Thứ Ba, 5 tháng 3, 2024

20240306. NHỚ LẠI TẾT MẬU THÂN 1968

   ĐIỂM BÁO MẠNG

TẾT, NHỚ LẠI XUÂN MẬU THÂN
NGUYỄN THÔNG/ FB từ 11-2-2024 đến 24-2-2024



KỲ 1 (11-2-2024)
Đời người, có những thứ, dù không phải của riêng mình, nhưng không thể quên, không bao giờ quên. Tết Mậu Thân 1968 là dạng vậy.
Tại đang ngày tết, hôm nay mùng 2 Tết Giáp Thìn 2024, nên cái ký ức muốn đào sâu chôn chặt, vùi nó cho quên đi, lại thò ra. Đã 56 năm, gần một đời người theo chuẩn “lục thập hoa giáp”, tôi vẫn còn nhớ những gì liên quan tới nó, dù khi ấy mình còn hơi be bé.
Năm 1968, tôi đang học lớp 7 (hệ 10 năm). Đã biết làm văn nghị luận. Thầy giáo văn Ngô Minh Phất chuyên dạy văn lớp 7 trường cấp 2 Thụy Hương, cứ mỗi năm có thơ cụ Hồ chúc tết lại lấy bài đó bắt học trò làm bài phân tích tác phẩm hoặc bình giảng. Cụ Hồ có thói quen làm thơ chúc tết, kể từ thời chống Pháp chứ chẳng phải chỉ sau này. Đó là các năm Bính Tuất 1946, Đinh Hợi 1947, Mậu Tý 1948, Kỷ Sửu 1949, Canh Dần 1950, Tân Mão 1951, Nhâm Thìn 1952, Quý Tỵ 1953, Giáp Ngọ 1954. Khi hòa bình và chiến tranh Bắc - Nam, vẫn có, như Bính Thân 1956, Kỷ Hợi 1959, Canh Tý 1960, Tân Sửu 1961, Nhâm Dần 1962, Giáp Thìn 1964, Ất Tỵ 1965, Bính Ngọ 1966, Đinh Mùi 1967, Mậu Thân 1968, và Kỷ Dậu 1969.
Có nhiều công trình tìm hiểu, nghiên cứu, ca ngợi thơ chúc tết của cụ Hồ. Thôi thì ăn cơm chúa múa tối ngày, không có gì lạ. Chứ nói thẳng nói thật, thì nó chỉ là dạng vần vè, nôm na, nhỉnh hơn khẩu hiệu tí ti. Chính cụ tác giả cũng từng thừa nhận trong bài chúc tết năm Giáp Thìn 1964 “Mấy lời thân ái nôm na/Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”, chứ không phải tôi bịa, cố ý hạ thấp. Người khác mà viết “thơ” vậy, có khi bị các nhà phê bình dạng Như Phong, Hoài Thanh, Hà Xuân Trường, hoặc các nhà thơ chuyên nghiệp như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu nện tơi tả, chết chứ đùa. Thực ra, bài năm 1964 này có thể coi là bài hay nhất trong đám “thơ chúc tết” của cụ, mà nhiều người biết, trong đó có mấy câu “Bắc Nam như cội với cành/Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng/Rồi đây thống nhất thành công/Bắc Nam ta sẽ về trong một nhà” (cũng có bản chép "Bắc Nam ta lại vui trong một nhà").
Về sau thì tôi hiểu, một phần ông cụ thích làm thơ, nên chúc tết cũng ra vẻ thơ phú tí cho nó văn nghệ, một phần ở cương vị ấy, được giao trách nhiệm rồi, buộc phải có vài lời trước quốc dân đồng bào, chứ có khi không thích lắm. Bằng chứng là một số năm không có thơ chúc tết, ví dụ năm 1955, Tết Ất Mùi, lại chính là cái năm bu tôi đẻ ra tôi.
Trong di sản thơ chúc tết của cụ Hồ, người ta nhớ nhất, thuộc nhất 3 bài cụ viết 3 năm cuối đời, tết các năm 1967, 1968, 1969, trong đó đáng lưu ý bài chúc tết-thơ xuân Mậu Thân 1968. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
KỲ 2 (13-2-2024)
Như thường lệ, đón xuân Mậu Thân 1968, với trọng trách chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, quốc gia ở miền Bắc (còn nửa kia là miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào, cũng là một nước độc lập tự chủ, có tên Việt Nam cộng hòa), cụ Hồ lại chúc tết. Như đã nói, ông cụ chúc tết bằng thơ, dù thơ không hay. Cần gì hay, cốt yếu là truyền đạt được mệnh lệnh, mục đích, chỉ tiêu để dân chúng, chiến sĩ thực hiện. Hầu như bài nào cũng vậy. Cho tới nay, cụ qua đời đã gần 55 năm nhưng chưa thấy nghiên cứu sinh nào làm luận án tiến sĩ về thơ chúc tết của cụ Hồ, tinh dững lạc sang đề tài cầu lông, bóng bàn, hoạt động của hội phụ nữ… Tôi mà là giám đốc học viện quốc gia nào đó, tôi cho 5 - 7 người đồng loạt làm đề tài này luôn, đặc cách thành công luôn, khỏi cần người hướng dẫn, tổ chức bảo vệ.
Bài thơ chúc tết Mậu Thân 1968 như sau: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà/Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên!/Toàn thắng ắt về ta”.
Bài này đã được khá nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, phát hát trên đài suốt ngày, khí thế lắm. Hai bài còn lại trong nhóm 3 bài cuối đời của ông cụ cũng có số phận sôi động như vậy. Bài Tết Đinh Mùi 1967 là: “Xuân về xin có một bài ca/Gửi chúc đồng bào cả nước ta/Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi/Tin mừng thắng trận nở như hoa”. Bài Tết Kỷ Dậu 1969 là một trong 3 bài viết theo thể lục bát (2 bài kia là Tân Mão 1951, Giáp Thìn 1964), và cũng là bài cuối cùng, chấm dứt sự nghiệp thơ chúc tết của tác giả: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Điều dễ thấy nhất ở những bài thơ chúc tết này là hầu hết đều có nội dung đánh nhau, hiếu chiến, sát khí, đánh thế này, đánh thế kia, kẻ thù này, kẻ thù nọ; thắng và thắng, chúc tết nhưng hầu như không nhắc gì tới người lao động, tới hoạt động lao động sản xuất. Chính ông cụ là người gọi chính quyền Việt Nam cộng hòa là ngụy, cho nên sau này có những đề nghị phải bỏ từ “ngụy” ấy đi, tôi nói thật, bỏ thế nào được, không ai dám bỏ dù rất cần bỏ, ngoại trừ có Gorbachov Việt. Sự hòa hợp hòa giải nhiều khi vướng phải những thứ rất vớ vẩn.
Thông thường, người ta làm thơ khi tức cảnh sinh tình, hoặc trong hoàn cảnh cụ thể tạo sự rung động, cảm xúc (thời trước các nhà thơ gọi cái ấy là “yên sĩ phi lý thuần” - cảm xúc, cảm hứng sáng tạo) thì sinh thơ. Nhưng cụ Hồ làm thơ theo đơn đặt hàng của tổ chức. Bài thơ chúc tết Mậu Thân 1968 là rõ nhất. Có lẽ cụ viết vào lúc gần cuối năm 1967, hoặc đầu năm 1968, lúc vẫn còn năm cũ Đinh Mùi nhưng chưa sát Tết. Viết xong thì đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức thu âm để phát trong đêm giao thừa. Hồi ấy chưa có đài truyền hình. Tại sao vậy?
Theo lời kể của ông Vũ Kỳ, người giúp việc thân tín của cụ Hồ, nửa năm sau của năm 1967 có nhiều biến động về nội bộ. Trung ương liên tục đưa ông Hồ Chí Minh sang Trung Quốc để… chữa bệnh. Tháng 9, họ đưa ông sang Bắc Kinh, ở mãi tới đó, tới gần cuối tháng 12 mới chở về. Cụ chưa nóng chỗ ở nhà sàn, đầu tháng 1.1968, tức khi ấy đã đầu tháng chạp, trước tết nguyên đán Mậu Thân 1 tháng, họ lại đưa sang Bắc Kinh. Cụ trùm sang đó, đàn em ở nhà muốn làm gì thì làm, không cần phải xin ý kiến ý cò, tha hồ họp bàn chuyện đại sự quốc gia. Ông Vũ Kỳ đã kể khá chi tiết chuyện này trên báo quốc doanh. Thơ chúc tết thì cụ đã làm sẵn rồi, chỉ việc phát đúng thời điểm thôi.
Điều khác duy nhất của bài thơ Tết Mậu Thân 1968 so với những bài còn lại, là nó được dùng làm hiệu lệnh tiến công, tổng tiến công trên toàn miền Nam, sau này được gọi bằng cái tên "tổng tấn công xuân Mậu Thân". (còn tiếp)
Nguyễn Thông
KỲ 3 (16-2-2024)
Theo chính sử của nhà nước, cuộc tổng tấn công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là cuộc tấn công chiến lược nhằm mục đích “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, xóa bỏ hoàn toàn chính quyền Sài Gòn, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, mục đích này đã không đạt, cả hai bên đều chịu nhiều tổn thất nặng nề. Thủ đô Sài Gòn cũng như nhiều đô thị khác ở miền Nam, nhất là Huế, bị tàn phá cực kỳ nghiêm trọng, đổ nát, hoang tàn, người dân bị tai bay vạ gió chết chóc thảm thương. Phe “cách mạng” hao người tốn của tới mức phải mấy năm sau mới dần hồi phục. Nhà văn Nguyên Ngọc có kể lại trên báo Nông nghiệp Việt Nam: “Nên nhớ thời đen tối nhất của chiến tranh miền Nam là thời sau Mậu Thân. Bị chúng nó đánh chạy dạt sang tận Campuchia. Đói, chết, rách nát, tan rã, tháo chạy”. Nói gì thì nói, cuộc cốt nhục tương tàn, nồi da xáo thịt, anh em một nhà giết nhau thì chả bên nào thắng, như bác Nguyễn Duy viết “phe nào thắng thì nhân dân đều bại”.
Cuộc tổng tấn công nổi dậy Mậu Thân 1968 chính thức mở màn, nổ súng đúng giao thừa 30 tết, mặc dù tết năm nào cũng như năm nào hai phe đối địch đều công bố thỏa thuận ngừng bắn “để người dân đón xuân vui tết”. Sử “chính thống” và đài báo nhà nước đều nói rõ giờ nổ súng là 0 giờ ngày 30.1.1968, tức bắt đầu mùng 1 Tết Mậu Thân. Như đã nói, hiệu lệnh nổ súng là bài thơ chúc Tết do ông Hồ đọc trên đài Tiếng nói Việt Nam. Chỉ có điều, như sau này người ta phân tích, cả các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và bộ máy tham mưu, tác chiến của Bắc Việt đã không tính, không tỉ mỉ được một số điều cực kỳ quan trọng.
Về thời gian, trước năm 1967, Việt Nam lấy giờ Bắc Kinh làm chuẩn cho âm lịch. Ngày 8.8.1967, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành quyết định đổi lịch, dùng múi giờ GMT+7 làm chuẩn. Vì thế hai miền Nam - Bắc Việt Nam đón Tết Mậu Thân vào hai ngày khác nhau (miền Bắc ngày 29.1 (mùng 1 tháng giêng), trong khi miền Nam vẫn theo lịch cũ là sang ngày 30.1 dương, cũng mùng 1 tháng giêng). Giao thừa khác nhau, lệch nhau hẳn một tiếng đồng hồ, mà miền Bắc lại đón trước, trong khi 1 tiếng đồng hồ sau miền Nam mới giao thừa.
Nếu cứ đồng loạt nổ súng căn vào thơ cụ Hồ thì cũng chả sao, nhưng toàn miền Nam bấy giờ đâu phải chỗ nào, đơn vị nào cũng mở được radio mà chờ hiệu lệnh. Rất nhiều đơn vị cứ căn theo giao thừa, theo giờ của chính quyền Việt Nam cộng hòa, theo đài Sài Gòn, theo tiếng pháo miền Nam đón xuân.
Sự “lệch múi giờ” ấy đã gây ra hậu quả cực kỳ tai hại, không tạo ra được cái mà phe cộng sản kỳ vọng “đồng loạt tổng tấn công nổi dậy khiến địch bất ngờ không kịp trở tay”. Ngoại trừ ở thủ đô Sài Gòn, thì yếu tố bất ngờ đã không còn nữa. Mà ngay tại Sài Gòn-Chợ Lớn, nhiều đơn vị phe “cách mạng” cũng ngơ ngác không hiểu vì sao lại nổ súng sớm thế, không như đã được quán triệt, chỉ đạo. Tôi nhớ ông Trần Bạch Đằng từng có bài nói về chuyện này (đã từng đọc, chỉ có điều tìm chưa ra).
Những năm sau, trong nền văn học cách mạng, cuối thập niên 70 có cuốn tiểu thuyết “Đất trắng” của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh (còn có bút danh Nguyễn Thành Vân), viết về hậu cuộc tổng tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân. Khốc liệt tới mức có cả một thượng tá chính ủy sư đoàn chịu chiêu hồi, đầu hàng. Viên thượng tá chính ủy ấy, trong truyện ông Oánh đặt tên Tám Hà, nhưng có thực. Xuất bản một thời gian, tác phẩm này bị cấm, bởi “bôi xấu hình ảnh cao đẹp của bộ đội giải phóng”. Chỉ “ta thắng địch thua” chứ làm gì có chuyện đầu hàng. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
KỲ 4 (20-2-2024)
Năm xảy ra vụ Mậu Thân 1968, tôi sắp lên lớp 7, anh trai tôi sắp vào lớp 10 (hệ 10 năm). Huyện đội, xã đội đã lập danh sách nhà nọ nhà kia có mấy con trai, đang bao nhiêu tuổi, cứ qua tuổi 16 chạm 17 là gửi trát khám sức khỏe tận tay. Nhà tôi cả già lẫn trẻ, đàn ông đàn bà có 6 người, chưa ai đi bộ đội. Anh tôi biết tương lai gần của mình là vậy nên vừa xong lớp 10 thì lên đường ngay. Sau xuân Mậu Thân, chiến trường khát lính chưa từng có, bao nhiêu cũng không đủ. Điều này xảy ra lần thứ 2 khi mùa hè đỏ lửa 1972 ở Quảng Trị. Khi đó, tôi đang lớp 10, cũng chuẩn bị tâm thế như anh mình, nhưng họ xét thực tế nhà có 2 trai đã đi một nên được tạm hoãn. Nhiều bạn cùng lớp 10 với tôi bị đi và mãi mãi không về.
Chiến tranh, bắn giết nhau, chả ai muốn, nhưng phe phái, ý thức hệ đã đẩy con người vào chết chóc. Nói về nó (chiến tranh) có những lời đau xót muôn đời. Tôi cho rằng “hay” nhất là 3 câu: Vương Hàn (thế kỷ 8 bên TQ) viết trong bài “Lương Châu từ” đúc kết “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (xưa nay chiến tranh đi đánh nhau có mấy ai được trở về). 12 thế kỷ sau, thi sĩ Nguyễn Duy người xứ Thanh chua chát thốt lên “Nghĩ cho cùng/Mọi cuộc chiến tranh/Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Nhưng có lẽ thể hiện đúng bản chất cuộc chiến Bắc - Nam huynh đệ tương tàn là câu “thơ” dân gian “Ba lô con cóc, anh đi em khóc”. Tôi không biết nó có từ bao giờ nhưng sau xuân Mậu Thân 1968 rất phổ biến. Nông thôn, làng quê miền Bắc như trải qua trận cuồng phong, hồng thủy. Xám xịt, u ám, buồn thảm, đàn ông vào chiến trường gần hết, chỉ còn người già, đàn bà và trẻ con. Chinh phu, chinh phụ đều buồn. Kẻ đi người ở đều bi kịch, chỉ những anh mưu mẹo ăn bổng lộc chế độ thì mới cố tình ca ngợi “con đường ra trận là con đường vui” thôi.
Nhân đây cũng nói thêm, cho tới nay có vô vàn cách gọi tên cuộc chiến Bắc - Nam 1954-1975, nhưng càng ngày bản chất của nó càng được chỉ ra đúng như nó vốn có. Rồi có ngày lịch sử sẽ chép lại một cách trung thực chứ không như sử quốc doanh bây giờ. Tôi tò mò để ý, trong các văn nghệ sĩ, nhà thơ nhà văn, nhà báo, trí thức cấp tiến (bị ông tổng bí thư gán cho cái tội “tự diễn biến, tự chuyển hóa”) có những vị đã nói thẳng về nó, trong số ấy phải kể nhà thơ Bùi Chí Vinh, nhà ngoại giao Nguyễn Đình Bin, nhà báo Huy Đức. Bác Bùi Chí Vinh luôn sổ toẹt gọi nó là cuộc huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt. Có lẽ tôi cần biên bài ngắn riêng về bác “thẳng tưng”, nghĩa khí đáng khâm phục này.
Sau Mậu Thân 68, tuổi học cấp 2 cấp 3 thời ấy như anh em tôi đã có thể sàng lọc được thông tin mà nhận biết đúng sai, nhưng sống ở miền Bắc, tất cả chỉ có nguồn duy nhất là bộ máy tuyên truyền của nhà nước, nên họ rót vào tai (qua đài), đập vào mắt (qua báo) thế nào thì đành biết vậy, tin vậy. Phải công nhận điều này: người cộng sản rất giỏi đánh nhau và tuyên truyền. Không ai giỏi bằng họ, cả hai việc ấy. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
KỲ 5 (24-2-2024)
Tôi (và chắc nhiều người lứa tôi) còn nhớ, sau “chiến công” Mậu Thân 1968, bộ máy tuyên truyền ở miền Bắc ca tụng dữ lắm. Cứ như đài tiếng nói Việt Nam, như các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân (hồi thập niên 60 chủ yếu là 2 tờ này, chứ báo địa phương hoặc báo của các tổ chức, đoàn thể khác đều không đáng kể) thì đây là đòn đánh bất ngờ, choáng váng, kỳ diệu, khiến kẻ thù (Mỹ và ngụy, hồi đó chính quyền Sài Gòn bị chết tên là ngụy) trở tay không kịp.
Đài hát suốt ngày, nào là “Tiến về Sài Gòn/ta quét sạch giặc thù/tiến về Sài Gòn/ta tiến về thành đô” (lời bài hát Tiến về Sài Gòn của Huỳnh Minh Siêng (Lưu Hữu Phước). Đoạn này về sau được dân chúng cải lời thành “Tiến về Sài Gòn/ta chiếm nhà mặt tiền/tiến về Sài Gòn/ta chiếm nhà thật toooo”. Các ông Hồ Bắc, Trọng Bằng, Huy Du, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đức Toàn… đều say sưa với chiến thắng, nào là “Ta đang sống những ngày lịch sử/Ta xốc tới bước trên đầu thù/Ta phất cao lá cờ thắng lợi trên Sài Gòn” (Sài Gòn quật khởi, Hồ Bắc), “Chào mùa xuân chiến thắng/khắp nước đang tưng bừng/Cùng vùng lên ta quyết tiêu diệt giặc Mỹ xâm lăng/Ta phá tan tành bè lũ tay sai/Mau tiến tới toàn thắng lợi/Bão nổi lên rồi” (Bão nổi lên rồi, Trọng Bằng), v.v..
Nhà văn Nguyễn Văn Bổng (bút danh Trần Hiếu Minh) khi ấy tham gia cuộc tổng tấn công Mậu Thân đã liên tục gửi tác phẩm ra ngoài bắc để phát trên đài. Nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) con cụ Ca Văn Thỉnh, rồi nhà văn Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn) cũng vậy, bài của họ được đài phát suốt ngày. Đọc xong rồi hát, hát xong lại đọc. Thắng to rồi, giải phóng miền Nam đến nơi rồi, cả người lớn và trẻ con đều bảo vậy.
Tôi nhớ, năm 1969, khi mới vào lớp 8 (hệ 10 năm), đám chúng tôi được thầy Duyên dạy môn chính trị của Trường cấp 3 Kiến Thụy nói về thắng lợi và ý nghĩa của cuộc “tổng tấn công nổi dậy Mậu Thân 68”, đại loại thầy kể quân ta rất khôn khéo, mưu mẹo, chọn đúng thời điểm giao thừa để nổ súng, hai bên đang thực hiện thỏa thuận ngừng bắn, địch có khôn đằng trời cũng không thể nào ngờ được. Thầy phân tích, súng nổ trong tiếng pháo tết râm ran, làm sao chúng có thể phân biệt. Chỉ riêng điều này đã cho thấy quân ta giữ thế chủ động hoàn toàn, thầy Duyên chốt lại. Thầy nói tiếp, nhờ có thắng lợi của Mậu Thân 68 mà Mỹ ngụy đã phải bỏ thói ngoan cố, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán hội nghị Paris, thầy Duyên nói tới đó rồi chỉ tay sang thầy Mạnh dạy tiếng Anh, đây, nói có sách, mách có nhân chứng, ngày mai thầy Mạnh sẽ lên đường đi Ba Lê để phiên dịch. Chúng tôi biết, thầy Mạnh đã dạy tiếng Anh từ thời Pháp, rất giỏi, cả trường tôi có mỗi mình thầy dạy ngôn ngữ này, trong khi tiếng Nga cả nửa chục thầy cô. Thầy Mạnh đi công tác phiên dịch cho hội nghị, bọn học dở dang tiếng Anh bị chuyển sang học tiếng Trung với lớp tôi, do thầy Dừa và cô Vương Ngọc Bảo người Hoa dạy.
Có lần khác, thầy Duyên còn kể cho bọn học trò nghe những chuyện quân giải phóng, nhất là bộ đội đặc công, biệt động đã xuất quỷ nhập thần, thiên biến vạn hóa như thế nào. Không chỉ đánh tan, đánh sập tòa đại sứ Mỹ (như lời thầy kể), cả dinh Độc Lập, biệt động còn đánh những hang ổ Mỹ như nhà hàng Văn Cảnh, Mỹ Cảnh, khách sạn như Victory, Caravelle, cả rạp hát, rạp chiếu phim như Casino, Eden, khiến Mỹ ngụy chết cơ man mà kể… Thầy như người say chiến thắng, khiến chúng tôi bị say theo, chỉ nghĩ tới “ta thắng địch thua” chứ không bợn thêm điều gì. Sau này thì hiểu Mỹ chết một thì dân chết mười. Không khác gì quân khủng bố Bin Laden. Hình như bên thắng cuộc cũng lờ mờ hiểu vậy nên dần dà họ không ca ngợi nữa.
Không chỉ thầy Duyên, các cán bộ tuyên giáo, tuyên huấn, tuyên truyền của bộ máy cầm quyền miền Bắc khi ấy đều như thế. Nhưng cũng chính họ đã cầm tờ báo Nhân Dân đọc cho người khác nghe những điều… ngược lại. Báo Nhân Dân số ra ngày 31.1.1968 (nhằm ngày mùng 3 tháng giêng Mậu Thân) tức là chỉ sau lệnh nổ súng khai hỏa mở màn cuộc tổng tấn công do miền Bắc chủ động tiến hành 3 ngày, đã đăng bài “Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta và người phát ngôn Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam tố cáo: Mỹ và tay sai trắng trợn phá hoại ngày tết của nhân dân ta”. Trong bài, phe cộng sản nhấn mạnh “Mọi người đều biết rằng, ngày 17.11.1967, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã công bố lệnh ngừng tiến công quân sự 7 ngày nhân dịp Tết Nguyên đán để nhân dân miền Nam Việt Nam được tổ chức ngày tết của mình, và nhân viên ngụy quyền, ngụy quân được về đoàn tụ với gia đình theo đúng phong tục lâu đời của Việt Nam. Nhưng đế quốc Mỹ đã tỏ ra rất ngoan cố, chúng đã hủy bỏ hoàn toàn việc ngừng bắn trong ngày Tết Nguyên đán 1968. Thái độ trơ tráo bỉ ổi của Mỹ trong vấn đề ngừng bắn nhân dịp tết là một sự khiêu khích hết sức trắng trợn. Bộ Ngoại giao nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cực lực tố cáo thủ đoạn lật lọng nói trên của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, nghiêm khắc lên án chúng đã chà đạp lên phong tục tập quán của nhân dân Việt Nam” (hết trích). Cùng trên trang báo này còn có bài “Bộ mặt tráo trở, xảo quyệt của đế quốc Mỹ và tay sai”, nội dung tương tự vậy. Cái này, thiên hạ gọi là “gắp lửa bỏ tay người”, rất kinh. Còn bây giờ gọi là "cầm đá ghè chân mình".
Có nhẽ không cần nói nhiều, bàn nhiều về phe nào âm mưu, lên kế hoạch, chủ động nổ súng trước, xé bỏ thỏa thuận ngừng bắn đã ký kết dịp Tết Mậu Thân 1968, bởi tới nay những góc khuất, giấu diếm, xuyên tạc đã bị bạch hóa, kết luận rõ ràng. Ít nhất cũng còn nhân chứng gần chục triệu người miền Nam từ Quảng Trị trở vào. Từ chuyện này, người đời có thể tỉnh táo xem xét lại những chuyện vi phạm hiệp định Geneve 1954, hiệp định Paris 1973 hoặc bất cứ thỏa thuận nào khác, không hẳn như bộ máy tuyên truyền độc quyền đã nhồi nhét vào đầu. Sự tuyên truyền lừa bịp và lịch sử một chiều khiến con người ta ngây ngô và hiểu đời một cách méo mó, thảm hại.
Đã 56 năm trôi qua từ cái đêm giao thừa Tết Mậu Thân kinh hoàng ấy. Rồi các thế hệ sau sẽ dần hiểu để minh định đúng sai, hay dở. Chợt nhớ câu thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên, người đã bị bên thắng cuộc đày ải, giam giữ cầm tù hơn 10 năm trời, dù ban đầu họ chỉ nói rằng “đi học tập cải tạo” một thời gian. Ông đã xóa bỏ hận thù sau chục năm trong địa ngục cộng sản:
Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc bể dâu này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét