÀO CHO VIỆT NAM?
LÊ HỒNG HIỆP/ FULCRUM/TD 21-3-2024



Bài phân tích của tác giả Lê Hồng Hiệp, đăng trên trang Fulcrum, do Dương Lệ Chi biên dịch, dành riêng cho Tiếng Dân.
***
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ bị thay thế Nhiệm vụ hàng đầu của các nhà lãnh đạo đất nước hiện nay là tìm người thay thế ông và ổn định chính trị.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) hôm nay ra thông báo, họ chấp nhận đơn từ chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, từ bỏ tất cả các chức vụ chính thức và các chức vụ trong đảng. Ngày mai, Quốc hội Việt Nam sẽ triệu tập phiên họp bất thường để chính thức bỏ phiếu về việc ông từ chức, chỉ sau một năm ông làm Chủ tịch nước. Ông Thưởng được cho là có dính líu đến vụ bê bối hối lộ, liên quan đến nhà phát triển bất động sản địa phương Phúc Sơn, hiện đang bị truy tố về các tội tham nhũng khác nhau. Các nguồn tin không chính thức nhưng đáng tin cậy cho biết, trong thời gian ông còn giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (2011-2014), một người thân của ông Thưởng đã nhận 60 tỷ đồng (2,4 triệu USD theo tỷ giá hiện hành) từ Phúc Sơn, được cho là [đã hối lộ] cho Thưởng để xây dựng nhà thờ tổ của mình.
Việc ông Thưởng từ chức đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn bất ổn chính trị mới ở Việt Nam. Kể từ Đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam hồi đầu năm 2021, đã có nhiều vụ cách chức và truy tố cấp cao, trong số đó có 4 ủy viên Bộ Chính trị (trong đó có Thưởng và người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc), một phó thủ tướng, hai bộ trưởng và hơn chục lãnh đạo tỉnh. Việc thay thế quá nhanh hai Chủ tịch nước đặc biệt đáng chú ý, vì ông Phúc cũng bị cách chức hồi đầu năm 2023, sau khi nhậm chức chưa đầy hai năm.
Cũng giống như Phúc, sự ra đi của Thưởng sẽ không dẫn đến những thay đổi chính sách đáng kể, nhưng nó gây ra mối lo ngại cho các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư trong số này được thu hút đến Việt Nam chính vì môi trường chính trị tương đối ổn định của nước này so với các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, thông tin Thưởng sắp ra đi khiến họ càng thêm bất an. Tệ hơn nữa, sức khỏe kém của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và kế hoạch kế nhiệm ông không rõ ràng, có thể sẽ làm gia tăng đấu đá chính trị nội bộ trong Đại hội Đảng toàn quốc kế tiếp vào đầu năm 2026. Điều này càng làm trầm trọng thêm mối lo ngại của các nhà đầu tư.
Ý nghĩa về việc rơi đài của Thưởng đối với tương lai chính trị Việt Nam, đặc biệt là về chuyện tranh giành ghế Tổng Bí thư thay thế ông Nguyễn Phú Trọng, phụ thuộc vào việc ai sẽ đảm nhận vai trò của Thưởng. Theo quy định của Đảng, tân chủ tịch nước phải ngồi đủ nhiệm kỳ Ủy viên Bộ Chính trị, nghĩa là các ứng cử viên tiềm năng hiện nay bao gồm ông Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Trương Thị Mai và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ông Trọng trước đây từng giữ chức chủ tịch nước từ năm 2018 đến năm 2021, có thể đòi lại chức vụ này, nhưng vấn đề sức khỏe của ông có thể là một trở ngại đáng kể. Ông Chính và Huệ dường như không quan tâm, vì với chức vụ hiện tại của họ, họ có nhiều quyền hành hơn là chức chủ tịch nước. Điều này khiến ông Tô Lâm và bà Trương Thị Mai trở thành những lựa chọn khả dĩ nhất.
Ở tuổi 66, Tô Lâm có thể rất quan tâm đến cái ghế Chủ tịch nước này vì nó có thể cho phép ông tìm kiếm một ngoại lệ đối với quy định giới hạn độ tuổi của Đảng và tranh chức vụ cao nhất vào năm 2026. Tuy nhiên, ông cũng có thể dè dặt về việc thay đổi vai trò mới này. Chức Bộ trưởng Bộ Công an hiện tại của ông có quyền lực rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng của đảng Cộng sản Việt Nam đang diễn ra. Ngược lại, vai trò của Chủ tịch nước chủ yếu liên quan đến các nhiệm vụ nghi lễ. Mặt khác, bà Mai cũng là một ứng cử viên sáng giá cho chức vụ này, đặc biệt trong mắt những người đang tranh chức vụ tổng bí thư. Điều này được mong đợi là do quyền lực tương đối yếu của bà, nghĩa là bà khó có thể tận dụng chức chủ tịch nước để làm phương tiện tranh cái ghế hàng đầu trong Đảng vào năm 2026.
Một lựa chọn khác là Đảng bẻ cong các quy tắc của chính mình và đề cử một chính trị gia khác chưa ngồi hết nhiệm kỳ ủy viên Bộ Chính trị nhưng có khả năng mang lại sự ổn định cho hệ thống. Trong kịch bản này, ứng cử viên tiềm năng có thể là Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, hay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Tuy nhiên, các ứng cử viên tiềm năng hiện tại để thay thế ông Trọng và phe phái của họ có thể không ủng hộ quyết định này vì họ không muốn thấy sự xuất hiện của một tân ứng cử viên khả thi, có khả năng cản trở khát vọng của họ đối với chức vụ hàng đầu của Đảng vào năm 2026.
Do quá trình lựa chọn phức tạp và thời gian có hạn nên rất có thể Đảng vẫn chưa đi đến quyết định thống nhất về người kế nhiệm ông Thưởng. Trong trường hợp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ giữ vai trò quyền Chủ tịch nước cho đến khi Đảng có quyết định cuối cùng.
Trong bối cảnh đó, những bất ổn chính trị ở Việt Nam ​​sẽ tiếp tục xảy ra. Một số nhà đầu tư có thể quyết định đợi cho đến khi mọi chuyện lắng xuống trước khi đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư lớn nào. Quan hệ đối ngoại của đất nước cũng có thể bị ảnh hưởng, với khả năng bị trì hoãn hoặc hủy bỏ các cuộc trao đổi song phương cấp cao. Chẳng hạn, do ông Thưởng đang chờ bị truất phế, nên chuyến thăm Việt Nam của vua Willem-Alexander và hoàng hậu Máxima của Hà Lan, theo kế hoạch sẽ diễn ra ​​từ ngày 19 đến 22 tháng 3, nhưng đã bị hoãn theo yêu cầu của Việt Nam.
Ngay cả sau khi Chủ tịch nước mới được bầu, đấu đá chính trị nội bộ có thể sẽ tiếp tục kéo dài cho đến năm 2026, trừ khi kế hoạch rõ ràng về người kế nhiệm ông Trọng được công bố. Trong khi đó, các nhà đầu tư và đối tác của Việt Nam sẽ phải chấp nhận thực tế chính trị mới của đất nước.
Đảng CSVN và ban lãnh đạo cao nhất của đảng có thể mong muốn giảm thiểu các bất ổn này bằng cách đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực và bầu ra một tân chủ tịch, là người có thể đảm nhiệm chức vụ của mình một cách an toàn cho đến năm 2026. Đây sẽ là trọng tâm chính của họ lúc này. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư thông qua hợp lý hóa các thủ tục quan liêu, nâng cao hiệu quả trong việc ra quyết định, xóa bỏ các rào cản pháp lý và quy định đối với các nhà đầu tư cần được ưu tiên để giải quyết những bất ổn chính trị và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng chính trị và kinh tế của đất nước.

LHH

Tiếng Dân News

https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=


PHẢI BIẾT HỔ THẸN ĐỂ THAY ĐỔI CĂN BẢN TƯ DUY VÀ HÀNH ĐỘNG
CHÍNH TRỊ
TRẦN VĂN CHÁNH / TD 21-3-2024


Mấy năm gần đây, qua việc đại phát động chống tham nhũng quyết liệt, được hầu hết thường dân hoan nghênh, trong giới quan chức từ cấp trung ương trở xuống và giới doanh nghiệp đại gia, hầu như ngày nào cũng có kẻ “vô lò”, gây chóng mặt cho một số người quan tâm, theo dõi thời cuộc. Họ đi sóng đôi với nhau, trong một xã hội tiền và quyền vốn có mối quan hệ rất chặt chẽ, thời nào cũng vậy, nhưng trong hiện tại phổ biến là bất chấp pháp luật và văn hóa-đạo đức.
Mới nhất và đang diễn ra rầm rộ là vụ đại án Vạn Thịnh Phát. Theo tin các báo cho hay thì chiều hôm qua 19-3-2024, sau phần luận tội, đại diện cơ quan công tố tại tòa đề nghị tử hình kẻ đứng đầu là bị cáo Trương Mỹ Lan về tội “Tham ô tài sản”; 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”; 19-20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, tổng hợp hình phạt mức án tử hình.
Những người khác liên quan, bị đề nghị mức án 5-10-20 năm hoặc chung thân cũng khá nhiều.
Riêng bà Lan, đã ngất xỉu khi nghe Viện Kiểm sát đề nghị “loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội”. Điều này cũng dễ hiểu, vì tính phụ nữ dễ bị xúc động, cũng là “nhi nữ thường tình” mà thôi. Hơn nữa, bà Lan tuy tuổi không còn trẻ nhưng chưa già lắm, vẫn còn yêu đời và muốn sống. Giả định, nếu cho bà có cơ hội làm lại cuộc đời, chắc chắn bà sẽ làm khác.
Tham lam chi quá đến giờ có hối cũng bất cập, không nghe lời dạy của một nhà lãnh đạo cấp cao: “Tiền nhiều để làm gì, chết cũng có mang theo được đâu, danh dự mới là quan trọng…”. Lời khuyên đạo đức này thật chí lý, nếu các quan chức cả nước ai cũng biết nghe theo thì sẽ không có quốc nạn tham nhũng tràn lan và ngày càng gia tăng một cách khốc liệt đến độ gần như mất kiểm soát, như từ trước tới nay.
Nhưng khổ nỗi, trên thực tế, hầu hết các quan chức đều chỉ vâng lời trước mặt, có nghĩa là khẩu phục mà chưa tâm phục, đôi khi có kẻ còn cười thầm trong bụng vì đối với họ, tài sản có giá trị hơn đạo đức! Bởi vì chúng ta đang bị sống trong một xã hội mà do cách tổ chức, tham nhũng gần như đã trở thành một thứ văn hóa mới, hay cũng có thể gọi là một loại dân tộc tính mới, sờ tới đâu cũng thấy?
Ngay như kẻ viết bài này, nếu được làm quan có chức có quyền, chưa chắc tránh khỏi mọi sự cám dỗ rất hấp dẫn về vật chất, trong điều kiện thu nhập tiền lương thấp, luật pháp rối loạn, và không có các nhánh quyền lực kiềm chế lẫn nhau…
Không ít quan chức, hôm trước rao giảng đạo đức, thề thốt trung thành với…, trách nhiệm cao với…, học tập nêu gương với… đủ thứ, chỉ một thời gian sau, dân chúng thấy họ bị kỷ luật, hoặc thậm chí vào tù!
Có một bà khác rất nổi tiếng, cũng “quậy” dữ lắm, phạm đại tội chủ yếu về kinh tế, đã bị tòa xử khiếm diện sơ thẩm 30 năm tù trong lúc bỏ trốn, nghe đâu đang ở một xứ phương Tây nào đó, mà lệnh truy nã của phía Việt Nam tạm thời chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Kể ra phụ nữ Việt Nam không ít người tài năng lỗi lạc và bản lĩnh xuất chúng, lại thêm gan dạ cùng mình, vì họ mua chuộc một cách hiệu quả dưới hình thức đưa hối lộ hoặc lừa gạt trên diện rộng đám mày râu “đường đường phương diện quốc gia” cũng là một thứ tài năng đặc biệt, không phải ai cũng làm được. Nếu bộ máy nhà nước lành mạnh và nhà cầm quyền biết dùng người đúng cách, nhiều phụ nữ trước nay đã vô tù về tội danh kinh tế hay chính trị chắc chắn đã có thể đóng góp được nhiều cho đất nước theo hướng tích cực.
Tham ô tài sản thì phải có người cộng tác; đưa hối lộ thì phải có kẻ nhận hối lộ; vi phạm quy định… là do quy định có nhiều sơ hở, tổ chức quản lý lỏng lẻo... Tất cả đều đã diễn ra trong cái nền tham nhũng. Và như nhà đại cách mạng tiền bối Lênin đã từng phát biểu khoảng một thế kỷ trước, nếu còn có thể hối lộ được thì người ta không thể làm chính trị được, vì khi đó mọi chỉ thị, quyết định, nghị quyết đều sẽ chỉ lơ lửng trên không trung… Rất giống với thực trạng đã và đang diễn ra ở nước ta.
Trước đây 30-40 chục năm, khi nạn tham nhũng mới chỉ đe dọa trở thành quốc nạn, đa số các giám đốc, đại gia hoạt động trong lĩnh vực kinh tế bị vào tù chỉ vì lý do “vi phạm nguyên tắc nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, tương ứng với thời kỳ mò mẫm, mà nếu không chịu bung ra vượt nguyên tắc thì dành phải bó tay chẳng làm được việc gì ích nước, lợi mình, kết hợp với lợi dân. Mấu chốt của vấn đề trong giai đoạn này là sự mâu thuẫn giữa chế độ quan liêu bao cấp với thị trường, mà sau đã có được một số điều chỉnh tiến bộ hơn nhiều, nhất là sau Đại hội VI (1986) đổi mới tư duy cả về kinh tế lẫn chính trị. Nhìn vấn đề theo hướng này sẽ thấy một số người đi tiên phong vượt rào (trước 1986) trở thành tù nhân lúc đó coi như đã bị tù oan.
Giờ thì thời cuộc đã thay đổi nhiều, với đặc điểm chủ yếu là nạn tham nhũng gia tăng tràn lan đến độ gần như mất kiểm soát, tiêu biểu nổi bật như các vụ Việt Á và “Chuyến bay giải cứu”, có một không hai trên thế giới, thì trách nhiệm để xảy ra tình trạng phải quy hết về cho nhà cầm quyền mới phải, chứ “còn ai trồng khoai đất này”? Chả lẽ lại đổ mãi cho “các thế lực thù địch” nữa hay sao?
Người có tội thì phải xử tội một cách công bằng theo đúng quy định của pháp luật, nhưng xét cho cùng, theo cái logic của xã hội ta hiện tại, các đại gia kinh tế “vô lò” là ít tội hơn so với những quan chức vì quyền lợi cá nhân đã câu kết bao che cho họ, ăn tiền của họ, bởi nếu họ không câu kết móc ngoặc với cán bộ có chức có quyền thì không thể làm ăn lớn được. Mặt khác, bên cạnh phần làm sai tất yếu này, các đại gia đầy tài năng kia cũng có công đóng góp tích cực trong việc xây dựng các mô hình hoạt động kinh tế thị trường theo hướng văn minh tiến bộ. Xã hội phải ghi nhận ở họ về điều này.
Trong tương lai, phải phấn đấu tiến tới một xã hội lành mạnh, giảm bớt tối đa các tệ nạn tham ô, hối lộ, vi phạm quy định này khác… Nhưng hiện tại, một cách thực tế và “cận nhân tình”, nếu toàn bộ công chức các cấp đột nhiên trở nên liêm chính hết thì bản thân họ và cả người dân cũng khó sống, “nước trong quá thì cá không sống được”, trong điều kiện thu nhập bằng đồng lương hoàn toàn phi lý kéo dài…
Vậy nên, nếu xử lý pháp luật theo hướng nhân văn như người ta thường nói, thì cả đám cán bộ công chức tham nhũng lẫn các thường dân đại gia kinh tế “vô lò” đều chỉ đáng tội chừng 50% thôi, bởi tất cả họ đều là con đẻ tất yếu của cả một hệ thống chính trị chứa đựng tùm lum những điều phi lý, mà lâu nay chỉ lo chăm bẵm “sai đâu chữa đấy” ở các phần ngọn, không dám mạnh dạn cải cách đi vào phần gốc!
Còn như để cho một số phụ nữ chân yếu tay mềm, thông minh, sắc sảo, khuynh loát cả triều chính thì trước hết các đấng mày râu đầu bạc ở ngôi cao trên miếu đường đang sính va sính vính trong tình trạng rối bời hiện tại phải biết hổ thẹn với trách nhiệm của những người đứng đầu, từ đó hạ quyết tâm thay đổi căn bản tư duy và hành động chính trị, chứ không nên tự hào về thành tích đã cho vô tù ngày càng nhặt số người vi phạm luật pháp nối đuôi nhau không có điểm dừng…
TVC

Tiếng Dân News

https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=

NÓI THẲNG
NGUYỄN THÔNG/FB/TD 21-3-2024


Dân chúng chờ đợi từng ngày và vui vẻ khi có quan lớn bị kỷ luật, đó mới là điều khiến nhà cai trị phải suy nghĩ (tại sao lại thế, vì đâu, lý do gì...) chứ không phải chỉ một chiều ca ngợi chống tham nhũng không có vùng cấm này nọ. Làm quan to cai trị, cần tự soi mình vào cái gương/ kính dân mà thấy mình thế nào, chứ đừng để dân mong có... quốc tang.
Ông hàng xóm nhà tôi nhận xét rằng, chống nửa vời, giấu sai phạm của cán bộ như mèo giấu cứt. Một đứa đã làm tới chủ tịch nước, tự dưng cho nó nghỉ, nói nó có "vi phạm, khuyết điểm gây dư luận xấu", rồi kỷ luật nó thì không phải chuyện thường. Chủ tịch nước chứ đâu phải trưởng thôn, trưởng ấp. Vụ Võ Văn Thưởng, và cả Nguyễn Xuân Phúc trước đó hơn một năm nữa, đều vậy.
Xứ này kỷ luật chủ tịch nước còn dễ hơn kỷ luật trưởng ấp hoặc tổ trưởng dân phố. Hoặc là chủ tịch nước chỉ hữu danh vô thực, bày ra cho có, không là cái gì; hoặc là giấu giếm sợ "xấu chàng hổ ai", "rút dây động rừng", "vừa đ*o vừa run"...
Cần phải công bố cụ thể sai phạm của nó cho dân biết, nếu nó sai, chứ không có kiểu ỡm ờ vậy được. Vừa để giải tỏa dư luận nhỡ nó bị oan thì sao, vừa để chứng minh sự kiên quyết trong chống tham nhũng chứ không phải đấu đá nội bộ, bè phái.
Làm quái gì có cái kiểu kỷ luật bằng quy trình đương sự làm đơn xin từ chức, sau đó tập thể họp đồng ý và cho nghỉ "về làm người tử tế". Vậy là xong. Phúc cũng thế, và Thưởng cũng thế. Rất hài.
Đứa nào nói không có vùng cấm, chỉ nói phét, nói xạo. Đây là minh chứng rõ nhất sự xạo ấy.
Và điều nguy hiểm hơn, và cũng rất bi đát: Cách kỷ luật, chống tham nhũng kiểu đó đã không coi pháp luật là cái đinh gì. Ngồi xổm trên pháp luật.
Gần 500 "đại biểu quốc hội" sáng nay sẽ gật gù thông qua biện pháp kỷ luật, chắc không ai dám hó hé lấy một lời chỉ ra sự nguy hiểm ấy, thì nên tự thấy mình có đáng để dân tốn tiền chi cho cái ghế "cấp trên biểu" chứ không phải "dân biểu".

Nguyễn Thông

https://www.facebook.com/profile.php?id=100024722048900&__cft__[0]=

Tiếng Dân News

https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=


BÀ TRƯƠNG MỸ LAN BỊ ĐỀ NGHỊ ÁN TỬ HÌNH CÒN ÔNG VÕ VĂN THƯỞNG CŨNG COI NHƯ BỊ “TỬ HÌNH VỀ MẶT CHÍNH TRỊ”.
LÊ QUỐC QUÂN/ VOA/TD 21-3-2024


Ngày 5/3/2024 toà án nhân dân TPHCM đưa vụ án Vạn Thịnh Phát ra xét xử, Báo chí rầm rộ đưa tin dự kiến kéo dài 2 tháng và có thể xử cả cuối tuần với 86 bị cáo, 10 kiểm sát viên, 200 luật sư, khoảng 6 tấn hồ sơ với hơn 1 triệu bút lục, khoảng 2,400 người liên quan.
Thế nhưng chỉ mới hơn 2 tuần Viện Kiểm Sát (VKS) đã đề nghị mức án tử hình cho Bà Lan và nhân dân đã kịp bước qua một mối quan tâm khác là Hội nghị Trung Ương Đảng và kỳ họp bất thường của Quốc Hội, với nhiều chương trình nghị sự quan trọng hơn, liên quan trực tiếp đến người đại diện cho chính thể quốc gia.
Với tư cách là một người nộp thuế, tôi cứ nghĩ về bà Trương Mỹ Lan làm thất thoát đến 489.000 tỷ đồng của Nhân dân; với tư cách là một công dân đã từng bỏ phiếu, tôi cứ nghĩ về ông Võ Văn Thưởng, vị Nguyên thủ quốc gia được quốc hội phê duyệt cách đây hơn 1 năm, bị Đảng “phế truất”, đứng ngoài mọi hành vi chính trị của công dân trong một nước.
Nó đặt ra cho chúng ta câu hỏi lớn hơn về mối quan hệ giữa cá nhân và Nhà nước. Làm sao Nhân dân có thể giúp xây dựng một nhà nước tốt và ngược lại có thể bảo vệ mình khỏi một Nhà nước hư hỏng?
Nhà nước sinh ra để làm gì?
Khi còn là sinh viên Đại học luật, tôi từng đặt về câu hỏi bản chất của Nhà nước sinh ra để làm gì?
Thực tế nhân loại không thể sống thiếu nhà nước. Nhà nước rất cần duy trì trật tự, bảo vệ quyền lợi và giải quyết xung đột. Bên ngoài, Nhà nước bảo vệ đất nước khỏi các mối đe doạ xâm lược bằng việc duy trì lực lượng vũ trang, bên trong Nhà nước thu thuế, xây dựng hạ tầng và cung cấp các dịch vụ công cộng; quan trọng nhất, Nhà nước rất cần để bảo vệ tự do, cải thiện chất lượng cuộc sống trên quy mô lớn, làm cho nhân dân sống ổn định, công bằng và hạnh phúc.
Hai hình ảnh thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong thời gian này đều gắn liền với khái niệm Nhà nước và “corruption” ở tầm thể chế, dù họ ở hai vụ việc và hai vị trí khác nhau.
“Corruption” là sự hoại loạn bắt nguồn từ một trạng thái hư hỏng về đạo đức và quyền lực ở cấp Nhà nước. “Corruption” ở Việt Nam đã và đang xảy ra như là một hệ quả tất yếu rất khó tránh khỏi giữa tiền tài và quyền lực, xoắn lấy nhau dưới sự lãnh đạo của một đảng duy nhất cầm quyền tự nhận mình “là đạo đức, là văn minh”. Thực chất sự mục ruỗng như một một vết dầu loang đang lần tìm gặp ngọn lửa mon men trườn tới.
Trương Mỹ Lan - Võ Văn Thưởng: Tiền tệ và quan hệ
Trương Mỹ Lan và Võ Văn Thưởng là hai người khác biệt ở vị trí công tác. Hai người cũng chịu trách nhiệm riêng rẽ với nhau trong hai vụ việc nhưng đều cùng sống trong một Nhà nước Việt Nam, chia sẻ một bộ luật hình sự, một Hiến pháp và một tương lai chung trong tổ quốc Việt Nam.
Đối với bà Trương Mỹ Lan, dù không giữ chức vụ gì trong SCB nhưng bà có “quyền lực chi phối, chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB”. Theo báo Thanh niên khai thác từ cáo trạng của vụ án thì trong giai đoạn 10 năm (2012-2022) bị cáo “Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.257 khoản với hơn 1 triệu tỷ đồng”.
Số tiền bị thất thoát gây choáng váng với hầu hết tất cả mọi người. Gần 20 tỷ đô la trong một nền kinh tế khiêm tốn như Việt Nam thực sự vượt xa khỏi trí tưởng tượng của những bộ óc bay bổng nhất.
Câu hỏi đau buốt đối với rất nhiều người là làm sao mà một người phụ nữ bình thường lại có thể can thiệp sâu xa và rộng khắp vào hệ thống ngân hàng Nhà nước trong suốt một thời gian dài đến như vậy? Câu trả lời là Tiền. Tiền xẻ lối giữa hai hàng quyền lực và tạo đường đi riêng của nó, không phải ít mà là 1 triệu tỷ đồng đã tìm được đường đi riêng giữa lòng xã hội.
Đối với ông Võ Văn Thưởng, từ một sinh viên ngành triết học Mác Lê-Nin, hoàn toàn mờ nhạt trước nhân dân, cứ lần lượt đi lên cao mãi, vì, như dư luận phỏng đoán, là có quan hệ. Ông thân tín với người quyền lực nhất và Ông cho rằng mình đã nhận thức “đầy đủ, sâu sắc hơn về tầm quan trọng của lòng trung thành, sự kiên định về mục tiêu lý tưởng và con đường đi tới mà Đảng đã lựa chọn”
Ngày Ông được giới thiệu và bầu làm chủ tịch nước, tôi bồi hồi xúc động khi nghe ông phát biểu “Trân trọng và ủng hộ khát vọng vươn lên của mỗi người dân”. Những ngôn từ đẹp đẽ và biết ơn được ông đưa ra như “Tôi may mắn trưởng thành trong nghĩa Đảng, tình dân.”
“Nghĩa Đảng” mà ông đã đề cập có lẽ cũng là câu hỏi nhức nhối mà nhân dân mong được hiểu. Nó là như thế nào? Có phải nhờ niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của đảng mà đã trở thành người đứng đầu nhà nước, đại diện chính thức cho 100 triệu người dân trong cả “hoạt động đối nội và đối ngoại” một cách đơn giản vậy không?
Câu trả lời là quan hệ! Nền chính trị Việt Nam là do một đảng cộng sản lãnh đạo. Cán bộ được đảng “quy hoạch” theo sự lựa chọn. Vì vậy, “quan hệ” là trên hết. Nếu như bà Trương Mỹ Lan dùng tiền để xẻ lối, thì việc được lãnh đạo tối cao của đảng để mắt có thể be bờ đắp đập, tạo thành quan lộ thênh thang. Ngôi vương vì thế mà nằm gọn trong lòng ông.
Bị đề nghị “cách ly vĩnh viễn”
Bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị án tử hình còn ông Võ Văn Thưởng cũng coi như bị “tử hình về mặt chính trị”. Bà Lan bị đề nghị cách ly vĩnh viễn vì đồng tiền đã dẫn lối tiếp tay lùng bùng trong bóng tối, còn Ông Thưởng phải ra đi trong tủi nhục đắng cay, bởi hệ thống chính trị Việt Nam không được thiết kế để cho nhân dân được chọn, giám sát và sửa sai cho họ từ khi còn ở vị trí nhỏ nhất, tham nhũng ít nhất.
Hệ thống cũng được thiết kế để không một người dân nào có khả năng bảo vệ sự trong sạch của chính mình khi nhà nước trở nên “hủ bại”.
Một giọt nước trong được đưa vào lọ mực đen, không bao giờ có thể giữ và sống đúng với căn tính của mình. Ban đầu nó hy vọng là chính mình, sau đó nó nghĩ sẽ “pha loãng” cho lọ mực bớt đen, nhưng cuối cùng thì tự nó đã trở thành một phần tất yếu của lọ mực, chia sẻ một số phận và “tương lai chung”.
Nghĩ về những cuộc họp vội vàng tốn kém tiền của của Nhân dân ở thượng tầng để bàn về “Vấn đề nhân sự” đối với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; nghĩ về phiên toà kỷ lục phơi bày toàn bộ bối cảnh kinh tế và chính trị của một đất nước, tôi liên tưởng đến những show diễn phản ánh về một Việt Nam đương đại.
Nó là một show diễn về xã hội gồm hàng ngàn đại cảnh. Nó có đầy đủ các yếu tố của tiền bạc và quyền lực, kinh tế và chính trị, niềm kiêu hãnh và nỗi ô nhục ở một quy mô cực lớn. Nó là biểu hiện của một khối u khổng lồ đang di căn.
Tiếc thay trong một xã hội mà quyền tự do báo chí chỉ được xếp vị trí 178 trong tổng số 180 quốc gia trên toàn cầu thì dân chúng chỉ được xem một số lát cắt trong hàng ngàn đại cảnh. Võ Văn Thưởng hay Trương Mỹ Lan đều là những nhân vật, những tế bào đang sống trong một thực tại, một khối u chung không thể cắt bỏ đó.
Hết Trương Mỹ Lan là Tân Hoàng Minh, Trịnh Văn Quyết, Hậu Pháo… hết Trần Đại Quang là Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng… Và cứ thế, vở kịch về sự hoại loạn cứ nối tiếp nhau và nhân dân thì mãi mãi chỉ là người đứng xem, còn “đạo diễn” thần thánh vẫn nấp sau cánh gà.

LQQ

Tiếng Dân News

https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=

CHUYỆN BÌNH THƯỜNG VÀ BẤT BÌNH THƯỜNG XUNG QUANH VỤ
VÕ VĂN THƯỞNG BỊ PHẾT TRUẤT

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 22-3-2024


Võ Văn Thưởng bị cách chức, Võ Văn Thưởng chủ tịch nước trẻ nhất, Võ Văn Thưởng chủ tịch nước ngắn nhất...
Đại loại là như vậy, cái tên Võ Văn Thưởng thống lĩnh dư luận tiếng Việt trong và ngoài nước vài tuần lễ qua, một sự thống trị mà ông Thưởng chắc chắn chẳng mong muốn. Đảng cộng sản Việt Nam, mà trong đó ông Thưởng nằm trong tứ trụ triều đình cũng không muốn. Báo chí “lề Đảng” đưa tin về ông Thưởng rất thẽ thọt, im ắng, trong cơn ồn ào sôi động, hỉ nộ ái ố, đủ cả của dư luận.
Thế nhưng tôi thấy chuyện này đâu có gì đâu mà ầm ĩ.
Chuyện bình thường
Ông Thưởng thuộc loại hiền lành, không có khả năng gì, và chắc chắn ông thuộc loại “thành phần” (viết ngắn theo kiểu nói năng bây giờ, thành phần có nghĩa là thành phần cơ bản công nông, thành phần cách mạng).
Theo lý lịch chính thức của ông Thưởng, ông sinh năm 1970, vào đại học năm 1988. Trong giai đoạn này, chế độ cộng sản toàn cầu đang trong tình trạng sắp sụp đổ (1989) nhưng không có nhà lãnh đạo cộng sản nào ý thức được, mà người ta nghĩ rằng nó đang rất là ưu việt. Trong cái “ưu việt” ấy, các “hạt giống đỏ” như ông Thưởng thường được đưa đi đào tạo ở Liên Xô, Đông Âu… Nhưng ông Thưởng lại không đi, hẳn là ông không cạnh tranh nổi mấy cái “suất” du học với các “hạt giống đỏ” khác. Ông học Đại học Tổng hợp thành Hồ, tốt nghiệp năm 1992, khoa Triết học Mác-Lenin.
Thế rồi, cũng như các hạt giống đỏ “hơi bị lép” khác, ông cứ thế mà đi lên theo con đường “đoàn phái” (quan chức của Đoàn Thanh niên Cộng sản), không tranh cãi với ai, mà nhất dạ nhì vâng. Và quan trọng nhất là kinh điển Mác – Lê ông thuộc làu, mà thật ra cũng không có gì khó, độ chừng 1000 từ, cắt ra từ các bài báo tuyên truyền mà thôi.
Nhưng điều đó rất quan trọng, vì nó làm cho ông Thưởng lọt vô mắt xanh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng thuộc làu 1000 chữ ấy như ông Thưởng. Ông Trọng cũng cắt ghép các bài báo tuyên truyền, rồi cho vào những bài diễn văn tràng giang đại hải, dễ ngủ của ông.
Lúc lọt vào mắt xanh của ông Trọng, Thưởng là một cán bộ trẻ tuổi, “được đào tạo bài bản”, không tranh cãi với ai, và đến lúc đó, cũng chẳng điều tiếng gì, một Mr Clean rất lý tưởng.
Các phe phái dữ dằn của Đảng thấy rằng, ông Thưởng cũng gọi dạ bảo vâng, ù ù cạc cạc, nên cũng OK. Thế là ông trở thành “người của thời cuộc”, của đồng thuận, rồi nắm vai trò lễ nghi của đảng và nhà nước, một đồng chí “long trọng viên cao cấp nhất” vậy.
Lên hay xuống đều ngoài ý muốn
Nhưng cứ làm “long trọng viên” như thế chắc chả đến nỗi nào. Cái nỗi nào là cái chức tổng bí thư sắp bị bỏ trống, khi ông Trọng về hưu. Chúng ta không biết chắc rằng, liệu ông Thưởng có lăm le chức ấy hay không, hay là ông Trọng có ý định “quy hoạch” ông Thưởng thành người kế vị mình hay không.
Nguồn tin mà chúng tôi có được, những người biết rõ ông Thưởng thì ông ta không mấy tham vọng, cái chuyện lên tới chức “long trọng viên cấp cao nhất” của đảng và nhà nước đó cũng nằm ngoài suy nghĩ của ông. Nhưng chúng ta cũng không biết được rằng, biết đâu ông ta thấy làm chủ tịch nước, đi đây đi đó, người hầu kẻ hạ, đâm ra ông ta thay đổi chăng?
Còn ông Trọng, thì ông rất nổi tiếng với khái niệm “người Bắc có lý luận” của mình, có nghĩa là tổng bí thư phải là người gốc Bắc, ông Thưởng lại là dân miền Nam. Nhưng biết đâu được, trong thời buổi “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” này, kiếm đâu ra “người Bắc có lý luận”, thôi đành chịu ông Nam kỳ hiền lành này vậy, dù sao ông ấy cũng thuộc bài như mình.
Thế là tai ương ập đến!
Trong bản tin ngắn gọn và thẽ thọt về việc “đồng ý” cho ông Thưởng thôi các chức vụ, ta thấy những lời lẽ rất mù mờ. Ông Thưởng bị phạm lỗi đã làm những điều đảng viên không được làm, mà nếu như bạn đọc đọc kỹ các điều ấy, thì ngay cả người dân thường cũng không được làm. Rồi thì là … gây dư luận xấu. Dư luận nào liên quan đến các đảng viên cộng sản cấp cao mà chả xấu?!
Trong bài viết ngày 15-3-2024 “Vì sao Võ Văn Thưởng sẽ phải rút lui khỏi chính trường”, của tác giả Lê Văn Đoành, một cây bút độc quyền của Tiếng Dân, cho biết, ông Thưởng “dính” đến vụ công ty Phúc Sơn hồi ông còn làm bí thư Quảng Ngãi. Trong những vụ bắt bớ liên quan đến vụ án này, có cả người thân của ông Thưởng ở huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Mà suy cho cùng, chả có bao nhiêu người Việt biết vụ Phúc Sơn như thế nào, vì nó quá nhỏ so với những vụ khác. Và cũng chưa chắc ông Thưởng có chấm mút gì, mà có thể do ông ta không có khả năng, không biết được bọn lừa đảo toa rập nhau qua mắt mình. Thôi thì chuyện Phúc Sơn xảy ra dưới sự quản lý của ông, ông chịu trách nhiệm là đúng, thế nhưng nó xảy ra đã 10 năm rồi!
Thiết nghĩ, khả năng cao nhất là các phe lăm le cái ghế tổng bí thư, cứ ra tay trước cho nó lành. Đồng ý là ông Thưởng hiền lành, không tham vọng, nhưng ai biết đâu được, thôi “đánh luôn” cho chắc ăn.
Chuyện bất thường
Một số nhà quan sát chính trị từ nước ngoài nói với BBC rằng, chuyện ông Thưởng bị hạ bệ là “cơn địa chấn chính trị” của Việt Nam. Câu nhận xét này có hai mặt, không đúng và đúng.
Không đúng ở chỗ, chế độ chính trị Việt Nam sẽ vẫn là một nhóm độc quyền cai trị. Dân chúng cũng vẫn thế, cán bộ cũng vẫn thế. Có gì đâu mà phải “xoắn”!
Nhưng nó đúng ở chỗ … ông Trọng. Chúng ta nên nhớ rằng, ông Trọng đã từng “quy hoạch” một người cũng thuộc 1000 chữ Mác – Lê như ông ấy, là ông Trần Quốc Vượng. Ông Vượng cũng “clean”, không điều tiếng gì. Nhưng đám Trung ương Đảng đánh ngã ông Vượng ngay từ vòng gửi xe.
Nay họ quật ngã luôn ông Thưởng, tuy có vất vả và ồn ào hơn chút xíu vì ông Thưởng đã lên tới chức vụ cao nhất của ngành “long trọng viên”.
Điều đó có nghĩa là, hầu như chắc chắn không còn loại cán bộ thuần đảng, giáo điều, ít phe ít phái nữa, mà là đám thực tế hơn, không giáo điều và dữ tợn hơn. Địa chấn là vậy!

J. NGUYỄN

Tiếng Dân News

https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=

MỘT SỐ THAY ĐỔI TÍCH CỰC TRONG CÔNG CUỘC “ĐỐT LÒ”
Bùi Thanh Hiếu / FB / BVN 20-3-2024

Trong công cuộc “đốt lò” của Đảng CSVN có nhiều thay đổi lớn rất quan trọng và chắc chắn tác động hiệu quả đến hàng ngũ lãnh đạo cấp cao.
Thứ nhất là các trường hợp đại biểu quốc hội, đảng viên các cấp bị bắt khẩn cấp, không cần phải thông qua đảng uỷ hoặc quốc hội. Nếu như trước đây, việc công an bắt đảng viên cần phải thông báo qua đảng uỷ nơi đảng viên đó sinh hoạt. Những nơi này ra quyết định khai trừ, công an mới tiến hành lệnh bắt.
Nhưng nay, công an bắt khẩn cấp uỷ viên trung ương, bí thư, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh … những cán bộ do trung ương quản lý mà không cần Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm, trình trung ương để ra quyết định kỷ luật khai trừ như trước đây, rồi mới tiến hành bắt giữ.
Gần đây đã có nhiều trường hợp khởi tố, bắt giam thời gian rồi sau đó mới làm thủ tục khai trừ đảng, miễn nhiệm vụ, cách chức.
Trường hợp cán bộ là đại biểu quốc hội, cán bộ chuyên trách của quốc hội cũng vậy.
Về mặt luật pháp, ít nhiều đây là sự tiến bộ, công bằng về mặt hình thức. Khi cơ quan điều tra phát hiện tội phạm, họ ra lệnh khởi tố và bắt giữ khẩn cấp. Tuỳ theo vụ việc, có thể khi tiến hành điều tra, đã xin ý kiến chỉ đạo và được sự đồng ý của đảng uỷ, có thể là không cần xin vì muốn giữ bí mật. Nhưng dù là thế nào thì việc bắt trước, khai trừ đảng tịch sau là một sự thay đổi đáng ghi nhận.
Nhiều trường hợp sai phạm, nếu theo quy trình của đảng, phải để ban kiểm tra điều tra xem xét, ra hình thức khai trừ, rồi công an mới vào cuộc khởi tố bắt giữ. Điều này sẽ khiến đối tượng có thời cơ chạy chọt, huỷ tang chứng, xin xỏ, vận động hoặc bỏ trốn gây nên khó khăn khi xử lý hình sự.
Về cấp uỷ viên Bộ Chính trị có sai phạm vẫn phải chờ Bộ Chính trị, Trung ương họp ra quyết định kỷ luận, loại ra khỏi Trung uơng rồi sau đó mới khởi tố bắt tù như ông Đinh La Thăng, hoặc bắt làm đơn xin rút như đối với Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh… Về mặt pháp luật, điều này chưa được thuyết phục, vì mang tính chất nhân nhượng. Tuy nhiên so với trước đây, đó cũng là một bước tiến lớn khi cấp cao như vậy bị kỷ kuật và buộc phải về lúc đang giữ chức vụ trọng trách rất cao.
Quy định trách nhiệm, quyền hạn của các phó Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, cho phép các phó ban thu thập thông tin các cá nhân, tổ chức sai phạm và báo cáo với trưởng ban, chuẩn bị hồ sơ tài liệu và có thể thay mặt trưởng ban điều hành… cùng với các vị trí phó ban là trưởng Ban Nội chính, trưởng Ban Tổ chức trung ương, trưởng Ban Uỷ ban Kiểm tra, Bộ trưởng Công an… là chia quyền phát hiện đề nghị xem xét xử lý cho 4 cơ quan trên. Việc này khá tích cực, vì nếu có vụ việc mà 3 phó ban kia không muốn đưa ra, nhưng một phó ban đưa lên cho trưởng ban và đề nghị xử lý thì đối tượng hoặc vụ việc khó thoát được. Đối tượng muốn thoát khỏi cuộc chống tham nhũng, phải lo lót chạy chọt cho đủ 4 phó trưởng ban hoặc trưởng ban mới có hy vọng thoát tội.
Cho nên dù Bộ Công an, Uỷ ban Kiểm tra trung ương làm ngơ hoặc không biết vụ việc nào đó. Nhưng Ban Tổ chức trung ương, Ban Nội chính phát hiện và đưa hồ sơ ra đề nghị xử lý, các ban khác muốn bao che cũng rất khó khăn.
Về mặt hạn chế, quy định của Ban Phòng chống Tham nhũng cho trưởng ban quyền hạn quá lớn, thiếu dân chủ. Vì nếu vụ việc nào mà trưởng ban không muốn đưa ra, hoặc muốn trì hoãn các thành viên trong ban chỉ đạo cũng phải chịu. Ở trường hợp ông Trọng làm trưởng ban sẽ khắc phục phần nào vì bản thân ông là người khởi xướng, ông phải gương mẫu. Nhưng nếu rơi vào tay người khác làm trưởng Ban chỉ đạo PCTN, chắc hẳn sẽ nhiều vụ việc bị gác sang bên, thậm chí người đưa ra còn bị nguy hiểm.
Một điểm tích cực nữa là vai trò uỷ viên BCT không quá còn là quan trọng, không cần phải bổ sung thay thế người bị kỷ luật. Các Uỷ viên BCT bị kỷ luật buộc về giữa nhiệm kỳ, không cần họp trung ương bổ sung người thay thế. Điều này khiến cho các uỷ viên BCT ý thức được họ sẽ phải ra đi bất cứ lúc nào, cũng như những uỷ viên trung ương muốn lật người khác để thế chỗ cũng không có hy vọng. Mọi vị trí phải chờ đến đại hội đảng xem xét và bầu bán. Những người muốn có ghế trong Bộ Chính trị càng phải giữ mình, phấn đấu đợi đến đúng thời gian diễn ra đại hội.
Tóm lại là trước kia xử lý một uỷ viên trung ương là một vấn đề lớn, nan giải. Ngày nay thì Uỷ viên Trung ương đương nhiệm khi sai phạm bị đưa ra, vào tù nhanh như chớp. Còn uỷ viên Bộ Chính trị không còn là bất khả xâm phạm, đến tứ trụ cũng có thể bị kỷ luật và sa thải bất cứ lúc nào.
Có một tư duy thay đổi nữa là trước kia Đảng CSVN e ngại xử lý cán bộ tham nhũng cấp cao vì sợ mất uy tín, sợ dư luận nhân dân đánh giá quy trình lựa chọn cán bộ lãnh đạo cao cấp của đảng có vấn đề, khi để lọt vào trung ương những thành phần thoái hoá, biến chất.
Thêm nữa là không bảo thủ, cố chấp, giữ kiểu phân bổ vùng miền Bắc, Trung, Nam trong tứ trụ như lệ định trước đây.
Hôm nay thì đảng bất cần giữ quan điểm ấy… dù Uỷ viên Trung ương hay Bộ Chính trị cũng đem ra xử lý. Đây là động thái rất tích cực, cho dù chưa đạt được đến tầm tứ trụ phải vào tù. Nhưng hy vọng theo đà này trong tương lai gần, trưởng các ban trong đảng, tứ trụ cũng có người phải vào tù nếu như sai phạm.
Những thay đổi trên có mang lại hiệu quả nhìn thấy rõ ràng.
Thay đổi hiệu quả là, trước kia các vị trí như chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, thường trực ban bí thư đều có sân sau đeo bám, có những động thái hay chỉ đạo có lợi cho sân sau của mình một cách công khai. Những tập đoàn lớn bám gót theo hầu thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội rất lộ liễu như cố tình khoe với thiên hạ rằng mình có người đỡ đầu. Những tờ báo, những nhân vật ảnh hưởng truyền thông tô vẽ khen ngợi lãnh đạo ngút trời mây, giờ cũng ít đi.
Quyết tâm làm trong sạch đảng viên của ông Trọng là có thật, về trong nội bộ đảng đã có hiệu quả trông thấy, nhìn số lượng uỷ viên trung ương, uỷ viên bộ chính trị bị xử lý trong thời gian ông làm Tổng Bí thư là điều không thể phủ nhận. Việc các quan chức ngày nay e dè không dám làm gì vì sợ mắc tội cũng rất phổ biến.
Đến đây dẫn ra hệ luỵ khác mặc dù ông Trọng đã chỉ được ra, nhưng cách giải quyết chưa có lối đi nào hiệu quả, đó là đặc điểm kinh tế thị trường mang định hướng CNXH mà ông thể hiện tư tưởng của mình qua các bài viết, sách vở khi bàn đến vấn đề đạo đức cách mạng trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.
Trong tác phẩm này, ông chỉ ra việc kinh tế thị trường khiến cho cán bộ tiếp xúc với tiền, với lợi ích rất nhiều so với trước kia. Cho nên cần phải chấn chỉnh mạnh đạo đức, răn đe nghiêm khắc. Điều này đúng nhưng chưa đủ, nếu chỉ có vậy thì chắc chắn sẽ không mang lại sự kích thích phát triển kinh tế.
Ví dụ một quan chức thanh liêm, đồng lương ít ỏi, trên cương vị của mình, họ ra chính sách hoặc chỉ đạo chính sách, tạo cho một doanh nghiệp phát triển và không nhận biếu xén, quà cáp gì. Người đứng đầu doanh nghiệp thu lợi hàng ngàn tỷ, đời sống xa hoa, sắm cả dàn siêu xe như Vũ Trung Nguyên, rồi thừa tiền quá lên giọng dạy thiên hạ “Tiền nhiều để làm gì?”.
Thử hỏi nếu vậy cá nhân quan chức ấy có muốn làm không? Sai thì cá nhân mình chịu, đúng thì thằng trọc phú được lợi. Việc mình làm có tâm không ai hay. Trọc phú có tiền huênh hoang báo chí, dân tình đua nhau ngưỡng mộ?
Cho nên để khuyến khích người lãnh đạo, cần phải xiết chặt và làm nghiêm khắc việc thu thuế của doanh nghiệp. Cán bộ lãnh đạo ra chính sách giúp doanh nghiệp phát triển, là để doanh nghiệp đóng thuế nhiều hơn cho đất nước, tạọ ra nhiều công ăn việc làm. Thuế doanh nghiệp càng nhiều thì càng chứng minh hiệu quả thành công của cán bộ. Bản thân người cán bộ cũng lấy những con số đó để tự hào việc mình đã làm.
Nếu như chỉ chăm chăm xử lý, răn đe cán bộ của mình; không có biện pháp chấn chỉnh gắt gao với các doanh nghiệp, sẽ tạo ra tâm lý chán nản, lảng tránh công việc của cán bộ lãnh đạo.
Song song với xử lý nghiêm khắc và răn đe đạo đức cán bộ đảng viên, cần phải có những xử lý nghiêm khắc với những doanh nghiệp lớn để răn đe, đặc biệt những doanh nghiệp mà người đứng đầu có đời sống xa hoa, phô trương. Những doanh nghiệp thu lợi từ sản xuất và các doanh nghiệp thu lợi từ đất đai phải tính mức thuế khác nhau.
Việc kê khai tài sản hiện nay chỉ diễn ra trong nội bộ đảng. Trong khi bên ngoài xã hội nhiều doanh nhân, nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên có tài sản kếch xù, lối sống xa hoa vượt trội ngàn lần so với người lao động mà chưa thấy ngành thuế báo cáo về con số thuế mà họ đã đóng. Đây là điều cần suy ngẫm và có giải pháp triệt để, đưa ra xử lý làm gương sớm một số trường hợp.
Con đường CNXH và kinh tế thị trường cần có cán bộ lãnh đạo có tài, đức, vì nước vì dân thì cũng cần những doanh nhân vì nước, vì dân. Những doanh nhân vì nước, vì dân sẽ không làm tha hoá cán bộ. Xử lý cán bộ thôi mà e ngại kinh tế thị trường không kiên quyết xử lý doanh nhân lợi dụng cơ chế CNXH và KTTT trục lợi cho bản thân là chưa đủ.
B.T.H.
Nguồn: FB Thanh Hieu Bui


Thanh Hieu Bui


https://www.facebook.com/nguoibuon.gio.9?__cft__[0]=

Bauxite Vietnam


https://www.facebook.com/profile.php?id=100071353650766&__cft__[0]=BVN

NGÀY CHỦ TỊCH VỀ LÀM NGƯỜI 'TỬ TẾ'
TUẤN KHANH/RFA/TD 24-3-2024


Tin tức báo chí rầm rộ đưa sự kiện ông chủ tịch Võ Văn Thưởng rời ghế về làm dân thường, nhưng dường như không có nhiều nuối tiếc trong công luận. Ông Thưởng không còn được làm quan nữa, vì bởi bị phát hiện những sai phạm dính líu đến hối lộ và tham nhũng thời còn nắm quyền ở Quảng Ngãi, tương tự như những kẻ vô lại khác, đã và đang bị vạch trần trong chiến dịch đốt lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hầu như người dân đón nhận tin tức này, nổi bật trên các mạng xã hội chỉ có những lời giễu cợt, hoặc chào tạm biệt mà không hề luyến tiếc. Nó phần nhiều khác biệt với lúc tin ông nhậm chức Chủ tịch nước, dù trong bối cảnh bất thường là thế chỗ cho Chủ tịch tiền nhiệm, cũng bị buộc từ chức, vẫn có đôi lời kỳ vọng về một người miền Nam trẻ, có ít nhiều khác biệt với các quan chức cùng thời.
Một năm để đánh giá con người chắc là cũng đủ. Sự thờ ơ của người dân về tin tức vị Chủ tịch nước 53 tuổi, chỉ mới ngồi vào ghế một năm rồi phải ra đi, nó cũng cho thấy những ngày tháng cầm quyền ngắn ngủi của ông không đem lại điều gì để cho người dân thương mến, thậm chí là ngược lại.
Năm 2017, khi còn làm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Võ Văn Thưởng đã từng làm xã hội xôn xao với tuyên bố “không sợ đối thoại, không sợ tranh luận”. Tưởng chừng như cánh cửa đón nhận các ý kiến khác biệt đã mở rộng, sau khi luật an ninh mạng - luật không chấp nhận ý kiến khác biệt ra đời. Vậy mà, đó chỉ là lời tuyên bố vui miệng của Thưởng.
Năm 2024, ông Đỗ Minh Hiền ở Hà Nội, một người viết lý luận triết học riêng, khác biệt với triết học Marx Lenin, bị 6 năm tù. Không ai biết ông ta viết gì, lập luận ra sao, vì bởi ông ta chưa bao giờ có dịp được đối thoại, hay tranh luận để nhận biết mình sai hay đúng trong giấc mơ mà ông Thưởng vẽ ra.
Đỉnh cao không “đối thoại” của ông Thưởng, là vào tháng Chín 2023, lúc án tử của Lê Văn Mạnh. Vào lúc có quyền lực nhất trong đời mình, và có thể làm thay đổi có tính bước ngoặt của một vụ án oan đã kêu gào suốt 20 năm, ông Thưởng đã chọn bịt tai, không đối thoại với người mẹ già khốn khổ cầu xin, vác đơn quỳ trước cửa, xin ông nhìn vào một lần những điều kết tội quái lạ của bản án. Một ngày trước án tử hình, là giai đoạn nặng nề của cả xã hội, nhìn, đợi vị Chủ tịch trẻ, hy vọng được nghe “đối thoại”, hy vọng được nghe “tranh luận” về sự thật. Nhưng rồi tất cả đều chìm trong nụ cười vô tâm của ông ta trên các trang tin nhà nước.
Năm 2020, tại đại hội thành lập Hội Triết học Việt Nam, với tư cách là Trưởng ban tuyên giáo lúc đó, ông Võ Văn Thưởng kêu gọi phải tạo nên những nhà triết học Việt Nam. Ông Thưởng ca ngợi sự vĩ đại của triết học Hy Lạp, La Mã… và nói, Việt Nam cần có những nhà triết học tầm cỡ. Dường như ông quên mất, Việt Nam cũng đã có triết gia hàng đầu được cả thế giới biết đến như Trần Đức Thảo, đã chết trong im lặng.
Nhưng có lẽ phạm trù triết học của ông Thưởng hoàn toàn khác với thế giới, khi nhấn mạnh “Hội triết học cần đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm triết học sai trái, thù địch, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, đất nước”. Tức triết học của ông Thưởng không dùng để nghiên cứu về các sự vật và hiện tượng của tự nhiên và xã hội, mà chỉ nhằm để tiêu diệt các lý thuyết khác.
Năm 2023 là năm cả nước kêu gào các vụ án oan cần được xét lại như của Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải. Cách làm ngơ dẫn đến việc xử tử đột ngột với Nguyễn Văn Mạnh, đã làm những người có lương tri ở Việt Nam đều xót xa, và lại liên tục gọi tên ông Thưởng với niềm tin phập phồng.
Tháng Hai 2024, những người quan tâm đến các vụ án oan ở Việt Nam đều chưng hửng khi nghe tin Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký quyết định ân giảm hình phạt từ tử hình xuống tù chung thân cho 18 bị án có đơn gửi xin. Lẽ nào núi đơn chồng chất suốt hơn một thập niên của các gia đình như Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải đã gửi sai địa chỉ, sai con người?
Nhưng những chuyện đó giờ cũng đã qua. Vị Chủ tịch nước quyền thế đã bước xuống. Người đàn ông Võ Văn Thưởng đã trao trả mọi thứ và về nhà. Nói theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi thôi chức vụ, là thôi hết mọi thứ để “về làm người tử tế”. Nhưng về sau, khi sóng gió chính trường đi qua, ngồi ngẫm lại, ông Thưởng có tự đếm xem mình đã là người tử tế được bao nhiêu lần?

TK

Tiếng Dân News

https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét