Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2024

20240303. BÀN VỀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

 ĐIỂM BÁO MẠNG

VIỆC TỒI, LƯƠNG THẤP VÀ NGUY CƠ BẪY CHỒNG BẪY
PHẠM MẠNH HÙNG/ TVN 23-2-2024

Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng nhưng chất lượng chưa vàng nên khó thoát bẫy “kỹ năng thấp, việc tồi, lương bèo bọt". Chúng ta cần phải làm gì để vượt qua nghịch cảnh?

Giấc mơ "việc tốt, lương cao" trở nên xa vời với số đông người lao động, nhất là khi cả làn sóng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và quy luật đàn sếu bay đang cùng ập đến.   

Sau hơn ba thập kỷ đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu đáng ngưỡng mộ, là ngôi sao đang lên được các nhà đầu tư nước ngoài đặt nhiều kỳ vọng. Mô hình phát triển theo chiều rộng với nền sản xuất gia công thâm dụng lao động giúp giải quyết bài toán việc làm cho số đông lao động phổ thông đưa Việt Nam thoát nhóm nước kém phát triển, gia nhập nhóm nước thu nhập trung bình thấp.

Tuy vậy, Việt Nam duy trì mô hình này quá lâu, chưa có sự chuẩn bị tốt về nhân lực kỹ năng và năng lực khoa học công nghệ (KH&CN) để chuyển đổi sang mô hình phát triển theo chiều sâu tiến tới trở thành nước phát triển thu nhập cao.


Có tới 75% số người lao động Việt Nam khẳng định thu nhập không đủ mức chi tiêu tối thiểu. Ảnh: Nam Khánh

Giáo dục và đào tạo, KH&CN cần phải đi trước một bước để "vàng hóa" lực lượng lao động, xây dựng năng lực KH&CN. Tiếc là chúng ta đã chậm và chưa có sự chú trọng đúng mức cho KH&CN. Giáo dục và đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học và giáo dục nghề cũng như KH&CN được đầu tư quá ít quá dàn trải.

Đến năm 2023, tỷ lệ đầu tư cho R&D của Việt Nam mới chỉ đạt 0,4% GDP, trong khi nhìn sang Trung Quốc, tỷ lệ này của họ vào năm 2020 đạt 2,4% GDP. Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục đại học của Việt Nam cũng rất thấp, chỉ đạt 0,18% GDP năm 2020, nhỉnh hơn số lẻ của Malaysia một chút vào năm 2015 với 1,13% GDP.

Thiếu chú trọng đến giáo dục và KH&CN, chúng ta đang lún sâu vào ‘bẫy’ gia công, lắp ráp ở đáy của chuỗi giá trị ở những ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử... Trong các ngành này, người Việt Nam chúng ta vẫn chủ yếu dùng cơ bắp để kiếm sống, hàm lượng chất xám, công nghệ ít.

Lẽ ra, chúng ta cần chuẩn bị tốt về nhân lực kỹ năng và năng lực KH&CN để chuyển đổi sang mô hình phát triển theo chiều sâu, tiến tới trở thành nước phát triển thu nhập cao.

Thực tế cho thấy tỷ lệ lao động qua đào tạo quá thấp, chỉ chiếm hơn 26% lực lượng lao động năm 2021; tỷ lệ lao động có trình độ từ đại học trở lên mới chỉ chiếm chưa đầy 12%. Số lao động chưa qua đào tạo quá lớn, chiếm hơn 73%, đặc biệt số lao động phi chính thức năm 2021 chiếm tới 68,5% tổng số lao động có việc làm, tương ứng với 33,6 triệu người, có tới hơn 61% lao động phi chính thức chỉ có trình độ tiểu học.

Nhìn sâu hơn, số lao động qua đào tạo cũng còn nhiều vấn đề bất cập về chất lượng, cơ cấu đào tạo cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động...   

Thực tế này kéo theo một loạt hệ lụy tai hại đối với cả người lao động, doanh nghiệp và nền kinh tế. Những thứ dễ thấy nhất là số đông người lao động bị mắc kẹt ở bẫy “kỹ năng thấp, việc tồi, lương bèo bọt", nguy cơ mất việc ập đến bất cứ lúc nào, giấc mơ "việc tốt, lương cao" trở nên xa vời.

Số lao động có “việc tốt lương cao” ở nước ta hiện nay chỉ chiếm hơn 10%, trong khi con số này ở Singapore là hơn 60%.

Lương thấp khiến người lao động sống chật vật. Có tới 75% số người lao động khẳng định thu nhập không đủ mức chi tiêu tối thiểu theo kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tình hình còn bi đát hơn ở nhóm lao động phi chính thức với 47% người lao động thuộc nhóm này có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng; thu nhập từ công việc chính của lao động phi chính thức trong năm 2021 là 4,4 triệu đồng, chỉ bằng hơn nửa thu nhập của lao động chính thức với 8,2 triệu đồng.

Cũng bởi thu nhập thấp nên người lao động không có điều kiện để nâng cao kỹ năng để có công việc tốt, lương cao, còn doanh nghiệp với số đông lao động thiếu kỹ năng thì không có điều kiện tạo ra việc làm tốt và do vậy khiến nền kinh tế rơi vào “bẫy kỹ năng thấp, công việc tồi, lương bèo bọt” và bẫy “thu nhập trung bình”. Tức là bẫy trong bẫy.

Thực tế này là một trong những nguyên nhân chính khiến năng suất lao động của Việt Nam rất thấp. Năm 2022, chúng ta đứng thứ 135/180 nước về năng suất lao động, chỉ bằng 11,4% của Singapore, 35,4% của Malaysia, 64,8% của Thái Lan. Năng suất lao động thấp khiến chúng ta không thể tăng nhanh lương tối thiểu vì nếu làm như vậy sẽ mất lợi thế cạnh tranh, khiến quy luật đàn sếu bay ập đến nhanh hơn.

Hơn nữa, lao động phổ thông giá rẻ sớm muộn cũng mất đi quyền năng của mình bởi lẽ, dù muốn hay không thì thế giới cứ vận hành theo quy luật của nó.

Việt Nam không nằm ngoài quy luật “đàn sếu bay” trong phát triển công nghiệp, cũng không nằm ngoài làn sóng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, lợi ích kinh tế, bàn tay vô hình của thị trường sẽ đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ mới, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo làm giảm sử dụng lao động phổ thông...

Phạm Mạnh Hùng

(Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu về nhân lực, nhân tài, lãnh đạo học, chuyển đổi số, quản trị chiến lược...)

NGUỒN: Việc tồi, lương thấp và nguy cơ bẫy chồng bẫy [https://vietnamnet.vn/viec-toi-luong-thap-va-nguy-co-bay-chong-bay-2252190.html]

TIN LIÊN QUAN:


CẦN 'VÀNG HÓA' LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG
PHẠM MẠNH HÙNG/ TVN 24-2-2024

Hơn bao giờ hết, đây là lúc cần có cuộc đại cải cách đột phá về giáo dục đại học, giáo dục nghề cũng như KH&CN với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng để nhanh chóng xây dựng năng lực KH&CN.

Giáo dục đại học  

Giáo dục đại học cần được tạo động lực đủ mạnh trên ba trụ cột là tài chính, cơ chế, nhân tài để tăng tốc chuyển hóa tiềm năng to lớn của giáo dục phổ thông thành nguồn nhân lực kỹ năng và trình độ cao. Trước mắt, cần lựa chọn một số đại học có tiềm năng lớn để “hích” nhằm nhanh chóng có các đại học tinh hoa tầm thế giới làm đầu tàu kéo hệ thống đại học nước nhà.

Trụ cột tài chính: cần tăng nhanh ngân sách công cho giáo dục đại học lên 0,8% GDP trước năm 2030 như theo đề xuất của World Bank. Việc phân bổ tài trợ, ngân sách cần dựa vào kết quả hoạt động của trường, không chia đều bình quân mỗi trường một ít. Cần lựa chọn và tập trung đầu tư tới ngưỡng để tạo đà và lực cho một số đại học có tiềm năng lớn để nhanh chóng đạt chuẩn quốc tế, ngang tầm thế giới.

Lập Quỹ Chấn hưng giáo dục đại học với các nguồn từ ngân sách nhà nước, đóng góp của doanh nghiệp, ủng hộ của các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước.

Trụ cột cơ chế. Cơ chế tự chủ đầy đủ cần được thể chế hóa bằng các quy định rõ ràng và cụ thể để đảm bảo được thực hiện trên thực tế và nhất quán, các đại học cần có không gian đủ lớn, thông thoáng để phát triển bứt phá, được quyết định về chiến lược phát triển, sử dụng kinh phí, tuyển sinh, tự đưa ra tiêu chuẩn học phí, toàn quyền quyết định vấn đề nhân sự và lương thưởng.


Giáo dục đại học cần được tạo động lực đủ mạnh trên ba trụ cột là tài chính, cơ chế, nhân tài. Ảnh: Thanh Hùng

Trụ cột nhân tài quyết định sự thành bại. Cần có cơ chế mời các chuyên gia, nhà khoa học cũng như các nhà lãnh đạo, quản trị đại học hàng đầu thế giới đến làm việc, cộng tác và truyền nghề.  Các giảng viên, sinh viên, cán bộ đại học được làm việc cùng và học hỏi từ những người giỏi nhất, đây là con đường nhanh nhất để nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy, gia tăng kết nối với thế giới.

Đặc biệt, cần tuyển chọn kỹ lưỡng trên phạm vị rộng để có được các nhà lãnh đạo, quản trị đại học tài năng, đủ tầm dẫn dắt trường đạt chuẩn quốc tế, ngang tầm thế giới. Thực hiện thi tuyển cạnh tranh để tuyển chọn hiệu trưởng. Cơ chế tuyển chọn này cho phép bất cứ ai cũng có thể tham gia nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn và kết quả thi là tiêu chí duy nhất công nhận trúng tuyển. Nếu nguồn trong nước chưa đáp ứng được thì nhất thiết phải chiêu mộ từ thế giới.

Khoa học và công nghệ 

Xây dựng năng lực KH&CN vững mạnh, tập trung vào ngành CNTT, công nghệ sinh học, các ngành KH&CN mới như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu... để bắt nhịp với xu thế thế giới.

Cần hậu thuẫn một số “đại bàng” tư nhân nội về công nghệ để tiên phong tiến ra toàn cầu, có thể hỗ trợ bằng cách giảm thuế, hỗ trợ R&D và nới lỏng các rào cản quy định, thủ tục.

Đối với doanh nghiệp nhà nước, hợp nhất các doanh nghiệp nhà nước hình thành những doanh nghiệp quy mô lớn để có đủ nguồn lực đầu tư phát triển R&D, ứng dụng công nghệ. Mặt khác, giảm doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình cổ phần hóa đã được phê duyệt để nguồn lực được sử dụng hiệu quả hơn và tăng cơ hội phát triển cho doanh nghiệp tư nhân.

Sắp xếp lại hệ thống viện nghiên cứu với ba cấu phần chính là viện nghiên cứu công, viện nghiên cứu ở đại học, viện nghiên cứu ở doanh nghiệp, phân vai theo thế mạnh, đẩy nhanh tốc độ phát triển viện nghiên cứu ở doanh nghiệp. Hợp nhất các viện nghiên cứu công hình thành những viện nghiên cứu quy mô lớn để có đủ nguồn lực và năng lực tiến hành những nghiên cứu, dự án tầm cỡ, có giá trị, lý tưởng nhất là hợp nhất toàn bộ viện nghiên cứu công hiện thời với đa số là còi cọc còn dưới 100 viện. 

Giáo dục nghề nghiệp

Sáp nhập các trường trung cấp, cao đẳng kỹ thuật, dạy nghề, trung tâm nghề theo hướng bỏ bậc cao đẳng để thiết lập đại học nghề hai năm với quy mô lớn có đủ nguồn lực và năng lực cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường.

Đại học nghề đào tạo hai hệ, hệ đại học 2 năm và hệ trung cấp 1 năm. Để đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường, cần cải cách đột phá vào một số vấn đề cụ thể sau như: 1) xây dựng khung chương trình chuẩn, giảm thiểu tối đa các môn học không liên quan trực tiếp tới chuyên môn nghề, chú trọng thực hành theo tỷ lệ  học 20% lý thuyết, 80% thực hành, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp; 2) đảm bảo có đội ngũ giảng viên giỏi… 3) trang bị cơ sở vật chất, thực hành hiện đại.

Xây dựng xã hội học tập, văn hóa học tập suốt đời           

Mỗi người dân cần được trao cơ hội để trang bị kỹ năng, phát triển tối đa tiềm năng bản thân bất kể xuất phát điểm nhằm có kỹ năng phù hợp để có “việc tốt lương cao”. Nhà nước cần đảm nhận vai trò dẫn dắt, thúc đẩy thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội học tập, văn hóa học tập suốt đời.

Cần có chính sách khuyến khích, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho người lao động học tập suốt đời, phát triển năng lực liên tục. Cung cấp các khoá học ngắn hạn, chứng chỉ và chương trình đào tạo trực tuyến để giúp lao động cập nhật kỹ năng và kiến thức mới. 

Triển khai các chương trình nâng cao nhận thức cho người lao động về tầm quan trọng và lợi ích của việc có các kỹ năng, thay đổi suy nghĩ “sáng cấy chiều gặt”, làm ngày nào ăn ngày đó thay vào đó cần có định hướng rất rõ ràng để phát triển bản thân ngay khi còn trẻ, không ngừng nỗ lực học tập nâng cao giá trị lao động của bản thân, rèn tinh thần, tâm thế sẵn sàng bước qua vùng quen thuộc để học kỹ năng mới, nâng cao tinh thần tự học, không ngừng trau dồi để có kỹ năng cao thích ứng với thời cuộc.

Tóm lại, giáo dục và đào tạo, KH&CN phải đi trước một bước để "vàng hóa" lực lượng lao động, xây dựng năng lực KH&CN nhằm chuyển đổi sang mô hình phát triển theo chiều sâu tiến tới trở thành nước phát triển thu nhập cao.

Việt Nam đã khá chậm chân, quá nửa thời kỳ dân số vàng đã trôi qua, thời gian để bứt phá không còn nhiều. Hơn bao giờ hết, đây là lúc cần có cuộc đại cải cách đột phá về giáo dục đại học, giáo dục nghề cũng như KH&CN với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng để nhanh chóng xây dựng năng lực KH&CN, trang bị kỹ năng phù hợp cho số đông dân chúng.  

Phạm Mạnh Hùng

(Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, giảng dạy và nghiên cứu chuyên sâu về nhân lực, nhân tài, lãnh đạo học, chuyển đổi số, quản trị chiến lược...)

NGUỒN: Cần ‘vàng hóa’ lực lượng lao động (TVN 24/2/2024)     [https://www.blogger.com/blog/post/edit/5638668101773813427/286695866170663252#]

TIN LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét