Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

20190827. QUANH VỤ SAI PHẠM BGH ĐH ĐÔNG ĐÔ

ĐIỂM BÁO MẠNG
GIÁO DỤC- DÙ MUỐN BÊNH NHƯNG ĐÀNH PHẢI NÓI CHO RA NHẼ

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 27-8-2019


Đã có một số ý kiến nêu câu hỏi “Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo ở đâu trong vụ Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2 khi Bộ này chưa cho phép”.
Thậm chí còn “Cần phải xem lại quy trình thanh tra, kiểm tra hiện nay.
Việc thanh tra không sát sao, kỹ càng, rất có thể xử lý trong trường hợp này sẽ lại "xì" ra sai phạm ở chỗ khác”. [1], [2]
Nếu đã nêu câu hỏi với Thanh tra thì không thể bỏ qua các bộ phận khác như Vụ Giáo dục đại học, Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Pháp chế, Cục quản lý chất lượng,… và quan trọng hơn cả là phải nói đến trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu khi cơ quan quản lý nhà nước để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực mình phụ trách.
Để tìm hiểu trách nhiệm của các bộ phận nêu trên, xin nêu hai sự kiện.
Sự kiện thứ nhất
Ngày 25/08/2019 tra cứu tại địa chỉ Thituyensinh.vn để tìm kiếm thông tin tuyển sinh của Đại học Chu Văn An, nhận được kết quả “Trường chưa đăng ký thông tin đề án tuyển sinh 2019”. (Xem ảnh chụp màn hình)
Ảnh chụp màn hình Cổng Thông tin tuyển sinh Bộ Giáo dục và Đào tạo
Trong khi hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đều đã công bố điểm chuẩn và gọi sinh viên nhập học thì vì sao vẫn còn có trường “Chưa đăng ký thông tin đề án tuyển sinh 2019”?
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Phụng từng nêu ý kiến “Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đăng tải toàn bộ danh sách giảng viên, danh sách thí sinh nhập học các trường năm 2018 và năm 2019 trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ để người học và xã hội giám sát; thực hiện hậu kiểm đối với các tất cả trường”. 
Vậy khi một đại học không công bố thông tin tuyển sinh cả hai năm 2018, 2019 thì “người học và xã hội giám sát; thực hiện hậu kiểm” như thế nào?
Nếu năm 2019 Đại học Chu Văn An vẫn tuyển sinh bình thường thì Vụ Giáo dục đại học, Cục Quản lý chất lượng và Thanh tra Bộ đã làm tròn trách nhiệm?
Nếu Đại học Chu Văn An chủ động hoặc vì các lý do nào đó phải dừng tuyển sinh thì vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không công bố thông tin cho thí sinh và người dân biết?
Sự kiện thứ hai
Ngày 17/08/2019, liên quan đến việc Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cung cấp thông tin cho báo chí, theo đó Bộ “Chưa nhận được bất cứ văn bản đề nghị nào liên quan đến việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của trường này.
Do vậy, Bộ chưa có văn bản cho phép trường này được đào tạo văn bằng 2”.
Được biết năm 2017 đã có 138 thí sinh trúng tuyển học văn bằng 2 tiếng Anh và năm 2018 Đại học Đông Đô đã phát bằng tốt nghiệp cho hàng trăm sinh viên. [3]
Từ hai tháng trước, ngày 22/06/2019 Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài phản ánh tình trạng này, theo đó dù Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có văn bản cho phép Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2 nhưng ngay từ năm 2015, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Nguyễn Văn Áng đã ký thông báo số 173 gửi Đại học Đông Đô, xác nhận chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 chính quy của trường trường này là 500 người.
Thông tin trên các báo điện tử cho hay ngày 07/03/2017, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính ký “Thông báo số 136/TB-BGDĐT” xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2017 của Đại học Đông Đô là 150 chỉ tiêu cho ba khối ngành III, V và VII.
Thông báo số 136 ngoài gửi Đại học Đông Đô còn gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Vụ Giáo dục Đại học, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo. [4]
Phụ lục đính kèm Thông báo số 136/TB-BGDĐT (Ảnh Dantri.com.vn)
Điều đáng nói là tra cứu văn bản ban hành từ 01/01/2017 đến 30/03/2017 trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục Cơ quan ban hành chọn là “Đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT” nhận được kết quả như sau: [5]
Ngày 03/03/2017 có “Thông báo tuyển sinh đi học tại Bê-la-rut năm 2017”.
Ngày 08/03/2017 có “Thông báo tuyển sinh đi học tại Ba-lan năm 2017”.
Như vậy Thông báo số 136 ban hành ngày 07/03/2017 đã không được cập nhật, lưu trữ trong hệ thống văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo (xem ảnh chụp màn hình).
Ảnh chụp màn hình Cổng Thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo
Phải chăng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo không muốn thông tin giao chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 cho Đại học Đông Đô được công bố?
Nếu Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế không chịu trách nhiệm quản lý các loại văn bản mà Bộ ban hành hoặc Cục Công nghệ Thông tin không chịu trách nhiệm cập nhật dữ liệu thì đơn vị nào chịu trách nhiệm và vì sao lại không tìm thấy thông tin về Thông báo số 136/TB-BGDĐT?
Có hay không sự khuất tất trong việc che giấu thông tin hoặc sự đồng lõa trong việc bưng bít thông tin của một số đơn vị chức năng của Bộ?
Đến đây có thể thấy việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng Bộ “chưa có văn bản cho phép trường này (Đại học Đông Đô – NV) được đào tạo văn bằng 2” là cách trả lời không thuyết phục nếu không nói là một cách chống chế vụng về nhằm trốn tránh trách nhiệm.
Liệu có xảy ra chuyện Bộ trưởng, các Thứ trưởng và các bộ phận liên quan tại Bộ Giáo dục và Đào tạo không hề biết Vụ Kế hoạch Tài chính giao chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh cho Đại học Đông Đô?
Và đến đây không thể không nêu câu hỏi, cá nhân hoặc đơn vị nào đã tham mưu, chắp bút soạn thảo văn bản trả lời báo chí với khẳng định Bộ chưa có văn bản cho phép Đại học Đông Đô được đào tạo văn bằng 2?
Liệu việc ban hành văn bản thông báo này có phải cũng là một cách qua mặt lãnh đạo Bộ và những đơn vị liên quan giống như những gì Vụ Kế hoạch Tài chính đã làm?
Nếu có sự dung túng cho Đại học Đông Đô tuyển sinh văn bằng 2 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan và cũng phải làm rõ trách nhiệm trong việc ban hành văn bản trả lời báo chí không đúng sự thật nêu trên.
Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có biện pháp thu hồi ngay các văn bằng tiếng Anh đã cấp bất hợp pháp của Đại học Đông Đô và các Đại học khác (nếu có), đặc biệt là cung cấp thông tin những người đã sử dụng các văn bằng này nhằm hợp pháp hồ sơ học thạc sĩ, tiến sĩ, bổ nhiệm chức vụ trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên xem xét lại nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục, thanh tra, kiểm tra, kiểm định hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học chứ không phải hoạt động tuyển sinh, mở ngành hoặc đào tạo cụ thể.
Nếu không làm nghiêm từ chính cơ quan Bộ thì sẽ không có hy vọng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục.
Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/tieu-diem/dai-hoc-dong-do-dao-tao-van-bang-2-thanh-tra-bo-giao-duc-o-dau-post201682.gd
[2] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/bo-giao-duc-khong-cap-phep-dao-tao-nhung-van-ky-chi-tieu-van-bang-2-cho-dh-dong-do-561764.html
[3] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dai-hoc-dong-do-khong-duoc-phep-dao-tao-van-bang-2-ngon-ngu-anh-post199627.gd
[4]//dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/lo-dien-don-vi-tiep-tay-cho-truong-dai-hoc-dong-do-vi-pham-dao-tao-van-bang-2-20190824064321758.htm
[5] //moet.gov.vn/tintuc/Pages/thong-cao-bao-chi.aspx
Xuân Dương
BAN GIÁM HIỆU 2 LẦN BỊ KHỞI TỐ, CÓ NÊN GIẢI THỂ TRƯỜNG ĐH ĐÔNG ĐÔ ?
LÊ HUYỀN, THUÝ NGA /VNN 27-8-2019
Từ năm 2001, vi phạm đã xảy ra nghiêm trọng tại Trường ĐH Đông Đô (lúc đó là Trường ĐH Dân lập Đông Đô) khi gọi thí sinh nhập học vượt 2,8 lần so với chỉ tiêu được Bộ GD-ĐT cho phép (chỉ tiêu tuyển sinh 1.400 nhưng gọi nhập học 4.000).
Qua thanh tra nhà trường, Bộ GD-ĐT phát hiện có nhiều sai phạm như chấm bài thi không thực hiện nghiêm túc. Sau khi chấm lại, hơn 1.600 sinh viên trúng tuyển hệ đại học phải chuyển từ hệ đại học xuống cao đẳng; Hơn 70 thí sinh khác phải buộc thôi học vì điểm thi đầu vào quá kém.
Năm 2002, Cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội thực hiện khởi tố Phạm Văn Chóng, trưởng phòng đào tạo; Ông Phan Văn Hạp, nguyên phó chủ tịch HĐQT và Ông Trần Văn Đắc, quyền hiệu trưởng.
Tháng 11/2003, TAND Hà Nội tuyên phạt 3 trường hợp trên mức án tù treo từ 24-30 tháng về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Sau đó, ông Trần Văn Đắc và Phan Văn Hạp kháng cáo (trừ ông Phạm Văn Chóng). Tại phiên xử của TAND Tối cao (năm 2004) tuyên y án sơ thẩm 30 tháng tù treo với bị cáo Trần Văn Đắc và Phan Văn Hạp.
Trường ĐH Dân lập Đông Đô cũng bị Bộ GD-ĐT đình chỉ tuyển sinh năm 2002-2003 và tới năm 2003-2004, Bộ mới đồng ý cho trường tuyển sinh trở lại với chỉ tiêu 500.
Ngày 30/7/2019 vừa qua, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội “Giả mạo trong công tác” đối với 4 bị can, gồm: Dương Văn Hòa, nguyên Hiệu trưởng; Trần Ngọc Quang, nguyên là Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên; Phạm Vân Thùy và Lê Thị Lương là cán bộ Trường ĐH Đông Đô.
Dù không được Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh nhưng Trường ĐH Đông Đô vẫn có phôi bằng để hợp thức hóa hàng nghìn văn bằng. Để hợp lý hóa hồ sơ, Trường ĐH Đông Đô tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần 25 môn và thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong thời gian 1 đến 2 ngày (học viên được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ) và được cấp bằng tốt nghiệp sau 3 đến 6 tháng từ lúc nộp hồ sơ mà không phải đi học.
Như vậy trong vòng chưa đầy 20 năm, Trường ĐH Đông Đô đã hai lần sai phạm dẫn tới một số cá nhân bị khởi tố.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam, cho hay Trường ĐH Đông Đô được thành lập hợp pháp. Những cá nhân như hiệu trưởng bị truy tố theo Điều 395, Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, Khoản 1 Điều 395 quy định : “Người nào chấp hành mệnh lệnh của người có thẩm quyền một cách lơ là, chậm trễ, tùy tiện gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Như vậy, đây là khởi tố cá nhân và những cá nhân làm sai thì phải chịu trách nhiệm.
Theo ông Hậu, dù hiệu trưởng và một số cán bộ bị khởi tố, nhưng quyền lợi của sinh viên và những người đã tốt nghiệp vẫn phải được đảm bảo vì có những người đi học thật, thi thật, đáp ứng những quy định về tuyển sinh, điều kiện đầu ra, quy trình tổ chức quản lý đào tạo, đúng với quy chế của Bộ GD-ĐT.
“Không thể đóng cửa Trường ĐH Đông Đô, vì đây là những cá nhân làm sai. Cụ thể là hiệu trưởng và người quản lý liên quan tới việc này. Việc khởi tố và bắt giam, cá nhân đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, trong giai đoạn điều tra và chờ kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền, Bộ GD-ĐT cần có phương án xử lý, mở rộng việc thanh tra kiểm tra việc cấp chứng chỉ, đặc biệt xem việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở một số cơ sở giáo dục đào tạo. Việc lãnh đạo Trường ĐH Đông Đô bị bắt là do Bộ GD-ĐT không thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên – ông Hậu nói.
Ông Hậu cho rằng, Bộ GD-ĐT cần thanh tra toàn diện, đồng thời sắp xếp lại con người, thực hiện củng cố tổ chức Trường ĐH Đông Đô. Nếu ban lãnh của trường quá tệ, phải chấm dứt hoạt động nhưng phải tính tới phương án có những người không tiêu cực phải được đảm bảo quyền lợi.
Trong khi đó, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho hay việc xảy ra ở Trường ĐH Đông Đô là lỗi cá nhân thì phải xử lý cá nhân. Tuy nhiên ông Tùng cũng cho rằng, Trường ĐH Đông Đô đã 2 lần vi phạm nghiêm trọng đến mức truy tố nên có thể xem xét khả năng giải thể.
Theo Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, tại Điều 96 về Giải thể trường đại học, phân hiệu của trường đại học quy đinh, Trường đại học, phân hiệu của trường đại học bị giải thể trong những trường hợp:
Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quản lý và tổ chức hoạt động của trường đại học, phân hiệu của trường đại học;
Hết thời hạn đình chỉ ghi trong quyết định đình chỉ hoạt động đào tạo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ;
Mục tiêu và nội dung hoạt động trong quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;
Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập trường đại học; phân hiệu của trường đại học;
Không thực hiện đúng cam kết thể hiện trong đề án được phê duyệt hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực.
Báo Thanh Niên ghi nhận ý kiến của ông Trần Bá Giao, nguyên Phó Chánh thanh tra, Bộ GD-ĐT cho hay: Khi còn công tác, ông cùng một số cán bộ của Thanh tra Bộ và Vụ Giáo dục ĐH đề nghị lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng cho giải thể Trường ĐH Đông Đô, vì những sai phạm có hệ thống. Cùng với đó là tính đến phương án cho sinh viên chuyển về các trường ngoài công lập khác ở Hà Nội để đảm bảo quyền lợivà nguyện vọng được học tiếp của các em. Qua nhiều lần thanh tra và kiểm tra đều cho thấy, trường không có khả năng đảm bảo các tiêu chí về tài chính, về cơ sở vật chất; nội bộ kiện cáo lẫn nhau nhiều lần; không đủ tỷ lệ giảng viên cơ hữu.
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học cũng bày tỏ: "Lần trước, sai phạm xảy ra ở khâu tuyển sinh; đến lần này lại là gian lận về ngành đào tạo. Tôi thiết nghĩ, trường này không chỉ gian lận về ngành đào tạo mà có thể còn gian lận cả quy trình tổ chức đào tạo. Cho nên, trước những sai phạm này, tôi nghĩ Trường ĐH Đông Đô xứng đáng bị giải tán".

Lê Huyền - Thúy Nga

TỰ CHỦ ĐẠI HỌC: NHÌN TỪ TRƯỜNG HỢP ĐÔNG ĐÔ 
PHẠM THỊ LY / TBKTSG 26-8-2019

(TBKTSG) - Cho đến nay, mặc dù chưa có kết luận chính thức của cơ quan điều tra, những sai phạm của trường Đại học Đông Đô trong việc mở 17 ngành đào tạo văn bằng 2 đã tương đối rõ sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có công văn trả lời báo chí. Vụ việc này đã làm dấy lên mối lo ngại đã bắt đầu từ lâu, và ngày càng lớn hơn về chất lượng của tấm bằng đại học, và rộng hơn là tự chủ đại học với vấn đề thương mại hóa giáo dục.
Sinh viên chụp hình kỷ yếu ngày ra trường. Ảnh minh họa Thành Hoa.
Trong khi tất cả các bên (quản lý nhà nước, trường đại học, nhà nghiên cứu, giới doanh nghiệp và người học) đều thừa nhận rằng mở rộng tự chủ là điều cần thiết để các trường đại học Việt Nam có thể phát triển, thì lại có rất ít đồng thuận về việc tự chủ nên được thực thi như thế nào để không rơi vào chỗ tùy tiện, vô tổ chức, thiếu trách nhiệm, gây ra hậu quả xấu cho người học và xã hội.
Không kể những trường hợp cố ý hiểu tự chủ là tự do hành động không hạn chế, về mặt lý thuyết, ai cũng hiểu là tự chủ cần đi đôi với trách nhiệm giải trình, nhưng trong thực tế, thì cơ chế nào để bảo đảm trách nhiệm giải trình trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam vẫn còn là một câu hỏi mà các bên đang lúng túng tìm câu trả lời.
Nhìn từ trường hợp trường Đại học Đông Đô, có thể có ý kiến cho rằng đó là hệ quả trực tiếp của những chủ trương mở rộng tự chủ đại học gần đây: trao việc in phôi bằng cho các trường tự thực hiện, thay vì phải xin mua của Bộ GD-ĐT như trước năm 2015; cho phép các trường xác định chỉ tiêu đào tạo chính quy dựa trên khả năng đáp ứng các điều kiện quy định về giảng viên và cơ sở vật chất.
Chỉ riêng với đào tạo văn bằng 2, thì quy định hiện hành vẫn còn yêu cầu các trường có văn bản đề nghị (trên cơ sở đáp ứng đủ các yêu cầu) để Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu và báo cáo Bộ sau khi tuyển sinh, và đó là chỗ mà trường Đại học Đông Đô đã vi phạm.
Cũng giống như mọi tiến trình khác, sự thành công trong việc mở rộng tự chủ đại học cần có thời gian và cần sự đóng góp của nhiều yếu tố khác.
Vai trò của quản lý nhà nước là tạo điều kiện thúc đẩy tiến trình này, chứ không phải là can thiệp trực tiếp vào những quyết định của trường.
Nhưng chúng ta có chắc rằng siết chặt các quy định thì sẽ không có những Đông Đô thứ hai, thứ ba, thứ n? Nói về sự chặt chẽ, thì Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT về việc đào tạo văn bằng 2 và Thông tư 32 năm 2015 (được sửa đổi thành Thông tư 06 năm 2018) về xác định chỉ tiêu của các trường đại học - những văn bản chính thức đang áp dụng cho việc tuyển sinh - không hề thiếu chặt chẽ, thiếu nghiêm ngặt.
Thế nhưng việc đào tạo văn bằng 2 trái với quy định như thế đã diễn ra từ năm 2016, đã tuyển sinh hàng ngàn người mà có vẻ như không ai thấy, hoặc ai cũng làm ra vẻ không thấy.
Nếu vấn đề không nằm ở các quy định, thì nằm ở đâu?
Những cơ chế để bảo đảm trách nhiệm giải trình
Mô hình đại học hiện đại dựa trên hai cơ chế chính là hội đồng trường (HĐT) và kiểm định chất lượng để bảo đảm trách nhiệm giải trình của trường đại học.
HĐT là cơ chế phân chia chức năng lãnh đạo, giám sát và quản lý giữa những bộ phận hay cá nhân có quyền quyết định cao nhất của trường đại học. Về nguyên tắc, chỉ quyền lực mới có thể hạn chế được quyền lực, cho nên quyền quyết định tối cao trong việc điều hành nhà trường của hiệu trưởng cần được kiểm soát và giám sát bởi quyền bổ nhiệm/bãi miễn của HĐT. HĐT không can thiệp vào các quyết định của hiệu trưởng, nhưng họ có trách nhiệm và thẩm quyền xem xét tính đúng đắn của những quyết định ấy khi cần.
Điều này cách đây vài thập niên còn hoàn toàn xa lạ với các trường đại học Việt Nam. Nhờ hội nhập quốc tế, những khái niệm này đang ngày càng quen thuộc với giới quản lý ở Việt Nam. Quá trình làm chính sách trong hơn mười năm qua cho thấy các nhà làm luật đã từng bước cải thiện những quy định đối với vấn đề HĐT. Gần đây nhất là Luật Giáo dục đại học sửa đổi (có hiệu lực từ tháng 7-2019), trong đó HĐT đã được trao quyền lựa chọn hiệu trưởng.
Tuy nhiên, quy định này còn quá mới, và từ quy định đến thực tế vẫn còn một khoảng cách. Còn rất nhiều yếu tố liên quan, như là cách lựa chọn thành viên HĐT, động lực của việc tham gia HĐT, tính minh bạch của quản lý nhà nước với các trường… tác động đến việc liệu HĐT trong bối cảnh Việt Nam có thực sự là một cơ chế để thực hiện trách nhiệm giải trình của nhà trường trước xã hội hay không.
Khác với HĐT chủ yếu là cơ chế nội bộ, kiểm định chất lượng là một cơ chế để nhà trường thực hiện trách nhiệm giải trình với bên ngoài, trước những người được đào tạo chuyên môn để đánh giá về các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường.
Ở Việt Nam, có thể nói hoạt động kiểm định đã tiến một bước rất dài, từ chỗ hầu như là số không cách đây vài thập niên, đến nay đã có các trung tâm kiểm định với đội ngũ kiểm định viên được đào tạo tốt, đặc biệt là đã có nhiều người được học bài bản về kiểm định chất lượng đại học hiện nắm giữ những vị trí trọng yếu ở các tổ chức kiểm định và ở Bộ GD-ĐT. Kiểm định chất lượng đại học là lĩnh vực có những bước tiến nổi bật nhất trong giáo dục đại học Việt Nam xét về mặt chính sách và cả hoạt động thực tiễn trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, kiểm định chất lượng giáo dục đại học lẽ ra là một phương tiện giúp giải trình trách nhiệm và cải thiện hoạt động của trường đại học, nhưng trong thực tế nó có thể chỉ là một công cụ quảng cáo và là những nỗ lực “làm đẹp số liệu”, những thứ không hề mang lại giá trị cho người học.
Minh bạch thông tin - từ khóa để xây dựng niềm tin
Đào tạo đại học là một dịch vụ mà giá trị thực của nó nhiều khi không thấy ngay được. Khi số người có bằng đại học còn ít, người ta có thể chỉ nhắm vào tấm bằng mà không thực sự quan tâm đến những giá trị bên ngoài tấm bằng mà nhà trường mang lại cho người học. Người ta cũng có thể chỉ quan tâm tới tấm bằng, vì biết rằng những gì được học trong trường đại học không có bao nhiêu giá trị sử dụng khi họ ra đời.
Nhưng đến khi người người có bằng đại học, thì vấn đề không phải là anh có bằng đại học hay không, mà là anh có bằng đại học của trường nào. Chất lượng đào tạo của từng trường sẽ gắn với uy tín của tấm bằng đó. Trong bối cảnh cạnh tranh, trường nào “bán bằng” (tức là cấp bằng cho người không đạt được trình độ, năng lực tương xứng trong quá trình đào tạo) là tự giết mình, chẳng khác nào con rắn tự ăn đuôi mình để sống.
Uy tín của từng trường sẽ là yếu tố quyết định sự sinh tồn và thịnh vượng của họ. Nó là thứ phải xây dựng, phải tích lũy qua năm tháng, và không phải là một hằng số bất biến. Nó có thể tăng hay giảm, được tăng cường hay suy tàn. Tuy vậy, đã có một nghiên cứu chứng minh rằng những trường đã tạo lập được một uy tín vững chắc, tựa như cây cổ thụ cắm rễ rất sâu trong lòng đất, thì thường tích lũy được những sức mạnh nội tại giúp nó vượt qua những khó khăn, thách thức nhất thời trong một giai đoạn nào đó. Đó thường là trường hợp những trường đã có hàng trăm năm tuổi, mà người ta thường rất tự hào về lịch sử của nó.
Việt Nam có một nền giáo dục đại học khá non trẻ. Chúng ta có tương đối ít các trường được thành lập từ lâu đời. Ba phần tư các trường được thành lập trong vòng ba mươi năm gần đây. Trong bối cảnh chung của xã hội là thiếu vắng niềm tin, việc xây dựng uy tín của các trường càng trở nên quan trọng. Uy tín tạo ra năng lực cạnh tranh của các trường, vì người ta “chịu chi” đầu tư vào học các trường có tiếng.
Chính sách “Ba công khai” trước đây có thể coi là một trong những chính sách tiến bộ nhất của Bộ GD-ĐT và thường được nhắc tới trong các tài liệu nghiên cứu của quốc tế về giáo dục đại học Việt Nam như là một điểm son đáng ghi nhận; chỉ tiếc là chúng ta vẫn chưa có cơ chế gì để thúc đẩy việc thực hiện nó.
Tự chủ đại học và quản lý nhà nước
Mở rộng tự chủ đại học là một xu thế tất yếu, không thể vì những va vấp trong quá trình thực hiện mà kéo lùi lịch sử. Cũng giống như mọi tiến trình khác, sự thành công trong việc mở rộng tự chủ cần có thời gian và cần sự đóng góp của nhiều yếu tố khác, đặc biệt là sự trưởng thành chung của cả xã hội, sự tham gia của nhiều bên, nhiều tầng lớp trong việc giám sát hoạt động của nhà trường để phục vụ cho lợi ích chung của xã hội.
Vai trò của quản lý nhà nước là tạo điều kiện thúc đẩy tiến trình này, chứ không phải là can thiệp trực tiếp vào những quyết định của trường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét