Thứ Ba, 19 tháng 3, 2024

20240320. BÀN VỀ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ CHO ĐÀ NẴNG

 ĐIỂM BÁO MẠNG


ĐÀ NẴNG, LỐI ĐI CHUNG, LỐI ĐI RIÊNG
LAN ANH/TVN 19-3-2024

Có thể nói, các mục tiêu đặt ra trong quy hoạch phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 rất cao so với diễn biến thực trạng phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng hiện nay.

LTS: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 1287 QĐ/TTg phê duyệt quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung phân tích những động lực mới để Đà Nẵng cất cánh.

Đà Nẵng được tách và thành lập thành phố trực thuộc trung ương từ năm 1997. Đến nay, sau gần 20 năm, Đà Nẵng đã phát triển từ nghèo khó trở thành nơi đáng sống với mức thu nhập của người dân thuộc top đầu trong cả nước. 

Đà Nẵng đã trở thành điểm đến du lịch ưa thích của du khách trong nước và quốc tế. Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng trong thời gian qua là nổi trội, khác biệt so với hầu hết các địa phương khác.

Bên cạnh các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tư duy đột phá của người lãnh đạo, sự năng động sáng tạo của hệ thống chính trị với khao khát biến tiềm năng thành hiện thực, tăng tốc phát triển kinh tế địa phương liên tiếp trong nhiều nhiệm kỳ… là yếu tố quyết định đối với thành công của Đà Nẵng trong thời gian qua. 


Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng xác định mục tiêu đến năm 2030 có tốc độ tăng trưởng kinh tế 9,5-10%/năm. Ảnh: Nam Khánh

Thật vậy, những cơ chế, chính sách khác biệt phù hợp với thực tiễn và theo cơ chế thị trường về khai thác, huy động và tích tụ vốn từ đất đai đã được áp dụng để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị. Đồng thời, đẩy mạnh, tăng tốc quá trình đô thị hoá và phát triển mạnh mẽ khu vực dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch là điểm nổi trội thứ nhất trong mô hình phát triển của Đà Nẵng. 

Điểm nổi trội thứ hai, quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, di dời chỗ ở và thay đổi sinh kế của người dân đã không đẩy họ ra bên lề của quá trình phát triển. Người dân là chủ thể, trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi, đô thị hoá, dịch vụ hoá và từng bước hiện đại hoá kinh tế Đà Nẵng. 

Có thể nói, đây là điểm khác biệt, là thành công nổi trội cơ bản của mô hình phát triển Đà Nẵng so với hầu hết các địa phương khác, rất đáng được học hỏi, rút bài học.

Tuy vậy, mô hình phát triển nói trên của Đà Nẵng do nhiều nguyên nhân khác nhau đã dần giảm, thu hẹp dư địa phát triển. Cần sớm bổ sung thêm năng lượng, thay đổi động lực tiếp tục theo tinh thần khác biệt vượt trội như trước đây để đưa Đà Nẵng trở lại đường ray phát triển nhanh, bền vững nhằm hiện thực hoá mục tiêu phát triển theo quy hoạch đã định.

Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng xác định mục tiêu đến năm 2030 có tốc độ tăng trưởng kinh tế 9,5-10%/năm. Trong đó, nông lâm nghiêp thuỷ sản tăng 2,5-3%; công nghiệp xây dựng tăng 10-10,5%, (công nghiệp tăng 11,5-12%), dịch vụ tăng 9,5-10%; thu ngân sách trên địa bàn tăng 9-10%/năm; đầu tư xã hội tăng 11-12% năm…

Có thể nói, các mục tiêu nói trên rất cao so với diễn biến thực trạng phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng hiện nay. Cụ thể là:

Thời kỳ 2015-2019, tăng trưởng GRDP trung bình cũng chỉ đạt hơn 7,7%. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2023 chỉ khoảng 3,2%, không bằng một nửa so với trước đó. Trong 3 năm qua, tăng trưởng GRDP bình quân chỉ đạt 5,65%. 

Để đạt mục tiêu quy hoạch cho giai đoạn đến năm 2030, tăng trưởng GRDP bình quân năm trong 2024-2030 phải đạt hơn 11% mỗi năm, tức là phải cao gấp 2 lần so với thực trạng hiện nay.

  

Xét về phía cung, dịch vụ là nhân tố chính tạo nên tăng trưởng thần kỳ của Đà Nẵng trong thời gian qua. Đóng góp của công nghiệp và xây dựng, nhất là công nghiệp chế tác, chế tạo trong GRDP nhìn chung khá thấp, thấp hơn nhiều so với đa số các địa phương khác và mức bình quân chung của cả nước. 

Tăng trưởng VA của khu vực dịch vụ, trụ cột chính của kinh tế Đà Nẵng, giai đoạn 2015-2022 chỉ là 7,2%, giai đoạn 2015-2019 là 8,65%. Nếu tiếp tục với tốc độ như thế là không còn đủ để duy trì tăng trưởng cao và bền vững, đạt được mục tiêu phát triển như đã xác định trong quy hoạch.

Xét về các ngành dịch vụ trong hệ sinh thái du lịch gồm bán buôn, bán lẻ, vận tải và kho bãi; lưu trú và ăn uống, vui chơi giải trí…. đóng góp hơn 32% GRDP năm 2022. Trong đó, dịch vụ nghệ thuật vui chơi giải trí còn rất thấp, chưa đáng kể so với các loại dịch vụ khác. 

Như vậy, du lịch ở Đà Nẵng mới chủ yếu tập trung lưu trú, ăn uống và một phần nhất định là mua sắm. Các sản phẩm dịch vụ khác, nhất là vui chơi giải trí là chưa đáng kể.

Ngoài ra, các ngành dịch vụ chất lượng cao, đặc trưng cho trình độ phát triển cao của nền kinh tế như giáo dục, đào tào, tài chính và ngân hàng, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ, chăm sóc y tế,… chỉ có vai trò rất khiêm tốn trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng. 

Ngoại trừ lưu trú ăn uống là dịch vụ chủ đạo của du lịch Đà Nẵng, tăng trưởng của các ngành dịch vụ còn lại, đặc biệt là giáo dục đào tạo, vui chơi giải trí, tài chính ngân hàng, nghiên cứu khoa học công nghệ… khá thấp so với tiềm năng của Đà Nẵng.

Với cơ cấu dịch vụ và tốc độ tăng trưởng như trình bày trên đây, khó có thể tiếp tục thực hiện sứ mệnh là đầu tàu đưa nền kinh tế Đà Nẵng đến mục tiêu quy hoạch như đã nói trên.

Về xây dựng và công nghiệp, phần đóng góp của lĩnh vực này, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo đang giảm dần; tốc độ tăng trưởng VA thấp và không ổn định, đóng góp khá thấp vào tăng trưởng GRDP. 

Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Đà Nẵng bao gồm: (i) sản phẩm thuỷ sản đông lạnh, (ii) sản phẩm bia các loại, (iii) sản phẩm vải dệt thành phẩm, (iv) sản phẩm quần áo may sẵn, (v) lốp hơi mới bằng cao su dùng cho xe tải, xe buýt hoặc máy bay;(vi) sản phẩm xi mămg, (vii) sản phẩm gạch các loại, (viii) sản phẩm động cơ điện một chiều có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 37W, (ix) sản phẩm thiết bị câu và bắt cá. 

Có thể nói, quy mô công nghiệp còn nhỏ với các sản phẩm chủ yếu nói trên, nếu tiếp tục có đầu tư phát triền, vẫn  không thể nâng cấp và tạo ra thay đổi cơ bản về chất kinh tế Đà Nẵng, và góp phần vào đạt các mục tiêu phát triển của địa phương trong các thập kỷ tiếp theo.

Bức tranh trên đây cho thấy, tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng đang giảm dần. Những khác biệt của phát triển kinh tế Đà Nẵng không còn, các động lực tăng trưởng đang suy yếu dần, không có khả năng bứt phá để đưa Đà Nẵng trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững. 

Thực tế cho thấy đầu tư xã hội của Đà Nẵng đang suy giảm nhanh chóng, liên tục và toàn diện trong thời gian qua.

Số vốn đầu tư xã hội giảm liên tục từ 39,262 tỷ đồng năm 2019 xuống còn 31.773 tỷ đồng năm 2023. Đầu tư xã hội/GRDP của Đà Nẵng đã giảm nhanh từ 57,71% năm 2010 xuống còn 23,67% năm 2023.

Tổng đầu tư xã hội trên địa bàn Đà Nẵng đang suy giảm mạnh, tăng trưởng (âm) trung bình 3%. Nói cách khác, đầu tư xã hội của Đà Nẵng đang thu hẹp và nhỏ hơn nhiều so với trước đây. 

Xét về đầu tư nhà nước, đầu tư của trung ương giảm mạnh, chiếm phần không đáng kể, chỉ khoảng 5% tổng đầu tư nhà nước kể từ năm 2017. Vốn đầu tư nhà nước trên địa bàn Đà Nẵng hầu như không tăng trong suốt 5 năm 2019-2023, chỉ khoảng gần 9.000 tỷ đồng/ năm. 

Tương tự, số vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước và FDI cũng có xu hướng giảm và thu hẹp lại so với trước trong suốt 5 năm qua.

Xét cơ cấu đầu tư xã hội theo ngành kinh tế, có thể nhận thấy một số điểm đáng lưu ý sau đây:

Thứ nhất, đầu tư cho kinh doanh bất động sản liên tục tăng từ khoảng 10% năm 2015 lên khoảng 17,5% năm 2022. Trong khi đó, đóng góp của ngành này trong GRDP chỉ khoảng 6%.

Thứ hai, đầu tư cho ngành dịch vụ lưu trú ăn uống chiếm trung bình khoảng 13,2% tổng đầu tư xã hội giai đoạn 2015-2022, nhưng ngành này chỉ đóng góp khoảng 4,5-6,5% GRDP. 

Thứ ba, đầu tư cho dịch vụ thương mại khá thấp và có xu hướng giảm từ khoảng 6% tổng đầu tư xã hội năm 2015 xuống còn 4,36% năm 2022, trong khi ngành này đóng góp khoảng 13-14,5% GRDP thành phố Đà Nẵng.

Thứ tư, đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng có xu hướng giảm tương ứng 12,5% và 10% tổng đầu tư xã hội năm 2015 giảm xuống 9,53% và 5,57% năm 2022. Trong khi đó, đóng góp của hai ngành này trong GRDP là 23,4% năm 2015 giảm xuống còn 20% năm 2022. 

Điều đáng nói, đầu tư vào các ngành dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế và dịch vụ chuyên môn khoa học công nghệ là khá thấp và đang có xu hướng giảm trong mấy năm gần đây. Tương tự, đầu tư vào ngành vui chơi, giải trí rất thấp, giảm mạnh trong các năm gần đây, chỉ còn chiếm 0,51% tổng đầu tư xã hội vào năm 2022. 

Trong khi đó, hoạt động làm thuê hộ gia đình đóng góp hoàn toàn không đáng kể, chỉ khoảng 0,1% GRDP của Đà Nẵng. Tuy nhiên, đầu tư xã hội cho hoạt động này tương đối cao và đang tăng tiên tục từ 8,3% năm 2015 lên gần 18% tổng đầu tư xã hội năm 2022.

Tóm lại, đầu tư xã hội ở Đà Nẵng giảm về tỷ trọng/GRDP, về số tuyệt đối nói chung và của từng thành phần kinh tế nói riêng. Đặc biệt, đầu tư vốn ngân sách trung ương cho Đà Nẵng đã giảm mạnh so với trước đây. Thêm vào đó, vốn đầu tư xã hội đang bị phân bổ sai lệch và sử dụng kém hiệu quả. 

Vốn đầu tư xã hội tập trung nhiều vào các ngành kém hiệu quả, đóng góp không tương xứng trong GRDP. Đầu tư vào các ngành dịch vụ, thương mại, giáo dục, đào tạo, y tế, vui chơi giải trí rất thấp và có xu hướng giảm trong mấy năm gần đây. 

Thực tế diễn biến vốn đầu tư xã hội như trên cho thấy nền kinh tế đang cạn dần động lực tăng trưởng.

Lan Anh lược ghi

NGUỒN: Đà Nẵng, lối đi chung, lối đi riêng (TVN 19/3/2024)  [https://vietnamnet.vn/da-nang-loi-di-chung-loi-di-rieng-2261004.html]

TIN LIÊN QUAN:


NHỮNG CƠ CHẾ ĐẶC THÙ ĐỂ ĐÀ NẴNG CẤT CÁNH
LAN ANH/ TVN 20-3-2024

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đề xuất một số giải pháp nhằm tạo động lực mới để Đà Nẵng cất cánh.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 1287 QĐ/TTg phê duyệt quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đề xuất một số giải pháp nhằm tạo động lực mới để Đà Nẵng cất cánh.

Quy hoạch thành phố Đà Nẵng (quyết định 1287 QĐ/TTg phê duyệt ngày 2 tháng 11 năm 2023) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định cụ thể gồm: (i) quan điểm, mục tiêu phát triển; (ii) phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và phương án tổ chức các hoạt động kinh tế- xã hội; (iii) phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; (iv) phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật kèm theo 10 phụ lục với hàng trăm các dự án đầu tư; (v) phương án phát triển hạ tầng xã hội kèm theo 4 phụ lục các dự án đầu tư; (vi) quy hoạch phát triển vùng huyện…


Chính sách huy động vốn, phân bổ và sử dụng vốn hiệu quả nhất là những yếu tố quyết định thành của Đà Nẵng. Ảnh: Hồ Giáp

Thực hiện quy hoạch là một khối lượng công việc khổng lồ, toàn diện trên tất cả các mặt. Tuy vậy, thời gian còn lại chỉ 7 năm với nguồn lực và năng lực có hạn, cần phải có sự lựa chọn ưu tiên với những thể chế đặc thù khác biệt. Như vậy mới có hy vọng tạo ra bước ngoặt cho phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ quy hoạch. 

Về huy động vốn đầu tư, dự kiến số vốn cần huy động để thực hiện quy hoạch là 800.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 32 tỷ đô la Mỹ, bằng khoảng 40% GRDP Đà Nẵng. Trong đó, vốn đầu tư nhà nước khoảng 25%, ngoài nhà nước 60-65% và FDI từ 10-15%. Đây là số vốn rất lớn so với năng lực hiện có (vốn đầu tư xã hội năm chỉ bằng hơn 23% GRDP), khoảng 32000 tỷ, bằng 40% số cần huy động.

Do đó, cơ chế, chính sách huy động vốn, phân bổ và sử dụng vốn hiệu quả nhất là yếu tố quyết định thành công tiếp theo của Đà Nẵng.

Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã đồng ý chủ trương cần có thêm cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng. Từ đó, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, nhất là trong phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương. Nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Theo tinh thần quyết liệt thực hiện tốt nhất mục tiêu đã định và chủ trương mà Bộ Chính trị đã quyết định đối với Đà Nẵng, sau đây là một số đề xuất về giải pháp nhằm tăng thêm động lực, nguồn lực góp phần đưa Đà Nẵng quay lại quỹ đạo tăng trưởng thần kỳ như kỳ vọng.

Mở rộng không gian phát triển thành phố Đà Nẵng

Đầu tư nâng cấp sân bay quốc tế Đà Nẵng lên ít nhất 25 triệu hành khách/năm để Đà Nẵng thành địa điểm đến và trung chuyển, phân phối khách du lịch cho cả khu vực Trung trung bộ và Tây nguyên, và trung tâm logistics hàng không của cả vùng (hoàn thành trước năm 2028).

Đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu và chuyển tương ứng công năng cảng Tiên Sa.

Đầu tư nâng cấp, mở rộng toàn tuyến quốc lộ 14B và 14G để kết nối Đà Nẵng với Bắc Tây nguyên, Lào và Myanmar (hoàn thành trước năm 2028).

Thành lập hội đồng hợp tác phát triển Trung trung bộ và Tây nguyên với chức năng chủ yếu là xác định và phối hợp điều phối thực hiên các dự án ưu tiên đầu tư phát triển của vùng. Hội đồng có bộ máy giúp việc chuyên trách và đủ mạnh về chuyên môn và kinh nghiệm nghiên cứu, tham mưu về các vấn đề phát triển.

Huy động vốn đầu tư

Tăng thêm vốn đầu tư nhà nước, nhất là vốn đầu tư do Trung ương quản lý cho thành phố Đà Nẵng bằng cách tạm thời không điều tiết thu ngân sách Đà Nẵng về ngân sách Trung ương (cho đến năm 2030). Cách này nhằm đảm bảo vốn đầu tư nhà nước đạt 25% tổng vốn đầu tư xã hội của Đà Nẵng như quy hoạch phát triển thành phố đã xác định. Đồng thời, bố trí đủ vốn thực hiện dự án quốc lộ 14B và 14G cho toàn tuyến kết nối Đà Nẵng với Bắc Tây nguyên.

Cho phép Đà Nẵng thực hiện thu hút đầu tư dưới hình thức PPP không hạn chế về lĩnh vực, ngành nghề và quy mô. Đặc biệt, khuyến khích trong đầu tư phát triển hệ sinh thái du lịch và đô thị hoá như đã nói trên.

Có các biện pháp khuyến khích và ưu đãi khác biệt, vượt trội đủ hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư (trong và ngoài nước) cùng với điều kiện sống và làm việc thuận lợi tương đương khu vực để hội tụ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người lao động trình độ cao trong các ngành công nghiệp công nghệ cao của thành phố.


Khách du lịch tham quan Cầu Vàng - Bà Nà Hills, Đà Nẵng. Ảnh: Hồ Giáp

Kinh tế thành phố vẫn tiếp tục phát triển trên 3 trụ cột chính. Đó là: (i) Đô thị hoá theo hướng hiện đại, xanh và thông minh; (ii) Du lịch với đầy đủ hệ sinh thái có các loại dịch vụ đa dạng, chất lượng cao… (iii) Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với công nghiệp chế tạo công nghệ cao, nhất là công nghiệp bán dẫn…

Để thực hiện được định hướng phát triển nói trên, cần có hàng loạt cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội cho Đà Nẵng đến năm 2030. Cụ thể là:

Thứ nhất, áp dụng thủ tục đầu tư rút gọn (chỉ định thầu và chấp thuận chủ trương đầu tư/chấp thuận đầu tư đồng thời với giao đất, cho thuê đất) đối với dự án quy mô lớn của doanh nghiệp (nhà đầu tư) lớn, có uy tín trong nước hoặc quốc tế trong công nghiệp công nghệ cao, logistics, tổ hợp thương mại và văn phòng, trung tâm mua sắm, xử lý chất thải rắn và nước thải, bảo vệ môi trường.

Thứ hai, cho phép thành phố Đà Nẵng hỗ trợ giá trị quyền sử dụng đất thực hiện các dự án PPP trong các dự án phát triển đô thị hiện đại, xanh và thông minh trên hai bên bờ sông Hàn, dự án đầu tư xây dựng các trung tâm mua sắm, các trung tâm thương mại đa chức năng, dự án xử lý chất thải.

Thứ ba, cho phép Đà Nẵng mở thêm cơ sở casino cho khách du lịch. Số lượng, quy mô các cơ sở casino do Hội đồng nhân dân thành phố quyết định.

Thứ tư, có chính sách, cơ chế ưu đãi đặc thù vượt trội về sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở đào tạo ngoài công lập áp dụng các chương trình đào tạo quốc tế tốt, đào tạo song ngữ (Tiếng Việt và một tiếng nước ngoài phổ biến). 

Thứ năm, đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, năng lực đào tạo nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp bán dẫn và công nghiệp công nghệ cao khác cho Đại học Đà Nẵng, nhất là trường đại học Bách Khoa Đà Nẵng và các trường đại học khác.

Thứ sáu, thành lập quỹ (không giới hạn quy mô với đóng góp của ngân sách địa phương, doanh nghiệp và các nguồn khác) về nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; được tự chủ hoạt động theo mục tiêu, các KPIs và theo điều lệ do Uỷ ban Nhân dân thành phố ban hành.  

Thứ bảy, áp dụng thuế thu nhập cá nhân 10% đối với chuyên gia, nhà nghiên cứu, người lao động có trình độ cao… làm việc tại doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao, trong các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao khác. 

Cuối cùng, bên cạnh quyết tâm chính trị, đổi mới tư duy và sáng tạo của cả hệ thống chính trị, nhất là những người lãnh đạo, cần sớm có một nghị quyết mới của Quốc hội về cơ chế đặc thù, vượt trội cho Đà Nẵng. Điều này góp phần quyết định vào việc thực hiện thành công nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Ngày 24 tháng 1 năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết số 43 NQ/TW về phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Ngày 2 tháng 11 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 1287 QĐ/TTg phê duyệt quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2045. 

Hiện nay, mọi nỗ lực tập trung vào triển khai thực hiện nội dung hai văn kiện nói trên. Hy vọng, những động lực sẽ tiếp tục được phát huy để Đà Nẵng trở thành động lực phát triển của vùng đất miền Trung. 

Lan Anh lược ghi

NGUỒN:  Những cơ chế đặc thù để Đà Nẵng cất cánh (TVN 20/3/2024) [https://vietnamnet.vn/nhung-co-che-dac-thu-de-da-nang-cat-canh-2261324.html]

TIN LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét